Chỉ một tiếng chuông vang, một câu nói ngắn ngủi mà không hiểu sao lại đủ tác dụng làm Tịnh bồn chồn lo lắng. Hết đứng lại ngồi, cuối cùng chịu không được Tịnh rời phòng khách đi về phía cuối dãy. Ngôi biệt thự 2 tầng thật đồ sộ rộng lớn nằm chênh vênh đủ tạo khoảng cách biệt dù chung quanh toàn là những căn nhà ngói khang trang bao bọc. Từ lâu lắm Tịnh không vào phòng học riêng của mình. Gọi là phòng đọc sách hay thư viện thì đúng hơn vì chung quanh tường đóng toàn kệ gỗ cao gần đụng trần và tất cả các loại sách được chọn lọc từ năm tiểu học cho đến hết đại học đều giữ đủ. Đó là không kể những bộ sách quý hoặc những truyện dịch nổi tiếng của các văn hào trên thế giới. Sách được xếp chạy vòng 4 chung quanh che kín khoảng tường trắng làm vừa bước vào khách đã dội ngược vì cảm tưởng mình sẽ biến thành con mọt sách. Tịnh đóng cửa phòng đến bên chiếc ghế nhỏ kê gần cửa sổ được ghép bằng kính trong, lấy ánh sáng từ ngoài vào nên dù không bật đèn trông vẫn sáng sủa dễ chịu. Qua chiếc khăn phủ vừa được kéo ra, một lớp bụi mỏng theo đó rơi xuống chân ghế. Chiếc "rocking chair" bọc nhung xám - sinh nhật thứ 14 của Tịnh cho đến nay vẫn còn được lưu giữ - kỷ niệm với bao tháng ngày ấu thơ miệt mài bên sách vở nối tiếp cho đến lúc trưởng thành. Nhà con một mà không hiểu sao khi quyết định vào chủng viện lại được cha mẹ chàng nhiệt liệt khuyến khích. Có lẽ sự ước ao dâu con và cháu nội không đủ mãnh liệt bằng có con được chọn làm môn đệ của Chúa. Tịnh thở dài buông người xuống ghế. Ai trồng cây chẳng nghĩ đến lúc có trái? Ai gieo mạ mà chẳng đợi cho chóng mùa gặt? Còn Tịnh? có phải một năm nghỉ phép ví như mùa màng bị châu chấu đến phá. Biết sẽ thiệt hại nhưng vẫn tìm cách chống đỡ để cứu vãn phần còn lại. Càng chống trả càng ra công giữ gìn thì giá trị của sự gặt hái càng tăng. Lòng hy vọng của bố mẹ Tịnh cũng thế cho nên dù thuốc lá chỉ là một trở ngại nho nhỏ mà đã làm ông bà lo lắng buồn phiền thì tình cảm hiện tại của Tịnh sẽ đục đẽo và làm ông bà thất vọng đến đâu... Chiếc ghế theo đôi chân Tịnh đẩy làm trồi lên thụt xuống dùng dình như phi ngựa. Tiếng cọt kẹt vang lên từ những thanh gỗ giao nhau vẫn không giảm bớt những ý nghĩ đang đè nặng trong đầu óc. Có phải Tịnh đã mỏi sức chống trả và những mẫu đối thoại ngọt ngào với Nhung đã nói lên tình cảm, lột trần tâm trạng của chàng? Như một khối cao su với tính chất đàn hồi bị bó chặt trong những sợi cói bọc kín. Dây cói không đứt nhưng một khe hở tự mở rộng vừa đủ để khối cao su theo vùng trống thoát chảy. Đã nhiều lần Tịnh cố dành thời giờ để nhìn lại con người mình và đã thấy quá nhiều thay đổi trong tư tưởng cũng như thân xác. Những xúc động rung lên trong từ thớ thịt theo lời nói ngọt ngào... Tịnh rùng mình. Cái ái tình bị dồn nén kềm chế dễ đưa con người đi đến sự liều lĩnh vì đôi lúc Tịnh đã muốn bỏ cuộc giữa chừng để biến một năm nghỉ phép trở thành dài vô hạn định. Kẻ có máu mê cờ bạc sao bỏ được tật, người ghiền thuốc cũng khó lòng cai thì kẻ vướng vào ái tình dễ gì gỡ nổi? Cái lưới tình cảm được đan kết bằng giọt nước mắt của Nhung thì có khác nào những sợi cước khổng lồ ở miền Bắc Cực quanh năm không có ánh nắng, độ lạnh làm cước cứng như đá và dai dẻo như loại kẹo Astro, một thứ kẹo chỉ có thể ngậm dần cho tan chứ không khi nào cắn đứt được. Ái tình có phép vạn năng khiến con người quên hết hiện tại, quên cả những hiểm nguy đang chờ đón và quên luôn rằng luân lý