Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG V - CÁCH MẠNG VÀ PHỤC SINH

I. BẠCH HOẠ

Sự xung đột giữa Á và Âu – Người Bồ Đào Nha – Người Y Pha Nho – Người Hoà Lan – Người Anh – Buôn bán thuốc phiện – Loạn Thái Bình thiên quốc – Trung Nhật chiến tranh – Tính qua phân Trung Hoa – Khai phóng môn hộ - Từ Hi thái hậu – Các cải cách của Quang Tự - Quang Tự mất quyền – Bọn quyền phỉ - Bồi khoản

 

Sức mạnh khốc liệt đó là sức mạnh của cách mạng kĩ nghệ. Châu Âu nhờ sự phát minh ra sức mạnh cơ giới và áp dụng nó vào sự chế tạo hết máy này đến máy khác, bất tuyệt, mà canh tân, hùng cường lên, có thể sản xuất được rẻ hơn các dân tộc còn dùng sức cánh tay con người trong kĩ nghệ; chẳng bao lâu sản phẩm của họ, dân chúng trong nước không tiêu thụ hết, họ bắt buộc phải kiếm thị trường để bán chỗ còn thừa, do đó họ không thể không bành trướng mà chiếm thế giới được, và thế kỉ XIX thấy được sự xung đột giữa các nước văn minh cổ, mệt mỏi, của một châu Á ngưng trệ vì phương pháp sản xuất cũ bằng tay, với những nước văn minh đã hồi xuân, đầy nhuệ khí của một châu Âu kĩ nghệ hoá.
 
Cuộc cách mạng thương mại ở thời Christophe Colomb đã mở đường cho cuộc cách mạng kĩ nghệ. Các cuộc thám hiểm thế giới đã tìm lại được những đất bị bỏ quên, mở những đường thông thương mới, phát lộ cho các nước văn minh cũ biết những sản phẩm mới và những tư tưởng của phương Tây. Ngay từ đầu thế kỉ XVI, bọn giang hồ mạo hiểm Bồ Đào Nha sau khi định trú ở Ấn Độ, chiếm Malacca rồi đi bán đảo Mã Lai và tới Quảng Châu (1517) với những chiếc tàu đẹp đẽ và những khẩu đại bác ghê gớm của họ. “Tàn bạo, không thừa nhận một pháp luật nào cả, coi tất cả các dân tộc phương Tây[1] như những con mồi ngon, họ quả là bọn ăn cướp”, và thổ dân coi họ là bọn ăn cướp. Mới đầu các đại diện của họ bị nhốt khám, đề nghị thương mại của họ bị từ chối, và các cơ sở, kiến thiết của họ cứ lâu lâu lại bị tàn phá vì người Trung Hoa vừa sợ vừa tức giận về thái độ, hành vi của họ. Nhưng họ cũng giúp Trung Hoa diệt được các bọn ăn cướp khác, nên triều đình Bắc Kinh thưởng công họ, năm 1557 cho họ được tự do ở Áo Môn (Ma Cao), muốn tổ chức gì ở đó tuỳ ý. Họ xây cất ở đó nhiều xưởng lớn nấu thuốc phiện, dùng đàn ông, đàn bà và cả trẻ con Trung Hoa; chỉ một trong những xưởng ấy mà đã phải nộp cho chính quyền Bồ Đào Nha Ma Cao một số thuế mỗi năm gần ba chục triệu quan [cũ] Pháp.
 
Rồi tới người Y Pha Nho chiếm Phi Luật Tân (1571) và đồng thời lập nghiệp ở Đài Loan; tiếp theo là người Hoà Lan; sau cùng, năm 1673, năm chiếc tàu Anh đi ngược dòng sông Quảng Châu, người Trung Hoa nổ súng ngăn chặn, họ có hoả lực mạnh hơn, dẹp hết sức chống đối của Trung Hoa mà đem hàng hoá vô bán. Người Bồ Đào Nha dạy cho người Trung Hoa hút thuốc lá và đầu thế kỉ XVIII đem thuốc phiện Ấn Độ nhập cảng Trung Hoa. Chính quyền Trung Hoa cấm ngặt, nhưng số người hút vẫn tăng lên mạnh tới nỗi năm 1795, họ đã tiêu thụ tới 4.000 thùng.
 
Chính năm đó, triều đình Trung Hoa cấm nhập cảng thuốc phiện; năm 1800, nhắc lại lệnh ấy và đồng thời năn nỉ cả các nhà nhập cảng lẫn dân chúng nghĩ tới cái hại của thuốc phiện, nhưng thuốc phiện vẫn phát đạt rất mau; người Trung Hoa càng hăng mua, người Âu châu càng hăng hái bán và bọn quan lại địa phương vui vẻ cảm ơn những kẻ hối lộ, sau khi bỏ túi những món tiền “nhẩm sà”.
 
