Chương 15

Tố Phượng vừa cắt khoanh giò thủ ra thành miếng vừa hỏi:
– Nhi nè! Phải Đình là người trước đây làm chung với mày, rồi qua anh ta mày mới quen với Triết không?
– Ừ! Mà sao?
Phượng ngần ngừ một chút rồi buông một cây:
– Hồi trước, nghe mày nói sơ về Đình tao tưởng anh ta khác, ai ngờ khi gặp mới biết mình lầm.
Ngừng tay cắt bánh mì, Mai Nhi ngạc nhiên:
– Bộ....Đình không vừa ý mày à!
Phượng thẳng thắn:
– Tao thì có gì đáng kể. Điều tao khó chịu là anh ta có vẻ cao ngạo, khó hiểu làm sao ấy. Hình như anh ta giấu mất con người thật của mình. Là bạn thân mà anh Triết và Lâm Đình khác nhau hoàn toàn. Tao đoán anh ta thích Oanh nhưng chỉ lại ghét anh ta, nên nói chuyện với tao, Đình có vẻ cay cú lạ kỳ, rồi lại bâng quơ khen ngợi Oanh, ý như muốn tao về nói lại với chỉ để vớt vát chút điểm.
Mai Nhi tròn mắt nhìn Phượng. Cô tỏ ý bênh Đình:
– Mày có chủ quan không khi nhận xét như vậy? Thật tình mà nói Đình là người rất tốt. Khổ nỗi cách biểu lộ tình cảm của ảnh thường rất khô khan và cả lạnh lùng. Đúng là ảnh luôn giấu con người thật, cảm xúc thật của của mình vào trong. Nhưng Đình là mẫu đàn ông có nội tâm, sống từng trải, lăn lóc, từ hai bàn tay trắng làm nên, do đó anh rất nhạy cảm. Đình không thể nào thích mẫu người như Tố Oanh. Mày nói vậy tội ảnh.
Mỉm cười với Phượng, Mai Nhi dịu dàng:
– Đừng vì một lần thất vọng mà nhìn đàn ông bằng đôi mắt “kỳ thị”. Còn Tố Oanh, có lần vui miệng tao đã rủa nó là hồ ly tinh, điều ấy chẳng sai. Chỉ do con Oanh tự tin lẫn tự phụ, tưởng tay giám đốc nào cũng là Trụ Vương còn nó là Đắc Kỷ, nên hồi ló đuôi chồn thì đâm ra bực người ta.
Cười hì hì, Nhi cao giọng kẻ cả:
– Mày bảo con Oanh ghét ông Đình à? Còn lâu! Nó ấm ức ảnh thì có!
Phượng làm thinh. Có lẽ những lời Nhi nói về Oanh đều đúng hết. Mà nếu thật như vậy thì anh chàng Lâm Đình cũng chẳng xem cô ra gì. Chị em sinh đôi lúc nào cũng y như nhau mà. Hắn ta đã nói:
“Một cái bóng dẫu không muốn vẫn đeo theo ta suốt cả cuộc đời” rõ là rất thâm và đầy mai mỉa đối với Tố Phượng.
Sắp xếp các món vào mâm xong, cô bước đến lavalô rửa tay. Phượng vừa với tay lấy túi xách thì Nhi cũng vừa xuống tới, cô nhỏ nhẹ:
– Tao về thôi Nhi à!
Mai Nhi giãy nảy:
– Giỡn hoài mậy! Tự nhiên giở chứng kỳ vậy, rồi Triết và cả Đình sẽ nghĩ thế nào về tao?
Tố Phượng đắn đo cô cảm thấy mệt mỏi và chán chường khi nghĩ đến lúc khi phải ngồi đối diện với Lâm Đình để hắn ta sẽ so sánh, bới móc những điểm giống nhau, khác nhau của chị em nhà cô. Tất cả những gì liên quan đến Tố Oanh, cô đều không muốn dính tới, Tố Phượng bặm môi. Nhất là mối liên quan ấy kèm theo một gã đàn ông đang là mục tiêu của Oanh như Đình.
Phượng thở dài nhìn Nhi:
– Mày phải hiểu tao chẳng thích dính dấp tới bất cứ gã đàn ông nào có liên quan tới bà Oanh.
Nhi cự nự:
– Mày thật quái, nói năng nhăng cuội! Đình thì có liên quan gì khác với Oanh ngòai quan hệ thủ trưởng và nhân viên. Mày cứ mang mãi, mang hoài cái mặc cảm tự ti để tự làm khổ mình. Có bao giờ Tố Oanh nghĩ tới mày như mày luôn nghĩ tới nó đâu? Đi ra với tao, không có về gì hết à!
Triết bước vào, anh ngạc nhiên khi thấy Phượng cầm xách tay:
– Sao lại về vậy Phượng? Sao lại tự giam mình trong căn phòng trống ở lứa tuổi người ta gọi là thanh xuân như vầy? Phượng mà về thì tôi và Đình cũng về luôn đó!
Phượng cười gượng gạo rồi miễn cưỡng bước ra. Mai Nhi ngồi kế bên Triết, cô đang mau mắn khui lon bia và vui vẻ hỏi:
– Nãy giờ hai ông đang tranh luận về đề tài gì:
Thế kỷ hai mươi mốt của chúng ta, tình yêu của những người ngòai năm mươi hay môi trường và sinh thái?
Triết cười to:
– Ai mà tranh luận những đề tài...vĩ đại như gợi ý của em. Bọn anh đang nói về lọ hoa trên bàn nầy nè.
