âm xuống đến đầu thôn Đồng Trầu thì tiếng súng tắt hẳn.
Các bà đi chợ quận về báo tin đại đội biệt kích đã rút. Sâm tiếc ngẩn ra. Định xuống mượn súng đánh một trận ra trò, lại hụt mất. Đành đi thăm các anh du kích vậy. Mỗi ngày một ít, các anh quen thấy Sâm ra chỗ súng đạn, sẽ tin hơn.
Ở chợ Đồng Trầu kẻ mua người bán vẫn đông. Máy may reo tanh tách. Máy xát gạo kêu rò rò tành tành. Hai chiếc ôtô chở khách, bên sườn viết chữ sơn thật to "xe đò", "xe chở hàng tư" để khỏi lầm với xe nhà binh địch, đang trút người và hàng trước trạm gác của du kích. Chị Năm Tân tiếp đồng bào thị xã về thăm vùng giải phóng trong trụ sở ủy ban. Các em đi học chiều đuổi nhau tung tăng trên đường cái. Mấy anh bộ đội xuống mua hàng đang cân một thùng mắm. Không có cái vẻ gì vừa xảy ra chiến đấu. Nếu Sâm hỏi, chắc bà con sẽ nói lơ đãng: "Ờ, mới
tum cốc đâu đó. Chuyện cơm bữa, hơi đâu...".
Qua khỏi chợ, Sâm nghe Tư Sỏi gọi bên đường. Bốn anh du kích đang ăn mì Quảng trong quán bà Lành, nơi mì ngon nổi tiếng. Các bà các chị chen nhau chật quán, nghe các anh kể trận đánh biệt kích vừa rồi. Bà Lành luôn tay đơm mì, chan nước lèo, thay bát, miệng thúc giục:
- Đồng bào ưu điểm cho anh em cũng phải đợi bắc nước mổ gà. Tao đây sẵn đồ ăn nhậu, tụi bay thiệt tình là tao ưng nhứt. Tao không đủ sức mời hết mấy chục anh em, gặp đứa nào khao đứa nấy thôi. Trận mạc binh nhung gì mới ăn vài tô mì đã kêu no! Đây bia cam tao mở sẵn, bay không uống coi như bắt tao đổ!
Thoáng một cái, bà mở thêm bốn năm chai bia và nước cam, nắp sắt nối nhau rơi lách cách. Một chị đến giật cái cần mở bia:
- Thôi bà ơi, để tụi nó còn liên hoan với Hội mẹ nữa!
Tư Sỏi vấy bùn xám từ đầu đến chân, thứ bùn chỉ ruộng Đồng Mè mới có. Riêng cây các bin vẫn sạch bóng. Cây súng ấy Sỏi tước của tên tiểu đội trưởng dân vệ tóc gọng kính đã đưa đi cải tạo sáu tháng trên căn cứ. Sỏi cười ha hả với em gái:
- Các anh bắn sơ sơ mười bảy viên đạn, tụi nó trút một bồ là ít. Ba thằng chết ngoẻo củ từ, năm thằng nữa rên ư ử như chó dàm miệng... Anh em mình hả? Không sao hết. Chỉ rách vài miếng quần. Vườn vắng chủ nhiều gai kinh... Anh Bê cũng được một thằng.
Xã đội phó Sỏi chỉ tạt qua nhà vài ba ngày một lần, nhét túi một nắm thuốc nguyên lá nhà trồng, hỏi qua việc lúa khoai rồi đi biến. Thế nhưng má và Sâm đều thấy Sỏi gần gũi hơn, có mặt nhiều hơn. Lớp vỏ đá bọc người Sỏi đã vỡ tung. Sỏi cười luôn miệng, hát nghêu ngao bằng cái giọng cổ ồ ề. Sỏi còn xưng "con" với má, xưng "anh" với Sâm, nghe dễ thương hẳn ra.
Như cái lò xo bị nén, Sỏi bung lên với tất cả sức nẩy của căm thù, đánh giặc nhưm. Bọn biệt kích đã biết tài bắn của Sỏi, còn bị đồng bào vẽ rằn ri thêm mãi nên hễ nghe các bin nổ chúng lại kêu om sòm: "Tư Sỏi đó, thụt đầu ép đít xuống!".
