Dịch giả:Phạm Xuân Thảo
Phần III (C)

     rường hợp một bé gái tám tuổi được mô tả trong chương sách là đã “rống như con bò mộng bằng một giọng thật trầm, vang rền như sấm”. (Regan thì rống như một con bò tơ).
.... Trường hợp Helene Smith, được nhà tâm lý học vĩ đại Flournoy chữa trị, ông ta mô tả cô gái này đã “nhanh như chớp” biến đổi giọng nói và nét mặt thành giọng nói và nét mặt của nhiều bản ngã khác nhau. (Cô bé này cũng đã làm thế với ta. Cái bản ngã đã nói bằng một giọng phát âm rặt Anh. Thay đổi nhanh chóng. Cấp kỳ).
... Trường hợp ở Nam Phi do nhà dân tộc học lừng danh Junod phúc trình tại chỗ, ông mô tả một người phụ nữ biến mất khỏi nhà mình đã được tìm thấy vào sáng hôm sau, “bị trói gô vào ngọn” một đại thụ cao lừng lững bằng những “dây leo mảnh dẻ” và sau đó “đã trườn, đầu đi trước, xuống gốc cây, vừa trườn vừa huýt siên siết, lưỡi thậm thụt loang loáng như rắn. Trong một thời gian, bà ta cứ treo lơ lửng giữa trời, kế đó nói một thứ tiếng lạ chưa từng ai nghe biết”. (Regan trườn như rắn lúc đuổi theo Sharon. Rồi nói năng huyên thuyên. Một nỗ lực nói “một thứ tiếng lạ”).
... Trường hợp Joseph và Thiebaut Burner, lên tám và mười tuổi, tác giả mô tả hai đứa bé “đang nằm ngửa, chợt quay tít mù như những con vụ với tốc độ cực nhanh”. (Nghe ra khá giống cơn quay cuồng như một thầy tu đạo Hồi của Regan).
Còn có những điểm tương tự khác nữa, lại càng thêm những lý do khác nữa để tình nghi hội chứng của cô bé là do ám thị: sự đề cập đến một sức mạnh dị thường, đến lối ăn nói thô tục, và những đoạn mô tả về quỷ ám trong các sách Phúc âm mà có lẽ là căn bản - Karras nghĩ - của nội dung những cơn gầm thét điên cuồng mang tính tôn giáo lạ kỳ của Regan tại Y viện Barringer. Hơn nữa trong chương sách đó, có đề cập đến sự bộc phát của chứng quỷ ám qua nhiều giai đoạn:... “Giai đoạn thứ nhất, sự xâm nhập tàn phá, bao gồm một cuộc công hãm xuyên qua môi trường chung quanh nạn nhân: các tiếng động, các mùi vị, việc dời đổi đồ đạc... Giai đoạn thứ hai, sự ám ảnh, bao gồm một cuộc tấn công trực tiếp vào nạn nhân nhằm mục đích gây kinh hoàng thường xuyên qua loại thương tích mà một con người có thể gây ra cho một người khác bằng các cú đấm đá”. (Các tiếng gõ. Các cơn vùng vẩy. Các cuộc tấn công do Đại úy Howdy).
Có lẽ... có lẽ cô bé đã đọc chương sách đó rồi. Nhưng Karras không tin. Không một chút nào... tuyệt không. Và Chris nữa. Nàng có vẻ quá sức hoài nghi điều đó.
