Đã lâu lắm Trần Quốc Tuấn mới trở lại thái ấp Vạn Kiếp thân thương, nơi ông sống bao nhiêu năm tháng nhàn nhã, xa cuộc đời bon chen, xa quyền thế, vui với những cuốn sách quý, vui với vườn tược cúc ẩn hương và nghiền ngẫm như một nhà hiền triết về chữ trung chữ hiếu. Đã lâu lắm ông mới lại ăn một cái tết ở nhà. Ngày ba mươi ông còn trên đường, ngày mồng một ông dừng lại một làng bên đường cái quan. Thế là các bô lão trong làng đem cờ lọng tế thần ra xúm xít rước Quốc công Tiết chế về ngôi đình làng. Đó là một làng nửa nông nửa chài. Sự trù phú, nết văn hiến của làng khiến Quốc công cao hứng ở lại qua ngày mồng hai. Mãi tới chiều mồng ba ông mới lên đường về Vạn Kiếp sau khi đã cầm trống trịch hội vật trong hai ngày hội làng. Mồng bốn, Vạn Kiếp mở hội võ mùa xuân. Từ hội võ trở về, ông đã gặp một người do con trai út của ông tiến cử. Đó là Đỗ Vỹ. Ông đã trao cho Đỗ Vỹ một trọng trách. Đỗ Vỹ sẽ phải bí mật đi ra nước ngoài để dò tìm những tin tức về địch. Điều quan trọng là Đỗ Vỹ phải bằng con mắt trí tuệ nhận xét về các tướng địch, về cách bày, cách chuyển lương để phán đoán cho ra hướng tiến quân của triều Nguyên. Ông đã gặp Đỗ Vỹ trong căn nhà dành cho con trai ông ngủ đêm ở đầu dãy nhà sách. Theo con mắt ông, Đỗ Vỹ quả có đủ trí lự và tầm mắt để tìm được những tin tức quý. Và đó thật là một con người tài hoa. Cái tài hoa ấy nếu gặp thời chắc chắn sẽ có chỗ đắc dụng. Bây giờ trước mắt ông, trên vách tường kia, còn treo bốn bức tranh do con người tài hoa ấy vẽ. Bức thứ nhất, Đỗ Vỹ vẽ mùa xuân ở cửa Đầu Quỷ. Bức thứ hai là cảnh đêm trăng hè ở cửa Vân Đồn. Bức thứ ba vẽ cảnh heo hút thu tàn ở rặng núi Yên Tử, còn bức cuối cùng vẽ một cảnh quen thuộc với Trần Quốc Tuấn. Đó là cảnh rừng bàng mùa đông ở phía bắc kinh thành Thăng Long. Bốn bức tranh vẽ thật có hồn. Ông đã từng đi qua các nơi đó. Ông cũng đã từng thưởng thức cảnh đẹp của những nơi đó vào đủ các mùa. Nhưng Trần Quốc Tuấn phải nhận rằng con người nghệ sĩ kia đã tinh lọc những cái gì tâm đắc nhất để đưa lên trang giấy nứa thô ráp và làm cho cảnh đó trở thành bất tử. Sáng hôm rằm tháng giêng, một chiếc thuyền chiến nhẹ cặp bến Vạn Kiếp đưa đức ông Nhân Huệ tới. Nhân Huệ vương đã quen cuộc sống dân dã nên mặc dù đã được phục tước và trao một chức cao nhưng ông vẫn mặc một bộ áo chiến bằng vải chàm bạc màu. Cho nên gia nô hương Vạn Kiếp không biết đã ngăn đức ông tại cửa rào chông của thái ấp và bắt Nhân Huệ vương xưng danh hiệu. - Ngươi vào trình với Quốc công có ta là Dư xin vào ra mắt. Câu nói nửa kính cẩn nửa suồng sã làm cho người gia nô đoán ngay ra. Anh ta vội mở rộng cửa mời Trần Khánh Dư vào chính đường. Sau đó một gia tướng vội đi thông báo có khách với Trần Quốc Tuấn. Chỉ một lát sau đã nghe tiếng Trần Quốc Tuấn oang oang: - Ông Phó đô tướng quân phải không? - Lạy anh. Em từ Vân Đồn tới theo lệnh đòi của phủ Tiết Chế. Trần Khánh Dư