Chương 14

    
ãi đến đêm khuya, khi mọi người trong nhà, cả chồng em và bé Kiotaka đi ngủ hết, em mới bóc thư anh ra đọc. Và, em nhớ đến đoạn thư em đã viết cho anh lúc trước. Đó là lúc em đọc lá thư mà anh đã thản nhiên viết về những gặp gỡ tình cờ của mình với Yukako ở Maizuru. Em nhớ lại những đoạn mà em đã viết trong thư với tâm trạng bực bội khi đó, rằng anh hãy viết lại cho em toàn bộ diễn biến câu chuyện giữa anh và Yukako cho đến giây phút cuối cùng. Em có quyền được biết điều đó. Thúc ép anh như vậy rồi, em còn viết, em sẽ không bỏ cuộc nếu anh không nói rõ cho em toàn bộ những chi tiết của câu chuyện lãng mạn đó của anh. (Anh biết tại sao không? Bởi vì khi đó, đọc lá thư ấy của anh, em muốn xe tan xé nát nó đi ngay đấy anh ạ). Nhưng, điều đó bây giờ chẳng thành vấn đề nữa rồi. Đọc lại lá thư thứ ba của anh, lá thư anh viết về những trải nghiệm kỳ lạ đó, em chú ý nhiều tới đoạn anh viết rất sơ lược về cái đêm cuối cùng của anh và Yukako. Nhưng ngày hôm trước, em đã đọc lại lá thư ấy một lần nữa, vì thấy những dòng thư anh viết đã gợi ý cho em có được những hình dung về toàn bộ diễn biến từ lúc anh và Yukako gặp lại nhau cho tới khi xảy ra vụ việc ấy, cho dù có những điều anh tuyệt nhiên không nói ra. Với em thế là đủ. “Bao giờ anh cũng trở về với gia đình của anh”. Câu nói đó của Yukako đã vuốt ve, xoa dịu cho khối u ẩn sâu tận nơi đáy lòng em bấy lâu nay. Em thấy có một cái gì đó giống như sự yêu mến của mình dành cho người con gái có tên Yukako ấy. Cái từ sự yêu mến có lẽ là không thích hợp. Cô ấy là người đã cướp chồng em, nhưng em có cảm giác rằng, cùng là phụ nữ, em có thể đối mặt với cô ấy với một tâm trạng thanh thản và yên bình, như thể em muốn mình phải cư xử ân cần, thể hiện sự cảm thông với cô ấy vậy. Giờ đây, có những lúc em thấy nhớ Yukako, người con gái sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Song, dù có thế, từ sâu thẳm nơi đáy con tim, lòng sầu hận, nỗi hờn ghen trong em vẫn hiển hiện mãi thôi. Và không hiểu sao em cứ ám ảnh mãi với câu chuyện đó của bà của Reiko, cô gái đang sống cùng với anh. Em thấy nó hoàn toàn không phải là một câu chuyện cổ tích, nó là một câu chuyện hoàn toàn có thực. Em có cảm giác câu chuyện mà bà của Reiko đã nói, rằng người nào cướp đi sinh mệnh của người khác, hay sinh mệnh của chính bản thân mình, sẽ không bao giờ được đầu thai lại làm người nữa là một sự thật đáng sợ. Tại sao em lại nghĩ rằng cái câu chuyện cổ tích ấy chắc chắn là có thật nhỉ? Chính bản thân em cũng thấy thật kỳ lạ và không sao lý giải nổi. Những lúc ở trong bồn tắm, hay khi tưới nước cho cây ngoài vườn, em cứ nghĩ ngợi, tại sao thế nhỉ, tại sao nhưng câu nói ấy của bà của Reiko lại cứ khiến lòng mình day dứt thế. Rồi em bỗng nhận ra. À, đấy là bởi em là mẹ của bé Kiotaka. Có thể nói bé Kiotaka và bà của Reiko đều có đặc điểm kỳ dị bẩm sinh, cho dù hình thức của đặc điểm ấy là khác