Ông lại bước đến cửa sổ. Vậy thì lời giải đáp là cái gì đây? Quỷ ám thật chăng? Một con quỷ chăng? Ông nhìn xuống và lắc đầu. Tuyệt không. Tuyệt không. Tuyệt không. Những hiện tượng phi phàm. Chắc chắn vậy. Tại sao không? Có quá nhiều các nhà quan sát đầy năng lực đã phúc trình về điều đó. Các bác sĩ. Các nhà tâm thần học. Các nhân vật tầm ở như Junod. Nhưng vấn đề là ở chỗ làm sao ta giải thích được các hiện tượng đó? Tư tưởng ông trở về với Oestereich. Đến trường hợp một tu sĩ phái Shaman ở Altai, Tây bá lợi á. Một trường hợp quỷ ám do tình nguyện và được kiểm tra tại một y viện đang lúc đối tượng bị quỷ ám thi triển một động tác hiển nhiên là phi phàm: sự bay bổng người lên. Ngay trước đó, nhịp mạch của ông ta đã vọt lên đến 100, sau đó nhảy lên con số đáng kinh ngạc là 200 nhịp. Những thay đổi về thân nhiệt cũng hết sức rõ rệt. Cả trong việc hô hấp. Như vậy hành động phi phàm của ông ta có liên quan chặc chẽ với lĩnh vực sinh lý học. Hành động đó gây ra do một năng lực sức mạnh thân xác nào đó. Nhưng xét như chứng cớ của người bị quỷ ám, giáo hội đòi hỏi phải có những hiện tượng ngoại giới minh bạch có hàm chứa những chứng cớ ấy.
Ông quên mất lời văn. Ông liền tra cứu. Ông lướt ngón tay trên trang một quyển sách trên bàn. Đây rồi: “... những hiện tượng ngoại giới có thể xác minh được mà có hàm ý rằng chúng phát sinh do một can thiệp phi thường của một tác nhân thông tuệ không phải là con người...” Đó có phải là trường hợp của người tu sĩ Shaman không? Karras tự hỏi. Không. Và đây có phải là trường hợp của Regan không?
Ông quay sang một đoạn văn ông đã gạch sẵn bằng bút chì: “Thầy đuổi quỷ phải tuyệt đối thận trọng để không có một biểu thị nào của bệnh nhân bị bỏ quên mà không được giải thích...”
Ông gật đầu. Vậy thì, tốt. Ta sẽ xem. Vừa bách bộ, ông vừa ôn lại những biểu hiện trong tình trạng rối loạn của Regan kèm theo những lời giải thích khả dĩ cho những biểu hiện đó. Ông đánh dấu chúng trong trí, từng điểm một:
Sự thay đổi đáng kinh ngạc trên nét mặt Regan.
Một phần do con bé đau ốm. Một phần do không ăn uống gì. Phần lớn, ông kết luận, chính vì diện mạo là một sự biểu lộ cho trạng thái tâm thần. Như thế là nghĩa lý quái gì chứ? Ông gượng gạo nói thêm.
Sự thay đổi đáng kinh ngạc nơi giọng nói của Regan.
Ông còn phải nghe giọng nói nguyên thủy của cô bé đã. Thậm chí nếu giọng nói đó đúng là giọng thanh, nhẹ, như mẹ cô bé đã cho biết, thì những cơn kêu thét liên tục cũng phải làm cho những dây thanh đới dày khít lại, do đó giọng nói sẽ trầm đục đi. Vấn đề duy nhất ở đây, ông suy nghĩ, chính là âm lượng đồ sộ, chan chứa của giọng nói đó, vì chí đến các dây thanh đới có dày khít lại đi nữa, xét về mặt sinh lý học, cái âm lượng vĩ đại này là một điều vượt ngoài sức tưởng tượng. Lại nữa, ông cân nhắc, trong những trạng thái xao xuyến hay bệnh lý, những sự phô diễn sức mạnh phi phàm vượt quá tiềm năng của bắp thịt đã được biết đến như một chuyện thường tình. Có thể nào những dây thanh đới và hộp âm thanh lại không chịu cùng một ảnh hưởng huyền nhiệm như thế sao?
Vốn ngữ vựng và tầm kiến thức của Regan chợt phát triển rất lớn lao.
Chứng quên từ ngữ: có lẽ là những hồi ức bị chôn dấu về các từ ngữ và các dữ kiện mà đã có lần cô bé được nghe thấy, ngay cả trong thời còn ẵm ngửa. Ở những người mắc chứng mộng du và thường gặp nơi những kẻ sắp lâm chung, những dữ kiện bị chôn vùi thường nổi lên với một độ chính xác gần như được chụp ảnh.
Regan nhận ra ông là một linh mục.