vái chào Trần Quốc Tuấn. Nom dáng của Nhân Huệ vương thật ngang tàng, cao ngạo. Cuộc đời chìm nổi chịu nỗi bất công đã làm cho Nhân Huệ vương luôn luôn có một cái nghiêng nhìn ngạo nghễ. - Ngồi xuống đây. - Trần Quốc Tuấn mời Trần Khánh Dư ngồi. Gia đồng bưng trà tới. - Trời rét ngăn ngắt mà em từ biển vào ban đêm chắc không ngủ được? - Thưa anh, đêm qua em ngủ lại ở mé bến dưới. Mãi sáng hôm nay em mới về đây. Nói xong Trần Khánh Dư trình Trần Quốc Tuấn những tờ cáo mật của các tướng thuỷ đạo về tình hình binh thuyền của ta và của quân Nguyên. Những bản cáo này là công lao của hàng trăm thám tử lành nghề đi thu thập tin tức. Họ đã phải trá hình làm người đánh cá, làm người lái buôn, làm người ngoại quốc và trải trăm nghìn nỗi đắng cay mới mang được về. Nhưng sau khi liếc qua, Trần Quốc Tuấn nhận ra tầm nhìn của những thám tử này không đủ rộng cho nên họ không rút ra được những điều chính yếu. Để những tờ cáo sang một bên ông từ tốn hỏi Trần Khánh Dư: - Nói đi. Thuỷ đạo cần cái gì bây giờ? Trần Khánh Dư biết tính Trần Quốc Tuấn làm việc gì cũng nhanh gọn, Nhân Huệ vương trình Trần Quốc Tuấn về đạo quân dưới quyền ông: - Quân thuỷ dư thuyền chiến nhưng thiếu nhiều thuyền vận tải. Nhất là những thuyền vận tải loại vừa. Những thuyền này dùng ở ven biển và trong các sông ngòi rất tiện. Thưa anh, xin cho lệnh gấp để đức ông Tá Thiên đóng sớm. Trần Quốc Tuấn trầm ngâm: - Có thể thay bằng thuyền nan được không? Dùng thuyền nan có lợi là dễ làm, tre bương không tốn kém lắm mà sau này khi tan giặc ta sẽ phải dùng tới nhiều gỗ. Nguồn lợi về gỗ không thể hao phí được. Trần Khánh Dư thấy ngay Trần Quốc Tuấn tính toán đúng. - Thưa anh, chỗ em có nhiều người biết đan thuyền nan. - Vậy thì em hãy lập lấy hai xưởng đan thuyền. Ừ, để ta xem nào... Một xưởng nên lập ở cửa An Hưng, còn một xưởng lập ở cửa sông Mã. Ai coi thuỷ đạo cửa sông Mã? - Thưa anh, đức ông Văn Túc. - À, con trai của Thái sư. Thằng cháu này biết nhiều nghề khéo lắm. Giao cho y lập xưởng sông Mã. - Thưa anh, quân thuỷ thiếu nhiều câu liêm. Giáo và kiếm thì đủ, chỉ thiếu câu liêm. Ngoài Vân Đồn không có thợ rèn. Xin cho ít người giỏi nghề rèn để lập lò ngay ngoài đảo. - Được, em có nhớ viên gia tướng theo hầu ta ở Bình Than không nhỉ? - Bẩm, Yết Kiêu? - Không phải, người kia cơ, Dã Tượng cơ. Ta sẽ giao cho Dã Tượng ra ngoài đảo để dạy nghề rèn. Ta cho em mượn Dã Tượng một năm. Và Trần Quốc Tuấn kể qua về Dã Tượng cho Nhân Huệ vương. Dã Tượng vốn là người của trang Bát Đụn phủ Long Hưng. Trang này là điền trang do An Sinh vương Trần Liễu sau khi đã được triều đình tha tội đã bỏ của ra chiêu tập dân lưu tán về mở điền trang ở Bát Đụn. Lúc đó đất này còn là vùng lầy ven biển trải qua mấy chục năm khai phá, lấy nước sông Hoá dẫn thuỷ nhập điền đến nay đã thành ruộng tốt. Trần Quốc Tuấn đã cho lập ở đây một loạt đồn dân binh, lấy gia đồng thôn Bát Đụn và