Năm 1838, triều đình Bắc Kinh quyết định phải cấm cho được việc nhập cảng thuốc phiện, muốn ra sao thì ra; một viên quan cương quyết, Lâm Tắc Từ, ra lệnh cho các nhà nhập cảng ngoại quốc ở Quảng Châu phải đem nộp tất cả số thuốc phiện tích trữ. Bọn ngoại nhân không chịu, ông cho quân lính đến bức, họ bắt buộc phải đem ra 20.000 thùng [mỗi thùng nặng hai mươi cân], ông long trọng đem đốt hết đổ xuống biển. Người Anh bèn rút về Hương Cảng và “chiến tranh nha phiến” lần đầu tiên bắt đầu. Anh tuyên bố rằng phải tấn công không phải vì mất hết thuốc phiện, mà vì chính phủ Trung Hoa vênh váo, xấc láo tiếp – hay không chịu tiếp – phái đoàn Anh, và cố ý đánh thuế quá nặng, đưa ra những luật lệ cấm chỉ, để làm trở ngại việc mậu dịch. Rồi Anh dùng đại bác trên tàu nhả đạn vào các thị trấn Trung Hoa, chiếm Ching kiang (Chấn Giang?)[2] trên Vận Hà[3], bắt Thanh đình phải xin hoà. Hoà ước Nam Kinh không nhắc một chữ tới nha phiến; Thanh đình phải nhường cho Anh đảo Hương Cảng, hạ quan thuế xuống còn năm phần trăm, mở làm thương khẩu các nơi: Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba [tức Định Hải] và Thượng Hải, lại phải bồi thường quân phí cùng số nha phiến đã thiêu huỷ; sau cùng gặp những trường hợp khó khăn, phạm luật thì người Anh chỉ bị toà án lãnh sự Anh xử thôi. Các nước khác như Pháp, Mĩ cũng theo gót Anh, đòi cho thương nhân của họ được những đặc quyền như người Anh.
 
Từ đó chế độ cũ không thể cứu vãn được nữa rồi. Thanh đình đã “mất mặt” trong các việc thương lượng với ngoại nhân. Trước kia khinh bỉ họ, rồi thách đố họ, để rốt cuộc phải chịu thua, có nói quanh gì thì cũng không che giấu được sự nhục nhã đó với người Trung Hoa có học thức và với người ngoại quốc. Tin đó lan tới nội địa là uy quyền của Thanh đình giảm ngay và nhiều người chỉ thích yên ổn bây giờ cũng muốn nổi loạn. Năm 1843, một người tên Hồng Tú Toàn, tự cho là được thiên khải, đã có một thời giao thiệp với các người theo đạo Tin Lành, bảo mình đã được Chúa lựa[4] để cải tạo cho dân tộc Trung Hoa bỏ sự sùng bái ngẫu tượng mà theo Ki Tô giáo; ông ta cầm đầu cuộc nổi loạn chống người Mãn Châu, lật đổ triều Thanh mà dựng nên Thái Bình thiên quốc. Bọn người theo ông vừa cuồng tín về tôn giáo vừa muốn cải cách chế độ Trung Hoa theo các nguyên tắc của Âu Tây, chiến đấu rất anh dũng, hạ bệ các ngẫu tượng, chém giết nhân dân, đốt phá các thư viện, các bộ sách quí và cả các xưởng Ching-te-chen chế tạo đồ sứ nữa. Họ chiếm được Nam Kinh, ở đó mười hai năm (1853-1865) rồi tiến lên Bắc Kinh trong khi thủ lãnh của họ sống yên ổn ở phía sau trong cảnh xa hoa; rồi vì thiếu một nhà cầm quân có tài họ đại bại, tan rã, tản mát, chìm lần trong biển quần chúng Trung Hoa.
 
Giữa thời giặc Thái Bình phải chịu một chiến tranh nha phiến lần thứ nhì nữa (1856-1860). Anh được Pháp và Mĩ ủng hộ, buộc Thanh đình phải nhận sự buôn bán thuốc phiện là hợp pháp (vì sau chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, lệnh cấm buôn bán vẫn không bãi bỏ, và họ vẫn bán lén), phải mở thêm nhiều thương khẩu nữa, phải tiếp các sứ thần ngoại quốc một cách long trọng tại triều đình. Thanh đình từ chối, Anh, Pháp chiếm Quảng Châu bắt phó vương [?] Quảng Đông [tên là Diệp Danh Thám] đem giam ở [Calcuta] Ấn Độ, rồi chiếm các đồn ở Thiên Tân, tiến về phía Bắc Kinh, phá Di Hoà Viên để trả thù vụ Thanh đình ngược đãi các đại diện của liên quân. Họ buộc Thanh đình phải mở thêm mười thương khẩu nữa, mở Dương Tử giang cho người Âu đi lại buôn bán; đòi các nhà ngoại giao Âu và Mĩ được đãi ngộ ngang hàng với người Trung Hoa, các nhà truyền giáo và thương nhân của họ được đi khắp nơi trong đế quốc; đồng thời, các nhà truyền giáo không bị xử theo pháp luật Trung Hoa, người Âu càng ngày càng khỏi bị luật lệ Trung Hoa chi phối[5], sau cùng Thanh đình phải nhường cho Anh một dãi đất trước mặt Hương Cảng, phải bãi lệnh cấm nhập cảng thuốc phiện, và trả một số tiền bồi thường nặng nữa. Đó là cái giá mà người Trung Hoa phải trả để học được những bài học chính trị của phương Tây.
 
Thấy thắng được Trung Hoa một cách dễ dàng quá, các quốc gia châu Âu nghĩ ngay tới việc tam phân ngũ liệt con mồi ấy. Nga chiếm những miền ở phía Bắc Hắc Long Giang và ở phía đông sông Ô-tô-ly (Oussouri) (1858); người Pháp chiếm Nam kỳ (1860); năm 1894 người Nhật thình lình tấn công nước láng giềng mà họ đã mang ơn vì họ văn minh là nhờ Trung Hoa, trong một năm đánh tan Trung Hoa, cướp giật Triều Tiên của Trung Hoa, lại còn buộc Thanh đình phải bồi thường 170 triệu Mĩ kim[6] vì “làm phiền nhiễu cho họ”. Để cho Nhật khỏi chiếm bán đảo Liêu Đông, Nga ép Nhật phải trả đất đó cho Trung Hoa mà lấy một số tiền bồi thường [là 30 triệu lạng bạc]; ba năm sau Nga chiếm ngay Liêu Đông và xây thành đắp luỹ liền. Năm 1898, vì hai nhà truyền giáo bị giết, Đức chiếm đất Giao Châu. Trung Hoa trước kia là một cường quốc, bây giờ bị chia cắt thành nhiều “khu vực ảnh hưởng”, trong mỗi khu vực thuộc về một cường quốc châu Âu và họ, kẻ trước người sau, đòi các đặc quyền về khai thác mỏ và về thương mại. Thấy Trung Hoa bị qua phân như vậy, Nhật nóng lòng cảm thấy nước đó sau có thể ích lợi cho mình nhiều, bèn đứng về phía Mĩ, đòi áp dụng nguyên tắc “khai phóng môn hộ”: họ công nhận các nước châu Âu có “khu vực quyền lợi” nhưng các thuế nhập khẩu, phí tổn chuyên chở, phải đồng đều cho mọi nước trên khắp lãnh thổ Trung Hoa. Muốn có một tư thế tốt để can thiệp vào việc Trung Hoa, Mĩ chiếm Phi Luật Tân của Y Pha Nho (1898) như vậy là xác nhận ý muốn chia phần rồi.
 
Trong khi đó, một bi kịch khác xảy ra trong vòng cung cấm ở Bắc Kinh. Khi liên quân Anh Pháp vô kinh đô sau chiến tranh nha phiến lần thứ nhì (1860), nhà vua còn trẻ tuổi Hàm Phong chạy trốn lên Nhiệt Hà, rồi mất ở đó năm sau, để lại một người em trai mới năm tuổi. Bà quí phi, mẹ của em nhỏ đó, nắm hết quyền trong nước – sử gọi là Từ Hi thái hậu – khéo trị nước suốt một thế hệ, mặc dầu tàn bạo và trắng trợn. Thời trẻ bà dùng nhan sắc mà chiếm địa vị hơn người. Bây giờ bà dùng tài năng và nghị lực mà thống trị. Khi con trai bà chết đúng vào lúc sắp tới tuổi trưởng thành (1875), bà chẳng kể gì tới tiền lệ, bất chấp các lời dị nghị, đưa lên ngôi một vị thanh niên nữa, Quang Tự, để bà tiếp tục cầm quyền. Trong một thế hệ, bà thái hậu cương quyết ấy được một số chính trị gia có tài giúp sức như Lí Hồng Chương, giữ cho Trung Quốc được thái bình và tránh được phần nào lòng tham vô độ của Âu, Mĩ. Nhưng Nhật Bản thình lình tấn công Trung Quốc, thắng, sau đó đất đai, chủ quyền lần lần lọt vào tay cường quốc châu Âu, nên tại kinh đô nổi lên một phong trào dân chúng mạnh mẽ muốn noi gương Nhật Bản học hỏi Âu Tây, tổ chức một đạo quân mạnh, xây cất đường xe lửa và các nhà máy, tóm lại là rán đạt được sức mạnh về kĩ nghệ nhờ đó mà Nhật và Âu phú cường lên được. Từ Hi thái hậu và các quan cận thần cực lực chống đối phong trào ấy, nhưng phong trào ngầm lôi cuốn được vua Quang Tự lúc này có đủ quyền hành rồi. Rồi đột nhiên, nhà vua không hỏi ý kiến “Phật Bà” – triều đình gọi thái hậu Từ Hi như vậy – ban hành (1898) một loạt sắc lệnh táo bạo; những sắc lệnh này nếu thực hành được thì Trung Hoa đã yên ổn nhảy được một bước lớn theo con đường Âu hoá, nhà Thanh không bị sụp đổ mà Trung Hoa cũng không bị hỗn loạn, khốn cùng. Ông vua trẻ ấy ra lệnh mở những trường mới để dạy không những tứ thư ngũ kinh mà cả khoa học, văn học và kĩ thuật Âu Tây nữa; ông tính xây cất đường xe lửa, luyện tập quân đội theo lối mới để đương đầu với cơn khủng hoảng lúc này: “bị bọn cường quốc bao vây tứ phía, khôn khéo buộc chúng ta phải nhường cho họ mọi quyền lợi, đè bẹp chúng ta bằng sức mạnh tập trung của họ”. Thái hậu bất bình về những sắc lệnh mà bà cho là táo bạo, cách mạng quá sớm đó, sai nhốt vua Quang Tự vào Doanh Đài [trong hồ Tây Uyển], huỷ bỏ hết các sắc lệnh trên rồi lại nắm hết quyền hành.
 
