Ngày 27 tháng 1 năm 1973 trên thế giới, ngày ký kết Hiệp Định tái lập Hòa Bình tại Việt Nam. Những người dân văn minh, những người mang áo quần đẹp trong những căn nhà sang trọng, nơi đường phố ở những thủ đô thị tân tiến cùng nhau hân hoan nâng rượu, tung giấy ngũ sắc, hoa giấy lên bầu trời trong xanh vàng rực ánh nắng hay trắng mênh mông mưa tuyết để chào mừng Hòa Bình Việt Nam, nơi xa họ nửa vòng thế giới, cách biệt bởi Thái Bình Dương, hai giải đại lục Âu - Á ngút ngàn. Nơi bây giờ là đêm tối dằng dặc với những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời và dưới trần thế, trên đất đen, có những bước chân thì thầm độc địa, những mũi súng lạnh và âm vang của tiếng nổ trái phá vừa dứt. Nơi xa xôi, trong đáy cốc rực rỡ của Paris, Rome, Washington, NewYork người ta hân hoan trao cho nhau những nồng nhiệt của hòa bình, siết chặt tay nhau với nụ cười rạng rỡ của văn minh, thế giới tiến bộ nhân loại. Hòa Bình, báo hiệu sự thắng lớn của ánh sáng xua tan bóng tối, hòa giải chiến tranh, của ý hướng xây dựng trên phá vỡ tiêu hủy. Ở Việt Nam, đêm 27 rạng 28-1-1972 có những tiếng động tức tưởi hơi thở bị dứt khúc, tiếng thét kinh hoàng của kẻ sắp chết bị một lưỡi dao sáng loáng ngập xuống thân thể nồng ấm sức sống!! Bình minh ngày 28-1-93, cũng như mọi sáng sớm khác của đất nước cùng khổ điêu linh này, người Việt Nam bóp chặt hai bàn tay vào nhau xôn xao xúc động tự hỏi: Phải chăng là buổi sáng hòa bình? Ở Sàigòn, các toán Nhân Dân Tự Vệ đi đập cửa từng nhà hối thúc treo cờ, radio đầy ứ âm thanh loại nhạc giữa hai tuyên ngôn như những ngày biến động 1965, 1966... Không một ai của miền Nam xác định được có một hiện trạng hòa bình trong buổi sáng cảm giác có một họng súng đang nhắm vào. Mặt trận Cửa Việt, Đông Hà bùng nổ, phe Cộng sản đóng chốt trên quốc lộ 1 bắc quận Trảng Bàng, bắc Xuân Lộc (Long Khánh), đường 15 nối dài Sài Gòn - Phước Tuy - Vũng Tàu bị đứt bởi hai chốt nhỏ ở bắc, nam Long Thành. Trên đoạn đường dài dọc theo duyên hải từ đèo Bình Đê đến đèo Nhông - đèo Cả, nổ bùng những tận đánh cấp đại đội, tiểu đoàn giữa đám quân Cộng sản từ mật khu ào lên quốc lộ với đám lính Cộng hòa giữ an ninh đoạn đường. Trong vùng cận sơn Quảng Trị, Thừa Thiên vùng động Ông Đô, núi Tang Téo, núi Trường Phước, đám binh sĩ Bắc quân từ từ nhô mình lên khỏi chốt ngoắt tay đám lính Nhảy dù, sư đoàn 1 bộ binh... Họ đã đối đầu cùng nhau qua ba trăm ngày chiến trận kể từ ngày 29-4-1972. Hai giờ chiều, một bóng dáng mặc quần áo kaki Nam Định, đội nón ông sao, chân đi giầy vải rời khỏi hầm bước qua sáu mươi thước đất núi đến bắt tay thiếu úy Thắng thuộc đại đội 94 Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù. Ly nước trà nóng, thuốc Ruby quân tiếp vụ đổi lại cùng Điện Biên. - Ừ, Chúng mình hòa giải, hòa hợp dân tộc theo tinh thần và lời văn của hiệp định...