lễ giáo không cho phép Tịnh làm như thế. Khi con tim vùng dậy, khi con quái vật thức tỉnh thì lý trí lu mờ. Tịnh chỉ còn nhớ duy nhất một điều là giữa mình và Nhung vẫn còn bị giới hạn ở một khoảng cách, và giới hạn đó chính là cuộc sống gia đình và những đứa con của Nhung. Tình cảm bị ngăn chận, con tim đau đớn rên xiết nhưng chàng vẫn cố chống chỏi. Những lời mật ngọt của Nhung như một giòng nước mát giữa trời nóng cháy. Tịnh thả hồn đi theo tình yêu nhưng luôn mang trong lòng những khắc khoải lo âu. Chàng cảm tưởng như chính mình là nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ cho gia đình Nhung. Nếu không có Tịnh chắc gì tâm tình Nhung đã thay đổi để không có sự tha thứ cho chồng. Nếu không có Tịnh con chim dại khờ kia đâu bỏ tổ ấm để mơ tưởng tới một phương trời xa lạ. Cho nên dù muốn dù không Tịnh tự nghĩ mình phải có trách nhiệm hàn gắn những rạn nứt đó. Thật khó khăn vì ngay đến cả Nhung cũng nào biết đến sự xót xa chấp nhận của chàng. Có ai để người mình yêu chia xẻ nụ cười với người khác? Có ai đem người mình yêu làm mai mối hoặc gán ghép cho bạn bè và có ai rộng lượng đứng ngoài lề làm chỗ dựa dẫm, ngả lưng tạm bợ cho người mình yêu thương mỗi khi bị chồng làm cho đau khổ uất ức? Vậy mà Tịnh đã làm được những chuyện đó cũng như đã chống trả kịch liệt với những đam mê quyến rũ của tình yêu. Bên ngoài chàng là tảng đá lạnh băng nhưng bên trong có khác nào con sên yếu ớt phải ẩn sâu sau lớp vỏ cứng để che dấu sự mềm yếu của mình. Mỗi lần gặp Nhung, mỗi lần nghe điện thoại của nàng là mỗi lần Tịnh nguyền rủa chính mình vì đã để tình cảm lấn át lý trí, đã nuôi dưỡng hy vọng của Nhung mỗi ngày một lớn, mỗi ngày một lan rộng trong khi Tịnh không bỏ được áo dòng thì sao Nhung bỏ được chồng con? Và làm gì có tình yêu thánh thiện trong sạch giữa một người đàn ông và một người đàn bà khi mỗi ngày kề cận tâm sự? Nhiều lần Tịnh tự hỏi rồi mối tình này sẽ đi về đâu? Chắc chắn không thể kéo dài mãi như thế này vì danh dự hai người sẽ gẫy vụn khi bám víu vào một hạnh phúc giả tưởng. Sống là phải thực tế là phải chấp nhận những gì sẽ xảy tới. Tịnh hình dung... rồi rùng mình. Khối đe dọa phủ chụp sẽ không từ Tùng, từ xóm giềng họ hàng mà chính từ lòng chàng. Con người ta đói quá còn phải bới đất tìm sâu tìm cỏ mà ăn; người đầy tình cảm thương yêu được kề cận với người yêu, với quyến rũ mời mọc mỗi ngày sao tránh thoát? Xưa kia Evà bị rắn mời gọi ăn trái cấm mới lần thứ nhì đã phạm tội thì với Tịnh làm sao chống đỡ được Nhung, một con người rực lửa đam mê luôn sẵn sàng chờ đợi. Tịnh gục mặt trong lòng bàn tay, đôi mắt cay xót như người thiếu ngủ mấy ngày liền. Giờ khắc chậm chạp trôi. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo trên tường vẫn không ngừng. Đồng hồ gõ hai tiếng. Âm thanh nhọn và sắc ghim vào tim đau nhói. Nỗi ám ảnh lo âu kèm theo giọng nói đanh thép của Tùng lại vang vọng: - Cũng chẳng có chuyện gì đâu nhưng nên nhớ không có thầy là mọi chuyện không xong. - Chuyện gì thế anh Tùng? - Cứ đến rồi sẽ biết. Nhớ là đúng 4 giờ chiều. Đừng sớm hơn và cũng đừng trễ hơn. - Lại chuyện hai anh chị cãi nhau chứ gì? - Không thầy ạ! - - Tùng hơi gằn mạnh - - chuyện của 3 chúng ta. Và không để Tịnh kịp hỏi gì thêm, Tùng vội vàng cúp. Tịnh rùng mình... Tiếng chuông như một thức tỉnh. Bằng đủ mọi cách phải cắt đứt mối tình nguy hiểm này. Phải có một dứt khoát rõ ràng, phải mang ra ánh sáng dù ánh sáng