Lúc đó có một phong trào phản đối rất mạnh mẽ các tư tưởng Âu Tây mà thái hậu khéo léo lợi dụng ngay. Một đảng lấy tên là Nghĩa Hoà Đoàn – trong sử gọi là “Quyền phỉ” - mới thành lập để lật đổ nhà Thanh, tức lật đổ bà. Họ nghe theo, đòi trục xuất hết bọn ngoại nhân ra khỏi nước, rồi vì cuồng nhiệt ái quốc, họ bắt đầu hạ sát tất cả các tín đồ Ki Tô giáo ở khắp nơi (1900). Liên quân tám nước [Anh, Pháp, Đức, Mĩ, Nhật, Áo, Nga][7] lại tiến về Bắc Kinh, nhưng lần này để bảo vệ sinh mạnh các người Âu trốn trong khu các công sứ quán; Thái hậu cùng hoàng gia và triều đình chạy vô Tây An, và quân đội Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Mĩ tàn phá kinh đô, giết rất nhiều dân chúng, cướp bóc của cải[8]. Liên quân buộc Thanh đình phải bồi thường binh phí 330 triệu Mĩ kim[9], và để đảm bảo số tiền ấy, họ tự cho họ quyền kiểm soát nha thương chính Trung Hoa và nắm độc quyền bán muối. Sau này Mĩ, Anh, Nga, Nhật trả lại Trung Hoa một phần lớn số tiền bồi thường ấy, bằng cách họ cấp học bổng cho một số sinh viên Trung Hoa qua học các đại học của họ. Cử chỉ quảng đại ấy giúp cho Trung Hoa canh tân hơn tất cả các biện pháp trong cuộc xung đột dai dẳng và bi đát giữa Đông và Tây đó.
 

II. MỘT NỀN VĂN MINH CÁO CHUNG

Các “Sinh viên quĩ bồi thường” – Họ Âu hoá – Vai trò của họ trong việc làm cho Trung Hoa tan rã – Vai trò của các nhà truyền giáo – Tôn Dật Tiên, người theo Ki Tô giáo – Tuổi trẻ phiêu bạt – Muốn gặp Lí Hồng Chương – Dự định làm cách mạng – Cách mạng thành công – Viên Thế Khải – Tôn Dật Tiên mất – Loạn lạc và cướp bóc – Chủ nghĩa cộng sản – Cuộc Bắc phạt – Tưởng Giới Thạch – Người Nhật ở Mãn Châu – Tại Thượng Hải

 

Các sinh viên được bốn nước Mĩ, Anh, Nga, Nhật dùng số tiền Trung Hoa bồi thường để cấp học bổng cho đó với hàng ngàn sinh viên khác bèn xuất dương để tìm hiểu nền văn minh của những kẻ đã thắng họ. Nhiều người qua Anh, một số đông hơn qua Mĩ, Đức hoặc Nhật; mỗi năm tại riêng các đại học Mĩ cũng đã có mấy trăm sinh viên Trung Hoa tốt nghiệp. Họ đương ở các tuổi thanh xuân, tâm hồn dễ cảm, chưa đánh giá được đúng sự thâm thuý của văn hóa truyền thống của họ. Họ thán phục, hăm hở tiếp thu khoa học, lịch sử, các phương pháp cùng các tư tưởng phương Tây, họ kinh dị về sự tiện nghi, vui thích của đời những người chung quanh họ, về sự tự do trong cử động, dáng đi của các dân tộc Âu Mĩ. Họ học triết học phương Tây, hết tin tôn giáo của tổ tiên mà họ muốn chối bỏ, lại được các ông thầy mới khuyến khích, họ chống lại nền văn minh cổ truyền. Mỗi năm có hàng ngàn thanh niên vong bản ấy trở về Trung Hoa; bực mình vì thấy đồng bào mình lạc hậu, họ vung tay gieo rắc tinh thần chỉ trích và cách mạng trong dân chúng. 
 
Phải nhận rằng hoàn cảnh đã tiếp tay họ. Hai thế hệ tu sĩ truyền giáo và thương nhân từ phương Tây qua đã, có lẽ vô tình, gây các ổ truỵ lạc làm bại hoại phong tục; bọn người da trắng ấy sống đầy đủ tiện nghi khiến cho thanh niên Trung Hoa phải thèm; tuy là thiểu số, nhưng một thiểu số rất hoạt động, họ phá hoại những tin tưởng làm cơ sở cho luân lí cổ Trung Hoa; họ hô hào bỏ sự thờ phụng tổ tiên, và tuy họ giảng một đạo Ki Tô nhân từ, nhưng nếu cần thì họ cũng dùng những đại bác lớn, bắn rất trúng để tự bảo vệ và cho Trung Hoa thấy sức mạnh của họ. Ki Tô giáo thời nguyên thuỷ bênh vực kẻ bị áp bức, bây giờ lại gieo mầm cách mạng trong tâm hồn những người Trung Hoa cải giáo.
 
