Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
PHẦN II - CHƯƠNG I (2)

IV. VỊ TRÍCH TIÊN

Một giai thoại về Lí Bạch – Tuổi thanh xuân, tài năng, các mối tình của ông  – Trên thuyền rồng – Tửu kinh – Chiến tranh – Các cuộc ngao du, lang thang của Lí Bạch – Bị nhốt ngục – Thơ bất hủ

 

Một hôm, trong thời thịnh nhất của triều đại, Minh Hoàng tiếp sứ thần Triều Tiên; họ dâng ông một quốc thư rất quan trọng nhưng không một vị đại thần nào đọc được. Ông nổi giận: “Bấy nhiêu đại thần, học sĩ, tướng quân mà để trẫm chịu nhục như vầy sao? Nội trong ba ngày, chư khanh không đọc nổi bức thư này thì sẽ bị cách chức hết”.
 
Trong hai mươi bốn giờ, các đại thần bàn bạc với nhau, lo sợ cho địa vị và cho cái đầu của mình nữa. Sau cùng, một vị tên là Hạ Tri Chương tâu với vua: “Thần biết một thi sĩ rất có tài, họ Lí, học rất rộng về nhiều môn, xin bệ hạ ra lệnh vời ông ấy lại đọc thư, chắc được; không gì là ông ấy không biết”. Minh Hoàng ra lệnh vời Lí Bạch vô ngay triều. Mới đầu Lí từ chối, bảo không đọc được thư đó vì mới bị đánh hỏng kì thi Hội vừa rồi. Nhà vua an ủi, ban ngay cho Lí chức Trạng Nguyên. Lí vô triều, nhận ra được trong số các đại thần những vị giám khảo đã đánh hỏng ông, bèn bắt họ phải cởi giày cho mình. Rồi ông dịch bức quốc thư của Triều Tiên đại ý bảo Triều Tiên sẽ chiến đấu để khỏi bị nhà Đường đô hộ. Đọc xong rồi, Lí thảo ngay một bức thư rất hay, giọng cương quyết đáng sợ để đáp; nhà vua tin lời Hạ Tri Chương rằng Lí là một vị trích tiên, nên kí ngay bức thư đó. Vua Triều Tiên phải xin lỗi và dâng nhiều cống phẩm, Minh Hoàng thưởng một phần cho Lí, Lí đem tặng lại cho chủ quán rượu vì ông chỉ thích rượu[1].
 
Đêm sanh ra ông, cụ thân sinh nằm mê thấy ngôi sao Thái Bạch mà người phương Tây gọi là sao Vénus[2], vì vậy đặt tên là Lí Thái Bạch. Mười tuổi Lí đã thuộc các sách của Khổng tử và làm được những bài thơ bất hủ. Mười hai tuổi, ông vô núi sống như một ẩn sĩ trong mấy năm. Ông lớn lên, thân thể cường tráng, học kiếm thuật, khoe tài với mọi người: “Tuy chỉ cao bảy thước[3], Bạch này có thể địch được vạn người” (Vạn người chỉ có nghĩa là nhiều người). Rồi ông đi ngao du hưởng ái tình với nhiều mĩ nữ. Đây, nghe ông tả một cô xứ Ngô:
 
Rượu bồ đào đựng trong chén vàng
Một thiếu nữ xứ Ngô cưỡi ngựa tới
Tuổi nàng mới trăng tròn,
Lông mày nàng tô màu xanh đen [màu đại]
Hài của nàng bằng gấm màu hồng
Giọng nàng líu lo nghe không rõ,
Nhưng tiếng hát của nàng làm cho ta mê hồn.
Nàng ngồi bàn khảm xa cừ
Uống chung chén rượu với ta.
Ôi, những vuốt ve sau bức màn thêu bông huệ.
Làm sao quên được em?[4]
 
Ông cưới vợ, nhưng kiếm không đủ tiền nuôi gia đình, bà vợ phải bỏ ông và dắt con theo. Bài thơ nồng nàn dưới đây ông tặng bà hay một cô nhân tình nào trong cuộc đời lãng tử của ông:
 
Trường tương tư
 
Mĩ nhân hồi ở hoa đầy vườn
Mĩ nhân đi rồi để dư giường
Giường trống, mền thêu cuốn trơ đó,
Đã ba năm còn phảng phất hương
Hương kia còn lưu luyến
Mà người lại vô tình
Tương tư lá vàng rụng
Sương trắng điểm rêu xanh[5]
 
Ông uống rượu để tiêu sầu và thành một trong “trúc khê lục dật”[6], sống nhàn tản, ca hát, làm thơ, không kiếm được đủ ăn. Nghe nói ở Nianchung [?] có một thứ rượu rất ngon, tức thì ông lại đó, mặc dầu đường xa năm trăm cây số. Giữa đường ông gặp Đỗ Phủ, cũng là thi hào bậc nhất đương thời như ông; họ ngâm vịnh với nhau, nắm tay nhau cùng đi, đắp chung mền cùng nằm. Trong nước ai cũng quí họ, vì họ hiền như các ông thánh, thương kẻ nghèo mà ngông nghênh coi thường vua chúa[7]. Sau cùng họ tới Trường An. Quan thượng thư Hạ Tri Chương, tính tình vui vẻ, thích thơ Lí tới nỗi bán các bảo vật bằng vàng để mua rượu đãi ông. Đỗ Phủ tặng Lí Bạch bài thơ sau:
 
Rượu nhiều, Lí Bạch thơ càng hay
Tửu quán Trường An chén ngủ say
Vua gọi lên thuyền không chịu đến,
Tự xưng thần chính “tửu tiên đây”[8].
 
