Theo lời đốc thúc của bà Merriwether, bác sĩ Meade hành động ngay bằng hình thức một bức thơ gởi báo chí, không nêu đích danh Rhett nhưng lời lẽ trong thơ rõ ràng là ám chỉ hắn. Người chủ bút đánh hơi được tánh chất bi thảm xã hội, liền cho đăng bức thơ vào trang hai. Đây là một sửa đổi bất ngờ vì hai trang đầu tờ báo thường dành cho những mục quảng cáo và rao vặt về nô lệ, ngựa la, cày bừa, quan tài, nhà bán hoặc cho thuê, thuốc phá thai hoặc thuốc hồi sinh cho các người già cả.Lá thơ của bác sĩ Meade gây ra một luồng sóng bất bình lan tràn khắp miền Nam nhằm vào bọn đầu cơ trục lợi, bọn nhà thầu cho chánh phủ. Tình hình ở Wilmington, hải cảng rộn rịp nhứt từ khi Charleston bị chặn nghẽn hẳn bởi pháo hạm Yankee đã trở nên căng thẳng. Bọn đầu cơ đông như kiến ở Wilmington. Sẵn tiền mặt, bọn chúng mua hết hàng hóa từ tàu cất xuống và tích trữ để làm vật giá tăng lên. Vật giá luôn luôn phải gia tăng vì hàng thiết dụng rất hiếm, giá cả nhảy vọt từ tháng một. Dân chúng phải cố gắng tự xoay sở nếu không muốn mua theo giá của bọn đầu cơ. Người nghèo và giới trung lưu ngày càng chịu khổ sở nhiều hơn. Vật giá càng tăng, tiền tệ Liên bang miền Nam càng mất giá, và cùng với nhịp độ phá giá gia tốc đó, nổi lên một phong trào tiêu thụ xa xí phẩm loạn cuồng. Nhóm vượt phong tỏa được ủy thác mang nhu yếu phẩm về và chỉ được chở theo một ít món xa xí kể như hàng phụ thuộc, nhưng bây giờ hàng hóa sang trọng được chất đầy thuyền thay vì hàng thiết dụng cho Liên bang miền Nam. Dân chúng điên cuồng mua xa xí phẩm với số tiền sẵn có, sợ để đến hôm sau tiền lại mất giá và hàng hóa lại sẽ tăng cao hơn.Thêm tình hình càng nguy khốn hơn là chỉ còn có một thiết lộ độc nhứt nối liền Wilmington và Richmond, và trong khi hàng ngàn thùng bột mì, thịt heo muối nằm sình chương nơi các ga nhánh chờ được mang đi, thì bọn đầu cơ rượu vang, vải vóc và cà phê hình như lúc nào cũng có thể đưa tới Richmond các thứ hàng của họ thật dễ dàng, hai ngày sau khi cặp bến Wilmington.Những lời xầm xì lén lút nay đã được bàn tán công khai cho rằng Rhett Butler không những bán hàng do bốn chiếc tàu của hắn mang vào với một giá cắt cổ, hắn lại mua hàng của những tàu khác để tích trữ đầu cơ. Người ta còn nói rằng hắn cầm đầu một cơ cấu hơn một triệu đô la vốn và đặt bộ chỉ huy tại Wilmington để vét mua hàng vượt phong tỏa ngay dưới bến. Bọn hắn có hơn một chục nhà kho ở đó cũng như ở Richmond. Cửa hàng, nhà kho của bọn hắn đầy ứ hàng vải, thực phẩm tích trữ để đợi bán giá thật cao. Binh sĩ và dân chúng đã bắt đầu hiểu và những lời chỉ trích hắn càng ngày càng gay gắt hơn.Đoạn cuối bức thơ ngỏ, bác sĩ Meade viết:"Có nhiều công dân yêu nước và dũng cảm trong lực lượng Hải quân Liên bang miền Nam được ủy nhiệm phá phong tỏa. Những người bất vụ lợi nầy đã hy sinh tánh mạng và tài sản của họ để cho Liên bang miền Nam sống còn. Họ được người miền Nam ghi ơn tận đáy lòng, và không ai dám phàn nàn về những món tiền lời ít oi mà họ kiếm được trong những chuyến gian nguy ấy. Họ là những nhà quí to6.c xả kỷ, chúng ta tôn vinh họ. Đối với những người nầy tôi không dám động tới."Nhưng rất nhiều kẻ đê tiện khác, chỉ lợi dụng việc phong tỏa để kiếm lợi. Tôi kêu gọi sự phẫn nộ chánh đáng và lòng thù hận của nhân dân một miền lâm chiến, đang chiến đấu cho chính nghĩa, tôi kêu gọi phẫn hận lên đầu bọn kên kên chỉ mang về toàn sa tanh, đăng ten trong khi chiến sĩ ta bỏ mình vì thiếu ký ninh. Đó là những kẻ chất đầy tàu của chúng toàn là trà và rượu trong khi các anh hùng chúng ta đang oằn oại đau đớn vì thiếu mọt phin. Tôi nguyền rủa những tên hút máu người, chúng chỉ biết rút rỉa xương máu những chiến sĩ theo chân Robert Lee... những tên đã làm cho danh vị "người hùng chống phong tỏa" trở thành một mùi khó ngửi đối với toàn thể dung dưỡng những con ký sinh trùng đó giữa xã hội chúng ta để chúng mang những đôi giày bóng lộn trong khi chiến sĩ ta giẵm chân không vào bùn lầy chiến trận? Làm sao chúng ta có thể khoan dung cho chúng uống sâm-banh, ăn dồi Strasbourg trong khi binh sĩ ta run rẩy quanh lửa trại, gặm thịt heo muối dơ bẩn? Tôi kêu gọi những người trung thành với Liên bang miền Nam hãy xua đuổi chúng".Dân Atlanta đọc báo, biết rằng lời sấm đã được loan truyền