Chương 18

Tôi nâng ống dòm lên.
Cặp vành áp vào da nóng kinh. Tôi xoay núm một chút, những chùm gai xương rồng lọt vào luồng mắt nhoà đi, hai chiếc máy bay hiện sắc. Chúng bò tới vạch xuất phát. Mỗi chiếc 2 thằng lái, hai động cơ phản lực. Kiểu gì lạ vậy ta, không phải các thứ mũi tên hay vỉ ruồi thường thấy. Mới ra lò nóng giòn chăng?
Cùng một lần, chúng rồ máy rất dữ, thân rung tít,như ngựa bị kìm cương, đang hí và chổng vó đá hậu. Bụi thốc dài sau đuôi. Luồng hơi nóng làm tụi thợ máy và lắp bom dừng ngoài đường băng mờ đi, biến thành những cái xác chìm đáy nước với đường nét lăng quăng. Loại gì mà trông ngang na ná như máy bay Cô-bờ-ra cổ ngỗng cánh quạt hồi Pháp nhỉ. Chúng vọt đi, mới hết nửa quãng lát bê-tông đã rời đất, ngược gió nam ngoi lên, giơ ra sau những cái đít động cơ trống hoác, phun khúc đuôi lửa dài và đỏ lòm màu máu. Chúng quần lại ba phần tư vòng, bay về phía núi, không nhanh hơn Xcai-rây-đơ là bao. Tôi nhìn lên cặp cánh xoè ngang vuông góc với thân, đầu cánh xắn vuông vức giống thứ AD.6 cánh quạt, bỗng nhớ ra. Mẹ cha nó chứ. Cái giống Xcai-nai-tờ,” Đêm trên trời”, tức F3.D2 đây mà! Trong chiến tranh Triều Tiên, tụi này cất cánh từ tàu mẹ, theo che chở bọn lính thuỷ đánh bộ Mỹ lên bờ, hồi đó phản lực đánh đêm coi như tối tân lắm đấy. Tưởng đã đút kho, nhường chỗ cho F.4 hay F.5 rồi chứ, té ra còn chống gậy lụ khụ đi ném bom vùng giải phóng. Ra ngoài Bắc cho các ông Mic ăn gỏi ít chiếc chơi!
Một cặp nữa đang rú máy, hen suyễn nghe chừng đã kinh niên mà chưa được về hưu. Hai động cơ nằm dưới bụng, khá thấp, đứng dưới đất đút thủ pháo vào họng máy chắc dễ. Tay nào chế máy bay đã trù liệu cho nó chịu được mọi thứ đòn hiểm, đố có đoán rằng nó sẽ bị nhét đằng mồm, và mãi mười lăm năm sau nó vẫn phải trả bằng món nợ máu Triều Tiên, gây ra từ cái tuổi dê cỏn buồn sừng. Lại một cặp nữa…
Có tiếng gọi ồm ồm bật lên mé bên trái, cách chừng năm mươi thước, máy bay ồn không nghe rõ. Tôi từ từ thu ống dòm xuống ngực, co chân cho người chìm dần vào hố cát. Những bụi xương rồng bao quanh tôi rất thưa, nhưng tôi trùm tấm dù hoa – hai chéo dù may liền làm tấm đắp – kín từ đầu đến chân. Còn khuya tụi Mỹ mới thấy được tôi trên gò.
Nhờ cái ống dòm kiểu lăng kính rất tốt, từ trên giàn ván của bà dì S.26, tôi đã tìm ra cái gò cát nhỏ này, nằm kẹp giữa rào biên của sân bay và chân sóng biển. Đêm đầu, tôi bò đến đào hố, cắm thử mấy cành lá trên miệng. Theo dõi suốt ngày tôi không thấy Mỹ leo lên đấy, chỉ đi tuần bên cạnh. Một tiểu đội cắm lều cách gò non trăm thước. Các lớp gác tuần dọc bờ biển và bên trong rào kẽm gai thì xa hơn, không đáng để ý. Thế là tôi mang một túi nhựa dày đựng bốn lít nước uống, hai ổ bánh mì to, một hộp sữa Núi trắng, ba hộp cá trích, tất cả đều của chị Tám mua cho, luồn vào nằm trên gò xem Mỹ hai ngày, đếm được từng nốt ruồi trên mặt tụi bò sát(1)  qua lại tại sân bay.
Tôi đưa cái bi đông nhựa lên miệng, chợt nghe tiếng ù lạ. Một máy bay cánh quạt kiểu Chòm sao, cõng trên lưng một cây nấm xoè rộng, bay dọc bờ biển qua đầu tôi. Ra-đa lưu động, chắc đi tìm tàu ngầm hay thuỷ lôi của Việt cộng. Lắm ra-đa gớm. Mỹ dò ra Mỹ thôi, còn tôi chỉ có trên người một khẩu súng ngắn và một ống dòm, tất cả những gì bằng kim loại cộng lại chưa nặng bằng một trái mìn nhảy. Trạm ra-đa trên gò đất đằng kia suốt ngày đêm xoay tròn cái lưới ăng-ten khum khum như mảnh rổ cắt ra. Nò lùng tàu bay của Vi-xi, rất nghiêm chỉnh, không chút đùa nào nhé. Cố ý sục tôi là hai thằng Mỹ rọi ra-đa. Mắt thần kia cũng mù nốt. Hễ mặt trời sắp lặn, hai đứa vác máy ra ngồi dưới một cái lều căng sẵn bên trong rào, một thằng đeo ống nghe và xoay cái máy giống đèn pha bị cháy bóng, một thằng ghì trên giá ba chân và nói trong máy PRC.10. Đêm qua con mắt AN/PPS của chúng rọi vào tôi bao nhiêu lần không rõ nhưng tôi vẫn nằm yên đây, chõ ống dòm giữa những gốc xương rồng mà xem mặt đen mặt trắng, tóc nâu tóc vàng.
- What cha gon do there?
- Nothing… (2)
 
Chúng nó qua cạnh gò, cách tôi chừng năm thước. Một thằng dừng lại đái róc róc. Núp coi địch hay phục kích gần đường, tôi ngại nhất những thằng ngu, đang đi chơi rẽ vào bụi cây đái hay ỉa, còn đứa đã ăn chông mìn thì chẳng bao giờ bước ra ngoài dấu chân đi trước. Có lẽ thằng hạ sĩ vừa hỏi, và nó càu nhàu tiếp:
- Cause they put those damn mines everywhere. if you tired of living … Go ahead!(3)
Chúng đi thẳng, nói qua lại bằng thứ tiếng Anh rẻ tiền ấy. Mé biển này chúng chưa bị đánh, chỉ ngại thằng này chôn mìn thằng kia dẫm. Mìn nhiều thật. Giữa rào kẽm gai nhô lên chi chít những mìn định hướng bấm diện, thân cong như miếng vỏ dưa hấu hình chữ nhật, xếp làm nhiều tuyến để nổ lần lượt từ ngoài tới trong, còn thêm lu bù mìn nhảy chỉ thò ra cái que tăm lẫn vào cát.
Quay về hai chục năm trước, thử so sánh buổi đầu của hai đám cướp lớn, đặt bên nhau tên lê-dương Pháp ôm cây trường Mát 36 ngồi gác sau chuỗi ống bơ treo lòng thòng và thằng lính cổ da Mỹ núp kín giữa mạng lưới ra-đa, mìn cơ-lê-mo gọi súng lớn bằng bộ đàm, tàu bay ầm ù trên đầu không ngớt tiếng, tôi càng thấy cái nguy hiểm của kẻ thù mới tới, càng nghiệm ra thế yếu chung trên trái đất buộc chúng vào đây phải lén lút, chối quanh. Chúng ác mà yếu, yếu lại càng ác, hễ quên đi một mặt là lôi thôi đấy. Thôi thèm đánh Mỹ một trận phủ đầu, nhưng nào chúng có chịu thò đầu ra đâu mà phủ! Súng ta nổ giòn chung quanh Chu Lai, nhưng mạn Tam Kỳ chỉ đụng các lớp rào thịt của sư Hai nguỵ, riêng phía nam du kích Bình Sơn đã tỉa được năm bảy tên Mỹ, coi như nắn gân nhau ít chút. Mới chiều qua anh em trong ấy lại được thịt, mấy cây pháo đặt sau bao cát hối hả xoay nòng, giã qua đầu một chuỗi M.113 chạy tuôn tuôn vào hướng Bình Nghĩa.