nhau. Tuy ở mức độ ít thôi, nhưng rõ ràng, bé Kiotaka đã được đầu thai làm con người với một nỗi bất hạnh bên mình. Tại sao con trai em lại phải sinh ra với nỗi bất hạnh đó bên mình chứ? Tại sao bàn tay của người bà đó chỉ có bốn ngón không thôi? Tại sao người này sinh ra lại là người da đen? Tại sao người kia sinh ra lại là người Nhật Bản? Tại sao con rắn lại không có cả tay lẫn chân? Tại sao con quạ thì đen, mà thiên nga lại trắng? Tại sao người thì may mắn được khỏe mạnh, người thì lại khổ sở vì bệnh tật? Tại sao có người xinh, kẻ xấu? Là người đã sinh ra Kiotaka, em muốn biết nguyên nhân thực sự của những bất công và sự phân biệt phi lý vẫn tồn tại trên thế giới này như một uy lực siêu phàm vậy. Thế nhưng, cho dù em có suy nghĩ đến bao nhiêu đi nữa, thì cũng phải chấp nhận điều đó thôi. Tuy biết phải chấp nhận nó thôi, em vẫn cứ vừa đọc những dòng thư của anh vừa đắm chìm vào trong những suy tư sâu xa. Giả sử câu chuyện mà người bà ấy đã kể không phải là một câu chuyện cổ tích, mà lại là sự thật thì...
Khi nói về Seo Yukako, anh đã dùng từ cái nghiệp phải không? Và anh cũng đã viết rằng, không hiểu sao anh lại có cảm giác một bản thân khác của anh đang dõi theo chính mình khi đang ở trong trạng thái chết ấy và những tinh thể của cái thiện và cái ác, những thứ cứ bám riết lấy và không có ý định đi xa khỏi một bản thân khác của anh sẽ kết nối với nhau ở một nơi nào đó. Ôi! Em không hiểu cái gì vào cái gì nữa rồi. Để em sắp xếp lại mọi thứ trong đầu em đã nhé. Phải rồi, để làm thế, trước hết em cần phải kể với anh về mối quan hệ vợ chồng giữa em và anh Katsunuma Soichiro, những điều mà cho đến giờ, em chưa hề một lần bày tỏ cho anh hay. Katsunuma là người đàn ông không uống rượu, không ham thích những môn thể thao như đánh golf hay chơi tennis, không biết chơi cá cược, mạt chược hay cờ tướng. Anh ấy là người chỉ cảm nhận thấy một thứ âm thanh ồn ã từ âm nhạc Mozart. Em đã từng nghĩ rằng, chỉ có những tập tài liệu khó hiểu viết về lịch sử là thứ duy nhất có sức hấp dẫn đối với con người ấy. Cưới Katsunuma được ba năm, em sinh bé Kiotaka, rồi ngay năm đầu tiên đó, anh ấy đã được công nhận từ giảng viên đại học lên phó giáo sư. Trước lúc đó, các sinh viên ở trường đại học thi thoảng có đến nhà chơi, nhưng khi anh ấy lên phó giáo sư, số sinh viên đến nhà tăng đột biến. Có cả sinh viên nam và sinh viên nữ. Hầu hết những em này là sinh viên trong nhóm nghiên cứu do anh ấy hướng dẫn, trong số đó có một cô bé xinh xắn, dáng người mảnh khảnh, có vẻ hơi lạnh lùng. Cô bé ấy lúc nào cũng tỏ ra kênh kiệu về sự xinh đẹp của mình nên em chẳng ưa cô ta chút nào. Có một hôm, như thường lệ, vài cô cậu học trò lại đến nhà em chơi và nói chuyện ầm ĩ, tự tiện lấy bia, nước ngọt, pho mát trong tủ lạnh ra cứ như thể đã thuộc hết mọi thứ ở nhà người khác vậy, rồi nhao nhao vây quanh anh Katsunuma. Đến chiều, lũ học trò ấy lại đồng loạt ra về. Khi hai vợ chồng em tiễn lũ học trò ra cổng, và mấy đứa ấy nói lời cảm ơn với vợ chồng em, cô bé sinh viên đó nhìn anh Katsunuma, rồi thoáng mỉm cười. Dường như ánh mắt cô ta ngầm ra hiệu với anh ấy một điều gì đó, cố không để cho em biết. Choáng váng, em khẽ liếc nhìn anh Katsunuma. Anh Katsunuma khi ấy cũng ngầm nói với cô ta điều gì đó bằng ánh mắt của mình. Em hiểu ngay giữa hai người đã có dan díu tình cảm với nhau. