Chương 13

    
hững chiếc lông ngỗng trắng xoá đầy trời. Hệt như có một trận mưa lông ngỗng vậy. Gã không ngờ chỉ một chiếc áo huyền thọai lại có thể dệt đủ lông, rải suốt ngàn đời. Trọng Thuỷ đúng. Đó là dấu vết của tình yêu. Gã bật cười. Gã vừa nhận ra những chiếc lông ngỗng mang hình mũi tên. Phải, hình mũi tên. Tại sao chưa bao giờ gã nhận ra điều này nhỉ? Truyền thuyết có lí khi chọn lông ngỗng chứ không phải bất cứ lòai nào khác. Những chiếc lông cánh hình mũi tên, chỉ có nó mới đủ sức bắn xuyên vào thời gian, bay từ đời này, đời khác, bay qua tất cả. Gã gặp một giấc mơ kì lạ. Gã đi trên đường. Phía cuối con đường, Thuyên của gã thả từng túm lông ngỗng. Những chiếc lông dờ dật, chợt vun vút nhằm thẳng vào gã. Gã vung tay gạt. Lông ngỗng rơi lả tả dưới chân. Gã giật mình, đó là những mũi tên đồng. Một mũi tên xuyên vào má gã. Không thấy đau, chỉ tê giật một tẹo. Vậy thì kệ xác. Lại một mũi tên nữa. Gã phát hoảng lên, khi thấy thằng Lít gù cưỡi con ngựa trắng rất đẹp. Vó ngựa sải tung những đám bụi lông ngỗng cũng trắng xoá. Sao nó không bị trúng tên như gã nhỉ? Gã rút phắt mũi tên trên má, trên cánh tay phi thẳng vào Lít gù. Thằng kia cười, khiến gã muốn điên lên. Nó bắt mũi tên rất nghệ. Gã thấy nó cầm mũi tên ngắm nghía. Không phải tên, trên tay nó bây giờ là chiếc lông trắng phau phau rất đẹp. Gã lại phi tiếp. Đúng lúc ấy, một mũi tên cắm phập vào tim gã. Lần này thì đau. Gã rút tên. Máu chảy nhiều quá. Máu trắng chứ không đỏ. Gã khuỵu xuống. Thuyên ơi, tình yêu sao dùng tên bắn vào nhau?
Sau này, gã gặp lại một phần giấc mơ kì lạ kia trước bia mộ của mình trong nghĩa trang liệt sĩ. Chừng dăm năm sau chiến tranh. Đó là thời khắc mệt mỏi nhất trong cuộc đời gã. Hành trình, đúng hơn là cuộc chạy trốn chính bản thân mình, đã đẩy gã trở về nơi, từ đấy gã ra đi. Gã trở về vào một đêm tối trời, trong sự thôi thúc không nguyên cớ. Gã mò mẫm lần về, nằm tịt trong bãi mả của làng. Không còn một chỗ nào khác dành cho gã. Ở làng gã, bãi tha ma nằm kề sát cuối làng, chỉ cách một rẻo bãi rất nhỏ. Hẳn, tổ tiên làng gã lập thế để âm, dương đỡ cách biệt. Mãi khuya, gã mới dám lần về. Trong đêm âm u, gã vẫn nhận ra cái bóng lùm lùm của cây gạo già. Làng gã, cây đa, cây đề rất nhiều nhưng gạo chỉ mỗi một, trồng ở bãi mả. Cây gạo già lắm. Gốc sùi ra, gai gạo không còn chỗ để mọc. Bao nhiêu lần, cỗ xe tang đã đậu dưới gốc gạo, trước khi tiễn những linh hồn sang một kiếp khác, thế giới khác. Gã nép sát vào gốc, phía kề với tường nghĩa trang liệt sĩ. Ngay cả nghĩa trang liệt sĩ ở làng gã cũng đặc biệt. Được dựng ngay trong bãi mả của làng. Để các liệt sĩ được gần gụi với gia đình. Âu cũng là một cách an ủi.
Ngày còn chăn trâu, gã thường ngồi ở chỗ này. Một chỗ ngồi cực tốt. Mùa hè mát mẻ, mùa đông kín gió, lại nhìn thấy làng rõ mồn một. Bây giờ, gã chỉ thấy làng mình mờ mờ như một pháo đài ảo, có những ánh đèn đỏ, nom như những con mắt tọc, man dại. Đã khuya, thoảng có những vệt chó sủa rộ dài. Gã ngồi mê man. Gã chui nhủi ra khỏi cuộc chiến tranh, để đến nỗi không còn đường về. Cuộc chiến tranh của riêng gã kết thúc bi thảm ở hang Dơi dạo nào. Không còn đường về, từng ấy năm gã nhục nhã trong kiếp người lầm lụi. Khoác áo của đủ mọi lốt người. Gã sống như một sinh vật thừa thãi trong vương quốc trần gian. Gã cay đắng nhận ra rằng, làm nên đời một con người chỉ là vệt ranh giới mỏng mờ phân định vinh và nhục. Từ cái trại nhỏ của ba cô gái, gã sống lang thang trong rừng như một con vượn già thành tinh. Gã không dám về đơn vị. Thằng Phương đâu? Câu hỏi ấy tước của gã mọi điều, kể cả quyền được chết. Đấy, chiến trường rộng lớn, đến cả một chỗ chết, gã cũng không có. Dù chẳng có ai tranh giành. Thằng Phương đâu? Gã không hề được hưởng một ngày hoà bình. Gã lang thang hết vùng này, vùng khác, làm đủ mọi thứ nghề để sống. Nhục lắm, đến cái tên của mình cũng không dám gọi.
