HOẠT KÊ

Lời hoạt kê mà hợp với chánh đạo cũng đủ giải được những điều rắc rối.
- Tư Mã Thiên.
Trào phúng là cả một nghệ thuật dạy người.
- Khuyết danh.
Tính u mặc tương đương với nghệ thuật thứ bảy.
- Lâm Ngữ Đường.
Từ "hoạt kê" tương đồng với các từ hài hước, trào lộng, trào phúng, u mặc, khôi hài... nội dung của hoạt kê là dùng cử chỉ hay lời nói bông đùa làm thức tỉnh đối tượng, khiến cho người ta vui cười, thích thú, lại thấy được cái sai lầm của họ mà tự chữa. Hoạt kê bà con rất gần với nụ cười. Muốn có một nụ cười thoải mái, cởi mở, người ta phải dùng đến hoạt kê. Kim cổ đông tây, người ta dùng không biết bao nhiêu lời hoạt kê để giải quyết những bế tắc (thậm chí có kẻ dùng lời hoạt kê mắng bọn cường hào, nhưng nó không nằm trong phạm vi bài này nên không bàn vào sâu). Về lãnh vực này đòi hỏi người hoạt kê có bộ óc bén nhạy, linh mẫn, trên môi họ lúc nào cũng có nụ cười.
Văn hào Lâm Ngữ Đường (1895 -?) người Trung Quốc được thế giới phong là U Mặc Đại vương (Humourous King) đã có những lời khôi hài độc đáo, đủ sức làm cho người ta tiêu tan đi những nỗi buồn cố hữu.
Với cuộc sống tất bật này, bạn giúp cho ai được một nụ cười là bạn đã làm cho người ta một niềm vui nho nhỏ, và chính nơi hồn bạn cũng có một sự thoải mái.
Hồi tiền chiến, thi sĩ Nguyễn Vỹ có bài thơ "Gởi Trương Tửu", trong đó có câu: "Nhà văn An Nam khổ như chó!". Không nói ai cũng biết, trước năm 1945 nước ta thuộc Pháp, người dân sống rất eo sèo, ông Nguyễn Vỹ viết bài thơ ấy thật hay. Thế mà một hôm Tản Đà và Nguyễn Vỹ uống rượu say (để quên nỗi buồn khổ). Tản Đà trách Nguyễn Vỹ: "Sao ông dám ví nhà văn An Nam với chó? Nói vậy không sợ xấu sao?" Cũng trong lúc say, Nguyễn Vỹ đáp tỉnh rụi: "Nói vậy là cho nó xấu..., bọn ta có xấu chi mô?"
Câu trả lời rất bất ngờ và rất thú vị. Hai nhà thơ lớn ấy có dịp "ném sầu vào rượu!".
Trên tinh thần hài hước đó, trong lãnh vực hội họa cũng có những bức tranh "biếm họa" giúp cho người những nụ cười "không ra tiếng".
Ở nước ta, tính chất khôi hài thấm đượm rất sâu sắc trong tầng lớp trí thức và dân gian như Trạng Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất, Tú Quì, Tú Mỡ và các nhà văn, nhà thơ trào phúng... nhưng hầu hết là ở tinh thần châm biếm. Châm biếm cũng là một cách trào lộng nhưng dễ làm cho đối tượng phật ý (mặc dù được nhiều người thỏa thích), đối tượng có thể sửa đổi nhưng ấm ức, hoặc cũng có thể đối tượng càng ấm ức hơn mà gây nên những sự thù ghét.
Trong tinh thần hoạt kê, lời bông đùa có ý nhị, tính đả kích không lịi liễu, nhưng đối tượng ngầm hiểu được, vui vẻ sửa đổi cái sai lầm của mình (nếu có) hoặc giúp đối tượng một niềm vui, một kinh nghiệm...
