Qua ngày hôm sau, Nuốt Lửa gọi Bích nô cô đến để hỏi chuyện: - Tên bố mày là gì? - Dạ, Gia Bích. - Làm nghề gì? - Dạ, nghề nghèo khổ. - Nghề ấy có kiếm được khá tiền không? - Dạ kiếm được nhiều ít thì con không rõ, nhưng bố con không bao giờ có lấy một đồng xu dính túi. Bố con chỉ có cái áo bành tô đã cũ, cũ nhiều lắm. Nhưng đến khi không có tiền để mua sách vần cho con, bố con phải bán quách nó đi. Nghĩ đến điều ấy rõ cũng thảm thương thật! - Khốn khổ chưa! Làm lão thương hại quá. Đây, năm đồng tiền vàng đây! Chạy mau về nhà mà đưa cho bố mày và nói tao gửi lời thăm nhé! Lẽ tất nhiên là Bích nô cô nhiệt liệt cảm tạ ông Nuốt Lửa. Nó hết ôm người gỗ này đến ôm người gỗ kia, không sót một đứa nào cả, cho đến cả mấy viên cảnh sát nữa! Nỗi vui mừng không sao kể xiết, nó từ giã mọi ngươờ để ra về. Nhưng mới đi được chừng năm trăm thước, nó gặp một chú Chồn và một chú Mèo đang khập khểnh dựa vào nhau để đi, như hai người bạn nương tựa nhau trong cơn hoạn nạn. Chú Chồn dựa vào chú Mèo, còn chú Mèo để cho chú Chồn dẫn đường. - Chào bác Bích nô cô! Chú Chồn cúi đầu lễ phép chào. - Sao hai người lại biết ta? - Tôi quen với thân phụ bác lắm. - Ngươi gặp bố của ta ở đâu? - Tôi gặp bố của bác chiều hôm qua, ngồi trước thềm nhà. - Lúc ấy bố ta đang làm gì thế? - Đang run lên vì rét, chỉ tại ông cụ chỉ mặc có một cái áo sơ mi thôi. - Tội nghiệp cho bố ta chưa? Nhưng nhờ trời từ hôm nay trở đi, bố ta không còn lạnh run như thế nữa. - Vì sao thế? - Vì hôm nay ta đã trở thành một nhà quý phái rồi. - Bác mà quý phái à? Chú Chồn cười một giọng kiêu ngạo, Chú Mèo cũng cười theo, nhưng muốn Bích nô cô khỏi biết, nó lấy hai chân trước, giả vờ vuốt lại chòm râu mép cho láng. Bích nô cô nổi giận nói: - Có gì mà đáng cười đâu? Ta không muốn làm cho bọn ngươi chảy nước miếng làm gì, chứ hiện ta có năm đồng tiền vàng ở trong túi ta đây này. Nói đoạn nó móc túi lấy ra khoe số tiền của ông Nuốt Lửa đã cho nó. Nghe những đồng tiền vàng kêu rổn rảng êm tai quá, chú Chồn tự nhiên duỗi chân ra, còn chú Mèo mở lớn cặp mắt như hai ngọn đèn xanh, nhưng nó nhắm ngay lại nên Bích nô cô không hay biết gì cả. - Bây giờ bác định dùng số tiền làm gì nhỉ? - Trước hết, ta mua cho ông bố ta một cái áo bành tô mới bằng vàng, bằng bạc, nút bằng kim cương, rồi ta lại mua một quyển sách vần cho ta nữa. - Mua sách vần cho bác? - Đích thị rồi! Vì ta thích đến trường để học tập. - Cầu trời Phật phù hộ cho bác! Chỉ vì ham mê đèn sách mà tôi đến nỗi gãy mất một chân. - Cầu trời Phật phù hộ cho bác! Chỉ vì ham mê đèn sách mà tôi đến nỗi mù mất cả cặp mắt. Trong lúc ấy một con sáo già đậu trên cái hàng rào gần đấy hót lên mấy tiếng và nói: - Bích nô cô! Đừng nghe những lời khuyên can của bọn nó. Bằng không, ngươi sẽ hối hận. Thương hại cho sáo già! Nó đừng nói có phải hơn không! Chú Mèo đánh phóc một cái nhảy lên chụp cổ sáo già nhai một miếng nuốt trọn cả xương thịt lẫn lông lá. Sau khi ăn và rửa miệng xong, chú Mèo lại nhắm mắt đóng trò mù như trước. - Tội nghiệp cho sáo