Một sự phỏng đoán chính xác. Nếu quả cô bé đã đọc chương sách luận về quỷ ám, đương nhiên cô bé phải chờ đợi có một vị linh mục đến thăm. Theo Jung, khả năng nhận biết thuộc cõi vô thức và tính nhạy cảm của các bệnh nhân mắc chứng loạn thần ít-tê-ri lắm lúc có thể lớn gấp năm mươi lần người bình thường, điều đó đã lý giải cho hiện tượng “đọc được ý nghĩ” cứ như thật của những kẻ ngồi đồng qua trung gian các tiếng gõ trên bàn, vì cái mà cõi vô thức của người ngồi đồng thực sự “đọc” được chẳng qua chỉ là những chấn động và sự rung chuyển trên bàn gây ra do đôi bàn tay gõ nhịp của kẻ mà tư tưởng được coi như là đang bị đọc thấy. Những chấn động tạo thành một dạng mẫu của các chữ cái hoặc các con số. Như vây, có thể lắm. Regan đã “đọc” được lý lịch của ông chỉ từ dáng điệu, cử chỉ của ông, từ dáng vẻ đôi bàn tay ông, từ mùi rượu lễ.
Regan biết về cái chết của mẹ ông.
Một sự phỏng đoán có cơ sở nữa. Thì ông đã bốn mươi sáu tuổi rồi.
Còn cái câu: “Xin cha hãy giúp đỡ một thằng bé giúp lễ ngày xưa, cha ơi!”
Các sách giáo khoa sử dụng trong các chủng viện Công giáo đều thừa nhận sự thần giao cách cảm như một thực tế và một hiện tượng tự nhiên.
Sự thông minh trước tuổi của Regan.
Trong quá trình đích thân quan sát một trường hợp bản ngã đa trùng liên quan đến những hiện tượng được coi là huyền bí, nhà tâm thần học Jung đã kết luận rằng trong những tình trạng mộng du mang tính loạn thần ít-tê-ri, chẳng những các nhận thức giác quan thuộc cõi vô thức vượt cao hẳn lên, mà cả chức năng của trí tuệ cũng tăng vọt, vì các bản ngã mới trong trường hợp đang được nghiên cứu đó dường như thông minh hơn bản ngã nguyên thủy thấy rõ. Dù vậy, Karras vẫn lúng túng, phải chăng đơn giản chỉ cần tường trình hiện tượng đó là giải thích được nó?
Bất chợt, ông thôi bước, quanh quẩn bên cạnh bàn giấy vì chợt lóe lên trong tâm trí ông cái ý tưởng là trò chơi chữ về Vua Herod của Regan lại đâm ra phức tạp hơn là biểu hiện ban đầu của nó. Chẳng là thế này: khi bọn Pharisee kể cho Đấng Ki-tô nghe về lời hăm dọa của Herod, ông nhớ lại, Đấng Ki-tô đã trả lời với bọn họ rằng: “Hãy đi bảo với loài chồn cáo đó rằng ta đã từng đuổi quỷ...”
Ông nhìn cuộn băng ghi âm giọng nói của Regan một lúc rồi mệt mỏi ngồi xuống bàn. Ông châm một điếu thuốc... phà khói ra... lại nghĩ đến lũ bé trai nhà Burner; nghĩ đến trường hợp một bé gái tám tuổi đã biểu lộ các triệu chứng bị quỷ ám ở thời kỳ kịch phát. Cuốn sách nào cô bé này đã đọc mà lại có thể khiến cho tâm trí vô thức của cô bắt chước được giống hệt các triệu chứng đó một cách toàn bích như thế? Làm thế nào miền vô thức của các nạn nhân ở Trung Hoa lại có thể truyền thông được các triệu chứng đó đến cho các tâm trí vô thức của nhiều người bị quỷ ám khác nhau ở tận Tây bá lợi á, ở tận Đức, tận Phi Châu, trong một cách thế mà các triệu chứng đó lúc nào cũng giống hệt nhau?
... “À, mà tình cờ, có cả mẹ mi ở đây với chúng tao nữa đấy, Karras ạ...”