Gã miên man. Đêm nay gã trở về. Gã đã quá mệt mỏi. Đằng nào cũng thế, sống và chết đều nhục cả, gã phải chọn lấy một. Phải chọn, bây giờ hoặc không bao giờ. Cuốn phim đời của gã chầm chậm trôi.
Có tiếng chân người. Bản năng sống bao giờ cũng mạnh. Gã nhoài người ẹp xuống sát chân tường nghĩa trang. Có người thật. Một đôi trai gái. Gã nhận ra họ bằng giọng nói.
- Tối quá. Em sợ lắm.
- Có anh đây, sợ cái gì.
- Thế mà đã chục năm trôi qua. Hôm anh ấy lên đường, trời cũng tối hệt thế này.
Gã rùng mình. Đã mười năm. Người con gái kia là Thuyên.
- Đừng gợi lại làm gì những điều đã qua.
- Vâng. Nhưng sẽ không bao giờ em quên được anh ấy.
- Anh hiểu. Em và anh không có lỗi gì cả. Đấy là do chiến tranh.
- Đừng anh. Để thắp hương đã. Tội nghiệp.
Thằng Lít. Nó đã trở về và bây giờ Thuyên là của nó. Tự nhiên, gã thấy lại giấc mơ dạo nào. Thằng Lít gù cưỡi con ngựa trắng. Đúng là nó, không thể chượi được. Vó ngựa sải tung những đám bụi lông ngỗng trắng xoá. Nó đã tìm được Thuyên. Gã thấy nhói ở lồng ngực. Gã rút ra mũi tên bằng đồng. Máu trắng chảy. Không, gã lại cắm mũi tên vào ngực. Gã sẽ gieo mình xuống giếng Ngọc. Tại sao lại không. Gã thua kém gì Trọng Thuỷ. Gã không có lông ngỗng nhưng gã có mũi tên đồng. Tình yêu của gã ngang bằng với tình yêu của Trọng Thuỷ. Nào biết ai hơn?
Những đốm hương lập loè. Đôi trai gái về rồi. Họ về với hạnh phúc muộn mằn của họ. Gã lần vào nghĩa trang. Dãy bia mộ thẳng hàng quét vôi trắng xoá. Gã không hiểu tại sao, mộ liệt sĩ lại quét màu trắng. Cái gì thế này. Gã sờ sẫm. Dường như chưa tin, gã bật quẹt để soi cho rõ. Hoá ra giấc mơ ngày trước có thật. Gã muốn kêu to lên. Gã chưa chết. Gã chưa được chết. Và bây giờ gã chưa chết được. Trọng Thuỷ ơi. Người đành cô đơn một mình dưới giếng vậy. Gã bật quẹt soi thêm một lần nữa. Lửa nháng nhàng. Gã đọc kĩ tấm bia: “Liệt sĩ Nguyễn Kim Vịnh… hi sinh tại chiến trường Đông Nam Bộ…”.
Bia để trống ngày chết.
°
°
- Mặc xác hắn, chị bận lòng làm gì.
- Chị khổ lắm.
- Ôi dào ơi, nó tưởng mình với con nào thì mặc nó. Miễn là mình thích hay không. Em bảo thật. Nó cứ ngơ ngơ thế lại hoá hay. Đàn ông ấy mà, sợ nhất là những thằng tỉnh. Tỉnh quá, nó bay như chim trời ấy. Ngơ ngơ càng dễ trói.
- Không! Thu đừng nói thế phải tội.
- Ơ hay, cái bà này. Ăn không, ăn hỏng của ai mà phải tội. Có mần thì mình thiệt chứ nó mất gì. Như cái thằng xế nhà em đấy. Chị bảo ai lãi? Nó đi Đông, đi Tây, về là vồ lấy, rúc rúc, gại gại, – cái Thu tỉnh bơ trỏ tay vào bộ ngực vĩ đại của nó, – nhột chết khiếp. Mà nói thế thôi. Em vẫn cứ nghĩ cái chuyện “tằng tịu” này, – nó rặt dùng cái từ nghe chết khiếp ấy để chỉ chuyện tìm hiểu đôi lứa nghiêm chỉnh, – nó thuộc về số. Ông trời đã định, muốn cưỡng cũng chả được. Chị có thích hay không là tuỳ ở chị. Nói thực lòng, bọn em cợt nhả cũng là đùa cho vui. Nhưng bọn em thương chị, Chị không bằng người, sự thực ấy không thể nhìn khác đi được. Bởi vậy, mong cho chị có nơi, có chốn, ấy là tâm của bọn em. Cái ngữ đàn ông như thằng ngơ ngơ kia, nếu suôn sẻ có các vàng chị em mình cũng không thèm “dí”. Nhưng bom đạn ùng oàng thế này, biết hồi nào dứt. Lúc ấy… thôi chị ạ, tóm lại nó lẩn thẩn, mình mới giữ được nó. Bằng không, mấy hôm nữa, anh nhà em về, ta tống quách đi cho rảnh.