Một trong những người cải giáo ấy khai thác một điền sản nhỏ gần Quảng Châu. Năm 1866, nông dân tầm thường ấy sanh Tôn Văn, một người con trai sau làm thế giới điên đảo mà có lẽ vì mỉa mai, thế giới gọi là Tôn Dật Tiên, nghĩa là ông Tiên yên vui[10]. Tôn cuồng tín đạo Ki Tô tới nỗi vẽ bậy lên mặt các ông thần thờ trong một ngôi miếu của làng ông. Một người anh đã lập nghiệp ở quần đảo Hạ Uy Di bảo ông qua Honolulu, cho ông vào nội trú trong một trường của một cố đạo giáo phái Anh để được dạy dỗ hoàn toàn theo Âu Tây. Trở về Trung Hoa, Tôn vô một trường y khoa của người Anh và ông là người Trung Hoa đầu tiên tốt nghiệp ở đấy. Nền giáo dục ấy diệt hết các tín ngưỡng ở ông, mà những sỉ nhục ông và các đồng bào của ông phải chịu trong các sở quan thuế do người Âu kiểm soát, trong các tô giới của người Âu càng làm cho ông phẫn uất, hướng về cách mạng. Thấy Thanh đình tham nhũng, lạc hậu, khiến cho một nước mênh mông phải thua Nhật Bản nhỏ xíu, rồi bị các cường quốc châu Âu chia cắt thành những khu vực ảnh hưởng kinh tế của họ, ông lấy làm nhục nhã, tin rằng muốn giải phóng Trung Hoa thì trước hết phải lật đổ nhà Thanh đã.
 
Những vận động đầu tiên của ông cho ta thấy ông vừa tự tin, có lí tưởng, vừa ngây thơ. Ông thuê một chiếc tàu, bỏ tiền túi ra đi một ngàn sáu trăm dặm Anh lên phương Bắc, tính yết kiến Lí Hồng Chương lúc đó làm phó nhiếp chính dưới quyền Từ Hi thái hậu, trình với Lí kế hoạch của ông để canh tân Trung Hoa, lập lại uy thế cho Trung Hoa. Không được Lí tiếp, ông bắt đầu một cuộc đời phiêu bạt, lang thang khắp nơi quyên tiền để làm cách mạng. Ông được nhiều hội buôn và hội kín giúp vì họ oán Thanh đình, muốn có một chế độ chính trị chấp nhận cho giới thương gia và kĩ nghệ gia một địa vị xứng với sự giàu có mỗi ngày mỗi tăng của họ. Tôn lại xuất dương, quyên được những số tiền nhỏ của một triệu thợ giặt ủi và một ngàn con buôn Trung Hoa. Ở Londres, công sứ quán Trung Hoa bắt ông một cách trái phép, định còng tay ông giải về Thanh đình, nhưng nhờ sự can thiệp của một nhà truyền giáo, thầy học cũ của ông, chính phủ Anh bắt công sứ quán Trung Hoa phải trả tự do cho ông. Ông lại đi khắp thế giới mười lăm năm nữa, từ thị trấn nọ tới thị trấn kia, quyên được 50 triệu quan Pháp, mà hình như ông không đụng đến một đồng, bao nhiêu tiêu pha, ông chịu lấy hết. Rồi thình lình, trong một cuộc hành trình, ông nhận được tin cho hay rằng lực lượng cách mạng đã làm chủ được Hoa Nam, đương tiến lên phương Bắc; và người ta lựa ông làm Tổng thống lâm thời của nước Cộng hoà Trung Hoa. Vài tuần sau, ông đặt chân lên Hương Cảng, được hoan hô nhiệt liệt, cũng tại nơi đó hai chục năm trước ông bị các công chức Anh làm nhục.
 
