- 14 -
BÀ THỤC TÂN DẠY CON

Lúc mới sinh, Miên Thẩm (sau là Tùng Thiện Vương) ít ngủ, nhiều đêm khóc thâu canh. Các ngự y cho rằng “Ngài Mười” mắc chứng “Dạ đề”. Bà Thục Tân đã không quản nhọc nhằn tự mình chăm sóc, nuôi con.
Lên ba tuổi (1821) Miên Thẩm mới bắt đầu có sức khỏe tương đối: biết nói, biết đi vững vàng. Chiều chiều bà Thục Tân thường dắt con đi dạo trong các trường lang, qua hết viện nọ đến cung kia, vừa để chầu bà nội, vừa tập cho con quen với nắng gió.
Bà Thục Tân là một người điềm đạm, giản dị, không ưa thích đồ trân châu, cành vàng, lá ngọc, bà chỉ thích thiên nhiên: quanh viện Đoan Trang có đủ các thứ hoa, lan… bốn mùa lúc nào cũng có hoa nở, hương thơn, lá xanh một góc trời. Lá ngập quá đầu, người đi như lội giữa nước hồ nhấp nhô sóng lượn…
Một ngày như mọi ngày, buổi sáng, buổi chiều, trang điểm xong, bà Thục Tân thân hành đi lấy mồi cho chim ăn. Bầy chim thấy bà chủ, bay nhảy, đập cánh kêu hót líu lo mừng rỡ. Tiếng chim vang xao động bầu không khí thanh tĩnh của viện Đoan Trang. Chim ăn xong, bà xách nước tưới hoa. Tưới xong, bà lấy cây bút lông cũ chấm nước nhẹ nhàng rửa từng lá lan, hết khóm này đến giò khác…
Trong khi mẹ chăm sóc chim, tưới hoa, rửa lan Miên Thẩm lúc thúc theo chân mẹ… Sợ Miên Thẩm quàng chân vấp ngã, bà Thục Tân nẩy ra sáng kiến sẵn cây bút rửa lan còn ướt viết vào thềm đá những chữ lớn rồi bảo Miên Thẩm đi lượm sỏi đá sắp vào thật nhanh, nếu chậm là nước khô chữ mất nét. Bằng cách này bà Thục Tân đã vừa dạy khai tâm cho con vừa dứt được chuyện cậu bé cứ níu áo lẩn quẩn theo chân mẹ… Miên Thẩm thích thú lượm sỏi sắp vào ngay.
Hôm đầu tiên, Miên Thẩm vừa sắp vừa đọc theo mẹ.
Nhất là một, nhị là hai, tam là ba.
Hôm sau, lại vừa sắp vừa đọc:
Khẩu là miệng, nhĩ là tai, mục là mắt.
Hôm thứ ba trò đã quen, ngồi chờ mẹ viết… bà Thục Tân bận, chưa viết được, nên bảo con:
Hãy viết lại những chữ đã học đi con!
Miên Thẩm bất đắc dĩ phải vâng lời mẹ, cậu ngồi yên một chỗ…
Xong công chuyện, bà Thục Tân quay lại “dò bài” thì thấy cậu con đang sắp một cái mặt người. Bà lấy làm lạ, hỏi:
Con muốn học vẽ à?
Miên Thẩm không đáp, cứ hý hoáy sắp cho đủ cả hai tai, hai mắt. Bà mẹ lại hỏi:
Mấy chữ hôm qua con đã quên hết rồi sao?
Bỗng “trò”đứng dậy hỏi “Thầy”:
Con đố ả (mẹ) giữa này có những chữ gì?
Nhân diện là mặt người, có đúng không?
Con có biết hai chữ ấy đâu!
Thế thì là những chữ gì?
Miên THẩm vừa chỉ vào giữa mặt người vừa nói:
 Đây là nhất khẩu, đây là nhị mục, đây là nhị nhĩ!
Nghe con nói một cách dí dỏm thông minh bà Thục Tân mừng rỡ ôm con vào lòng hôn lấy, hôn để… Bà sung sướng đặt con ngồi ngay ngắn và dạy tiếp những chữ khác…
Bà Tiệp Dư, sinh mẫu “Ngài Mười một” Miên Trinh ở viện Đoan Chính, nghe tin Miên Thẩm đã bắt đầu khai tâm, liền đưa con sang viện Đoan Trang thăm. Hai bà mẹ ngồi nói chuyện và làm thầy bắt hai ông con phải viết ôn, viết tập…
Hai ông hoàng Mười (Miên Thẩm) và Mười một (Miên Trinh) con vua Minh Mạng về sau đã trở thành hai nhà thơ lớn thế kỷ XIX của Việt Nam đó là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương. Thi tài của hai ông đã từng được vua Tự Đức, một ông vua giỏi thơ, khen là: “Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường!” (1).
___________
(1)Thơ mà nói đến Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thì không còn thời thịnh Đường về thơ ca nữa.