Cái Sương cũng góp:
- Cái con bốp báp này nói hơi quá, dưng mà có lí. Chuyện kia, chị tự liệu lấy. Bọn em cũng chỉ biết nói thế thôi. Còn ông mãnh, mình chăm bẵm vậy đủ rồi. Nhà nó tốt phúc nên mới run rủi gặp được chị em mình. Thôi, không nói chuyện này nữa. Cắt phim.
Lanh nghẹn giọng không nói được một câu. Cơn giận gã trai kia cũng đã chuội đâu mất. Dư vị của những cái hôn cũng không còn. Có chăng, chỉ còn lại chút cặn đắng của nỗi buồn tủi vừa trào sóng. Một chút, cũng đủ để khoé mắt rưng rưng:
- Chị cảm ơn. Hai em tốt với chị quá.
Cái Sương nhẹ nhàng:
- Chị!
Còn cái Thu lại vùng vằng:
- Cái bà này hâm tỉ độ. Ở đây mà cứ nói chuyện tốt, xấu thì sống sao nổi. Chị cảm ơn cái gì. Vào mà cảm ơn cái thằng thần trùng kia kìa. Hâm!
Tính nó bao giờ cũng thế.
°
°
Gã đã dứt khỏi cơn mơ. Cũng mông muội như khi nhập vào nó. Không có mũi tên đồng nào găm trên má. Gã mân mê những vết ngón tay lằn, sau cái tát của Thuyên. Buồn cười nhỉ, bỗng dưng Thuyên lại tát mình. Gã bật cười. G&atin mới xong. Mà cũng có gì to tát đâu. Hai thằng đang uống ngà ngà, chợt thằng Biên cáo lui về đón vợ, Cường choắt chọc mỗi câu: “Vợ trẻ, sướng thì có sướng nhưng phải hầu hạ, nhục!”.
Hôm nay thằng Biên không thèm chấp. Nó ngáp:
- Đã thế, ông đếch thèm ngủ.
Nói hết câu, đã thấy đầu nó ngật xuống, ngáy kho kho.
Thắng vịt gạ:
- Ừ, hay là chợp mắt một lát vậy.
Long tẩu bảo:
- Mày muốn thì ra ngoài kia mà nằm.
Hồi chiều đã mắc một loạt võng ngoài bụi cây. Nói thế ngang bằng đánh đố. Có các tiền “đô” Thắng vịt cũng chả dám. Ông con rụt tịt cổ, lưỡi thè lè rất hề:
- Là nói thế, ngủ nghê gì. Với lại, lâu không nằm, võng viếc đau lưng lắm.
- Ừ nhỉ. Đời cũng nhiều cái trái khoáy. – Ngọc khợp triết lí. – Ngẫm ra đời người toàn dựa vào thói quen cả. Chết ở chỗ ấy. Hồi ra quân, tao không tài nào quen được nằm giường. Cứ như nằm trên đá, mình mẩy như bị giần. Đành phải treo võng. Chúng mày bảo, nhà bằng lỗ mũi, vắt vẻo cái võng, bố ai chịu được. Chướng lắm. Thế mà mọi người chịu. Chắc cả nhà tặc lưỡi, nó mới ở nơi hòn tên, mũi đạn về, chiều chuộng một tẹo vậy. Đến hôm mẹ tao lụi cụi ban đêm, vấp phải võng ngã, tao cạch hẳn. Giường phản ê ẩm độ một tuần thì quen.
Cường choắt “xì” rõ dài:
- Tưởng bố trẻ phát hiện ra cái gì mới. Thế mà cũng đòi. Cái đấy người ta gọi là thích nghi. – Nó vỗ bồm bộp vào bụng. – Đây, vô tư như cái dạ dày của tao, hồi bẩy hai suốt tháng trời không có miếng mều (thịt) nào vào bụng, đến lúc được ăn, tương miếng đầu tiên, bụng cứ réo òng ọc, đau quặn cả tóc. Thì ra, anh dạ dày quen đồ chay rồi, thịt vào không chịu nên phản ứng. Đồ vô tri, ngu thế không biết, mày không quen nhưng tao quen. Thịt, miếng nào, miếng nấy to vật vã, hơi hôi hổi bốc, đau cũng phải diệt. Bí bích mất một ngày thì chịu hẳn. Đấy…
Long tẩu cắt ngang:
- Gớm, người ta bảo: “đói nói chuyện ăn, khát nói chuyện uống, no nói chuyện… ịt” đằng này các bố đói khát gì nữa mà bàn chuyện ấy. Hết chuyện rồi à?
- Mày đừng có ti toe, – Cường choắt hăng hẳn lên. – Tưởng “no” rồi đấy hả? Giám đốc đã là cái đinh gì. Ừ, cứ cho là bây giờ no đủ đi, cũng phải nhớ đến đói khát ngày xưa. Đến viên đường phên cũng thèm rỏ dãi.