dân các hương chung quanh đóng để canh giữ hai cửa sông Hoá và sông Sinh. Ngoài số dân binh, Trần Quốc Tuấn còn đặt ở đây một xưởng thuyền chuyên đóng thuyền kiểu Chiêm Thành, loại thuyền lườn thon, mũi nhọn vượt thác rất tốt, và một lò rèn. Người chỉ huy lò rèn ở đây và coi việc xưởng thuyền chính là Dã Tượng. Dã Tượng rất giỏi nghề dạy voi. Anh ta cũng rất giỏi nghề rèn. Dã Tượng chính là cái tên mà bạn bè quý anh ta tặng cho anh ta. Nó có thể giảng ra là voi rừng hoặc người thợ rèn. Vì Dã chính là rèn. Trần Khánh Dư được Dã Tượng mừng lắm vì viên Phó đô tướng biết Trần Quốc Tuấn thấy việc rèn câu liêm là quan trọng nên mới cho Dã Tượng đi. Trần Khánh Dư đưa trình Trần Quốc Tuấn xem mẫu câu liêm định làm. - Bẩm đây là mẫu thường dùng ở trên biển của bọn cướp Trảo Oa. Nhưng chúng dùng cán dài hơn. Nay nếu ta dùng thì chỉ cần chọn luồng hoặc tre đực chừng trượng rưỡi là vừa. Trần Quốc Tuấn im lặng không nói thêm nữa. Ông biết nếu chỉ có bấy nhiêu việc thì Trần Khánh Dư đâu có chịu về mà về kín đáo trong đêm như vậy. Quả nhiên, Trần Khánh Dư đắn đo một hồi rồi nói: - Thưa anh, cách đây ba hôm thuỷ đạo Vân Đồn bắt được một chiếc thuyền gian tế. Thấy Trần Quốc Tuấn vẫn im lặng, Nhân Huệ vương tiếp. - Chiếc thuyền này chỉ có ba người. Hai người là phu thuyền đã bị bắn chết ngay khi chặn bắt. Người duy nhất còn lại đã nhai nuốt một phong thơ. Khi quan tuyển phong tra hỏi thì y cắn lưỡi tự tử. Thành thử vẫn không ra gốc tích y là người của ai. - Em nghĩ thế nào? - Thưa anh, chiếc thuyền này chắc có hẹn với một thuyền to ở ngoài khơi chờ. Thuyền ba người thì đi biển thế nào được. - Đúng đó. Sao nữa? - Bẩm, hắn nhất định đi Trung Quốc vì hành trang của cả ba tên đều có nhiều áo ấm. Trần Quốc Tuấn đăm chiêu: - Quần áo của chúng thế nào? - Bẩm, quần áo sang trọng. Vâng đúng là quần áo nhà sang. Riêng đôi hia bằng nỉ đen thì đúng là hia của các tướng tuỳ thân của các đức ông thân vương. - Những ai biết chuyện này? - Bẩm, chỉ bên đồn tuyển phong và em biết. Mà họ cũng không nhận ra đôi hia. - Vậy thì em không được nói cho ai biết về đôi hia ấy nữa nhé. Trần Quốc Tuấn sai dọn rượu cho Trần Khánh Dư ăn uống rồi trưa hôm ấy Nhân Huệ vương được lệnh về ngay Vân Đồn. Ở Vân Đồn, Trần Khánh Dư sẽ tra soát xem có những ai sẽ tới trong những ngày nối tiếp sau đây. Năm ngày sau Trần Quốc Tuấn nhận được cáo mật của Trần Khánh Dư: “Chỉ có mấy gia tướng của các đức ông Chiêu Minh, Chiêu Quốc và vài người nhà của viên thượng thư nhà vong Tống Tăng Uyên Tử.” Đọc tờ cáo xong, Trần Quốc Tuấn chau mày suy nghĩ giờ lâu rồi cầm bút viết một thủ thư gửi đức ông Chiêu Minh. Nửa đêm về sáng, Trần Quốc Tuấn vẫn làm việc trong nhà sách với cậu thư nhi Trương Hán Siêu. Theo sự chỉ dẫn của ông, Trương Hán Siêu đang chép một cuốn sách ra những tờ mẫu để thợ khắc chữ lên ván in. Đó là bản in của cuốn Binh thư yếu lược. - Không được đá