Các anh du kích né chỗ cho Sâm ngồi bên anh. Bà Lành ấn cốc nước cam vào tay Sâm bắt uống:
- Tao được một đứa như con út này, tao đem treo giải cho du kích. Đứa nào đánh giỏi tao cho không.
Các bà ngồi quanh cũng chen mấy câu đùa. Sâm cứ nhìn xuống đầu gối, nín thít, thấy như ngồi trên gai mít nhưng không dám bỏ đi, sợ vô phép. Sâm chỉ bạo miệng trước những người nhút nhát hơn mình, như anh Bê chẳng hạn.
Sâm biết mình dễ coi, nhưng không thích - hay chưa thích - ai nhắc đến mặt mũi mình, bởi nhân đó các cô bác cứ ghẹo những sự chồng con nghe mắc cỡ chết. Hình như Sâm chưa lấy chồng thì người ta không chịu được hay sao ấy. Ra đường Sâm bị con trai nhìn chằm chằm như người có tì có tích, Sâm đi khỏi là y như rằng có tiếng cười sau lưng. Chơi thân với Chuân thì bị ghép đôi. Bực ghê. Sâm lại mắc cái bệnh hay đỏ mặt, nên càng làm nghiêm càng bị trêu già. Sâm cố nín để máu khỏi bốc lên má, nhưng tập mãi không ăn thua.
Cũng may các anh du kích đã kể tiếp chuyện đánh giặc. Họ nói với cô bác, nhưng thỉnh thoảng liếc xéo một cái về phía Sâm. Nụ cười và bàn tay vuốt tóc trở nên duyên dáng hơn. Câu nói giỡn tế nhị hơn. Sâm chỉ nghe chăm chú mà không để ý đến những thay đổi ấy. Từ khi lớn lên Sâm luôn luôn thấy các anh con trai chưa vợ làm điệu trước mặt mình. Sâm tưởng ở đâu và lúc nào họ cũng vuốt tóc cười duyên như vậy, chỉ riêng anh Sỏi là khác mọi người.
Sỏi hỏi
- Ởnhà nghe nổ, má với em sợ không?
Sâm xịu mặt, nói nhỏ:
- Má không sợ. Còn em ức lắm.
- Sao vậy?
- Chưa được đánh thì ức chớ sao.
Sỏi định đùa một câu, lại thôi, nheo mắt nhìn Sâm. Cái nhìn ấm áp, che chở, hơi giễu cợt nữa. Sỏi không hề sợ mình chết hay bị thương, nhưng chỉ nghĩ đến má hay em gái bị trúng đạn, Sỏi đã ớn lạnh. Bao giờ bức xúc quá sẽ hay. Lúc này còn thong thả, Sỏi chưa muốn em ra trận.
Lựa lúc câu chuyện hơi ngớt, Sâm chào về. Sâm muốn về thật, nhưng đôi chân cứ nhất định rẽ về phía lò rèn ông Rạng, tai đã bắt đầu nghe tiếng đàn độc huyền.
Tổ sản xuất võ khí họp ngồi xổm giữa sân nhà ông Rạng. Các kiểu bàn chông, đạp lôi, mìn giật bày la liệt giữa vòng người. Ông Rạng đang phân trần vì sao không làm được đạn ca líp 12. Xã đội có hơn hai chục cây súng săn tước của "thanh niên diệt cộng", nhưng đạn sắp hết.
Bê xóc xóc mấy cái vỏ đạn trên tay, nói chậm rãi:
- Bốn trăm đạn tom xông mới lấy được, bác để một trăm làm đạp lôi, còn ba trăm bác cứ phá làm đạn ca líp. Hột nổ tom xông dễ tháo nhứt, không khó như đạn chín ly đâu. Thuốc thì hai liều rưỡi của tom xông được một liều ca líp. Ba đầu đạn tom xông nấu được chín viên chì ca líp. Ta cắt thêm ống chì ở nhà ga về, xài thả giàn...
Sâm chen vào. Vừa thấy Bê, Sâm giật mình: anh gầy và đen đi nhiều, hai mắt đỏ hơi sưng. Khốn khổ, lại trắng ngày trắng đêm!
Bê khẽ gật đầu chào Sâm, nói tiếp:
- Bác cho lựa lại vỏ đạn đi. Ta làm cái bàn lùa sắt, lùa lại số vỏ nở nhiều. Cố gắng làm vỏ đạn mới. Kiếm được thứ đạn trọng liên mười ba ly hai, giũa đít đi một ít.