Cả bọn phì cười. Chuyện đường phên này dính dáng đến thằng Biên. Hồi ấy không hiểu sao, thằng nào cũng háo ngọt ghê gớm. Sau mới vỡ nhẽ vì thiếu chất. Mặt xanh bủng, vớ được đường ngọt, táp còn hơn lợn táp cám. Bằng cớ là bây giờ đố đứa nào nhón đến một cái kẹo. Họa hoằn, tết nhất vì xã giao phải ăn, không khác gì bị tra tấn. Đêm ấy, sau một ngày dài hành quân, cả bọn ngủ vùi không biết trời, đất là gì. Long tẩu mắc võng cạnh thằng Biên. Đang mê mệt, Long tẩu nghe thấy tiếng chóp chép. Chắc là nằm mơ, Long tẩu bụng bảo dạ thế. Vẫn thấy chập chờn tiếng chóp chép. Lần này thì tỉnh hẳn, không ngủ được nữa. Nó hé mắt nhìn. Hôm ấy có trăng. Thấy võng thằng Biên rung nhẹ. Tiếng chóp chép phát ra từ đấy. Thêm cả tiếng soạt soạt của ni lon. Cố lắng tai nghe, xem có nhầm không. Đúng rồi, không thể nhầm được. Long tẩu dắng:
- Biên. Mày ăn cái gì đấy?
Tiếng chóp chép bặt ngay tắp lự. Võng cũng im. Thêm cả tiếng ngáy khò khò. Biết mười mươi ông bạn vàng rặn ngáy nhưng Long tẩu khôn lắm, cũng nằm im xem sao. Quả nhiên, chỉ một lát tiếng chóp chép lại vang lên. Rõ mồn một võng động đậy. Lần này, tiếng chóp chép nhẹ và thưa hơn, giọng Long tẩu tỉnh như sáo sậu:
- Mày nhai cái gì hả Biên?
Chẳng ngờ, giọng thằng Biên cũng tỉnh không kém:
- Tao nhai lưỡi.
- Cái gì?
- Không ngủ được, tao nhai lưỡi cho đỡ buồn.
Không có lí để bắt bẻ, mồm Long tẩu cứng ngắc. Bây giờ thằng Biên không cần giữ ý nữa, nó thoải mái chóp chép. Nó còn cố tình nhai rõ to để trêu ngươi. Long tẩu vật mình hết sang phải, lại sang trái, vẫn không tài nào đoán được thằng Biên nhai gì. Thằng này có nhiều đồ dự trữ bí mật lắm. Dứt khoát nó đang nhai một thứ gì đó. Lưỡi gì mà lưỡi. Lưỡi thì nhai thế chó nào được. Giọng Long tẩu hạ rất dịu:
- Biên ơi!
- Chóp chép… chóp chép…
- Biên ơi, mày ăn gì đấy?
- Ngủ đi. Hỏi đéo gì. Đã bảo lưỡi còn cố.
Long tẩu ức nghẹn cổ. Tiếng chóp chép khoan vào tai nó. Long tẩu thu mình nằm im, ghé mũi sát mép màn hít thật sâu. Người Long tẩu run lên. Hình như có mùi đường mật. Nó lại hít. Lần này không riêng gì mũi, đến lỗ chân lông cũng ngạt mùi đường. Sư thằng ăn mảnh, Long tẩu nhổm hẳn người lật màn thằng Biên ra:
- Tao không tin. Mày nhè lưỡi tao xem.
Thằng Biên chủ quan, tưởng đá viên đường cứng xuống gầm lưỡi là ổn, bèn há miệng rõ to. Trăng sáng, lưỡi thằng Biên lại nhỏ, thòi hẳn một góc viên đường phên. Vả lại, lưỡi nó bây giờ như được tráng mật nâu sậm.
- Giời ơi, thế này mà dám bảo là nhai lưỡi.
Chạm nọc, thằng Biên đá hẳn viên đường lên, nhai công khai. Nuốt, má nó phồng bạch:
- Ừ, không phải lưỡi đấy. Đường của tao. Tao ăn. Cắc cớ gì đến mày.
Đúng thế thật. Long tẩu không lường đến tình huống này, mặt đuỗn ra. Miếng ăn ngay trước mặt. Long tẩu run lên vì thèm. Nước miếng tứa ra chật cả mồm. Ba mươi sáu chước Trư, chước năn nỉ là thượng sách. Long tẩu mở miệng, nước miếng vãi cả ra võng:
- Biên ơi! Cho tao ăn với.
Chừng như hả hê, thằng Biên hỏi lại rất hách:
- Cái gì?
Giọng Long tẩu xuống đến kịch bậc:
- Tao thèm quá! Cho tao xin mấy viên.
Tay thằng Biên lục sục rồi tuồn sang mấy viên. Long tẩu vứt cả vào miệng, nhai rào rạo. Khoái quá. Đã quá.
- Cho mấy viên nữa đi.
Long tẩu nói ông ổng. Mấy cái võng lục đục liền lúc. Ngọc khợp nhảy xuống. Kế đến là Thắng vịt. A trinh sát dậy không sót thằng nào. Biên ta, mặt cứ ngẩn ngơ mãi, tay vân vê cái túi ni lon rỗng không. Nhanh quá, chỉ một loáng đi tong cả bịch kí đường phên, thằng đồng hương cùng phố, ngoài Bắc mới vào, vừa cho ban sáng.
Ngày hôm sau cả C trợ chiến cứ khúc khích cười suốt. Anh nào, anh nấy lưỡi cứ chóp cha, chóp chép, đá lên, đá xuống đến vui. Trò đời, vui quá hoá rồ, quá mù ra mưa, trên ra lệnh hành quân, dưới cả đại đội nhai lưỡi, C trưởng An nổi quạu:
- Từ giờ thằng nào còn chơi trò này, bắt được tao bắn bỏ.