(Bản dịch của Bùi Khánh Đản và Đỗ Bằng Đoàn)
 
Thời đó là thời ông sung sướng, được vua quí, tặng vàng bạc rất hậu, để ông làm thơ ca tụng sắc đẹp của Dương Quí Phí.
 
Một hôm, trước đình Trầm Hương, vua truyền mở hội để mừng hoa mẫu đơn rồi sai tìm Lí, dẫn vô làm thơ. Lí tới đình Trầm hương mà còn say rượu, ngủ li bì, cung nữ phải vẫy nước lạnh vào mặt cho tỉnh lại. Lí làm luôn một hơi ba bài [theo khúc hát Thanh bình điệu]:
 
I
 
Áo tựa mây bay, mặt tựa hoa,
Long lanh sương sớm gió xuân qua.
Nếu không người ở non Quần ngọc,
Cũng khách Dao đài dưới bóng nga
 
II
 
Sương đọng đầu cành hương ngát đưa
Vu Sơn luống xót kẻ mây mưa
Ngày nay ướm hỏi người cung Hán,
Phi Yến tân trang dễ sánh chưa[9]
 
III
 
Khéo thay sắc nước sánh hương trời
Đã xứng quân vương một nụ cười
Tan trước gió xuân nghìn nỗi hận,
Đình Trầm muôn vẻ dựa hiên chơi[10]
 
(Bùi Khánh Đản và Đỗ Bằng Đoàn dịch)
 
Được thi sĩ vịnh như vậy, ai mà không thích. Nhưng Dương Quí Phi cho là Lí mỉa mình, tìm cách gièm pha Lí với nhà vua. Minh Hoàng bèn tặng Lí một túi vàng rồi không dùng ông nữa.
 
Một lần nữa, thi sĩ lại lên đường ngao du, uống rượu tiêu sầu nhập bọn với “bát tửu tiên” ở Trường An. Ông đồng ý với Lưu Linh [một trong Trúc lâm thất hiền đời Lục Triều, tác giả bài Tửu đức tụng - ca tụng cái đức của rượu]. Lưu Linh đi đâu cũng dắt theo hai gia nhân, một người xách một bầu rượu, một người vác cái thuổng để đào huyệt chôn ông liền nếu ông chết giữa đường, vì “việc đời không quan trọng gì hơn cánh bèo trên dòng sông”. Thi sĩ Trung Hoa thích sống ngược lại lối sống khắc khổ cùng các triết gia Trung Hoa. Lí Bạch bảo: “Chúng tôi đã uống trăm hũ rượu để tiêu cái vạn cổ sầu”. Và cũng như Omar [thi sĩ Ba Tư ở thế kỉ XII-XIII], ông tuyên bố theo đạo rượu:
 
Cùng uống rượu
 
Anh chẳng thấy nước Hoàng Hà trên trời đổ xuống mãi,
Chảy tuôn ra bể không trở lại?
Lại không thấy gương sáng nhà cao thương mái tóc.
Sớm như tơ xanh, tối như tuyết?
Ở đời đắc ý phải vui lung.
Chớ để chén vàng không đối nguyệt!
Trời sinh hữu tài tất hữu dụng[11],
Ngàn vàng tán hết rồi có lại.
Giết trâu mổ bò cứ mua vui!
Một lần nên cạn tam bách bôi!
Sầm phu tử, Đan Khâu Sinh.
Nào cùng nhậu, rót cho nhanh.
Vì anh ca một khúc.
Xin anh nghe rõ điệu tân thanh:
Chuông trống, đồ ngọc chẳng đáng quí.
Say hoài là thích tỉnh không đành.
Hiền thánh đời xưa đều tịch mịch.
Chỉ có làng say còn lưu danh.
Vua Trần thủa trước yến Bình Lạc,
Đấu rượu mười ngàn cho thoả thích.
Chủ nhân làm sao nói ít tiền?
Phải mua gấp về ta cùng nhậu.
Ngựa năm sắc, cừu ngàn vàng.
Kêu con đem ra đổi rượu nhất,
Khối sầu vạn cổ đập tan hoang!
 