Ông Rạng nhăn nhó:
- Tổ cha thằng Mỹ, bây giờ lại xài toàn đạn đui xết
1?
Anh Trưng vỗ đùi reo:
- Mẹ cha, đạn mười ba ly hai trên gò Chà Là chớ đâu! Sau cái trận ta hốt đồn Đồng Mè tụi tôi mò được bốn thùng đạn chìm dưới vũng lầy, khui ra thấy toàn thứ to bằng cán dao. Đem cho đại đội đui xết phòng không của anh Trân, ảnh không lấy, nói đạn to hơn cỡ súng một chút. Gặp hồi Tây càn đóng đồn lại, tụi tôi phải đem chôn.
Cả tổ mừng cuống, bàn nhau đi đào ngay số đạn ấy.
Sâm ngạc nhiên khi nghe Bê bày cách làm đạn. Con người sao mà lắm tài ngầm. Quen với anh ấy cứ như xuôi thuyền dọc con sông lạ, qua mỗi khúc lại thấy một cái gì mới. Sâm nhớ một hôm anh về ăn cơm, lấy cái giũa con và mấy mẩu nhôm trong bao ra sửa luôn cho má mấy cái xoong sứt quai. Nhoáy cái là xong, chắc như mới... Sâm hỏi anh thuộc thơ không. Không. Sâm cứ đưa cuốn vở bắt anh chép thơ hộ. Anh nghĩ một phút rồi chép thuộc lòng ba bài thơ Tố Hữu. Kỳ cục chưa.
Đợi khá lâu, Sâm vẫn không nghe ai hỏi đến mình. Mọi người đang trao tay nhau cái đạp lôi nhỏ xíu làm bằng viên đạn các bin lắp vào mảnh gỗ. Giá như lúc khác Sâm đã xúm vào xem bằng thích, nhưng hôm nay Sâm muốn gặp riêng anh Bê. Dù ảnh không cần ai thăm hỏi, ảnh cũng phải nghe báo cáo về đội du kích bí mật chứ. Ẳnh phớt lờ Sâm. Người ta coi Sâm như đứa trẻ đến quẩn chân người lớn. Người ta bây giờ là ông chủ tịch rồi mà, thiếu gì kẻ săn đón, đâu phải như hồi nằm hầm rúc bụi mà cần đến Sâm. Thế này mà không giận sao được!
Sâm hầm hầm bỏ ra. Đến ngõ, Sâm dừng đợi một tí gọi là có nhân nhượng, quay đầu nhìn vào. Vẫn không ai chạy theo. Coi vậy mà tệ hết chỗ nói. Ra con Ngọ đùa ác. "Súng trên mình ảnh cũng cởi ra đưa...". Sâm giả vờ không tin, nhưng đã tin thật.
Sâm sải chân đi rất dứt khoát, đá bay luôn một khúc ngọn mía nằm ngang đường.
- Cô Út!
Sâm ngẩng lên. Rân bóp phanh cả hai tay, nhảy xuống xe đạp, cười tươi:
- Tôi lên thăm cô Út, thấy nhà đóng của. Chiều nay tôi phải về trường.
- Anh đi đâu?
- Tôi vô lò rèn nhờ sửa cái xe. Cô cũng vô luôn chớ?
Rất nhanh, Sâm thấy các kiểu chông mìn bày giữa sân nhà ông Rạng. Cái xe mới tinh việc gì phải sửa? Ngoài chới hai tiệm sửa xe đạp kia mà. Con lão phó đại diện giàu sụ, học ít phá của nhiều, đáng ngờ lắm. Sao anh em du kích để hắn sục lên tận nhà Sâm, vào tận đây? Sâm không được lộ mặt, nhưng phải tìm cách chặn hắn lại.
Sâm nói vội:
- Tôi... tôi tới đặt rèn cái cuốc. Ông Rạng đi vắng.
Rân ngần ngừ một tí, rồi trở đầu xe. Hắn nhìn Sâm không chớp. Sâm khó chịu quay đi, thấy ngưa ngứa trên má như dính luồng mắt của hắn.
- Cô Út về nhà để tôi đèo...
- Tôi còn ghé mấy chỗ nữa. Anh cứ đi trước.
