Chương 14

    
oàn hất mặt về phía Lưu Ly, giọng cau có:
- Sao mẹ ở dưới lâu vậy? Em biết không?
Lưu Ly không trả lời mà hỏi vặn lại:
- Anh nhớ mẹ hay hết tiền xài?
- Dĩ nhiên là nhớ mẹ. Em giỏi xóc hông lắm. Vậy em còn tiền không?
- Còn, nhưng toàn tiền lẻ đâu xứng với người quen xài đồ như anh.
Đoàn trợn mắt:
- Ranh con! Dạo này ăn gì mà chua quá trời. Coi chừng ế chồng đó em.
Ly bĩu môi:
- Hổng dám ế đâu! Có bà Thủy Tiên ế nên mới cam tâm làm người tình nhỏ của anh thôi.
Đoàn giơ tay dọa:
- Cấm động tới Thủy Tiên nghe chưa. Hừ! Làm như anh tệ lắm không bằng. Nói thật nha. Con gái xếp hàng dài cho anh chọn đó.
- Thì tại anh nhiều tiền. Thử đừng móc túi mẹ xem có em nào ngó ngàng tới anh không.
Đoàn tỉnh bơ:
- Có túi mẹ để móc là điểm có phúc có phần của mình. Đó cũng nhờ ông bà cha mẹ. Ai nhìn vào gia đình này cũng khen bề thế đường, có căn cơ gốc gác. Sau này thằng nhãi nào quen em chắc chắn nó cũng tìm hiểu thân thế em trước. Bởi vậy mẹ giữ rịt em còn hơn giữ của, bà sợ gặp rể họ Đào.
Lưu Ly phản ứng ngay:
- Chắc khó có chuyện đó quá. Anh chàng của em là người hoàn toàn tự lập, coi tình nghĩa nặng hơn tiền bạc, không màng để ý tới tài sản của gia đình em, ảnh còn là người có tài....
Đoàn ngắt lời:
- Nhưng hắn ta đâu? Nếu chỉ là mẫu người lý tưởng do em vẽ ra thì đúng là không thực tế.
- Sao lại không thực tế? Chẳng lẽ trên đời toàn đàn ông bám vào gia đình giống anh?
Đoàn nổi sùng lên:
- Được ba mẹ lo lắng đâu phải là cái tội. Dường như em ganh với anh thì phải? Thật buồn cười! Tiền của làm ra không để con cái xài thì để cho ai?
Lưu Ly làm thinh. Cô nghĩ tới ông nội một mình mấy mươi năm với vườn tược đất đai mà xót xa. Anh Đoàn đâu bao giờ biết, để có tiền cho con cháu ăn xài, nội đã cực nhọc như thế nào.
Đoàn bỗng chép miệng nhắc:
- Không hiểu sao mẹ ở dưới lâu dữ vậy. Chả lẽ mẹ thích làm dân vườn thiệt sao kìa?
Lưu Ly hơi mỉa mai:
- Mẹ thích làm bà chủ vườn thì đúng hơn. Em thấy mẹ rất vui mỗi khi có người nói "Thưa mợ Hai.... "
Đoàn lắc đầu:
- Anh không tin mẹ mê vườn đất hơn cuộc sống thành phố này.
Lưu Ly ngập ngừng:
- Vậy là anh chưa hiểu gì về mẹ hết. Hôm trước ba có nói với em. Mẹ luôn luôn bị đất ám ảnh, xưa kia vì nội không nhận mẹ là dâu nên bà mới đề nghị ba bán đất vì sợ nó rơi vào tay kẻ khác. Nay mẹ đã về dưới rồi, đời nào bà bán đất khi nó là niềm khát khao của mẹ từ hồi còn con gái.
Giọng Ly trầm xuống bùi ngùi:
- Mẹ từng nói nhà ngoại rất nghèo, đến lúc chết ngoại vẫn gò lưng làm mướn trên đất người khác. Khi ngoại chết rồi các cậu cáu dì trôi nổi người mỗi nơi, đến giờ vẫn không biết ở đâu. Bởi vậy mẹ không những giữ đất, mà còn có tham vọng mua thêm nữa đấy.
Đoàn nhún vai:
- Nhưng anh dứt khoát không về quê, mẹ có giữ lại sau này cũng chả ai quản lý.
Lưu Ly nhìn Đoàn:
- Gặp mẹ, anh mà nói thế thì liệu hồn đó!