Tôi ghi xong những nét mới, nhét sổ vào túi, nhô lên đón gió biển quạt trên mặt đầy mồ hôi. Cái nắng dữ dội chan lửa xuống ngập người, nắng trên cát có màu trắng loá của sắt nung sắp chảy. Dễ say nắng lắm đây.
Hễ nâng ống dòm lên, thân thể tôi mất dần cảm giác, tất cả sức tôi dồn vào mắt, đầu và tai, lảng vảng một chút ở mũi nữa là hết. Tôi mê mẩn nhìn xói vào ruột căn cứ Mỹ, óc biến thành bộ nhớ của máy tính điện tử, chỉ đôi lúc cái lưỡi chai như da trâu chậc một cái để thèm máy ảnh. Máy tồi cũng được. Cùng lắm, máy trẻ con chơi loại một đô-la cũng tốt, gặp nắng này thì ống kính cố định f.11 với máy trập ba tốc độ đủ thâu được hết, bấm tách một cái là đỡ bao nhiêu công nhớ và ghi, nét mờ một chút cũng chẳng sao. Tôi sẽ rảnh rỗi để nghĩ nhiều hơn, tìm những kẽ hở của thằng khổng lồ bọc sắt này mà điểm huỵêt, làm sao chỉ bấm một ngón tay là nó cứng đờ như trong võ ta mới khoái. Ông thầy võ Bình Định dạo xưa về dạy gần nhà tôi, lúc thầy nghỉ hay nhắc: “Gặp thằng có gồng Trà kha thứ thiệt, hãy cứ chờn vờn coi kỹ, tìm cho ra chỗ nhiệc mà đánh…Cái tay nó huơ giữ kín chỗ nào là nhiệc chỗ đó chớ đâu! Gồng cứng như sắt cùng mình, nhứt định phải chừa một chỗ thịt mềm… Tìm không được hả? Thì bây giờ giở ngón võ đờn bà bóp dái, xấu xấu chút mà chắc nhứt đa!”. Chẳng biết thầy võ thông gồng thạo tới cỡ nào, chứ lời khuyên nghe lỏm ấy tôi càng gẫm càng thấy có lý nhiều bề.
Thủ trưởng H.68 gửi kèm theo ống dòm một thư nữa, dặn tôi tìm chỗ đánh cho một đại đội chủ lực thử sức tụi cướp biển, chứ đợi nó đi càn chắc còn lâu. Được một đại thì dựa vào làng Cá, thốc xuống hốt tụi lính đóng tràn lan trên các gò đất gò cát đấy. Riêng tôi xin chọn mấy tổ Yết Kiêu bơi biển hay Dã Tượng đánh bộ, dẫn vào đốt tàu bay. Có súng cối cũng đem mà cộp tàu bay. Tôi thèm đánh tụi phản lực, thèm kinh khủng, còn hơn hai ngày qua thèm nước.
Sáu chiếc F.4 mang bom bay ra phía Đà Nẵng sáng nay, tôi rất nghi chúng đi phá miền Bắc. Hơn một tiếng sau chúng về đủ, dưới cánh trơn trụi. Để hỏi lại xem. Nếu ổ cướp Chu Lai dám thò móng tới bên kia Bến Hải, cần choảng ngay một đòn thật đau và điện gửi món quà chia lửa ra ngoài ấy cho bà con mừng. Phản lực Mỹ đánh tới Thanh Hoá đã mất gần ba trăm chiếc, còn hăm he mò ra tận Hà-nội, hỗn gớm chưa.
 
Miền Bắc…
Khó đếm được bao nhiêu mơ ước của tôi được vẽ trên khung cảnh của miền Bắc. Hai mươi năm nghe lời Bác Hồ dạy đường đi nước bước, tôi là đứa trẻ càng lớn lên càng nôn nao mong được gặp cha, một người cha đi vắng nhưng không ngớt nhắn về khuyên nhủ từng chút, thương con quặn lòng, mừng khấp khởi từ mấy chữ con mới tập viết thăm cha đến cái tin con bắn gục tên giặc đầu tiên trong đời. Ba tôi tập kết ra vẫn sửa máy nổ, làm trong xưởng ở Hà nội. Anh Hai tôi định xin chuyển qua hải quân, dân biển mà, anh đã tự học hết lớp mười, đang kiếm thêm ít vốn ngoại ngữ. Miền Bắc đấy. Miền Bắc là Bác Hồ, là ba tôi, anh tôi trằn trọc ngày Bắc đêm Nam, là cái lò cao Việt Nam đầu tiên nhả gang, là trường cấp hai cấp ba mở tận xã, là nguồn sức mạnh hôm nay và mơ ước mai sau, là tin cậy, kiêu hãnh và không biết mấy yêu thương.
Bom Mỹ xán xuống miền Bắc. Hình như trái bom đầu tiên nổ mé ngoài Bến Hải đã văng một mảnh đến tận tôi, một khúc sắt vặn xoắn như đinh vít. Sau cái buốt dựng tóc đầu tiên, nó cứ xoáy chầm chậm vào thịt, mỗi ngày một ít. Nó leo thang trong tôi.
Sau một triệu trái bom, miền Nam nhận thêm vài ngàn trái nữa ném xuống ruộng xuống rừng có sao đâu, bà con quanh tôi đều nói vậy. Nếu một trái bom rớt trúng cầu Hàm Rồng hay đập Bái Thượng… Mười năm ròng, đồng bào mình ngoài Bắc lấm mặt cháy lưng làm giàu cho cả nước, của nổi của chìm đang ngồn ngộn ra đấy, có thu dọn kịp không, thu dọn được không, hay là…, ôi chao, đứt ruột đứt gan. Tôi biết lắm, cái máy bay đã lên trời thì khoèo cổ nó xuống cũng mệt chứ dễ đâu, còn đậu dưới đất lắm khi chỉ một trái nổ đặt đúng chỗ đủ ăn ngon một lần 3 chiếc. Chúng nó nằm đấy, lù lù trước mắt tôi như những con cú con cắt nhốt trong lồng, một ngày chưa đánh là một ngày cái đinh vít trong thân tôi còn xói sâu thêm. Không đốt được hết thì phá hỏng, không hỏng nát cũng buộc chúng sứt cánh mẻ đuôi, cùng lắm thì quấy rối cho tụi lái máy bay khó ăn khó ngủ, ra ngoài kia gặp cao xạ chúng sẽ run tay sớm vài tích tắc, hoa mắt hơn chút xíu nữa cũng có lợi cho ta bao nhiêu rồi!
Tiếng rền nặng của bầy “Đêm trời” đã quay lại, to dần. Tôi đếm hai lượt, ba lượt, vẫn đủ hai tốp tám chiếc từ hướng Tây bay về, lần lượt đáp xuống. À, sáu chiếc Con ma lại bò ra lượt nữa. Hay là sáu chiếc khác? Tôi hớ, quên không ghi số hiệu của tụi ban sáng, chúng giống nhau như một bầy cá đối.
Thôi, rõ rồi!