Rân không lên xe. Sâm cũng không dám bỏ đi, sợ hắn lọt vào lò rèn. Cuối cùng, Sâm đành phải đi bên hắn về phía chợ.
Con người Rân cũng mới tinh như xe. Áo téc-gan trắng, quần đoóc-giông, mũ phớt, giày da đen mõm nhái, tất cả bốc mùi thơm lựng. Hắn bảnh bao theo kiểu công tử bột với nước da trắng xanh, mái tóc sấy và cặp kính trắng không số. Đúng cái kiểu mà Sâm ghét nhất.
Rân hỏi linh tinh, rồi thấp giọng:
- Sao cô Út không trả lời sáu lá thơ của tôi?
- Tôi lo cuốc đất lật cỏ, ngày giờ đâu viết thơ.
- Mấy cái khăn voan tôi gửi, cô không nhận. Tôi cũng chỗ bạn học với anh Tư, đâu phải xa lạ mà cô... cô đành đoạn vậy?
- Dân làm ăn, xài thứ đó người ta cười thấy mồ.
Rân sạm mặt. Hắn tưởng Sâm im lặng lâu nay chỉ vì giữ ý. Chưa một cô gái nào từ chối hắn một cách ngạo nghễ như vậy, kể cả những cô con nhà giàu học ban tú tài với hắn. Hắn cười gượng:
- Vậy cô Út ưng thứ gì để tôi kiếm. Một chút lưu niệm...
- Cảm ơn, nhà tôi đủ ăn.
Sâm dừng lại để buộc hắn đi trước. Những câu dấm dẳn của Sâm khiến Rân bắt đầu hiểu vì sao Sâm chịu cùng đi và nói chuyện với hắn. Cơn giận kéo dài lâu nay, vừa bị nén một lát đã bùng lại. Rân nói hằn học:
- Bây giờ chắc cô tiến bộ lắm, cô khinh thằng này như rác...
- Tôi trước sao sau vậy.
- Tôi quý cô bao nhiêu, cô làm bộ làm tịch bấy nhiêu.
- Kỳ chưa, làm bộ cái gì?
- Biết mà. Tôi là con địa chủ, con Việt gian. Cô thành phần nông dân. Cảm tình với tôi là mất lập trường. Người ta dạy cô vậy đó. Lát nữa chắc cô ra lệnh cho du kích bắt tôi đưa đi cải tạo, phải không?
Sâm đã nổi khùng, không lấp lửng
- Nói cho anh biết: đây là đất của Cách mạng, tôi là dân của Cách mạng. Anh ăn ở phải chăng thì lui tới bao nhiêu cũng được. Còn cứ giở cái lối xỏ xiên đâm thọc đó ra, đứa con nít cũng trói anh chớ chẳng cần người lớn.
- À để coi ai trói ai!
Mặt Rân xám ngắt. Bàn tay hắn run trên ghi đông. Hắn nhảy lên xe, cười gằn, ném lại một câu cuối cùng:
- Cạn tàu ráo máng. Về sau đừng hối nghe!
Hắn phóng thẳng về phía chợ. Sâm giẫm chân, định kêu bà con vây bắt thằng phản động. Nhưng kịp nghĩ lại, Sâm đi gấp đến trạm gác của du kích. Mỗi chủ nhật hàng năm bảy chục học sinh về thăm nhà tại Kỳ Bường hoặc đi ngang qua Kỳ Bường, gặp anh em ta đều mừng, đều săn đón hỏi chuyện Cách mạng, có ai hỗn xược như thằng này đâu. Chưa có chứng cớ để bắt hắn, nhưng phải theo dõi hắn thật sát. Hắn vừa lộ mặt một phần trong cơn tức.
Rân về nhà lấy gói áo quần, đạp xe thẳng xuống thị xã. Khi Tư Sỏi đến nhà lão Hạnh thì hắn đã đi cách mười lăm phút.
*
- Sâm giận tôi à?
Sâm không đáp. Bê hết vuốt quai tiểu liên lại xốc vào mái tóc quăn:
- Đang họp, Sâm đi hồi nào tôi không hay. Tôi ra chợ tìm Sâm rồi lên luôn đây...