Ông nhìn đăm đăm mà không thấy gì lúc làn khói thuốc quyện lên như những đợt ký ức thầm thì cuộn tròn. Vị linh mục dựa ngửa, nhìn xuống chiếc ngăn kéo dưới cùng phía bên trái bàn giấy. Trong một lúc, ông cứ nhìn đăm không dứt. Rồi thong thả, ông nghiêng xuống, kéo ngăn hộc rút ra một quyển vở học ngôn ngữ đã bạc màu. Trường Giáo dục Tráng niên. Quyển vở của mẹ ông. Ông đặt quyển vở đó lên bàn, lần giở từng trang với sự chăm chút âu yếm. Những chữ cái trong bảng mẫu tự ABC, viết đi viết lại nhiều lần, kế đó là những bài tập đơn giản:
BÀI HỌC VI
ĐỊA CHỈ ĐẦY ĐỦ CỦA TÔI
Giữa các trang vở, bà cố gắng tập viết một lá thư:
Dimmy thân yêu,
Mẹ vẫn đang đợi.
Rồi lại một đoạn mở đầu khác. Dang dở. Ông nhìn đi chỗ khác. Ông trông thấy đôi mắt mẹ ông ở cửa sổ... đợi mong...
“Domine, non sum gignus...”
Đôi mắt đó đã biến thành đôi mắt của Regan, đôi mắt gào thét... đôi mắt đợi chờ.
“Xin chỉ nói một lời...”
Ông liếc nhìn cuốn băng ghi âm giọng nói của Regan.
Ông rời phòng, mang cuốn băng xuống phòng thính thị. Tìm thấy một máy quay băng. Ngồi xuống, ông máng đầu băng vào một chiếc lõi trống. Chụp ống nghe vào tay. Bật máy. Rồi ông nghiêng người ra trước, lắng nghe. Thật kỹ. Thật tập trung.
Trong một lúc, chỉ nghe thấy tiếng băng rít. Tiếng ken két của máy. Đột nhiên có tiếng khởi động nghe đánh “kịch” một cái. Những tiếng động. “A lô...” Rồi có tiếng trả băng lại nghe veo véo. Chris MacNeil, giọng khẽ khàng nói từ xa. “Đừng nói sát vào micro thế cưng. Cần xa ra”. “Thế này ạ?” “Không, xa nữa kia”. “Vầy được chưa?” “Ừ, tốt rồi”. “Bây giờ tiếp tục nói đi”. Tiếng cười khúc khích. Micro va chạm vào bàn. Rồi giọng nói trong trẻo, dịu dàng của Regan MacNeil.
“A lô, bố đó hả? Con đây nè. Hừmm...” Tiếng cười khúc khích, sau đó là một lời bỏ nhỏ thì thầm: “Con chẳng biết nói gì cả!” “Ồ, thì cứ nói cho bố biết là con ra sao, cưng ạ. Kể cho bố nghe mọi việc con đang làm”. Có tiếng cười lích rích nữa, rồi: “Hừmm, bố ơi... bố biết không... Con muốn nói là, con mong là bố nghe được con rõ, và, hừmm - Chà bây giờ để coi. À, trước hết là chúng con.. không phải, chờ chút - à trước hết là chúng con đang ở Washington, đó là nơi có Tổng thống ở, và ngôi nhà này bố biết không, bố? - Ngôi nhà này nó... không phải, chờ chút bố. Con phải bắt đầu nói lại từ đầu mới được. Coi nào, bố ơi, có...”
Karras chỉ nghe được đoạn còn lại rất đỗi mơ hồ, từ xa xăm, qua tiếng mạch máu giần giật trong tai ông - như tiếng đại dương - lúc nó dâng trào lên qua lồng ngực rồi khuôn lại thành một mối trực giác tràn bãi bờ: Cái vật mà tôi thấy trong phòng đó không phải là Regan!
Ông trở lại khu cư xá Dòng Tên. Tìm thấy một phòng nhỏ. Ông hành lễ Mi-sa trước lúc sinh hoạt nhộn nhịp bắt đầu. Lúc ông nâng Mình Thánh lên để hiến tế, miếng bánh run rẩy giữa các ngón tay ông với một niềm hy vọng mà ông không dám cậy trông, mà ông đã chiến đấu với từng sợi tơ mong manh nhất của ý chí ông. “Vì đây là Mình ta...” ông thì thầm, giọng run rẩy.