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, cái linh cảm của em chưa đạt đến ngưỡng hoàn toàn chính xác. Rồi vào khoảng thời gian hai tháng sau đó kia. Anh thư ký Okabe mang đến nhà hai con cá hồng to mà anh ấy đã lặn lội đi câu ở tậnWakayama. (Anh cũng biết rất rõ là anh Okabe rất thích câu cá phải không?). Em lấy một con để nấu cho cả nhà ăn, còn một con em gói vào túi nylon, đem ngay đến biếu ông chủ quán Mozart, người giờ đã thành họ hàng với em. Thường thường, em đi xuyên qua khu nhà tập thể, rẽ phải ở ngã tư thứ hai, rồi ra đến bờ sông. Nhưng hôm nay, trước mặt em có một con chó hoang rất to đang đứng thè lưỡi ra. Em sợ quá, nên quyết định quay lại và đi vòng vào con đường tối mà bình thường, chẳng mấy khi em đi qua đó. Đang đi bộ trên đường, chợt em nhìn thấy anh Katsunuma và cô bé sinh viên đó đang đứng ôm siết lấy nhau dưới cổng một ngôi biệt thự lớn. Em vội vàng quay đầu lại, rón rén, sợ sệt đi qua chỗ con chó hoang ấy, đến đưa cho ông chủ quán Mozart con cá hồng, rồi về nhà. Hôm đó, anh Katsunuma về nhà muộn. Em nghĩ, anh ta và cô bé sinh viên kia đứng ôm nhau ở ngay gần nhà mình, rồi hai người đi đâu nhỉ? Hai người đã cùng nhau đến tận sân tennis ở tít bờ biển đằng kia, hay là đã vào cái khách sạn dành cho các cặp tình nhân ở phía sau nhà ga? Thế nào cũng là một trong hai nơi đó cho mà xem. Em chẳng mảy may thấy buồn. Em chẳng hề thấy chút lăn tăn. Em đáp trả lại vẻ mặt tỉnh bơ của Katsunuma cũng bằng một vẻ mặt tỉnh queo như thế. Em thấy hành vi của bọn họ thật đáng ghê tởm. Thật là một hình ảnh của hai kẻ đê hèn. Cùng với lúc em suy nghĩ rằng mối quan hệ của Katsunuma và cô bé sinh viên kia là một mối quan hệ thô bỉ, tội lỗi, em cũng nghĩ với một thái độ dửng dưng rằng, Katsunuma chẳng phải là người quan trọng với mình. Mình không lấy con người này bởi tình yêu, ngay cả ở hiện tại đây, sau khi đã trải qua một vài năm chung sống, mình thậm chí cũng không thể có được một chút gì đó gọi là tình yêu đối với anh ta. Kệ cho mọi chuyện muốn ra sao thì ra. Em tự nhủ với mình. Mình đã có Kiotaka, mình đã có đứa con bé bỏng yêu quý này, đứa con đã phải gánh chịu bất hạnh ngay từ khi mới lọt lòng. Kể từ đó đến nay, đã bảy năm trôi qua, mối quan hệ ấy giữa Katsunuma và cô bé sinh viên đã ra trường đó vẫn cứ tiếp diễn. Em biết thì vẫn biết, nhưng chẳng mảy may một lần mở miệng nói về việc đó. Chỉ có điều, trong những khoảnh khắc nào đó, hình ảnh của chồng em và cô bé lẳng lơ kia đôi lúc vẫn chợt lướt