Đoàn ngồi rung đùi đầy bất mãn. Anh biết những lời Ly nói là đúng. Đợt về nhà vừa rồi, anh nghe mẹ bàn với ba bao nhiêu phương án kế hoạch phát triển vùng quê ấy. Mẹ rất phấn khởi khi đã lấy được vườn xoài và dùng nó làm bàn đạp tiến thẳng vào ngồi nhà mà mấy chục năm qua bà thèm muốn. Bà tuyên bố sẽ ở dưới chăm sóc ông nội và công việc ruộng vườn. Tuyên bố này thật đáng kinh ngạc vì mẹ đâu ưa ông nội. Trước đây mỗi lần ông đem tiền lên cho ba, bà vẫn lạnh nhạt như người dưng, bây giờ lại về dưới để chăm sóc. Quả thật đúng là mẹ!
Đoàn chán chường đứng dậy!
- Chiều nay anh không ăn cơm.
Ly hờ hững:
- Lại tới nhà chị Tiên hả?
Đoàn chép miệng:
- Chứ biết đi đâu khi túi rỗng tuếch.
Đợi anh dắt xe ra, Lưu Ly đóng cổng rồi tới ngồi bên hồ nước. Mặt hồ buồn thiu trông thật tội. Khỏa tay xuống nước, cô khe khẽ hát trong nỗi nhớ nhung chất ngất:
"Con phố mùa mưa xa
Một tên người vừa nhớ
Một tên người vừa quên
Những phố dài không tên mái nhà lên rêu xám chút tình nào phai mau
Em không là rêu bám"
Cả tháng này hầu như ngày nào Ly cũng rong xe ngang nhà Tường. Ngôi nhà đóng cửa im ỉm không cho cô chút nào hy vọng sẽ gặp anh. Một năm chắc không dài bằng một tháng Ly vừa trải qua đâu. Phải chờ đợi trong vô vọng quả là đáng sợ.
Lần trước mẹ về, bà kể đủ mọi chuyện, nhắc đến đủ mọi người ở dưới.... Cô ngồi im nghe nhưng chẳng dám hỏi một lời. Bà rất nhạy bén nên Ly sợ những điều muốn giấu kín không thoát khỏi mắt mẹ. Yêu mà phải giấu như vầy sẽ đi tới đâu? Lưu Ly bó gối thổn thức. Cô nhớ Tường quay quắt, không có anh kế bên, lòng tin của Ly giảm rất nhiều. Cô hoang mang lo lắng khi nghĩ anh đã bỏ mặc mình vì những khó khăn mẹ gây nên.
Đang chìm trong nổi niềm sầu khổ, Ly bỗng nghe chuông điện thoại reo. Cô uể oải đứng dậy bước vào nhà. Cầm ống nghe lên cô hơi bất ngờ khi nhận ra giọng Đào ở đầu dây. Tiếng con bé nheo nhéo bên tai cô:
- A lô. Phải chị Ly đó không. Em là Đào đây.
Trái tim đập mạnh khi nghĩ chắc Tường nhờ Đào gọi mình, cô vội hỏi:
- Chị đây! Có chuyện gì không?
Đào vừa nói vừa thở hổn hển vào máy:
- Có! Mẹ chị bị cây đè chấn thương. Đã đưa vào phòng cấp cứu rồi.
Lưu Ly kêu lên:
- Trời ơi! Mẹ làm gì mà bị cây đè?
Giọng Đào cứ đứt từng đoạn:
- Mợ.... Hai cho người đốn.... cây.... xoài ngoài.... miếu.... ông Chín bảo em điện thoại cho chị và cậu Hai hay. Bây giờ em phải vô trong phòng ngay....
Lưu Ly lạnh cả người vì những lời Đào vừa nói. Cô hét vào điện thoại:
- A lô! A lô! A lô!...
Nhưng không nghe thêm được gì. Ngồi phịch xuống ghế, Lưu Ly sợ quá. Cô chẳng hiểu sao mẹ lại cố tình động vào chỗ thờ người đã chết như vậy. Dù không mê tín, Lưu Ly vẫn không khỏi mất hồn mất vía khi nghe tin này. Tay run lẩy bẩy, cô bấm số điện thoại gọi cho ba. Ly vừa nhấc ống nghe, vừa mếu máo. Cô không tưởng tượng nổi mình sẽ sống như thế nào khi mất mẹ.
o0o
Ông Chín Trực trầm giọng nói với ông Trịnh:
- May là con Lan chỉ bị dập xương bả vai. Nếu thằng Tường không đẩy vợ mày ra kịp, nhánh xoài ấy đã đập vào đầu nó rồi.
Ông Trịnh nóng nảy dụi điếu thuốc vào gạt tàn:
- Con không ngờ mẹ thằng Đoàn lại nhẫn tâm đến thế. Trước khi cho cô ta về đây, con đã dặn đi dặn lại chuyện cái miếu ấy rồi. Nhưng vì tính cố chấp, hẹp hòi cô ta đã phớt lờ con, để làm theo ý mình cho hả lòng thỏa dạ. Con không thể tha thứ cho cô ta được.