và để chứng tỏ là người trung thành với Liên bang miền Nam, họ hấp tấp xua đuổi Rhett.Trong tất cả các gia đình đã đón tiếp hắn mùa thu 1862, gần như chỉ còn có nhà cô Pittypat vẫn tiếp đón hắn vào đầu năm 1863. Và nếu không vì Melanie, có lẽ hắn cũng chẳng được nơi đây thừa nhận. Cô Pitty cứ sốt vó lên khi hắn có mặt trong thành phố. Cô biết rõ bạn bè đã nói thế nào khi cô chấp nhận hắn đến thăm, nhưng cô vẫn không đủ can đảm bảo hắn đừng đến nữa. Mỗi lần hắn đến Atlanta, cô mím môi quả quyết là sẽ chờ hắn ở cửa và cấm hắn vào. Nhưng lần nào hắn cũng tới với một gói quà trên tay, những lời tán tụng duyên dáng của cô và rồi cô bỏ cuộc. Cô than thở:− Cô chẳng biết làm sao. Ông ta chỉ nhìn cô và cô... khiếp sợ là ông ta có thể làm cái gì đó nếu cô cấm cửa. Ông ta mang tai mang tiếng dữ quá. Các cháu nghĩ có khi nào ông ta đánh cô không... hay... hay cháu ơi, phải chi Charlie còn sống! Scarlett, cháu phải nói ông ta đừng tới nữa, nói cho khéo léo. Chúa ơi, cô tin là cháu khuyến khích ông ta, rồi cả thành phố đang đồn rùm lên, và tới chừng mẹ cháu hay ra, cô mới làm sao đây? Melly, cháu có thấy cô cần phải viết cho Henry bảo chú ấy nói với thuyền trưởng Rhett không?− Không, cháu không muốn vậy. Cháu cũng không xử tệ với ông ấy được. Cháu nghĩ là mọi người đã quá oán hận ông ta nên không chịu suy nghĩ kỹ. Theo cháu thì ông ấy không quá xấu xa như lời của bác sĩ Meade và bà Merriwether, ông ta không hề cất giấu thực phẩm với người đói khổ. Mới đây ông ấy đã giao cho cháu một trăm đô la để giúp trẻ mồ côi. Cháu tin là ông ấy cũng đầy đủ chân chánh và lòng ái quốc như bất kỳ ai nhưng ông không muốn tự biện hộ. Cô biết là đàn ông một khi đã nổi cơn lên là ngang bướng vô cùng.Cô Pitty nào biết đàn ông ra sao, dầu họ nổi cơn hay ở trạng thái nào cũng vậy. Do đó, cô đành đưa hai cánh tay mủm mỉm lên trời, tỏ dấu bất lực. Phần Scarlett, từ lâu nàng đã quen lần với cái lối nói tốt cho kẻ khác của Melanie. Nàng cho rằng chị chồng mình điên, nhưng biết làm sao hơn.Scarlett biết là Rhett chẳng thương nước thương non gì cả, và thà chết còn hơn là phải nói ra điều đó. Nhưng có cần gì, cứ thỉnh thoảng hắn lại mang tới một vài món quà nho nhỏ mua từ Nassau về, đó mới là điều đáng kể. Với đà vật giá leo thang mãi, nàng biết tìm đâu ra kim may, kẹo mứt và kẹp tóc nếu nàng cấm cửa hắn. Không, tốt hơn là trút hết trách nhiệm vào cô Pitty vì cô chính là chủ gia đình, là người giám hộ cũng là người canh giữ đạo đức. Scarlett biết rõ những lời đàm tiếu của thiên hạ về Rhett, và cả nàng nữa; nhưng nàng cũng biết trước mắt dân thành phố Atlanta thì Melanie nhứt định không phải là người bậy bạ và nếu Melanie vẫn tiếp tục binh vực Rhett thì những cuộc viếng thăm của hắn vẫn còn có vẻ khả kính.Tuy nhiên, cuộc sống có vẻ thoải mái hơn nếu Rhett chịu khó bỏ cái thói kỳ khôi của hắn. Được vậy nàng sẽ khỏi phải bối rối khi mọi người ngoảnh mặt đi lúc nàng cùng dạo chơi với hắn trên đường Cây Đào.Có lần nàng trách hắn:− Ông có nghĩ gì thì nghĩ, sao lại phải nói ra? Nghĩ thì nghĩ nhưng ngậm miệng lại, phải yên lành hơn không?− Đó là phương pháp của cô, phải không cô gái mắt xanh đạo đức giả? Scarlett! Scarlett! Tôi hy vọng cô can đảm hơn lên. Tôi nghĩ là người có dòng máu Ái nhĩ lan cứ nghĩ sao nói vậy và điều toàn thiện sẽ tự nó tới sau cùng. Nói thật coi, có lúc cô muốn nổ tung ra vì bắt buộc phải ngậm miệng không?Scarlett miễn cưỡng nhìn nhận:− Phải, tôi chán quá khi nghe họ nói tới chánh nghĩa hết sáng tới chiều, hết chiều tới tối. Nhưng trời ơi, ông có thấy không, nếu tôi nói ra như vậy sẽ không ai còn tiếp chuyện tôi và còn ai chịu khiêu vũ với mình nữa.− À, ra vậy. Vậy là người ta chỉ cần được khiêu vũ, bằng mọi giá. Tôi phục cái tánh tự chủ của cô nhưng tôi không thích được vậy. Tôi cũng không muốn khoác chiếc áo ái quốc lên người dầu có lợi ích cho mình tới đâu cũng vậy. Đã có nhiều nhà ái quốc ngu ngốc liều cho đến đồng bạc cuối trong việc phong tỏa để rồi sau đó bị khánh tận. Tôi không thuộc thành phần đó, đoạt kỷ lục ái quốc hay làm cho danh sách mấy tên phá sản dài thêm ra. Hãy để yên họ trong vầng hào quang đó. Họ đáng mang nó... lần nầy tôi nói thật tình... vả lại, họ chỉ hưởng vinh quang trong một hay hai năm là cùng.