Vào những năm ba mươi, tôi thường la cà ở một quán dưới tầng hầm tại San Francisco, trước thì gọi là cà phê Dan, sau này trở thành Armenian. Tôi hay đến đó ăn uống vì ở đó có thằng bạn thuở thiếu thời của tôi, thằng Buck Makasian, làm bồi bàn ở đó, ngoài ra còn có những thằng khác như thằng Bart Rustiean và một người bà con xa làm bồi rượu là Simon Sarouhan. Tôi thích giao du với những bồi bàn, vì thế nên cũng quen thêm một anh người Rumani tên là Pete Gagoush, một người Nga khác là Mike Tarestski lúc nào cũng nói năng nghiêm trọng, chẳng hạn "Đây là một quan điểm, cái quan niệm là đây", và nhất là anh bồi người Hy Lạp, người đã kể cho tôi chuyện này. Bồi bàn là một hạng người đặc biệt và tôi thích họ. Jim Patros là bồi bàn tiệm Omar Khayyam, ở San Francisco. Anh là người Hy Lạp vui tính, bốn mươi bốn tuổi nhưng trông trẻ trung hơn nhiều. Trông anh hơi dưới tầm trung bình, nhưng chưa đến nỗi phải gọi là choắt cheo. Người anh nở nang, hầu bàn khéo léo và điệu nghệ hết cỡ. Anh biết cách trở nên hữu ích mà không nhàm, cách xử sự của anh hẳn nhiên là khỏi chê vào đâu được. Giống như nhiều người có sinh kế bình thường, anh cũng là một tay cờ bạc, luôn cảm thấy một ngày nào đó sẽ cho đo ván hết các con bạc và đạt được một món tiền hằng mong ước. mỗi ngày anh đều theo dõi ngựa đua và thỉnh thoảng cũng chơi cá ngựa. cho đến nay, cái may mắn của anh cũng không phải là nhất thời, nhưng cứ mỗi sáu hay bảy ngày một lần, trong những vụ đánh lớn, anh lại được, nên vững tin lắm. Và cũng như phần lớn những người luôn luôn quá bận rộn, không phất phơ được, Jim cũng có đầy những chuyện về chính anh. Thích nhất trong đó có lẽ là câu chuyện về cái lần anh suýt chết vì bệnh cúm ở Chester, Pennsylvania. Anh nói, Một buổi sáng thức dậy, thấy người yếu hẳn, nhưng tôi vẫn mặc quần áo để đi làm. Khi mặc quần, tôi té nhủi xuống nhưng vẫn gượng dậy. Đến lúc ra cửa tôi lại té. Thật chẳng hiểu ra làm sao, và tôi không còn đứng lên được nữa. Tôi thấy yếu lả trong người, cố chút ít để bò đến giọng và ngã kềnh giữa nệm. Thường là nếu bạn làm việc cho nhà nước và bạn không đến sở làm, sở sẽ cho người đến xem việc gì đã xảy ra cho bạn. Hôm sau cô y tá đến hỏi, Làm sao vậy? Tôi nói, Không biết nữa, mai tôi phải đi làm. Cô khám và bảo tôi nên đi nhà thương. Tôi đứng dậy khỏi giường, và nói, Tôi đi làm bây giờ đây. Nói xong tôi té nhào, cô y tá đỡ dậy và ra lệnh, Thôi cứ nằm nghỉ đi. Buổi chiều thì bà chủ nhà đến hỏi, Này con, con làm sao vậy? Tôi nói, Con không biết má ạ. Có một y sĩ người Hy Lạp dân Smyrna ở gần đây, nên tôi nói, Má ơi, nhờ ông bác sĩ đến khám giùm con. Khi ông bác sĩ người Smyrna đến, có cả ông bác sĩ công và cô y tá nữa, họ đồng thanh bảo với bà chủ là tôi nên đi nhà thương, tôi nghe được