Ông Chín Trực nhẹ nhàng:
- Cú chết hụt vừa rồi đã là một bài học cho nó về cách xử sự. Con phải rộng lượng để vợ mình hối hận, từ đó nó sẽ thay đổi lối sống, cách nghĩ về chuyện hồi trước cũng như sau này.
Ông Trịnh làm thinh khi nhớ lại tâm trạng của mình hôm qua khi nghe Lưu Ly điện thoại. Lúc ấy ông vừa lo vừa giận đến mức đấm mạnh xuống bàn ê ẩm cả tay. Suốt thời gian ngồi xe về đây, ông lầm lì chẳng nói một lời làm con bé Ly cũng lấm lét ngồi im thin thít. Tới nhà, biết bà Lan không chấn thương đầu mà chỉ bị gãy xương vai, ông ngồi lì ở phòng khách, không thèm vào bệnh viện xem bà ra sao. Con bé Ly biết ông giận mẹ nó nên vội vàng đi với bà Tám Giỏi vào trong ấy. Bác sĩ theo dõi một đêm, thấy không có triệu chứng bất ổn, nên sáng này vợ ông đã về. Bà đang nằm trong phòng ngủ, nhưng ông cũng mặc kệ. Bà đã coi chồng không ra gì, ông thấy lòng tự trọng bị xúc phạm đến mức hết muốn nhìn mặt vợ nữa. Lừng thừng đứng dậy, ông nói:
- Mẹ con Ly chỉ bị thương nhẹ, con phải về vì công việc ở trên ấy nhiều lắm.
Ông Chín hỏi:
- Chừng nào con về?
- Ngay bây giờ.
- Không vào nói với nó một câu nào à? Ai lại thế? Dù sao nó cũng vợ mày mà!
Giọng ông Trịnh lạnh tanh:
- Ba Ánh cũng là vợ con. Con thấy tổn thương vì hành động vừa rồi của Tư Lan. Vào gặp cô ấy lúc này, sợ con không dằn được nóng giận. Tốt hơn là về Sài Gòn cho rồi. Con chán mọi cái, chán tất cả những gì liên quan đến cô ta.
Ông Chín khoát tay:
- Vậy tùy ý mày.
Ông Trịnh ngập ngừng:
- Ba dặn con Ly chăm sóc mẹ nó. Con về đây!
Nhìn theo con trai, ông Chín khẽ lắc đầu, Tư Lan cũng đáng được hưởng cơn giận này lắm. Trước kia Hai Trịnh nuông chìu nó quá, nên mới ra nông nổi này. Người như nó cần phải bị những cú sốc về tâm linh họa may mới đổi tánh. Uể oải, ông đứng lên đi về phòng trong, nơi có bà Tư Lan và Lưu Ly đang ngồi. Hai người nhướng mắt ngạc nhiên khi không thấy ông Trịnh.
Lưu Ly lên tiếng trước:
- Ba con đâu nội?
- Về Sài Gòn rồi.
Định vọt miệng hỏi "Tại sao?" nhưng Ly đã kịp cắn môi lại. Cô thừa hiểu ba mình giận mẹ ghê lắm. Chính bản thân Lưu Ly cũng buồn mẹ. Suốt buổi ngồi trên xe, hai cha con rơi vao hai tâm trạng buồn chán, lo âu, và thất vọng chưa từng có. Nhưng đến khi vào bệnh viện, nhìn thấy gương mặt hoảng loạn thất thần của người vừa chết hụt, cô đã bật khóc vì thương mẹ. Dù có làm chuyện sái quấy gì, bà cũng là mẹ cô kia mà, Lưu Ly đâu thể giận mẹ ngay cả khi cô biết việc làm ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm của Tường và mình. Ba thì khác, ông có quyền giận, vì mẹ đã động đến vết thương không lành trong tim ông.
Liếc trộm mẹ, Lưu Ly thấy đầu bà gục xuống, người rũ ra bất động trên ghế bố. Khung bột băng ở vai làm bà ngồi yên như hình nộm. Lưu Ly biết mẹ đang đau khổ vô cùng. Suốt đêm qua bà trằn trọc không ngủ được một phần nhỏ vì vết thương hành, còn phần lớn là tại thái độ của chồng. Lần này ba tỏ vẻ phẫn nộ quyết liệt quá làm mẹ suy nghĩ chớ gì? Ly thở dài. Cô sợ nhất là thấy ba mẹ gây gổ, bất hòa. Nội vụ miếng vườn vừa rồi, cô và anh Đoàn đã.... xấu mình, nay tới chuyện tày trời này. Chẳng biết ai sẽ hạ mình trước, một khi lỗi rành rành của mẹ, nhưng bà là người cố chấp và xưa nay thói lấn áp chồng.