Sáu chiếc này mang bom và rốc-két nặng gấp rưỡi. Từng đôi cất cánh xong, không quần tròn đợi đủ bầy, bay thẳng luôn về phía núi, đường bay thấp. Ra đánh miền Bắc chúng đeo bom ít hơn vì xăng nhiều, có cả tên lửa không đối không hình trái đạn ba-dô-ca rất dài. Kiểu lên đường cũng sắm nắm kỹ càng hơn, lên cao đợi nhau, xếp hình xong mới lao đi, hẳn là miệng cầu Chúa trước khi phó mình cho phờ-lắc(4). Quanh Đà Nẵng, nghe đâu trẻ em chăn trâu cũng đã quen nhận ra những tốp đi phá khu Bốn, đếm kỹ để đến tối mở đài đón tin thắng mới. Số máy bay bị thương cố rướn về phía Đà Nẵng để tụi lái nhảy dù cứ tăng lên mãi, một mớ rớt trong vùng giải phóng, một đống xác ùn dần trên bãi cát đâu ngoài Nam-ô, số này miền Bắc không tính, coi như biếu phần chiến công cho bà con trong này. Tam Lý hôm nọ được hưởng một chiếc F.100 như thế, đúng là của trên trời rơi xuống, du kích cả xã gò mỗi người được một ăng-gô mới tinh.
Nam với Bắc nghe nhau qua hai đài chị em đã gần hơn hồi chống Pháp nhiều, giờ lại xích sát nhau với máy bay Mỹ ra vào từng giờ. Tới ngày nào đó, nếu một chiếc phản lực của ta ngon trớn lướt qua đây cho bà con thấy cờ đỏ sao vàng trên cánh nhỉ! Sẽ xảy ra một chuyện rất khó hiểu: tiếng kêu «tàu bay», lần đầu tiên sau một phần tư thế kỷ, sẽ không báo bom sắp rơi, không gây cái phản xạ tay chụp súng và mắt tìm hào đã quá nhuyễn vào người. Máy bay của ta, của ta, chắc đẹp lạ lắm...
 
°

*

 
Cái gì vậy?
Tôi tự hỏi, hơi lo. Tôi vừa xem đồng hồ 2 lần. Lần đầu một giờ bảy phút, lần sau một giờ hai mươi ba phút. Giữa hai lần xem ấy không có gì cả: không một ý nghĩ, một cử động. Tôi vẫn đứng, vịn tay vào mép hố, nhìn sân bay y như cũ. Chớp một cái, nó đổi như ảo thuật: lũ thợ máy của F.4 biến mất, một chiếc Gip hiện giữa sân bay như đội bê-tông chui lên... Tôi đã lịm đi mười sáu phút, mắt vẫn mở. Coi chừng. Cơn mê sau có thể dài hơn, có thể vĩnh viễn. Năm 61 tôi lạc rừng và sốt nặng chín ngày, tôi biết người sắp chết đói chỉ yếu dần đi mà không thấy đói. Ở đây, cái cảm giác nắng không đánh vào gáy tôi như ma-trắc của cảnh sát địch, chỉ ru tôi ngủ như một ống gác-đê-nan.
Trời vắng mây, đứng gió, rất ác. Nắng trưa rót thẳng xuống hố cát, không né đâu được. Tôi đang trải qua mấy giờ nguy hiểm nhất. Hôm qua canh trưa có gió, đôi lúc mây đi qua đầu, hố cát còn ẩm, nước uống khá hơn, và tôi còn khoẻ. Sang ngày thứ hai, tôi mệt ngay từ lúc mặt trời mới lên một con sào. Căng dù làm lều cũng hay, nhưng lỡ gió thổi rung rinh hay L.19 rà thấp thì dễ lộ.
Trở về với chiến thuật quen, tôi làm việc thật nhiều cho quên cái xác phàm đang bị vùi trong nồi đất hầm muối. Chân tay cựa được ít thì tung hoành bằng mắt, nghĩ bao đồng thêm vào, triết lý càn khôn cứ thả xăng đi. Mỗi lúc quay về với mình, tôi chỉ thấy ngứa rát không sót chỗ nào, từ đôi mí mắt nhám như nổi hột cọ vào tròng, cặp môi dộp và nứt nẻ, đến tay chân cạn mồ hôi teo lại, sần sùi, sắp nứt. Bụi cát đóng dầy tận bên trong mũi, dọc cổ họng và cuống phổi. Đấy nhé, tôi thèm một nước da phong trần dầu dãi để khỏi bị gọi là học trò bột, nay mới được một lần phơi kỹ, phàn nàn gì. Các anh đã từng đánh Tây kể rằng có một số anh em mình bị bắt trong chiến đấu, Tây ép làm lính cho nó, đem đút vào lò, hấp đen thui cho giống lính Phi. Nếu đúng thì tôi cũng đang thi gan chịu hấp đây nè. Qua được hết.
Thú nhất là nghĩ đến Mẫn. Một cô như Mộng Nga dễ chê đen chê gầy – Duy Hảo đừng bực nhé – còn Mẫn thấy tôi về với bộ mặt hốc hác và sạm nắng sẽ quý tôi gấp mấy lần chẳng biết. Người yêu của tôi tuyệt vậy đó. Còn nửa bi đông nước, tôi chỉ dám nhấp vừa đủ dẻo nước bọt và đỡ cháy cổ, nhớ Mẫn chút xíu để bù chỗ nước thiếu. Khi vắng gió cũng vậy, Mẫn thay gió. Tôi sống với Mẫn từng lúc, chỉ vài phút thôi, nhưng mỗi luồng nhớ sáng chói như sét ấy bằng cả một tháng lù mù đèn dầu cộng lại. Sét nổ thì trời dông đỡ oi đúng thật. Sau đó tôi nhẹ người hẳn, lại nhấc ống dòm chõ vào thế giới bên kia, cái “thế giới tự do” đầy kẽm gai và bao cát trước mặt.
Dù mệt đến mấy, cứ xem lính Mỹ sống dở chết dở vì nắng là tôi cười phì, sướng rơn, cứ muốn ông trời đổ thêm than vào lò mà nướng trái đất, tôi đua tài chịu nóng với Mỹ không khó. Cả ta lẫn địch xúm vào dỗ tôi cố gan lì. Đôi má thơm mịn của Mẫn cũng như cái mặt tía nhễ nhại của tụi cổ da đều giúp tôi tỉnh ra, khoẻ thêm. Buồn cười nhỉ. Nhà tôi ở Qui Nhơn có dán một bức tranh ám khói che chỗ tường lở, vẽ một cô tiên đứng trên mây, cọp và trăn lúc nhúc ở dưới, tôi còn nhớ cô tiên bị lé, hai mắt nhìn hai đầu nhà. Mẫn không lé, đẹp hơn.
Cái nôi của Út Hiền treo cạnh đó. Má tôi xay bột làm bánh nán, thỉnh thoảng ngón chân kẹp sợi dây đưa nôi kéo một cái. Má ru to cho con nghe:
Thạch Sanh ngó lại tức thời
Thấy hình quái dị trong đời lạ thay
Trắng, đen, xanh, đỏ đủ rày
Mình thời lốm đốm xem nay có ngời
Mày vàng nanh trắng lạ đời
Con chi nào biết, mình thời có khoang
Trừng hai con mắt chang bang
Mặt bằng cái sịa, hình trang cái bồ…
 
Cái con chằn tinh ấy, nghĩ tới nghĩ lui lại giống hệt thằng cha lính rằn ri Mỹ, lính Huê kỳ theo cách hiểu của mẹ Sáu.