qua trong tâm trí em. Nhưng cái hình ảnh ấy dường như không phải hình ảnh của con người thật, mà nó chỉ là cái gì đó giống như muội than bẩn thỉu xếp thành hình người thoắt nhòa đi ngay trong đầu em. Đôi khi, Katsunuma có quàng tay ôm lấy em trong phòng ngủ, lúc đó, em lại vờ lấy cớ bảo, hình như Kiotaka đang kêu gì hay sao ấy, em phải đi xem con thế nào, hoặc là hôm nay Kiotaka rất quấy, nên em cũng mệt lắm rồi. Em tuyệt nhiên không có ý định đón nhận những thứ đó ở chồng mình nữa. Về sự việc này, em không muốn nói sâu thêm nữa cho anh nghe đâu. Chắc hẳn anh sẽ ngạc nhiên lắm, nhưng đúng thật là, từ cái ngày đó, cái ngày em nhìn thấy cảnh Katsunuma và cô gái ấy đang đứng ôm nhau, em và anh ấy không hề một lần cùng nhau ân ái. Bảy năm chẳng hề một lần nào. Bởi thế, chồng em đã nhận ra là em cũng đã biết chuyện. Thế nhưng, bề ngoài, cả hai người đều tỏ ra chẳng có chuyện gì cả và vẫn cùng nhau chung sống cho tới hôm nay.
Em có cảm giác, em đã hiểu ý nghĩa của từ cái nghiệp. Em cảm giác mình đã hiểu rằng, đó không phải chỉ là một từ với ý nghĩa đơn thuần của nó, mà là một nghiêm luật nào đó. Phải chăng, em đã trót mang trong mình cái nghiệp là, cho dù có lấy ai đi chăng nữa, rốt cuộc cũng bị người phụ nữ khác cướp mất chồng mình mà thôi. Em chỉ có thể nghĩ rằng, dù em có chia tay với Katsunuma, và lại lấy một người khác, thì chắc chắn chuyện tương tự cũng sẽ lại xảy ra. Anh sử dụng cái từ cái nghiệp và viết rằng, anh có cảm giác cái từ đó sẽ kết nối ở một nơi nào đó với tinh thể của cái thiện và cái ác, những thứ cứ bám riết lấy của bản thân anh. Khi đọc đến những dòng này, em có suy nghĩ rằng việc em mất anh, việc Katsunuma thay lòng đổi dạ và đến với một người con gái khác, rất có thể tất cả những điều đó là nghiệp của em. Trước khi bình luận về từ nghiệp này, em nên nhìn lại bản thân mình trong vai trò là một người phụ nữ. Rất có thể, em còn khiếm khuyết một điều đó trong vai trò là một người phụ nữ, một người vợ chăng? Em thiếu gợi cảm ư? Hay em thiếu nhu mì? Chắc chắn là anh biết rõ chứ, phải không? Mong anh đừng ngại ngần, hãy nói cho em biết điều đó nhé anh.
Hình như bố em về rồi. Chuyến đi công tác Tokyo vừa rồi của ông cụ rất dài. Chắc cụ mệt lắm. Bố em cũng đã phát hiện ra Katsunuma có dan díu với một người phụ nữ khác từ vài năm trước rồi anh ạ. Không phải do em nói cho bố biết. Bố là người rất tinh. Em sẽ lại viết thư cho anh. À, phải rồi, em quên chưa viết điều này. Em thấy nhớ cái câu mà anh cũng đã gắt gỏng với Reiko trong lúc say rượu ấy quá anh ạ. Hồi mới đang yêu nhau, hai chúng ta cũng thường cãi nhau vì những chuyện không đâu. Bao giờ anh cũng nói với em câu này. “Tôi ghét em”. Nhưng, anh yêu em với tình yêu sét đánh, bởi vậy em luôn thầm nghĩ và chọc lại anh thế này: “Ái chà, yêu, rất yêu người ta mà còn làm bộ nói này nói nọ”. “Tôi ghét cô”. Reiko là cô gái đã bắt được anh phải nói ra câu ấy rồi đấy nhỉ.