Ông Chín Trực nói với bà Lan:
- Thằng Trịnh rất giận cô. Nó bảo sẽ không đời nào tha thứ. Tôi cố gắng khuyên can, nhưng chẳng ăn thua gì. Nó bảo trước khi cô xuống đây nó đã dặn nhiều lần chuyện cái miếu.
Bà Tư Lan yếu ớt bào chữa:
- Con chỉ cho đốn cây xoài thôi, còn cái miếu ấy tuyệt nhiên không dám đụng tới. Anh Trịnh chưa hỏi đầu đuôi, đã lên án con rồi. Thật ra con đâu có nghĩ tới chuyện hận thù nữa.
Ông Chín nhếch môi:
- Qua sự việc vừa rồi, tôi tin cô không còn hận ở bển nữa. Trái lại còn phải mang ơn. Thằng Út Tường từng cứu con Ly, hôm qua nhờ nó cô mới sống. Cô đã nói được lời cám ơn nào chưa? Thằng nhỏ cũng bị cây quẹt tét mặt, phải khâu mất ba bốn mũi gì đó.
Nghe ông nội nói thế, Lưu Ly thót tim, cô liếc vội mẹ nhưng thấy bà vẫn lặng thinh. Vậy mà hôm qua tới giờ nhỏ Đào không hé môi với cô chuyện này. Cô có hỏi xa hỏi gần về Tường, Đào cũng phớt lờ. Hình như con bé không muốn nhắc tới anh. Tại sao vậy khi trước đây Đào từng tình nguyện làm giao liên cho hai người? Có phải tại con nhỏ sợ mẹ cô không?
Đang còn hoang mang với bao nhiêu điều, Lưu Ly chợt nghe ông nội cao giọng:
- Tôi thấy Út Tường là đứa biết phải quấy. Không có lý do gì cô cấm nó quen con Lưu Ly hết.
Người Ly nóng bừng bừng vì lời của ông. Liếc trộm mẹ, cô thấy bà làm thinh như không nghe không biết nội vừa nói ai. Tự nhiên lòng cô xốn xang.... Mẹ vẫn là mẹ, lạnh lùng, cố chấp. Chắc với bà, chuyện Tường cứu mình mà bị xây xát chả đáng để bận tâm. Bà từng "phân tích" với Ly rằng Út Tường là đứa học hành chả tới đâu, hiện tại chỉ là dân lái cá, không xứng với cô. Dù xuất thân từ chỗ nghèo nàn, nhưng mẹ rất khinh người lao động. Trong mắt bà Tường chả là gì hết. Nếu có thể bà sẽ quy ơn cứu tử ra thành tiền để trả cho anh, chớ bà không bằng lòng cho Tường đến với cô đâu.
Lưu Ly rầu rĩ nhìn ông Chín bước ra ngoài. Căn phòng còn lại hai người bỗng im lặng đến nặng nề. Ly không dám bỏ đi, cũng không biết nói gì với mẹ khi lòng cô lúc này ngổn ngang trăm mối. Hơn bao giờ hết Ly khao khát được nhìn thấy Tường, được nghe anh nói và được anh hôn. Cô giật nảy người khi nghe mẹ hỏi:
- Từ lúc nghe mẹ bị tai nạn tới sáng nay, ba đã nói gì với con?
Ly ấp úng:
- Ba chỉ hút thuốc suốt chớ đâu có nói gì. Nhưng con biết ba lo cho mẹ lắm!
Cô nghe mẹ cười khẽ:
- Ba hận mẹ thì có. Mẹ thề là không hề có ý định phá miếu.
Lưu Ly ấm ức:
- Vậy mẹ đốn cây làm chi cho có chuyện?
Bà Lan kêu lên:
- Con cũng không tin mẹ sao? Cái cây ấy có huồng rồi, để làm gì khi đã có hai người đàn bà treo cổ trên đó. Mẹ chỉ muốn đốn nó đi thôi.
Rồi bà run rẩy:
- Nào ngờ tai nạn xảy ra. Thật khủng khiếp! Mới chặt vài nhát búa mà cây đã ngã. Nếu Út Tường không lẹ mắt, nhanh chân chắc mẹ chết! Tại sao chưa đốn mà nó đã ngã rồi chứ?
Thấy mẹ có vẻ sợ hãi, Lưu Ly vội trấn an:
- Nội nói tại cây xoài bọng bên trong, nên mới dễ ngã như vậy.
Bà Lan thì thầm:
- Nghe đồn hồi nhỏ thằng Tường vì leo cây đó nên bị.... quở khùng điên cả mười mấy năm phải không?
Lưu Ly lắc đầu:
- Không phải đâu mẹ. Ảnh bị ông Sáu Tiến hại thành ra giả điên giả khùng.
- Tại sao Sáu Tiến lại hại nó?