− Miệng mồm ông độc quá. Ông nói vậy nhưng vẫn biết là Anh và Pháp sẽ đứng bên cạnh chúng ta một ngày gần đây và...− Kìa Scarlett, cô vừa đọc báo chớ gì! Lạ quá! Đừng đọc nữa! Chỉ làm rối trí thêm thôi. Cô biết không, tôi vừa ở Anh về chưa được một tháng. Anh quốc không bao giờ giúp Liên bang miền Nam. Anh quốc không chịu về phe với kẻ yếu thế đâu. Đó là đặc tính của người anh. Hơn nữa, cái bà Hòa Lan mập ú đang ngồi trên ngai vàng là một người rất sợ Chúa và không tán thành chế độ nô lệ. Công nhân xưởng dệt Anh có chết đói vì không có bông vải của chúng ta cũng mặc... không bao giờ... không bao giờ họ ra tay để duy trì chế độ nô lệ. Còn nước Pháp, cái bóng yếu ớt của Nã Phá Luân đó mãi bận rộn chuyện thôn tính Mễ Tây Cơ, chẳng còn cách nào để lo lắng cho chúng ta đâu. Thật ra, ông ta vui sướng là có cuộc chiến nầy, vì nó làm chúng ta không thể nào xen vào chuyện ông ta ở Mễ Tây Cơ... Không, Scarlett, bảo rằng nước ngoài sẽ can thiệp chỉ là óc tưởng tượng của nhà báo để nâng cao tinh thần người miền Nam thôi. Liên bang miền Nam đã cùng đường. Nó đang sống như con lạc đà sống nhờ cái bướu. Và cái bướu dù lớn tới đâu cũng không phải là nguồn vô tận. Tôi sẽ hoạt động sáu tháng nữa trong vụ vượt phong tỏa rồi thôi, vì sau đó tình hình sẽ nguy hiểm hơn. Tôi sẽ bán tàu cho mấy tên người Anh ngu ngốc vẫn tin là còn làm ăn như vậy được. Nhưng dầu sao tôi cũng chẳng có gì bận tâm. Tôi đã kiếm khá nhiều tiền, toàn là tiền vàng gởi ở ngân hàng Anh. Tiền giấy đối với tôi vô giá trị.Lời nói của hắn bao giờ cũng đầy đủ lý lẽ. Người khác có thể cho đó là những lời phản nghịch, nhưng đối với Scarlett, nàng thấy nó dễ hiểu và xác đáng. Tuy thế, nàng cũng phải làm ra vẻ như là một phụ nữ quí tộc đáng tôn kính.− Tôi cho rằng những gì bác sĩ Meade viết về ông là đúng, thuyền trưởng Butler! Chỉ có một cách chuộc tội là đầu quân sau khi đã bán hết mấy chiếc tàu. Dầu sao ông cũng là sinh viên trường Võ bị West Point và...− Cô nói như một người đang truyền giáo. Thí dụ tôi không muốn chuộc tội thì sao? Tại sao tôi phải chiến đấu để bảo toàn một tập thể đã loại tôi ra? Tôi còn sung sướng để cho nó sụp đổ luôn.− Tôi chưa hề nghe nói tới một tập thể nào cả.− Chưa à? Cô cũng là một phần tử trong đó, cũng như tôi. Tôi dám cá rằng cô chẳng ưa gì nó, như chính tôi đây. Nầy, tại sao tôi lại là con chiên ghẻ của gia đình Butler? Có gì đâu, chỉ vì tôi không phù hợp được với tập tục Charleston trong khi Charleston là tiêu biểu của miền Nam, hay hơn thế nữa. Tôi không hiểu là cô có nhận thấy khó chịu vì tập tục nầy không? Phải sống y như mọi người, có nhiều chuyện vô hại mà mình không có quyền làm. Có nhiều chuyện vô lý làm tôi chán nản quá. Chuyện tôi không chịu cưới cô gái đó, chắc cô đã nghe, chỉ là mức chót sự chịu đựng của tôi. Tại sao tôi phải lấy một con nhỏ khùng khịu, chỉ vì một tai nạn xảy ra khiến tôi không đưa nó về tới nhà trước khi trời tối? Và tại sao tôi lại phải để cho thằng anh mắt đỏ ngầu của nó bắn chết tôi trong khi tôi bắn chính xác hơn? Dĩ nhiên tôi sẽ được coi là một nhà quí tộc nếu tôi để cho hắn giết tôi và cái chết đó rửa sạch vết nhơ cho gia đình Butler. Nhưng... tôi muốn sống. Và do đó, tôi còn sống và toại nguyện... khi nghĩ tới thằng em tôi, sống giữa đám ngu đần thánh thiện ở Charleston, và nhớ đến con vợ phục nghịch của nó với những dạ hội mừng nữ thánh Cecilia và những cánh đồng lúa bao la của nó... là tôi thấy không hối hận đã ly khai cái tập thể đó. Scarlett, lối sống của người miền Nam mình cũ kỹ như chế độ phong kiến thời trung cổ. Lạ một điều là sao nó vẫn tồn tại. Nó phải bị đào thải và đang bị. Cô có muốn tôi phải nghe theo những diễn giả kiểu bác sĩ Meade để cho rằng chánh nghĩa chúng ta là chánh đáng và thiêng liêng không? Và cô có muốn tôi hăng máu lên vì tiếng trống trận để vồ lấy súng rồi xông tới Virginia và đổ máu cho Marse Robert không? Cô cho tôi là một thằng điên à? Ôm hôn con roi đang quất vào mình không phải là đường lối của tôi. Miền Nam đối với tôi chẳng còn nợ nần gì nhau. Miền Nam có lần làm tôi suýt chết đói. Nhưng tôi thoát được và tôi đã kiếm khá nhiều tiền nhờ cơn hấp hối của miền Nam để đền bù việc mất quyền trưởng tử của tôi.