- Ha.., ha.. “ông” đi qua một mình không sợ à? - Tụi tui không đánh “ông” đâu, mình bồ mà!!... Nửa giờ sau có mười hai người lính mặc áo rằn ri đi qua chốt “bạn” thăm giao hữu. Một giờ qua, họ không trở về. Không có tiếng súng, chỉ có âm động của lưỡi lê đi qua da thịt. Giờ thứ tám của Hòa Bình Việt Nam. Không có một ai trong chúng ta xác định được hòa bình đã có. Vâng, hòa bình chỉ tới với một văn kiện, trên bàn giấy yên lành ở thủ đô Ba Lê. Hòa Bình chỉ có trong đáy cốc. Tội nghiệp như cô bé lọ lem đột nhiên gặp được bà tiên hạnh phúc, toàn khối dân miền Nam ngửa bàn tay bất hạnh để nhìn hạt ngọc hòa bình, kết tinh nỗi mơ ước thiên thu của một dân tộc khốn khó. Không ai tin được vào phép lạ hoang đường này, không ai tin được giấc mơ có thật với ánh sáng của ngày, giữa lòng đau đớn trùng điệp. Người dân miền Nam nhìn ánh ngọc lấp lánh, bậm môi đến nức máu để tự thức tỉnh, để tự nhủ: Đây chỉ là ảo giác, ảo ảnh, đây chỉ là giấc mơ... Nhưng nếu không có những giấc mơ hạnh phúc, không tin vào giấc mơ thì còn gì. Chúng ta chỉ có những giấc mơ mang tính chất hy vọng. Tôi đi giữa những con đường bình yên Sài Gòn trong buổi sáng dịu dàng của ngày hòa bình, lòng vang dội những chấn động xao xuyến bồn chồn... Những phiên họp đầu tiên của Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên được thành hình trong những căn phòng rì rầm tiếng máy lạnh, các bên trao đổi với nhau những đối thoại mềm dẻo, hòa hoãn và... ít nội dung nhất. Tham dự vào cuộc đấu tranh cùng đối phương với tất cả say mê và thành thật trong lòng, nhưng dù với tâm tình trong sáng của số tuổi trẻ vị tha đôn hậu, cuối cùng tôi cũng phải nhận ra: Ngoài những nụ cười thật rộng, những bắt tay sẵn sàng, những câu nói hòa hợp và hòa giải... Người Cộng sản không có được điều gì hơn nữa. Họ không thể có điều gì hơn nữa để cho Hòa Bình. Dù người đó là Trung Tá Tuấn Anh (Bắc Việt), nữ Thiếu tá Ngọc Dung (MTGP), những người có nụ cười thẳng thắn và hiền hòa, những người bộc lộ sự chân thành trong mọi động tác, mọi lời nói (Dù là lời nói theo chỉ thị, bởi những chỉ thị...) Và họ chỉ có thế. Chỉ là những con người đôn hậu thụ động của một chủ trương cứng rắn! Nên dù rất thành thật, ân cần, khi qua sông Thạch Hãn, đến phi trường Lộc Ninh để cùng người Cộng sản làm việc, giải quyết sự kiện đau đớn nhất của chiến tranh, sự kiện người tù. Tôi cũng phải luôn luôn tự nhủ: Phải coi chừng, phải đề phòng, phải sửa soạn tấn công, phải quan tâm phòng ngự!! Trong không khí váng vất nhẹ nhàng của rừng cao su Lộc Ninh, tay nâng ly trà nóng lòng phải trang bị một vũ khí để sẵn sàng nhả đạn. Người Cộng sản đã tập cho tôi quen với nghi kỵ và lừa dối. Hòa Bình đã dạy cho tôi biết rằng đây chỉ là bộ mặt khác của chiến tranh - Mặt sau của Hòa