Ó HAI HÀNH KHÁCH mới vừa lên và ngồi vào một băng ghế cách xa chỗ chúng tôi. Pozdnyshev im lặng trong khi họ thu xếp chỗ ngồi, đến khi họ vừa ngồi yên, anh ta liền tiếp tục, rõ ràng không muốn bị cắt đứt dòng suy nghĩ của mình một giây phút nào. - Điều độc hại chủ yếu là: trên lý thuyết thì tình yêu là cái gì đó lý tưởng, cao cả, còn trên thực tế, tình yêu là cái gì đó xấu xa, đồi bại, nghĩ về nó là cảm thấy ghê tởm và hổ thẹn. Không phải vô cớ mà thiên nhiên tạo cho chuyện đó phải đáng ghê tởm và hổ thẹn. Nếu như nó đáng ghê tởm và hổ thẹn thì phải coi là như thế. Thế nhưng ở đây ngược lại, con người biến cái đáng ghê tởm và hổ thẹn thành tuyệt vời và cao cả. Những biểu hiện đầu tiên của tình yêu của tôi là như thế nào ư? Tôi phó mặc mình cho những ham muốn thú vật, không những không hổ thẹn, mà lại còn tự hào về chúng, lại không hề đoái hoài gì đến tinh thần cũng như thể xác của nàng. Tôi cứ ngạc nhiên, do đâu mà có sự căm hận giữa chúng tôi như vậy, mà điều đó thực ra rất dễ hiểu: sự căm hận đó không là gì khác ngoài sự phản ứng của bản chất tự nhiên con người chống lại cái thú tính đang chèn ép lên nó. Tôi ngạc nhiên về sự thù hận giữa nàng và tôi. Nhưng hóa ra đó là điều không thể nào khác được. Đó là sự thù hận giữa hai kẻ đồng lõa trong một tội ác - vừa xúi giục vừa tham gia gây tội ác. Sao không phải là tội ác được, khi mà nàng, cô vợ tội nghiệp, có mang tháng đầu tiên, mà mối quan hệ bẩn thỉu giữa chúng tôi vẫn tiếp tục? Ngài nghĩ rằng tôi nói lạc đề rồi ư? Không đâu! Đó là tôi vẫn đang kể chuyện tôi giết vợ tôi như thế nào đấy. Lúc ra tòa, người ta hỏi tôi giết vợ như thế nào, bằng cái gì. Đúng là lũ ngu ngốc! họ tưởng tôi giết nàng bằng dao vào ngày hôm đó, ngày 5 tháng 10. Tôi không giết nàng vào hôm đó đâu, mà giết nàng từ lâu trước đó rồi. Cũng hệt như bây giờ người ta đang giết hại, tất cả bọn họ, tất cả... - Nhưng giết bằng gì? Tôi hỏi. - Đó mới đáng ngạc nhiên đấy, rằng không ai muốn hiểu ra một điều rất rõ ràng và hiển nhiên, điều mà các bác sĩ lẽ ra phải biết và phải quảng bá, nhưng mà họ lại câm lặng. Mà điều đó thật giản đơn vô cùng. Đàn ông và đàn bà được tạo ra, cũng như các loài cầm thú, sau tình yêu xác thịt là bắt đầu sự thai nghén, sau đó là nuôi con. Trong tình trạng đó quan hệ tình dục có hại cho cả người phụ nữ lẫn đứa bé. Số lượng đàn ông và số lượng đàn bà bằng nhau. Thế thì phải làm gì? Có lẽ đã quá rõ ràng. Chẳng cần là nhà thông thái mới có được cái kết luận mà lũ cầm thú cũng có được, tức là phải kiêng cữ chuyện đó. Khoa học nay tiến bộ đến độ đã phát hiện ra được các bạch cầu chạy trong máu và đủ thứ xuẩn ngốc khác nữa, thế mà chuyện này thì lại chẳng hiểu gì cả. Ít nhất là cũng chưa bao giờ nghe thấy các nhà khoa học nói về nó. Và thế là phụ nữ chỉ còn hai lối thoát: một là biến mình thành kẻ tàn tật, hủy diệt trong mình cái khả năng làm phụ nữ, nghĩa là làm mẹ, để cho đàn ông có thể được yên ổn và thường xuyên hưởng khoái lạc; hoặc là lối thoát thứ hai, thực ra cũng chẳng phải là lối thoát, mà là một sự vi phạm thô bạo quy luật của tự nhiên, xảy ra trong tất cả mọi gia đình được gọi là lương thiện hiện nay: người phụ nữ đi ngược lại với tự nhiên, phải một lúc vừa mang thai, vừa nuôi con, vừa làm tình nhân cho chồng, điều mà không một loài vật nào có thể làm được. Và sức lực không có đủ. Bởi vậy mà mới có những chứng loạn thần kinh ittêri trong giới phụ nữ thượng lưu, còn