Cảnh 2

 Cổ Loa. Lối đi ra phía sau đền thờ thần nỏ như ở cảnh  3, hồi 2. Trọng 
Thủy đi với một người hầu, vẻ đàng hoàng. Một vệ binh ra cản.
 
VỆ BINH: -Thưa, phò mã định đi đâu?
TRỌNG THỦY: -Ta đi vãng cảnh.
VỆ BINH: -Mời phò mã đi dạo nơi khác, lối này không đi được.
TRỌNG THỦY: -Đức vua cho phép ta muốn đi đâu cũng được, sao ngươi dám ngăn bước ta? (Rút gươm đâm vệ binh).
 
Một số vệ binh kéo đến, trong đó có đội trưởng.
 
ĐỘI TRƯỞNG VỆ BINH: -Phò mã không được hành hung! (Bảo một vệ binh) Đi mời Cao tướng quân tới đây! (Vệ binh lật đật đi ra. Đội trưởng lại nói với Trọng Thuỷ) Phò mã không nên coi thường phép nước.
TRỌNG THỦY (đưa mắt cho tên hầu, tên này chạy đi): -Phép nước hay phép riêng của Cao tướng quân?
ĐỘI TRƯỞNG VỆ BINH: -Cao tướng quân vâng mệnh đức vua.
TRỌNG THỦY: -Ta đây cũng vâng mệnh đức vua.
 
Cao Lỗ, Nồi hầu cùng vệ binh ban nãy đi vội vào.
 
NỒI HẦU: -Đức vua đâu có lệnh cho phò mã ngang ngược thế?
CAO LỖ: -Phò mã cũng biết đây là khu cấm kia mà.
TRỌNG THỦY (đấu dịu): -Tôi hơi nóng vì tên kia vô lễ quá. (Liếc thấy Thục Phán, Lạc hầu, Lữ Phong, Đặng Giảo cùng tên hầu đang đi đến, nói to) Nhưng làm sao hắn dám hỗn láo với tôi thế! Hắn không nể mặt đức vua à? Ai dung túng hắn?
THỤC PHÁN –Sao có chuyện om sòm làm vậy?
TRỌNG THỦY (quì xuống dưới chân Thục Phán): -Phụ vương ôi! Được phép phụ vương, con chỉ tha thẩn ở đây cho mở mang tâm trí mà suýt nữa bị đám vệ binh kia làm nhục.
ĐẶNG GIẢO (từ phía sau bước lên bảo Trọng Thủy, giọng ngọt): -Ôi!  Sao phò mã lại vượt quá phận mình? (Trỏ Cao Lỗ, Nồi hầu) Sao không xin phép các vị tướng quân kia?
NỒI HẦU (quắc mắt nhìn Đặng Giảo): -Ông thôi giọng điệu ấy đi!
CAO LỖ: -Tâu đức vua, những vệ binh kia chỉ làm theo quân lệnh.
THỤC PHÁN: -Quân lệnh! Quân lệnh của ai? Thôi, các người đi đi! Mai hội triều sẽ nói chuyện này.
 
Cao Lỗ, Nồi hầu ra cùng các vệ binh dìu người bi thương.
 
THỤC PHÁN (bảo Trọng Thủy): -Phò mã cũng về nghỉ đi!
 
TrọngThủy khấu đầu trước Thục Phản rồi đi giật lùi ra, Đặng Giảo
kèm bên như dìu.
 
THỤC PHÁN (thở dài): -Ta tưởng có thể yên vui tuổi già được rồi.
LẠC HẦU: -Tâu vương thượng, muốn yên vui được thì binh quyền  phải trao vào tay tin cậy.
LỮ PHONG: -Cao hầu rõ là không ưa phò mã. Nhưng con trai ông ta đã chết rồi kia mà.
LẠC HẦU: -Ông ta nào phải chỉ nhòm ngó ngôi phò mã cho con trai. Bây giờ con trai ông ta đã mất, nhưng ông ta thì còn sống. (Với Thục Phán) Tâu vương thượng, từ ngày vương thượng ngỏ ý ban công chúa cho Cao Cung, tướng quân Cao Lỗ dường như coi nước Âu Lạc sắp là của riêng cha con mình.
THỤC PHÁN: -Cao Lỗ phò tá ta từ thời Âu Việt (11), chắc không có ý gì khác đâu. Có lẽ ông ta cao tuổi rồi, lại mất đứa con trai độc nhất, nên đâm ra khó tính hoặc lẩm cẩm chăng?
LẠC HẦU: -Muôn tâu, lẩm cẩm sao biết tăng cường binh lực, nay tập mai duyệt? lại bắt dân binh ngày ngày ôn luyện!
LỮ PHONG: -Mà bây giờ hai nước đã hoà hiếu, thiên hạ thái bình, thì vô cớ làm nhọc lính, phiền dân nhằm ý đồ gì? Sao không nới bớt kỉ luật cho quân sĩ đỡ vất vả, giảm bớt quân số cho dân được cậy nhờ? Còn dân binh ở các làng chạ thì thật là vô tích sự.
LẠC HẦU: -Ta có nỏ thần, có thành cao, hào sâu thế là đủ rồi.
THỤC PHÁN (bóp trán): -Ta rức đầu quá. Thôi, các khanh đưa ta về cung nghỉ.
 
MÀN
Nước Âu Lạc do Âu Việt và Lạc Việt hợp thành.