Bình. Tập rất mau công việc phải làm và quen rất nhanh với môi tường chung sống để một phía rất thành thật, kính nể cùng đối phương vì đó là những người lớn tuổi, khắc khổ và đã chịu nhiều khổ nạn. Một mặt khác tôi sẵn sàng tấn công không thương tiếc, hạ đòn độc địa không nương tay vì đây cũng là những đối phương cực kỳ hiểm độc. Ví dụ như trên chiếc máy bay đến Pleiku, tôi châm lửa thật ân cần, nhắc nhở chu đáo với Thiếu Tá Sĩ rằng: - Trời Pleiku rất lạnh, ông ta nên mặc áo len vào vì tuổi già, sức yếu. Tôi nói rất thành thật vì nhìn thấy những sợi tóc bạc trắng rơi lòa xòa xuống một vầng trán nhăn nheo. Nhưng khi đến địa điểm trao trả Đức Nghiệp thì không còn những cử chỉ và lời nói “hòa hợp” tốt đẹp đó nữa, để hét vang giữa núi rừng, tay chỉ vào lá cờ ông sao, gằn từng tiếng: - Ở địa điểm Thạch Hãn không có lá cờ này, ở Lộc Ninh, Minh Thạnh, Quảng Ngãi; cũng không có nó trong phòng làm việc của những nhân viên thuộc Ban Liên Hợp Quân Sự Trung Ương... Vậy tại sao ở đây có, phải chăng quí vị nằm ngoài cái hệ thống “chính phủ” của quí vị, phải chăng quí vị ở đây là quân đội ngoại nhập, là quân xâm lăng... Nếu quí vị duy trì lá cờ này thì ngay tại phòng làm việc của Ban Liên Hợp Quân Sự Trung Ương ở Sài Gòn chúng tôi sẽ dựng lá cờ Việt Nam Cộng Hòa... Quí vị bảo chúng tôi xâm phạm “không phận Đức Nghiệp” phải chăng quí vị nói giỡn, ai chứng nhận Đức Nghiệp này là của quí vị?!! Quí vị đã nói những điều vô lý mà người có một chút kiến thức quân sự và pháp lý tối thiểu không thể nào nghe vào được. Quí vị bảo chúng tôi vi phạm không phận địa điểm trao trả này, địa điểm trao trả được xác định bởi một tọa độ sáu số, tức là một điểm vô hình trên thực tế, từ điểm này có một đường thẳng tưởng tượng chạy thẳng góc với mặt đất lên khí quyển vào ngoại tầng không gian. Đó là không phận của địa điểm trao trả này chăng? Phải chăng quí vị kiểm soát không phận quái đản và vô lý đó? Và khi nói chúng tôi cho phi cơ đi qua “điểm không phận” của quí vị, thì quí vị lấy gì làm bằng cớ. hay quí vị nghe tiếng phi cơ bay qua địa điểm trao trả (Theo như lời của trưởng đoàn quí vị nói tại bàn hội nghị Sài Gòn)... Lạ thật, Hiệp Định Ba Lê có qui định cả “vi phạm” phát sinh bởi tiếng động nữa sao?!! Tôi “vờn” đám sĩ quan tóc bạc của Cộng sản, toàn là dân trên dưới năm mươi tuổi, mặt xanh màu lá và tóc trắng vì ngã nước không xót thương. Hai thái độ có thể xen kẽ, lồng vào nhau nhịp nhàng khắng khít. Trong lòng hòa bình cùng ngưòi Cộng sản, tôi chỉ học được những thủ đoạn độc địa không ngần ngại đó. Những phiên họp bốn bên, những phiên họp hai bên, hàng chục lần trao trả, mười một địa điểm từ Thạch Hãn đến Cà Mau, từ anh “ chiến sĩ ” mặt nặng như chì gác cổng ở Lộc Ninh đến anh Trung tá Chỉ Huy Trưởng vùng Gio Linh, Trung tá mang kính lão và tóc bạc