Chương 13

Thằng bé cắp cặp, theo ông vào nhà. Chỉ nửa phút sau, nó đã thì thầm chuyện trò với ông già. Người đàn bà ngồi trơ ra một mình, trước chiếc cối đá chị đang giã dở nắm rau má, uống cho mát ruột. Chị chợt rùng mình khi nhgĩ rằng rằm Trung thu sắp tới. Tháng tám ta rồi. Cũng những ngày này, một năm về trước, chị ngồi với Mộc, trước hàng hiên căn nhà nhỏ bàn định chuyện cưới xin. Sau Tết Nguyên đán hai tuần, anh sẽ về ở với chị. Tấm màn hoa đỏ rực rỡ, cặp gối còn thơm nức mùi vải vừa giặt nước hồ, bộ ấm chén và chiếc điếu cày mới tinh, chưa một lần đổ nước... Chị tiếc cái quả ngọt chị vừa cắn miếng đầu, niềm hạnh phúc thực sự đã tuột khỏi tay. Chị sững sờ. Như người đi câu đã nắm con chép lớn trong tay mà còn để nó vọt xuống sông, lặn mất.
Hôm sau, hết giờ làm buổi sáng, chị lại về căn nhà riêng ngủ. Chỉ vắng mười hôm mùi mốc đã bốc lên. Lựu đưa tay quệt lớp bụi trên mặt bàn. Những ngón tay chị vẽ thành vệt nâu sẫm trên lớp bụi phấn. Chị mở cửa sau, xuống sân múc nước giếng lau bàn ghế, lau các thành giường, đập bụi chiếu. Rồi ngồi trong căn buồng đã sạch sẽ, gọn gàng trở lại, đầu óc trống rỗng của chị chợt lập lòe một đốm lửa nhỏ. Một mơ vọng mờ ảo nhưng thúc hối. Buổi chiều, chị sang ủy ban, tìm cách gặp Mộc. Anh bận chiếc áo vải xanh vá một bên vai, đang gò lưng cặm cụi trên chồng sổ sách. Thấy Lựu anh nhớn nhác nhìn quanh:
- Anh làm gì thế? Sao lâu nay không đến chơi?
Người đàn bà cố lấy vẻ tự nhiên cất tiếng hỏi.
Mộc bỗng dưng đỏ mặt, đỏ như uống rượu bị bốc hỏa, như bôi gấc chín. Anh không trả lời.
Lựu biết mình lầm. Chính chị đã chủ động cắt đứt quan hệ giữa hai người bằng cách báo tin làm đơn kháng án và quay về nhà Vũ Sinh. Bây giờ, chị hỏi vì sao anh không đến chơi cũng như chị dí thỏi sắt nóng vào vết thương của anh, làm nó thêm nhức nhối. Nghĩ vậy Lựu bước vào, kéo ghế ngồi cạnh Mộc. Trong phòng chỉ có mình anh:
- Lâu nay, anh vẫn ở ngoài phố dấy chứ? Tối nay anh đến chơi nhé.
Mộc vẫn lặng thinh không đáp.
Lựu nài nỉ:
- Ðừng giận em, đến chơi nói chuyện cho vui. Dẫu sao mình cũng là người quen biết...
Hầu như rất khó khăn. Mộc mới bứt được tiếng nói khỏi miệng mình:
- Lựu cứ về trước. Tối tôi đến.
Nói xong, anh cúi xuống ngay, di bút trên những cột số dài dằng dặc. Chiều, Lựu nấu cơm sớm. Rồi chị đun một ấm nước sôi, pha chè, mua ít bánh gai bánh đậu ngoài phố, chờ Mộc đến.
Khoảng bảy giờ, anh mới tới nơi, dựng xe tít ngoài ngõ chứ không dắt vào như mọi bận.
Lựu ngạc nhiên hỏi:
- Sao anh để xe ngoài ấy?
Mộc đáp:
- Khóa rồi. Tôi vào một tí rồi đi ngay.
Anh không còn xưng anh và gọi Lựu là em như trước. Anh xưng tôi một cách rành rẽ, vẽ một đường mực đen giữa hai người. Lựu biết nhưng không đủ can đảm công nhận điều đó. Lựu cung cúc ra ngoài ngõ, bưng chiếc xe đạp khóa của Mộc vào, dựng dưới hiên nhà:
- Cho nó yên tâm. Mất của, bao giờ làm ra được.
Chị nói trống không để khỏa lấp nỗi ngượng ngùng. Mộc ngồi im lặng trong ghế. Lựu bảo:
- Mình ra ngoài hiên ngồi cho mát. Em mang bánh mang nước ra sau.
Nhưng anh đã đáp lại, tự nhiên:
- Thôi khỏi phiền, ngồi đây nói chuyện cũng mát.
Người đàn bà nhìn khóm nhài tốt um tùm lan lên cả hàng hiên. Hoa đã lụi, không còn sót bông nào. Chị biết chị không kéo được Mộc trở lại nữa:
- Anh xơi nước. Bánh còn mới đấy.