(Vô danh dịch)[12]
 
Cái sầu vạn cổ ấy là cái sầu gì? Phải là cái sầu thất tình chăng? Không chắc, vì mặc dầu người Trung Hoa cũng vui khổ vì tình như chúng ta nhưng thi sĩ của họ ít khi[13] diễn tả nỗi sầu tình của họ trong thơ. Không, cái sầu vạn cổ ấy là cái sầu vì chiến tranh, vì loạn lạc, xa nhà; vụ An Lộc Sơn chiếm kinh đô, Minh Hoàng phải đào tẩu, Dương Quí Phi bị giết, rồi Minh Hoàng trở về cung điện bị tàn phá, những biến cố ấy gợi cho Lí thấy bi kịch của nhân loại. Ông rên rĩ: “Chiến tranh không chịu chấm dứt!” và ông nghĩ tới tất cả các chinh phụ phải hi sinh chồng cho thần chiến tranh:
 
Tháng chạp tới rồi! Thiếu nữ Yu-chow [?] sầu muộn,
Không hát, không cười nữa; cặp lông mày rậm đen của nàng cau lại.
Nàng tựa cửa nhìn khách qua đường.
Nghĩ tới người đã can đảm vác gương ra chống đỡ biên cương,
Người đã chịu cái lạnh buốt xương bên kia Vạn Lí trường thành,
Người đã ngả gục trên chiến trường, không bao giờ trở về nữa.
Trong cái tráp vàng lót da hổ [?] nàng còn giữ
Hai mũi tên có lông trắng.
Giữa đám mạng nhện và bụi bậm
Chúng gợi cho nàng nỗi sầu vô hạn: mộng xuân thế là hết!
Nàng liệng tất cả những di tích đó vào lửa.
Người ta có thể đắp đê ngăn nước sông Hoàng Hà,
Nhưng ai ngăn được nỗi sầu khỏi dâng lên trong lòng khi tuyết rơi và gió Bấc thổi?[14]
 
Chúng ta có thể tưởng tượng ông lúc này lang thang từ thị trấn này tới thị trấn khác từ tỉnh này sang tỉnh khác, như Tsui Tsung-chi [?] đã tả: “Vai mang một tay nải đầy sách, ông đi hàng ngàn cây số như một đạo sĩ, với một đoản đao giấu trong tay áo và một tập thơ trong túi”. Trong những cuộc viễn du ấy, ông tìm được niềm an ủi và tâm trạng bình tĩnh bên cạnh bạn cố tri của ông là thiên nhiên; trong thơ ông ta thấy lại cảnh hoa nở đầy đất và đồng thời ta cũng cảm được rằng văn minh thành thị hồi đó đã đè nặng lên tâm hồn người Trung Hoa:
 
Lời vấn đáp trong núi
 
Hỏi ta sao ở chốn thanh san?
Cười mà chẳng đáp, lòng tự nhàn.
Hoa đào dòng nước mông lung chảy
Riêng một càn khôn, khác thế gian
 
Hoặc:
 
Đêm nhớ
 
Bóng trăng giọi trước giường
Ngờ là đất có sương
Ngẩng đầu trông trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương[15].
 
Nhưng tóc ông đã bạc, ông chỉ ước ao được về thăm nơi ông sinh trưởng. Sau lần sống cuộc đời giả tạo ở kinh đô, ông thèm khát cuộc đời giản dị tự nhiên giữa vợ con, họ hàng!
 
Ở đất Ngô, lá dâu đã xanh lại rồi.
Và tằm đã ba lần chui vào kén.
Ta không biết ai gieo lúa.
Ở quê tôi, tại miền đông Luh?[16]
Tôi không thể về kịp thời để làm công việc mùa xuân.
Đi trên sông như vầy, tôi không làm được gì cả.
Dưới ngọn gió Nồm, lòng tôi nhớ quê.
Mà vơ vẩn nghĩ tới nhà.
Tôi thấy ở tường đông một cây đào.
Cành lá xum xuê đong đưa trong sương mù xanh xanh,
Cây đó tôi đã trồng ba năm trước khi đi.
Bây giờ chắc đã lớn, cao bằng nóc nhà.
Mà tôi vẫn chưa về.
Ping-yang [?], con gái xinh đẹp của cha, cha thấy con
Đứng dưới gốc đào, bẻ một cành đầy hoa
Con hái hoa mà nhớ cha.
Nước mắt chảy ròng ròng.
Còn Po-chin [?], con trai cưng của cha, chắc con đã đứng tới vai chị con.
Con cùng với chi con tựa dưới gốc đào.
Mà không có cha về để vỗ nhẹ lên lưng con.
Nghĩ tới nông nỗi ấy, cha như người mất hồn,
Và không ngày nào lòng không chua xót.
Cha vừa mới xé một mảnh lụa trắng để viết bức thư này,
Mà âu yếm gởi cho các con theo con đường dài đi ngược dòng sông[17].
 
Những năm cuối cùng của ông, thật chua xót, vì ông không bao giờ chịu khom lưng để kiếm tiền, và trên bước đường chạy loạn, ông không gặp được một vị vương nào nghĩ tới việc cứu ông khỏi đói. Mãi sau ông mới được Lí Lân [tức Vĩnh vương, con thứ 16 của Minh Hoàng] mời giúp việc dưới trướng, ông vui vẻ nhận lời[18], nhưng sau Vĩnh vương khởi quân, tranh ngôi với Túc Tôn [của là con của Minh Hoàng, đã được cha truyền ngôi cho], thất bại, Lí Bạch bị nhốt khám, ghép vào tội phản nghịch, xử tử. Nguyên soái Quách Tử Nghi, người đã có công dẹp loạn An Lộc Sơn, đem hết chức tước ra bảo lãnh cho, Lí Bạch mới khỏi chết, nhưng bị phát lưu [tới Quí Châu]. Ít lâu sau, gặp kì ân xá, Lí lảo đảo trở về quê [có sách chép khi được tha, Lí Bạch thả thuyền đi chơi trên Động Đình Hồ và trèo khắp các ngọn núi Vu Sơn, Tam Giáp]. Ba năm sau, ông chết vì bệnh nhưng truyền thuyết không muốn một bậc vĩ nhân như vậy phải chết như một phàm nhân, nên ghi lại rằng một đêm, thấy bóng trăng đẹp quá, ông nhảy xuống sông để ôm, rồi chết đuối.
 
