Chương 16

Tôi giấu cái vằng sau lưng cẩn thận, nhưng vừa nhác thấy tôi ló mặt đầu bờ, mẹ Sáu đã kêu om:
- Không ai mượn mày! Đi đêm miết rạc người, chưa ngủ bù, mò ra chi đây?
Tôi cười lảng lảng, lội xuống ruộng. Thấy lúa mê quá mà. Những bông vàng mộc to bằng đuôi trâu ngã rạp đè lên nhau, lớp lớp ngồn ngộn như từng loạt tia vàng nấu chảy phun toé lên qua các lỗ chân lông của đất, đông cứng lại thành chùm hạt hiến cho người. Thà ở đâu xa chứ nằm ngay giữa đống của mà địch lăm le cướp nghiến này, tôi cầm lòng không đậu.
Bảy đêm liền xuống Chu Lai dò Mỹ, mở rộng mạng lưới quân báo, lót ổ để nằm lại dài ngày bên căn cứ, tôi vẫn ra đồng gặt được mỗi ngày một buổi. Tôi thường về đến nhà mẹ Sáu lúc 2, 3 giờ sáng, lăn ra ngủ bên cháu Hoàn, lỗ tai vẫn đầy ngập tiếng quạt thùng quay phành phạch như máy bay phản lực, từng lúc chen những tiếng chân gánh lúa gấp và nặng, lúc bó rơi bịch bịch xuống sân và mẹ Sáu gắt nhỏ: “Nhẹ chút con, thằng tư thức trõm lơ con mẳt rồi.” Tôi thiếp đi một giấc ngắn và rất say, kiểu ngủ của xê mình hành quân đêm ùn lại chờ đò, đến tảng sáng được đánh thức bằng hai cách: hoặc du kích nổ súng chặn quân địch rập rình úp sớm vào xóm, hoặc một khối gì như trái mít mềm rụng giữa rốn tôi, tức đến trợn ngược con mắt, phải chồm dậy ngay. Ấy là trò chơi quái quỷ của thằng cháu Hoàn, nó thích đứng dạng hai chân hai bên sườn “chú Xiêm”, thả đít đánh bịch xuống bụng chú, cười rật rật. Tôi ôm cháu vật một hồi, đếm xương sườn, đến khi nó chịu “xua ồi”, thơm đền thật to cả hai má mới tha tội. Hai chú cháu bén hơi nhau rất nhanh. Cháu thèm có ba lắm, chẳng biết bắt chước trẻ con khác hay nghe ai bầy mà nó gọi tôi là “ba Xiêm” hoài, tôi phải lẫy nhiều lần nó mới thôi. Mẫn đã sợ mang tiếng, chẳng nên để nó gọi “mẹ Mẫn, ba Xiêm” thêm phiền cho nhau.
Ăn vội chén cơm nguội, soát lại chỗ nằm của cháu dưới hầm bên chị Ngưng nó – con gái út lên mười của mẹ Sáu – tôi ra đồng ngay.
Đường làng biến thành thảm rơm dày, rơm vắt kín cả hai bờ rào, tôi đi qua những thung lũng vàng xốp, lún chân. Mới tinh sương mà gió đã đẫm mùi lúa hăng nồng như hơi rượu lạ dễ say. Càng về trưa gió càng bốc mạnh, cuốn bụi lúa xoáy tròn thành những cột gió nhám trông thấy được, đem màu lúa lên phủ lợt cả những lá cau trên cao. Còn chính hột lúa thì khó thấy. Nó hiện trên sân một lát rồi biến ngay, địch càn vào chỉ hốt rơm.
Bà con trách ông trời qua miệng cười hổn hển:
- Ổng giựt mất cả mớ ruộng, báo hại tụi mình phải bươn chải muốn chết, bây giờ ổng cho một trận lúa gặt rã tay không hết, ác ôn thiệt!
Vụ lúa sau lụt này quả là cấy khóc gặt cười.