Nhi lách chách:
– Tố Phượng cắm đó. Anh thấy thế nào?
Triết khều Đình:
– Mày thấy sao?
Phượng nghe người mình nóng lên khi mắt Đình chạm phải mắt cô. Anh nói ngắn gọn:
– Tự nhiên, sống động, gợi cảm. Cá tính của người cắm hoa thể hiện rất rõ qua bình hoa nầy. Tuy nhiên nhìn bề ngòai của Tố Phượng, tôi lại thấy những cá tính đó như được giấu kỹ đến mức như cô ấy không hề có nó.
Nhi và Triết cùng cười. Nhi gật đầu:
– Anh Đình làm thầy bói được đó. Nói tiếp đi!
Khẽ nhướng đôi mày rậm, Đình đưa đẩy:
– Phượng có thích nghe tôi mới dám nói chứ!
Phượng cố giữ bình thản:
– Anh Đình cứ tự nhiên. Phượng thích nghe lắm chứ!
Nhi chui mũi lại:
– Giọng nói vẫn còn khách sáo quá, rõ là mình cũng tự giấu mà lại đi trách người khác.
Lâm Đình ngắm nghía lọ hoa:
– Những đóa cẩm chướng hồng nhạt trông mong manh yếu đuối làm sao.
Nhưng ở thế cắm thành mảng như vầy thì các đóa hoa rời rạc hình như được gom lại tạo thành một vẻ rất tự nhiên và mạnh mẽ tựa vào nhau để vươn lên.
Phía sau những cành cẩm chướng là một khung tam giác được ghép bằng cành thủy trúc, phải chăng Phượng muốn nói đến những trở ngại, gập ghềnh của cuộc đời mà con người phải vượt qua. Còn những lá dương xỉ xanh mượt kia, đó là những cánh tay bao dung của tình người tìm đến với nhau, cần có nhau. Lọ hoa thể hiện tính người cắm khá rõ:
dịu dàng, cương quyết và bao dung.
Triết trầm giọng:
– Phượng có đặt tên cho lọ hoa không?
Tố Phượng bối rối:
– Em cắm theo cảm hứng, đâu có suy nghĩ gì sâu như anh Đình nói:
Nhi tủm tỉm:
– Người vẽ tranh, người đề thơ. Hay thật đó. Anh Đình đặt tên đi!
Đình liếc Tố Phượng rồi nói nhỏ:
– Nếu được phép tôi sẽ đặt lọ hoa mang tên Tố Phượng!
Triết vỗ vai Đình:
– Mày thuộc về thầy tao rồi Đình.
Nhi láu táu:
– Vậy mà người ta đồn Tổng giám đốc Lâm Đình mặt sắt lạnh lùng, tính từng lời nói, trái tim thường xuyên bị ướp đá nên chẳng còn biết xúc cảm trước bất kỳ cái đẹp nào.
Đình điềm tĩnh:
– Có một thời gian hai anh em làm chung với nhau, Nhi không biết anh thế nào sao mà nghe người ta đồn?
Nhi vẫn đùa dai:
– Lúc đó anh chưa là Tổng giám đốc. Mà khi làm lớn, người ta có thể thay đổi cho phù hợp với vai trò mới chớ. Hì...hì...Em đùa cho vui, chớ anh lúc nào cũng là anh lạnh lùng nhưng đa cảm. Giống như Phượng, dịu dàng nhưng cương quyết.
Triết quay sang Phượng, ân cần:
– Sao ngồi im hoài vậy Phượng? Bây giờ chúng ta chạm...lon mừng cuộc gặp gỡ thú vụ nầy chứ!
Mỉm cười, Phượng cầm lon bia lên. Cô vẫn chưa quen lắm với bia, nhưng nếu từ chối biết đâu...người ta lại bảo cô làm bộ làm điệu.
Nhi chạm lon bia với Đình, cô hóm hỉnh:
– Uống mừng anh Đình tối nay tự dưng...cao hứng nói nhiều và nói rất hay.
Hình như Đình cố trêu Phượng, anh nhìn cô không rời mắt và nói:
– Mang tiếng ba hoa một lần cũng không sao. Anh sợ ngồi im bị người khác ăn hiếp lắm Nhi à!
Quay sang đối diện với Phượng, Đình đổi giọng lấp lửng:
– Phượng nầy! Phượng không từ chối uống mừng tôi vừa tìm được hình của chiếc bóng lâu nay quanh quẩn bên tôi chứ?
Anh ta chẳng phải là tay vừa. Anh ta giỏi biến hóa lắm! Tố Phượng lịch sự một cách khách sáo:
– Phượng bao giờ cũng sẵn lòng chúc mừng chuyện của người khác. Xin mời anh Đình.
Có lẽ lon bia đã làm Phượng tự tin và dạn dĩ hơn. Nghĩ làm chi ẩn ý của lời anh ta nói, đã từ lâu rồi mình không suy nghĩ đến bất cứ lời bóng gió nào cả mà.
Hôm nay có gì khác hơn đâu, cũng những ngôn từ đó được thốt ra từ một tay giám đốc hợm hĩnh, y cho rằng quyền lực của mình là điểm mà các cô gái phải mê mệt lụy quỳ.
Tự dưng Phượng lại uống nữa và cảm thấy thích thú bởi cảm giác lâng lâng nhè nhẹ của bia.
– Phượng ăn ít quá đấy!
Vừa bỏ vào chén cô một lát chả, Đình vừa tỏ ý chăm sóc bằng giọng nói hơi ấm khá ngọt ngào. Phượng trầm tư với tiếng hát từ máy cassette gần đó nên chẳng trả lời.
“Tìm nhau trong thống khổ...
Tìm nhau như thiếu phụ tìm mộ bia...”.
Lời hát nghe hay hay, buồn buồn. Cô xoay xoay chiếc lon gần cạn trong tay mình và hỏi Đình:
– Chẳng lẽ anh tìm được hình của chiếc bóng riêng anh trong giây phút nào đó của tình cờ à?
– Điều đó có gì đáng ngạc nhiên. Vì trong tình cờ nào cũng có hữu ý. Người ta luôn có sẵn trong tim một nhân ảnh, mà trong tích tắc thôi của cuộc đời nếu anh không nhìn ra đó là của riêng mình thì vĩnh viễn anh sẽ tìm không tìm thấy nữa.
Tiếng Mai Nhi vui vẻ vang lên:
– Ôi! Em có cảm tưởng trái tim ướp nước đá của anh Đình đang ấm lại vì một cái gì đó, và nó đang phát tín hiệu đi “búa xua”. Tim em với anh Triết thì chung một băng tần rồi. Riêng còn trái tim...ai kia chẳng biết hệ nào đây!
Chẳng thèm tỏ vẻ phản đối hay khó chịu trước câu cợt đùa cố tình của Nhi, Tố Phựong bâng quơ nói trống:
– Trái tim của kẻ luôn giấu con người thật của mình thường sẽ phát tín hiệu giả, chỉ có trái tim giả hoặc một cái bóng không tim mới đáp lại tín hiệu giả nầy thôi. Tim Phượng sẽ cổ lỗ sĩ lắm, nó chẳng bắt nhịp nội cuộc sống hiện đại nên chả làm sao biết băng tần, hệ số là gì để có thể nhận hay trả tín hiệu với bất kỳ đài, máy nào.
Bật cười khan, Đình mai mỉa:
– Nếu không có hình thì chẳng làm sao có bóng, nếu không có ánh sáng thì không ai nhìn rõ được bóng ai. Nhờ ánh sáng ta sẽ nhìn thấy tất cả để tiếc nuối rằng hình với bóng chỉ là một.
Phát một cử chỉ tiếc rẻ, Đình nói:
– Hình sao thì bóng vậy! Cổ nhân dạy quả chẳng sai.
Tố Phượng uất đến nghẹn người. Đình chỉ là một thứ đáng rủa, nhưng cô chẳng biết phải đáp lại thế nào cho hả. Những lời nói cao xa của cô vừa rồi chắc là do sự hưng phấn của bia. Mà một lon bia thôi đâu đủ giúp cô có đủ mồm mép như Tố Oanh để trả treo mai mỉa kẻ khác, hiện giờ chất men nồng ấy đã theo cơn nghẹn tức bay biến đi hết, chỉ còn trơ lại cô – một người rụt rè quen nhường nhịn và bao giờ cũng muốn làm kẻ khác vui lòng.
Mới vừa chua ngoa đó thôi, Tố Phượng lại mau chóng khép mình vào lớp vỏ rụt rè e ngại. Cô bối rối nhìn ra cửa sổ. Bóng tối và sự cô đơn bỗng ùa tới quanh cô, dù nơi phòng khách nầy ánh sáng vẫn đang ngập tràn và cô không ngồi một mình như trong phòng ngủ lạnh tanh của mình.
Cũng tại ta cố tình khích bác kẻ khác. Nếu ta đừng hành động tới trái tim, con người của hắn thì hắn đâu có cơ hội trả miếng ta.
Triết tế nhị gọi cô:
– Phượng ơi! Làm ơn cho anh xin thêm chút tiêu. Anh thích tiêu hột lắm.
Thiếu nó thì mất đi phân nữa khoái khẩu.
Chớp mắt nhìn Triết với ngụ ý hàm ơn, Tố Phượng bước xuống bếp. Cô bình tâm trở lại rồi quyết định ra về, dù ở điểm nầy thật là không lịch sự lắm.
– Phượng xin phép về trước, vì tới lâu rồi và đường về nhà hơi vắng.
Nhi cố giữ bạn, cô nói:
– Ở lại chút nữa, về nhà cũng ru rú một mình. Con Oanh còn lâu mới tàn cuộc vui sớm. Mày yên trí, đừng lo đường vắng, sẽ có người hào hiệp đưa về tận nơi.
Khe khẽ lắc đầu, Phượng dịu dàng nhưng không kém phần cương quyết:
– Tao muốn về và về một mình. Cám ơn mày...và mọi người, buổi tối thật đáng nhớ!
– Về ngủ ngon Phượng nhe! Hôm nào anh em mình gặp lại nói chuyện đời.
Phượng cười với Triết nhưng cái nhìn của cô lại rơi vào Đình, anh ta cũng đang nhìn cô, đôi mắt nghiêm nghị và hình như có chút buồn phiền ẩn bên trong như muốn nói điều gì đó với cô. Ân hận à!
Cười khan trong cổ, Phượng nhủ thầm:
Đã muộn rồi! Tiếng hát bay xa, không ai giữ được nó lại đâu!
Tiễn Phượng ra tới cửa, Mai Nhi cằn nhằn:
– Anh Đình hôm nay làm sao ấy! Cả mày cũng vậy. Ai cũng thích nói những điều không bao giờ từng là của mình. Lạ thật!