Từ Hi thái hậu mất năm 1908, sau khi thu xếp cho vua Quang Tự chết trước bà một ngày trong chỗ ông bị giam. Và chỉ định Phổ Nghi, một người cháu của Quang Tự, lên nối ngôi bà [tức vua Tuyên Thống]. Phổ Nghi hiện nay làm vua Mãn Châu Quốc [thuộc Nhật][11]. Trong mấy năm cuối cùng của đời bà và trong năm đầu của vua Tuyên Thống bé con, Thanh đình đã ban nhiều cải cách để canh tân Trung Hoa: xây đường xe lửa, bằng vốn ngoại quốc và dưới sự điều khiển của các kĩ sư ngoại quốc, bỏ chế độ thi cử cũ, lập một chế độ giáo dục mới, triệu tập một Quốc hội cho năm 1910, và định một chương trình chín năm để tiến lần lần đến chế độ quân chủ lập hiến, và sau cùng tới chế độ phổ thông đầu phiếu tuỳ theo những tiến bộ của giáo dục. Sắc lệnh ban bố chương trình ấy ghi thêm câu này: “Những cải cách ấy, thực hiện vội vàng quá thì rốt cuộc chỉ sẽ phí sức thôi”. Nhưng không thể dùng lối thú nhận của một triều đại đã kiệt sức rồi ấy mà ngăn chặn được bước tiến của cách mạng. Ngày 12 tháng hai năm 1912, ông vua trẻ tuổi bị các cuộc nổi loạn bao vây tứ phía, mà không có một đạo quân nào bảo vệ mình, đành phải thoái vị, còn thái hậu nhiếp chính, ban một bài chiếu lạ lùng nhất trong lịch sử Trung Quốc:
 
“Ngày nay toàn dân hướng về chính thể Cộng hoà… Ý Trời và lòng dân đã hiển nhiên. Làm sao ta có thể cưỡng lại nguyện vọng của hàng triệu dân để cố cứu vãn vinh quang và danh dự của một gia đình? Cho nên ta cùng với Hoàng thượng quyết định rằng từ nay chính thể của Trung Quốc là chính thể Cộng hoà lập hiến để thoả lòng trông mong của trăm họ, và hợp với nghĩa “Thiên hạ là của công” của thánh hiền đời trước”[12]
 
Các nhà cách mạng tỏ ra đại độ với Phổ Nghi, không giết, lại còn tặng một dinh thự ở thôn quê, cấp cho một số tiền kha khá và một người thiếp… Người Mãn Châu khi tới thì như sư tử mà khi đi thì như cừu non.
 
Chính thể cộng hoà sanh trong cảnh bình an, sau đó mới chịu những dông tố dữ dội. Một nhà ngoại giao lối cổ, Viên Thế Khải, có một đạo quân mạnh đủ để bẻ gãy cuộc cách mạng. Viên buộc phải cho ông làm Tổng thống thì mới chịu hợp tác, và Tôn Dật Tiên vừa mới cầm quyền thì đã phải nhượng bộ, đường hoàng rút lui. Viên được nhiều nhóm lí tài mạnh mẽ, Trung Hoa và ngoại quốc, ủng hộ, muốn lên ngôi hoàng đế, sáng lập một triều đại mới, lấy lẽ rằng có vậy mới tránh cho quốc gia khỏi chia vụn ra từng mảnh. Tôn Dật Tiên tố cáo ông ta là phản dân, hô hào các đồng chí lại tiếp tục làm cách mạng trở lại, nhưng đảng ông chưa kịp ra tay thì Viên đau rồi chết.
 
Từ đó Trung Hoa bị chia rẽ, loạn lạc. Tôn Dật Tiên có tài hùng biện nhưng trị nước thì tầm thường, không nắm được quyền hành trong tay, không dẹp được nội loạn. Ông thường thay đổi chủ trương, có vẻ theo cộng sản để được tình cảm của giới trung lưu, rồi rút về Quảng Châu tuyên truyền chủ trương của ông trong đám thanh niên tiểu tư sản[13]. Trung Hoa không còn một chính quyền được mọi người thừa nhận nữa, thành thử mất sự liên kết, thống nhất thời quân chủ; dân chúng mất thói quen theo truyền thống, tuân luật pháp. Hình thức ái quốc mới không mạnh bằng tình gắn bó trước kia với mỗi miền, làm cho Trung Hoa yếu đi, nội chiến nổi lên liên tiếp giữa phương Bắc và phương Nam, giữa tỉnh này với tỉnh bên cạnh, giữa kẻ nghèo và người giàu, giữa già và trẻ. Bọn đầu cơ tổ chức quân đội, chiếm những tỉnh hẻo lánh, thu thuế[14], đem quân chiếm các tỉnh bên cạnh để mở mang khu vực. Ông tướng này đi, ông tướng khác tới, ông nào cũng bóc lột, nên thương mại và kĩ nghệ suy sụp; các bọn cướp bắt dân chúng “đóng góp”, không thì bị giết, không một tổ chức chính trị nào trừng trị chúng được. Để khỏi chết đói, dân chúng phải đi lính cho các ông tướng, hoặc ăn cắp, phá phách nhà cửa, ruộng vườn kẻ khác, và những kẻ này, cũng vì lí do đó, lại phải đi lính hoặc ăn cắp của kẻ khác nữa. Những gia đình siêng năng để dành suốt đời được bao nhiêu, hoặc trong năm để dành được bao nhiêu thực phẩm, thì một ông tướng hoặc một đoàn ăn cắp tới vét sạch. Chỉ riêng tỉnh Hà Nam, năm 1931, có tới 400.000 tên cướp.
 