Tiểu đội Mỹ gác ngoài hàng rào biên đằng kia chỉ bò ra ban ngày, diễn trò cho tôi mua vui không mất tiền. Khoảng bảy giờ sáng, chúng tản rộng khom lưng bước tới chực đánh nhau với lũ hầm hố do chúng đào sẵn. Chiếm lại được trận địa, chúng dựng hai cái lều xanh khá rộng trùm trên hai hầm lớn đã che thêm bao cát, thay nhau ra ngồi gác bên các hố bắn. Lúc ấy coi bộ bảnh lắm, mới thắng trận giành công sự mà. Áo xăn trên cùi chỏ, súng cầm ngang, chân dạng, chẳng thua những chú lính chì bày cửa hiệu đồ chơi. Thằng hạ sĩ mặt ngựa, đeo hai chữ V màu vàng nằm úp sấp trên bắp tay trái thích đi dạo chụp ảnh, trỏ cái ba toong như gậy thống chế. Cấp hiệu Mỹ rối rắm hơn ngụy nhiều, khó nhớ. Mấy đứa lấp ló trong lều đọc báo, viết thư, nhất là đánh bạc ăn tiền, rút ra nhét vào những tờ đô-la xanh lá. Tới khoảng chín giờ trở đi chúng bắt đầu lử lả. Các thứ đè nặng trên người rụng dần. Mũ sắt và áo giáp rớt trước. Rồi áo va-rơ. Rồi sơ-mi, quần dài. Đến trưa chỉ còn một đứa gác ngoài, cả bọn co hết vào trong lều, đỏ lòm như mớ tôm luộc, trên thân độc một cái xi-líp, vài đứa cởi truồng hẳn mà nằm xà-lim vải. Hôm qua thằng gác lăn đùng ra giãy, xe chữ thập đỏ đến chở. Tên thiếu uý hay trung uý gì đó đi soát lính - bị nắng chói, tôi không nhận ra cái vạch ngang trên cầu vai nó mạ vàng hay bạc - chỉ đứng trên xe Gip quát chõ qua rào biên, chuồn gấp, xe nó chạy trên con đường tuần tiễu rải đá giữa hai lớp rào. Mới sáng nay tụi lính chửi nhau té tát, qua ống dòm tôi chỉ thấy những bộ mặt muốn cắn.
Ấy là chúng chưa bị nước vây bốn bề, chưa ăn bắp chuối với hột gắm, chưa lội những ruộng bùn đầy chông, mới chọi nhau với nắng thôi. Kéo vào đóng trên vùng cát hoang để trốn cái thòng lọng đỏ của dân thít cổ, chúng nó rơi ngay vào những “bát bụi” của bang Ô-kla-hô-ma, với bão cát và nắng không cây che. Ngồi nồng nỗng ra đấy ngó lên vùng rừng đại ngàn phía Tây kia, nghe chuyện những người du kích mặc áo ngủ giật gân hơn mọi thứ sách trinh thám bìa đen, chúng vã thêm mồ hôi lạnh ra ngoài mồ hôi nóng, chim kêu cá vùng đều giật thót, cố đoán xem “mười lăm phút hoả lực” mang trên thân có giữ được mạng không. Chúng tìm yên tĩnh trong ma tuý, tìm gan dạ trong rượu, tìm lòng tin ở những lá bùa quái gở nhất mua lậu bằng giá đắt. Tất nhiên chúng còn cầu Chúa. Chẳng mất xu nào, tội gì không cầu phứa đi. Chúa ở khắp nơi xin che chở cho con thoát bàn tay của Vi-xi cũng vô hình mà có mặt khắp nơi như Chúa!
Mỹ đấy.
Thêm một thứ giặc nữa trên đất mình đã chôn không biết bao nhiêu xác giặc, lớp trên đè lớp dưới. Nếu có ma, tụi âm hồn đi cướp cháo lá đa ở Việt Nam hẳn phải nói rất nhiều thứ tiếng, nay lại thêm một bầy nữa biết nói tiếng ô-kê bằng giọng mũi, ông thầy Mười đã dịch ô-kê là con gà đen, ăn nên thuốc.
Cả loài người đang chửi Mỹ rầm rầm, cũng đang khắc khoải hỏi chúng ta: liệu có thắng nổi Mỹ không, các bạn Việt Nam? Ai kia làm cách mạng xa-lông muốn bốc hay xìu tùy thích, còn những anh hùng du kích trên các vành đai Biên Hoà, Đà Nẵng, Chu Lai đã đáp bằng tiếng súng nhịp đôi: thắng được. Tôi đang chĩa ống dòm vào rốn Mỹ đây, tìm chỗ chích mũi gai cho con cua to chết cứng theo kiểu dân chài, cũng xin góp một lời thắng đuợc… Thêm một thằng nữa ngã ngất kia, bên đường băng phụ, nó đang đẩy xe bom đến mắc vào cánh máy bay. Nắng nữa đi, tiểu thử đại thử đi, đặc biệt thử càng hay, nắng đến cái độ xăng tự cháy và bom tự nổ đi!
Hai chiếc C.47 cất cánh xong, ba cặp F.4 ban nãy quay về thành hai tốp. Một chiếc trong tốp đầu bay thấp hơn, loạng choạng, không xì khói. Tụi bò sát kéo ra đông, một xe chữ thập đỏ bóp còi chạy tới, mở cửa sau, cái cáng tải thương thò đầu sẵn. À, thằng lái ăn đạn. Tiếc thật, loại này hai đứa lái, nếu là Thần sấm hay Thập tự quân thì ăn bùn tráng miệng từ lâu. Một xe cứu hoả đỏ lòm cũng tới. Chiếc Con ma rẽ khỏi đội hình, lao xuống, vẫn lúc lắc, lúc lắc, có lẽ hỏng đuôi ngang nữa. Như con voi điên, nó vừa quẫy vừa rống vỡ tai, bay sạt trên dải bê-tông dài tít tắp, bánh xe cách đất chừng nửa thước và cứ trượt mãi trên không khí, tuồn tuột thẳng một hơi không chịu chạm đường băng. Tới đoạn sân đất PSP(5) đằng cuối, có lẽ chỉ dùng đón máy bay quá đà, nó ngoi lên, sà sà vòng lại. Khốn rồi Mỹ ơi! Hồi nãy cất cánh ngổ ngáo cho lắm, tường chừng đã ra ma thì chẳng bao giờ phải chết lần nữa, để bây giờ lắc nhé, rú nhé, đau quá mà. Cái hình lát khế trắng trên đĩa xanh gác hai đôi đũa, phù hiệu của tàu bay Mỹ sơn bên đầu, cũng mở con mắt thất đảm nhìn sự tan xương tới gần.
Lũ người và xe chạy dạt vào các ngả phụ. Cái khối siêu âm trắng bạc gào một tiếng dài tuyệt vọng, ép mình xuống. Bánh xe đụng đất, xịt hai luồng khói trắng, lại bị đất đẩy vọt lên ngay. Thảm hại không. Máy bay của hải quân, vốn quen đi về trên tàu mẹ, bây giờ không đáp nổi cái sân dài thượt trên bộ này, hẳn đã bị đòn âm khá nặng. Nó thử keo thứ ba. Nổ đi mày, cháy đi…Nó gầm yếu hơn, tiếng không khí rít nghe rõ hẳn ra, nhưng thân nó run như động kinh. Nó hết giống voi điên, biến ra con chim dữ bị giập hai chân và mỏi rã cánh, vừa đậu xuống tổ lại phải quằn quại nhấc mình lên. Hỏng nữa. Nó rướn lên cao, bay lảo đảo ra biển với dáng rất là ma lạc mồ, chếch hướng Bắc. Một cặp trực thăng bốc lên giữa bụi mù, đuổi theo ì ạch. Tôi xoay ống dòm theo mãi đến khi cả ba khuất sau hàng dương rậm. Nó đi chết ở đâu? Đủ sức ra đến nghĩa địa tàu bay ngoài Đà Nẵng hay tõm xuống biển với một thằng lái không nhảy dù được?
Tôi đang xem mấy chiếc còn lại hạ cánh, chợt thấy khúc đường băng từ từ cong lên, uốn như rắn. Máy bay và các nhà hầm đảo chòng chành, mờ dần, biến mất.
Tôi nhấc ống dòm khỏi mắt, trông thấy nó tuột rơi khỏi hai bàn tay nhũn đang nắn nắn không khí. Rồi không thấy gì nữa. Chỉ còn lửa. Một vầng lửa xoay tròn, đổi chiều quay liên tiếp, réo ồn. Ngực bị bóp cứng. Tôi ngã xuống hố cát. Cái cảm giác cát nóng đập vào lưng dội từ xa lắm, len lỏi vào đầu tôi đặc những hồ. Ở đấy có một ý nghĩ vuốt êm: “Mình sẽ ngủ, đỡ mệt”. Tôi buông mình vào cơn mê đang đến. Sắp đêm. Tôi được nghỉ rồi. Đêm xoã đôi cánh không trăng sao ôm tôi, nhẹ và mát như xu-xoa(6).
