Chương 9

Cái lồng chim nhỏ nhắn, xinh làm sao. Lồng đan như hình cái chuông ấy. Con chim cu gáy mới đẹp chứ. Đôi mắt nó hiền hiền là. Cổ nó có những điểm lấm chấm y hệt công phét ti rắc trên đầu con gái. Chú Nhị đem nó từ làng Thanh Triều lên cho Côn. Nó đã đi nửa ngày đò xuôi theo dòng sông Trà Lý. Chú Nhị bảo chim cu gáy nó hay xấu hổ lắm. Vì thế, muốn nó gáy thật nhiều, thật hay, phải lấy vải che kín cái lồng. Chú Nhị thửa hai cái cóng sứ đeo hai bên sà ngang. Mỗi ngày, Côn đổ nước và kê vàng nuôi chim. Chú Nhị còn bảo cho chim cu uống nước sâm, giọng hót của nó hay tuyệt cú mèo. Côn nâng niu con chim cu gáy suốt ngày. Buổi trưa nó gáy thì buồn kinh khủng. Côn muốn cho Thúy con chim. Nó chờ Thúy theo mẹ tới nhà nó mua họ, sẽ khoe Thúy những điều chú Nhị nói với nó về con chim cu gáy.
Nhưng Thúy đã chẳng tới. Thúy giận Côn rồi. Tại Côn nổi giận phóng phi tiêu làm chết chim khuyên của Thúy đấy mà. Côn nghĩ thế. Nó tin tài phóng phi tiêu của nó. Phóng cả nắm phi tiêu, thế nào cũng chết vài chú vành khuyên. Chắc thằng chó Hội sẽ lại cho Thúy thêm chim khuyên. Và Thúy chơi thân với nó. Thúy không thèm biết đến Côn nữa. Côn buồn quá. Nó phải “tẩn” thằng Hội một trận mới được. Có gì, ông Đốc đuổi, nó lên Hà Nội học với Vũ. Sướng chán. Tỉnh lỵ chả còn gì lưu luyến Côn. Thầy Đàn bỏ trường đi. Sân bóng, lính Nhật chiếm đóng. Lối xuống An Tập, Đoan Túc, lính Nhật đặt súng máy. Những băng đạn dài, vàng khè, trông phát sợ. Cầu Bo thì Tây cấm không ai được dừng chân ngắm sông nước. Lính Nhật rải quân cả ở hồ Phúc Khánh. Mấy tháng trước, lính Nhật chỉ đóng tại đầu tỉnh và câu lạc bộ. Bây giờ, lính Nhật đóng lung tung. Lính Nhật không còn vẻ hiền hòa như ngày vừa sang Thái Bình nữa. Xe hàng qua ngã tư Vũ Tiên, lính Nhật khám xét.
Từ hôm thầy Đàn khuyên Côn đừng chơi với lính Nhật, rồi bố nó bảo Nhật định bắt thầy giết chết, Côn thấy lính Nhật hung ác vô cùng. Côn chả thích đi đâu. Mà chỉ muốn đến nhà con Thúy. Nhưng Thúy không thèm chơi với Côn. Thúy không khen Côn đi xe đạp giỏi. Thúy chê Côn là “xiếc Việt Nam, xiếc đi xe đạp rách tan cả quần”. Côn ghét Thúy, ước ao Thúy hóa thành con quạ đen khoang trắng. Song Côn không thể ghét Thúy mãi, ghét Thúy luôn. Côn ghét Thúy một lúc, ghét Thúy khi gặp Luyến thôi. Con Thúy là cái thớ gì mà Côn không dám ghét nó. Côn chẳng hiểu. Chỉ biết không gặp Thúy, Côn thấy nhơ nhớ. Côn thèm nói hai tiếng Thúy ạ và nghe Thúy nói Côn giỏi ghê. Hai tiếng Thúy ạ ấm áp cơ hồ một cơn nắng hiếm muộn trong những ngày mùa đông lạnh lẽo.
Côn đang ngồi trên bực cửa nhà sau, nghe chim cu gáy và nhớ Thúy thì Ngọc lon ton theo mẹ tới nhà nó. Côn tựa tay lên cằm, ngước mắt ngó cái lồng chim. Con Ngọc vui vẻ hỏi:
- Côn làm gì đấy?
Thằng Côn lờ đi. Nó không ưa con Ngọc. Đôi bận, Côn đã lẩm bẩm hai tiếng “Ngọc ạ”. Nó thấy hai tiếng này nặng nề như tiếng dân miền bể Tiền Hải, chả lên bổng xuống trầm tí ti ông cụ nào. “Thúy ạ” êm ái tựa nhạc “Chiều quê” của Hoàng Quý. Còn “Ngọc ạ” giống hệt “Anh anh hùng xưa, nhớ hồi là hồi niên thiếu”.
- Côn điếc à?
Côn nghĩ thầm “Con bà cô này đoảng vị ghê. Người ta không thèm thân mà cứ đòi thân”. Nó chẳng buồn tức con Ngọc cái tội bảo nó điếc. Côn ngồi đần mặt ra tưởng chừng đương lạc vào một niềm bâng khuâng nào đó.
- Thúy nó ghét Côn lắm, nó xui Ngọc đừng chơi với Côn.
Côn vụt đứng dậy:
- Đây nghe rõ hết.
Ngọc nhí nhảnh:
- Côn không điếc à?
- Ừ.
- Thúy nó nói xấu Côn ghê lắm cơ. Nó bảo Côn nhặt kẹo của lính Nhật quăng.