Ông lưu lại ba chục quyển thơ thanh nhã, xứng là đệ nhất thi hào Trung Hoa. Một nhà phê bình Trung Hoa bảo : “Lí Bạch là ngọn núi Thái Sơn vượt lên hẳn những ngọn núi khác, là mặt trời át hẳn ánh sáng của hằng triệu các tinh tú khác”. Minh Hoàng và Dương Quí Phi đã chết nhưng giọng Lí Bạch vẫn còn văng vẳng trong thơ ông:
 
Thuyền của tôi làm bằng gỗ thơm và bánh lái bằng gỗ lan.
Nhạc công ngồi ở đầu và cuối thuyền, với những ống tiêu, ống địch nạm ngọc, nạm vàng.
Còn thú gì bằng có bình rượu bên cạnh, và cùng với ca nhi lên đênh trên ngọn sóng!
Tôi thấy sướng hơn các vị tiên cưỡi hạc vàng bay bổng trên không,
Và tự do như con kình, con ngạc chạy theo những con hải âu.
Và cảm hứng lên, tôi vung bút, làm rung chuyển ngũ nhạc (năm ngọn núi)
Thế là xong bài thơ.
Tôi cười, niềm vui mênh mông như biển.
Chỉ thơ mới bất hủ! Sở từ của Khuất Bình cùng với nhật nguyệt rực rỡ muôn thuở,
Trong khi cung điện nhà Chu không còn chút di tích trên các ngọn đồi[19].

V. CÁI HAY CỦA THƠ TRUNG HOA

Thơ tự do – Hình ảnh – Thi trung hữu hoạ và hoạ trung hữu thi – Tình cảm trong thơ – Hình thức hoàn hảo

 

Mới chỉ đọc thơ Lí Bạch thì chưa thể phê bình thơ Trung Hoa được; muốn cảm cho thấu (như vậy hơn là phê bình) thơ Trung Hoa thì phải ung dung đọc tác phẩm của các thi sĩ khác nữa – họ rất nhiều – và hiểu kĩ thuật rất đặc biệt của họ. Dịch ra thì mất hết cái hay tế nhị nhất của họ: chúng ta không thấy được nét đẹp của chữ Trung Hoa, mỗi chữ chỉ có một âm, vậy mà diễn được một ý phức tạp; lối viết từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, đối với chúng ta không có ý nghĩa gì cả; chúng ta cũng không hiểu được niêm luật của họ đã có từ thời cổ và được các thi nhân tôn trọng, giữ đúng; chúng ta không đoán được chủ âm, không cảm được cái nhạc điệu do các âm ngắn và dài, các âm bằng và trắc tạo nên; có thể nói rằng đối với độc giả ngoại quốc, cái hay của thơ Trung Hoa mất đi một nửa[20].
 
Mới coi chúng ta ngạc nhiên rằng thơ Trung Hoa ngắn quá, khác xa sự vĩ đại uy nghiệm hay sự phong phú của thơ Milton hay Homère. Nhưng theo người Trung Hoa, đã là thơ thì phải ngắn, muốn cho thơ dài tức là tự mâu thuẫn với mình, vì thơ chỉ để diễn tả một lúc xuất thần, và cảm xúc sẽ biến mất liền khi ta rán chép nó lên hàng xấp, hàng xấp giấy. Thơ phải cho ta thấy cả một bức tranh trong một nét, và phải diễn cả một triết lí trong mười hai hàng, một ý nghĩa sâu sắc trong vài chữ. Vì hoạ là tính bản thể của thơ, mà chữ viết Trung Hoa vốn tượng hình, cho nên văn ngôn Trung Hoa bản nhiên đã nên thơ rồi, viết tức là vẽ nên phải tránh những cái trừu tượng, những cái này không thể vẽ được như  những vật ta trông thấy. Nhưng càng văn minh thì càng có nhiều ý niệm trừu tượng, cho nên ngôn ngữ Trung Hoa, ít nhất là trong hình thức chữ viết, đã thành một thứ ám hiệu gợi những ý tế nhị; và có lẽ cũng do lẽ ấy, thơ Trung Hoa vừa gợi ý vừa cô đọng, chỉ muốn dùng chữ như nét hoạ để biểu lộ một cái gì thâm thuý, vô hình. Nó không biện luận, nó gợi cho ta hiểu thôi, nó nói ít, làm thinh nhiều hơn, và chỉ một người phương Đông mới bổ sung được vào chỗ thiếu thốn tương đối đó. Người Trung Hoa thường nói: “Cổ nhân cho rằng thơ thì phải ý tại ngôn ngoại, người đọc thơ phải tự tìm ra cái ý đó”.
 