trắng nói dối ngon lành: “ Tôi người quê ở Gio Linh “sơ tán” vào núi để chống Mỹ cứu nước nay trở về tiếp quản Quảng Trị ”. Trung tá nói tiếng Nam Định, Thái Bình không trật một âm. Tiên sư, vậy mà cũng là cán bộ cấp tá của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa!! Cái trò dối trá thô thiển đã được hệ thống hóa bởi Cục Chính Trị, cấp Đảng ủy phổ biến, học tập và kiểm soát từ tên lính mười sáu tuổi mặt búng ra nước cháo đến gã Trung tá sắp sửa đóng cửa quan tài đều ào ào một lời: Quảng Trị sơ tán!! Trò dối trá hạ đẳng này chắc đã được những bộ óc cỡ “ thiên tài ” Võ Nguyên Giáp, Lê Duẫn, Đồng nghiên cứu và chỉ đạo... Thế mà sao Cộng Sản thắng thế hở trời?!! Tôi “ hòa hợp, hòa giải ” với những người như thế, nghe Hoàng Anh Tuấn ngậm ngùi nhắc lại: - Các cháu học sinh ở Cai Lậy bị thảm sát, chúng tôi sẽ điều tra rộng rãi để tìm ra ai là thủ phạm. Để tháng sau chứng kiến vụ Song Phú, vụ Biên Hòa..!! Và ông giáo sư đại học Nguyễn Văn Trung đặt vấn đề nghiêm túc: “Vấn đề có thể nhìn một cách đích thực như sau: Người Việt theo cộng sản và ngưòi Việt không theo cộng sản... Nghĩa là về căn bản chỉ khác nhau về ý thức quốc gia...”. Ông nhà văn Sơn Nam khẳng định trong một cuộc phỏng vấn: “ Tôi nghĩ rằng hai miền Nam, Bắc có thể hòa hợp với nhau bởi con đường văn hóa...” Ông chính khách Hồ Ngọc Nhuận: “ Hòa giải là con đường cuối cùng của dân tộc...”. Đồng ý, tôi hoàn toàn đồng ý với các ông khoa bảng, tên tuổi trên với quá trình tranh đấu, chính trị, văn hóa này. Nhưng nhìn quanh trong suốt một năm, khi nghe Hoàng Anh Tuấn, Võ Đông Giang ở bàn hội nghị, nghe Trung tá Phụng ở Gio Linh, Thiếu Tá Giang ở bắc Thạch Hãn, Trung tá Năm Tích ở Lộc Ninh, Thiếu tá Dũng ở Rạch Giá. Tôi cam kết một điểm: - Không thể hòa giải với mấy cán bộ này, tôi cũng không thể hòa giải với hai gã lính gác ở thuyền bắc Thạch Hãn vì khi tôi hỏi: “ Anh học ở Hà Nội hay ở đâu? ”. Thì nó đã sững cồ nói vung bọt mép: “ Tôi không phải là người Hà Nội, anh đừng xuyên tạc hiệp định, phá hoại tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, tôi là người Quảng Trị sơ tán ”... Lại sơ tán, tôi chửi ra tiếng: “ Tiên sư mày 17, 18 tuổi Bắc Kỳ trăm phần trăm thì Quảng Trị cái quái gì được!!! ”. Vậy hòa giải hòa hợp với ai? Hòa giải, hòa hợp là hòa với một người nào đó, một lớp người nào đó. Đặt vấn đề cụ thể như ông Cha ở nhà thờ Tân Định hôm mở đầu cho buổi thuyết trình về Canh Tân và Hòa Giải: “ Ta phải cúi xuống cùng kẻ thù để chuyển yêu thương đến cùng kẻ thù... Hãy có can đảm yêu kẻ thù như yêu chúng ta vậy!!! ”. Amen, Chúa có phán như thế vì Chúa hy vọng Tình Thương Chúa sẽ được hóa giải được kẻ thù, chứ nếu Chúa biết chắc kẻ thù đó đang thủ sẵn lưỡi dao để đợi lúc Chúa cúi xuống thì chắc phải có tinh thần và thái độ khác. Tôi không