Tố Phượng im lặng. Cô nhéo má Nhi rồi rồ ga phóng đi. Ngoài phố, đêm vẫn là cũa những người đang yêu nhau. Với cô, đêm nay lại rơi khỏi tầm tay nữa rồi.
Mỹ Linh bĩu môi nhìn Tố Oanh nhún nhảy trên đôi giày bít gót nhọn bước vào phòng Tổng giám đốc Lâm Đình. Chờ cho Tố Oanh khuất sau cánh cửa, Mỹ Linh mới quay sang nói với một người đàn bà khác ngồi bàn đối diện:
– Thứ dơ dáng dại hình, ăn mặc khiêu gợi kiểu mồi chài đàn ông. Đem câu sấu chắc sấu nó cũng chê...Cái ngữ như vầy!
Trang Thảo cười khúc khích:
– Sấu nó chê dai nó không ăn, chớ đem câu người thử coi. Hết ý đó!
– Câu ai còn mong chớ câu Lâm Đình thì thua. Bởi vậy thứ trơ trẽn đó nói bóng nói gió rằng ông Đình là gà trống thiến.
– Tố Oanh nói với chị như vậy à?
– Nó không nói rõ như thế nhưng qua giọng điệu của nó thì ý là như vậy? Hừ!
Thằng đàn ông nào chịu rề rề theo nó mới là thứ tốt mã. Rõ là cái giống đàn bà...
Nhưng Mỹ Linh chợt ngưng ngay lại khi cánh cửa phòng giám đốc bật mở, Tố Oanh cầm xấp bìa sơ-mi bước ra, gương mặt cô tươi rói phởn phơ trông đầy tràn vui sướng. Liếc đôi mắt tô xanh của mình về phía Mỹ Linh, Oanh ngồi xuống bàn cất cao giọng:
– Em lại làm phiền tới chị Linh nữa rồi! Nhưng biết làm sao bây giờ, em đâu muốn vậy. Cũng vì anh Đình nói mãi, nói hòai, buộc lòng em đành xin nghỉ...
Mỹ Linh và Trang Thảo tròn mắt chờ nghe Oanh nói tiếp nhưng Oanh chỉ im lặng khẽ thở dài. Mỹ Linh hoang mang, cô chưa nghĩ xem Oanh đang bày trò gì thì Trang Thảo đã hấp tấp hỏi tới:
– Xin nghỉ...là nghỉ thế nào hả Tố Oanh? Mình thấy bồ làm việc cũng tốt mà.
Mỹ Linh thấy gương mặt Oanh hất lên, rồi tia nhìn ranh ma khoái chí của kẻ biết mình đã lừa được người khác lóe sáng trong đôi mắt đẹp của Oanh, cô nhỏ nhẹ ngây thơ một cách xảo quyệt:
– Cũng bởi làm việc được, nên anh Đình mới động viên em nghỉ phép vài hôm đi Đà Lạt hay Nha Trang gì đó cho thoải mái. Ngại quá, em từ chối, vì dầu sao em cũng là người mới, đã làm được gì nhiều cho công ty đâu. Nhưng anh Đình bảo độ nầy thấy thần sắc em có vẻ nhợt nhạt, ảnh lo em bệnh nên bắt em phải đi an dưỡng vài hôm.
Liếc Mỹ Linh một cái, Oanh trầm giọng:
– Anh Đình còn bảo bằng giọng rất chân tình rằng:
“Phải chi Tố Oanh được khỏe mạnh, giỏi chịu cực như Mỹ Linh thì cũng nên hùng hục mà làm việc.
Đằng nầy “mai cốc cách, tuyết tinh thần” như vầy, ráng sức cày cũng được mấy đây”.
Ỏn ẻn một cách giả dối, Tố Oanh nói:
– Anh Đình có nói tiếp...sau đó thì em mới hiểu vai trò thư ký, trợ lý giám đốc của em là để làm đẹp cho văn phòng công ty thôi chớ người làm việc tích cực ở đây nhất là chị Linh. Bởi vậy em nghỉ phép lại phiền tới chị. Chị phải thay em làm đẹp bộ mặt văn phòng tổng công ty đó!
Mắt Mỹ Linh trợn lên, cô rít nhỏ:
– Ăn nói bá láp! Ông Đình chẳng khi nào phát biểu những chuyện linh tinh như cô vừa kể. Ai mà tin được lời dối trá đó.
Cười cười rất duyên dáng, Tố Oanh cứ tỉnh bơ:
– Anh Đình cũng bảo em như vậy. Ảnh nói:
“Chuyện gì cũng phải có ngoại lệ, chẳng hạn những chuyện vừa xảy ra, những lời anh nói với em, em có kể lại với người khác cũng chẳng có ai tin, và nếu một ai đó có đôi chút nghi ngờ hỏi lại anh, thì chắc anh cũng chối, vì có bao giờ giám đốc lại thú nhận với nhân viên là tôi đã quấy rầy cô thư ký khả ái của mình”.
Nhìn mặt Tố Oanh, Mỹ Linh ức đến mức muốn nghẹn lời, cô lắp bắp:
– Vu khống trắng trợn!
Chớp đôi mắt ra vẻ ngơ ngác Oanh thốt:
– Ơ hay! Em có nói gì xúc phạm đến anh Đình đâu mà chị bảo là em vu khống. Nãy giờ em chỉ nói những điều tốt của một giám đốc dành cho nhân viên của mình thôi mà. Chẳng lẽ làm chị giận vì công việc của em buộc chị phải làm giúp suốt mấy hôm em xin nghỉ à? À, tí nữa em quên! Anh Đình nói chị đánh gấp bản dự trù nầy...