− Tôi cho rằng ông là một kẻ ti tiện và hám lợi.Scarlett nói không suy nghĩ. Hầu hết lời lẽ của hắn đều lọt khỏi tai nhưng cũng đủ làm nàng hiểu. Bọn người quí phái thường có những hành động điên rồ, như nàng cứ phải làm như tim mình đã được chôn theo chồng trong khi nó vẫn còn đập mau trong lồng ngực. Và thiên hạ đã giận biết bao khi thấy nàng khiêu vũ trong hội chợ.Người ta đã nhíu mày tức tối khi thấy nàng thoát ra ngoài khuôn mẫu dầu chỉ một ít thôi. Nhưng nàng vẫn phân vân khi nghe hắn tấn công vào thành trì tập quán đã làm khốn khổ nàng không ít. Nàng vẫn phải sống bên cạnh những người giả vờ lịch sự lúc nào cũng khó chịu khi nghe nàng nói ra những ý nghĩ riêng.− Hám lợi à? Không, tôi chỉ là người biết lo xa. Có lẽ điều đó cũng đồng nghĩa với hám lợi. Vì những người không biết nhìn xa như tôi thường bảo vậy. Bất cứ người dân trung thành nào của Liên bang miền Nam có được một ngàn đô-la trong tủ năm 1861 cũng có thể làm như tôi, nhưng có bao nhiêu kẻ hám lợi biết chụp lấy cơ hội? Đây nầy, ngay sau khi căn cứ Sumộter thất thủ và trước khi chiến dịch phong tỏa được thi hành, tôi mua hàng ngàng kiện bông vải với giá rẻ mạt mang sang Anh. Tôi cho chứa cả trong một kho hàng ở Liverpool và không bán. Tôi giữ đó cho tới khi các nhà máy dệt ở Anh cần bông vải quá phải ưng thuận theo giá của tôi. Tôi cũng sẽ chẳng ngạc nhiên chút nào khi bán được một đô-la mỗi cân.− Thôi, đừng kể chuyện voi đậu trên cây.− Tôi tin là sẽ được giá đó. Bông vải bây giờ giá bảy mươi xu một cân rồi. Tôi sẽ trở thành giàu có khi chiến tranh kết thúc, Scarlett, đó là vì tôi biết nhìn xa... à quên, xin lỗi vì hám lợi. Trước đây, tôi đã từng nói với cô là có hai dịp kiếm được thật nhiều tiền, một - là thời kỳ xây dựng một quốc gia, hai - là trong khi quốc gia đó sụp đổ. Trường hợp thứ nhứt thì kiếm tiền chậm hơn chỉ có trường hợp thứ hai là kiếm rất mau. Hãy nhớ như vậy. Có lúc nó hữu dụng cho cô.Scarlett chua chát:− Lời khuyên của ông rất có giá trị nhưng tôi cóc cần. Ông cho là ba tôi nghèo kiết xác à? Ba tôi có thừa tiền để lo cho tôi, còn di sản của Charles.− Bọn quí tộc Pháp chắc cũng nghĩ như vậy cho tới khi lên xe hai bánh của nhà binh để vào chỗ chết.o0oRhett thường bảo Scarlett là mặc tang phục trong khi tham dự các hoạt động xã hội là mâu thuẫn. Hắn thích màu tươi sáng nên chiếc áo đen và cái khăn tang bằng nhiễu dài chấm gót của nàng làm hắn vừa buồn cười vừa gai mắt. Nhưng nàng vẫn phải giữ bộ đồ tang vì biết rằng nếu nàng mặc áo màu mà không chờ thêm vài năm nữa cả phố sẽ xôn xao hơn. Hơn nữa, nàng sẽ giải thích với mẹ ra sao?Rhett thành thật bảo chiếc khăn tang làm cho nàng giống như con quạ và cái áo đen làm nàng già hơn mười tuổi. Nàng lật đật đến soi gương để xem có phải mình giống như một thiếu phụ hai mươi tám tuổi thay vì chỉ mới mười tám không. Hắn chế giễu:− Tôi nghĩ là cô sẽ hãnh diện nhiều hơn là cố bắt chước làm giống bà Merriwether. Và cô sẽ khá hơn nhiều nếu không mang chiếc khăn tang phiền muộn mà chắc lòng cô chẳng phiền muộn chút nào. Tôi cá là trong vòng hai tháng nữa cô sẽ bỏ khăn tang để đội chiếc nón kiểu Ba Lê.Scarlett chán nản khi nghe nói đến Charles:− Không đâu. Thôi, đừng bàn chuyện nầy nữa.Rhett quay mặt đi, giấu một nụ cười. Hắn sửa soạn đi Wilmington để chuẩn bị một chuyến xuất ngoại khác.Một buổi sáng mùa hạ rực rỡ vài tuần sau, hắn trở về với một hộp giấy màu mè trong tay. Sau khi biết chỉ có một mình Scarlett trong nhà, hắn mở gói giấy. Giữa lớp vải lót là một chiếc nón xinh xắn đến nỗi Scarlett phải kêu lên:− Ồ, đẹp quá.Chiếc nón bằng nỉ mỏng xanh thẫm viền lụa màu ngọc bích. Quai nón thắt dưới cằm cũng màu xanh và to gần bằng bàn tay. Vành nón được cắm lông đà điểu xanh mướt và cong cong.Rhett cười:− Đội lên đi.Nàng phóng mau tới trước tấm gương và đội nón lên, vẹt tóc ra sau để lộ hai tai và thắt nơ dưới càm.− Ông thấy thế nào? Có được không?Vừa hỏi, Scarlett vừa xoay tròn trên mũi chân và lắc lư đầu làm lay động mấy chiếc lông chim. Nhưng trước khi được ánh mắt hắn xác nhận nàng đã tự biết là mình đẹp. Màu xanh của nón làm cho mắt nàng lóng lánh như hai viên bích ngọc.− Ồ, Rhett! Nón của ai vậy? Tôi muốn mua nó. Tôi đồng ý trả tất cả tiền đang có.− Của cô đó. Còn ai hợp với màu xanh hơn cô? Cô không nghĩ rằng tôi vẫn nhớ mãi màu mắt của cô à?