Lại nói tới dòng họ. Từ năm còn nhỏ tới năm 45 tuổi hắn không hề biết gốc gác bên nội của mình, con vợ lẽ, đứa con không mong đợi chả có trách nhiệm gì tới hương khói một dòng họ mà phải cho hắn biết. Năm 1945, trong một lần hầu chuyện với một vị quan thầy ở tỉnh Nam, ông quan lớn đã về hưu hỏi ông quan vừa bị mất việc do thời thế: "Quan lớn được mấy người con?" - "Bẩm cụ lớn, vợ chồng con được bảy cháu, hai trai năm gái". Hắn đứng sau tấm bình phong bất giác nghe lỏm được cũng bàng hoàng, thì ra bố hắn đã loại anh em hắn ra khỏi đám con chính thức của ông rồi. Không ngờ sau năm 1975 hắn lại được gặp bố và mẹ già ngay tại Sài Gòn vừa được giải phóng, mới có dịp nhận anh chị, nhận họ hàng ở trong Nam và cả ở ngoài Bắc. Bây giờ hắn cũng là người sang, nhận hắn làm thành viên của gia tộc chả mất mặt một chút nào, nên chính ông bố và bà mẹ già vốn ghét hắn lại thay nhau đứa hắn đi nhận họ với lời giới thiệu rất tế nhị: "Ðây là anh con lớn của bà ngoài Hà Nội". Bà ngoài Hà Nội chứ không phải là bà Hai, bà Ba gì cả. Nói thế là mọi người đều hiểu, vì đã từng nghe nói ông bố hắn còn một bà nữa, đã có hai con đang sống ở Hà Nội. Vả lại trong mấy người con trai của ông, hắn có gương mặt và dáng dấp giống ông nhất, càng già càng giống như nhận xét của nhiều người. Nhưng ông không nói gì thêm với hắn về gốc gác, quê gốc ở đâu, ông nội là ai, ông cố là ai, tuyệt đối không nói. Vì sao thế, cho đến bây giờ hắn cũng không thể hiểu. Có một lần ông có nói với hắn: "Tôi vẫn giữ bằng khoán ngôi nhà thờ họ ở phố Hàng Nâu, Nam Ðịnh. Tôi sẽ đưa anh cầm để anh xin lại với nhà nước xem sao". Chỉ nói có một lần đó rồi ông quên đi, hắn cũng không nhắc lại. Nên về gốc gác hắn phải hỏi chị Ðại, gọi bố hắn là cậu ruột, hơn hắn 16 tuổi, là cháu gái đầu của ông nội hắn (ông nội có bốn vợ và bốn nàng hầu, bố đẻ hắn là con bà Ba. Cũng là con bà lấy thêm, đứa con thêm mà sao lại ghét bỏ con thêm thế). Rồi hắn gặp ông trưởng họ, là cháu đích tôn của ông nội, sống nghèo nhưng bụng dạ tốt, cho hắn xem tộc phả được lập từ đời cụ Nguyễn Lữ, là Hộ bộ thượng thư Trưởng sự Quỳnh sơn hầu, thời Lê Tương Dực. Cụ Lữ là con út của cụ Nguyễn Văn Lỗ, cụ Lỗ là con thứ năm của cụ Nguyễn Công Chuẩn. Cụ tổ của chi hắn là Châu quận công Nguyễn Như Hiếu là con thứ ba của cụ Chuẩn. Cụ Lữ là cháu ruột cụ Hiếu, là tổ chi Nguyễn Gia ở Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh, con cháu có một thi hào là Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung oán ngâm khúc. Viễn tổ của hắn là Thái tể Ðịnh quốc công Nguyễn Bặc, cùng quê với Ðinh Bộ Lĩnh ở làng Ðại Hữu, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thành thử hỏi quê hắn ở đâu, hắn có thể nói ở Ninh Bình, ở Thanh Hoá hay Nam Ðịnh, cả dải đất vùng Sơn Nam Hạ ấy đều có mối quan hệ máu thịt với hắn cả. Hơn nữa trong suốt tám năm kháng chiến chống Pháp hắn cũng không xa rời ba tỉnh đó. Quân khu 3 thì đóng ở huyện Nho Quan thuộc đất Ninh Bình, thời hắn là lính thì ở Thọ Xuân, Yên Ðịnh của tỉnh Thanh Hoá và lần đầu hắn được gặp các tài danh văn chương của cả nước Nguyễn Tuân, Xuân Diệu là ở Ðông Môn, huyện Vĩnh Lộc của Thanh Hoá. Thời Nam Ðịnh bị Pháp chiếm đóng hắn cũng hay đi về từ huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, sau này hắn vào hẳn nghề văn là từ tiểu thuyết Xung đột, nhân vật, sự kiện trong tiểu thuyết là ở vùng hạ Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Ðịnh. Cũng như ở Hà Nội, mẹ hắn sinh hắn ở nhà hộ sinh bà đốc Tiến ở phố Hàng Cót, nhà bố mẹ ở phố Quan Thánh, lớn lên một chút thì ở phố Hàng Bún, đi về qua vườn hoa Hàng Ðậu khoảng mười năm. Rồi tạp chí Văn nghệ quân đội nơi làm việc của hắn suốt ba chục năm lại kề sát vườn hoa Hàng đậu. Nhà riêng của hắn ở bãi Phúc Xá cách vườn hoa Hàng Ðậu khoảng một cây số. Tức là có tới hai phần ba đời người hắn cứ như dính chặt vào mấy cái phố bao quanh vườn hoa Hàng Ðậu. Tuổi hắn cầm tinh con ngựa, nhưng chắc là ngựa què nên chỉ bước quanh quẩn một rẻo đất quen thuộc, về già lại càng ít đi hơn, cho đến bây giờ hắn vẫn chưa được đặt chân đến thánh địa Thái Nguyên và vùng du lịch nổi tiếng Ðà Lạt. Nghĩ rằng nó gần, lại giao thông thuận tiện, đi lúc nào chả được, rút cuộc đã ngoài bảy chục tuổi vẫn chưa tới. Chả biết có còn đủ thời gian để tự hứa với mình về một chuyến đi sẽ có không? Nhưng viết thì hắn lại chăm lắm, có ý tưởng hay, cách kết cấu lạ và đẹp là hắn viết liền, vừa viết vừa nghĩ tiếp, hắn chưa bao giờ để lại một cái gì và tự hứa rồi sẽ viết. Lại nói tiếp về cái dòng dõi của gia tộc hắn. Tiên tổ của hắn rất ham mê tham chính, và để trả giá cho cái nghề nguy hiểm ấy họ đã phải chết rất nhiều. Cụ viễn tổ Nguyễn Bặc là tể tướng đầu tiên của nước ta. Sự nghiệp của nhà Ðinh cũng là sự nghiệp của cụ, nghĩ rằng sẽ trường tồn cùng nước Ðại Cồ Việt. Nào ngờ hai cha con vua Ðinh bị hành thích, cái án Ðỗ Thích còn treo đấy, theo hắn là chưa thể kết luận được. Lê Hoàn tuổi trẻ tài cao, trong con mắt ông ta chỉ có Ðinh Liễn mới là đối thủ đáng gờm, vì Liễn cũng còn rất trẻ, có tài cầm quân khiển tướng và cũng là một tay có lắm thủ đoạn. Liễn chết cùng với cha, con đường tới ngai vàng hầu như bỏ trống. Lại thêm có sự tính toán của bà Dương Vân Nga. Hắn chả tin mấy về lòng yêu nước của bà, hắn chỉ tin vào sự tính toán rất trần tục của chính mình. Với bà làm tôi Lê Hoàn tất nhiên là an toàn hơn làm tôi Ðinh Liễn. Liễn đã từng giết thái tử nay phải giết thêm một thằng em khác mẹ là Ðinh Toàn có gì phải phân vân. Và giết cả Lê Hoàn cũng vẫn được với cái tội thông dâm với vợ của cha mình. Nên ông Thập đạo Tướng quân phải ra tay trước. Cụ tổ của hắn dấy quân chống lại ông tướng muốn cướp ngôi. Nhưng ông tướng trẻ vừa có quân quyền, lại có cả thái hậu đứng phía sau nên ông tể tướng già đành phải rút về Gia Miêu rồi tổ chức một trận quyết chiến trên sông Lèn. Lê Hoàn dùng hoả công đánh bại, Ðinh Ðiền chết tại trận, Nguyễn Bặc bị bắt đóng cũi, giải về Hoa Lư, chém đầu ở cửa đông Thành. Ba đời sau cụ Nguyễn Dương, làm quan dưới ba triều vua nhà Lý chống lại quyền thần Ðỗ Anh Vũ cùng với các tướng. Các tướng vây thành, cụ xách giáo đâm Ðỗ Anh Vũ cho khỏi hậu hoạ thì bị Ðàm Dĩ Mông ôm chặt lấy cụ. Ðỗ Anh Vũ là phụ chính đại thần của Lý Anh Tông, lại là người tình của thái hậu, vây cánh trong triều rất đông chết thế nào được. Cụ nhiếc mắng các tướng vì tham của đút đã làm lỡ việc lớn rồi nhảy xuống giếng tự vẫn. Nhưng cụ đã để lại cho đời một người con là nhà thơ Nôm đầu tiên của nước ta, cụ Nguyễn Thuyên tức Hàn Thuyên. Năm 1923, dân làng Lai Hạ (Gia Lương, Bắc Ninh) trùng tu nhà thờ cụ Hàn Thuyên