Ngần ngừ nhìn mẹ như cố đoán xem bà hỏi vì quan tâm đến Tường hay vì tò mò, Lưu Ly chậm rãi kể:
- Hồi nhỏ ảnh vô tình biết Sáu Tiến là nhân tình của dì Hà, thế là ông ta rêu rao lên là ảnh bị té xoài nên điên điên khùng khùng. Ông ta và cả dì Hà không muốn ai tin lời anh Tường.
- Không ngờ nó lại có số phận nghiệt ngã như vậy.
Lưu Ly lặng lẽ nhìn mẹ. Bà trầm ngâm nghĩ ngợi gì không biết mà lại thở dài. Lâu lắm Ly mới nghe mẹ nói như rên:
- Chưa bao giờ ba con lại dửng dưng với mẹ như thế. Có lẽ lần này ổng không tha thứ cho mẹ thật.
Biết là mẹ nói đúng, Ly vẫn cố an ủi:
- Mẹ đừng nghĩ lung tung. Ba đâu phải là người giận dai.
Bà Lan lẩm bẩm:
- Ổng không biết giận mới khốn khổ chứ! Trời ơi! Lẽ nào ổng coi người chết nặng hơn người sống.
Lưu Ly nhẹ nhàng:
- Mẹ đừng tự dằn vặt mình nữa. Nếu ba không thương mẹ, ổng đâu xuống đây.
Bà Lan mệt mỏi:
- Con không phải ngồi đây nữa, mẹ muốn một mình.
Lưu Ly ngần ngừ:
- Cần gì mẹ cứ gọi....
Chép miệng đầy chua chát, bé nói:
- Lúc này mẹ chả cần gì cả. Con ra vườn chơi cho khuây khỏa đi! Ngồi đây con không giúp được gì, lại thấy bị bó buộc tù túng.
Ly lủi thủi bước ra sân. Trong chuyện tình cảm, người ta chỉ giúp được nhau những lời an ủi. Cô không phải là bạn cũng không đồng trang lứa với mẹ, nên đâu biết nói sao cho mẹ bớt buồn. Loanh quanh vườn, cô tìm Đào và thấy con bé đang tước lá chuối khô gần đó. Đào mỉm cười và hỏi:
- Mợ Hai ngủ hay thức?
Lưu Ly hồi hộp:
- Thức! Có chi không?
Đào trả lời gọn lỏn:
- Không! Tại buồn miệng em hỏi thế thôi.
Liếc cô một cái, con bé nói:
- Nếu không đụng chuyện chắc còn lâu chị mới xuống đây.
Lưu Ly rầu rĩ:
- Mẹ không cho, chị đâu dám xuống.
Đào kéo cô lại rồi hỏi nhỏ vài tai:
- Hỏi thật nhé, từ hôm chị về trển tới nay ông Tường có lên thăm lần nào chưa?
Lưu Ly lắc đầu. Rồi không dằn được lòng, cô tuôn ra một hơi:
- Anh ấy hứa lâu lắm là nửa tháng sẽ lên thăm, chị chờ nhưng không hề thấy. Chả hiểu Tường bận gì dữ vậy?
Môi Đào trề ra, giọng chua chát:
- Hừ! Ổng mà bận. Tại không thèm lên thì có.
Lưu Ly thảng thốt:
- Sao em lại nói thế?
Không trả lời, Đào vùng vằng giật mạnh tàu lá khô xuống. Lưu Ly chịu không nổi sự im lặng này, cô kéo tay Đào:
- Nói đi chứ!
Nhìn thẳng vào mắt Ly, Đào tức tối kêu lên:
- Tụi mình lầm anh ta rồi. Nhất là chị. Nhưng lầm về chuyện gì?
Đào mím môi:
- Về mọi chuyện! Hừ! Thằng cha ấy bắt cá hai tay. Quên chị nhưng vẫn ở với con mẹ Thúy Diệp.
Lưu Ly gạt ngang:
- Em nói bậy! Tường không phải hạng người đó!
Đào dỗi:
- Vậy thì thôi! Em rút lại lời vừa rồi. Và chị đừng hỏi gì thêm về hắn nữa.
Cắn môi lại, Ly ấp úng:
- Nhưng tại sao em cho rằng Tường vẫn.... vẫn.... với Thúy Diệp?
Vì con mụ đó đã về đây ở luôn. Bởi vậy hắn còn lên Sài Gòn làm chi.
Giọng Lưu Ly trầm xuống:
- Quê của Thúy Diệp ở đây, chị ta về luôn cũng là chuyện thường tình kia mà!
Đào cố tình châm chọc:
- Chuyện Út Tường bỏ tiền ra cho con mụ ấy mở tiệm may ngoài chợ cũng bình thường, rồi hắn ta cưới Thúy Diệp cũng bình thường?
Cố gắng giữ bình tỉnh, Ly hỏi:
- Ai nói với em những chuyện này?
Đào nhún vai:
- Nhiều người lắm, làm sao nhớ hết.