− Có phải ông đặt riêng cho tôi không?− Đúng và cái tên đường "Rue de la Paix" trên nắp hộp chẳng có nghĩa gì với cô hết sao?Nó hoàn toàn vô nghĩa, nàng đang mãi cười với bóng mình trong gương. Ngay lúc nầy tất cả đều vô nghĩa đối với nàng, ngoại trừ việc mình tự thấy đẹp hẳn ra với chiếc nón xinh xắn đầu tiên được đội sau hai năm tang khó. Nhưng nụ cười chợt lịm đi khi nàng nghĩ chẳng làm gì được với cái nón nầy.− Bộ không thích hả?− Ồ, đẹp như mơ nhưng... tôi rất ghét là phải phủ lên màu xanh đẹp đẻ nầy mớp lớp nhiễu tang và phải nhuộm đen mấy chiếc lông chim.Chỉ trong nháy mắt, Rhett đã đứng sát trước mặt nàng. Hắn gọn gàng mở gút quai nón cười càm nàng ra và cái nón đã lại nằm yên trong hộp.− Làm gì vậy? Ông bảo là của tôi mà.− Nhưng không phải để cô biến nó thành nón tang. Tôi sẽ tìm người khác cũng có màu mắt xanh để tặng.− Không, làm vậy là tôi chết mất. Ồ, Rhett, tôi van ông. Hãy cho tôi.− Để nó trở thành xấu xí như mấy cái nón kia hả? Không đâu!Scarlett vồ lấy chiếc hộp. Đem một vật giúp nàng tươi trẻ lại cho người khác? Không bao giờ. Trong một thoáng nàng nghĩ tới sự kinh hoàng của cô Pittypat và Melanie. Nàng nghĩ đến Ellen cùng những lời quở trách rồi bất giác rùng mình. Nhưng lòng tự kiêu vẫn mạnh hơn.− Tôi không sửa đổi đâu. Xin hứa chắc. Đưa lại cho tôi đi.Hắn cười mỉa trong khi trao hộp, tiếp tục nhìn Scarlett đội nón lên và cười duyên với mình trong gương. Mặt bỗng xịu xuống, nàng vụt hỏi:− Bao nhiêu tiền? Tôi chỉ còn năm mươi đô-la nhưng tháng tới...− Khoảng hai ngàn đô-la, tiền Liên bang miền Nam.Hắn cười cợt trước vẻ mặt thiểu nào của nàng.− Trời... hay là tôi đưa trước cho ông năm mươi đô-la rồi khi nào...Hắn ngắt lời:− Không một đồng nào cả. Đây là quà tặng.Scarlett há hốc mồm, mặt đăm chiêu lo lắng bởi vì có những món quà không nên nhận từ tay của đàn ông.Ellen luôn luôn nhắc nhở:"Chỉ được nhận kẹo và hoa thôi, đôi khi một tập thơ, một quyển album hoặc một chai dầu thơm. Đó là những thứ người phụ nữ quí phái có thể nhận nơi đàn ông. Đừng bao giờ, đừng bao giờ nhận loại quà quí giá, dầu là quà của bị hôn phu cũng vậy. Cũng đừng bao giờ nhận quà nữ trang hay quần áo, dầu là găng tay hay khăn tay. Nhận những thứ quà đó, đàn ông sẽ coi thường mình và họ sẽ suồng sã hơn"."Trời, rắc rối quá!" Scarlett vừa nghĩ vừa nhìn vào gương rồi nhìn bộ mặt khó hiểu của Rhett."Mình không thể từ chối món quà nầy. Xinh quá! Có thể... có thể mình sẽ để cho hắn đi quá trớn một chút, chỉ một chút thôi".Rồi bàng hoàng vì ý nghĩ đó, mặt nàng đỏ bừng lên.− Tôi sẽ... tôi sẽ đưa ông năm mươi đô-la...− Nếu cô đưa tiền, tôi quăng nó xuống mương ngay. Hoặc sẽ nhờ vài buổi lễ cầu nguyện cho linh hồn cô. Chắc chắn là linh hồn cô sẽ được thanh thản sau vài buổi lễ Misa.Nàng ngập ngừng cười và đột ngột quyết định:− Ông muốn gì với tôi đây?− Tôi cám dỗ cô bằng những món quà xinh xắn cho tới lúc cô xiêu lòng và chiều theo ý muốn tôi... Chỉ được nhận kẹo và hoa thôi, con:Câu sau cùng hắn nhái giọng các bà mẹ dạy con làm nàng cười khúc khích:− Ông tinh ranh lắm và đầu óc ông luôn luôn hắc ám. Ông biết chắc là tôi không thể nào từ chối được một món quà như vậy.Ánh mắt hắn vẫn cười cợt ngay cả trong khi tán thưởng sắc đẹp của nàng.− Dĩ nhiên là cô có thể nói với cô Pitty rằng cô đã đưa một mẫu nỉ với lụa xanh và kiểu nón cho tôi. Rồi nói là tôi đã xoay của cô mất năm chục đô-la.− Không, tôi sẽ nói một trăm đô-la và cô Pitty sẽ học lại với thiên hạ để họ tức chơi và cho là tôi xài lớn. Nhưng Rhett, ông đừng cho tôi những món quá đắt tiền như thế nữa. Ông tốt lắm nhưng tôi không thể nhận món gì nữa đâu.− Thiệt không? Được, tôi sẽ tiếp tục tặng quà cho tới khi nào tôi còn thích và còn thấy những món làm tăng sức quyến rũ của cô. Tôi sẽ tặng cô một chiếc áo dài lụa xanh để phù hợp với màu nón. Và tôi cũng báo cho cô biết, tôi không tử tế đâu. Tôi đang mê hoặc cô với mấy món quà để làm cô sa ngã. Hãy nhớ kỹ là tôi không bao giờ làm việc phí công và cũng không bao giờ cho một món gì mà không mong có sự đền đáp. Từ trước tới nay, tôi vẫn toại nguyện vì điều đó.