Hai người đi bên nhau trên khúc đường vắng. Sâm đã báo cáo xong việc thành lập đội du kích bí mật bằng cái giọng trăm phần trăm công tác. Bê khen mãi, hứa sẽ bàn với xã đội cấp cho vài cây súng, một số lựu đạn và mìn. Chị em nên kiếm thêm vũ khí, làm nhiều chông bẫy. Bê không cởi súng ra đưa, nhưng cũng vồn vã hết sức:
- Sáng kiến của chị em hay lắm, tôi rất mừng...
Xong chuyện thằng Rân, xong tất cả các việc công để nói với nhau, cả hai đâm lúng túng. Sâm còn thấy mình không nên làm lành vội.
- Má có trách tôi không?
Im lặng.
- Sâm còn giận à? Tôi xin lỗi rồi mà.
Sâm vẫn nín thinh. Sâm vừa nhận ra anh Bê không gọi "cô Út" nữa, và thấy thèn thẹn. Anh chàng lấn một bước rồi nhé. Ban nãy Sâm đi bên thằng Rân, bây giờ sóng đôi với anh Bê. Buồn cười nhỉ. Sâm dắt anh Bê đến giao cho trạm gác: "Theo dõi cho khéo, đừng để ảnh vô nhà tôi". Ai cũng ngơ ngác, nói Sâm điên... Sâm bật cười thành tiếng, quay lại:
- Má không trách. Em cũng hết giận. Xí xóa.
- Hòa bình lập lại...
- Chưa, mới ngừng bắn sơ sơ
Sâm cười. Mắt Sâm sáng quá, Bê không nhìn thắng được.
Anh bộ đội về làng, phải lòng một cô nào, thường áy náy sợ chạm trán với những anh trai làng đang rắp ranh cô ấy, có khi phải đợi chuyển đi nơi khác mới dám gửi về một lá thư hỏi ướm. Bê cũng vậy. Đối với Bê tình yêu cũng như rượu, nhấp một tí là say. Hễ say thì dễ líu lưỡi đỏ mặt. Huống chi Sâm lại là một thứ rượu mạnh cháy cổ, nên từ khi cảm thấy mình đối với Sâm có cái gì khang khác, Bê bắt đầu trốn biệt. Bê còn phải công tác lâu dài ở Kỳ Bường, lỡ có điều ra tiếng vào thì phiền cho Bê mà cũng tội cho Sâm. Bê sợ má Bảy nghĩ: "Té ra mình nuôi ong tay áo". Bê càng sợ Sâm vùng vằng: "Tôi coi anh như anh Tư, đâu có ngờ...".
Mới tính sơ sơ đã có non một tiểu đội con trai muốn làm thân với Sâm, trong đó có một anh cán bộ binh vận của tỉnh đã học đại học Sài Gòn, một anh cán bộ huyện đội rất đẹp người. Còn Bê... "Mình ra cái quái gì. Vụng, xấu xí, chỉ biết nghề đập sắt, học chẳng hay cày cũng dở...". Về nhà má Bảy, Bê làm ngay một việc gì để chân tay khỏi thừa, nhưng khổ nhất là con mắt không biết đặt vào đâu, bởi khi có Sâm ở đấy thì cả cái chai bên bếp, cái cuốc đầu hè cũng ngoái cổ nhìn theo Sâm. Bê giữ ý đến mức lạnh nhạt hẳn đi với Sâm, và thấy những sợi dây tự trói mình cứ siết vào thịt đau buốt. Còn Sâm vẫn trêu không ngớt. Anh Bê dù. Anh Bê còi (Bê vẫn giữ cái còi xe ba bánh để dọa địch). Sau này Sâm đổi gọi là ông chủ...
- Sao lâu nay anh không về nhà em?
- Tôi... tôi bận luôn.
Bê nói dối thảm hại, vì Bê đạp xe lên Đồng Dừa gặp chú Năm nhiều lần. Và Sâm không tha:
- Anh bận đến nỗi qua ngõ không vô được à?
Bê thú thực như người nhắm mắt nhảy sông:
- Tôi sợ người ta bàn tán, Sâm không bằng lòng. Nếu Sâm đồng ý... tôi lên...
Im lặng.