Lưu Ly hơi mất bình tỉnh, cô ấp úng:
- Nhưng ít ra cũng có một người cụ thể chứ?
Lại giật mạnh một tàu lá khô nữa, Đào nói:
- Em nghe vợ chú Ba làm vườn kể. Thím ấy may đồ ở tiệm của Thúy Diệp. Chính mụ ta khoe là tiệm này do Út Tường bỏ vốn, cuối năm nay hai người sẽ cưới.
Ngưng lại để quan sát Lưu Ly, Đào ngập ngừng kể tiếp:
- Thím Ba độc miệng nói với em rằng: Không những Út Tường phải cưới sớm vì tối ngày thấy Thúy Diệp ở ngoài nhà sàn.
Lưu Ly lắc đầu liên tục:
- Chị không tin. Chị không tin!
Đào nhìn cô với vẻ thương hại:
- Cho đến hôm qua em vẫn không tin, nhưng lúc vào nhà thương, thấy họ âu yếm em chịu hết nổi. Nếu không có gì với Út Tường, Thúy Diệp làm sao dám công khai ôm ôm ấp ấp như thế!
Định hỏi Đào kỹ hơn, nhưng Ly chả mở miệng nổi. Cô đang chơi vơi hụt hẫng chưa từng có. Lẽ nào vì mẹ không đồng ý mà Tường đã đổi thay, anh đáp lại tình cảm của Thúy Diệp và quên bẵng Lưu Ly rồi sao? Cô không tin! Trăm ngàn lần cô không tin. Nhưng sao ngực Ly đau nhói thế này?
Run rẩy nhìn Đào, Ly nói:
- Chị phải gặp ảnh ngay mới được!
Đào vội vàng ngăn lại khi Ly xăm xăm bước về vườn xoài:
- Ngõ đó đã rào kín, muốn qua bển chỉ còn cách ngồi ghe. Hoặc đánh một vòng xa lắm.
Lưu Ly la lên đầy kích động:
- Xa chị cũng qua.
Đào ái ngại:
- Vậy xuống ghe em đưa qua bển.
Ly thẫn thờ theo Đào ra bờ sông với tâm trạng hoang mang cùng cực. Thâm tâm cô vẫn cho rằng Đào nói bậy. Thật ra Tường chỉ yêu mình cô thôi. Chính anh đã nói thế mà!
Nhưng biết có phải vậy không. Trái tim dễ xao động của Ly lại nghi ngờ....
Cô hỏi bằng tất cả ấm ức, ghen tuông:
- Em có thấy Thúy Diệp ở nhà sàn lần nào chưa?
Đào bĩu môi:
- Nếu chưa em đâu nghi ngờ. Hổm rầy Thúy Diệp ở đó suốt ngày. Nhiều bữa chèo ghe ngang, em thấy cô ta mặc áo ngủ ngồi vắt vẻo trên balcon nhìn xuống sông, ca hát om sòm như muốn khoe với thiên hạ, ta là bà chủ nhà này.
Lưu Ly lại hỏi tiếp:
- Em hay gặp anh Tường không?
Em gặp duy nhất một lần nhưng ảnh không nói chuyện. Dạo này ảnh biến đâu mất tiêu chắc ngại gặp em cũng nên. Lưu Ly xốn xang trong lòng. Sóng nước mênh mông dường như làm cô trầm tỉnh lại. Cô nhớ những lời ân cần Tường nói đêm chia tay và thấy mình trẻ con bộp chộp. Có lẽ vì biết tính cô dễ xao động nên đêm ấy, anh đã dặn đi dặn lại "Phải tin anh".
Vậy mà chưa chi Lưu Ly đã cuống lên như trời sắp sập rồi. Tại sao không chịu nghĩ vì Thúy Diệp quá yêu Tường, cô ta đã tung tin lên nhằm ly gián hai người.
Nghiêm khắc nhìn Đào, Lưu Ly cao giọng:
- Lúc ở Sài Gòn, hằng ngày Thúy Diệp vẫn tới dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước cho Tường. Về đây cô ta vẫn tiếp tục công việc đó, có sao đâu. Còn em ít gặp Tường là vì anh ấy bận công việc chớ đâu phải ngại gặp em. Đừng nghe lời thím Ba, nghĩ quấy cho ảnh.
Đang cố chèo ngược nước, Đào vẫn hậm hực:
- Nghĩ quấy cho ảnh thì lợi ích gì cho em. Nếu không thương chị, đời nào em hé môi để bây giờ trong mắt chị, em là con nhỏ lắm điều, nhiều chuyện.
Lưu Ly khổ sở:
- Chị không hề trách em.
Đào quạu quọ:
- Qua cách nói vừa rồi của chị, em thấy còn hơn cả trách.