Không phải, bánh mì mà! Cái này chẳng có gì khác hơn là bánh mì!
Ông không dám yêu một lần nữa rồi lại đánh mất. Sự mất mát đó quá đỗi lớn lao, quá ư buốt nhói. Ông gục đầu, nuốt bánh thánh như một ảo vọng bị đánh mất. Trong khoảng khắc, miếng bánh dính trong cổ họng khô se của ông.
Sau lễ Mi-sa, ông bỏ không ăn sáng. Ghi chú bài giảng. Lên lớp ở trường Y khoa, đại học Georgetown. Giọng khàn đặc, ông nói lãng đãng, cho qua bài giảng được chuẩn bị khá tồi: “... và trong khi cân nhắc các triệu chứng của các cơn điên loạn tâm thái, các bạn sẽ...” Bố hả... con đây nè... con đây nè...
“Nhưng mà ‘con’ là ai?”..
Karras cho lớp học nghỉ sớm và trở về phòng riêng. Đến phòng, ông liền khom xuống bàn giấy, hai lòng bàn tay ép sát trên bàn, chăm chú xem xét lại lập trường của giáo hội đối với những dấu hiệu phi phàm của chứng quỷ ám. Phải chăng ta quá cố chấp? Ông tự hỏi. Ông xem xét kỹ lưỡng các nét chính trong cuốn “Satan”:... “Thần giao cách cảm... hiện tượng tự nhiên... sự di chuyển các đồ vật từ xa này được nghi là... từ thân xác có thể phát ra chất dịch... ông cha ta... khoa học... ngày nay cần phải thận trọng hơn. Tuy nhiên, dù cho chúng có phi phàm...” Ông giảm chậm nhịp đọc... “tất cả các cuộc đối thoại với bệnh nhân cần phải phân tích kỷ lưỡng, vì nếu chúng đưa ra cùng một hệ thống liên tưởng và cùng một hệ thống các thói quen ngữ pháp giống như cách biểu hiện trong trạng thái bình thường của bệnh nhân thì lúc đó, việc quỷ ám cần phải được xem là đáng nghi vấn”.
Karras hít thở thật sâu, thật kiệt cùng. Rồi thở ra. Đầu ông rũ xuống. Tuyệt nhiên không. Không có gì rõ ràng tách bạch cả. Ông nhìn bức tranh khắc kẽm ở trang đối diện. Một con quỷ. Tia mắt ông lãng đãng lướt đến dòng chú thích tranh: Pazuzu. Karras nhắm mắt lại. Có cái gì đó không ổn rồi. Cha Tranquille... Ông hình dung ra cái chết của vị linh mục đuổi quỷ này... những nổi thống khổ trong giờ lâm chung... tiếng rống hét... tiếng rít như rắn... nôn mửa... những lúc bị ném mạnh trên giường xuống đất bởi lũ “quỷ” khi chúng nỗi giận vì ông sắp chết và chúng không còn hành hạ ông được nữa. Rồi linh mục Lucas! Lucas. Quỳ bên cạnh giường. Cầu nguyện. Nhưng lúc Tranquille chết rồi. Lucas lập tức mang lấy bản ngã của những con quỷ đã ám Tranquille, bắt đầu đã ác liệt vào cái thi thể còn nóng hổi kia, vào cái thân xác tả tơi, trầy trụa, nồng nặc mùi cứt đái, nôn mửa nọ, trong khi sáu người đàn ông lực lưỡng cố sức giữ ông lại, ông vẫn không ngừng đấu đá mãi cho đến khi tử thi kia được mang ra khỏi phòng. Karras thấy điều đó. Thấy rất rõ ràng.
Có thể như thế sao? Có lý nào lại có thể được sao? Ông không thể rứt bỏ chuyện ấy đi được. Không thể bỏ mặc nó đó mà chưa trắc nghiệm. Ông cần phải biết. Biết bằng cách nào? Ông mở mắt ra. “... những cuộc đối thoại với bệnh nhân cần phải thận trọng”. Đúng, đúng rồi, tại sao không? Nếu việc khám phá ra những mẫu nói của Regan và của “quỷ” là giống hệt nhau sẽ bác bỏ dứt khoát là không hề có quỷ ám gì hết, ngay dù có các hiện tượng phi phàm đi nữa; thì hiển nhiên chắc chắn là sự khác biệt hùng hồn giữa các mẫu nói của hai đối tượng ấy phải có nghĩa là đã có thể có tình trạng quỷ ám thực sự.