Giữa lúc Trung Hoa đương cực kì hỗn loạn (1922), Nga phái qua hai nhà ngoại giao có tài nhất, Karakhan và Joffe, để thuyết phục Trung Hoa theo cộng sản. Karakhan “chuẩn bị khu đất”, tuyên bố từ bỏ pháp quyền trị ngoại [nghĩa là từ nay người Nga ở Trung Hoa phải theo luật Trung Hoa, do toà án Trung Hoa xử] mà các hiệp ước trước kia đã cho Nga được hưởng, và kí một hiệp ước mới thừa nhận chính phủ cách mạng có chủ quyền về lãnh thổ và cai trị ở Trung Hoa. Còn Joffe, tế nhị, lanh lợi, thì chẳng khó nhọc gì cũng thuyết phục được Tôn Trung Sơn theo cộng sản vì ngoài Nga ra, có nước nào tiếp ông đâu. Trong một thời gian cực ngắn, nhờ bảy chục sĩ quan Nga giúp sức, một đạo tân binh được thành lập và huấn luyện. Do một thư kí cũ của Tôn tên là Tưởng Giới Thạch chỉ huy, dưới sự hướng dẫn của một cố vấn Nga, Michel Borodine, đạo quân ấy xuất phát từ Quảng Châu, trực chỉ Hoa Bắc, chiếm hết thị trấn này tới thị trấn khác rồi vô Bắc Kinh[15]. Thắng trận rồi thì nội bộ chia rẽ: Tưởng Giới Thạch đàn áp phong trào cộng sản, lập một chế độ quân phiệt chuyên chính với một tinh thần thực tế tới nỗi đặt ngay chế độ ấy dưới quyền một bọn doanh nghiệp và lí tài.
 
Một dân tộc cũng như một cá nhân, khó mà không thấy vui thích trước những đau khổ của láng giềng. Tôn Dật Tiên tưởng Nhật Bản phải là một nước bạn và đồng minh với Trung Hoa để chống lại Tây phương, mà chính Nhật Bản đã gián tiếp khuyến khích Trung Hoa làm cách mạng vì Trung Hoa đã bắt chước Nhật khi thấy Nhật thành công trong việc Âu hoá từ kĩ nghệ, ngoại giao tới võ bị; nhưng Tôn đã lầm: Nhật cho sự hỗn loạn, suy nhược của Trung Hoa là một cơ hội tốt để giải quyết những khó khăn của mình do sự Âu hoá gây ra. Vì một mặt không thể giảm bớt sinh suất đi được (lính đâu để bảo vệ quốc gia khi bị tấn công?); mặt khác, không thể nuôi một số dân mỗi ngày một đông, nếu không phát triển kĩ nghệ và thương mại; sau cùng không thể tiến bộ về kinh tế được nếu không nhập cảng sắt, than và nguyên liệu khác mà trong nước thiếu, và không hi vọng gì phát triển thương mại được nếu không chiếm một phần lớn thị trường cuối cùng mà các thực dân Âu Tây chưa chiếm. Mà người ta ngờ rằng Trung Hoa có nhiều sắt, nhiều than; nó lại là thị trường lớn nhất thế giới ở ngay cửa ngõ Nhật Bản. Có nước nào ở trong cái thế hoặc là trở về nền kinh tế nông nghiệp, chịu cảnh nghèo khổ, hoặc là xông vào con đường đế quốc kĩ nghệ, phát triển kinh tế, mà lại không thừa dịp các cường quốc châu Âu đương chém giết nhau trên đất Pháp để bóc lột một nước Trung Hoa đã ngã quị?
 
Thế là Nhật ngay từ đầu Đại chiến 1914-1918 đứng vào hàng ngũ đồng minh, chiếm ngay tô tá địa Giao Châu mà Trung Hoa đã nhường cho Đức mười sáu năm trước. Rồi Nhật đưa ra “hai mươi mốt điều yêu cầu”, bắt chính phủ Viên Thế Khải phải chấp thuận, và một khi chấp thuận thì Trung Hoa thành thuộc địa của Nhật cả về chính trị lẫn kinh tế. Chỉ nhờ sự phản đối của Mĩ và phong trào tẩy chay mạnh mẽ hàng hoá Nhật do sinh viên Trung Hoa phát động, mà kế hoạch ấy không thực hiện được. Sinh viên khóc ở ngoài đường hoặc tự tử để tỏ nỗi uất hận vì quốc sỉ. Còn người Nhật chỉ thản nhiên mỉm cười trước thái độ bất bình của châu Âu mà họ cho là đáng ngờ vì chính châu Âu đã gậm nhấm Trung Hoa trong một nửa thế kỉ; và họ đợi một cơ hội khác để ra tay. Cơ hội này tới khi kinh tế Âu Mĩ suy sụp vì kĩ nghệ phát triển mạnh quá, sản phẩm không tiêu thụ hết trong nước, phải tuỳ thuộc thị trường ngoại quốc. Lúc đó Nhật chiếm ngay Mãn Châu, đưa vua cuối cùng của Trung Hoa là Phổ Nghi lên làm Tổng thống, rồi hoàng đế Mãn Châu, để dùng chính trị, võ bị và kinh tế mà khai thác các tài nguyên thiên nhiên của Mãn Châu, cả sức lao động cùng khả năng tiêu thụ của dân Mãn Châu nữa. Châu Âu bóc lột thế giới đã no nê rồi, đề nghị “ngưng” cướp bóc, liên kết với Mĩ, phản đối hành động đó của Nhật một cách yếu ớt, mà trong lòng thì sẵn sàng chấp nhận một khi sự đã rồi.
 