Tất nhiên chẳng có ai bị bắn. Chỉ mỗi mình thằng Vịnh nhận đủ cơn sấm sét của ông cạp lửa.
Cường choắt khơi ra chuyện đường phên, cả bọn khoái trá lắm. Cười khành khạch cả lũ. Thằng Biên đang ngủ ngồi, bị tiếng cười giật choàng dậy. Mắt tròn, mắt dẹt:
- Chúng mày cười gì?
Không ai bảo ai, thằng nào cũng chóp chép rõ to. Nhưng đầu nó đã lại ngật xuống. Bình ních cười phì phì:
- Ông con ngấm đòn rồi. Nó phải làm đến chục lon không ít. – Bình ních chép miệng. – Buồn cười ngày ấy, vụ nhai lưỡi, chung quy chỉ thằng Vịnh là lõm nhất: – Nó chỉ vào thằng Biên. – Ông con này mát lòng, mát ruột, hả hê ra mặt.
Có gì đâu, C trưởng An vừa dứt lời thì thằng Vịnh đã “chép” luôn một tiếng rõ to. Đen quá, thằng Vịnh đứng ngay đầu hàng quân nên không thể thoát được. Không phải nhờn mà vì nhỡ mồm. Thật đúng “tai họa từ miệng ra”, các cụ nhà mình nói, cấm có sai câu nào. Thấy mắt C trưởng An trợn cứng, đầu gắc về phía sau, yết hầu chạy lên, chạy xuống. Không ai lạ gì tính ông cạp lửa. Phen này nguy mất, thằng Vịnh ra bã rồi. C trưởng An gầm lên một tiếng, tưởng rách tọac họng:
- Đù mẹ. Mày…
Một tay xoắn ngực áo thằng Vịnh. Tay kia lăm lăm khẩu Côn 9 li. Cả đại đội xanh xám. Đến cả C viên Thuỷ chân tay cũng luýnh quýnh. Vẫn túm ngực áo, An lôi xềnh xệch thằng Vịnh lên trước hàng quân.
- Đù mẹ. Mày nhạo tao. Có tù, tao cũng ăn thua đủ với mày.
Chưa bao giờ C trưởng An cáu đến mức ấy. Người như có sóng dềnh. Đến độ không còn giữ quân phong, quân kỉ là biết rồi. Cả đại đội ngần ấy người như bị chôn sống. Họng súng khẩu Côn đen ngòm ngòm, day đi, day lại trên mặt thằng Vịnh, ghê quá. Sẩy tay một cái là rồi đời cả hai. Thằng Vịnh sợ, mồ hôi toát ra đầm đìa, áo quần ướt bết bệt. C trưởng An cũng thế. Con người ta giận còn kinh hơn sợ rất nhiều. Cằm C trưởng An bành ra. Anh nói mà răng vẫn cắn chặt:
- Tao đã nói… là giữ lời.
Ai đó đụng đậy. C phó Thạnh định nhào ra can. C viên Thuỷ vội giữ lại. Can lúc này, quá bằng hắt lửa vào xăng. Phải đến hàng phút. Mặt thằng Vịnh vàng như xát nghệ. Đấy là mặt của người chết. Không thể chịu đựng được thêm, C phó Thạnh vằng tay C viên Thuỷ, nhào ra. Nhưng cũng chính thời khắc đó, C trưởng An vứt khẩu súng xuống đất, tay kia buông ngực áo thằng Vịnh, người lả xuống. Cơn giận dữ đã vắt kiệt sức anh. Bàn tay vừa vứt súng huơ lên, quào chút tàn lực cuối cùng bật vào mặt thằng Vịnh. Cái tát không mạnh, cũng đủ ghi dấu những ngón tay hằn trên má. Thằng Vịnh đứng chết trân. Người ngay đơ như Từ Hải. Mặt đổi mầu từ nghệ xát sang bầm tím như gà toi. Răng nó cắn chặt vào môi dưới. Cái tát trước hàng quân cũng chẳng khác gì viên đạn xổ ra từ khẩu súng Côn kia. Hàng quân vẫn phăng phắc. Nhẽ ra, mọi người đã có thể thở phào sau khi khẩu súng được vứt xuống đất. Nhưng cái tát đã ngăn lại tất cả. Chưa bao giờ những người lính phải chứng kiến cảnh tượng này. Thằng Vịnh cắn môi đến bật máu. C trưởng An lòng khòng trước mặt nó, nom rất tội. Chả gì thằng Vịnh cũng là trí thức. Dù nó mới là sinh viên và mang hàm lính trơn. Thành phần trí thức, xưa nay vẫn bị mang tiếng là hèn. Nhưng đấy là trí thức khác. Ở đây, thằng Vịnh là lính. Đừng có đùa với trí thức cầm súng. Như đoán biết được điều gì sẽ xảy đến và tường tận về vai trò của mình, C viên Thuỷ lúc này mới tiến ra. Anh đã bình tĩnh lại. Dù sao, điều lo sợ nhất cũng đã qua. Thuỷ tin chắc mình sẽ dẹp được vụ này. Bất quá, thằng Vịnh sẽ khùng lên. Cũng đến như ông cạp lửa là cùng chứ gì. Được, sẽ có cách.
