Tây Thi là một giai nhân tuyệt sắc ở nước Việt đời Chiến Quốc, có tiếng là "Lạc nhạn" trong "tứ đại mỹ nhân" ở cổ Trung Hoa. Nàng xuất thân một gia đình nghèo, cha đốn củi, nàng dệt vải ở Trữ La Sơn. Trữ La có hai thôn: Đông thôn và Tây thôn, phần nhiều là họ Thi. Vì nàng ở về Tây thôn nên gọi là Tây Thi. Ở đây lại có nàng Trịnh Đán, bạn láng giềng Tây Thi, cũng là một mỹ nữ sắc nước hương trời. Nhà ở gần sông, ngày nào hai nàng cũng cùng nhau ra đập sợi ở ven sông. Má hồng nước biếc, hai bóng lộn nhau, trông hai đóa phù dung của buổi bình minh tươi đẹp. Vua nước Việt là Câu Tiễn bại trận, phải cùng vợ sang làm người tù chăn ngựa cho vua nước Ngộ Sau khi được thả về, lòng uất ức căm hờn mong rửa được nhục thù. Đại phu Văn Chủng hiến 7 kế phá Ngộ Một trong 7 kế là đem mỹ nữ sang dâng để làm mê hoặc vua Ngô. Câu Tiễn liền thực hành ngay. Trong vòng nửa năm, tuyển được hai ngàn mỹ nữ, lại chọn hai người đẹp nhứt là Tây Thi và Trịnh Đán. Câu Tiễn sai Tướng quốc Phạm Lãi đem 100 nén vàng đến thôn Trữ La rước hai nàng về, trang sức lộng lẫy, cho ngồi trong xe có màn phủ. Người trong nước nghe tiếng mỹ nữ, ai cũng muốn xem mặt, tranh nhau ra ngoài cõi đón. Đường xá chật ních những người. Phạm Lãi liền để hai nàng ở nhà quán xá rồi truyền dụ rằng: "Ai muốn xem mặt mỹ nhân phải nộp một đồng tiền". Chỉ trong một lúc mà tiền thu đầy quỹ. Hai nàng lên lầu, đứng tựa bao lơn, khác nào như tiên nga giáng hạ. Hai nàng lưu ở ngoài cõi ba ngày, tiền thu không xiết kể. Câu Tiễn cho hai nàng ở riêng tại Thổ Thành, rồi sai một lão nhạc sư đến dạy múa hát. Ba năm qua, Tây Thi và Trịnh Đán cùng số mỹ nữ học múa hát đã được tinh xảo, Câu Tiễn liền truyền Phạm Lãi đem sang cống cho vua Ngô là Phù Sai. Phạm Lãi vào yết kiến, sụp lạy vua Ngô, tâu rằng: - Đông hải tiện thần là Câu Tiễn cảm ơn đại vương, không thể đem thê thiếp đến hầu hạ ở bên cạnh được, vậy cố tìm khắp trong nước được hai mỹ nhân khéo nghề múa hát nên sai chúng tôi đem nộp vương cung để giữ việc quét rửa. Phù Sai trông thấy hai nàng, cho là thần tiên mới giáng hạ, hồn phách mê mẩn, mắt nhìn đăm đăm một cách say sưa. Phù Sai rất lấy làm hài lòng nhận lấy mỹ nữ. Tây Thi và Trịnh Đán được Phù Sai yêu mến. Nhưng riêng Tây Thi vì có sắc đẹp lộng lẫy lại khéo chiều chuộng, có nghệ thuật làm người say đắm nên Ngô vương sủng ái hơn. Tây Thi được ở Cô Tô đài với Phù Sai. Nàng đi dạo nơi đâu cũng dùng đồ nghi vệ theo địa vị phi hậu. Trịnh Đán ở Ngô cung, ghen với Tây Thi uất ức không nói ra, được hơn một năm đau chết. Phù Sai thương lắm, đem chôn ở Hoàng Mao sơn và lập đền thờ cúng. Phù Sai rất