Ông đi tới đi lui. Còn gì khác? Còn gì khác nữa không? Một cái gì đó nhanh lên nào. Cô bé - Chờ chút đã. Ông dừng bước, đăm đăm nhìn xuống, hai tay chấp sau lưng. Cái chương sách đó... cái chương đó trong cuốn sách luận về thuật phù thủy đó. Nó có đề cập đến...? Có, nó có đề cập đến thật: lũ quỷ bao giờ cũng phản ứng lại dữ dội khi phải đương đầu với Bánh Thánh đã được hiến tế... với các thánh tích... với nước thánh! À! Đúng rồi! Ta sẽ đi lên đó lấy nước máy vẩy lên người con bé! Nhưng ta sẽ bảo đó là nước Thánh. Cứ thế! Nếu con bé phản ứng lại như cách lũ quỷ phải phản ứng, lúc đó ta sẽ biết được rằng nó chẳng bị quỷ ám gì cả... rằng những triệu chứng ấy chỉ gây ra do ám thị đấy thôi... rằng con bé đã có những triệu chứng đó chỉ vì cuốn sách! Nhưng nếu con bé không phản ứng, điều đó có nghĩa là...
Quỷ ám thực sự?
Như người phát sốt, ông lục lọi tìm kiếm một lọ nước thánh.

*

Willie tiếp ông vào nhà. Nơi lối vào, ông liếc lên phòng Regan. Những tiếng la hét. Văng tục. Nhưng vẫn chưa phải là cái giọng thô nhám, trầm thấp của con quỷ. Mà là cái giọng bẳn gắt. Thanh hơn. Một giọng Anh nặng... Đúng rồi! Chính đó là nét biểu hiện đã thoáng lộ trong lần ông gặp Regan vừa rồi.
Karras nhìn xuống Willie đang đứng đợi. Chị ta kinh ngạc ngó sững vào chiếc cổ áo La Mã. Vào những lễ phục linh mục. “Thưa, bà MacNeil ở đâu ạ?” Karras hỏi chị ta.
Willie chỉ lên lầu.
“Cám ơn chị”.
Ông đi về phía cầu thang. Leo lên. Gặp Chris trong hành lang. Nàng đang ngồi trên một cái ghế cạnh phòng ngủ Regan, đầu cuối gục, hai tay khoanh trước ngực. Lúc vị linh mục đến gần, nàng nghe thấy tiếng áo dòng của ông khua loạt soạt. Nàng ngước lên và đứng nhanh dậy. “Chào cha”.
Khoảng dưới đôi mắt nàng có những vết thâm quầng. Karras cau mày. “Bà có ngủ không?”
“Chà, chút đỉnh thôi”.
Ông lắc đầu ra dáng quở trách.
“Vâng, tôi không sao ngủ được”, nàng thở dài nhìn ông, hất đầu về phía cửa phòng Regan. “Nó quậy suốt đêm”.
“Có nôn mửa gì không?”
“Không”. Nàng nắm lấy tay áo ông như muốn dẫn ông đi. “Nào, ta xuống nhà dưới mới có thể...”
“Không, tôi muốn thăm cô bé ngay”, ông khẽ ngắt lời. Ông cưỡng lại sức giật khăng khăng trìu níu của nàng.
“Ngay bây giờ à?”
Có gì trục trặc rồi, Karras nghĩ. Trông nàng căng thẳng quá. Sợ sệt nữa. “Tại sao không là bây giờ?” Ông tra vấn.
Nàng len lén nhìn về cửa phòng Regan. Từ trong phòng rít lên cái giọng điên loạn, khàn khàn: “Đồ Quốc xã khốn kiếp! Đồ Quốc xã mặt l...!”
Chris nhìn chỗ khác, rồi miễn cưỡng gật đầu. “Nào ta đi thôi”.
“Bà có máy ghi âm không?”