Nhưng không cần đến sự ra tay của người nắm sinh mệnh chính trị đơn vị, sự việc vẫn ổn thoả, đâu vào đấy. Lại vẫn C trưởng An. Cũng hệt như lần trước, đúng vào đỉnh điểm của kịch tính, An đặt cả hai tay mình lên vai thằng Vịnh. Đoạn, anh xoay người nó về phía đơn vị. Khuôn mặt An lộ vẻ đau đớn chân thành:
- Tánh qua thế nào, mấy em hiểu cả. Bỏ lỗi cho qua nghen. Chiến tranh còn dài dài, mấy em…
Ngày thường băm bổ thế, bây giờ lời nghẹn ngào không diễn đạt nổi. Mặt thằng Vịnh lập tức hồng lên. Ai cũng nhẹ nhõm, kể cả thằng Biên, nguồn gốc của cái sự động trời này. Sau đấy, cả C trợ chiến không thằng nào nỡ diễn lại cái trò nhai lưỡi.
Chợt Bình ních “à” lên một tiếng. Trán nhíu lại, làm như có chuyện gì suy nghĩ lung lắm. Nó chất ít cành khô vào cái bếp đang tàn rạc chỉ còn chút than âm ỉ ngậm lửa. Điệu bộ của nó rất quan trọng. Đợi cho lửa bập lên, nó mới cà rà:
- Nhân nói chuyện thằng Vịnh, cái con bé lái đò này, cứ bảo sao thấy nhang nhác, tao ngờ rằng nó có quan hệ chi đấy với thằng Vịnh. Vóc hình thì không phải. Nhưng khuôn mặt ấy, nhất là đôi mắt. Đúng rồi, đôi mắt. Ngợ lắm, hay là…
Phát kiến của Bình ních quả là bất ngờ, khiến tất cả, trừ thằng Biên đang “gừ rừ, gừ rừ” rung cả lán, đều bật nhổm. Quái quỷ, cái thằng này nghĩ ngợi gì lạ thế. Ừ, từ lúc đến đây, quả có mấy điều khó hiểu thật nhưng làm sao lại liên quan đến thằng Vịnh được. Từ ngày mất tích, hai chục năm rồi, tịnh không một tẹo tăm hơi, nó “tiêu” là cái chắc. Còn con bé kia, cứ cho là nhang nhác giống thằng Vịnh đi, thiên hạ thiếu gì người giống nhau. Suy diễn kiểu thằng Bình, vô lí. Long tẩu thận trọng:
- Ý mày là…
- Tao đồ rằng, con bé lái đò rất nhiều khả năng có quan hệ ruột thịt với thằng Vịnh. Cháu chắt, biết đâu con nó thì sao.
Thắng vịt bật ra:
- Vô lí. Không thể được!
- Hượm, để tao nói. Ngay bây giờ, tao vẫn cảm giác có người đang rình rập cái lều này. Trộm cắp, tất nhiên không. Thằng ngu nhất cũng thừa biết chả ăn bạc thước gì ở tụi mình. Bố con bé tránh mặt – Nồi cháo cá – Rồi thằng người ban nãy. Con bé nữa, chúng mày có để ý thái độ của nó? Khác hẳn với hồi chiều trên đò. Nhìn mặt nó, tao biết không phải người câm. Chúng mày thấy không, ai hơi đâu mà rình mò chúng mình.
Lí lẽ của thằng Bình nghe cũng được. Nhưng nếu là thằng Vịnh, sao nó không về nhà? Phân vân quá, vẫn Long tẩu:
- Cũng tại thằng cả đuỗn Thắng vịt. Ban nãy, nó túm chặt lấy thằng kia, có phải mọi chuyện rành rành rồi không. Ngu quá là ngu!
- Bố láo! Mày bảo ai ngu. Ra đấy mà túm. Nó khoẻ như trâu ấy, mới hẩy khẽ đã ngã bổ chửng.
- Hả? – Bình ních hấp hoảng. – Mày bảo cái gì?
- Thằng kia khoẻ lắm. Người tao vẫn ê ẩm.
- Thằng Vịnh ngày còn ở nhà là đô vật!
Bình ních kết luận chắc nịch. Không đứa nào nói gì thêm. Mãi sau Ngọc khợp mới thẽ thọt: “Mới đây, tiện công tác tao có ghé vào nhà thằng Vịnh. Mẹ nó giờ yếu lắm. Khổ, cứ níu lấy tao, mếu mếu, khóc khóc. Tao mới bảo:
- Thôi mẹ ạ, hai mươi năm rồi, phận trai của nó thế là xong. Mẹ có thương thằng Vịnh cũng để trong lòng, gắng giữ gìn sức khoẻ, để thỉnh thoảng tụi con còn về.
Mẹ nó oà lên:
- Khốn nạn, anh bảo thương nó không để trong lòng, mẹ biết để đâu bây giờ. Con người ta, chết thì xanh cỏ, sống thì đỏ ngực, không nghĩ thì thôi, nghĩ là đứt từng khúc ruột. Con mình…
Tao lại phải lựa lời an ủi:
- Chiến tranh, chả biết thế nào được mẹ ạ. Con người ta có số. Cái số thằng Vịnh thế, khác làm sao được. Nó chết vì dân, vì nước, nằm đâu chả là nhà. Mẹ đừng nghĩ ngợi nhiều.