có làm đôi câu đối ca tụng sự nghiệp của cụ: Hàn luật xướng tân thanh, Lý hậu, Lê tiền, văn phái biệt khai Hoa Việt giới.Ngạc ngư tiêu ác lãng, Lô Giang Triều Hải sùng từ đối tự Bắc Nam thiên. [1] Năm 1388, vua Trần Ðế Hiển mưu bắt Hồ Quý Ly bị bại lộ, bị thượng hoàng Nghệ Tông bắt giam, lại một ông quan võ họ Nguyễn là cụ Nguyễn Công Sách, thái uý quản quân thiết sang cùng anh em là Nguyễn Minh Du quản quân thiết hổ đem quân bản bộ định phá ngục cứu Trần Phế Ðế nhưng việc không thành, bị Hồ Quý Ly giết cả hai anh em cùng với nhiều người trong họ. Sau vụ tàn sát này nhiều người họ Nguyễn phải đổi sang họ Hoàng, rồi họ Quách, họ Ðỗ để ẩn thân. Sang thời cận đại cụ nội hắn là Nguyễn Tu, tổng đốc Ninh Thái, trong họ gọi là cụ thượng Tu, năm 1885, khi Pháp đánh Bắc Kỳ cụ chạy về quê nhưng lại nằm bên nhà vợ ở Hoằng Nghĩa, em vợ là tri huyện Bình Lục thua bạc chạy về xin tiền chị, chị lại nghiệt không cho sinh thù vu của anh rể chống phong trào Văn Thân, tổ chức vây bắt đem ra bờ sông Mã cắt cổ. Từ đó con cháu làm thịt gà chỉ được bóp cổ chứ không được cắt tiết. Ngày giỗ của cụ, ông nội hắn làm lễ tế bố cũng đúng 5 giờ sáng là giờ bố bị hành quyết, tế xong ông đóng cửa ngồi một mình, chỉ ăn cháo với muối trong ngày. Từ ngày nhỏ hắn chỉ biết có mối dây liên hệ duy nhất với dòng họ là không được gọi cái lược mà phải gọi chệch là cái chải, người nghe không hiểu thì nói thêm, cái chải đầu. Vì ông nội hắn tên huý là Nguyễn Hoằng Lược. Nhưng phải tới tuổi 60 lần đầu được về quê gốc của họ Nguyễn Bồng Trung ở huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá hắn mới nhận ra hắn đã là người của Hà Nội chứ không còn thuộc về một vùng quê nào cả. Vì hắn có tính hay tự giễu, ngay cả khi bạn bè vạch vòi cái xấu của hắn trước đông người hắn chỉ hơi cứng mặt một tí, hơi ngượng một tí rồi lại cười nói hùa theo ngay, chứ không giận, cũng chả thanh minh gì cả. Theo hắn, đó là một đức tính đáng yêu của người ở kinh đô. Năm hắn về Thanh, trong mấy ngày làm việc ở tỉnh chưa về Bòng, hắn hay đến chơi nhà một hoạ sĩ rất đa tài, viết cả tuồng, giỏi Hán Nôm, lại ham mê lịch sử, trước hết là lịch sử Thanh Hoá. Nghe ông ta nói về lịch sử của Việt Nam thì quá nửa nhân tài của nước nam đều có gốc là người Thanh Hoá. Bà Triệu Thị Trinh khởi binh đánh Lục Dận nhà Ðông Ngô là người của quận Cửu Chân, tức Thanh Hoá. Ông Dương Diên Nghệ ra xây thành Ðại La từ thế kỷ thứ 9, là tướng của Khúc Hạo, sau làm Tiết độ sứ được sáu năm là người của ái Châu, tức Thanh Hoá. Ngô Quyền quê gốc ở Sơn Tây nhưng từ nhỏ tới lớn đều ở Thanh Hoá, là con rể Dương Diên Nghệ rồi lại được bố vợ cho giữ đất Ái Châu cho đến nay vẫn còn một dòng con cháu ở tỉnh Thanh. Lê Hoàn sống với mẹ ở làng Xuân Lập, huyện Thọ Xuân cũng vẫn là người Thanh Hoá. Ðinh Bộ Lĩnh quê ở Gia Viễn, thời đó hai huyện Gia Viễn và Gia Khánh được gọi là Thanh Hoá ngoại. Lê Lợi thì đúng là dân Thanh Hoá rồi. Nguyễn Kim thuộc dòng Nguyễn Bắc, quê ở Gia Miêu, huyện Hà Trung, là đất tắm gội của triều Nguyễn, Trịnh Kiểm quê ở Biện Thượng, huyện Vĩnh Lộc. Lê Văn Hưu, ông tổ sử ở cùng một làng với ông tổ nghề đúc đồng thuộc huyện Ðông Sơn... Hắn nghe rất chăm chú rồi hỏi móc: "Vậy còn thời bây giờ?" Ông hoạ sĩ cũng cười: "Xưa thì cung kiếm nay thì bị gậy, đều lấy thiên hạ làm