chống Cộng quá độ, tôi cũng không chống Cộng để được trả lương và hưu bổng; vị thế người lính chỉ là một phương tiện giúp biết rõ người Cộng sản, tôi cũng sắp giã từ vị thế này để trở thành một cá nhân hoàn toàn tự do không bị ép buộc bất cứ từ một hướng nào, nên câu hỏi luôn đặt ra là: Hòa giải là cần thiết, nhưng hòa giải với ai và như thế nào? Nếu đối tượng để ta hòa cùng là lực lượng đối nghịch, luôn luôn sẵn sàng tiêu hủy ta thì làm sao hòa được? Ông thầy Chùa hôm buổi thảo luận tại nhà thờ Tân Định có ví von: “ Hòa là hòa nước với nước, chứ không hòa với dầu? ”. Ông thầy tu này nói chưa đủ, phải nói lại rằng: “ Làm sao hòa máu cùng a-xít được!!” Phiên họp hôm 15 tháng 3-74 cấp trưởng đoàn sau khi Tướng Hiệp đọc tuyên bố tố cáo lực lượng vũ trang Cộng sản pháo kích vào trưòng Tiểu Học Cai Lậy, Tướng Tuấn (MTGP) phản đối lời buộc tội với một luận điệu yếu ớt; tôi ngồi nghe, tán thêm cùng những người ngồi chung quanh: “ Thằng cha này phản pháo yếu vì chưa biết được các yếu tố chạy tội, hơn nữa tai nạn quá lớn cũng làm nó phát hoảng... Thằng du kích nào dưới Cai Lậy chắc chuyến này bị “khiền” nặng...”. Quả tình chúng tôi đã “ chạy tội ” cho người cộng sản rất nhiều qua ý kiến trên. Chúng tôi nghĩ, cuộc thảm sát chỉ là do rủi ro vì quả đạn cốt nhắm vào Chi Khu Cai Lậy, nơi đặt bộ chỉ huy hành quân tại khu vực này; cũng có thể kỹ thuật tác xạ quá kém, nên du kích vùng đó đã “lỡ” bắn vào trường Cai Lậy. Nghĩ như thế cũng là để giải thích cho tội ác quá phi lý, quá man dại của người cộng sản. Làm sao có thể bắn vào trẻ em, sự nghiệp giải phóng nào xây dựng trên thân xác trẻ thơ, những con người chưa có ý niệm về chữ nghĩa, về hận thù?!! Chúng tôi không tin tội ác phi lý quá độ này do từ một chủ trương hoạch định và hoàn tất bởi những sinh vật gọi là người. Nhưng quả tình chúng tôi đã lầm, lầm rất lớn vì người Cộng sản lại dựng thêm “ chiến tích ” ở Song Phú vào ngày 10-4-74 và Biên Hòa ngày 3-6-74... Đến đây thì không còn gì để che dấu được nữa. Người Cộng sản quả thật có một chủ trương giết người. Tôi khẳng định chắc quyết như vậy. Họ giết trẻ con, giết thưòng dân vì đây là trẻ con “ ngụy ”; họ giết người vì muốn dựng vinh quang trên nỗi sợ hãi, dựng thành quả trên xác người và máu nóng. Cách mạng phải có kích thích tố thù hận. Cách mạng vô sản Việt Nam đã có những men gây máu kia. Thực dân Pháp, Phát-xít Nhật, địa chủ, cường hào, ác bá, thực dân phong kiến, Mỹ - Diệm, Thiệu-Kỳ, Mỹ và chính sách thực dân mới. Nay, năm 1974, quả tình tất cả chất men trên đã không còn, đã hết, người Cộng sản phải có kích thích tố mới, phải có hận thù mới, xác người mới. Vậy phải tạo nên những đối tượng chém giết khác như “ Ngụy quân, ngụy quyền, bè lũ ngoan cố, phản động không thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định ”. Đó chính là chúng ta, là đứa trẻ ở Cai Lậy, là người dân Tam Hiệp, Biên Hòa... Vậy thưa các ông cấp tiến, ông khuynh tả, các ông đối lập, các ông vô tình đang cổ võ cho lũ giết người, cho trò giết ngưòi, các ông đã khuyến khích tội ác qua những danh từ được cố tình sơn phết thành linh động, đẹp đẽ và hòa bình. Hòa Bình, đây lại là một danh từ lạm phát, người Cộng sản đã có vũ điệu Hòa Bình, đoàn quân giết ngưòi là đoàn quân Hòa Bình. Hiệp Định chia đôi đất nước là Hiệp Định Hòa Bình và bây giờ là những ngày tháng 73, 74 họ lại xử dụng danh từ phá sản đó trong một cường độ to lớn và tích cực hơn để thực hiện “ Hòa hợp, hòa giải theo tinh thần và lời văn của Hiệp Định Ba Lê...”. Quái dị thật, những chữ nghĩa thô thiển như kia vẫn còn hiệu lực để che đậy những tội ác ngập đầu?! Tối 21 tháng 5-1935 trước khi xua 300.000 quân vào Rhéanie, Hitler đọc một diễn văn để làm yên lòng Anh, Pháp, trấn an Hội Quốc Liên với câu kết luận là: “ Nước Đức cần Hòa Bình và mong mỏi Hòa Bình...”. Đẩy quân đi như một tia chớp, chiếm được xong mục tiêu Hitler trở lại với “ Hòa Bình ”; mỗi lần đọc diễn văn xong có chuông giáo đường khua ầm ĩ, cùng câu kết: “ Hòa Bình đầy tình thương của Chúa... Amen ” hoặc: “ Xin Chúa hãy ban tự do để khiến tạo Hòa Bình cho nước Đức, cho Âu Châu...” Hai chữ hòa bình được xử dụng như bảng hiệu của một cuộc tấn công, thành quả của một lần tàn sát. Kỳ lạ thật, giữa những chữ nghĩa và hành động đã có những tan vỡ, chống đối và hủy diệt nhau trận cùng như thế, nhưng sao vẫn có rất nhiều người, rất đông người ở trên những vùng đất văn minh, trong lòng những xã hội văn minh tin vào chữ nghĩa quái dị kinh khiếp này. Cả Âu Châu đều tin cậy vào câu nói: “ Tôi dâng hiến hòa bình, tôi không phát động chiến tranh chống Pháp và Anh Quốc ” của Hitler sau khi tràn qua Ba Lan bắt tay với Nga ( Lại một lực lượng hòa bình, nữa!!...) tại Brest Litovsk. Cũng tương tự như đối với Hitler; rập một khuôn mẫu của Staline, cả thế giới hôm nay lại a tòng kẻ giết người nên đã hân hoan hãnh diện trao giải Nobel Hòa Bình cho Lê Đức Thọ. Và đau đớn hơn hết thảy, mỉa mai hơn hết thảy là cùng ngày 3-6-74, ngày của hai trăm trái hỏa tiển rơi vào Biên Hòa “ giải phóng ” cho trẻ em và những người vô tội bằng phương thức dã man ghê rợn tàn tệ nhất mà con người với giác quan, tâm lý của một sinh vật có lương tri không thể nào nhìn đến, không thể nào chịu đựng được. Cùng ngày thê thảm khốn nạn này, chính phủ Nga Sô nhân danh “ Hòa Bình ” trao cho Nguyễn Thị Bình Huân Chương Lenine Hòa Bình!!! Lại Hòa Bình, phải chăng tiếng nói của con người hôm nay đã biến đổi, đã tan vỡ tính chất, phải chăng đây là thời đại của lừa đảo, ngược ngạo, để con người thường nhân danh những tỉnh từ, danh từ cao quý để thực hiện những tội ác đê hèn khốn nạn. Hòa