Chào anh!
Ngày 18 tháng 8
Katsunuma Aki
Gửi Katsunuma Aki.
Trước tiên, tôi sẽ trả lời em câu hỏi ấy. Những gì tôi biết về em, đó là em là một phụ nữ rất hấp dẫn. Sự hấp dẫn ấy của em không hề đổi thay khi hai chúng ta đang yêu, hay khi chúng ta đã nên vợ nên chồng. Trên giường ngủ, những động tác vuốt ve của em không kỹ thuật, điêu luyện như của những cô gái làng chơi, nhưng mỗi cử chỉ âu yếm của em với tôi vẫn thật quyến rũ. Em vẫn thường hết mình và bạo dạn mỗi khi hai ta ân ái. Tôi nhớ những khi ấy, em đã gạt bỏ hết bao e ấp, ngại ngần, và dâng hiến hết những đắm say trong con tim mình. Em biết không, em là người phụ nữ đã làm cho tôi thực sự cảm thấy mãn nguyện. Có được một người vợ đầy quyến rũ như vậy, người chồng phần nào cũng thấy lo lắng đấy. Và nữa, nói một cách chân thành, giờ đây nghĩ lại, tôi thực sự cảm thấy em cũng là một người vợ rất ngoan ngoãn, nhu mì nữa. Tôi không lấy lòng em đâu đấy nhé. Lớn lên trong sự yêu chiều của bố mẹ, tính em có phần bướng bỉnh, đến nỗi đôi khi tôi thầm nghĩ phải tát em một cái thật đau cho chừa cái thói ấy đi. Nhưng trên hết, em vẫn là cô gái nằm trọn trong vòng tay tôi, để tôi vẫn thường muốn được âu yếm, vuốt ve mái tóc em. Cái tính cách bướng bỉnh ấy cũng là một đặc điểm hấp dẫn ở con người em. Thế nhưng, những điều đó là tất cả những gì tôi biết về em. Tôi cũng không rõ người chồng mới của em cảm nhận thế nào. Thói trăng hoa của người đàn ông vốn dĩ thuộc về bản chất rồi và thật khó để thay đổi nó. Nó tiềm tàng trong mỗi người đàn ông. Có lẽ chị em phụ nữ sẽ nổi giận và bảo rằng thật là lối nói tùy tiện, ích kỷ, nhưng đó là sự thật, nên tôi buộc phải nói vậy thôi. Cho dù anh ta có một người vợ hiền dịu, xinh đẹp mà anh ta rất mực yêu thương, nhưng chỉ cần may mắn có cơ hội, hoặc do hoàn cảnh đưa đẩy, là anh ta có thể ngủ với người phụ nữ khác. Nhưng, không phải vì thế mà tình yêu với vợ mình sẽ thế này hay thế khác đâu. Không, tôi không thể khẳng định như thế được. Tôi đính chính lại câu vừa rồi một chút. Cũng có những người đàn ông say đắm với người phụ nữ đó và vứt bỏ cả gia đình của mình. Nhưng, hầu hết thói trăng hoa của đàn ông là như những gì tôi đã viết ở trên. Nếu viết tiếp nữa, sẽ thành ra tôi lại đi biện bạch cho bản thân mình, nên tôi dừng chủ đề này ở đây thôi.