Thơ Trung Hoa cũng như lễ nghi và nghệ thuật của họ có cái nét vô cùng thanh nhã giấu kín dưới một vẻ giản dị bình tĩnh. Nó không ưa tỉ dụ, so sánh, nói bóng bảy mà chỉ gợi cho ta về đề tài thôi. Nó tránh sự phóng đại, những cảm xúc nồng nàn; người nào có óc già giặn cũng thích giọng kín đáo của nó, thích những ý tại ngôn ngoại của nó; hiếm thấy giọng lãng mạn lắm, nhưng thường thấy những tình cảm thâm thuý diễn tả một cách từ tốn, hoàn toàn cổ điển:
 
Loài người sống cách biệt nhau
như những ngôi sao cùng vận chuyển
mà không bao giờ gặp nhau.
Cùng một ngọn đèn mà chiếu sáng cả cho hai chúng ta, như vậy chẳng là tuyệt ư?
Ngày xuân ngắn ngủi.
Hai thái dương[21] của ta đã nhắc nhở rằng ta già rồi.
Ngay bây giờ đây, một nửa số người chúng ta quen biết đã thành ma rồi
Ta xúc động tới thâm tâm[22].
 
Đôi khi người ta đâm chán vì gặp lại hoài giọng sầu cảm trong những thơ đó, phải nghe hoài lời than van về bóng câu qua cửa sổ, về xuân bất tái lai. Chúng ta thấy rằng văn minh Trung Hoa đời Đường Minh Hoàng đã già cỗi, như suy nhược rồi, và các thi sĩ của họ như hầu hết các nghệ sĩ phương Đông cứ bám lấy những đề tài đã cũ, chỉ đua nhau dùng tài năng để tạo một hình thức thực hoàn hảo thôi. Nhưng khắp thế giới không đâu thấy được một thứ thơ nào so sánh được với thứ thơ đó, về cách diễn tả thanh nhã, tế nhị, về những tình cảm dịu dàng, điều độ, về sự bình dị và cô đọng của một câu ngắn thôi mà bao trùm được một tư tưởng cân nhắc kĩ lưỡng. Người ta bảo rằng thi nhân đời Đường giữ một địa vị quan trọng trong sự đào tạo thanh niên Trung Hoa và không một người Trung Hoa nào hơi có học thức mà không thuộc nhiều thơ của họ. Nếu quả vậy thì đọc thơ cùng tìm hiểu tư cách của Lí Bạch và Đỗ Phủ, chúng ta sẽ hiểu được tại sao đa số giới trí thức Trung Hoa là nghệ sĩ và triết nhân.

VI. ĐỖ PHỦ

Đào Tiềm – Bạch Cư Dị - Thơ trị bệnh sốt rét – Đỗ Phủ và Lí Bạch – Một hình ảnh về chiến tranh – Thịnh thời – Suy yếu – Chết

 

Lí Bạch là Keats[23] của Trung Hoa, nhưng ở nước ông, còn nhiều thi sĩ khác cũng được quí trọng như ông. Chẳng hạn Đào Tiềm[24], một thi sĩ sống giản dị, khắc khổ, từ chức huyện lệnh vì “không thể vì năm đấu gạo mà khom lưng được” [để ra đón một viên đốc bưu tới huyện thâu thuế]. Như nhiều ông quan khác tởm cái thói luồn cúi, ông lui về vườn để được “sống lâu và uống rượu”. Trong cảnh rừng suối, hình như ông đã tìm được sự thanh thản, vui tính mà các hoạ sĩ Trung Hoa sau này khéo diễn tả trên những bức tranh lụa.
 
Uống rượu
 
…..
Hái cúc dưới giậu đông,
Thăm thẳm nhìn núi nam
Khí núi về chiều đẹp
Đàn chim cùng về tổ.
Trong cảnh có chân ý,
Muốn diễn tả quên lời.
 
Về vườn
 
Lỡ rớt vào lưới trần,
Thấm thoát mười ba năm[25].
Từ lâu sống trong lồng,
Nay được trở về với tự nhiên.
 
Bạch Cư Dị lựa một giải pháp khác: làm quan ở kinh đô, lần lần lên tới chức thứ sử Hàng Châu rồi Binh bộ thị lang. Mặc dầu vậy ông vẫn sống tới bảy mươi hai tuổi, làm được bốn ngàn bài thơ, và trong những thời bị đày, ông vẫn hưởng được cái thú thiên nhiên. Ông biết được cái thuật sống cô độc giữa đám đông và nghỉ ngơi trong một cuộc sống rất hoạt động. Ông không có nhiều bạn, vì ông tự thú rằng ông rất dở về những món tiêu khiển xã hội thích nhất: thư (viết chữ), hoạ, kì (đánh cờ) và đổ bác”. Ông thích nói chuyện với những người chất phác và tương truyền, làm xong một bài thơ, ông thường đọc cho một bà già quê mùa nghe, chỗ nào bà ta không hiểu thì ông bỏ hết. Vì vậy ông thành thi sĩ được bình dân quí mến nhất; thơ ông được chép lên tường các trường học, các đền chùa, cả trong phòng ở dưới thuyền nữa. Một ca nhi trẻ bảo một thuyền trưởng: “Ông đừng tưởng tôi là hạng vũ nữ tầm thường, tôi thuộc bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị đấy”[26].  
 