phụ nữ nông dân thì có bệnh “ma ám”. Ngài để ý mà xem, các cô gái còn trinh trắng có bị “ma ám” đâu, cái đó chỉ có ở các mụ nạ dòng, những mụ đang sống cùng với chồng. Ở ta là như vậy. Ở châu Âu cũng hệt như vậy thôi. Trong tất cả các bệnh viện thần kinh đều tràn ngập phụ nữ đã vi phạm quy luật tự nhiên. Những bà bị chứng “ma ám” với các bệnh nhân tâm thần của giáo sư Charcot(11) bị coi là những kẻ tàn phế hoàn toàn, nhưng còn những kẻ tàn phế một nửa thì đầy rẫy trong thế giới này. Cứ nghĩ mà xem, người phụ nữ mang sứ mệnh cao cả như thế nào khi họ mang bào thai trong mình, rồi nuôi nấng đứa trẻ được sinh ra. Thế hệ kế tục, thay thế chúng ta sẽ lớn lên. Thế mà cái sứ mệnh thiêng liêng đó bị phá vỡ, bởi vì cái gì? Nghĩ mà kinh khiếp! Thế mà họ còn lý giải về tự do, về các quyền lợi của phụ nữ. Chẳng khác nào lũ ăn thịt người nuôi nấng những con người trong tù để ăn thịt, đồng thời lại quả quyết là chúng quan tâm đến tự do và quyền lợi của họ. Tất cả những cái đó với tôi rất mới lạ và làm tôi sửng sốt. - Sao lại thế được? Nếu như vậy, thì hóa ra, chỉ có thể yêu vợ một lần trong hai năm, thế còn đàn ông... - Đàn ông cần phải có chuyện đó chứ gì - Anh ta cướp lời. - Lại một thứ giáo điều của các ngài đang phụng sự cho khoa học. Tôi chỉ muốn bắt các ngài phù thủy ấy thực hiện thử các nghĩa vụ của những người phụ nữ mà theo họ là cần thiết cho đàn ông, xem họ lúc đó nói sao. Cứ xúi giục con người ta, rằng anh ta cần rượu vốtka, cần thuốc lá, cần thuốc phiện, và thế là tất cả các thứ đó thành cần thiết, không thể thiếu được. Thành ra, đến Chúa cũng không biết được con người phải cần cái gì, và bởi Chúa không chịu đi hỏi các ngài phù thủy ấy, nên mới làm thế giới thành ra tồi tệ thế này. Đàn ông có nhu cầu và cần phải thỏa mãn nhục dục, nhưng việc sinh nở và nuôi con làm cản trở việc thỏa mãn nhu cầu đó. Thế thì phải làm sao bây giờ? Chạy đến các ngài bác sĩ phù thủy, họ sẽ thu xếp được hết. Và họ nghĩ ra đủ thứ. Ôi, bao giờ cái lũ phù thủy ấy mới bị hạ bệ cùng với những trò lừa đảo của mình? Đã đến lúc rồi đấy! Người ta đến phát điên lên và nã súng vào óc mình, và tất cả đều do đó mà ra. Còn có cách nào khác được chăng? Những loài cầm thú dường như biết rằng con cái sẽ tiếp tục nòi giống của chúng, và vì vậy tuân theo những luật lệ riêng trong chuyện này. Chỉ có con người mới không biết và không muốn biết điều đó, chỉ quan tâm đến mỗi chuyện làm sao có được nhiều khoái lạc hơn. Mà đàn ông là vua của tự nhiên đấy. Ngài để ý thấy đấy, loài vật chỉ giao cấu với nhau khi đến mùa sinh đẻ, còn ông vua của tự nhiên thì làm chuyện ấy bất cứ lúc nào thấy thích. Lại còn trang hoàng châu ngọc cho cái chuyện thú vật ấy, gọi nó là tình yêu. Nhân danh tình yêu đó mà hủy hoại cả một nửa nhân loại, biến họ từ những trợ thủ trên con đường đi tới chân lý và hạnh phúc của loài người thành những kẻ thù của tiến bộ và phát triển. Hãy nhìn xem, cái gì ở mọi nơi mọi chỗ đều cản trở tiến bộ của con người? Phụ nữ. Tại sao họ lại như thế? Chỉ vì chuyện đó thôi. Vâng, vâng. - anh ta nhắc đi nhắc lại, cựa quậy mình, châm thuốc hút, hẳn là muốn lấy lại chút bình tĩnh. Chú thích
11. Jean Martin Charcot, (1825-1893) bác sĩ người Pháp, một trong những người sáng lập ra khoa thần kinh học và liệu pháp tâm lý (ND).
11. Jean Martin Charcot, (1825-1893) bác sĩ người Pháp, một trong những người sáng lập ra khoa thần kinh học và liệu pháp tâm lý (ND).