Bình, người Cộng sản đã xử dụng như một dấu hiệu của sự chết. Hai năm, tưởng chừng như qua một đoạn đường địa ngục dài, tôi tự hỏi: Tại sao chúng ta vẫn không có một ngày bình yên để sống, một ngày không có tiếng súng, một ngày không mưu toan, một ngày không nằm trong hệ thống thời gian của một chủ trương, một sách lược, bạo lực. Một ngày bình yên cho quê hưong nhiệm mầu, xứng đáng cho dân tộc vĩ đại, một giòng giống da vàng căng cứng trên khổ nạn. Tôi cũng tự hỏi: Tại sao sau một cuộc chiến triền miên với giá máu hằng trăm ngàn người lính ngã gục, những người lính đã chiến đấu cho một mục đích cao quí: Chiến đấu cho Tự Do - Nhưng chưa bao giờ được xiển dương thành hệ thống để cảm phục như anh hùng, kẻ tử đạo, kẻ vị quốc vong thân. Mà trái lại ngưòi lính và khối gia đình của họ trong những ngày của hòa bình lại là những kẻ bị đánh vỡ trước tiên, bị bóc trần từng sớ thịt, bị cạn dần từng giọt máu. Trung tá K, Chiến Đoàn Trưởng Dù ngày nào mười năm trước, nay hàng ngày lột lon, cất nón, đạp chiếc xe trong đựng vắt cơm đến nơi làm việc. Trung Tá H, sếp cũ của tôi nay chỉ còn lại một hình ảnh tồi tàn của một ông già thèm từng điếu thuốc lá đen. Và còn gì nữa... Còn quá nhiều, nhiều như đống xương vô định của những người lính đã chết, như lớp máu đỏ của hàng trăm ngàn người đã chảy xuống mạch đất miền Nam. Cảnh quả phụ cùng bốn con tự vẫn tại mồ chồng, người lính vừa chết cho hòa bình tại Nghĩa Trang Quân Đội. Còn người mẹ thuốc chết hai con trước khi tự sát vì lương lính từ trần không đủ tiền đong gạo. Quá nhiều, đám vợ con lính ở trại tỵ nạn dẫn nhau đi trên đám đất cháy nắng vùng Quảng Ngãi để tìm củ xương rồng. Những ngưòi lính này chết cho ai? Phải chăng họ chết để nuôi dưỡng một thiểu số khốn nạn như tỉnh trưởng Định Tường, tỉnh trưởng Long An, những kẻ chuyển trăm triệu hàng lậu, những kẻ dấu trăm triệu phân bón, kẻ ký quota gỗ vài trăm triệu... Tại sao? Câu hỏi muốn bật máu trong tim, muốn nổ tung con người, muốn vỡ tan từng tế bào... Tại sao? Tại sao? Thượng Đế không giải thích, Phật Tổ không giải quyết và Chúa cũng buông xuôi. Cuối cùng, chiến tranh vẫn còn nguyên như đời sống lầm than; chiến tranh như cơn mộng dài không hết của đêm đen muôn đời; chiến tranh là cảnh sống thường trực,là thực thể miên man, là thực tại không rời. Đất nước ta với chiến tranh là một trạng thái bão hòa liên kết không tách rời được. Tôi lại đi đưa những người quen đến nghĩa địa... Nhìn chiếc quan tài phủ Quốc kỳ của Đại Tá Nguyễn Thế Nhã, tiểu đoàn trưởng cũ của tôi, người từng có hai mươi năm chiến trường khốc liệt nhất, cuối cùng chết vì một trái đạn pháo kích trên căn cứ La Sơn, Huế. Anh linh người chết tức tưởi không thể giải thích được nỗi đa đoan của hậu quả do một thứ hòa bình dậy non mang lại, người chết chắc không thể an