và nói, Hãy để người đồng hương của tôi khám cho tôi. Và ông bác sĩ Hy Lạp khám cho tôi. Ông cũng bảo tôi phải đi nhà thương, nhưng tôi gắt lên, Mặc kệ tôi, không, tôi cứ ở đây. Họ ra về, nhưng chỉ một giờ sau xe tuần cảnh hụ còi chạy đến cùng với ông bác sĩ công, hai người cảnh sát và cô y tá. Họ ra lệnh, Đứng lên. Tôi nói, Để làm gì? Tôi làm việc cho nhà nước mà. Họ nói, Chúng tôi biết chứ. Nhưng chúng tôi có lệnh phải đưa ông đi nhà thương. Tôi nói, Không, tôi chỉ muốn đi làm. Và tôi khẳng khái đứng dậy, nhưng lại đi không nổi, khỉ thật. Và vì ốm, tôi phải đi nhà thương. Tôi nói, hãy đưa tôi bằng tàu đến nhà thương hay nhất ở Philadelphia. Ông bác sĩ nói, Tất cả nhà thương ở Philadelphia đều đầy nghẹt bệnh nhân. Chúng tôi sẽ chăm sóc cho ông. Rồi họ đưa tôi lên xe tuần cảnh đến nhà thương. Đến nơi, tôi hỡi ôi, nhà thương cái quỷ gì chứ? Chuồng ngựa thì đúng hơn. Một phòng lớn, một lối đi ở giữa, và giường ở cả hai bên. Họ đặt tôi lên giường và tôi bắt đầu đợi. Trong suốt ba ngày họ không cho tôi thức ăn thức uống gì cả. Chỉ toàn nước đá vụn. Một đêm, tôi thấy cô y tá đem đồ ăn đến, nhưng cái gì vậy cà? Đuôi cá. Cô y tá đặt đĩa xuống và tôi nhìn những đuôi cá. Tôi hỏi, Cái gì vậy? Cô y tá đáp, Đồ ăn. Tôi gắt, Đồ ăn đấy ư? Làm ơn đem đi cho. Tôi bắt đầu nhìn quanh và nghĩ về nơi chốn này. Tôi nói, Nơi này là nơi thế nào? Và đuôi cá để làm cái thá gì chứ? Có một cô y tá da ngăm đen nhìn giống người Hy Lạp, tôi bắt chuyện với cô. Tôi nói, Chắc cô là người Hy Lạp, phải không? Cô y tá đáp, tôi là người Serbia. Tôi phân trần, Tôi không ưa chỗ này. Bộ họ muốn giết tôi à? Cô bảo, Khi tôi ở đây đã khiến họ phải tống khứ người khác ra. Tất cả đều ốm, mà nhà thương thì quá tải, ai cũng như đang hấp hối. nhưng chỗ này thì tệ thật, có chết thì chết ở nhà chứ đừng chết trong lò sát sinh. Tôi nói với cô y tá, Tôi là người Hy Lạp, tôi muốn về nhà. Tối nay cô đem quần áo cho tôi, tôi mặc và về nhà. Cô y tá nói, Muốn mất việc mới làm theo lời ông. Mà ông có đi nổi không đã? Tôi bảo cô, Tôi sẽ đi được, làm ơn giúp cho. Vậy đó. Đêm đến cô đem quần áo vào và giúp tôi mặc. Khi định đứng dậy, tôi té liền, và cô đỡ tôi. Ai cũng ốm, nhưng phải biết mình làm gì. Vài người hỏi tôi, Jim, anh đi đâu vậy? Tôi nói, Tôi về nhà. Nếu phải chết, tôi sẽ chết ở nhà. Tôi bặm môi cố đi nhưng lại lật nhào, và cô gái người Serbia bắt đầu khóc. Cô nói, Làm ơn, cố lên chút coi. Cô dìu tôi ra cửa. trước mắt, tôi không thấy gì cả. Nhưng cô đứng cạnh tôi cho đến khi tôi hít thở được chút ít không khí trong lành. Rồi tôi bắt đầu thấy, nhưng là thấy những gì? Toàn tuyết là tuyết. Cô gái hỏi, Ông về nhà bằng cách nào? Tôi lừng khừng đáp, tôi sẽ về nhà. Cô đóng cửa và trở vào. Tôi ngồi nán lại trên bậc thang và mắt