Trên bãi bồi trắng băng, bà con hì hụi đào cát sỏi đến giáp Tết, đói bụng chảy nước miếng trong, mả ông bà rậm rì phải để đó, chỉ cắm vội mấy cây hương, và xin hoãn đến chiều ba mươi sẽ giẫy. Thêm tụi giặc mới bị đuổi khỏi Tứ Nhơn cứ chạy vè vè xung quanh như chó liếm cháo nóng, nghe nó tum tum cốc cốc mà điên ruột, một trăm bà đi đấu lý có đến chín chục bà túm lính mà chửi nhào đầu, chẳng chịu nói nghĩa nhơn gì nữa. Cày gãi bừa xoa gọi là có, chân lội ruộng thấy cứng như bước trên sân nhà gặp mưa, cây mạ cắm xuống cứ đổ nghiêng đổ ngửa. Nhiều nhà đã sửa đôi bầu chồng rổ đi buôn rổ cá, chạy chợ kiếm bữa. Vậy mà được ăn, lại ăn to chưa hề thấy mới kỳ. Tới hồi địch càn líp lại, lúa càng xoè nơm thì ruột người càng thắt. Bây giờ mới thật tin là địch không giật nổi chén cơm sau lụt: du kích đủ sức chặn tụi biệt kích quân và dân vệ xã, còn cái tiểu đoàn chiếm Tứ Nhơn trước đây đã bị ném lên Việt An lần nữa, quân ra trận mà dặn người nhà “Lấy ngày đi làm ngày giỗ”.
Anh Tư Luân bị bà con níu kéo dữ quá, phải đặt ra cái lịch cơm khách, mỗi bữa kéo tôi đi một nhà để ăn cơm mới. Có bà mời chưa được đã nhắn ngay: “Nói giùm ông Tư đi rán đi xa xa một chút, qua trước ngõ cho tôi thấy mặt”. Ấy là để nhớ công anh chạy các nhà rủ dọn ruộng lấp. Anh lên Tam Trân xin từng lưỡi cuốc cũ về, nhét vào tay từng người ngán địch và ngán đất, dỗ ngọt, van nài, nạt nộ, túm tay họ lôi đi. Một mình trên bãi, mím cặp môi đen và mỏng, anh bổ lát cuốc mở mùa xuống lớp cát sỏi đang vùi nhiều xác người xác thú, bà con kẻ trước người sau cũng theo ra đồng hết.
Hồi đó, đội du kích cản giặc mệt đừ, cái khăn tang trên đầu Mẫn không ngày nào khỏi vấy bùn. Mẫn đòi anh Luân dồn hết người ra làm làng chiến đấu. Chú cháu cãi nhau tới một giờ sáng mới ngã ngũ, chịu chia đôi số dân để cào bồi và đào hào. Cây lúa vắt vẻo đuôi gà thì chông mìn mương rào cũng tạm đủ chống càn. Về sau Mẫn nghĩ phục chú, nói với tôi dạo bật ra gò:
- Đánh mấy năm ròng mới lấy được Tứ Nhơn, em sợ mất quá mà. Không vỡ ruộng thì bây giờ xong cả địa đạo rồi, có điều bà con phải bỏ làng đi kiếm ăn sạch, du kích hết gạo cũng tẩu luôn, bỏ đất cho địch tới chiếm! Nhà em rán làm được bốn ang giống cũng nhờ chú thúc riết đó anh.
Trong khi ấy, anh Luân vẫn gật gật, thấp giọng khoe với tôi rằng công đầu giải phóng Tam Sa là thuộc về “con nhỏ đó”. Trẻ nít mới lớn mà mặt nào cũng thấy đều hết. Tôi đoán trong vụ này Mẫn kể đúng sự thật hơn ông chú ưa làm mối.
Cánh đồng mới đấy đã trụi đi hai phần ba, nhanh ghê. Còn phải nhanh nữa. Những chiếc M.113, trực thăng, xe tải đều há sẵn cái miệng toang hoác, trực nhả lính ra và nuốt thóc vào. Tôi đưa mấu vằng xốc vội từng bụi lúa rạp. Bông mẩy, nặng cụp đầu cuộng rơm, cọ vào tay tôi nhám như bò liếm chủ, thương lạ. Lưỡi vằng mới cắt lại chân chấu, xoẹt từng lát sướng tai. Mẹ Sáu tới gần, không gắt nữa - mẹ gắt với đàn ông bao giờ cũng gượng gạo - chỉ hỏi vặn:
-Ruộng nhà gần xong rồi, biểu mày gặt giùm chị em con Hai ít buổi, mày cứ lơ lơ là sao?
Tôi bông phèng cho gọn:
-Sợ người ta nói: “Ăn hàng con gái, đái hàng bà già”.
-Đứa nào bắt chước thằng Ba Thấn, mày chỉ tao trị cho tức thời.