Lưu Ly cũng xẵng giọng:
- Em đừng giận, chừng nào chính mặt chị nhìn thấy, tai chị nghe chị mới tin.
Đào nhún vai làm thinh. Lưu Ly buồn bã ngó sang bên kia sông. Giữa hai người bỗng thật nặng nề. Im lặng mãi cũng kỳ, Lưu Ly lên tiếng:
- Sao Tường có mặt lúc cây ngã vậy?
Mặt Đào lạnh tanh:
- Tốt lành gì đâu! Nghe nhà mình đốn xoài. Anh ta qua cản không cho. Ai ngờ mới bước tới bên mợ Hai thì cây ngã cái rầm. Mợ Hai lo chú ý tới Út Tường mới xém chết ấy chứ.
Lưu Ly lắc đầu:
- Ông nội nói nhờ Tường đẩy ra mẹ mới không sao. Em lại ác cảm với ảnh rồi.
Đào làu bàu:
- Cũng mong em nghĩ sai về anh ta cho chị đừng khổ.
Cập ghe vào bờ cho Ly lên trước. Con bé châm chọc:
- Cần em theo hộ vệ không?
Lưu Ly nhẹ nhàng:
- Cần chứ, nhưng để em thấy Tường không như em nghĩ.
Đào làm thinh lẽo đẽo theo Ly. Hai người đi vòng ra đằng trước nhà Tường. Cửa vẫn mở nhưng chả thấy ai. Khịt khịt mũi, Đào nói nhỏ:
- Để em kêu nha!
Ly ngăn con bé lại. Tự nhiên cô hồi hộp kỳ lạ khi nghe tiếng nhạc hòa tấu trầm trầm êm dịu vang lên. Tay lạnh ngắt bấu lấy tay Đào, chân run run nhón lên tam cấp cô rón rén bước thật nhẹ. Tiếng nhạc vang lên từ căn phòng khách kiểu nhật cho Ly biết Tường đang ở trỏng. Cô quay sang thì thầm với Đào:
- Làm gì có Thúy Diệp ở đây. Toàn nghe đồn bậy bạ! Em xem chị hù ảnh nè!
Mỉm cười thật tươi và thật nhẹ nhõm, Lưu Ly vội kéo Đào cùng bước vào. Tới cửa phòng cô khựng lại kinh hoàng khi thấy trên tấm thảm màu rêu Tường đang nằm sóng soài. Nhưng không phải trên thảm chỉ có Tường mà còn cả Thúy Diệp. Cô ta mặc áo ngủ màu hồng, đang quỳ gối kế bên, nhưng người chồm sang như muốn đè lên lưng Tường. Cả hai đều quay đầu vào trong nên không thấy Lưu Ly và Đào Cô đứng chết trân nhìn Thúy Diệp vuốt ve tấm lưng trần vạm vỡ của Tường. Đôi chân Ly chợt nhũn ra, người lạnh toát, hàm cứng ngắt không kêu được một tiếng. Phản ứng thụ động của cô làm Đào sợ. Con bé vừa ôm Lưu Ly vừa la lên:
- Thật là đẹp mắt! Ban ngày ban mặt mà.... mà.....mấy người....
Tiếng la của Đào làm Tường với Thúy Diệp giật mình. Anh chống tay nhổm dậy rồi chợt nhăn mặt khuỵu xuống như đau đớn như bất ngờ. Lưu Ly vụt chạy ra ngoài mặc cho Tường gọi. Tới bờ sông cô đứng lại thở hổn hển, ngực đập thình thịch và đau nhói. Ban ngày nhưng nắng trốn đi đâu cả rồi, xung quanh cô mù mờ tăm tối. Có tiếng chân phía sau, Ly quay lại nhíu mắt nhìn, Tường không đuổi theo như cô tưởng mà là Đào. Con bé mím môi:
- Đi về thôi chị.
Ly Ly riu ríu bước xuống. Chiếc ghe chồng chềnh, như cô hiện giờ hồn xiêu phách tán.
Đào lặng lẽ chèo đi, mặt đằng đằng sát khí:
- Làm gì phải bỏ chạy? Chị dở thật! Không phải chuyện mình mà em còn nán lại chửi được mấy câu. Út Tường nín thinh. Để chị tin hắn....
Thấy Lưu Ly ngồi ngơ ngơ như không nghe mình nói gì. Đào gọi lớn:
- Chị Ly! Chị làm gì vậy?
Khẽ lắc đầu, Lưu Ly mệt mỏi đáp:
- Không sao hết!
Đào lo lắng:
- Nhìn chị giống bệnh quá!
Ôm đầu, Lưu Ly nói như than:
- Phải bệnh được thì hay biết mấy. Trời ơi! Chị không hiểu nổi! Chị không hiểu tại sao lại như thế. Tại sao! Tại sao! Tại sao!