già chưa? Sao ngươi lại tàn nhẫn với nó như vậy? - Tôi muốn cho nó một bài học để bạn sau đừng có dính líu đến công việc của người khác. Đi được nửa đường thì bỗng dưng chú Mèo dừng lại nói với Bích nô cô: - Bác có muốn giàu to không? - Ngươi nói thế nghĩa là gì? - Nghĩa là bác có muốn năm đồng tiền quèn ấy biến thành trăm, thành nghìn, vài nghìn không? - Lạy Trời, lạy Phật! Nhưng phải làm thế nào mới được chứ? - Rất giản dị. Bác đừng về nhà nữa. Hãy đi theo chúng tôi. - Nhưng mà đi đâu? - Đến xứ Phĩnh Phờ. Bích nô cô nghĩ ngợi một lát rồi tỏ vẻ quả quyết: - Không! Không thể nào đi được! Giờ đây ta đã gần tới nơi rồi, ta muốn vào nhà ngay kẻo bố ta đợi. Hôm qua ta không về, ông bố ta đã sầu não biết bao! Ta rõ là một đứa con bất hiếu. Dế Mèn đã nói với ta một câu rất có lý: “Trên đời này, những đứa trẻ nào không biết vâng lời cha mẹ thì không bao giờ được sung sướng”. Chính ta cũng công nhận điều đó là đúng. Vì ta đã từng gặp nhiều điều không may rồi. Như chiều hôm qua ở trong nhà ông Nuốt Lửa, ta đã gặp một sự nguy hiểm, nghĩ đến cũng đủ rùng mình. Chú Chồn nói: - Thế thì bác cứ làm theo ý bác, có gì thì đáng kiếp bác! Chú Mèo lập lại: - Đáng kiếp bác! - Bích nô cô! Bác hãy nghĩ cho kỹ! Bác đã từ chối một cái tài sản lớn đó! Năm đồng tiền vàng mà chỉ trong một hôm là thành hai nghìn lập tức! Chú Mèo lập lại: - Hai nghìn lập tức! Bích nô cô lấy làm ngạc nhiên, mồm há hốc ra: - Tại sao tiền lại chống tăng lên thế? Chú Chồn nói: - Để tôi cắt nghĩa cho mà nghe nhé! Nên biết rằng ở xứ Phĩnh phờ, có một cánh đồng linh thiêng tên gọi là cánh đồng Huyền Diệu. Bác chỉ việc đến đó đào một lỗ nho nhỏ, đoạn bỏ vào một đồng tiền chẳng hạn. Xong xuôi rồi bác lấp đất lên, tưới vào hai gáo nước và bỏ lên một nắm muối. Chiều lại cứ việc về nhà nằm ngủ. Đêm ấy đồng tiền sẽ nảy mầm, mộc cây và trổ hoa. Qua hôm sau trở dậy, chạy đến cánh đồng Huyền Diệu để xem, bác sẽ trông thấy những gì nhỉ? Thấy một nhánh cây tươi tốt đầy cả tiền vàng, khác nào những hạt lúa trong những mùa lúa tháng sáu. Bích nô cô vẫn ngạc nhiên hỏi: - Nếu thế thì ta chôn năm đồng tiền ở cánh đồng ấy, ngày hôm sau sẽ biến thành bao nhiều cả thảy? Chú Chồn đáp: - Cái toán ấy có gì là khó khăn đâu! Ví dụ một trự sinh sản được một chẹn năm trăm trự, thì chỉ việc đem năm trăm mả nhân năm, thế là qua hôm sau bác có hai nghìn năm trăm trự sáng ngời và kêu rổn rảng. Bích nô cô vừa nhảy nhót, vừa la lên: - Lạ kỳ thật! Lạ kỳ thật! Nếu ta mà có được số tiền ấy, ta chỉ giữ lấy hai nghìn còn năm trăm thì cho các ngươi đó! Chú Chồn ra dáng khinh thường: - Cho chúng tôi à! Nhờ trời phù hộ cho bác! Chú Mèo lặp lại: - Nhờ trời phù hộ cho bác. - Còn chúng tôi chỉ lo làm giàu cho kẻ khác, chứ không bao giờ nghĩ đến lợi riêng. Chú mèo lặp lại: - Chỉ làm giàu cho kẻ khác. Bích nô cô tự nghĩ: - Rõ bọn này thật khá khen! Tức thì nó quên hẳn bố nó, quên hẳn cái áo bành tô mới, quên hẳn quyển sách vần, quên hẳn những điều dự định tốt đẹp. Nó nói với hai con kia: - Thôi để ta cùng đi với!