Đôi mắt nàng dò xét ông thật nhanh. Những cái chớp mắt thoáng mau.
“Bà vui lòng cho mang máy lên với một lõi băng trống được chứ?”
Nàng chau mày ngờ vực. “Để làm gì cơ?” Rồi đâm hoảng. “Có phải cha định ghi âm..”
“Đúng thế, rất quan..”
“Thưa cha, tôi không thể để cha..”
“Tôi cần phải so sánh các mẫu nói”, ông dứt khoát cắt ngang. “Xin bà vui lòng cho! Bà cần phải tin cậy ở tôi mới được”.
Họ quay lại cánh cửa kịp lúc một tràng ngôn ngữ tục tĩu khôn tả rõ ràng đã đẩy bật Karl ra khỏi phòng Regan. Gương mặt anh ta xám lại và đằng đằng sát khí, anh ta đang bưng mớ tã lót và khăn giường lấm lem lấm luốt.
“Vẫn buộc giây cẩn thận đấy chứ Karl?” Chris hỏi người gia nhân lúc anh ta đóng cửa phòng ngủ phía sau lưng.
Karl liếc nhanh Karras, rồi nhìn Chris. “Dây vẫn buộc”, anh ta nói ngắn gọn, xuôi nhanh hành lang đến chỗ cầu thang.
Chris nhìn anh ta. Nàng quay lại Karras.
“Được rồi”, nàng nói yếu ớt. “Được rồi. Tôi sẽ bảo mang máy lên”. Rồi bất chợt, nàng bước xuống hành lang.
Trong một lúc, Karras cứ nhìn nàng. Bối rối. Có gì trục trặc đây? Rồi ông để ý thấy sự yên lặng bất ngờ trong phòng ngủ. Trong phút chốc. Thế rồi rộ lên tiếng cười của quỷ dữ ăng ẳng như chó sủa. Ông tiến tới trước. Rờ tìm lọ nước trong túi. Ông mở cửa rồi bước vào phòng.
Mùi xú uế còn nồng nặc dữ dội hơn tối hôm trước. Ông đóng cửa lại. Nhìn trừng trừng. Cái nỗi hãi hùng đó. Cái vật ở trên giường đó.
Lúc ông trờ đến gần, nó nhìn ông bằng đôi mắt nhạo báng. Đầy ranh mãnh. Đầy oán ghét. Đầy quyền năng.
“Chào Karras”.
Vị linh mục nghe thấy tiếng tiêu chảy bài tiết rèn rẹt vào chiếc quần bằng nhựa dẻo. Từ chân giường, ông cất giọng trầm tĩnh. “Chào quỷ, ngươi mạnh giỏi chứ?”
“Lúc này, tao rất sung sướng được gặp mi. Hân hạnh”. Cái lưỡi thè ra ngoài miệng, còn đôi mắt thì đánh giá Karras với vẻ xấc xược. “Tao thấy rõ là mi đang mở cờ trong bụng. Hay lắm”. Nó quát tháo một chặp nữa. “Mi không phiền là phòng hôi thối đấy chứ, hả Karras?”
“Không hề phiền”.
“Mi nói dối!”
“Điều đó khiến ngươi khó chịu chăng?”
“Tí tỉnh”.
“Nhưng quỷ vốn thích bọn nói dối mà?”
“Chỉ những đứa nói dối giỏi thôi, Karras thân mến ạ, chỉ những đứa nói láo có sách thôi”, nó cười khúc khích. “Với lại, ai bảo rằng tao là quỷ nào?”
“Há không phải ngươi đã nói thế sao?”
“Ồ, có lẽ ta đã nói thế thật. Có thể. Ta không được khỏe. Mi tin tao chứ?”
“Dĩ nhiên”.
“Tao xin lỗi”.
“Có phải ngươi định nói rằng ngươi không phải là quỷ chăng?”
“Chỉ là một ác quỷ khốn khổ đang phải phấn đấu bon chen. Một con quỷ, một sự khác biệt rất tế nhị, nhưng là một con quỷ chưa hoàn toàn hư mất vào tay Cha Chúng Tao Ở Địa Ngục. À này, mi sẽ không nhắc đến sự lỡ lời mới rồi của tao với ông ta đấy chứ, hở Karras? Ê, khi nào thì mi gặp ông ấy?”