Đôi mắt đen ngòm của hắn dò dẫm cả mặt nàng rồi dừng lại ở vành môi. Scarlett chớp mắt, hơi xao xuyến. Hắn đang muốn suồng sã với nàng như lời báo trước của Ellen. Hắn sắp sửa hôn hoặc tìm cách để hôn, nàng không biết ra sao nữa. Nếu từ chối có thể hắn sẽ lấy lại chiếc nón rồi đem cho một cô gái khác. Và, nếu nàng cho phép hắn hôn nhẹ thôi, hắn sẽ mang về nhiều món quà khác để hy vọng được thêm một cái hôn. Tại sao đàn ông cứ muốn hôn, chỉ có trời mới biết. Nhiều khi, sau một cái hôn, họ hoàn toàn mê người đàn bà, nếu người đàn bà tỏ ra khéo léo và biết gìn giữ sau nụ hôn đầu. Thật sung sướng biết bao nếu hắn si mê nàng và khẩn cầu từng nụ cười, từng chiếc hôn. Mặc, nàng cứ để cho hắn hôn.Nhưng hắn chẳng làm gì như muốn hôn cả. Nàng liếc nhìn hắn và thì thầm khuyến khích:− Có phải ông luôn luôn được toại nguyện không? Ông muốn tôi trả ơn cách nào?− Rồi sẽ hay.− Khó lắm, nếu ông muốn tôi kết hôn với ông để đền đáp cái nón nầy thì nên dẹp bỏ cái ý nghĩ đó đi.Nàng vừa táo bạo trả lời vừa duyên dáng lắc đầu làm cho mấy chiếc lông trên nón rung rinh.Răng hắn trắng ngời dưới hàng râu mép nhỏ:− Thưa bà, bà làm cao quá, tôi không muốn lấy bà hay bất cứ ai. Tôi không phải là người thích hợp với chuyện cưới hỏi.Đoán chắc là hắn sắp giở trò gì đây, Scarlett nói:− Thật sao! Tôi cũng không để cho ông hôn đâu.− Vậy à? Tại sao mo6i cô lại cong lên một cách tức cười vậy?− Ồ!Nàng kêu lên và liếc nhìn vào gương thấy quả thật môi mình như đang chờ đợi một cái hôn.− Ồ!Nàng lại kêu lên lần nữa, mất bình tĩnh và dậm chân:− Ông gớm ghiếc nhất đời. Có gặp ông nữa hay không tôi cũng bất cần.− Nếu cô thật sự nghĩ vậy chắc là cô đã giẵm bẹp chiếc nón nầy ra. Coi, cô nghĩ sao là làm vậy tức khắc mà. Nào Scarlett, hãy giẵm lên nón để chứng tỏ cô nghĩ về tôi và món quà đó đi.− Đừng đụng vào cái nón nầy.Nàng vừa nói, vừa giữ chặt nón và lùi ra. Hắn bước theo, cười nho nhỏ và cầm lấy tay nàng:− Scarlett, cô trẻ đẹp quá, cô bóp nát tim tôi. Đây nầy, tôi hôn cô như cô mong đợi.Hắn nhẹ nhàng cúi xuống, râu mép phớt nhẹ má nàng.− Nào, bây giờ cô có cần phải tát tôi để giữ gìn khuôn phép không?Môi mím lại, nàng nhìn hắn và nhận thấy vẻ thích thú hiện rõ trong đáy mắt đen ngòm của hắn khiến nàng bật cười. Con người gì cứ hay trêu chọc! Nếu hắn không muốn cưới nàng và cũng không muốn hôn nàng, vậy thì hắn muốn gì? Nếu hắn chẳng yêu nàng thì sao hắn lại tới viếng thường xuyên và mang theo quà tặng?− Scarlett, cô nên tát tôi mới phải. Tôi đã gây ảnh hưởng xấu cho cô. Nếu cô nhận ra điều đó, chắc cô tống cổ tôi ra khỏi cửa ngay... nếu cô dám. Khó mà rứt ra được. Nhưng chính tôi đã làm cho cô mang tiếng xấu.− Thật à?− Bộ cô không thấy hả? Kể từ bữa hội chợ phước thiện đó, hạnh kiểm của cô càng tồi tệ quá lắm và chính tôi là người đáng trách. Ai đã xúi giục cô khiêu vũ? Ai đã làm cho cô phải nhìn nhận rằng chánh nghĩa của chúng ta chẳng những không có gì vinh quang mà cũng không thần thánh, thiêng liêng gì cả? Ai đã khiến cô nghĩ rằng bọn đàn ông chịu chết vì những nguyên tắc trống rỗng kia toàn là những kẻ điên rồ? Ai đã đưa cô vào tình trạng bị các bà già kia đàm tiếu? Ai đã kéo cô ra khỏi thời kỳ tang chế sớm hơn nhiều năm? Và cuối cùng là, ai đã cám dỗ cô đón nhận một món quà mà bất cứ người phụ nữ đoan trang nào cũng không dám nhận?− Thuyền trưởng Butler, ông tự đề cao quá. Tôi chưa hề làm những chuyện tồi bại xấu xa đến thế, nhưng nếu tôi có làm đi nữa thì cũng không phải là do ông mớm ý đâu.Mặt hắn bỗng sầm xuống:− Không chắc đâu. Nếu chẳng có tôi, bây giờ cô còn là bà quả phụ đau khổ của Charles Hamilton và được rạng rỡ bởi những công tác săn sóc thương binh. Tuy nhiên...Nhưng Scarlett không nghe thêm nữa vì đang bận ngắm mình trong gương, nghĩ tới chuyện có thể đội chiếc nón mới nầy ngay chiều nay để tới bịnh viện và tặng hoa cho các chiến sĩ vừa bình phục.Cho dù có sự thật trong câu sau cùng của Rhett, nàng cũng không nhìn nhận. Nàng không nhận thấy là chính Rhett đã mở toang cái cổng tù góa bụa và trả nàng về với tự do để biến thành một nữ hoàng vượt hẳn bao nhiêu thiếu nữ chưa chồng khác, trong khi những ngày giữ địa vị hoa khôi của nàng đã phải trôi qua từ lâu. Nàng cũng không nhận thấy vì bị ảnh hưởng bởi hắn mà nàng đã đi quá xa khỏi những lời gia huấn của Ellen. Sự biến đổi xảy ra từ từ, chậm chạp đến nỗi nàng chẳng nhận thấy có gì liên quan tới Rhett. Nàng