Chị rót nước mời anh giọng rầu rầu.
Chàng trai quá lứa im lặng uống nước. Rồi bỗng dưng anh ngẩng lên hỏi:
- Lựu gọi tôi đến có việc gì thế?
Người đàn bà không cười được nữa, đáp:
- Em mời anh đến, để... để...
Mộc ngồi im lặng, cau mày lại.
Lựu đứng trước mặt anh, chiếc ấm nóng bỏng cầm trong tay. Bỗng dưng chị đặt ấm nước xuống, xô đến ôm chặt lấy anh nghẹn ngào:
- Anh còn thương em không anh Mộc?... Anh còn...
Mộc hoảng hốt. Anh tìm cách gỡ vòng tay rít chặt của người đàn bà:
- Này Lựu đừng làm thế... không được... không nên...
Lựu không nghe gì hết. Chỉ còn niềm si mê thúc hối trong lòng. Chị không buông rời anh, giọng rền rĩ:
- Anh Mộc ơi, chỉ có anh yêu em thôi... Chỉ có anh thương em thôi...
Mộc không hiểu và không tin những lời chị nói. Anh cố sống cố chết gỡ cho được vòng tay của người đàn bà cuồng dại:
- Ðừng làm thế... đừng làm.
Anh là người nhát và chất phác. Trước kia, anh yêu người đàn bà ít lời, hiền lành và có khả năng cùng chung sức lo toan xây dựng cuộc đời với mình. Bây giờ, anh không chịu được cơn điên cuồng đang bốc lên rừng rực như ngọn lửa trong chị. Anh có cảm giác kinh hãi như đang đứng trước người bị bệnh rồ, hoặc người điên.
- Này, này...bỏ ra...
Mộc lắp bắp. Cuối cùng, vã mồ hôi, anh đã đẩy được chị và chạy tọt ra ngoài hiên... ở đó, anh vừa thở hổn hển vừa cúi xuống mở ổ khoá xe đạp. Rồi dắt xe ra ngõ, đạp thẳng đi.
Lựu như mê man không biết gì hết trong nửa giờ. Tỉnh táo lại nhớ tất cả mọi điều, chị hổ thẹn nằm khóc. Ðêm qua đi trong những giấc ngủ chập chờn, lẫn những ý nghĩ lộn xộn mù mờ. Sớm hôm sau, Lựu đạp xe tới cơ quan. Chị nhận nhiệm vụ đi mấy xã cuối huyện thay cho một cô vừa ở cữ...
Mùa thu hết, tới mùa đông. Gió bấc thổi hun hút ngoài đồng. Người ta đã mang chăn bông ra đập bụi, phơi phóng và lồng vào những chiếc vỏ đã được giặt, gấp phẳng phiu cất đi từ những ngày hè. Công việc nối tiếp nhau, đều đặn. Trong cơ quan đã thêm ba đám cưới nữa. Các cô cán bộ trẻ đua nhau chiều "bà già" Lựu để chị sẵn sàng đỡ cho một chuyến công tác xa mỗi khi chồng về phép hoặc con đau ốm. Lựu lấy việc làm vui. Nhưng giữa những chuyến công tác, mùa đông vẫn cứ lọt vào đời chị. Cái gió lạng lẽo, không thương xót ai. Nhiều buổi trưa, nằm trong căn nhà ở phố huyện chị quằn quại không ngủ được. Bây giờ, chị ước ao có một người đàn ông, dù không phải là Mộc mà là một anh cán bộ xã, nhưng thương yêu mình. Mộc đã lấy cô kế toán ở cửa hàng ăn uống huyện. Cái ngày chị rồ dại rủ anh tới chơi, là lúc anh đã ướm hỏi cô gái kia rồi. Anh là một chàng trai đứng đắn, dứt khoát và sòng phẳng trong các quan hệ. Cô kế toán kia sẽ là người vợ hạnh phúc. Hạnh phúc đó, đáng lẽ thuộc về chị. Chị đã bắt được con chép tươi rói dưới dòng sông, nhưng chính chị đã để tuột nó đi...
Những sợi tóc bạc đầu tiên xuất hiện trên mái tóc người đàn bà. Ngày lại ngày, những sợi tóc đó nhiều thêm. Mùa đông này nối tiếp mùa đông kia, nỗi xót xa quằn quại trong người đàn bà nhạt dần. Chị béo đẫy ra, công tác hăng hái hơn. ở các cuộc họp Lựu là người hay diễn thuyết. Chị không sắc sảo như Hồng Thắm. Chị nhắc lại những điều Thắm đã nói với giọng cứng nhắc chất phác của mình. Nhiều khi, chính chị cũng không hiểu mình nói gì mà cứ lặp đi lặp lại như một cái máy. Ðám cán bộ trẻ trong hội thì thầm:
- Bà Lựu nhà mình dở chứng rồi đấy. Lúc nào cũng nói đi nói lại một chuyện, y như chị Tường Lâm trong phim Chúc Phúc...