Không biết từ bao giờ cái thích thú được nhìn nghe và thấy kẻ khác khốn khổ, bực dọc, đau đớn vì mình đã trở thành một khoái cảm trong Tố Oanh.
Khóai cảm đó càng được nâng cao khi cô biết linh hoạt đem trút nỗi bực dọc của mình sang kẻ khác bằng nhiều cách.
Từ lúc qua làm thư ký chi Đình đến nay phải công bình mà nói là Tố Oanh chưa thấy ngày nào mình được thảnh thơi về tâm hồn. Cô luôn bó mình trong lớp vỏ phòng thủ, vì ở đây cô chỉ có một mình với những đối thủ cũ có, mới có.
Hôm đầu tiên qua làm việc ở tổng công ty thuộc văn phòng của Tổng giám đốc Đình, Tố Oanh đã cố ý rề rà ở nhà, cô trang điểm thật kỹ, ăn mặc thật sang và dĩ nhiên đến trễ hơn giờ làm việc. Phải gây một ấn tượng mạnh và một uy thế ban đầu với đám nhân viên ở đây, Oanh tính toán và thực hiện suy nghĩ của mình vào ngày đầu tiên như vậy. Nhưng khi vào đến nơi cô đã ức muốn nghẹn khi thấy Mỹ Linh ngồi chễm chệ trên ghế sau chiếc bàn bureau khá to, cô ta dài giọng khi thấy Tố Oanh yểu điệu bứơc vào:
– Gớm! Ngày thứ nhất đi làm đã vào trễ. Ở đây chớ không phải chỗ của ông Vương Duy đâu. Phải thực hiện nghiêm túc tám giờ vàng bạc đó.
Hất mắt vào chiếc bàn gỗ tạo cũ kỹ dơ bẩn cuối góc phòng, Mỹ Linh lạnh lùng:
– Chỗ của cô đằng đó, kín đáo và yên tĩnh, đúng là ý thích của cô nhé!
Tố Oanh nuốt hận vào trong. Té ra con...quỷ dạ xoa nầy cũng chuyển qua đây một lúc với cô. Vậy mà Duy chẳng hé môi cho cô biết để cô kịp thời đối phó.
Mỹ Linh đợi Tố Oanh ngồi xuống bàn xong, cô ta mới nói tiếp:
– Lúc nãy ông Đình có ý đợi cô vào cho đủ mặt để ổng phân công, nhưng cô vào quá trễ, ông ấy đi công việc rồi. Bây giờ như vầy. Nhóm của chúng ta có ba người. Tôi là nhóm trưởng sẽ điều động công việc của nhóm cũng như chịu trách nhiệm về nhân sự trong nhóm...
Cúi đầu nhìn mặt bàn đầy bụi, Tố Oanh ngao ngán:
“Vào tròng của mụ nầy thì chết, nhưng Tố Oanh nầy chưa từng thua kém bất kỳ người đàn bà nào. Cứ chờ xem, ta nhường chớ không nhịn đâu...”.
Và cứ như thế, lúc đầu Oanh bao giờ cũng rất nhường. Riêng đối với Đình, cô ra sức ngọt dịu và tích cực. Một cô gái rất đẹp và khôn lanh như cô dĩ nhiên phải có sức hấp dẫn, sự quyến rũ riêng chớ. Thế nhưng bao giờ cô cũng bắt gặp trong mắt anh ra một vẻ dửng dưng khó hiểu. Tố Oanh đã khỏa lấp sự thất bại trong việc quyến rũ ông tổng giám đốc bằng cách tung tin “anh ta bất lực” với mọi người. Một mặt cô lại rêu rao bịa ra nhiều chuyện như:
Đình rất lo lắng, chăm sóc đặc biệt tới cô nhưng tiếc thay anh ta là một kẻ bệnh hoạn. Câu chuyện cô vừa mới nói với Mỹ Linh và Trang Thảo cũng là một câu chuyện tưởng tượng một trăm phần trăm nhằm trút nỗi bực dọc của mình sang kẻ khác.
Số là Đình nhờ cô thảo một văn bản hợp đồng giữa công ty và một đơn vị khác, cô thảo lần thứ nhất, anh không vừa ý, lần thứ hai, Đình nhăn nhó bực dọc lấy viết gạch chéo lên văn bản và đưa trả lại Oanh theo lời ngắn gọn nhưng hách dịch.
– Sáng mai phải xong đúng theo ý tôi muốn!
Tối hôm ấy Oanh đã khóc tức tưởi trên ngực Duy, cô đòi trở về làm với ông, nhưng Duy không chịu, ông lơ lửng bảo rằng:
– Không sớm thì muộn, anh cũng tách công ty của anh ra khỏi công ty của Đình. Em cứ đâu ở yên đó dùm anh.
Duy tự thảo lại cho Oanh văn bản hợp đồng rồi bảo:
– Kèm với văn bản nầy là đơn xin nghỉ phép. Anh dự định đi Nha Trang, anh muốn em đi cùng...
Oanh làm đúng theo lời Duy. Có lẽ sáng hôm nay cô gặp may nên khi bứơc vào phòng trình văn bản cô đã kèm đơn xin nghỉ phép với lý do:
Bận việc nhà mà Đình chỉ nhìn phớt qua văn bản rồi hỏi:
– Việc nhà của cô có quan trọng không để nghỉ những một tuần lễ.