lòng khi biết mình chết trong hòa bình, do hoà bình, sau quảng đời dài đã kinh qua DMZ, Mậu Thân ở Huế, Tây Ninh, Hạ Lào... Người chết với mối hận khó nguôi ngoai. Tôi tin chắc như thế. Cuối cùng, hòa bình cái bóng dáng mơ ước lừa bịp đê tiện và tiếng gọi của lũ giết người dùng như một dấu hiệu truyền thông trước một cuộc tàn sát nhân danh nó. Chiến trận lại xẩy ra ở An Điền, bên kia sông Thị Tính, lại cảnh người chạy loạn gồng gánh mang vác tất tả trên quốc lộ 13, lại cảnh đứa bé bốn, năm tuổi co quắp vì cơn đau mảnh đạn ghim đầy, lại cảnh bà già đưa đôi mắt lạc thần nhìn lượng nắng cuối cùng đang lịm dần ngoài cửa đời sống... Tôi không thể đọc hết mẫu tin chiến sự, tôi không có can đảm nhìn đoạn phim thời sự về đám ngưòi chạy loạn, tôi kinh sợ đến độ phiền muộn. Tôi ê chề đến cuối đáy điêu linh. An Điền, sông Thị Tính của mười năm trước, tháng 12-64 tôi là gã thiếu úy trẻ tuổi cổ quấn khăn đỏ, mình mặc áo saut ngụy trang hào hùng dẫn quân đi đầu tiểu đoàn kể từ khi vượt qua chiếc cầu xi măng cũ kỹ để tiến sâu vào đám rừng chồi xanh ngắt. Mười năm, đêm ở khu đồn điền ông Thịnh, quả lựu đạn lóe sáng, bóng tên Việt Cộng loáng thoáng trong ánh lửa, chiếc trực thăng tải thương lập lòe ngọn đèn đỏ và hàng lửa đạn súng cối pháo kích đứt đoạn. Mười năm, cái bối cảnh khốn nạn đó vẫn còn, vẫn tồn tại, còn và phát triển đến cực độ, phát triển đến tối đa khủng khiếp. Ngày xưa, chỉ cần Tiểu đoàn Dù của tôi cùng Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến đủ sức “xấn” từ cầu Thị Tính vào An Điền lên đồn điền Alimot, Bussy, vòng qua trái đến đồn điền ông Thịnh để từ đây ra quốc lộ 13. Vũ khí lúc ấy là carbine M2, cối 81, nay quân phải cấp sư đoàn, mỗi hướng tấn công là một trung đoàn có một thiết đoàn yểm trợ và giàn đại pháo dập nát không gian. Lúc xưa đám du kích ở vùng đồn điền pháo bằng súng cối, đột kích bằng lựu đạn, nay bóng dáng nhỏ bé “ khiêm nhưòng ” đó đã không còn, để chỉ thấy nườm nượp đậm hơn rừng xanh từng trung đoàn chính quy Bắc Việt đưọc “ tùng thiết ” với hàng T54 bề thế. Mười năm, một cái xã nhỏ bé tội nghiệp ở quận Bến Cát cũng như hàng trăm ngàn thôn xóm khác của quê hương chỉ được mỗi vinh hạnh - Làm chiến trường tận lực cho hai bên - Nỗi vinh hạnh hiển thảm sầu như oan nghiệp không giải. Chiến tranh, chiến nạn, chiến binh, nạn nhân chiến cuộc, chiến trường, chiến địa, chiến tích, chiến cụ... Sao ngôn ngữ nước ta quá nhiều từ ngữ để gọi lên binh đao mà chỉ có vỏn vẹn một chữ Hòa Bình, một chữ đơn độc mỏng manh thụ động giữa rừng gươm giáo ngút ngàn. Khốn khổ hơn nữa, Hòa Bình cũng đã bị ngụy danh bị đánh vỡ, bị khuynh đảo và biến dạng toàn thể yếu tính. Hòa Bình, phải chăng không còn nữa cho con người. Không còn nữa cho chúng ta. Sắp đến ngày ký Thông Cáo Chung 13-6-1973 - ngày Quốc Hận 20-7-54.