“Gặp y à? Y có ở đây không?” Vị linh mục hỏi.
“Trong con heo này ấy à? Không bao giờ. Bạn ơi, đây chỉ là một gia đình bé mọn, khốn khó gồm toàn những cô hồn vất vưởng mà thôi. Mi không trách việc chúng tao cư trú ở đây chứ phải không? Mà xét cho cùng, bọn tao cũng chẳng có chỗ nào mà đi. Không nhà không cửa”.
“Và ngươi dự tính lưu lại đây bao lâu?”
Đầu nó giật bắn lên khỏi gối, nhăn nhúm lại giận dữ, vừa rống lên. “Cho đến khi nào con heo này chết!” Sau đó, cũng đột ngột như thế, Regan trở lại với cái cười toe toét đầy dãi nhớt trên đôi môi dầy. “À này, Karras, ngày hôm nay mà làm lễ đuổi quỷ thì tuyệt thật đấy”.
Cuốn sách! Hẳn con bé phải đọc cuốn sách đó rồi!
Đôi mắt châm biếm ấy cứ nhìn chòng chọc, xuyên thấu. “Bắt đầu hành lễ ngay đi chứ. Thật sớm đi nào”.
Mâu thuẫn. Có cái gì trật chìa, lạc điệu ở đây rồi. “Ngươi muốn thế sao?”
“Muốn quá đi chứ”.
“Nhưng há điều đó không trục xuất người ra khỏi Regan sao?”
Con quỷ ngả ngớn đầu ra sau, cười khằng khặc như điên, rồi ngừng ngang. “Điều đó sẽ đem chúng ta lại với nhau”.
“Ngươi và Regan ấy à?”
“Mi và chúng tao ấy chứ, người bạn quý hóa ạ”, con quỷ giọng ồm ồm. “Mi và chúng tao”. Và tận sâu trong cuống họng đó là tiếng cười nghẹt ngòi.
Karras nhìn sững. Ông cảm thấy có những bàn tay sờ sau gáy ông. Lạnh như nước đá. Chạm khẽ. Rồi thôi. Chắc là tại ta sợ, ông kết luận. Sợ.
Sợ gì chứ?
“Phải, mi sẽ hội nhập cùng gia đình bé nhỏ của chúng tao, Karras ạ. Mi thấy đó, điều rắc rối với các dấu hiệu ở trên trời là ở chỗ một khi người ta thấy chúng rồi, người ta không còn có thể biện minh gì được nữa. Ngươi có nhận thấy là thời kỳ gần đây, người ta ít nghe nói về phép lạ là dường nào không? Đó không phải là lỗi của chúng tao, Karras ạ. Đừng trách chúng tao. Chúng tao có cố gắng mà!”
Karras quay ngoắt đầu ra sau trước một tiếng động đánh “rầm” vang dội đột ngột. Một ngăn kéo ở chiếc tủ com-mốt bật tung, tuôn hết ra ngoài. Ông cảm thấy một nỗi rùng mình dâng nhanh lúc nhìn chiếc ngăn kéo bất chợt đóng “sầm” trở lại. Chính nó rồi! Thế rồi cũng bất chợt như vậy, nỗi xúc động đó trôi đi như một mảng vỏ mục bong khỏi thân cây: Thần kích rồi. Karras nghe thấy tiếng cười khúc khích. Ông nhìn trở lại Regan.
“Chuyện trò với mi thật là thú vị, Karras ạ”, con quỷ nói, nhăn nhở cười. “Tao cảm thấy thảnh thơi, thoải mái. Cứ hệt như một dâm phụ. Tao sải đôi cánh vĩ đại của tao ra. Thật vậy, cho dù tao nói với mi điều này thì chỉ tổ trút thêm sự nguyền rủa lên đầu mi đấy thôi, ông bác sĩ, người thầy thuốc thân mến và nhục nhã của tao ạ”.
“Ngươi vừa làm điều đó phải không? Ngươi vừa mới khiển chiếc ngăn kéo tủ di chuyển đó phải không?”