tôi bắt đầu díp lại. Tôi mơ về những ngày ở Hy Lạp, nơi tôi thường chạy băng qua những ngọn đồi để hái dâu ăn và uống từng ngụm nước sông. Rồi một người nào đó đặt tay lên vai tôi. Đó là một sĩ quan. Ông hỏi, Có chuyện gì vậy? Tôi nói, Tôi đang về nhà. Ông hỏi, Anh có ở nhà thương này không? Tôi nói, Đây không phải là nhà thương, đây là một lò sát sinh. Ông nói, Đến sở tôi đi. Trong sở, ông nói, Ngồi xuống. Rồi ông gọi điện bảo thuộc cấp lúc nào có chuyếng xe buýt về Chester thì phải đến đón tôi. Một lúc sau bác tài xế đến nghe ông ra lệnh, Đưa người này về nhà, đưa tận cửa hẳn hoi đấy nhé. Xe buýt đầy những công nhân các thứ đang vội vã về nhà. Trên xe, tôi mê thiếp đi và ngã vào lòng một người Ý. Anh người Ý nói, Không sao, không sao đâu bồ tèo. Khi bác tài đánh thức tôi dậy, xe đã trống rỗng. Bác đưa tôi đến tận cửa. Ông bác sĩ người Hy Lạp bảo với các đồng hương chúng tôi là tôi sẽ chết, nên một anh Hy Lạp khác bảo với bà chủ nhà là tôi đi đoong rồi. Khi bà mở cửa, bà không biết đó là tôi hay vong linh tôi. Anh là Lazar chứ? Tôi giống hệt Lazar-râu-xồm-mặt-quỷ. Mặt tôi chỉ có râu và xương. Anh chàng Hy Lạp ấy bảo với bà chủ nhà rằng tôi đã tịch thật rồi, chính anh ta nói. Chứ còn lạ gì thằng nhỏ đó, hôm qua chính tay con tẩm liệm cho nó mà, cái thằng Jim Patros con còn lạ gì, thôi, đừng đợi chờ gì nó nữa, má. Vậy là bà ta sợ tím mặt, tôi trấn an bà ta ngay. Đừng sợ má à. Con đây, thằng Jim Patros của má đây mà. Con đâu có chết. Bà ta rụt rè hỏi, Con thế nào rồi? Con chỉ ốm chút xíu thôi má ơi. Bà đưa tôi vào buồng và đặt tôi nằm trên giường. Mắt tôi nhắm nó tai tôi vẫn nghe ngóng. Bà nói, Con à, tao giúp được gì mày? Tôi nói, làm ơn cho con xin chút cháo gà. Thế là bà xuống bếp lấy cho tôi tô cháo gà. Tôi húp cháo và nhắm mắt tĩnh tâm. Trong cái đêm đó, có cái gì bắt đầu dâng lên trong người tôi, lạnh buốt, và cả đêm tôi không tài nào ngủ được. Có một cái gì đó bảo tôi phải chong mắt, phải canh thức, phải tự trông chừng. Sáng ra bà chủ nhà đến và nói, Này con, xem thử tao có giúp gì được mày không? Tôi nói, Má ơi, xuống lấy cho con chút cháo gà. Thế là bà đi lấy cháo gà. Và khoảng một giờ sau bà lại đến và nói, Này con ơi, nếu có bất cứ điều gì trên đời này mà con muốn, con làm ơn nói cho ta biết. Bà khóc, khóc đầm đìa nước mắt vĩnh ly. Tôi nói, Má ơi, xin đừng khóc con, nếu như con phải đứt gánh giữa đường. Chúng ta đến trên thế gian này để sống một đời, biết thế nào là ngắn ngủi hay dài lâu, hở má. Làm ơn cho con chút cháo gà. Cứ mỗi tiếng đồng hồ, cho đến tối, bà đem cháo gà cho tôi. Đêm đến, cả hai vị bác sĩ cùng đến khám cho tôi. Mắt tôi nhắm, nên họ tưởng rằng tôi đã ngủ, không nghe. Họ nói tôi sẽ chết vào khoảng chín giờ sáng mai. Tôi tự nhủ, Ờ rõ là mình không