nhà cả". Rồi ông bạn hoạ sĩ lại kể về quê nội của ông ở làng Phú Khê, thuộc huyện Hoằng Hoá, đất tổ của nghề tuồng. Một làng họ Lê, xưa kia có đến bảy cái đồng triện, bảy ông lý trưởng, vì làng quá lớn. Cả làng hát tuồng, có nhà mấy đời làm nghề tuồng, có gia đình năm anh em trai lập một gánh tuồng đi hát khắp mọi nơi. Và phong độ những con người ở Phú Khê cũng rất tuồng, hào hùng như các nhân vật tuồng. Thời cải cách ruộng đất có một ông bị quy là địa chủ, sẽ bị đưa ra đấu toàn xã, sau đó sẽ lập toà án xử bắn luôn. Ông này chỉ có vài mẫu ruộng, ăn ở với dân làng rất phải chăng. Khi ông bị giam đợi ngày đưa ra xử bất thần một đêm ông trốn được về nhà. Ông tắm rửa sạch sẽ, mặc một bộ quần áo dài trắng, đi giày Chi Long, dao giắt trong người rồi ngồi im lặng một mình, không ngủ, cũng không trò chuyện với ai, đợi trời sáng hẳn mới lững thững đến trụ sở của uỷ ban xin gặp cán bộ của đội cải cách. Không ai được biết ông đã xổng ngục từ đêm thấy ông xuất hiện đột ngột với bộ quần áo trắng mới, giày mới, vẻ mặt bình thản đều rất ngạc nhiên. Chưa kịp tra hỏi gì ông đã nói trước, từ tốn, đàng hoàng: - Các anh làm sai rồi, có biết không? Tôi là người kháng chiến, các con đều đi kháng chiến, cho rằng tôi có là gian thần nhưng công kia bù với tội nọ cũng được miễn tội chết kia mà. Tôi không sợ chết nhưng tôi không thích các anh nhân danh cách mạng nã súng vào người tôi. Hãy để tôi tự xử. Nói đoạn ông giật banh vạt áo, rút dao đâm vào bụng mình, lại rạch xuống một đường dài cho ruột xổ ra mới chịu nằm vật xuống. Rồi một ông trung nông bị quy lầm là địa chủ, khi sửa sai ông được hạ thành phần, xã trả lại nhà nhưng ruộng thì về tay chủ khác. Ông pha một ấm trà ngon mời bạn bè đến chia vui rồi làm một đôi câu đối dán cửa, ý tứ thâm trầm: Hữu phúc khán tương lai, đống lương y cựuVô tâm đàm dĩ vãng, điền địa canh tân.(Hãy nhìn về tương lai vì rường cột còn nguyên. Nghĩ lại chuyện vừa rồi ruộng đất quả thật đã có đổi mới). Không giận cũng chả buồn chỉ cười khà một tiếng. Một anh vốn là nhân viên của công ty cấp nước, sống độc thân ở thị xã, nghe tin vợ ở nhà ngoại tình anh liền xin về ở hẳn nhà. Vợ thì sợ nhưng anh chồng vẫn dửng dưng như không hề biết chuyện gì. Có điều đêm đêm anh ngủ riêng, lấy cớ trong người đang có bệnh. Sau khi dã thu thập mọi chứng cớ anh bảo vợ: "Cô là vợ tôi nhưng cô ăn ở không chung thuỷ thì tôi đành chịu vậy. Tôi sẽ không làm gì cả nhưng nội trong ngày cô phải ra khỏi cái nhà này". Cô vợ không dám cãi, vào lạy mẹ chồng rồi lạy chồng, xách khăn gói về nhà mẹ đẻ. Anh chồng cõng mẹ sang nhà hàng xóm vì bà cụ bị liệt rồi châm lửa đốt nhà. Cái nhà đó đã bị con vợ thất tiết làm cho ô uế chỉ có lấy lửa mới rửa sạch. Công an tới lập biên bản, anh nói: "Tôi đốt nhà tôi chứ có đốt nhà hàng xóm đâu mà phải làm biên bản". Ngày hôm sau anh cõng mẹ lên xe đò đi lập nghiệp ở Tây Nguyên. Một ông già trong làng cũng là người hay làm thơ làm vè, có hai con trai là liệt sĩ, vợ chồng đều đã ngoài bảy mươi tuổi, bạn bè cũng đã chết gần hết, làm bốn câu thơ vịnh cái cảnh cô đơn của mình. Buồn lắm chứ mà vẫn đùa được: Thân bằng cố hữu còn ai Còn con vợ đó còn chai rượu này Mơ màng nửa tỉnh nửa say Rượu dăm ba chén thơ vài bốn câu.Ngay ngày đầu tiên về tỉnh Thanh, hắn đã được nghe một bài thơ nhại bài