Lâu lắm rồi tôi mới lại làm việc, nên thấy mệt rã rời. Hơn nữa, lại có một chuyện khó chịu xảy ra. Hai ngày trời, tôi hầu như thức đêm để biên tập cuốn tạp chí PR. Tôi buộc phải làm thế vì nếu như không thức suốt như vậy, chắc chắn tôi sẽ không thể nào kịp được. Chúng tôi đã quyết định đặt tên cho cuốn tạp chí của mình là “Beauty club” (Câu lạc bộ sắc đẹp). Chúng tôi hầu như chẳng có mấy thời gian để đặt tên cho tạp chí, hay làm bất cứ một việc gì liên quan đến nó. Thật là một cái tên chẳng chút ấn tượng nào. Nhưng, chúng tôi chẳng thể nghĩ ra thêm được nữa, vả lại, nếu không đặt luôn một cái tên nào đó, thì các bước tiếp theo cũng không thể tiến thêm được. Ở trang thứ hai, là các bài viết về cách sử dụng xà phòng theo như bản mẫu Reiko đã làm. Sang trang thứ ba, chúng tôi chọn một vài phương pháp bấm huyệt từ cuốn Thuật bấm huyệt tại gia đình kia, rồi thay đổi một ít câu chữ. Vì nếu in nguyên như vậy, sẽ thành sao chép trộm bản quyển. Trang thứ tư mới thật khổ. Tôi không thể nghĩ nổi xem nên cho gì vào đó đây. Trang cuối ư, chà chà, thế nào mà chả được. Nghĩ vậy, tôi tự tiện lôi một vài mẩu chuyện lạ đó đây trong cuốn Bách khoa toàn thư - những điều thú vị vào. Sau khi làm xong, tôi đi đến xưởng in để trao đổi về việc dặt hàng, kích cỡ tạp chí. Không biết Reiko mướn được ở đâu một chiếc ô tô mini trong toàn bộ thời gian cho đến khi cuốn tạp chí PR hoàn tất, và nhờ tôi chở đi lo việc. Tôi có bằng lái, nhưng cũng cỡ chừng năm năm nay chẳng hề động tay vào vô lăng. Reilo cầm tấm bản đồ của thành phố Osaka rồi nói: “Lên đường thôi!”. Reiko bảo lần này cô ấy đã nằn nì ông chủ xưởng in giúp cho chỉ in hai vạn bản. Bởi thế, một bản được in với giá mười yên. Cô ấy giải thích, như vậy là số tiền sẽ thu được từ mười tám cửa hiệu kia coi như đi tong. Cho nên, từ giờ đến ngày giao hàng vào cuối tháng, phải đi tìm thêm các cửa hiệu ký hợp đồng với mình. Hôm đó, chúng tôi đã đi lòng vòng quanh quận Namano. Khi thấy một tiệm thẩm mỹ, Reiko bảo dừng xe, rồi đi vào trong đó. Gần một giờ đồng hồ trôi qua, tôi đang nghĩ, không biết có ký được hợp đồng hay không đây, thì cô ấy xuất hiện và bảo: “Không được rồi”. Đến cửa hàng thứ hai, chưa đầy hai phút, cô ấy đã bị đuổi ra khỏi cửa hiệu của họ. Chúng tôi cứ đi lòng vòng như vậy qua năm cửa hiệu, nhưng chẳng có cửa hiệu nào ký hợp đồng cho chúng tôi cả. Hôm đó trời nóng kinh khủng, cái điều hòa của chiếc ô tô cũ rích ấy chẳng có mấy tác dụng. Người đầm đìa mồ hôi, tôi dựa lưng vào ghế vô lăng đang nóng lên sừng sực, và bảo, thôi đi em ạ. “Hôm nay chí ít em cũng phải ký được hợp đồng với một nơi, nếu chưa có, dứt khoát em chưa về đâu”. Reiko khăng khăng như vậy và nhất định không chịu nghe theo ý tôi. Khi chúng tôi ăn xong bữa trưa tại quán, cô ấy lại đứng lên, đút chìa khóa xe vào tay tôi và nói: “Lên đường thôi!”