thảo. Cháu chép đá thảo thì đẹp đấy nhưng các tướng sĩ ít được học làm sao đọc được. Mà sách không đọc thông thì còn giá trị gì nữa. Đã gọi thợ khắc lên chưa? - Bẩm hai hiệp thợ mỗi hiệp sáu người. - Thưởng trước mỗi người một quan tiền. Thưởng chung một vò rượu ngon và một đôi gà béo. Cho họ nghỉ một ngày. Ngày kia bắt đầu khắc ván. Đã có gỗ mít chưa. - Bẩm các thứ dùng cho việc in đã sửa soạn từ trong năm. - Tốt lắm. À còn cụ Uẩn đã vào trong này ở chưa? Cụ Uẩn chính là ông già bến Bình Than đã cho Chiêu Văn vương thưởng thức món gỏi cá nhớ đời. Ông cụ chính lại là một trong những tay kiếm giỏi ngày xưa đi tuỳ thân theo Hiển hoàng. Trong ngày hội võ mùa xuân năm nay Trần Quốc Tuấn mới biết điều đó. Trần Quốc Tuấn đã thưởng cho ông cụ một chiếc nậm rượu và bảo ông cụ hễ nậm vơi thì cứ việc bảo gia tướng hương Vạn Kiếp rót cho đầy. Trần Quốc Tuấn cũng bảo ông cụ vào thái ấp mà ở. - Thưa Quốc công ông cụ vào được hai hôm lại xin ra. Ông cụ bảo ở trong này nó làm sao ấy, không ngủ được, ăn cũng không được, người cứ bần thần. Trần Quốc Tuấn cười: - Ta cũng vậy. Hồi mới về Thăng Long năm ngoái, ta cũng bần thần mấy tháng mãi sau mới quen dần đi đó. - Thưa Quốc công còn việc mở khoa thi năm nay? - Đó là việc của đức ông Chiêu Minh! Cháu muốn lên kinh dự thi à? - Bẩm không. Cháu xét thấy mình chưa đủ sức thi khoa này. - Thôi được. Triều đình không hẹp với ai cả. Nếu sau này lúc nào xét mình đảm đương việc nước được thì xin dự thi. Còn bây giờ việc ở Mạc phủ của ta cũng nặng lắm đối với cháu đó. Tất nhiên việc ở Mạc phủ của Trần Quốc Tuấn rất nặng nề. Có khi còn nặng và trọng yếu hơn việc trong một bộ. Nhưng Trần Quốc Tuấn hiểu lòng Trương Hán Siêu muốn có đỗ đạt để thành danh với người đời. Đó là một cách nghĩ chưa đúng, nhưng cậu bé thư nhi này còn trẻ. Cứ để thời gian sẽ làm cho cậu hiểu dần ra rằng kết quả công việc làm là giá trị, còn thi đỗ, làm quan chỉ là thứ phù phiếm, chẳng qua người đời mới hiểu có một mặt trong cách tuyển chọn người tài của triều đình đó thôi. Muốn chỉ khéo cho Trương Hán Siêu biết điều đó, Trần Quốc Tuấn đọc một lá sớ cho Trương Hán Siêu chép. Sớ tâu vua cử một ông lang lộ Thượng Hồng làm quan chữa thuốc cho đội quân đông bắc. Ông lang này có mấy phương thuốc gia truyền cực lạ. Một là cao dán vết thương. Vừa cầm máu chóng lên da non vừa làm vết thương không sưng tấy nên người bị thương rất dễ chịu. Hai là, ông ta nắn khớp tuyệt giỏi. Ba là một phương thuốc chữa đi tả hiệu nghiệm. Tuy thế nhiều quan ngự y ở kinh sư vẫn coi thường ông ta coi ông ta là thứ lang vườn. Bây giờ sớ tâu vua xin cử ông ta làm chức điều hộ quân trung hàm tứ phẩm hẳn làm cho các quan ngự y phải tức lồng lên. Trương Hán Siêu chừng đoán được ý của Trần Quốc Tuấn nên thảo xong sớ nhưng cứ cúi đầu im lặng. Đã hơn một năm trời, Trần Quốc Tuấn mới có dịp đi thăm thú vườn dâu tằm nhằm dịp tiết xuân. Dâu đầu năm đã