biết gì cả, bác sĩ họ biết tất. Khi họ đi rồi, bà chủ đến bên tôi và khóc ngất ngứ. Bà nói giọng đầy nước mắt, Con ơi là con ơi! Tôi nói, Má ơi, không sao đâu. Đừng khóc con. Bà bỏ đi và trở lại sau một giờ. Bà gọi, con à. Tôi nói, Má ơi, đừng mất ngủ vì con. Má đi ngủ đi, con đã nghe bác sĩ nói gì rồi. Cũng được thôi má à. Bà bỏ đi, nhưng một giờ sau lại trở lại. Tôi nghe bà đi loanh quanh nhà. Bà nói, Con ơi, ta giúp gì được con nào? Tôi nói, Không sao đâu má ơi. Má đi ngủ đi. Lần này bà bỏ đi thật. Trong người tôi, cái rét dâng cao dần lên. Tôi cảm thấy sợ vì chưa từng biết một trạng thái nào như vậy. Chẳng thể biết nó là cái gì. Rồi tôi bị chảy máu cam. Đầu tiên tôi không biết là gì, nhưng khi đặt tay lên mặt, tôi thấy nóng và ướt, và tôi ngửi thấy mùi tanh của máu. Tôi gập người lên giường, đầu chúi xuống chậu và máu chảy liên hồi. Trong thời gian ấy, tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Mọi thứ tuôn chảy ra hết, ra khỏi mũi và theo dòng máu nóng. Căn phòng tối om nhưng tôi biết mình thấy tường tận hết mọi thứ. Cái lạnh cũng biến mất nhưng cơn đói lại giục giã, nhưng bấy giờ là nửa đêm, và tôi đành ngồi đợi sáng. Sáng ra, bà chủ nhà đi ngang phòng tôi, qua lại nhiều lần, tần ngần mấy bận, thấy thế tôi đành lên tiếng. Má ơi, con không chết má à. Má vào đây đi. Thế là bà ta thu hết can đảm để bước vào, bà sợ dựng cả tóc. Tôi chỉ cho bà vũng máu. Tôi xấu hổ nói, Má tha lỗi, con không biết làm sao hơn. Bà nói, Con à, con à, con thấy trong người thế nào? Con có đỡ không? Con đói lắm, má ơi. Bà xuống nhà dưới đem lên cho tôi ít cháo gà. Nhưng tôi hầu như đói quá, nên bà phải lên lầu xuống lầu suốt cả buổi sáng. Khi mấy ông bác sĩ đến, tôi đang ngồi trên giường. Họ cứ ngỡ là sẽ thấy một xác chết nằm xuôi xị và rệu rã ra đó. Họ trố mắt, Cái gì thế này? Rồi họ khám cho tôi lần nữa, nhưng tôi đã khỏi rồi. Tôi không thích họ, và họ thì cũng chẳng ưa gì cái bản mặt tôi. Ông bác sĩ công ghi ghi gì đó vào sổ của mình rồi bỏ đi. Còn vị bác sĩ đồng hương Smyrna thì đi lại trong phòng, ra chiều đăm chiêu dữ lắm. Đoạn ông nói, Tôi xin hỏi anh một câu, làm ơn nói thật nhé. Tôi nói, Câu gì? Anh rời quê nhà, lúc ấy anh bao nhiêu tuổi? Tôi đáp, mười bảy. Ông nói, Được rồi, và đây là câu hỏi, Anh bắt đầu đi giày từ năm mấy tuổi? Tôi nói, Cha tôi mua giày cho tôi khi mới lên ba, nhưng tôi ném nó vào một xó, và chạy chân đất lên những ngọn đồi. Tóm lại, những ngày còn ở quê nhà Hy Lạp, tôi hầu như không hề mang giày, mang dép gì cả. Bác sĩ nói, Đó chính là nguyên cớ. Nói xong, ông bỏ đi. Jim nói, Thấy chưa, cái sức mạnh của quê nhà truyền qua chân tôi từ đất. Nếu tôi đã mang giày từ chốn quê xưa thì giờ đây tôi đã toi mạng rồi, đâu còn linh hoạt với đất trời thế này nữa.