Trung Quốc sau đó phải chịu quốc sỉ cuối cùng ở Thượng Hải. Lo ngại vì phong trào tẩy chay hàng hoá bành trướng ở Trung Hoa, Nhật đem những quân đội vô địch đổ bộ lên Thượng Hải, thương khẩu giàu nhất của Trung Hoa, chiếm Chapei và buộc chính phủ Trung Hoa phải diệt các tổ chức tẩy chay hàng Nhật. Trung Hoa chống cự anh dũng, và một đạo quân từ Quảng Châu lên, mặc dầu thiếu tướng giỏi chỉ huy, thiếu quân nhu, binh lương, ngăn chặn được quân Nhật hai tháng[16]. Chính phủ Nam Kinh tìm cách thoả hiệp; Nhật rút ra khỏi Thượng Hải, và Trung Hoa vừa băng bó vết thương, vừa đặt cơ sở cho một nền văn minh mới, mạnh mẽ hơn, để có thể ít nhất là tự vệ được trong một thế giới đầy thú rừng.
 

[1] Tác giả câu này, Latourette, không rõ thời nào, gọi phương Đông chúng ta là phương Tây có lẽ vì những người Bồ Đào Nha đầu tiên đã đi về phương Tây, vượt Đại Tây Dương, Thái Bình Dương mà tìm ra Phi Luật Tân, Mã Lai, Ấn Độ. (ND).
[2] Bản tiếng Anh: Chinkiang tức Trấn Giang 鎮江. Chắc sách in lầm thành Chấn Giang. (Goldfish).
[3] Có sách chép là vào tới hải khẩu Thiên Tân. (ND).
[4] Ông ta tự xưng là con Đức Chúa Trời, em chúa Ki Tô. (ND).
[5] Tức là họ đòi được quyền lãnh sự tài phán. (ND).
[6] Có sách chép là 200 triệu lạng bạc. (ND).
[7] Bảo là tám nước nhưng nêu tên có bảy nước. Theo Wikipedia thì “liên quân tám nước” gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Nga và Đế quốc Áo-Hung. Bản tiếng Anh không nói là mấy nước, nhưng nêu tên sáu nước, không có Áo, Hung: “the troops of England, France, Russia, Germany, Japan and the United States” (Goldfish).
[8] Đại uý Brinkley viết: “Người Da trắng nào cũng kinh hoàng ghê tởm khi hay tin bốn chục phụ nữ truyền giáo và hai mươi trẻ em bị bọn Quyền phỉ giết. Nhưng riêng ở T’ungchow, người Trung Hoa không hề chống cự, hai bên cũng không đánh nhau nữa, mà năm trăm sáu mươi ba phụ nữ Trung Hoa trong giới quí phái đã phải tự tử vì bị quân ngoại quốc làm nhục”.
[9] Sử Trung Hoa chép lại 450 triệu lạng bạc. (ND).
[10] Durant lầm: Dật Tiên là tên tự của Tôn Văn (tên hiệu là Trung Sơn), không do thế giới hoặc xã hội đặt cho ông mà do ông tự chọn. (ND).
[11] Cuốn này viết thế chiến thứ nhì. Phổ Nghi hiện nay (1974) làm một thường dân, coi sóc vườn tược ở Bắc Kinh. (ND).
[12] Tuyên Thống cũng xuống chiếu thoái vị, lời lẽ gần y hệt: “Chính thể của nước một ngày không định thì nhân dân một ngày không yên. Nay đem quyền thống trị làm việc công cho dân toàn quốc, định làm chính thể Cộng hoà lập hiến để gần thì thoả lòng “trừng trị phản loạn” của trăm họ, xa thì hợp với nghĩa “thiên hạ là của công” của thánh hiền đời trước”. (Trung Quốc sử lược – Phan Khoang – in lần thứ ba – 1958). Nên so sánh với lời chiếu thoái vị của Bảo Đại năm 1945. (ND).
[13] Ông mất ở Bắc Kinh năm 1925, đúng vào lúc lợi cho phe bào thủ, tức phe chống đối ông.
[14] Có ông tướng thu thuế trước năm chục năm. (ND).
[15] Từ đó kinh đô Bắc Kinh đổi tên là Bắc Bình (nghĩa là bình định được miền Bắc). Đồng thời chính phủ quốc gia muốn ở gần Thượng Hải, nơi có những nguồn tài chính mênh mông, nên đóng đô ở Nam Kinh [nhưng từ khi Cộng sản thắng – 1949 – Bắc Bình lại đổi lại tên cũ: Bắc Kinh].
[16] Sử gọi vụ đó là Nhất nhị bát sự biến (ngày 28 tháng giêng năm Dân quốc thứ 21 – 1932), Trung Hoa như Anh, ghi tháng trước rồi ngày sau. (ND).