Như một diễn viên rành nghề,Tố Oanh chớp mắt rầu rĩ:
– Dạ....Đứa em gái của Oanh bị tai nạn phải nằm viện.
Cô ngạc nhiên khi thấy Đình sửng sốt, anh hấp tấp hỏi tới:
– Cô ấy, cô ấy...có làm sao không vậy?
– Dạ....cũng nặng. Vậy em có thể nghỉ ngày hôm nay được chứ ạ!
– À! Được, được. Mà nầy...
Oanh thấy hình như Đình muốn biết thêm về bệnh tình của em thì phải.
Oanh vội vàng bứơc ra cửa khi thấy anh có vẻ ngập ngừng. “Phải chuồn trước khi hắn ta đổi ý!”.
Thế là xong, cô sẽ an tâm nghỉ một tuần, trước khi đi cô phải chọc cho bỏ ghét con mụ già nầy. Oanh hả hê đứng lên xách chiếc xách tay rồi nói với Trang Thảo:
– Chị Thảo ở nhà ráng làm vừa lòng anh Đình nhe! Khi về thế nào Oanh cũng có quà.
Liếc Mỹ Linh một cái, Oanh bước ra khỏi phòng. Cô chẳng hề nhớ vừa rồi mình đã nói dối cái gì để được nghỉ phép cả một tuần lễ.
Đình nhấc điện thoại lên gọi Mai Nhi. Lònh anh chợt chùng xuống một nỗi lo, một nỗi buồn. Nếu quả là Tố Phượng gặp tai nạn như Tố Oanh vừa nói thì thật tội cho Phượng.
– Mai Nhi đó hả? Nghe Oanh nói Phượng bị tai nạn gì phải nằm viện à?
– Đâu có! Em và Phượng vừa ăn sáng với nhau xong. Đưa nó tới công ty, em mới tới chỗ làm mà! Sao Oanh nói kỳ vậy?
– Nhi có số điện thoại của Phượng không?
– Có, em đọc cho anh nhe...
Đặt điện thoại xuống, Đình ngán ngẫm. Tố Oanh muốn nghỉ phép đã đem em mình ra để làm lý do chính đáng, con người của cô ta quả là tệ. Đình chợt nhớ lại lần đầu anh nhìn thấy Tố Oanh trong văn phòng của Vương Duy. Cô ta đẹp thật, cái đẹp khiến ai đã nhìn thấy một lần đều ao ước có được cô gái ấy.
Nhưng qua cặp mắt của Oanh, Đình bỗng hơi thất vọng. Có một vẻ gì không thật rất lõi đời trong ánh nhìn đầy ẩn ý đó làm anh lạnh lùng quay mặt đi. Rồi hôm sau, Tố Oanh đã đến trình diện với anh, Đình chẳng muốn nhìn đến cô, anh nhạt nhẽo hỏi thăm vài câu vô thưởng vô phạt rồi thôi. Anh nổi tiếng là tay giám đốc máu lạnh và chê đàn bà. Điều ấy chẳng ảnh hưởng gì đến công việc của anh.
Một tổng giám đốc trẻ, có nhiều tham vọng đưa sự nghiệp của mình lên cao nữa.
Do đó trong làm ăn anh thường có nhiều kế hoạch táo bạo mà Vương Duy luôn là người đầu tiên phản đối. Với cổ phần cao nhất so với các người có phần hùn vốn, dĩ nhiên Vương Duy có quyền có ý kiến, nhưng Đình biết ông ta đang manh nha một mưu đồ gì đó.
Nhấc điện thoại lên, Đình nhẩm lại dãy những con số Mai Nhi vừa đọc cho anh. Trong tâm tưởng Đình, gương mặt Tố Phượng phút chốt bỗng lấn át mọi thứ khác. Anh chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nhìn kỹ cô theo cách như từng quan sát Tố Oanh, nhưng anh biết mình khó thể nào nhầm lẫn hai chị em cô, đôi mắt, gương mặt, sống mũi hai người hầu như hoàn toàn giống hệt nhau, nhưng cách nhìn, nụ cười, và sự biểu lộ tình cảm suy nghĩ trên gương mặt họ khác nhau như trắng với đen, như bóng tối và ánh sáng.
Từ hôm gặp Tố Phượng rồi nghe Mai Nhi kể về tính tình lẫn chuyện riêng tư buồn nhiều hơn vui của Phượng, chẳng hiểu vì sao Đình cứ nghĩ vớ vẩn đến cô gái nầy. Có lẽ hằng ngày anh cứ chạm phải vẻ mặt phởn phơ của Tố Oanh, nên tự nhiên tâm tưởng anh lại hướng về cái đối ngược với cái anh thấy.
Đã rất nhiều lúc Đình ao ước được ngồi bên Phượng và nghe cô nói bằng giọng dịu dàng, rụt rè, chân thật chỉ có được ở cô, một người xem chừng yếu đuối khác hẳn với cô chị. Ở Phượng, bất chợt Đình khám phá ra một cái đẹp cả hình thức lẫn bên trong, cái bên trong vô cùng cần thiết và quan trọng anh từng thất vọng khi không tìm thấy nơi Tố Oanh.
Thế nhưng hình như Tố Phượng chẳng mấy có cảm tình với anh. Bằng chứng là Mai Nhi mời Tố Phượng đi xem ca nhạc, cô đã nhận lời, đến khi biết có cả Đình cùng đi thì Phượng lại viện cớ nhức đầu để ở nhà.