Có một câu chuyện khá ý vị như sau:
Vua Louis XIV (Pháp), một hôm có làm một bài thơ, dĩ nhiên nhà vua lấy làm đắc ý lắm, liền cho vời thi hào Boileau vào đọc cho nghe để có lời góp ý. Nghe xong bài thơ, Boileau nói:
- Đức Hoàng thượng tôn kính, Hoàng thượng là bậc anh minh lỗi lạc, xưa nay Hoàng thượng làm điều gì mà chẳng thành công? Bài thơ này chẳng qua Hoàng thượng cố ý làm dở để đề cao thần...!
Nhà vua đã không giận mà còn cảm động ban khen.
Đọc lịch sử ta biết, vua Louis XIV (1638 - 1715) là vị vua danh tiếng nhất trong lịch sử nước Pháp. Ông có công dẹp nội loạn, an ninh biên cương, nâng đỡ phong trào văn học và nghệ thuật (văn nghệ). Vì vậy các học giả đồng ý đặt thế kỷ 17 là Đại thế kỷ hay là "Thế kỷ Louis XIV". Các nhà văn hào Corneille, Racine, Boileau, Molière, La Fontaine, Pascal, Bossuet, Poussin, Brun, Lulli... đều ở vào thời kỳ này. Bản thân của nhà vua cũng là một nghệ sĩ.
Nếu Boileau không phải là người phẩm hạnh, có lẽ dập đầu khen vùi "kiệt tác, tuyệt vời, bất hủ...". Boileau vẫn chê thơ của nhà vua dở, tác giả dù là gã hành khất chăng nữa, nếu bị chê một cách thẳng thừng đột ngột, cũng tự ái, huống gì bậc vua chúa?
Lời bình phẩm của Boileau có ý vi u mặc kín đáo, đáng cho hậu thế lấy làm bài học.
Sử chép: "Một hôm Tô Đông Pha (đại thi văn hào đời Tống) đến thăm Tể tướng Lã Đại Phòng. Tể tướng ngủ trưa chưa dậy, người nhà không dám đánh thức ông ta. Tô Đông Pha ngồi chờ nóng sôi cả ruột. Hồi lâu quan Tể tướng mới thức giấc, sửa soạn một hồi mới ra tiếp nhà thơ. Tô Đông Pha chỉ hòn non bộ rất đẹp có nuôi rùa và cá, nói:
- Hồ này nếu đại nhân nuôi được rùa sáu mắt (lục nhãn qui) thì đẹp lắm.
Lã tể tướng ngạc nhiên hỏi:
- Ủa! Lại có rùa sáu mắt sao.
Tô Đông Pha cười:
- Có đó! Sử nhà Đường có chép, một vị quan Thượng thư bắt được loại rùa sáu mắt bèn dâng vua, vua cho là quí bèn thả vào hồ nuôi.
Tể tướng hỏi:
- Rùa đó quí ở chỗ nào?
- Ở chỗ... nó có ba cặp mắt! Một lần đánh giấc của nó ít ra cũng gấp ba lần rùa thường, đại nhân nhỉ!!
Quan tể tướng vô tình gật đầu... Lát sau ông chợt hiểu phá lên cười và xin lỗi...
Ở đây chúng ta thấy lời châm biếm của Tô Đông Pha rất kín đáo (loài rùa ít ngủ, vì cơ thể nó luôn luôn nằm trong trạng thái qui tức - một lối thở riêng của loài rùa), nhưng có phần quá đáng (người ta khinh kẻ nào, thường ví kẻ đó là loài rùa), lại chen câu "nhà vua nuôi...", dễ khiến cho người ta tưởng thật, nhưng có biết đâu, ý ông Tô Đông pha muốn nói, nhà vua dùng ông quan chỉ có tài "ngủ".
Trình độ của chúng ta không đạt đến cao siêu như vậy, nên chúng ta phải thận trọng trong việc dùng những "hí ngôn".
Những bậc thông minh chỉ một vài câu nói có tính cách bông đùa cũng có thể tìm ra thủ phạm của vụ án.
Bao Thanh Thiên đã xử những vụ án bằng những câu hỏi khôi hài nhưng tế nhị, tìm ra những vụ án rất uẩn khúc.