thơ: Nam quốc sơn hà Nam đế cư... của Lý Thường Kiệt, tất nhiên của người Thanh Hoá làm để giễu chơi cái địa phương tính của xứ Thanh: Thanh Hoá sơn hà nam dốc xây Tiệt nhiên định phận tại nơi đây Như hà báo chí lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan sẽ có ngàyVà có một dị bản: Tại sao báo chí lại xâm phạm Chúng bay sẽ bị thất bại ngay.Cái tính cách hào hùng, phóng khoáng và thích tự đùa của người Thanh Hoá đã làm hắn vui lắm, tự hào lắm. Nói thế, chứ hắn vẫn có gốc rễ là người Thanh Hoá. Nhưng còn chuyện các danh nhân làng hắn thì sao? Thôi thì cứ viết ra đây để bạn đọc cùng xét. Làng của hắn cũng có một hảo hán từ thời Tự Ðức là ông Mai Bá Nghiễm, trương tuần, thấy dân tình cơ cực quá bèn mộ quân chống lại triều đình. Triều đình có ngu cũng còn cả trăm vị đại quan làm tham mưu, còn một anh trương tuần lấy đâu ra người có tài kinh bang tế thế để phò trợ nên mới bàn nhau cử người ra Sơn Tây theo ông Lê Duy cự, dòng dõi nhà Lê, tôn ông làm minh chủ, ông Cao Bá Quát làm quốc sư dựng cờ phù Lê diệt Nguyễn. Ðã là một chuyện vớ vẩn. Lại bàn nhau quân ông Nghiễm từ Thanh Hoá đánh ra, quân ông Cự từ Sơn Tây kéo xuống cùng chiếm lấy thành Hà Nội. Lại càng vớ vẩn hơn. Ông Nghiễm đưa quân về Vĩnh Lộc, đóng ở Eo Lon thuộc làng Báo. Quân chưa lập xong trại, các tướng đã về thăm làng, mổ bò giết lợn, đãi đằng bà con tộc họ, nói thánh nói tướng như đã là các bậc khai quốc công thần. Rồi ùn ùn kéo nhau lên huyện giết viên tri huyện làm lễ tế cờ khởi nghĩa. Nhưng chỉ đánh nhau với quân của triều đình có vài trận thì đám quân ô hợp của ông Nghiễm tan vỡ cả, tướng chạy đằng tướng, quân chạy đằng quân, rồi kéo nhau lên tuốt mãi Cẩm Thuỷ, Quan Hoá để trốn sự truy nã. Sau đó triều đình cử tổng đốc Hà Duy Phiên, người Hoằng Nghĩa, làm khâm sai đại thần về tận huyện xét xử. Làng Bồng Trung sẽ phải chia làm đôi, một nửa nhập vào Bồng Thương, tức Biện Thượng, một nửa nhập vào Bồng Hạ tức xã Vĩnh Minh bây giờ, xoá tên làng. Ở làng có cụ Nguyễn Bá Thân, là cụ tổ năm đời của hắn, án sát Khánh Hoà, đang ở nhà cư tang mẹ, nguyên là bạn học cũ của ông Phiên, liền viết một lá thư trần tình, lời lẽ thống thiết, gửi lên quan khâm sai. Các bô lão và chức dịch trong làng mặc áo thụng xanh, quì ở dốc đò Ba Bông, miệng ngậm cỏ, tay dâng thư lên quan đại thần khi kiệu quan vừa từ dưới thuyền lên. Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ là thế. Làng Bồng Trung chỉ bị thượng quan răn đe chứ không bị xoá sổ, thật là phúc đức mười đời. Cả làng vui như ngày hội chứ không ai thấy là nhục. Một đám giặc cỏ làm sao dám chống lại với quân của triều đình, họ nói với nhau thế. Trong làng còn một ông quan to nữa, là cụ Nguyễn Huy Tế, làm phó Ðô ngự sử ở Huế. Cụ Tế được vua Tự Ðức rất yêu, sai ra Thanh Hoá để thanh tra vụ động mồ mả của dòng họ nhà Nguyễn ở đất Gia Miêu thuộc huyện Hà Trung. Mồ mả ông tiên chỉ làng bị động dân làng còn khốn khổ huống hồ mồ mả của nhà vua bản triều. Cụ Tế từ Huế ra về thẳng làng thăm gia tộc. Cụ về ngày trước thì ngày sau các quan đầu tỉnh tổng đốc, án sát, bố chánh cũng về theo luôn và quỳ một dãy ở sân nhà cụ ngự sử để chịu tội. Ông quan được vua yêu lại nhận trọng trách của hoàng tộc giao phó lấy làm mãn nguyện lắm, nằm dài trên bộ ngựa kê giữa nhà, buông mành không thèm tiếp. Cụ bắt họ quỳ đúng nửa buổi mới sai gia nhân vén mành gọi họ vào tra hỏi. Rồi cụ Tế tha nhưng khi nằm cáng về tỉnh mỗi ông quan phải đặt một cái cùm lên bụng để tỏ hình phạt đã không chăm sóc đất tắm gội của nhà vua chu đáo. Ông giáo là trưởng họ của chi hắn, là một trí thức xã hội chủ nghĩa, khi kể lại chính tích của một ông quan thời phong kiến mặt cứ đỏ lên vì hãnh diện. Hãnh diện vì được là người trong họ, người cùng làng với một ông quan to được vua yêu, đã từng bắt các quan đầu tỉnh phải quỳ gối trên nền đất của làng Bòng. Nhưng mặt hắn vẫn bất động, vì hắn là người của văn chương, lại có tật hay giễu, nên nghĩ thầm: "Xem ra cái mộng làm quan, được là họ hàng nhà quan, là đầy tớ hoặc người làng của quan đã thành một thuộc tính của người mình mất rồi". Ðó là chuyện về hai ông nông dân cũng khá nổi tiếng của làng hắn, một hảo hán nông dân dám làm giặc nhưng chỉ là giặc cỏ thôi chứ chưa đủ tài trí để thổi lên thành một cuộc khởi nghĩa. Và một ông nông dân được số phận nuông chiều vừa làm quan vừa làm gia nô cho nhà vua, õng ẹo, phách lối một cách khó chịu. Còn một ông nông dân nữa, là con rể ông tổ năm đời của hắn, một lãnh tụ nông dân chống Pháp tiếng tăm vang dội của tỉnh Thanh là ông Tống Duy Tân. Chiến tích của ông nghè Tống ra sao đã được viết nhiều trong sách sử chống Pháp thời cận đại. Ông sống rất anh hùng, chết cũng anh hùng nhưng vẫn không thoát khỏi cái tính cách một ông nông dân ở làng, chưa phải là một thủ lĩnh có tầm nhìn xa rộng làm đổi thay thời thế. Thời nghè Tống và giáo Thọ cùng học một thầy là cụ đốc Lê bên Báo thì giáo Thọ học giỏi hơn, văn chương tài hoa, sâu sắc hơn được thầy yêu bạn nể nên ông nghè có ý ghét. Khi cả hai ra Nam Ðịnh theo học hoàng giáp Phạm Văn Nghị một bữa trở về quê cùng lại thăm thầy cũ bên Báo. Trời mưa đường lầy, hai ông học trò xéo đất vào nhà thầy, thầy lấy dép đưa cho giáo Thọ rửa chân rồi bảo con đưa cho nghè Tống đôi guốc mộc. Lúc ngồi uống trà thì trò Thọ được ngồi ngang với thầy, còn trò Tống thì phải ngồi dưới. Ghen cũ cộng với ghét mới sinh thù. Khi ông nghè vâng chiếu Cần Vương đánh Pháp thì việc đầu tiên là cho hương binh bắt giáo Thọ trói ở sân đình Bòng vu cho ông ta chống Cần Vương, đợi giờ chém. Ông chú ruột của ông nghè biết tin liền chạy ra bảo cởi trói cho giáo Thọ rồi về mắng cháu: "Giặc chưa đánh được trận nào cho dân vui đã tính chuyện trả thù nhau. Còn ai muốn theo các anh nữa". Trong làng còn một ông tướng võ là cụ Ðề Ðiếm, thuở hàn vi làm nghề chống đò đồng, tên huý là Ðóm, nằm ngoài sổ đinh để khỏi đóng thuế. Khi lấy lính cụ đi thế cho con một nhà giàu trong làng, vào Huế gặp kỳ thi võ, cụ xin ứng thí trúng phó bảng, đi đánh trận mười năm được thăng đến đề đốc, lãnh chức tổng binh giữ thành Nam Định. Cụ là người có sức khoẻ chứ không có học vấn, khi một ông quan hầu nhóm dòng chữ lạc khoản của một bức đại tự không rõ, cụ liền giơ hai bàn tay cho người kia đứng lên mà nhìn. Vì cụ Ðiếm vô học nên ông nghè có ý khinh, gặp dịp ra chơi với bạn đồng môn là tổng đốc Nam Ðịnh, tuy có mời cụ Ðiếm sang dự tiệc nhưng hai ông quan văn toàn quay mặt vào nhau nói chuyện văn thơ, bỏ mặc ông quan võ ngồi uống rượu một mình. Làm thủ lĩnh mà không có chính sách chiêu hiền, toàn dùng con cháu vừa dốt nát vừa hách dịch nên người thiên hạ mới có thơ: Khoa mục chi mày hỡi Tống Tân Rõ phường nát nước với hư dân Cứ tưởng dài đuôi là kín đít Toan đem khố rách để trùm chân.Các ông bà nông dân, dẫu là hào kiệt, nếu chỉ với vốn liếng sẵn có, nhiều lắm cũng chỉ làm loạn được ở một địa phương trong vòng vài năm, dăm bảy năm. Nếu làm một cuộc khởi nghĩa thay đổi vương triều hay chống xâm lược thì phải có minh chủ, có quân sư giỏi và tướng tài, để có cách nhìn, cách nghĩ vượt ra khỏi cái hạn hẹp của người làm ruộng. Nhưng chỉ như thế thôi họ cũng không thay đổi được thời thế. Vì người tiểu nông hay nói cho rõ hơn chế độ phong kiến đã không còn đủ tư cách thay đổi thời thế. Trường hợp của vua Gia Long là một ví dụ. Nhà vua là người lãnh đạo tài ba nhất của triều Nguyễn, nhưng sau khi đã thống nhất được giang sơn, ông cũng không biết phải làm gì để vượt khỏi những thiết chế về chính trị, kinh tế và xã hội đã quá cũ kỹ của các vương triều trước. Lẽ ra ông ấy phải nhanh chóng thay đổi lại tất cả theo mô hình những quốc gia tiên tiến để bước vào thế kỷ 19, phải có một quân đội, một đường lối ngoại giao và trên tất cả là một cách quản lý xã hội của thế kỷ mới thì mới tồn tại và phát triển được, mới giải quyết nổi những vấn đề sẽ nảy sinh trong đối nội cũng như trong đối ngoại mà con cháu ông sẽ phải đối đầu. Quá nửa thế kỷ 19 cả triều đình nhà Nguyễn cứ lúi húi vào những chuyện không đâu vì họ chỉ có một quốc sách hết sức hủ lậu, đóng chặt cửa để người trong nhà dạy nhau. Nhưng trên thế giới đã xuất hiện chủ nghĩa đế quốc và các cường quốc công nghiệp đang tranh chấp nhau các vùng đất còn vắng chủ để sinh tồn thì chả có quốc gia nào đóng cửa được. Nhà Thanh cũng chủ trương đóng cửa để dạy nhau thì họ nã đại bác vào cho các cánh cửa phải mở tung rồi ùa vào cả lũ vồ xé con mồi vừa say thuốc phiện, vừa quá mỏi mệt vì những cuộc chém giết lẫn nhau trong nước, thành hàng trăm mảnh nhỏ cho dễ nuốt. Mình mà thoát được ư? Chả phải chỉ tại vua quan nhà Nguyễn quá hèn yếu mà bị mất nước, cho dẫu là anh hùng, hào kiệt lãnh đạo quốc gia ngày ấy cũng phải thua vì chúng ta đã là người của thế kỷ 16, 17, có khi còn xa xưa hơn nữa, bỗng chốc phải đối mặt với một đội quân xâm lược của thế kỷ 19, là người cổ xưa đánh nhau với những tên ăn cướp hiện đại, là sự tù đọng váng mốc chống lại với dòng chảy của sự phát triển, dẫu cả triệu người dám banh ngực xả thân thì vẫn cứ là thua. Theo sự đọc của bạn hắn là nhà văn Nguyên Ngọc thì cụ Phan Chu Trinh đã từng nói: "Ta với Pháp còn cách nhau cả một thời đại", đó là cái khó của mọi cái khó. Vậy tại sao Việt Nam lại thắng Pháp, sau này lại thắng cả Mỹ với những hành trang cũ kỹ đến vậy? Hắn cũng tự hỏi nhiều năm cái câu hỏi ấy, về già mới vỡ lẽ vì ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước những nhà cách mạng Việt Nam đã phải chuẩn bị một chính đảng, một quân đội, một nền ngoại giao, một hình thức quản lý xã hội của thế kỷ 20, là những người yêu nước của hôm nay chống lại bọn xâm lược của hôm nay. Là cái chính nghĩa, cái mưu kế, cái anh hùng của một nước nhỏ thời hiện đại chống lại sức mạnh và những âm mưu gian trá, xảo quyệt của những nước lớn thời hiện đại. Còn về cái cơ sở vật chất của hai cuộc chiến tranh yêu nước thì đã có Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác hiệp lực chi viện rất khẳng khái rồi. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, viện trợ các nước thành hàng đổi hàng hoặc tính bằng tiền thì chúng ta rơi ngay vào những cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội. Nói cho rành rọt hơn là cái cơ sở kinh tế của một xã hội tiểu nông không thể nuôi sống những thiết chế chính trị, xã hội được tổ chức theo mô hình một xã hội công nghiệp hiện đại. Cái cơ thể lớn mạnh ấy đòi hỏi một loại dưỡng chất khác. Ðó là một nền kinh tế nhiều thành phần mà người tổng quản lý là cơ chế thị trường, nhân dân không còn là một hình tượng mơ hồ, có tính tượng trưng mà đã trở thành người tiêu dùng, là khách hàng, là thượng đế, quyết định sự thành bại của mọi nền kinh tế. Làng Bòng của hắn là làng của nhiều danh nhân và anh hùng. Ông Mai Bá Nghiễm là một anh hùng, ông Ðề Ðiếm là một anh hùng. Ông giữ thành Nam Ðịnh đánh nhau với quân Pháp suốt mấy ngày, rồi quan chạy đằng quan, quân chạy đằng quân nhưng ông vẫn chống cự cho tới lúc bị trúng đạn xổ ruột mới quấn bụng nhảy lên ngựa chạy về ý Yên và chết ở dọc đường. Dân làng Hào Kiệt tháo cánh cửa chùa đóng hòm chôn ông dưới chân ruộng rồi cấy lúa lên trên. Ba năm sau bà vợ từ Thanh ra, xin hài cốt chồng gói vào tấm vải bố đặt lên lưng con ngựa chiến đã già vẫn quanh quẩn bên mộ chủ suốt ba năm. Rồi một bà lão và một con ngựa già đi bước một trở về Bòng. Một cảnh tượng hào hùng làm nôn nao nhiều thế hệ, đẹp như một bản tráng ca. Lúc ông nghè Tống bị Pháp bắt, đưa ra cầu Hạc chém đầu, ông còn tung vòng khăn nhiễu bịt tóc cho đao phủ, lấy vành tre vạch xuống đất hai câu thơ: Nhi kim thuỷ liễu tiền sinh trái Tự cổ lưu truyền bất tử danh. [2] Một cái chết cũng thật anh hùng. Những anh hùng hào kiệt sinh vào một xã hội đã lạc thời, đã thành cổ hủ thì cũng chỉ dâng hiến cho tổ quốc được đến thế. Họ không thể làm hơn được, chí họ thì lớn nhưng tài họ rất có hạn vì đầu óc chân tay bị trói buộc bởi những học thuyết lẩm cẩm từ đời cha đời ông nên không nghĩ xa được, không nghĩ rộng được, lại bị nhiễm từ nhiều đời những thói xấu cố hữu của người nông dân, nên trở thành những anh hùng bất đắc chí, chỉ nên ngưỡng mộ họ từ xa, chứ nhìn quá gần cũng dễ nản lòng lắm, tội nghiệp lắm. Hắn ở lại Bòng cả tuần, nghe đủ mọi chuyện của làng, chuyện anh hùng của thời xưa và nhiều chuyện rất kinh dị của thời nay, lắm lúc buồn quá lại ra bờ sông Mã ngồi ngắm những con thuyền chở hàng lớn chạy buồm từ Hàm Rồng ngược Cẩm Thuỷ cho kịp phiên chợ, chạy ngược dòng vừa chèo vừa chống. Cách đây mới có vài chục năm khi thuyền chạy buồm xuôi theo dòng nước vẫn có ba đoạn phải kéo nếu không có gió, chứ không được chèo sợ chạm long mạch. Ðã có câu ca "Tràng Lang, Xóm Lổ, Báo Bòng - Qua ba khúc ấy mặc lòng ngược xuôi". Báo Lòng là đất của vua chúa. Làng Bòng là đất của con cháu Nguyễn Bặc, thuỷ tổ của triều Nguyễn. Làng Báo là đất đã sinh ra Trịnh Kiểm, ông tổ của dòng chúa Trịnh thời Lê Trung Hưng. Ngồi nghe những câu hò: Ê... ê... ê... ngân dài của đám "hốp đò" chống những cây sào tre dài bảy, tám mét đầu bịt khâu sắt để khỏi trượt khi cắm vào ghềnh đá bước ngược thuyền lại càng buồn như tiếng rên sầu thảm của những anh hùng không thoả chí từ dưới đáy sông vang vọng ngược lên. [2]Tạm dịch: Món nợ tiền sinh nay mới trả Cái danh bất tử trước còn truyền