- 28 -
LẤY CHÚ LÀM CON

Vua Đồng Khánh sinh được sáu trai và hai gái nhưng chỉ nuôi được một trai là Bửu Đảo và hai gái là công chúa Ngọc Lâm và công chúa Ngọc Sơn.Gia đình vua Đồng Khánh với bà Thánh Cung(con đại thần Nguyễn Hữu Độ) và bà Tiên Cung(họ Dương,mẹ đẻ Bửu Đảo sau này là vua Khải Định) hằng hy vọng những gì vua Đồng Khánh đã vun đắp được trong thời gian ở ngai vàng (1885-1888).
Khi Bửu Đảo đến cuối thập phủ thiếp, hai bà vui mừng đi cưới con quan đại thần Trương Như Cương cho con trai mình ngay. Cuộc hôn nhân này thật tuyệt vời: làm rể họ Trương vừa có thế lực vừa được của cải, biết đâu ”trời đất đoái hoài” Bửu Đảo được chọn làm vua,nào ngờ vợ chông Bửu Đảo ăn ở với nhau không có hạnh phúc.Ngày đêm Bửu Đảo chỉ ham thích đánh bạc không ngó ngàng đến bà vợ mới cưới,khi vợ chồng gặp nhau, Bửu Đảo chỉ bàn có một việc là làm sao xin gia đình họ Trương cho thật nhiều tiền. Vợ Bửu Đảo rất buồn,nhiều lần phải khóc lóc với cha mẹ mới xin được đủ tiền cho chồng tiêu xài.
Lúc đầu,gia đình họ Trương còn giữ uy tính cho ông Hoàng Phụng Hoá Công (tước của Bửu Đảo lúc còn Tiền đế) nhưng về sau Bửu Đảo cứ ép vợ về lấy tiền hoài,Trương gia rất bất bình đã nhiếc chàng rể là “đồ bất lực vô hậu”.
Biết chuyện con trai duy nhất của mình “không có hậu” hai bà Thánh Cung và Tiên cung buồn bã thất vọng não nề. Suốt ngày than thở cùng nhau về hậu vận. Và cứ thế, nỗi lo lắng chồng chất làm cho đêm mất ngủ, ngày biếng ăn…sức vóc của hai bà ngày càng sa sút tiều tuỵ… Tuy ham mê cờ bạc nhưng Bửu Đảo là đứa con có hiếu, thấy hai mẹ mình đau buồn như thế ông cũng phát lo.
Ông đem chuyện tâm sự với một người trong hoàng tộc thuộc bậc ông,nhưng tuổi tác lại đồng trang với cháu.Vị hoàng thân đó là cụ Hường Đ. Trong nhiều năm lui tới trà,rượu,bạc bài với cháu là Bửu Đảo ở Tiềm Đế,cụ Hường Đ. Đã được cháu gọ bằng ông ấy giúp đỡ những lúc thiếu thốn.Do đó,lần này,nhân được Bửu Đảo muốn san sẻ một phần khó khăn của mình,cụ Hường Đ. đã ra tay giúp cháu…
Bửu Đảo đã rất vui mừng khi nghe cụ Hường Đ dựng lên câu chuyện sau đây:
“Phụng Hoá Công vốn là người bất lực. Nhưng một hôm, Công bắn được một con chồn hương, người nhà đã hầm con chồn hương vói sâm, nhung và nhiều vị thuốc bổ dương khác. Buổi tối, Công uống rượu và ăn món hầm đại bổ ấy… liền cảm thấy hửng khởi và nổi cơn “đòi phụ nữ”… Cái phút thần hạnh phúc ấy đến đột ngột,sợ nó” tan biến đi nên sẵn có cô Hoàng Thị Cúc đang ở trong nhà, Công liền gọi đến “dùng” và may mắn sao cô Cúc đã thọ thai!
Tin cô Cúc có thai với Bửu Đảo đến tai bà Tiên Cung và bà Thánh Cung và những thân thích trong gia đình Phụng Hoá xem như một phép lạ.
Để xác minh thực hư,các bà đã sai đào một cái hố (sâu khoảng hai tấc) bảo cô Cúc nằm sấp,để cái bụng có mang nằm lọt dưới hố, rồi dùng roi đánh tra hỏi cô Cúc đã lấy ai mà dám vu chu Phụng Hoá Công. Cô Cúc cắn răng chịu đựng hình phạt và chỉ đinh ninh một lời khai là đích thị có mang với Bửu Đảo. Thế là các bà mừng rỡ công bố cho hoàng tộc biết Phụng Hoá Công sắp có con.