Lưu Ly vụt khóc nức nở làm Đào cuống lên, con bé vụng về an ủi:
- Bỏ đi chị ơi! Với hạng đểu giả ấy tiếc làm chi chứ! Thiên hạ thiếu gì người hơn hắn.
Nghe Đào nói thế Ly càng khóc to hơn, cô sụt sùi nói qua tiếng khóc:
- Chị không tiếc mà mắc cỡ khi trước đây đã cãi lời mẹ, chị đã thầm trách mẹ biết bao lần. Bây giờ rõ rồi đó. Mẹ lúc nào cũng đúng hết. Rồi không dằn được đau đớn, cô kêu lên:
- Anh ta tê. đến mức thấy chị là gục mặt nằm luôn.
Đào khinh khỉnh thêm vào:
- Chớ ngồi dậy nói chi bây giờ. Anh ta đúng là đồ dỏm, hết giả điên, tới giả bệnh. Bệnh mà được message tại chỗ vậy cũng nên lắm chứ!
Lưu Ly thẫn thờ nhìn những cành khô trôi dật dờ giữa dòng với tâm hồn trống rỗng. Cô đã yêu hết sức chân thành bằng tấm lòng trong trắng ngây thơ, nhưng Tường lại đùa bằng trái tim còn đầy thù hận. Thì ra anh vẫn còn căm chuyện xưa ba Ly đã ruồng rẫy dì Ánh nên vờ yêu cô để trả thù. Tường nhẫn tâm đến độc ác thế là cùng. Chỉ có cô quá ngờ nghệch mới tin anh. Yêu bằng trái tim không nghi ngờ, tính toán cũng là tội hay sao?
Lưu Ly chệnh choạng bước lên bờ, cô đi một mạch như chạy về phòng, rồi nằm vật xuống giường. Lúc này một mình, cô mới thấm thía khi nhớ lại những lời Đào nói, những gì tận mắt cô chứng kiến. Tất cả đã tan rồi sao thoáng tình đầu ngu ngơ. Mẹ từng nói: "Tường là đứa lõi đời, khi quen biết con, nó chẳng khi nào thành thật và luôn có mục đích hẳn hoi." Lẽ nào mục đích của anh từ khu vườn bỏ hoang đầy nấm mối đó! Bây giờ thấy mẹ đã rào lại, Tường hiểu chẳng sơ múi được gì nên anh buông cô ta như buông một món đồ đã hết cần cho mình. Trời ơi! Lưu Ly chịu không nổi với những dằn vặt trên. Cô để mặc nước mắt tràn trụa thấm ướt cả gối. Mãi đến lúc nghe tiếng Đào gọi nhỏ, cô mới giật mình ngồi dậy. Con bé làm ra vẻ nghiêm trọng:
- Út Tường muốn gặp, mợ Hai bảo em vào gọi chị đó.
Lưu Ly kinh ngạc đến mức quên cả lau nước mắt:
- Mẹ bảo em vào gọi chị à!
Đào gật đầu thật nhanh:
- Đúng vậy! Nãy giờ chả biết hắn nói chuyện gì với mợ Hai nữa.
Mím môi lại, Lưu Ly cộc lốc:
- Em nói với mẹ chị ngủ rồi!
Đào nhếch mép:
- Ai mà ngủ vào giờ này. Chị xúi em nói dối cho bị mắng chắc.
Lưu Ly vùng vằng:
- Vậy em nói sao thì nói. Chị không ra đâu!
Đào xụ mặt ngồi xuống giường:
- Chị không ra, em cũng vậy. Nói thật đừng giận nhé! Từ khi mợ Hai về đây ngày nào em cùng bị sai chạy có cờ. Bây giờ chị nữa, chắc chết!
Lưu Ly biết mình hơi lố, cô bèn xuống giọng:
- Em đã khuyên chị "bỏ đi". Vậy còn gặp hắn làm chi nữa? Nhìn mặt Tường chị thấy xấu hổ vô cùng. Có hiểu giùm chị không?
Đào đứng dậy càu nhàu:
- Làm giao liên kiểu như em còn ngu hơn làm mai trăm lần. Em sẽ nói với Tường nguyên văn lời của chị. Sau đó em không dính líu tới cả hai người. Có chuyện gì đừng réo Đào ơi Đào hỡi đấy!
Nhìn Đào giận dỗi bước đi, cô lầm bầm:
- Còn có sau này nữa à! Chắc không đời nào đâu. Dù Tường có bào chữa thế nào, dù thật sự ra sao mình cũng không thể tha thứ. Cô dằn cơn ghen đang ào ạt trào dâng và cố gắng quên rằng Tường đang ngoài phòng khách. Lưu Ly vùi đầu vào gối. Ôi! Ước gì những hình ảnh cô vừa thấy chỉ là cơn ác mộng nhỉ?