Một ý mới huých cùi tay chen tới: “Ngất thì chết luôn. Chết. Thua tụi nó, thua rồi…”
Cơn tức châm xói trong óc. Tai đau buốt như hít nước vào mũi, quẫy mạnh một cái. Cưỡng lại đi. Không lịm. Cưỡng, mở mắt ra, bắt thân động đậy dù chỉ một ngón tay. Tôi quẫy nữa, chợt thấy mình nằm nghiêng. Đêm đã hé cánh. Co thử cái tay xem. Nó nặng như cầm tạ nhưng cựa được. Tôi chống tay nhỏm dậy một chút, ngã. Nhỏm, lại ngã. Chưa bao giờ tôi bị đạp giúi tàn tệ đến vậy. Một nỗi uất ghê gớm ập đến, xốc ngược tôi lên. Tôi nghiến muốn vỡ răng, vùng rất mạnh, bật người chồm dậy, dựa lưng ngay vào thành cát, ngồi run lập cập, mồ hôi cạn từ đâu bỗng túa khắp thân lạnh sởn da gà. Bắt đầu thở được. Tôi đã thắng cơn say nắng, thắng cái chết.
Chiếm được đầu cầu của sự sống rồi, phải tiến sâu ngay. Tôi căng gân, nhấc bàn tay từng khúc một, dấp ít nước cuối cùng vào khăn, trùm lên đầu. Tôi làm được một việc lớn không ngờ: móc mấy góc dù vào gai xương rồng, thành cái lều méo mó đủ che một mảng bóng. Tiếng máu bật bông pưng pưng trong tai giảm dần. Hơn ba giờ chiều. Tất cả những gì cần nắm, tôi đã xem, nghe và ghi xong cả.
Nghỉ đã, nhưng cấm ngủ.
Tôi ngả lưng dưới tấm dù, phẩy quạt mo, giữ đôi mắt mở to cho tỉnh, buộc cái đầu làm việc, không để nguội máy.
Rõ là tôi bị ngộ độc cái chất lính Mỹ. Suốt tuần qua tôi bám chúng nó đến kiệt sức. Ngày nằm chuồng chim xem Mỹ, đêm thức trắng, lội quanh hay bò vào căn cứ, thêm những cơn căm giận bùng lên nén xuống cũng hao người như mất ngủ. Cả khi chợp mắt một lát - chỉ dám ngủ chập chờn để tránh ngáy và cựa - dưới mi mắt tôi vẫn lổn nhổn từng đống kẽm gai nhào kẹo với lính, mũi tôi thở mùi xăng cháy và bựa đồ hộp, trong khi những khối chiêm bao đen nặng cứ lăn mãi qua đầu, kéo theo chuỗi tiếng nổ lùng bùng không hề dứt. Cuốn sổ tay một trăm trang đã dầy đến hai phần ba những con số, hình vẽ, những dòng lít nhít viết tắt vừa đủ nhớ, những dấu hỏi cần trả lời. Trong khi đó, tôi ngấm độc mỗi ngày một ít mà không biết, đến độ hai ngày phơi nắng đủ quật nhào. Thôi nhé, cho cậu xả hơi vài giờ.
Tôi kéo cánh tay áo trái dầy cộp mồ hôi và đất. Mặt trong của bắp tay ít sù sì nhất. Tôi nhắm mắt, hôn Mẫn một cái thật dài trên bắp tay, gửi đến Mẫn một luồng nhớ sấm chớp và tỉnh ra hẳn.
Có bọn Chu Lai làm nền sẫm, người yêu của tôi càng tỏ rạng gấp bội. Cũng trong những ngày khó nhọc này, tôi càng mừng được yêu Mẫn và được Mẫn yêu. Tôi biết lắm, nếu tôi nằm liệt trong hố cát này, chính Mẫn sẽ đi cứu. Tôi mất đi một tay một chân, Mẫn sẽ bù bằng muôn ngàn chăm sóc nếu không sẻ được tay chân cho tôi. Tôi nghĩ sai, làm bậy, đã có đôi mắt ngạc nhiên của Mẫn ngăn lại, hay một lời khuyên dịu mà rất thấm. Tôi không thể ngờ sẽ tìm thấy một người yêu - đồng chí lạ lùng đến thế trong đời, tuy hồi mới quen Mẫn tôi đi trên mỏ vàng mà chỉ thấy sỏi. “Nó yêu anh, phục anh…”, chị Tám nói vậy. Cái khó bây giờ là tôi phải xứng đáng cho Mẫn yêu và phục mãi mãi – khó lắm chứ - đừng như con công xoè đuôi một lát rồi lại cụp.
Trên người tôi chưa có thứ gì của Mẫn cả, tiếc nhỉ…À, có đây, cây kim băng Mẫn gài thay chỗ đứt nút trên cổ áo tôi. Tôi tháo nó đặt trên bắp tay, hôn lần nữa, bật cười thấy mình trẻ con. Cái miệng ran rát. Môi nẻ nhiều lắm rồi, lớp da ngoài nhám như vỏ cây, cọ đau cả đầu lưỡi liếm. Tôi dốc ngược bi đông, chấm môi vào những giọt rỉ chậm cuối cùng. Cái túi nhựa cho được mươi giọt. Muốn đái mà uống cũng chịu, người tôi không còn một giọt để thải ra nữa, cả mồ hôi cũng kiệt. Cố chịu đến tối. Không cựa quậy nữa, dưỡng sức thôi. Tôi quạt đều, ngắm trời ngắm đất, cho bộ óc đi phép thật xa cái thân cóc phơi hai nắng.
Trên đầu tôi trời trải thảm xanh lơ, đã điểm một ít mây. Trời Việt Nam là gương in hình mặt biển, hôm nay biển lặng nền trời trong. Những cụm mây cao đứng im và mây thấp đang trôi kia là bóng các đảo đang nhìn thuyền ta đi qua. Mấy cục mây đen lấp ló đằng xa: tàu hạm đội Bảy đấy, không thèm ngó, tôi đang giải độc mà. Tôi lim dim uống trời bằng mắt. Tôi lắc lư bay lên, tắm trong biển xanh lâng ấy cho sạch chất Mỹ.
Gió thổi rung tấm dù, không sao, tôi mắc nó rất thấp và con bóng đã đổ nghiêng. Một mảng mây trắng kéo ngang mặt trời, thích ghê. Tôi đang nằm trên cặp cây ganh(7) của một chiếc thuyền tung hết buồm lướt giữa biển xanh và trời xanh, nghiêng ngả. Tấm buồm no gió mở rộng mãi trong mắt tôi.
Buồm trắng… Nhiều cánh buồm lớn trên cao…
Nguyễn Huệ, tôi lại gặp Người?
 
°

*

 
Trường cấp ba Quang Trung rải lớp trong các miếu, điếm canh, nhà đồng bào, dưới những tán dừa Bình Định che mắt tàu bay Tây. Ở đấy có một chú học trò nhóc, đêm xách đèn thầu dầu dừa và ôm ghế xếp tới lớp, ngày lùa trâu ra đồng mang theo vở làm bài.