Sâm ngắm bãi cỏ bên trái rất chăm chú như đang tìm con trâu đứt mũi đi rông. Bê xem những dấu dép trên mặt đường, nghĩ: "Mình rất ngu. Nói dối không sách... Cái mương nước chỗ xóm Đình phải sửa lại thành hào giao thông, địch từ xóm Ga bắn qua nhiều... Chắc Sâm giận ghê lắm...". Bê liếc sang trái, thấy một cái tai đỏ ngang mào gà, một cái cổ ba ngấn trên hồng dưới trắng. Bê lại đếm dấu dép và nghĩ những điều rất chi là lộn xộn.
Tiếng phanh xe đạp rít cùng một lần với tiếng reo:
- Đụng rồi!
Cả hai giật mình. Chuân nhảy xuống, hấp tấp:
- Anh Sỏi mời anh trở xuống giải quyết cái vụ xăng. Xe hàng đem lên được sáu thùng xăng, đưa hết cho lão chủ máy xay, lão không chịu chia cho máy bơm. Anh đi xe đạp cho mau, họ đang đợi.
Bấy giờ Chuân mới trông thấy Sâm, và ngờ ngợ đoán mình đến không phải lúc. Chuân ấp úng:
-
Ông xuống Đồng Trầu để anh Bê đèo. Mình về bộ
- Mình xuống làm gì.
Sâm nguẩy một cái, đi thẳng, còn nghe Bê nói với: "Lát nữa tôi lên". Chuân chạy theo dúi vào tay Sâm một trái lựu đạn:
- Thăng lính quen mới gửi cho, để phần
ông. Chuân nhảy lên chỗ đèo hàng, Bê phóng đi.
"Ừ, tại sao mình lại đi tìm anh Bê, giận anh, hỏi vặn anh, rồi bây giờ ngơ ngẩn? Anh ấy không phải bà con, bạn bè, không phải hằng ngày làm công tác với mình như trước nữa, không phải cái gì hết. Hay là... hay là người dưng khác họ đem lòng thương nhau? Tầm bậy. Mình còn lâu lắm mới... ấy. Năm bảy năm nữa. Cấm nghĩ lung tung. Cọc đi tìm trâu. Con gái hư tàn hư tệ...".
Sâm tự hỏi và mắng mình như thế, thấy lòng dịu dần. Mấy anh bộ đội quen đi qua, Sâm chào niềm nở, chỉ đường. Vậy đó, Sâm sẽ thân với tất cả mọi người mà không mến riêng ai cả, có phải thích không... Sâm nắn nắn quả lựu đạn gói trong khăn tay, vui hẳn lên.
Đến bờ sông. Quãng bãi này lác đác có người cuốc đất. Sâm đưa mắt tìm má. Chắc má đang bổ từng nhát cuốc yếu, chậm, nhưng rất bền. Bên đôi rổ sảo, má dựng cái cuốc của Sâm vừa nhờ ông Nhâm tra cho cái cán tre cũ lên nước bóng loáng, rất êm tay. Không lần nào má để cán cuốc chạm đất.
- Ồ!
Sâm bật kêu khi thấy cái xe nước được dựng trước mùa. Nó xinh quá
Cái xe nước bốn bánh nhỏ đang quay êm êm. Mặt trời xuyên nền mây quét xuống những chùm tia nan quạt, một luồng nắng to chiếu trùm trên xe nước khiến nó sáng rực giữa trời đất xam xám của chiều đông. Những ống tre ướt nẩy ánh vàng lóng lánh, kiêu hãnh rót từng vốc bạc vào máng. Làm sao hình dung được quê hương miền Trung với những con sông ngắn, sôi nổi, nước trong xanh thấy được cá bống bò trên đáy cát, nếu thiếu đi những cái xe nước thân thương này? Quãng sông lớn vui với xe nước khổng lồ mười hai bánh, khúc sông nhỏ cũng âu yếm quay cái xe nước con con ngày đêm đưa chất sống vào nuôi lúa nuôi người. Xe nước có mặt khắp nơi và cùng sống với người với lúa.
Sâm mỉm cười, gật đầu chào cái xe nước bạn cũ. Mối tơ vò ban nãy vụt biến. Sâm bận nghe xe nước nói lại với mình bao nhiêu câu chuyện không lời.