không biết rằng chính vì sự khích lệ của hắn mà nàng đã gạt qua một bên những lời dạy dỗ nghiêm khắc của Ellen đã cố muốn làm cho nàng trở thành một phụ nữ đức hạnh cao quí.Nàng chỉ có chiếc nón mà nàng yêu thích nhất từ trước tới nay trong khi nàng khỏi phải tốn một xu. Nàng chỉ thấy là Rhett nhất định phải yêu mình, dầu hắn có nhìn nhận hay không. Và chắc chắn là nàng sẽ có cách để bắt hắn thú nhận.Hôm sau, Scarlett lại bận rộn trước gương, miệng ngậm một mớ kẹp tóc, cố chải cho được một kiểu tóc mới mà Maybelle vừa đi thăm chồng ở Richmond về cho biết là đã trở thành phong trào tại đó. Kiểu tóc được đặt tên là "Mèo, chuột xù và chuột lắt" rất khó chải. Tóc phải rẽ ngay ở giữa và búi thành ba lọn với ba cỡ khác nhau. Lọn lớn nhất là "mèo", lọn nhỏ hơn một chút là "chuột xù". Cả hai lọn nầy dễ búi, chỉ có lọn "chuột lắt" là cứ sút tới sút lui, dễ giận. Dầu sao, nàng cũng nhất định phải hoàn thành bởi vì Rhett sắp tới dùng bữa tại nhà và hắn thì luôn luôn chú ý và bình phẩm rất xác đáng về các kiểu thời trang đổi mới.Trong khi loay hoay với mấy lọn tóc bướng bỉnh, trán đầm đìa mồ hôi, nàng nghe có tiếng chân nhẹ nhàng ở từng dưới và biết là Melanie đã từ bịnh viện trở về. Và khi nghe thấy tiếng bước chân đó hối hả lên thang lầu từng hai bực một, nàng dừng tay lại, biết ngay là có chuyện bất lành vì thường ngày Melanie đi đứng rất nghiêm trang. Nàng chạy tới mở cửa ra và Melanie chạy ùa vào, mặt đỏ bừng và sợ sệt như một đứa bé vừa phạm tội.Vừa đóng cửa lại, Melanie ngồi phịch xuống giường, rên rỉ:− Scarlett, cô có ở nhà không? Ồ, tạ ơn Chúa! Chị xấu hổ quá, chắc chết mất. Suýt nữa chị đã ngất rồi. Bác Peter còn dọa sẽ nói lại với cô Pitty.− Nói cái gì?− Nói là chị đã tiếp chuyện với cô... cô...Melanie dùng khăn tay quạt mặt mình và tiếp:− Với người đàn bà tóc đỏ tên Belle Watling.− Sao, Melanie!Scarlett hoảng kinh kêu lên rồi sửng sờ nhìn chị chồng.Belle Watling là người phụ nữ tóc đỏ mà nàng đã gặp hôm đầu tiên tới Atlanta và hiện thời là kẻ mang tai tiếng nhiều nhứt. Theo chân quân đội, gái điếm tràn ngập Atlanta, nhưng chỉ có Belle là nổi bật hơn cả với mái tóc đỏ chói và y phục vô cùng sang trọng của ả. Rất ít khi ả xuất hiện ở phố Cây Đào hay các vùng quanh đó, mỗi lần ả tới là các bà các cô đứng đắn vội vàng băng qua lề đường bên kia, lẩn tránh. Vậy mà Melanie đã tiếp chuyện ả. Bác Peter giận là phải. Melanie nức nở:− Chị chết mất nếu cô Pitty biết được. Cô sẽ khóc suốt ngày rồi đi nói lại với mọi người và danh giá chị tiêu tan hết. Nhưng có phải là lỗi của chị đâu. Chị... chị không thể tránh mặt cô ta. Làm như vậy là ác quá. Scarlett, chị... chị thương hại cô ta. Chị nghĩ không biết có phải vậy là xấu không?Nhưng Scarlett có cần gì phải biết tới khía cạnh đạo đức của vấn đề. Cũng như phần đông các phụ nữ ngây thơ và có giáo dục khác, nàng tò mò muốn biết chuyện các cô gái điếm.− Cô ta muốn gì? Ăn nói ra sao?− Ồ, cô ta nói năng không đúng cách, nhưng chị thấy là cô ta cố giữ cho lịch thiệp, tội nghiệp quá. Chị ra khỏi bịnh viện không thấy xe và bác Peter nên chị thả bộ về. Lúc chị đi qua sân nhà họ Emerson, cô ta từ bên hàng rào hiện ra. Tạ ơn Chúa, cả nhà Emerson đều đi Macon cả! Cô ta mở lời: "Bà Wilkes, xin bà cho tôi nói chuyện một phút". Chị không rõ tại sao cô ta biết tên chị. Chị chỉ nghĩ tới chuyện bỏ chạy ngay nhưng... khổ quá, Scarlett, mặt cô ta buồn thảm quá và có vẻ khẩn cầu. Vả lại, cô ta mặc áo đen và chẳng son phấn gì cả... trông cũng đàng hoàng chỉ trừ mái tóc đỏ ra. Chị chưa kịp nói gì thì cô ta tiếp: "Tôi biết không xứng đáng nói chuyện với bà, nhưng tôi đã cố nói với con công cái già Elsing, vậy mà mụ tống tôi ra khỏi nhà thương".Scarlett cười khoái trá:− Cô ta kêu bả là công cái già hả?− Đừng cười em, không phải là chuyện đùa đâu. Dường như cô... người đàn bà đó muốn làm một cái gì cho bịnh viện... em có tưởng tượng nổi không? Cô ta tự nguyện săn sóc thương binh mỗi buổi sáng... bà Elsing mới nghe tới đó đã ngất xỉu rồi, bà ấy ra lịnh cho cô ta rời khỏi bịnh viện ngay. Và cô ta nói: "Tôi cũng muốn làm một cái gì có ích chớ. Bộ tôi không phải là dân miền Nam yêu nước sao?" Em biết không, nghe bao nhiêu đó là chị cảm động rồi. Một người muốn phục vụ cho chánh nghĩa không phải là kẻ hoàn toàn xấu. Chị nghĩ vậy, em thấy có đúng không?