Chú học chăm, làm nhiều, mơ không ít. Động từ nào của chú cũng thêm tiếng sẽ đằng trước, rất ít đã. Chú ước má may cho một cái quần dài, ước thành tướng của Nguyễn Huệ, hai điều khó gần ngang nhau, bởi má chú nghèo lắm và ông Nguyễn Huệ chết mất rồi. Đêm hè, chú vừa luồn tay đập muỗi đốt chân vừa dịch đoạn văn của Đickenx(8) chép trên bảng, nộp bài xong chú ngồi vẽ những cây thần công dàn trên cửa Thi Nại, còn hai dãy bày chơi trước toà sứ Quy Nhơn. Tới khi gió bấc chuyển lạnh cóng buổi chăn trâu, chú kéo áo tơi lá che cặp chân trần, kê cuốn vở giấy nứa lên đầu gối, tìm cách chứng minh định đề Ơcơlít, đã thèm không được chú mới nhảy lên lưng trâu đánh đi ăn đồng khác, thấy mình đang cưỡi voi tiến vào Gia Định. Cả khi rước đuốc hô loa đòi giảm tô – má chú hẹn bớt tô sẽ may quần dài – chú cũng tưởng đang cùng nghĩa quân Tây Sơn bôn ba đi cứu Thăng Long bị giặc chiếm.
Tất nhiên chú không hở những mộng mị ban ngày ấy cho ai, sợ cười. Giấu sao nổi. Các bạn giễu cả mớ rồi đổi tên chú từ Đặng Đức Thiêm ra Đô đốc Thiêm. Chú gắt, nguẩy, rồi lại thu thú, hay cười tủm tỉm một mình.
Ở cái lứa tuổi mà mặt mũi cũng như tính nết đều đang còn chấm phá, mỗi năm một khác, những ham thích của tôi thường thiếu nét và hay sớm nở tối tàn, chỉ ít lâu sau tôi đã ôn lại để chế nhạo mình. Tuy vậy vẫn có những cái còn nguyên. Thời con nít ấy để lại cho tôi mấy đốm lửa cháy mãi đến nay không tắt, mà đã không tắt thì chỉ có cháy to hơn, lửa thật  hay lửa thiêng đều thế cả.
Tôi mê Bác Hồ, mê lắm lắm. Tôi hay nói chuyện với Bác  bằng những dòng nhật ký nắn nót, cất rất kỹ tuy không có gì đáng xấu hổ. Tôi tập ghép vần thành những câu thơ nhớ Bác, nóng bỏng và lủng củng, chẳng cho ai xem. Sau Bác Hồ đến bộ đội. Tôi không rời được các anh vệ quốc mặc xita xám hay về làng tập trận, hễ mó vào cây súng là tôi nổi trống ngực thình thình.
Một đứa trẻ biết yêu Bác Hồ và bộ đội, còn gì dễ hiểu hơn, nói ra ai cũng ưng ý cả. Riêng cái cảm tình với Nguyễn Huệ thì khác rắc rối. Đã có lúc tôi rầu rầu nghĩ rằng dù sao ổng cũng lỡ dại làm vua, ai lại đi thương một tay phong kiến bự. Đến khi ánh đỏ của tư tưởng mới đã soi sáng thêm những nét đẹp của Nguyễn Huệ, tôi yên bụng, mừng, nhưng vẫn thấy lạ: tại sao một con người khác xa tôi đến thế lại có sức gợi cảm sớm thế, từ tuổi nhỏ? Nếu vì lẽ sinh ra cùng tỉnh, tại sao ba tôi chẳng để ý đến người đồng hương lớn ấy?
Suy đi gẫm lại, tới nay râu đã rậm cằm, tôi mới nghiệm ra rằng tôi luôn khát khao một cuộc sống lý tưởng, nó cùng chiều nhưng ở trên và đi trước cuộc đời thực hằng ngày, tôi cần cả cái quần dài lẫn cái mộng đánh Nam dẹp Bắc. Những chuyện ông già bà lão kể về Nguyễn Huệ, ngày một ngày hai, đã dựng cho tôi từ lúc nào không biết một mẫu người thật đẹp. Nguyễn Huệ đứng trên cao, trông ít rõ, càng hay chứ sao, một chút huyền ảo ở đây chỉ làm đẹp thêm thôi, và khoảng cách cả vùng trời rộng lại cuốn hút tôi vẫy cánh bay mạnh lên theo hướng anh hùng.
Những năm cạo muội trong xi lanh, chi chút hột lúa rẫy hay lái hướng viên đạn không làm tôi bớt mơ ước. Trái lại, cái thế giới của những Con Người Lý Tưởng càng thêm đông, thêm gần gũi. Chung quanh Bác Hồ với Nguyễn Huệ, có Võ Thị Sáu, Thạch Sanh, Lý Tự Trọng, có chú bộ đội cõng tôi đi tản cư, có anh Năm Xáng chính trị viên đã ngã, có nhiều nữa. Tôi kính cẩn đục đá dựng bia trong tim, dành phần sâu kín nhất trong tôi để sống với những người bạn lớn ấy, lặng lẽ đón những bài học về đạo đức làm người.
Có những phút nào đó – như phút này, nằm rã rời sau cơn say nắng, ngay bên giặc Mỹ - khoảng cách giữa các Con Người Lý Tưởng với tôi dần dần biến mất. Tôi hoá thân, tôi buông mình cho tan vào mơ ước, đến với các anh hùng…
Nguyễn Huệ, có tôi đây bên Người!
Trên đoàn tàu rất mới lạ của Người, tôi đang đứng. Mặt tôi sạm đen qua mấy tháng tập trận trên sông Thi Nại, theo tiếng loa rất trẻ của ông đô đốc Tuyết. Tàu đã căng buồm đón nồm, ra trận. Tôi dạo trên sàn gỗ cao, kiêu hãnh ngắm sáu chục khẩu thần công dàn chung quanh be tàu, cúi xem đoàn voi chiến ung dung cuốn cỏ dưới lòng sâu. Chung quanh tôi là bảy trăm bạn thuỷ binh đợi giờ đổ bộ. Anh đô vật làng Cá với những tiếng mô tê răng rứa còn nguyên, là trưởng đội của tôi. Tôi vác súng hoả mai, đeo mã tấu, cầm ống hoả hổ, đang nghe đọc trong loa lời giáo lệnh của Bắc Bình Vương dạy đường ăn ở với dân. Đằng trước, đằng sau, như một đàn cò lớn chưa từng thấy, hơn một ngàn tàu buồm Tây Sơn ào ào bay trên biển Đông, cờ đỏ vẫy rừng rực giữa buồm trắng. Chúng tôi đây, những người lính thuỷ đánh bộ Việt Nam đội trời đạp đất theo Nguyễn Huệ, thắng từ Rạch Gầm thắng tới Hạ Long, thanh gươm mái chèo thu góp lại giang sơn liền một dải, sảng khoái vô cùng!
Nguyễn Huệ… Người mất rồi!
Người không còn đứng trên bành voi gọi chúng tôi bằng cái giọng Bình Định thân thương, vẫy cánh tay áo sạm khói thuốc súng trước hàng quân kéo vào Phú Xuân, Gia Định hay Thăng Long. Chúng tôi nhảy nước mắt nhớ vị tướng dẫn đầu khi nghe lời thơ cắt ruột của Ngọc Hân khóc Người. Ông đô đốc với anh Sáu Thìn biến vào núi Chúa xanh sẫm kia, ra khỏi tầm mắt trần. Tôi còn đây. Đứa cháu Bác Hồ nằm bên căn cứ lính thuỷ đánh bộ Mỹ đây vẫn nghe sang sảng lời Nguyễn Huệ mắng giặc phương Tây, cái bọn mắt rắn xanh từ biển giạt vào, đem khí cầu bay, tàu chiến và súng to doạ người, có gì mà sợ… Bác Hồ tiếp Nguyễn Huệ. Lời Bác sang sảng mắng giặc Mỹ từng ngày rung trên vòm xanh kia. Tôi bay lên. Hãy cho tôi bay cao, lên cao mãi theo bóng buồm trắng của Nguyễn Huệ và những sóng điện mang giọng Bác Hồ, cho tôi đi vào thế giới huyền diệu của lý tưởng làm người…
Tôi nằm trên cát nóng, mở mắt nhìn trời mà mơ dài dài về xưa và nay, cho đến khi bầy F.105 từ phía Bắc sạt tới chọc thủng tường âm thanh bằng tiếng nổ như sét ngang đầu. Chúng nó đưa Thần Sấm đến Chu Lai. Đánh tụi này, chia lửa với miền Bắc sướng nhất. Tôi nhổm dậy, nhấc ống dòm bằng cặp tay đen và tóp hẳn đi. Khoẻ rồi. Lũ máy bay lởm chởm những ngạnh với mấu quần tròn đợi đáp xuống. Tôi lại đào bới cái chuồng Mỹ bằng luồng mắt, trước khi bóng núi miền Tây đổ xuống đến sân bay và trùm lên biển.