Tôi cắm cúi gặt gấp để khỏi phải trả lời mẹ.
Ba Tâm với Út Hoà vẫn như sừng với đuôi, vừa gặt vừa cãi nhau đằng kia. Mẫn đi rảo thôn này qua thôn khác, gần trưa mới về xử kiện, kì cạch bó và xóc lúa cho các em, trông rất tội. Tôi muốn giúp lắm chứ, nhưng Mẫn sợ mang tiếng “lợi dụng bộ đội”. Mẫn không quen nói dối, phải nhìn nơi khác và ấp úng rất thảm hại. Sau những phút ngây ngất dưới trăng ấy, Mẫn vụt đóng sập cửa sổ lại, chúng tôi chỉ còn nhìn thấy nhau qua lớp kính lạnh. Mẫn tránh gặp riêng tôi, tránh cả cặp mắt tôi dò hỏi. Mỗi khi bàn việc với nhau, Mẫn vẫn nói những lời dịu nhẹ nhưng không thân nữa, như bột ngọt gói sẵn trong túi nhựa trong, ai mua cũng được. Có lẽ mọi người xung quanh khó thấy chúng tôi đã xa nhau nhiều, còn xa thêm nữa. Cái khoảng cách bước lùi này giúp tôi tỉnh hơn. Tôi biết Mẫn không giận hờn gì, chỉ cố cưỡng lại những rung động của chính mình, nhưng tại sao? Để cho Mẫn đỡ phải lẩn mặt, chối quanh, tôi không đến nhà Mẫn, không căn vặn. Một con chim quý sảy khỏi bàn tay tôi, đang nhảy hót trên cây kia, có vậy thôi. Tôi chỉ thấy lạ và buồn một mình.
Chị 22 được thư anh Tư Luân, đã chịu xếp hầm cho chị Tám với tôi ở hẳn trong ấp chiến lược từ tối mai. Về dưới ấy hẳn tôi nhớ Mẫn cồn cào và cũng nhẹ nhàng hơn, còn quên được Mẫn thì tôi chưa dám tin.
Mới cúi khom một lát tôi đã mỏi lưng. Từ giờ thứ hai, cái lưng sẽ dẻo ra, tôi quen vậy rồi. Dù sao cũng dễ hơn suốt lúa. Mới năm nào tôi còn đeo cái teo bằng tre đan như trống cà rùng trước bụng, hai tay chụp tuốt từng bông lúa, rẫy cho hạt rớt rào rào vào miệng teo xoè rộng, bốn ngón tay rộp lên, toé máu rồi chai dần. Vèo một cái, tôi đã gặt lúa ruộng và ăn cá biển, nếu ở xa Chu Lai chút nữa thì đã sớm sớm ra tắm nước mặn và phụ một tay kéo lưới. Cái ông thời gian đi như vậy đấy, còn ở trước mặt tôi ông nhích chậm như rùa, ngang tôi ông đi vừa phải, ra sau lưng tôi thì ba chân bốn cẳng ông chạy, khiến mỗi khi quay nhìn lại quãng đời đã qua tôi lại nổi một cơn sốt ruột, chưa chi đã béng mất xấp xỉ nửa số tuổi rồi, ông ơi là ông ơi!
Mẹ Sáu đến ôm lúa tôi cắt đem sếp trên bờ, hỏi chuyện dài dài:
- Sao nghe mày học tới ông tú mà biết gặt, Thiêm?
- Tú hu là con tu hú...
- Giỡn hoài. Mấy bữa nay mày xuống dưới đó, tự mắt mày thấy tụi Mỹ chưa?
- Dạ chưa, tụi nó đang nằm co ấp trứng, đợi nở hết mới dẫn bầy lên thăm bà con mình. Lần này con đụng toàn thứ Mỹ lẻ, Mỹ theo nguỵ, mỗi trận lượm vài đứa đầu gành cuối bãi.
- Chắc cũng một nòi thôi. Dạo trước tụi Mỹ lái xe lội nước ghé vô ấp luôn. Mỗi xe hai thằng mặc áo quần vẽ bông vẽ huê rằn rện, tao nghe nó nói với nhau trăm trăm cái miệng, xí lô xí là thiệt kỳ, hèn gì kêu lính Huê Kỳ, là chỉ cái áo với giọng nói của nó đó. Tư Luân nói mày chịu mở lớp dạy tiếng Mỹ rồi. Hễ dạy, tao cũng học với, học để chửi tụi nó cho đã nư, để mấy thằng thông ngôn nói lại thì trụi lủi hết. Thiêm nè, mày nhắm tụi Mỹ vô đất mình, nó chịu nổi không?
