Đoàn khất thực đành bó tay. Dân quê mỗi ngày một kéo lên thị xã hàng đàn lũ lượt như kiến chạy mưa. Người ta chết đói nhiều quá khiến sự cứu tế trở thành vô nghĩa. Ngay ở thị xã, lắm nhà đã phải ăn một bữa hay ăn cơm độn ngô, khoai. Mùa lúa mới mãi tháng năm mới được gặt. Mà đồng ruộng nhiều vùng Nhật đã bắt phá lúa non, trồng đay, trồng gai. Dân quê chết như rạ trên các lối đi về thị xã. Khu Kỳ Bá có gia đình chết đói hết. Khu cầu Kiến Xương cũng đông người thị xã chết đói. Dưới An Tập, dân nghèo bắt đầu chết. Không còn gỗ đóng ván nữa, phải bó xác chết đói mà chôn. Rồi chiếu hết, xác chết chất hàng chục cái lên xe bò, chở tới cái huyệt lớn chôn chung. Thoạt đầu, ty vệ sinh rắc vôi bột trước khi lấp đất. Sau, vôi bội hết luôn. Một cái huyệt chôn chung hàng trăm xác chết đói. Người chôn xác chuyên nghiệp của thị xã làm việc quần quật. Tỉnh thuê thêm người. Chôn xác được ít ngày, những người làm nghề chôn xác lăn ra chết vì tử khí nhập vào chơ thể họ. Thị xã nồng nặc mùi thối dưới những cơn nắng tháng ba. Người vừa gục chết, ba bốn hôm sau mới chở tới nghĩa địa. Thị xã sợ dịch tả, dịch hạch, tự động xúm nhau đi chôn xác chết. Người ta lấy khăn bịt mũi, dùng dây thừng buộc chân xác chết, lôi xềnh xệch trên đường phố. Nhiều người chết giấm chết giúi, mãi khi xác thối rữa ra mới được phát giác. Thị xã ngập chìm trong lo âu. Ngay cả người dư dả miếng ăn cũng sợ sẽ bị chết đói. Nỗi sợ khiến dân thị xã quên thương xót đồng bào ruột thịt.Nhật vẫn không mảy may xúc động. Ngựa của Nhật thả cửa ăn thóc. Dân Việt Nam chết đói ngổn ngang. Nhưng Nhật không quên đi lùng bắt những người chống Nhật. Bên kia cầu Bo, nhiều cảnh chết thật quặn lòng. Những trẻ thơ nhay vú mẹ, nhay mãi mãi mà không biết mẹ đã chết. Những cái vú sữa lép kẹp. Trẻ thơ vừa nhay vừa khóc rồi gục đầu trên vú mẹ mà chết. Xác chết chồng lên nhau. Chết không giăng giối. Chết không biết là chết. Mới mở mắt thều thào, quờ quạng, vài phút sau đã chết. Ngồi mà chết. Ngồi bó gối, đầu đội nón lụp sụp, tưởng còn sống đem cơm cho ăn. Đến nơi mới biết đã chết tự lúc nào. Cố đứng dậy bước, đói quá, chết ngã úp mặt. Một trận chết đói khủng khiếp nhất nhân loại đã diễn ra ở Thái Bình.Dười gầm cầu Bo, vì mùa nước cạn, dân quê tập trung một số dưới đó để trốn rét để trốn đói và chờ chết. Không ai ngăn cản nổi. Thị xã biến thành một thành phố dã man kiếp nào. Đói quá đỗi, dân quê đâm ra liều lĩnh để tranh sống. Cảnh vồ bánh trái diễn ra hàng ngày ở chợ búa. Người vợ bán hàng, chồng con cầm đòn gánh giơ sẵn, đề phòng bị vồ. Dân đói bấp chấp, cứ lao vào vồ. Chiếc bánh cầm trong tay, đưa lên miệng nhai ngấu nghiến. Những chiếc đòn gánh phang túi bụi. Không biết đau. Cứ nhai và nuốt. Ăn xong cái bánh thì chết đòn. Chẳng ai kết tội sát nhân. Cơn đói giết người và người giết thả cửa. Nhà nước không bắt bỏ tù ai đánh những người cướp giật đến chết.Chợ búa vắng hoe vì tai nạn vồ cướp. Mua cái bánh đa nướng, giấu trong áo mang về, vẫn bị dân đói chạy xô tới, đập vào ngực vỡ nát cái bánh để xúm nhau nhặt từng mảnh vụn mà ăn. Bọn thằng Côn không dám đến khu Kỳ Bá nữa. Mấy lần, đem gạo, cơm, bánh cho mẹ con thằng Vọng, đều bị cướp giật. Khu Kỳ Bá chẳng còn gì để ăn chờ mùa lúa mới. Bao nhiêu cây chuối và củ chuối bị chặt và đào hết. Chó mèo không thấy tăm hơi đâu. Chắc là bị ăn thịt