Tiểu đội Mỹ gác đằng kia đã kẹp súng ngó ra ngoài lều, phơi những cái xác đỏ cạch và rậm lông như một giống sâu róm lạ, rất độc. Tôi cần hiểu, nhưng chưa có thì giờ để hiểu riêng từng đứa trong bọn chúng, bởi họng súng của đứa nào cũng nhả cái chết vào bà con tôi. Tôi chưa thể nghĩ đến cái lí lịch găngxtơ của thằng Giắc, giấc mộng làm giàu to của thằng Giô, những cơn điên ma tuý, hêrôin của thằng Gim, mánh lới cờ bạc bịp của thằng Giôn, cuộc đời thất nghiệp dằng dặc khổ nhục của thằng Giery, những đêm khiếp sợ mất ngủ của thằng Giétx, và cả thằng Giêmx vừa bị cấp trên hăm doạ vì nói nhiều lời chống chiến tranh nữa, tôi cũng chưa tách riêng được. Chúng nó giăng trước mắt tôi một cái lô cốt xây gạch, phải nện rất mạnh vào cho từng viên gạch rời ra, hòn nát hòn lành về sau mới biết. Trước hết, phải giết nhiều Mỹ.
Cả khối nổ làm rã lô cốt ấy tôi đã có. Nó nhỏ và nhẹ. Đó là mảnh sọ của cháu Hoàn còn dính óc trắng, loà xoà những sợi tóc mịn như tơ.
 
 
 
Ra khỏi hố cát, tôi bò một quãng trong bọt sóng, vọt tiến, nằm ép tránh một tốp lính tuần, túm áo quần vào túi nhựa bơi qua một dải biển thuốn vào đất – chà, nước mặn sao lắm lân tinh, quạt tay rất êm mà vẫn loé xanh biếc – rồi xoa tay dò mìn, trườn qua một lớp rào kẽm gai mới giăng sáng nay. Căn cứ Mỹ mở ra nhanh gớm. Tôi mất hai tiếng đồng hồ để vượt ba cây số, lọt ra ngoài.
Chị Tám đón tôi trong bãi sú với một cặp chai bia cam, em Liềm ít nói, một xoong cháo gà, hai cô du kích. Uống đã. Nước vào đến đâu cái xác héo của tôi sống dậy đến đấy, mát rượi và rất ấm. Đi công tác với các chị được cưng vậy đó, ai chưa biết thì xin truyền kinh nghiệm.
Vừa húp cháo tôi vừa nghe tin sốt dẻo. Trên Tứ Nhơn đang đào địa đạo, việc này giao hẳn cho Đoàn thanh niên, rầm rộ lắm. Út Liềm xuống gọi tôi về làng Cá họp đại hội chi bộ, mời luôn chị Tám dự. Hai cô du kích sẽ dẫn tôi qua vùng cát: có thêm gần ba chục cụm quân Mỹ đóng dã chiến, sư Hai nguỵ rào vòng ngoài kỹ hơn, đường lên xuống phải đổi nhiều. Địch chưa đủ sức càn lớn vì bị hút lên Việt An. Chủ lực ta nện trống chầu trên ấy không ngớt tay, đến trận Việt An 6 rồi, các vùng biển và ven thành được đà rùng rùng nổi dậy. Ta vẫn đua nước rút với Mỹ, rất khoái.
Thấy chị Tám đưa tay ra bắt, tôi hỏi ngớ ngẩn:
- Chị ở lại à?
Ba cô kia bật cười. Chao, vẫn cái nếp nghĩ quân sự “cà nhắc một chân”! Sáng mai Út Liềm với chị Tám sẽ đèo nhau phóng xe đạp qua mũi địch mà về chứ. Một mình tôi phải tốn hai người tiền hô hậu ủng. Chị Tám và các cô không thấy chỗ kém ấy, cứ trầm trồ khen mãi cái anh gan quá gan hùm, vô sân bay nằm lộn với Mỹ. Thôi được, úm ba la chúng ta đều tốt. Tôi theo hai cô du kích luồn trong các bãi sú dọc cửa sông, thỉnh thoảng nép tránh canô quét đèn pha, men theo rào một ấp chiến lược, xuyên qua kẽ hở giữa hai cánh quân nằm rình dọc đường nhựa, lên làng Cá. Tôi không hỏi tên hai cô, chị S.22 vẫn rất nguyên tắc. Sáng mai họ sẽ về, hoặc đi luôn một chuyến chợ An Tân cho tiện đường. Nhẹ thật.
Mới gần nửa đêm, những con đường ruộng trắng mờ chưa ngấm sương sẫm màu. Tôi rẽ về nhà mẹ Sáu theo chỗ rào trổ sau vườn, định treo võng ngủ thật êm để mẹ khỏi dậy nấu khuya bắt tôi ăn. Nhưng nhà mẹ còn đèn sáng ngoài sân. Tôi vào cửa sau, đi rón rén lên nhà trên. Năm sáu bà con đang đạp chè trên cái sân đất rộng. Tôi định “hù” một tiếng chơi, chợt nghe mẹ Sáu gắt:
- Chè mày, chị em xúm đạp hết rồi. Moi hầm cả ngày, về ngả lưng cái đã, không ai khiến mà mày bòng chanh.
Mẫn đáp từ chỗ ang nước:
- Dạ, chơi một lát thôi mà.
Cái giọng tỉnh dìu dịu ấy… Tôi hồi hộp quá. Phần thưởng cho tôi đến sớm, đâm khó ra. Tôi gặp Mẫn lúc này rất không tiện, bởi tóc lợp nửa tai, râu dựng xồm xoàm như bàn chải răng, hệt những cậu trốn quân dịch trong lòng Đà Nẵng. Áo quần thối hoắc đến nỗi tôi đi ngoài ruộng mà chó trong xóm đã sủa, mé đuôi gió. Chẳng cần đỏm dáng, nhưng phải khác con gấu một chút chứ. Đi ngủ nhà khác, không đành. Tôi lùi vào góc nhà tối, ngồi xuống một bộ ván kê sát đất có ba em nhỏ đang ngáy, quạt nhè nhẹ.
Mẫn lẹp kẹp đôi guốc mộc vào sân. Hình như mới tắm xong, tóc kẹp còn láng và áo quần còn nếp gấp. Tay áo xăn, quần vo cao trên vế như sắp đi gặt. Mẫn phải rửa lại chân tay thật kỹ mới được đạp và giũ chè. Ngày xưa làng Cá còn có lệ ai để chân bẩn vào đạp chè là bị phạt heo, bởi chè cả làng  sẽ bị chê nhớp, ế lây.