hái lứa đầu, lại được bảy tám ngày mưa phùn liền nên lá ra xanh um. Đi trong vườn dâu không nhìn quá được một sải tay. Ông nghe thấy những người con gái trong nhà tằm tang của thái ấp đang vừa hái dâu vừa đùa cợt nhau. - Ôi chào, đã ba tháng rồi có được trông thấy nhau đâu. Biết người ta có giữ được lòng hay là người ta đã có mối khác. - Không. Tao biết. Trông anh ta không phải là người bạc đâu. Người bạc trông con mắt cứ láo liên lên chứ. - Thây kệ. Nhờ giời. - Con nỡm, giời nào trông nom cho hết những cái tủn mủn ấy. Việc của mày thì mày phải lo. - Lo cũng chẳng được. Việc quan đến, anh ta cứ phải đi biền biệt. Bây giờ nghe đâu đang ở tận cái nước Lão Qua nào ấy. Hình như để học bắt voi dạy voi chi chi đó. Té ra cô này ước hẹn với một người lính nào đó trong đội quân voi của ông. Từ mùa thu năm ngoái ông có cho một trăm người sang Lão Qua để mua voi, và học thêm cách nuôi, cách chữa bệnh cho những con thú dềnh dàng to lớn ấy. Trần Quốc Tuấn rời vườn dâu sang nhà tằm. Nơi này đang đổ kén. Những né tằm bằng bổi giắt những chiếc kén vàng ươm đang được những tang thất phụ gỡ ra nong. Mấy người đàn bà khác đang kéo tơ. Họ bỏ những chiếc kén vào trong những chiếc nồi nước sôi sùng sục. Khói bốc lên. Một mùi tanh bốc lên. Ở trại tằm, mùi tanh này chính là mùi của vụ tằm bội thu. Trần Quốc Tuấn rời nhà tằm. Những gia nô đi theo ông không hiểu vị tướng già nghĩ gì mà ngày hôm nay cứ lang thang đi từ bến thuyền qua xưởng thuyền, rồi từ tàu ngựa sang chuồng trâu, rồi lại từ vườn dâu tới nhà nuôi tằm. Trái với ngày xưa, ông không ngừng lại tra soát công việc mà vị tướng già cứ lặng nhìn những gia nô đang làm việc và lắng nghe những câu chuyện không đầu không đuôi ở chung quanh. Mãi tới xế chiều, ông trở về thái ấp rồi cho gọi Trương Hán Siêu và Yết Kiêu vào. Ông trao việc cho Yết Kiêu trước: - Ngày mai ngươi bảo quản trang cấp tiền cho ngươi lên kinh mua vải may áo. Ngươi đem theo hai mươi người lính và hai chiếc thuyền đinh. Quần áo chiến ba nghìn bộ. Hẹn hai tháng phải xong. Tiền nếu thiếu thì lấy thêm ở vương phủ Hưng Đạo. Ông thưởng trước cho Yết Kiêu và hai chục lính lên kinh mười hai quan tiền. - Phần nhà ngươi hai quan, còn cứ hai người một quan. Yết Kiêu đi ra rồi, Trần Quốc Tuấn ngồi yên lặng trước khi ngửng nhìn Trương Hán Siêu: - Bây giờ phải nghĩ cách chuyển dần các xưởng dệt, chuồng trâu, kho đụn vào trong núi Yên Tử đi. Ngày mai người lấy ngựa vào Yên Tử. Ngươi vào chùa chính bạch với sư cụ trụ trì rằng ta muốn nhờ sư cụ chọn cho một khu kín đáo để trữ lương, một khu nữa để đưa đàn bà trẻ con người già vào làm sẵn nhà ở và trại xưởng sẵn sàng. Khi sư cụ chọn chỗ cho rồi, ngươi trở về lo chuyển dần những cái gì không cần dùng ngay vào trong núi trước. - Bẩm, Quốc công lại lên kinh? - Đúng. Mai sớm ta khởi hành. Trương Hán Siêu nhìn vị tướng già, thấy vầng trán của người hằn sâu thêm mấy nếp nhăn.