Đình chưa bao giờ điện thoại thăm hỏi, trò chuyện gì với Tố Phượng cả. Nếu bây giờ anh gọi thì anh sẽ nói gì và bắt đầu ra sao?
Cánh cửa phòng bật mở. Mỹ Linh bước vào, cô ngọt ngào.
– Thưa...tôi đã đánh máy xong...
– À! Chị cứ để đó. Cô Oanh về rồi chứ?
– Dạ....
– Chị cố gắng phụ thêm phần việc của cô ấy ít hôm. Chị bao giờ cũng xốc vác hơn người khác nên tôi tin tưởng rất nhiều ở chị.
Mỹ Linh ngần ngừ:
– Có phải là Tố Oanh đi an dưỡng không anh Đình?
Trán Đình nhíu lại, anh khó chịu:
– Cô ấy nói với chị vậy à?
– Dạ....
– Rộn chuyện quá! Bây giờ chị dò lại dùm tôi danh sách những thiết bị cần bổ sung trong quý tới ngay.
Mỹ Linh thở dài bước ra. Thế là những điều con quỷ nhỏ ấy nói xem ra có thể đúng. Vậy thì nguy, ông Đình mà sa vào tay Tố Oanh thì đi đứt cả sự nghiệp chớ chẳng chơi.
Đình hồi hợp khi nghe ở đầu máy bên kia vang lên giọng nữ rất...dễ yêu:
– A lô. Tố Phượng đây! Xin lỗi ai gọi vậy?
Anh lúng túng một chút dù trước lúc gọi cho Phượng anh đã chuẩn bị đâu đó cả rồi.
– À! Tôi đây...Lâm Đình, tổng giám đốc công ty...
Đình cắn môi khi nhớ mình vừa xưng tên lẫn chức vụ, rõ là lố bịch. Anh nghe giọng Tố Phượng hốt hoảng:
– Anh Đình đó à? Có...chuyện gì xảy ra cho chị Tố Oanh của em hả?
– Không! Không! Sao Phượng lại hỏi vậy?
Anh nghe tiếng thở phào nhẹ nhõm của Phượng ở đầu dây rồi tiếng cô ríu rít vui mừng:
– Tại hồi tối chị Oanh không về nhà. Sáng sớm nghe điện thoại của...giám đốc chị ấy gọi, bảo sao em không hết hồn nghĩ quẩn.
Lòng Đình xôn xao vì những xúc cảm chân thành anh vừa cảm nhận được qua giọng nói của Phượng. Thế đấy! Một người vì ham muốn tầm thường đã không ngại mang tiếng ác khẩu tung tin em ruột mình bị tai nạn để được nghỉ phép đi du hí. Còn một người vừa nhấc điện thoại lên đã lo cuống cuồng cho bà chị có một không hai của mình. Cùng một buổi sáng mà Đình biết thêm khá nhiều về chị em Tố Phượng. Thú vị đó chứ!
Giọng Phượng hơi ngập ngừng. Có lẽ cô đã bình tâm để trở lại bản chất rụt rè muôn thuở. Cô bối rối nghe mà tội nghiệp:
– Anh Đình vẫn khỏe ạ!
Đình cười, anh hóm hỉnh trêu:
– Lúc nào Phượng cũng quan tâm đến sức khỏe của người khác. Vừa rồi Phượng lo cho Oanh, bây giờ sợ....tôi ốm. Thế còn Phượng thì sao? Đã hết nhức đầu rồi chứ?
– Ơ! Phựơng có nhức đầu bao giờ đâu?
– Có chứ! Những lúc không muốn xem ca nhạc ấy!
Đình nghe tiếng cô cười thật tự nhiên, anh bỗng nảy ra một ý bất ngờ:
– Tố Phượng! Tôi mời Phượng đi xem ca nhạc vào chiều mai, chắc không nhức đầu nữa chứ?
– Nhưng mà...
– Có cả Triết và Mai Nhi nữa. Nhóm bốn người của buổi tối hoa cẩm chướng, buổi đầu tiên tôi biết Phượng.
Giọng Đình chợt trầm xuống thật trầm:
– Đừng từ chối nhé!
Anh nhìn điểm nhấp nháy trên mặt chiếc đồng hồ đeo tay và chờ đợi...Một giây, hai giây, ba, bốn, năm giây. Tiếng Phượng nhỏ nhẹ, dịu dàng và cũng cương quyết:
– Phượng rất tiếc anh Đình à! Chiều mai Phượng phải thi.
Đình ngơ ngác:
– Thi à! Mà thi về cái gì?
– Thi cuối khóa để lấy bằng lớp gia chánh Phượng đang học. Một cái bằng rất thường nhưng với Phượng thì khá quan trọng, vì Phượng nghĩ sắp về nhà chồng mình phải biết nấu vài món nào đó để vừa lòng chồng lẫn ba mẹ chồng.
Đình nuốt nghẹn vào trong. Anh nghe hình như Tố Phượng nói rằng cô thích xem ca nhạc lắm nhưng rất tiếc. Phải! Rất tiếc!
Ngả người ra chiếc ghế bành to êm ái, Đình cười một mình. Cùng một buổi sáng anh bị hai chị em Tố Oanh “dợt” hai cú đích đáng. Nhưng cú của Oanh làm anh càng xa cô hơn. Trái lại, quả đấm bọc nhung của Tố Phượng sao lại vừa làm anh choáng lại vừa làm anh “cố chịu đấm” để được gần cô hơn. Trái tim lạnh của anh bắt đầu lộn xộn rồi đó!