. Tôi nài nỉ: “Em phải cho anh nghỉ một chút đã chứ, vừa ăn cơm xong mà lái xe là đau dạ dày đấy”. “Ừ nhỉ. Em sẽ gọi cà phê cho anh nhé”. Reiko cùng tôi đi sang quán cà phê ở sát cạnh quán ăn đó, rồi khi tách cà phê chúng tôi vừa gọi chưa được mang ra, cô ấy đã giục: “Anh nhớ uống mau mau đấy nhé”. Tôi cố tình chậm rãi nhấp từng ngụm cà phê. “Anh này, thật là khó chịu quá. Người ta thì đang cố gắng hết sức, mà anh sao chẳng quan tâm gì thế”. Cô lại xối đôi mắt tròn ấy vào ngực tôi và lẩm bẩm như vậy với vẻ buồn buồn. Quan tâm hay không quan tâm thì rốt cuộc mấy ngày nay, chẳng phải tôi đã nhận lời nhờ vả của em, chạy long sòng sọc theo những yêu cầu của em còn gì? Người thức thâu đêm để hoàn tất việc biên tập cuốn tạp chí PR, rồi lại chạy đến xưởng in để thuyết trình nội dung in lên trên cuốn tạp chí đó là ai? Chính là tôi đây chứ còn ai nữa. Chưa hết. Chẳng biết em mượn mõ ở đâu ra cái xe ô tô cà tàng đi chậm rì rì, chỉ biết nhả khói mù mịt này nữa. Tôi cũng đã lái nó, chạy lòng vòng khắp phố phường trong khi mồ hôi đầm đìa. Cái thằng cứ bị sai vặt đó là tôi. Tôi cũng đang cố nén nhịn để không thốt ra lời cằn nhằn nào đây này. Tôi đáp trả lại cô ấy như vậy. Tức thì, khuôn mặt buồn buồn khi nãy của cô ấy thoáng thay đổi, đôi mắt đen lay láy bắt đầu hấp háy, cái mũi tròn nhăn lại, và cô ấy cười tôi rất kỳ lạ. (Cái mũi tròn này chính là đặc điểm khiến cho Reiko không thể được gọi là xinh, nhưng cũng phải nói rằng nó lại là đặc điểm khiến cô ấy phảng phất nét thơ ngây rất có duyên).
Tôi hỏi cô ấy có gì mà buồn cười. Reiko bảo thế này. “Em nuôi anh một năm trời là chỉ để dùng vào lúc này thôi đấy”. Rồi cô ấy lấy hai tay bụm miệng cười rũ rượi. Ban đầu tôi cũng thấy bực mình, nhưng rồi cũng lấy làm lạ. Tôi nghĩ, thế là mình bị vào tròng rồi. Tôi hỏi Reiko rằng, có phải một năm trước đây, cô ấy quyết định chung sống cùng tôi vì mục đích này hay không? Reiko thôi không cười nữa và bảo: “Trời ơi, em nói đùa mà cũng tin à? Em đã muốn sẽ kinh doanh cái gì đó bằng số tiền mình có, nhưng em cũng chưa tính được là mình phải làm gì đây, rồi thì cũng hai mươi bảy tuổi, cũng chưa kiếm được tấm chồng. Từ khi chung sống cùng với anh, nhìn anh ngày ngày sống trong tâm trạng chán chường, em thấy nhất định là mình phải làm một cái gì đó. Phải kinh doanh cái gì đó bằng số vốn bốn triệu hai trăm nghìn yên để vừa kiếm tiền ăn hằng ngày vừa tăng thêm số vốn đó. Em nghĩ, cần phải nghĩ cách kinh doanh để anh hào hứng cùng tham gia, để kéo anh vào cuộc”. Reiko nói đến đó với giọng điềm đạm như mọi khi, rồi có vẻ ngập ngừng điều gì đó, cuối cùng, cô ấy lại tiếp tục nói. “Vết thương ở ngực và bụng anh đó, là sao vậy?”. Tôi im lặng. Cứ thế im lặng. “Em đã biết là thế nào anh cũng không nói đâu mà...”. Reiko nói thế rồi đứng dậy, thanh toán tiền, đi ra ngoài cửa và đợi tôi ở đó.