rồi. Vũ và Côn đều thương Vọng lắm. Chúng nó bàn cách nắm cơm mang tới nhà Vọng. Hai hôm nay, bọn thằng Côn không vào nhà Vọng vì chúng nó tin rằng gạo chúng nó mang cứu giúp Vọng còn đủ dùng. Nhưng cũng hai hôm nay, số người chết đói tăng lên gấp bội. Côn lo cho mẹ con Vọng quá.Nó hỏi Vũ:- Mày nghĩ được kế nào chưa?Vũ đáp:- Chưa.Con nhà Luyến giục toáy. Thằng Lộc đòi dùng gậy đánh nhau với những người cướp giật. Vũ sốt ruột:- Để im tao nghĩ kế.Nó gõ ngón tay lên trán một lúc rồi reo to:- Có kế đây.Lũ bạn nhao nhao:- Kế gì, kế gì?Vũ xoa tay:- Chúng mình đóng cái hộp gỗ hai ngăn. Dưới đựng mười nắm cơm, trên bầy đá. Tao giả vờ kéo, túi quần tao nhét cái bánh chưng. Chúng mày cũng đem bánh chưng. Đến ngõ nhà thằng Vọng, chúng mình cho bánh rồi kéo cái hộp đá vào nhà nó thì hết bị cướp giật. Dân đói cướp đá làm khỉ khô gì!Côn khen Vũ rối rít. Chúng nó bắt tay vào việc cứu trợ thằng Vọng liền. Côn nhờ mẹ thổi cơm, nắm giùm nó. Vũ tìm gỗ đóng hộp. Luyến, Lộc, Long chạy về nhà kiếm bánh chưng, bánh dầy khô. Một tiếng đồng hồ sau, bọn thằng Côn đã kéo lê cái hộp gỗ chở đầy đá khỏi cống Kỳ Bá. Chúng nó hồi hộp. Ngực thằng nào cũng đập thình thình.- Nhỡ họ cầm cái hộp họ ném tung lên thì sao hở, Vũ?- Tao đóng đinh chắc lắm. Hộp cơm nắm này, mẹ con thằng Vọng ăn dè được hai ngày. Có đứa nào gói muối theo không?- Có.- Tao sợ quá.- Sợ thì mày về đi, Lộc ạ!Vừa tới ngõ nhà Vọng, Luyến nói:- Hôm kia bị cướp giật ở chỗ này.Bỗng Lộc hét:- Eo ơi!Nó nhắm mắt, chỉ tay. Vũ và Côn nhìn chỗ Lộc chỉ. Hai cái xác chết nằm bên nhau. Vũ nói:- Bịt mũi lại đi, thở bằng mồm nhé, tụi mày nhé!Chúng nó rảo bước. Bốn thằng gặp thêm cả chục xác chết. Cứ vào sâu trong ngõ lại gặp xác chết nhiều hơn. Vũ bịt mũi chặt, giọng nó khàn khàn:- Họ chết hết rồi.Vũ chạy. Chiếc hộp rớt đá ngổn ngang. Chúng nó đã đứng trước cổng nhà thằng Vọng. Côn réo:- Vọng ơi!Không có tiếng Vọng trả lời.- Vọng ơi!- Vọng ơi, chúng tao đem cơm cho mày, hôm nay không bị cướp giật đâu.Im lặng. Tiếng thằng Côn vang xa. Lộc xanh mặt:- Hay thằng Vọng đã chết đói?Vũ cáu tiết:- Chết đói cái củ “thìu biu”!Nó buông sợi dây kéo cái hộp, chụm hai bàn tay, gân cổ gọi:- Vọng ơi! Vọng ghẻ tầu ơi!Sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt năm đứa trẻ. Vũ đẩy cái cổng tre xiêu vẹo:- Chúng mình vào đi, chắc nó ngủ say.Năm đứa ngại ngùng đi vào sân. Rồi chính nó mở tấm liếp. Vũ ngó trước. Nó quay ra ngay:- Mẹ thằng Vọng nằm co quắp trên ổ rơm chúng mày ạ!Côn hỏi:- Nó đâu?Vũ lắc đầu:- Tao không thấy.Luyến và Lộc khênh cái liếp đóng cửa xích một quãng. Ánh sáng lùa vào gian nhà. Vũ nhắm mắt lại. Giọng nó lạc đi:- Mẹ … nó … chết … rồi …Côn chạy xuống bếp. Nó lại réo:- Vọng ơi!Lộc lắp bắp:- Tao bảo nó đã chết, thằng Vũ không tin.Vũ quát:- Nó không chết, thằng Vọng không chết …Vũ ôm mặt khóc hu hu. Côn khóc theo. Và năm đứa khóc nửc nở. Không có thằng Vọng ở nhà, nó đi đâu chết rồi. Mẹ nó đã chết đói, đang nằm co quắp trên ổ rơm. Chắc nó đi cướp cơm về cho mẹ ăn bị người ta đánh chết. Năm đứa trẻ nhìn nhau. Những đôi mắt sũng nước cùng long lanh hình ảnh thằng Vọng và cuộc đời hẩm hiu của nó. Đứng ngẩn ngơ một lúc, Vũ bước vào gần cái ổ rơm, kéo chiếc chiếu đắp lên xác mẹ thằng Vọng. Chúng nó ném quà bánh đem biếu Vọng quanh cái hộp cơm rồi lủi thủi ra về. Khuôn mặt chúng nhễ nhãi nước mắt.