yêu Tây Thi, lập Quán Khuê cung ở Linh Nham sơn, trang trí toàn bằng châu ngọc để làm chỗ cho Tây Thi ra dạo, ngắm cảnh. Lại xây cất Hưởng Điệp lan, Ngoạn Hoa trì, xây giếng Ngô vương tỉnh... để cho Tây Thi đến ngắm hoa, thưởng trăng và soi bóng mình dưới làn nước trong. Phù Sai lại lập cầm đài để Tây Thi ngồi đàn để Phù Sai thưởng thức những cung đàn tuyệt diệu của nàng. Phù Sai lại cho đào một con sông con ở trong thành, từ nam sang bắc rồi làm một chiếc buồm gấm để nàng Tây Thi dong thuyền, gọi là Cẩm phàm hình. Và, còn rất nhiều nơi nữa, cứ mỗi lần nàng ngự đến là trở nên một di tích "lịch sử" mà Phù Sai sắp đặt kiến trúc cho. Phù Sai từ khi được Tây Thi cứ ở luôn trên Cô Tô đài, bốn mùa vui chơi, rượu chè đàn địch, chẳng thiết đến việc gì cả. Tây Thi, con người kiều diễm ấy, tuy có một thân hình mảnh mai như cành liễu yếu nhưng tiềm tàng một sức mạnh phi thường là quyết lật đổ cả một triều Ngô để đem lại sự chiến thắng vinh quang cho triều Việt. Hai bàn tay ngà ngọc xinh xắn của nàng, xưa kia là để quay tơ giặt lụa nhưng nay lại để bóp nát dần cả một nước Ngô có binh hùng tướng mạnh cho đến ngày tàn. Mắt nàng cau một cái là một cái đầu của viên thượng tướng bị rơi. Môi nàng cười một nét là kho nhà Ngô vơi đi bạc vàng, châu báu... Ngũ Viên, một vị Tướng quốc kiên trung, đa mưu, túc trí, đầy tài dũng lược của triều Ngô vì nàng mà chết dưới thanh kiếm Trúc Lâu của Ngô vương. Nước Ngô ngày càng suy yếu. Nước Việt thừa thế tấn công. Ngô bại trận. Ngô vương Phù Sai tự tử. Tây Thi làm tròn sứ mạng của một người nhi nữ quần vận yếm đối với tổ quốc, nàng mong được trở lại quê nhà thăm cha ở Trữ La thôn, nhưng vương phi Câu Tiễn sợ rằng chồng sẽ say đắm sắc đẹp của nàng, nên mật sai người bắt Tây Thi neo đá quăng xuống dòng nước Tam Giang. Thật là mụ đàn bà ghen đanh ác. Cái chết của Tây Thi nói trên là theo chính sử. Có truyện chép: Phạm Lãi yêu nàng Tây Thi nhưng thấy Việt vương Câu Tiễn muốn lấy Tây Thi, nên ghen mới bày mẹo cho mụ vợ Câu Tiễn giết thác nàng. Có truyện lại chép: Phạm Lãi trước đã cùng Tây Thi yêu nhau, nên trong trận tấn công nước Ngô, đốt phá Cô Tô đài, Phạm Lãi đón rước Tây Thi xuống thuyền, rồi cả hai bỏ nước đi du Ngũ hồ cho trọn tình chung thủy. Truyện sau này thấy chép trong "Tình sử". Có lẽ những nhà tiểu thuyết diễm tình giàu cảm, giàu tưởng tượng và cũng giàu lòng nhân đạo, thấy đôi trai tài gái sắc, nhứt là đối với Tây Thi, một bực sắc nước hương trời lại có công to với nước mà bị chết một cánh oan uổng, bi thảm như thế nên quá xúc cảm, viết thành câu chuyện kia để an ủi oan hồn của người đẹp chăng?