Tôi chưa kịp đáp, mẹ đã ôm lúa đi. Trở lại, mẹ tự trả lời chậm rãi:
-Để yên thì tụi nó ở ngon chớ. Hồi cụ Hồ chưa về, tụi sứ, cò, thương chánh, kiểm lâm, lục lộ, lê dương, tao thấy đứa nào cũng mập úc na úc núc. Mà mình đánh riết chắc nó bỏ Tư à. Tao để ý tụi Mỹ lái xe, trời nắng đổ lửa, xe nóng rờ đâu phỏng tay đó mà nó cứ ngồi lỳ chỗ lái, uống hết nước đóng chai thì chờ trực thăng chở thêm, tụi nguỵ đưa cơm nước tới nó không dám nếm chút xíu nào. Nó sợ anh em mình cắc bụp, sợ dân bỏ thuốc độc, sợ ngụy làm phản, đủ trăm thứ sợ. Sau mấy thằng say nắng phải khiêng lên hát-u y tá. Hễ bay xúm vây xiết cái Châu Lai, tụi Mỹ rúc hầm ngộp thở, mươi bữa nửa tháng chắc nó nằm ngay cán cuốc hết trơn á.
Tôi cười, rất thích thú cái chiến thuật bao vây bức rút cỡ lớn của mẹ Sáu. Qua tiếng cắt lúa sồn sột, tôi kể một lô mặt mạnh của quân Mỹ để chọc mẹ cãi chơi. Mẹ hăng, phá bùa phép của Mỹ bay hết, còn chê tôi đánh giặc có sạn trong đầu mà nhát hơn con gái:
- Thì con Hai Mẫn bên nhà đó, vú nó to bằng trái dừa xiêm, đánh giặc phải quấn vải bó vú mới chạy được, mà nó coi thằng Mỹ nước non gì đâu...
Pi-pi-pì-pình!
BẦy pháo 105 khạc đạn cùng một lần. Sườn núi chúa phụt khói sáu chỗ. Mẹ Sáu hét các con xuống hầm, mẹ cũng chui vào một hầm nổi trên bờ ruộng. Bà con chung quanh chạy xuống hầm táo tác, người ở xa thì nằm dài, kéo đệm rơm phủ kín thân. Tôi ngồi xổm bên một bậc cao, đợi đạn kêu rắc rắc đúng hướng sẽ nhào ép vào đấy. Loạt pháo thứ hai ầm ầm đánh xuống gò Trúc. Pháo Chu Lai cả. Xe xích kéo tám cây 105 vào Chu Lai sáng hôm qua. Tụi Mỹ rải đạn bậc thang, chuyển làn nhanh, kiểu bắn coi bộ du côn hơn ngụy nhiều. Loạt ba rơi trúng ruộng đã gặt. Loạt tư nổ trong xóm Đình, xóm của mẹ Sáu. Loạt năm lùi xuống gò Xoài bỏ hoang. Từ đó chúng nã nhích dần lên phía bắc, vẫn một nhịp bắn gấp, đạn rớt khá chụm
Tiếng la làng dội choi chói trong xóm Đình. Tôi mổ cái mẩu vằng xóc vào bờ ruộng, chạy về xóm. Không có khói cháy nhà, hú vía, gió to mà làng ngập rơm khô.
- Ối anh ơi, thằng Hoàn….
- Sao? Sao?
- Nát hết, bay vụn hết trơn!
Tôi phóng như điên. Thật không? Pháo 105 thôi mà. Tôi đã gánh cát đổ dầy một thước trên nóc hầm…
Cách miệng hầm mẹ Sáu mươi bước, những cây chuối nước(1) bị thổi giạt ra xung quanh như nan hoa bánh xe. Một hố lòng chảo nằm giữa. Ba bốn người đi quanh, cúi dòm kỹ. Một vết máu. Nhiều vết máu nhỏ, đất rơi lấp gần kín. Ai đó đã chặt trải hai tàu lá chuối, trên đó đặt!!!8637_15.htm!!! Đã xem 88006 lần.

Đánh máy:nguoimesach
Nguồn: avsnonline.net
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 9 tháng 12 năm 2006