có thể hủy hoại con người. Nhung ơi, tạm coi như tôi đã phụ em. Tạm coi như tôi lại giết em thêm một lần nữa nhưng chẳng thà như vậy vì nếu được cứu sống em sẽ là người sung sướng hạnh phúc. Cuộc đời em phải được sống trong nhung lụa êm ấm, đừng nên lấy dĩ vãng làm bàn đạp cho cuộc sống. Dĩ vãng chỉ là một bóng mờ vì làm người ai chẳng trải qua lầm lỗi, hãy tha thứ cho Tùng cũng như tôi đã tha thứ cho chính tôi. Mình không thể sống được cho nhau vì mỗi người mang một trách nhiệm, một bổn phận. Ngày hôm nay tìm đến em chính là tìm đến cõi chết. Tội nhân chỉ có hai đứa phải đối chất với sự thật. Nhìn nhận được sự thật là đã nhìn nhận ra chính con người của mình. Mà sự thật là gì hả Nhung? Có phải em đã là kẻ có chồng và tôi một thầy dòng vẫn còn tiếc rẻ mùi trần thế? Phải xử tử, phải chấp nhận định mệnh trong án xử. Hãy banh tim gan để đốt cháy kỷ niệm và dĩ vãng. Trong tương lai mình sẽ chẳng còn có nhau vì Nhung biết không tuy yêu em vô vàn nhưng tình tôi dành cho Chúa vẫn cao hơn. Tịnh sốt ruột lo âu; lòng dạ như đang ngồi trên lửa. Chuyện gì sẽ xảy ra cho em? Tại sao tôi lại có ý tưởng thoát chạy khi gặp chướng ngại vật? Hiểu cho tôi không Nhung? Nếu đứng về phe em có khác nào tự tôi chấp nhận cuộc đời sẽ có em? Mà làm mất niềm hy vọng trong lúc em đang cần có tôi, trong lúc em đang đau đớn khổ sở thì đâu khác nào một tên sở khanh tìm đường đào tẩu? Tha thứ cho tôi không Nhung? Tôi giữ gìn cho em cũng vì biết trước sẽ có ngày naỵ Người đàn bà đau khổ khi tình phụ không phải vì bị mất tương lai hay không chỗ nương tựa mà vì vết nhơ trên thân thể. Khi yêu người ta tin tưởng nhau tuyệt đối nên dễ dàng thù hận khi xa nhau. Có thể em sẽ thù ghét khi nghĩ tôi ngu ngốc trốn chạy và không thấu hiểu tình em cho nhưng một ngày nào đó nằm bên chồng, bên ân tình xưa được nối lại em sẽ thấy sự trốn chạy của tôi không phải là không giá trị. Và một ngày nào đó khi con em khôn lớn, khi em lên chức nội, ngoại thì em sẽ hiểu chính cuộc sống gia đình chính sự thương yêu gắn bó vợ chồng là nền tảng xây dựng tương lai cho lũ con. Hiểu tôi không Nhung? Phải tìm cách để em thù, chán ghét, khinh bỉ tôi thì mới mong em quay lại với chồng con. Khi thiên đàng trong mộng tan vỡ có ai không muốn chấp nhận thực tại? Một con chim gẫy cánh đâu ngu dại bay đi tìm một tổ ấm khác? Nhung, Nhung ơi... hãy tha thứ cho tôi... tha thứ cho một kẻ dại khờ ngu ngốc trước tình yêu của em... Tịnh vùng dậy với quyết định rõ ràng trong đầu óc. Dù có tàn nhẫn thì vẫn phải hy sinh. Chẳng ai được sống mãi trong sung sướng, cũng chẳng ai phải chịu mãi trong đau khổ. Hãy coi cuộc chia ly này như một giải thoát. Đừng tự trói mình trong chiếc kén suốt đời mãi nhả tơ cũng đừng để tự lương tâm mình xét xử lấy mình... Tịnh hấp tấp lấy xe rời khỏi nhà dù chưa đến 3 giờ. Từ đây xuống nhà Nhung chỉ mất 20 phút. Tuy tâm trí Tịnh đã vững nhưng chàng vẫn hoang mang lo sợ. Chuyện gì đã xảy ra trong căn nhà bé nhỏ đã từ lâu mất hẳn tình vợ chồng? Những vết bầm tím trên mặt, trên cổ, trên cánh tay trần không thể dấu có lần Tịnh bất chợt đến thăm. Những tiếng thở dài không kịp kềm hãm hoặc đôi khi nhìn nhau nghe Nhung cười như tiếng khóc làm Tịnh ngờ ngợ. Có một cái gì đau khổ nhịn nhục nằm sau bức màn không thể kéo. Có một cái gì che đậy dấu diếm mà nàng không thể nói ra; nhưng dù sao thì Tịnh cũng không thể chối bỏ rằng chính chàng là nguồn hạnh phúc và sự sống còn của Nhung...