Và lúc ấy, trong hoàng tộc dù tin hay ngờ đều phải công nhận như thế.
Sự thật,theo ông Phan Văn Dật và ông Ngũ đẳng thị vệ Nguyễn Đắc Vọng thì không có chuyện Bửu Đảo “dùng” cô Cúc và may mắn cô Cúc có thai. Cô Cúc đã mang thai với chính Hường Đ.từ trước. Được Hường Đ. nhường cho một bào thai, Bửu Đảo rất hàm ân người ông. Để đền ơn,Bửu Đảo đã giúp đỡ rất nhiều (về quan tước cũng như vật chất tiền bạc).
Do có sự giúp đỡ của anh Bửu Dương,chúng tôi được đọc 17 cuốn vở gồm 1700 trang viết tay của thầy Ưng Đồng (con trai cụ Hường Đ.)viết về lịch sử gia đình và họ hàng nhà mình.
Qua tập di cảo đồ sộ ấy,chúng tôi đã lọc ra được một số chi tiết có liên quan đến sự việc thân sinh của Vĩnh Thuỵ sau là “hoàng đế Bảo Đại” là con cụ Hường Đ.
Trong khi đi dự họp Nguyễn Phước Tộc ở Phú Tân thày Ưng Đồng thường hay được chào là “Ông giáo sư em của Cựu hoàng”,lời chào này hàm ý thầy Ưng Đồng với Bảo Đại là anh em cùng cha.Thày Ưng Đồng cho biết: ”Khoảng năm 1972 thân phụ ta và hoàng tử Bửu Đảo là đôi bạn thân ăn một mâm nằm một chiếu”.
Ngày 22-10-1913 Vĩnh Thuỵ ra đời thì một tháng rưỡi sau (7-2-1913)Ưng Linh, con chính thức cụ Hường Đ. cũng ra đời. Hai cậu bé này lớn lên đều to béo khoẻ mạnh giống nhau, ảnh của hai người đặt cạnh nhau thấy giống như anh em ruột.
Thày Ưng Đồng còn cho biết thêm: ”Bà ngoại ta thường vào cung Diên Thọ chào thỉnh an đức Từ Cung.Đức Từ Cung gọi bà ngoại ta (tức là mẹ vợ cụ Hường Đ.) bằng “dì” dù bà ngoại ta không có họ hàng thân ruột gì với đúc Từ Cung”.
Bà Từ Cung nhiều lần dặn mẹ cụ Hường Đ.”khi nào Hoàng đế hồi loan,dì cho thằng Đồng vào đây ở đế nó được nhờ” (Phải chăng bà Từ Cung hàm ý cho Ưng Đồng vào Nội để hưởng lộc của anh?!).
Đoạn tư liệu trực tiếp nhất là: vào khoảng năm 1934, trong một lần vào Đại Nội tham viếng hoàng đế Bảo Đại, ông Hường Đ, đã bị mật thám Pháp ngăn trở. Về nhà ôm đầu bực tức,ông “quở” rằng: ”Đồ chó má! Tau là cha vua mà tụi nó chẳng nể nang chi”.
Nếu quả thật như dư luận (được thày Phan Văn Dật thuật lại) và như đã ghi một cách khá rõ trong tài liệu của gia đình cụ Hường Đ.,thì vua Khải Định đã nhận chú làm con (1)
 
 
(Theo lời kể của Phan Văn Dật căn cứ di cảo của Ưng Đồng,tài liệu của R.Orband và của Nguyễn Đắc Vọng,Ngũ đẳng thị vệ triều Khải Định)
 
(1) Trong bài Đế hệ vua Minh Mạng đã chọn sẵn chữ lót để phân biệt đẳng hệ cho 20 đời con cháu mình như sau:Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh Bảo Quí Định Long Trường Hiền Năng Kham Kế Thuật Thế Thoại Quốc Gia Xương.Theo phổ hệ trên,Bửu Đảo phải gọi con cụ Hường Đ. bằng chú nhưng Bửu Đảo được cụ Hường cho một đứa con(dù còn phôi thai trong cô Hoàng Thị Cúc) thế có nghĩa là Bửu Đảo đã nhận một người chú làm con mình…