Trong tiếng má ru bên nôi em có tiếng nhạc rì rào kín kít của xe nước. Ba má ra đồng, em u ơ tập hóng chuyện với cái xe nước không trông thấy nhưng luôn có mặt trong căn nhà tranh. Khi đời em mở rộng hơn, em vừa đi vừa bò đến tận vườn, tìm ra sông núi ở cái mương xe
2 chảy róc rách bên ụ đất mối. Em lớn lên. Anh Tư với em trải chiếu nằm bên miệng hầm khoét vào bực sông, giữa bom rơi đạn rít em vẫn nghe tiếng xe nước vỗ về. Em nghịch lắm nhé. Những cái trò lặn dưới xe nước, hay đu người cho bánh xe nâng cao rồi nhảy tõm xuống đã để lại trên mông em nhiều con lươn đỏ. Khi đại bác giặc Pháp phá gãy xe nước, em thương quá, vừa tát nước gàu dai vừa khóc. Thế rồi ta đi địch tới. Cũng như mọi thứ khác em quí, xe nước về tay ác ôn. Em nhớ chứ., em đã nghe tiếng xe nước trong đêm chợt dội lên, nghiến răng nức nở khi xác đồng chí trôi mắc vành tre. Em đã thấy những chị tóc xổ tung chạy dọc bờ sông từ nguồn đến biển, gào khóc tìm thây chồng ở mỗi bờ cừ xe nước. Nước mắt em đã nhiều lần rơi trong những giọt lã chã của xe nước, hòa với máu mà con sông uống mặn thêm trên đường ra cửa. Cũng cái xe nước bạn đời của em đã cùng với người đưa tin vui về liên tiếp khiến em rạo rực: đồng chí ta vẫn sống trên ngọn nguồn dòng nước này, cờ đỏ bắt đầu in bóng trên đầu sông, bè chuối mang truyền đơn lặng lẽ ghé vào các bờ cừ. Cảm ơn em đã chung tay giành lại xe nước và đất trời. Xe nước sẽ gắn bó mãi với em, nuôi em đánh giặc giữ làng, giúp em ru và tập nói cho đứa con đầu lòng. Một lớp người mới sẽ ra đời bên xe nước, tất cả lại bắt đầu như trước nhưng tất cả sẽ khác trước, cũng như ngày nắng thay thế ngày mưa...
Bê đạp xe đạp lên đến nơi. Sâm cười tự nhiên, chỉ xuống bãi:
- Em đi làm khoai. Hồi nào rảnh, anh ghé chơi nghe.
Sâm chạy ù xuống triền dốc về phía cái xe nước. Sâm không rủ Bê, nhưng mái tóc kẹp đuôi chồn phất mạnh trên lưng Sâm cứ vẫy Bê đi theo. Bê không dám theo. Một lần nữa, Bê không hiểu nổi Sâm nghĩ gì về mình.
Nhưng Bê không kịp băn khoăn lâu. Mấy bác trong ban thủy lợi vừa đến gặp anh chủ tịch. Bê dựng xe, cùng các bác tính tiếp số ruộng cần nước tưới để cấy thêm vụ. Ở đây cả sông đông chợ, đồng bào thường bỏ một số ruộng cấy mùa trái để đi buôn chuyến hay làm công kiếm tiền, qua tháng hai mới lắp xe nước sửa soạn cấy vụ chính. Nông hội đang vận động bà con dựng xe vét mương ngay từ bây giờ để cấy hết diện tích mùa trái. Cần thêm máy bơm. Có máy lại phải khơi nguồn xăng dầu, thuê thợ. Bao nhiêu là việc. Ngập đầu.
Bê xem đồng hồ, đi vội qua xóm ông Nhâm để họp với ban ruộng đất. Hôm nay duyệt phương án đây. Dòng thác công tác cứ cuốn Bê xa
Không còn nữa những giờ thảnh thơi dưới hầm bí mật, khi Sâm đem cơm cho Bê và nán lại hỏi chuyện Cách mạng. Bê thu người thật gọn để nhường chỗ Sâm ngồi thoải mái, không bẩn áo quần, không ngượng vì chạm con trai. Sâm vừa hỏi rủ rỉ vừa đính cúc áo cho Bê dưới ánh nến. Cho đến nay, Bê chỉ cần nhắm mắt là thấy khuôn mặt Sâm với bốn đồng tiền chấm phẩy nổi sáng trên vách hầm có những vết mai xắn lô xô như mái ngói.
1 Mười hai ly bả. |
2 Mương dẫn nước từ xe nước vào ruộng. |