- Anh thương mẹ, anh nói thế. Mẹ biết lắm. Biết cả cái nghĩa đồng đội, các anh đối với nhau. Nhưng anh không làm mẹ, không hiểu được. Người mẹ…
Khốn khổ, rầm rĩ hết cả nhà lên. Mãi, bà cụ mới nguôi ngoai. Lại bảo:
- Anh đừng cho mẹ lẩn thẩn. Mẹ thấy khác trong lòng lắm. Thằng Vịnh từ ngày đi, biệt luôn. Trong làng này, thiếu gì đứa chết trận. Tết nhất, giỗ chạp chúng nó về cả. Cứ như là chúng nó quanh quẩn đâu đây. Còn thằng Vịnh, từ ngày ấy, mẹ không một lần gặp nó. Đẻ con, biết tính con, thằng Vịnh không thế đâu. Ngày ở nhà, nó hiếu nghĩa lắm, lại quấn mẹ. Không thể nó không về. Mẹ ngờ có chuyện chi khúc mắc đây. Nói khí không phải, càng gần đất xa trời, mẹ càng… Anh bỏ quá, mẹ nghĩ thằng Vịnh chưa chết. Cứ thế này, mẹ không thể nhắm mắt nổi.
Lạ là nói đoạn này bà cụ rất tỉnh táo. Không khóc. Tao nghĩ, bằng linh cảm, người mẹ tin rằng con mình còn sống. Nghĩ thế song tao phải gạt ngay chuyện ấy. Nhưng thú thực, lòng cũng phân vân. Tao nghiệm rồi, linh cảm của các bà mẹ về con mình ít khi sai. Cũng có thể do quá đau đớn và yêu thương con nên bị ám ảnh. Bà mẹ nào chả mong muốn thế. Ngay nhà thằng Phương cũng vậy. Cả nhà vẫn hi vọng.”.
- Hi vọng gì? – Thắng vịt chen vào.
- Sao mày nhiều lúc ngớ ngẩn thế. Thiếu gì cái để hi vọng. Hi vọng như mẹ thằng Vịnh chẳng hạn. Biết đâu, chúng nó lại chả mò về được nhà, dù chỉ là xương cốt. Nhà thằng Phương, bà mẹ, thôi không nói. Thì, bà mẹ nào chả giống nhau. Đến cô em tin mới hãi.
- Em nào? – Bình ních hỏi.
- Mày đừng có giả ngô. Còn em nào nữa, ngoài con bé chim liếu điếu. Thằng Phương có mỗi đứa em gái.
Bình ních thở dài. Ngọc khợp nói không sai. Nó giả ngô thật. Ngày về, đến thăm nhà thằng Phương, gặp cô em gái, Bình ních chết mê, chết mệt. Em thằng Phương xinh lắm. Da trắng như bột nếp nặn. Giọng cứ êm mượt như nhung. Ngày ấy, chả cứ gì thằng Bình, khối thằng thầm nuốt nước bọt. Buồn cười nhất là giống trai si tình. Băm bổ ở đâu không cần biết, đến cửa ấy, nín thít hết lượt. Mặt cứ đuỗn ra như chú tễu gặp phải khi buồn. Thằng si tình nào cũng đần. Vừa đần vừa dại. Đận ấy, thằng Bình có cảm giác, người cái gì cũng thừa ra. Chân tay thừa, lẽ dĩ nhiên. Đến cái lưỡi cũng thừa thì trái khoáy quá. Thằng Bình vốn là dân lém lỉnh có hạng. Khoản miệng lưỡi, có lẽ chỉ xếp sau Ngọc khợp. Đã nói ở trên, Bình ních mặt mũi trong sáng, có gì hiện hết ra mặt. Của đáng tội, nó, người cao ráo sạch sẽ. Mặt kia, có khắt khe vẫn phải tính vào quân số đẹp giai. Kể nó với em thằng Phương cũng cân xứng. Cả bọn rất ủng hộ vì Bình ních đã có nhời. Nói trai si tình dại vì Bình ních mất không biết đâu mà kể các thứ chi để khoản đãi chiến hữu. Cường choắt nói vụng sau lưng thằng Bình: “Đấy là tiền lễ lạt quan ôn”. Quan ôn thật. Đi tìm hiểu mà cứ rầm rập như quan ôn đi tuần sau ngọ. Nhà người ta đến chết khiếp với các bố. May, nếu không phải là bạn thằng Phương chắc đã bị tống khứ.
Đi lại một dạo thân tình lắm. Đã như người nhà. Chỉ mỗi đoạn kia chưa dám nói. Cánh “chân gỗ” đã ăn lộc nhưng vẫn phải bặt miệng. Nhà người ta gặp chuyện buồn, đến để khoả lấp chưa xong, lại bày đặt tìm hiểu, tìm hiếc, họa là điên. Thành thử chuyện cứ dùng dằng mãi. Hình như em thằng Phương biết, mặt thấy cứ buồn buồn. Càng hãi, không dám lấn tới.