Tôi để tới đoạn cuối bài này mới giới thiệu Đỗ Phủ, thi sĩ sâu sắc và đa tài. Arthur Waley bảo: “Người Anh viết về văn học Trung Hoa thường khen Lí Bạch là đệ nhất thi hào của nước đó, nhưng chính người Trung Hoa thì lại thích Đỗ Phủ hơn”. Lần đầu tiên chúng ta gặp Đỗ Phủ là ở Trường An; ông lên kinh đô thi để được làm quan, nhưng rớt. Rớt chính vì môn thơ, nhưng ông không thất vọng, tuyên bố với mọi người rằng thơ ông là một phương thuốc hay để trị bệnh sốt rét, và ông đã thí nghiệm vào bản thân rồi[27]. Đường Minh Hoàng đọc được một bài phú của ông thích, đích thân ra đầu bài cho ông thi lại, chấm đậu và bổ dụng làm thư kí cho tướng Tsoa [?][28]. Bước đầu thành công như vậy, Đỗ Phủ thấy hăng hái, quên vợ con ở quê hương xa tắp [Thiểm Tây], mà ở lại kinh đô, ngâm vịnh với Lí Bạch, lui tới các tửu quán, làm thơ để trả tiền rượu. Ông viết về Lí Bạch:
 
Tôi quí phu tử [Lí Bạch] như em quí anh cả[29].
Mùa thu, ngà ngà say rồi, chúng tôi ngủ chung mền,
Và ngày nào chúng tôi cũng nắm tay nhau dạo cảnh.
 
Thời đó Minh Hoàng đương mê Dương Quí Phi; Đỗ cũng như các thi sĩ khác, làm thơ vịnh mối tình ấy, nhưng khi loạn An Lộc Sơn nổi lên, Trung Hoa chìm đắm trong cảnh xương máu thì ông dùng tài để tả nổi khổ của nhân dân trong chiến tranh:
 
Hôm qua triều đình đã ra lệnh
Bắt lính những thanh niên mười tám tuổi
Để bảo vệ kinh đô…
Thôi, mẹ và con, nín đi!
Khóc lóc chỉ thêm đau khổ.
Lệ mà cạn rồi thì xương sẽ tan tành,
Trời đất không thương gì chúng ta đâu[30]
 
Binh xa hành
 
…..[31]
Anh có nghe nói không, ở Sơn Đông hai trăm châu quận,
Hàng ngàn làng xóm chỉ còn gai góc mọc đầy?
Ví phỏng còn những phụ nữ mạnh khoẻ cày bừa được
Thì cỏ đã phủ hết ruộng không còn phân biệt được bờ;
Huống hồ binh Tần [tức binh ở Quan Trung] kiên nhẫn
Nên họ bị xua đuổi không khác gì gà với chó.
…..[32]
Bây giờ tôi mới biết rõ rằng
Có phước thì sinh gái
Có tội mới sinh trai.
Sinh gái còn được gả lối xóm,
Sinh trai nó chết trong cỏ gai.
Anh chẳng thấy đất Thanh Hải ư?
Từ xưa[33] xương trắng có ai thu?
Quỉ mới sầu oán, quỉ cũ khóc,
Trời tối mưa dầm, tiếng hu hu!
…..[34]
 
Trong thời loạn, ông cùng với vợ con lam lũ chạy giặc hai năm khắp Trung Hoa, có lúc cơ cực tới nỗi phải đi xin ăn, và quì xuống khấn vái Trời Đất phù hộ cho một người hảo tâm đã đem ông cùng vợ con ông về nhà nuôi trong một thời gian. Ông được một viên tướng tốt, Nghiêm Vũ, cưu mang, cho làm một chân thư kí. Nghiêm Vũ chịu được tính tình thất thường của ông, cho ông một căn nhà nhỏ ở trên bờ suối “Cán[35] hoa” (Rửa hoa) để ông làm thơ, chứ chẳng đòi hỏi gì ông cả. Thời đó ông sung sướng, vui vẻ vịnh mưa, hoa, trăng và núi.
 
Có ích gì đâu mấy vần thơ?
Trước mặt tôi chỉ có núi rừng âm u.
Tôi muốn bán hết bảo vật và sách,
Để được sống giữa cảnh thiên nhiên.
…..
Khi phong cảnh đẹp như vậy,
Thì tôi bước chầm chậm lại, để tâm hồn thấm nhuần cái đẹp.
Tôi thích vuốt ve lông chim.
Tôi thổi vào lông để rẽ lớp ngoài mà lông tơ ở trong hiện ra.
Tôi thích đếm nhuỵ hoa
Và cảm thấy sự nhẹ nhàng của phấn hoa vàng.
Ngồi trên cỏ thì còn gì sướng bằng.
Tôi không thích uống rượu vì hoa đủ làm cho tôi say rồi.
Tôi yêu cổ thụ làm sao!
Yêu cả những sóng biển màu ngọc bích.[36]
 