Chẳng hạn chuyện nhà khôi hài Narsretdine thời Trung cổ ở Trung Á. Hồi ông làm phán quan có xử một vụ kiện như sau:
Một anh nông dân đang làm vườn bỗng đào gặp một túi vàng. Một người gần đó thấy vậy nói:
- Anh đưa tôi giữ hộ cho, còn anh ra đồng kẻo thôi bọn cướp giết anh đó.
Người nông dân bèn nghe lời. Chiều về người đó đến nhà người bạn đòi lại túi vàng, người kia nói:
- Tôi có giữ số vàng gì của anh?
Thế là có sự cãi vã với nhau. Tức mình anh nông dân kiện lên phán quan Narsretdine. Trước phán quan, ai cũng nói theo phần mình. Narsretdine nói:
- Các người đi mời nhân chứng đến đây!
Anh nông dân nói:
- Chuyện xảy ra không có ai là nhân chứng cả.
- Ít ra cũng có cây cối chứ?
- Dạ có! Có một cây lớn. Nhưng cây cối làm sao có thể làm chứng được?
Phán quan nói:
- Được đó! Ngươi hãy tới nói với cây đó rằng, quán chánh án truyền lệnh cho ngươi đến làm chứng việc của chúng ta. Tự khắc cây ấy sẽ đến ngay.
Anh nông dân miễn cưỡng đi nhưng lòng đầy ngờ vực.
Ngồi hồi lâu, Narsretdine chợt hỏi:
- Theo anh, tên kia bây giờ đã đến nơi chưa?
Gã đáp:
- Chưa đâu ạ! Từ đây đến đó khoảng chừng một giờ!
Hai giờ sau anh nông dân trở lại, miệng méo xệch nói:
- Tiểu dân có đến đó truyền lệnh, nhưng cái cây không chịu đi. Cách nào nó cũng không đi! Tiểu dân...
Narsretdine ngắt lời:
- Cây đã đến đây và nhập vào mồm tên kia, và hắn đã thú tội rồi!
Ta biết đó, không có tế nhị nào, không chút bông đùa, không chút hoạt kê nào mà không có nét thông minh. Ở đời có lắm trường hợp cần đến những bộ óc bén nhạy, thông thái, hoạt kê mới giải quyết được.
Mỗi ống khóa có một chìa khóa, nhưng người ta cũng có thể sao được một loại chìa có thể mở nhiều ống khóa.
Một hôm có một cô gái đến xin việc làm ở một hãng nọ, gió phất nhẹ, mùi khai bên ngoài hắt vào. Cô gái đưa tay đậy mũi. Ông chủ cũng nhăn mặt tỏ ý khó chịu nói:
- Tụi ăn nhậu quanh đây đêm đến tè ở bên gốc cây ngoài kia, mặc dù tôi đã yết cái bảng "Cấm tiểu bậy".
Cô gái mỉm cười nói:
- Ông cũng thường thấy đó, dưới những tấm bảng "Cấm đổ rác", có những đống rác kếch xù. Phải có biện pháp mới được.
Ông chủ hỏi:
- Cô có biện pháp gì?
Cô gái nói:
- Dễ thôi! Người Việt Nam thường tôn trọng những nơi người ta thờ. Cứ dọn dẹp cho sạch, đặt nơi đó một lon cát, cắm ít chân nhang, mối ngày hai lần sáng tối đốt nhang ở đó, thì không còn kẻ nào tiểu bậy nơi đó nữa.
Ông chủ theo ý kiến đó, quả nhiên thành công. Cô gái được chủ cho làm nhân viên và trả lương hậu.
Cái khôi hài ở đây là bát nhang nơi chỗ không tôn nghiêm. Cái thông minh đây không phải là sự thờ cúng, chỉ cần tốn một lon cát với vài chân nhang cũng đủ sức đuổi được những kẻ bất trị kia.
- Trong việc giao tiếp hàng ngày song song với nụ cười, chúng ta cần có những câu vui đùa dí dỏm, để tâm hồn được thoải mái.
- Cần tránh sự châm chọc mỉa mai.
- Sự bông đùa phải đúng lúc (để khỏi lố bịch).
 
(Trích đăng sách: Thuật Ứng Xử Thu Phục Lòng Người, tác giả Chiêm Trúc)