Hồng Thắm nhận thấy những dấu hiệu chứng tỏ Lựu lẩm cẩm. Chị gửi bạn đi an dưỡng Ðồ Sơn, ở Sa Pa. Tất cả tiêu chuẩn nghỉ mát của mình lẫn chồng chị đều nhường cho bạn. Nhưng cả ân huệ đó cũng không biến đổi Lựu trở thành một người đàn bà bình thường có hạnh phúc...
°

*

Mối tình trắc trở, thầm kín của đại úy Vũ Sinh và Hạnh Hoa vẫn kéo dài. Nó giăng từ mùa đông này qua mùa đông khác. Từ khi những nếp nhăn trên mặt họ chưa hề gợn đến lúc những đường chì tàn nhẫn của thời gian tô dưới mi mắt họ một vệt quầng mờ.
Mỗi lần gặp nhau sau này, Hạnh Hoa thường bới tìm những sợi tóc quăn queo, hoặc trắng ngà vì bạc sớm trên mái đầu người yêu. Ðại úy Vũ Sinh cầm tay chị, sờ nhè nhẹ lên những đường gân xanh. Mỗi năm, đường gân xanh ấy càng thêm rõ. Mỗi năm, những ngón tay trắng hồng, mỡ màng của chị càng thon lại, làn da phai dần ánh mịn màng, tươi mát của thời xuân.
"Mình là đàn ông, sự hy sinh đối với mình không dễ dàng nhưng còn chịu đựng được. Còn Hạnh Hoa... Tại sao mình bó buộc cô ấy vào chung nỗi khốn cùng?... Cô ấy đủ khả năng để tìm kiếm hạnh phúc. Cô ấy sứng đáng được hưởng hạnh phúc. Một mái nhà êm ấm, xinh xắn, đủ tiện nghi. Một căn buồng riêng với chăn ấm giường êm và những chiếc gối trắng. Những tối đi nghe hòa nhạc, xe phim, đi chơi ngoài công viên. Những cử chỉ âu yếm, săn sóc thường ngày. Những ve vuốt say đắm khiến người đàn bà tươi rói như bông hoa dưới làn nước mát... Yêu mình, thiếu tất cả mọi thứ đó. Cuộc sống chờ đợi, khắc khoải, lang thang... Cô ấy sẽ héo dần như bông hoa trong bình không rễ cắm xuống hút nhựa sống của đất đai. Cô ấy sẽ tàn lụi đi... Tới lúc nào, cả hai bên đều chợt tỉnh thì mọi sự đều đã muộn. Không còn thời gian nữa... Không còn...".
Ðại úy Vũ Sinh nghĩ đi nghĩ lại điều đó hàng ngàn lần. Hàng ngàn lần anh định chủ động từ bỏ Hạnh Hoa, để cô kiếm tìm hạnh phúc khác. Phải cương quyết làm như vậy. Nếu không mình chẳng phải là một người đàn ông... Ðại úy Vũ Sinh nghiêm khắc nói với anh, bằng tiếng nói lạnh lùng của lý trí.
Nhưng khi gặp cô, khi nắm đôi bàn tay cô ủ trong ngực mình, khi hôn đôi môi xinh tươi của cô, hôn cặp mắt xa vời đến nhanh. Anh không còn đủ can đảm nói lên điều đó. Hai người quấn lấy nhau nhưnhững loài dây leo bền chặt trong rừng sâu. Ðến hơi thở của mỗi người, đối với người kia cũng là khí trời không thiếu được.
Và cứ thế, những khoảng khắc nối nhau rơi vào quá khứ. Cho tới một ngày...
Ðó là một buổi chiều mùa thu, Vũ Sinh chờ Hạnh Hoa gần bốn giờ liền xe mới tới. Hai người không kịp nói một câu, vội vã rời khỏi bến xe ồn ào, hỗn độn. Nơi bất cứ lúc nào, Vũ Sinh cũng có thể gặp học viên trong trường hoặc người làng từ trên tỉnh về chơi.
Họ rẽ vào nhà một bà bán nước ven đường, ra giếng xin rửa nhờ mặt mũi,chân tay. Sau đó, hai người vào quán của chủ nhân. Ðể trả ơn, họ phải ăn no bánh chưng với chuối chín. Mặc dù bánh chưng vừa lại gạo, vừa sạn và chuối chín đã nẫu hết sau lưng. Quán vắng teo, nên cặp tình nhân vừa nói chuyện, vừa ăn vặt tới khi tối mịt mới thanh toán tiền, đi ra. Trăng hạ tuần chưa lên, trời sáng mơ hồ nhờ ánh sao và lửa đom đóm xanh lập lòe dọc các bờ cỏ.
- Em có khát không? Vũ Sinh hỏi người yêu.
- Có, em khát cào cả ruột. Lúc nãy, ngồi ở quán, cứ ăn mãi kẹo lạc mà không dám uống nước.
Người đàn bà lại nói:
- ž, ấm chén bẩn kinh người. Nước đục lại như pha nước giếng làm sao mà em uống được?
Người đàn ông vừa nói vừa cười: anh biết vậy lên phải đem nước theo đấy.