Nghiêm Vũ quí ông lắm, vận động cho ông chức Công bộ viên ngoại lang ở Trường An, thành thử vô tình làm ông mất cái thú đó. Vì khi Nghiêm Vũ chết rồi, nội loạn tăng lên, Đỗ Phủ lại cô độc với thiên tài của mình, lại không có một đồng dính túi. Con cái nheo nhóc, phàn nàn rằng cha không nuôi nỗi mình. Về già, ông sống rầu rĩ, bị mọi người bỏ rơi, thành một “vật xấu xa không ai muốn nhìn”; nóc nhà bị gió thổi tung, bọn ăn trộm vào cướp cả tới mớ rơm ông lót giường, mà ông yếu quá, không ngăn nỗi. Sau cùng, tai nạn lớn nhất xảy ra: ông hết thích rượu, do đó mà không giải quyết được vấn đề sinh sống theo lời Lí Bạch [nghĩa là không làm được thơ để mưu sinh nữa]. Ông quay về tôn giáo, tìm sự an ủi trong đạo Phật. Mới năm mươi lăm tuổi mà ông đã già khọm, ông lại một ngôi chùa danh tiếng trên núi thiêng Huen [Hành sơn?]. Một ông quan đã đọc thơ ông, gặp ông, đưa ông về nhà, làm một bữa tiệc đãi ông. Thịt bò bốc hơi lên thơm phức, rượu ngon đầy bình; đã bao lâu nay Đỗ Phủ chưa được một bữa thịnh soạn như vậy. Vì đói, ông ăn ngấu nghiến. Chủ nhân xin ông một bài thơ, ông rán làm rồi ngâm lên, nhưng bội thực, ông té xuống. Hôm sau ông tắt thở.

[1] Việc Hạ Tri Chương ca tụng thiên tài của Lí Bạch với vua Minh Hoàng và việc Lí đọc được quốc thư và áp đảo được sứ thần Thổ Phồn (Tây Tạng, Tân Cương ngày nay), chứ không phải Triều Tiên, đều có chép trong các tiểu sử Lí Bạch; nhưng việc cởi giày thì sai: Lí vốn ghét Cao Lực Sĩ, một nịnh thần, nên muốn làm nhục Cao, chứ không phải muốn trả thù các giám khảo đã đánh hỏng mình. (ND).
[2] Chữ Hán có tên là Kim tinh, ta gọi là Sao hôm, Sao mai. (ND).
[3] Mỗi thước bằng khoảng một gang tay. (ND).
[4] Bài này cũng như ba bài nữa ở sau, tôi không tìm được nguyên tác. Durant dùng bản dịch ra tiếng Anh của Shigeyshi Obata; Charles Mourey dịch lại từ tiếng Anh qua tiếng Pháp; tôi lại dịch lần thứ ba từ tiếng Pháp, như vậy nếu không phản nghĩa là may mắn lắm rồi, không còn chút gì là thơ nữa. (ND).
[Nhan đề bản dịch ra tiếng Anh là: Maid of Wu. Nguyên tác là: 對酒
蒲萄酒, 金叵羅, 吳姬十五細馬馱. 青黛畫眉紅錦靴, 道字不正嬌唱歌. 玳瑁筵中懷裏醉, 芙蓉帳底奈君何. (Theo http://zh.wikisource.org). Tạm phiên âm: Đối tửu
Bồ đào tửu, Kim phả la, Ngô cơ thập ngũ tế mã đà. Thanh đại hoạ my hồng cẩm ngoa. Đạo tự bất chính kiều xướng ca. Đại mạo diên trung hoài lý tuý, Phù dung trướng để nại quân hà. (Goldfish)].
[5] Coi nguyên văn trong Đại cương Văn học sử Trung Quốc cuốn II của Nguyễn Hiến Lê. (ND)
[6] Durant dịch là Rừng trúc (trúc lâm). Năm người kia là Khổng Sào Phủ, Hàn Chuẩn, Trương Thúc Minh, Bùi Chính và Đào Miện. (ND).
[7] Chỉ Lí Bạch coi thường hạng vua chúa, Đỗ Phủ thì không. (ND).
[8] Coi nguyên văn trong Đại cương Văn học sử Trung Quốc - cuốn II. Câu đầu dịch cho sát thì là : Lí Bạch uống một đấu rượu làm được trăm bài thơ. (ND).
[9] Durant không trích bài II này. Chúng tôi thêm vô để độc gia hiểu đoạn sau. Trong bài Lí so sánh Dương Quí Phi với nàng Thiệu Phi Yến, một con hát trong cung nhà Hán; Cao Lực Sĩ uất hận vì bị Lí Bạch làm nhục (bắt cởi giày), nên gièm pha với Quí Phi là Lí dám so sánh nàng với một con hát; Quí Phi nổi giạn, ton hót với vua, vua không trọng dụng Lí nữa. (ND).
[10] Bài này tiếng Pháp dịch sai quá. Nguyên văn cả ba bài ở trong tập Đường thi trích dịch (trang 536-543) của Bùi Khánh Đản và Đỗ Bằng Đoàn. (ND).
[11] Durant bỏ từ câu này. (ND).
[12] Tức Phương Sơn (bác ba của cụ Nguyễn Hiến Lê) dịch. (Goldfish).
[13] Không chắc. (ND).
[14] Không kiếm được nguyên văn. (ND).
[Xem bài 北風行 (Bắc phong hành) tại http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=7792. Bản tiếng Anh bỏ sáu câu đầu. (Goldfish)].
[15] Nguyên văn hai bài này trong Đại cương Văn học sử Trung Quốc II. (ND).
[16] Luh ở đâu, ở Tứ Xuyên? (ND).
[17] Bài này cũng như bài sau, không kiếm được nguyên văn. (ND).
[Nguyên văn: 寄东鲁二稚子
吳地桑葉綠, 吳蠶已三眠. 我家寄東魯, 誰種龜陰田. 春事已不及, 江行復茫然. 南風吹歸心, 飛墮酒樓前. 樓東一株桃, 枝葉拂青煙. 此樹我所種, 別來向三年. 桃今與樓齊, 我行尚未旋. 嬌女字平陽, 折花倚桃邊. 折花不見我, 淚下如流泉. 小兒名伯禽, 與姊亦齊肩. 雙行桃樹下, 撫背復誰憐. 念此失次第, 肝腸日憂煎. 裂素寫遠意, 因之汶陽川. (Theo http://zh.wikisource.org).
 