− Trời ơi, chị nghĩ gì thì nghĩ có sao đâu. Cô ta còn nói gì nữa không?− Cô ta cho biết là đã quan sát nhiều bà hằng ngày tới giúp bịnh viện và nghĩ là... mặt chị hiền hiền nên đón chị. Cô ta có một ít tiền muốn góp vào quỹ của bịnh viện và không muốn cho bất cứ ai biết số tiền đó ở đâu ra. Cô ta bảo nếu bà Elsing biết rõ xuất xứ số tiền thì bà ấy không nhận đâu. Vậy đó là tiền gì? Mới nghĩ như vậy, chị suýt ngất đi. Nhưng chị bối rối và ái ngại quá nên không nở bỏ đi. Chị nói: "Cô tốt lắm" hoặc là nói vài lời bậy bạ nào đó. Cô ta cười: "Bà mới đúng là con của Chúa" và cô ta dúi cái khăn tay bẩn thỉu nầy vào tay chị. Ui da, em có ngửi thấy mùi nước hoa nầy không?Melanie đưa ra một chiếc khăn tay đàn ông được cột gút lại dơ bẩn và sực nức mùi dầm thơm.− Cô ta cám ơn chị và nói cái gì như là mỗi tuần cô ta sẽ đem giúp thêm một ít tiền, và chính ngay lúc đó bác Peter lái xe đến và bắt gặp!Melly khóc òa lên rồi vùi đầu vào gối.− Khi nhận ra người đứng chung với chị, bác quát lớn: "Có chịu lên xe ngay không?". Từ trước tới giờ, chị có bị ai quát tháo như vậy đâu. Dĩ nhiên là chị phải lên xe liền. Dọc đường bác cứ mắng như tát nước vào mặt chị mà không cho chị phân trần gì cả. Bác còn dọa là sẽ mét với cô Pitty. Scarlett em làm ơn xuống dưới nhà năn nỉ bác đừng nói lại với cô. Có lẽ bác ấy chịu nghe em. Để cho cô biết, chắc cô không sống nổi. Em giúp chị nghen?− Được rồi. Nhưng mình nên coi cô ta giúp được bao nhiêu. Coi bộ khá nặng. Nàng vừa nói vừa mở gút khăn trút ra giường một đống tiền bằng vàng. Melanie sửng sốt khi vừa đếm xong:− Scarlett, tới năm chục đô-la lận! Lại toàn bằng vàng! Em nghĩ là có nên giúp các chiến sĩ bằng cái thứ... cái món tiền... làm ra theo cách đó không? Em nghĩ là Chúa có thể thông cảm cho lòng yêu nước của cô ta và sẽ tha thứ hay không? Cứ mỗi lần nghĩ tới còn quá nhiều thứ mà bịnh viện cần tới...Nhưng Scarlett có nghe thấy gì đâu. Nàng đang giận dữ nhìn chiếc khăn tay bẩn thỉu, cảm thấy như bị sỉ nhục. Ở một góc khăn tay có thêu mấy chữ đầu của một tên "R.K.B.". Trong tủ áo của nàng cũng có một cái khăn giống y như vậy, cái khăn mà Rhett Butler mới hôm qua đã cho nàng mượn để bó mấy cành hoa dại mà họ đã cùng đi hái. Nàng định sẽ trả lại cho hắn tối nay nhân dịp hắn đến dùng bữa.Vậy là Rhett đã lăng nhăng với cái ả đê tiện Watling đó và cho ả tiền. Và chính số tiền đó bây giờ đem hiến cho bịnh viện. Tiền vàng kiếm được nhờ cuộc phong tỏa. Vậy mà hắn còn trân tráo nhìn vào mặt một phụ nữ nết na sau khi đã tằng tịu với một ả không ra gì? Đã vậy nàng lại còn tin là hắn đã yêu mình! Sự kiện trước mắt chứng tỏ là không phải vậy.Gái làng chơi và những gì liên quan tới họ đều là những vấn đề bí ẩn và tức bực đối với nàng. Nàng biết là đàn ông lui tới với hạng phụ nữ đó vì những lý do mà một người đàn bà cao quí không được đề cập tới - hoặc có nói tới đi nữa thì chỉ xầm xì một cách gián tiếp hay ám chỉ xa xôi. Từ trước, nàng cứ nghĩ chỉ có hạng đàn ông tồi tệ mới đi lại với loại gái xấu xa. Nàng tin tưởng rằng hạng đàn ông sang trọng - tức là những người nàng gặp trong các ngôi nhà đứng đắn hoặc đã từng khiêu vũ với nàng - không bao giờ làm chuyện đê tiện đó. Bây giờ một cánh cửa mới mở ra khiến tư tưởng nàng đổi khác, và cái chân trời mới đó đáng ghê tởm làm sao. Có lẽ tất cả đàn ông đều như thế! Họ bắt buộc vợ họ phải đoan chính trong khi họ giao tiếp với hạng đàn bà hạ tiện. Ồ, đàn ông mới ghê tởm làm sao, và Rhett Butler chính là kẻ đáng ghê tởm nhứt!Nàng muốn dùng chiếc khăn tay bẩn thỉu đó ném vào mặt hắn rồi đuổi hắn ra khỏi nhà và chẳng bao giờ, chẳng bao giờ tiếp chuyện hắn nữa. Nhưng không, dĩ nhiên là nàng sẽ không làm như vậy. Nàng sẽ chẳng bao giờ, chẳng bao giờ để cho hắn biết là nàng đã nhận ra sự hiện diện của hạng đàn bà tồi tệ đó, lại càng làm như không bao giờ biết hắn lui tới với họ. Nàng giận dữ nghĩ:"Phải chi mình không thuộc hạng phụ nữ quí phái, mình sẽ cho cái tên bất lương đó biết tay".Rồi với chiếc khăn tay vò nùi, nàng xuống lầu ra sau bếp tìm bác Peter. Đi ngang qua lò lửa, nàng ném cái khăn vào và chỉ biết đứng nhìn với đôi mắt long lên sòng sọc vì bất lực cho tới khi chiếc khăn cháy rụi.