Mở chồng hồ sơ trên bàn ra, Đình tập trung đọc. Được vài trang, anh lại đứng dậy bước đến cửa sổ châm cho mình một điếu thuốc. Anh xót xa ray rức như kẻ thất tình. “Rõ ràng là cô ta chẳng thích mình, cô ta từ chối buổi xem ca nhạc vì lý do khá rõ, nhưng liền sau đó cô ta đã thông báo ngay cái giới hạn rạch ròi giữa mình và cô ta. Qủa là Phượng không muốn gặp mình, cô ấy đem anh chồng sắp cưới một kẻ chẳng còn chỗ đứng nào trong trái tim của cô ấy ra để khuyến cáo ta. Lẽ nào ta còn tệ hơn gã đàn ông đã từng bị Phượng tự đẩy ra khỏi cuộc đời”.
Đình bực bội vùi mẫu thuốc vào gạt tàn, anh cảm thấy tự ái. Từ lâu lắm rồi anh luôn cho mình có quyền chê đàn bà và lạnh lùng với họ. Ngược lại, những người đàn bà quanh anh gần như coi anh là thần tượng, họ săn đón, chiều chuộng và anh chỉ cần mỉm cười là có thể đạt được ý muốn. Nhưng không, Đình không phải mẫu đàn ông quan hệ bừa bãi với phụ nữ, nhất là với nhân viên của mình. Anh ân cần dịu ngọt nhưng cũng rất lạnh lùng nghiêm khắc, bởi vậy nhân viên của anh bất luận nam hay nữ đều nói lên rằng:
Tổng giám đốc Khuất Lâm Đình...máu lạnh và chê...đàn bà...Có thể họ thêu dệt quanh anh những giai thoại nào đó cho thỏa lòng những kẻ thích nghe và để miệng những kẻ lắm điều, nhưng với anh chẳng nghĩa lý gì cả những lời ong tiếng ve đó.
Kể từ khi cô gái anh yêu chê anh tay trắng cơ bần đi lấy chồng giàu có, Đình đã lao vào công việc để lấp đi sự hụt hẫng của trái tim. Ba năm, bốn năm, bảy năm, vận may và thời cơ rồi cũng phải đến với anh.
Khi lên giữ chức giám đốc và bây giờ đã là tổng giám đốc, Đình lúc nào cũng nhủ với lòng:
vợ anh phải là một người phụ nữ bản lĩnh, xông xáo giỏi trong lãnh vực làm ăn để có thể phụ giúp anh đưa sự nghiệp, công danh đi lên nữa. Đình đã tìm kiếm lựa chọn và vẫn chưa thật sự hài lòng ai. Với anh, tình yêu bây giờ không phải là sự rung động của trái tim mà là sự tính toán của lý trí.
Đã bao năm, bao tháng rồi Đình chỉ quen nhìn mọi người đàn bà bằng đôi mắt dò xét phán đoán của một ông tổng giám đốc đang tìm một người phụ việc.
Nhưng ở buổi tối ngọt ngào mùi hoa cẩm chướng ấy hình như trái tim anh chợt ấm lại vì một cái gì đó như Mai Nhi đã trêu...Có lẽ nếu là người khác chớ không phải Tố Phượng thì cái thoáng ấm lại của trái tim anh đã biến mất luôn rồi, vì chắc anh sẽ chẳng nhớ lâu đâu. Khổ nỗi, mỗi ngày anh một anh đụng mặt Tố Oanh, Đình lại so sánh, quan tâm nghĩ ngợi và lạ kỳ thay anh vẫn muốn gặp lại Tố Phượng, dù anh biết ở Phượng không thể có một điểm nào trong những tiêu chuẩn anh hằng tâm niệm về người anh sẽ chọn làm vợ, có chăng những tiêu chuẩn nầy hầu như hiện hữu đầy đủ ở Tố Oanh?
Chuông điện thoại reo vang. Đình nhấc máy tiếng Vương Duy nghe rõ mồn một:
– Ngày mai tôi sẽ đi Nha Trang lo vụ thăm dò để đặt chi nhánh. Mọi việc ở nhà tôi đã sắp xếp cử người thay.
– Hình như anh đi sớm hơn dự kiến?
– Công việc mà, sáng sớm được càng tốt, chắc không có gì trở ngại cho anh đâu.
Đình cười tinh quái:
– Có đấy...Nhưng không sao, mọi việc ở nhà tôi cũng đã sắp xếp, cử người thay...
Thoáng im lặng ở đầu giây bên kia rồi giọng Duy gượng gạo:
– Anh ranh hơn quỷ sứ, bảo sao nhân viên không sợ.
– Phải ranh như vậy mới làm tổng giám đốc chứ. Thôi stop! Đi vui nhé!
Đúng phóc là Tố Oanh đi với Vương Duy. Lần nầy không khéo ông ta sa bẫy của nàng đây – một người đàn bà có cái nhìn lẫn một trái tim đầy ắp tham vọng, và cô ta chẳng hề giấu ai những ham muốn của mình.
Giờ đây, có lẽ cô nàng đang khoái chí, hả hê nghĩ rằng mình vừa qua mặt lão tổng giám đốc nổi tiếng hắc ám, đa nghi nhưng thật ra rất ngốc.