Tạm phiên âm: Kí đông Lỗ nhị trĩ tử
Ngô địa tang diệp lục, Ngô tàm dĩ tam miên. Ngã gia kí đông Lỗ, Thuỳ chủng quy âm điền. Xuân sự dĩ bất cập, Giang hành phục mang nhiên. Nam phong xuy qui tâm, Phi đoạ tửu lâu tiền. Lâu đông nhất chu đào, Chi diệp phất thanh yên. Thử thụ ngã sở chủng, Biệt lai hướng tam niên. Đào kim dữ lâu tề. Ngã hành thượng vị toàn. Kiều nữ tự Bình Dương, chiết hoa ỷ đào biên. Chiết hoa bất kiến ngã, Lệ hạ như lưu tuyền. Tiểu nhi danh Bá Cầm, Dữ tỉ diệc tề kiên. Song hành đào thụ bất, Phủ bối phục thuỳ liên. Niệm thử thất thứ đệ, Can trường nhật ưu tiên. Liệt tố tả viễn ý, Nhân chi vấn dương xuyên.
 
Các tên Luh, Ping-yang, Po-chin lần lượt là Lỗ, Bình Dương, Bá Cầm. (Goldfish).
[18] Các sách thường chép rằng ông miễn cưởng nhận lời và chỉ làm một chức Tân khách trong Mạc phủ thôi. (ND).
[19] Xem bài 江上吟 (Giang thượng ngâm) tại http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=9616. (Goldfish).
[20] Đối với người phương Tây không đọc được nguyên văn thì theo tôi, mất đi tới già nửa; đối với những dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa như chúng ta thì mất đi ít thôi. (ND).
[21] Bản tiếng Pháp chắc in sai: temples (ngôi đền) vô nghĩa; tempes (thái dương tức mái tóc) mới phải. (ND).
[Bản tiếng Anh là temples, có nghĩa là ngôi đền mà cũng có nghĩa là thái dương. (Goldfish)].
[22] Durant không cho biết xuất xứ. (ND).
[23] Thi sĩ Anh (1795-1821). (ND).
[24] Đào Tiềm (366-427) ở đời Lục Triều, sinh trước Lí Bạch (705-762) ba trăm bốn chục năm – Coi lại niên biểu đầu sách – Durant có lối trình bày riêng, không luôn luôn theo thứ tự thời gian. (ND).
[25] Có sách chép là ba mươi năm. (ND).
[26] Bài này là bài thơ dài nhất đời Đường, cùng với bài Tì bà hành (ngắn hơn) là hai bài nổi tiếng nhất của Bạch Cư Dị. Trường hận ca kể cái chết của Dương Quí Phi và nỗi trường hận của Đường Minh Hoàng. (ND).
[27] Theo Ayscough, Florence, trong cuốn Tu Fu, The Autobiography of a Chinese Poet.
[28] Có lẽ Durant muốn nói chức tham quân ở phủ Kinh Triệu (?). (ND).
[29] Đỗ kém Lí bảy tuổi. (ND).
[30] Không tra được nguyên văn. (ND).
[Theo bác Vvn, đó là bài Tân An lại 新安吏. Xem Phụ lục. (Goldfish)]
[31] Durant đã bỏ trên mười lăm câu. (ND).
[32] Durant đã bỏ sáu câu. (ND).
[33] Có sách chép là cổ nhân : người xưa. Nguyên văn tám câu cuối này trong Đại cương văn học sử Trung Quốc II. Bài này tôi bỏ tiếng Pháp mà theo nguyên văn. (ND).
[34] Bỏ hai câu không rõ Durant trích ở bài nào mà theo tôi không liên quan gì lắm với những đoạn trên. (ND).
[35] Cũng đọc là Hoán. (ND).
[36] Chúng ta đã có ít nhiều cuốn tuyển dịch thơ Đường, nhưng chưa có cuốn nào nghiên cứu riêng thơ Lí Bạch hoặc Đỗ Phủ. (ND).