Côn thè lưỡn liếm môi:
- Ừ, đây biết rồi. Thằng chó Hội bịa đặt đấy. Mai nó sẽ biết tay.
Ngọc bước lại gần chỗ Côn:
- Côn đánh nó, hở?
Côn nắm chặt trái đấm:
- Cho nó một quả quai hàm méo miệng thôi.
Ngọc toét miệng cười. Rồi con bé khen Côn:
- Côn là nhất.
Côn ta hất đầu, nhấm nhẳn:
- Nhất cái gì?
- Côn làm xiếc Tạ Duy Hiển, Côn dộng đầu xuống đất, Côn ném phi tiêu.
Thằng Côn bĩu môi:
- Thế mà nhất à?
Con Ngọc chưa kịp trả lời, Côn đã hỏi:
- Này, chim khuyên của thằng Hội có chết con nào không?
Ngọc ngớ ngẩn:
- Ngọc không đến nhà nó.
Côn gắt:
- Chim khuyên của con Thúy …
Nó nói nhanh:
- … Của Thúy cơ mà!
Ngọc bật cười:
- Con Thúy bảo Côn ném phi tiêu hạng bét chả trúng con chim nào.
Đến lượt Côn ngớ ngẩn:
- Sao Thúy nó ghét Côn?
Ngọc lắc đầu:
- Ngọc chả biết nữa.
Con bé chìa tay đưa cho Côn gói ô mai:
- Của chị Ngọc làm đấy. Côn ăn đi, ngon lắm cơ. Nao Côn lại nhà Ngọc chơi nhé?
Côn lừng lững bỏ lên nhà, để mặc Ngọc buồn thiu với gói ô mai trong tay. Nó phóng ra đường, đi thơ thẩn dưới những rặng hồi. Mùi trái hồi hắc hắc là. Côn lần đến đầu con phố nhà Thúy. Nó trèo lên một cây sấu, nhìn về phía nhà Thúy. Chỉ thấy mái nhà và giàn hoa giấy không còn một cánh hoa. Côn không hiểu tại sao Thúy ghét nó. Có chú chim khuyên nào bị chết đâu. Chắc Thúy ghét Côn cái tội nhặt kẹo của lính Nhật. Côn oán thằng chó Hội quá. Nó bịa chuyện để Thúy ghét Côn. Chắc Côn phải tẩn Hội một trận. Thằng Hội tồi hơn thằng Hách, thằng Dương. Côn muốn xin lỗi Thúy. Nó tìm được tội của nó rồi. Tội nói những tiếng “cẩn tỏ, nói phét”. Thúy chả trách Côn nói bậy là gì. Nhưng mà xin lỗi Thúy, nó ngượng chết. Nhỡ con bé mắng thêm, còn ngượng gấp mười. Côn mong một trận gió lớn thổi gẫy cây sấu. Nó sẽ ngã xuống đường, sẽ bị nằm nhà thương, bác Thụy sẽ dẫn con Thúy vào thăm nó. Và nó sẽ xin lỗi con Thúy thì không ngượng chết người đâu. Tưởng tượng nắm tay Thúy và Thúy cười chúm chím hai đồng tiền trên đôi má, Côn muốn ngã quá. Song nhỡ ngã què, con Thúy chế nhạo là kẻ tàn tật, nó bèn không thích ngã nữa. Què chân, đi học phải chống nạng. Nạng kêu lóc cóc, nghe chán lắm. Mà què hai chân lại khổ suốt đời.
Côn ta vội vàng tụt xuống khỏi cây sấu. Chân nó run lẩy bẩy. Nó chạy tới nhà thằng Luyến rủ Luyến đi Hà Nội. Con nhà Luyến sướng rên. Nó quàng chiếc súng cao su vào cổ và theo Côn ra bến xe. Hai đứa nói chuyện với anh ét quen một lúc, chờ xe Con Voi khởi hành, bám cửa sau để giang hồ Hà Nội. Anh ét tưởng hai thằng bám xe đến ngã tư Vũ Tiên thôi, nên mới cho bám. Luyến ta hí hửng. Nó sẽ gặp thằng Vũ, sẽ được bắn khỉ, bắn gấu và câu cá trộm ở hồ Gươm. Luyến thèm tia con rùa thần xem nó có nổi lên trả Luyến viên đạn sỏi không. Côn thì chỉ ước ao xa Thái Bình, xa con Thúy. Con Thúy sẽ hóa thành con quạ. Còn nó, nó sẽ đi tìm thầy Đàn, theo thầy để trở thành nhà cách mạng, tuy Côn chẳng hiểu cách mạng là cái gì. Hai tiếng này nghe mơ hồ và xa lạ làm sao.
Đến ngã tư Vũ Tiên xe hàng ngừng lại cho lính Nhật khám xét. Côn bỗng nhớ hồi thằng Vũ bỏ nhà đi giang hồ cống Đậu, bố nó và dì nó cãi nhau, tìm nó khắp nơi. Côn thương bố mẹ, kéo Luyến nhẩy xuống đường. Nó vỗ vai bạn:
- Thôi, gượm hãy đi Hà Nội, mày ạ!
Luyến cụt hứng:
- Mày sợ chết đói à?
- Không, tao quên chưa viết thư cho bố mẹ tao biết là tao ra đi giang hồ vạn dặm.
Luyến gật gù:
- Ừ nhỉ, ông cũng quên.
Hai đứa cuốc bộ trở về phố. Không biết bao giờ vua súng cao su Luyến mới được tia rùa thần ở hồ Gươm.