Đến một hôm (sau khi thằng Phương được công nhận liệt sĩ) cả bọn tề tựu đông đủ, quyết định vào việc. Ngọc khợp tặng không cho Bình ních chi tiết đoạn thư con chim liếu điếu chết. Hôm ấy đúng vào Tết. Sau khi diệt gọn ghẽ ba chai rượu cam tiêu chuẩn của nhà thằng Phương, cả bọn quay ra nói chuyện chiến trường. Đã bàn định nên chuyện rất khớp. Cả nhà thằng Phương, dù nỗi đau chưa thể nguôi ngoai vẫn bị cuốn vào câu chuyện. Vòng vo tam quốc mãi rồi thì cũng đến lượt Ngọc khợp. Rượu ngấm, mặt đã tái xanh, tái tử nhưng vì vai trò được phân công, nên giọng Ngọc khợp vẫn gồng cứng:
- Bố mẹ biết không, dạo nó đánh ngoài này, bọn con hốt lắm. Thằng nào cũng phấp phỏm, chỉ ước nhận được thư nhà. Được lá thư nào cũng bóc ra xem chung. – Cường choắt ngồi cạnh bấu một cái rõ đau vào mông Ngọc khợp để nhắc. Áng chừng, Cường choắt sợ thằng kia lan man quên mất mục chính. Cú bấu quá tay làm Ngọc khợp nhổm hẳn người. Đã thế, nó còn nói rõ to: “Biết rồi” khiến cả bọn đứng tim. – Mà có thư đâu. Họa hoằn mới được một lá – Quay sang em gái thằng Phương, Ngọc khợp hạ giọng rất mềm – Cái thư của cô viết vào, cả đơn vị đọc. Cái thư kể con chim liếu điếu chết vẫn hát vang ấy mà. Đọc đến đoạn đó xúc động lắm. Ấy thế, vẫn cứ rộ cả lên. Tếu táo, thì cô tính lính tráng có kể gì. – Ngọc khợp ngừng một tí. – Ờ phải rồi, chính ông tướng Bình này đây, hét toáng lên: “Thật tuyệt vời. Thằng Phương, mày viết thư bảo, anh Bình đấy, con chim liếu điếu là anh Bình đấy. Tao sẵn sàng trong lốt con chim chết để đậu giữa tay…” – Đột nhiên không khí lặng đi, Ngọc khợp vội vã phun nốt kịch bản – Thằng Bình, mày thích làm con chim liếu điếu thì hót lên đi, hì… hì…, hót đi để bố mẹ còn hội ý. Hí hí…
Mấy thằng kia cười theo phụ họa. Tiếng cười không ăn nhập, bởi bầu không khí ắng lặng là có thật. Bố mẹ thằng Phương quay mặt đi. Cô em gái cúi đầu. Chỉ một thoáng, cô bỗng oà lên, đấm thùm thụp vào vai thằng Bình: – Sao anh về muộn thế!
Cô ào chạy ra khỏi phòng. Cả bọn ngơ ngác. Mẹ thằng Phương, giọng run run như trộn lẫn với nước:
- Em nó sắp lấy chồng!
Còn hơn sét đánh. Trời lạnh mà trán thằng nào cũng vã mồ hôi. Hỏng rồi. Đi đứt rồi, Bình ních ơi. Thẫn thờ hết lượt. May, Long tẩu nhanh trí, gỡ cả bọn ra khỏi tình thế nguy ngập bằng câu hô như hô khẩu hiệu:
- Hoan hô. Sắp được ăn cỗ rồi. Hoan hô!
Sau hôm đấy, Cường choắt chia buồn:
- Cũng còn vớt vát được mấy cái đấm.
Chứ lại không, Bình ních qủa quyết:
- Nàng yêu tao!
Bất đồ Bình ních nổi xung, có thể vì tức bị hụt, hoặc giả, căm bọn “chân gỗ” móc mõi. Nó chỉ vào mặt Cường choắt:
- Chiến tranh hết sớm một năm thì đâu đến nỗi tao bị muộn. Hoặc, thằng Phương còn sống cũng được. Sao lại là thằng Phương mà không phải mày với Ngọc khợp.
Cường choắt biến ngay. Ai dại gì dây với thằng thất tình.
°
°
Bình ních không cự lại câu bóc mẽ của Ngọc khợp. Thắng vịt hỏi:
- Em thằng Phương tin gì?
- Tin vào tiếng hót của con chim chết. Cũng như nó tuyệt đối tin rằng, anh nó sẽ về.
Ai đó đứng ngay ngoài lều không kìm được tiếng nấc. Tiếng nấc “hức, hức” vang rõ ràng, khiến cả bọn há hốc mồm vì kinh ngạc. Cường choắt gằn giọng:
- Ai?
Không đợi trả lời, nó đã lộn rất nhanh, người cuộn tròn như một con nhím. Cường choắt có võ. Thấy “huỵch” một cái. Rồi tiếng chân người chạy thịch thịch. Bỗng Cường choắt thét lên đau đớn:
- Á… á á…
Tất cả chạy ra. Biên mu-gich cũng choàng dậy. Cường choắt lăn lộn trên đất, tay bịt chặt bắp vế.
- Cái gì thế?
- Chó cắn!
Máu rơm rớm ở ba, bốn vết răng chó.
- Tao đã quật ngã được thằng người, thì con chó xông vào tớp luôn. Chó má thế!
Bình ních hùng hổ:
- Bố con bé lái đò! Đi, chúng mày theo tao.
Long tẩu can:
- Để sáng mai. Tối như mực quét thế này. Loạng quạng, chó tợp cho thì khốn.
Tối thật. Trời đất đen ngòm ngòm. Đến cả dãy núi cũng đã lút vào đêm.