Moi hầm cả ngày à… Mẫn đang nắm hai thôn vùng cát kia mà. Địa đạo giao hẳn cho các chi đoàn thanh niên nhân dân cách mạng đứng ra tổ chức, sao Mẫn phải… Bỏ mẹ, Mẫn là bí thư xã đoàn, tôi quên phứt, chỉ nhớ cô chi uỷ nắm xã đội hay làm việc với tôi. Lắm chức quá. Mẫn còn là uỷ viên thường vụ của Thanh niên giải phóng, Phụ nữ giải phóng, hình như cả Nông dân giải phóng nữa. Chức nào cũng đúng chỗ cả mới gay. Có lần Mẫn than: “Cháu kẹt lắm, bá nghệ bá tri vị chi bá láp”. Anh Luân gạ luôn: “Mày làm bí thơ kiêm chánh trị viên xã đội, bấy nhiêu thôi nghen?” Chắc chi bộ cũng ưng vậy. Riêng tôi rất mong vậy. Rảnh rảnh để Mẫn được học thêm, được nghỉ một chút, rồi còn làm “chị Thiêm” nữa chứ! Mong cứ mong, nhưng tôi biết tham công tiếc việc như Mẫn thì suốt đời đừng hòng rảnh, trừ phi một lúc nào đó Mẫn ghi vào cuốn sổ công tác đã nát bìa hai chữ “lấy chồng”, kèm một con số thứ tự càng nhỏ càng hay số hai hay ba gì đó…
Người khoẻ bận đào hầm cả, chỉ còn bà già giữ trẻ em ở nhà hái và đạp lứa chè tháng tư âm. Anh chị em du kích hở tay lúc nào lại tạt vào hái một giỏ, đạp vài nhả, trông vào ba lứa chè mỗi năm kiếm tiền sắm võng và áo quần. Cái cảnh đạp chè trông nhàn nhã hơn những đêm mài dừa ở quê tôi. Mỗi người ngả một cái nong sạch trên sân, đặt đèn con trên ghế, kê chung hai người một giá ngang bụng để vịn tay. Chè đã phơi héo. Đôi bàn chân trần đạp nhả chè chầm chậm, nhồi chè thành một khối bằng trái dừa từ từ lăn ra sau, lại túm cả lọn chè ra phía trước, đạp tiếp. Các cử động đều mềm và đẹp.
Mẫn trút chè xanh vào cái nong bỏ không, hỏi:
- Ai hát hay vậy bác?
- Giỡn chút mà. Mụ Ngận với tao giả làm nhơn ngãi hát chơi. Mụ đạp chỗ mày đó.
Út Hoà láu táu chen vào: “Chị Hai hát…”, trượt chân trên lọn chè suýt ngã sấp. Mẫn mắng em như bà mẹ: “Con nít không được nói leo, nhớ chưa?”. Hoà sợ chị một phép, chỉ dám le lưỡi chữa thẹn. Một chị đằng góc tiếp:
- Hát đi Mẫn, mẹ mày hồi xưa thua bác Sáu cái giọng mà giỏi nhớ câu nhứt.
Mẹ Sáu cầm đèn soi vào nong, giũ giũ mớ chè đã nhũn và ngả sẫm gần như đen, chép miệng:
- Có đám hát lớn là bả ngồi sau lưng tao nhắc câu, cha, bả nhớ sắp lớp trong đầu. Mà bả khéo đổi vài ba chữ, chắp câu thành bài thiệt tới lanh. Bả bày mày nhiều lắm mà, Mẫn?
- Con gái đầu lòng, mẹ cháu tập cho hát ru em hoài. Sau thêm ít bài nữ nhi, than nghèo, vè cá vè chim, có gì đâu?
- Bộ mày không nhập tâm được ít chục câu huê tình á?
Mẫn bắt đầu đạp chè, tủm tỉm, có lẽ ranh ngầm:
- Mẹ cháu nói bây còn nhỏ nghe huê tình hư thân, thứ đó đợi lớn lên không ai dạy cũng thuộc nằm lòng.
Bầy pháo 105 dưới Chu Lai nổi bắn ào ào. Đạn nổ mé Quảng Ngãi, chắc anh em vùng Đông Bình Sơn lại làm ăn. Mẫn quay đầu, chăm chú nghe khá sâu, hình như tìm một tiếng gì khác nữa. Mìn, súng nhỏ, lựu đạn, cối cá nhân, những thứ xả dồn dồn vào một người bị lộ giữa rào thép gai hay sa vào ổ phục kích… có phải Mẫn đang lo cho tôi? Út Liềm chưa mang tin về. Tôi muốn gọi riêng cho Mẫn nghe thôi: “Anh đây, em”. Mẫn sẽ được một đêm ngủ ngon, không trăn trở. Khốn khổ cái thân tôi. Ra khỏi vòng vây của hơi xăng, ma dút cháy, tôi càng biết mình quá nặng mùi, và rời bọn Mỹ tồng ngồng thì cái thói quen chỉnh tề của người lính chủ lực, lại làm chủ tôi lập tức. Chịu thôi, đành tạm “co thủ” trong góc tối này.
Đáng lẽ chuồn êm sang nhà chị Biền có cái giếng xây đá ong nước rất ngọt, tắm giặt, cạo râu quay về ra mắt đồng chí xã đội, tôi lại ngồi im ngắm Mẫn cho thoả. Nhớ quá mà. Tại sao hồi mới gặp nhau, tôi chấm bề ngoài Mẫn chỉ được năm điểm trên mười thôi nhỉ? Bây giờ ít nhất phải được tám điểm, còn chừa một ít cho đúng cái lẽ nhân vô thập toàn. Càng nhìn càng ưa, thật chứ. Cả đôi mày rậm đen mà tôi từng chê là Trương Phi cũng góp sức tạo nên một kiểu đẹp riêng không gì thay được, xin gọi là kiểu Phan Thị Mẫn, tôi bắt đầu thấy những cặp mày lá liễu sao nhợt nhạt quá. Đôi chân thon của Mẫn rám đỏ sau mùa gặt, nếu đi đêm hẳn khó làm lộ tiêu cho tôi như trước, đang ấn trên mớ chè, bắp thịt dìu dịu chuyển dưới da như trong một điệu múa dẻo.
Chị hàng xóm giục lần nữa. Tôi đợi nghe Mẫn nhắc cái câu quen miệng: “Mỹ tới bên hông mà còn…” Nhưng Mẫn hơi giật mình, lúng túng như một cô học trò bị gọi giữa lúc đang nhìn qua cửa sổ:
- Dạ, em hát bậy thử…
Chẳng nghĩ ngợi hay đằng hắng dọn giọng gì cả, Mẫn làm luôn mấy câu hò đò đưa. Giọng Mẫn rất ấm và trong, có lẽ là nữ trung, nhưng Mẫn hát hết tám câu cứ trơn tuột đi như ngái ngủ ru em. Coi như dở. Đấy nhé, lần đầu nghe Mẫn hát mà tôi đánh giá được vậy, rõ ra tôi rất công bằng phải đạo. Mẹ Sáu cũng chê thẳng;
- Hát kết mà in đọc bài vậy, ai dám kết với mày.
Mẹ Sáu hát. Mấy chị hàng xóm hát. Út Hoà cũng chen mấy câu quấy về một anh sợ vợ: thiếp ơi, thiếp đánh làm chi cho đau chàng! Mẫn nhồi chè đều chân, hai tay tì lên giá, đầu hơi cúi, nghĩ gì đấy. Khi tiếng cười chung quanh lắng lại, Mẫn từ từ ngửng đầu, tôi bắt gặp ánh chớp ranh mãnh, rất quen trong mắt cô gái. Mẫn hát chậm:
Trái lòn bon trong tròn ngoài méo
Trái sầu đâu trong héo ngoài tươi
Thương anh em chẳng dám nói cười…
 
Cũng cái giọng đò đưa ban nãy thôi nhưng sao tha thiết đến day dứt, xốn xang. Những đôi mắt chung quanh quay lại, đăm đăm:
Nước mắt lai láng chùi hoài không ngớt
Trời hỡi trời, sao chẳng bớt nhớ thương
Sợi chỉ hồng em lỡ vấn vương
Gặp anh một bữa nhớ thương ngàn ngày…
 
Em hát đấy phải không, em của anh? Hay tất cả những câu hát từ xưa rót vào tai anh đã kết thành hạt châu trong bình mật ong, thưởng cho anh đêm nay?
Con sào bịt sắt gác dọc be đã khô. Qua hết thác ghềnh thuyền xuôi trên mặt lụa của sông Lại hay sông Thu Bồn, quãng dưới. Cô lái đò nghiêng thân mềm tới trước, đẩy mái chèo êm như chỉ vịn trên giá đạp chè, bàn chân phải đưa lướt trên sạp ván theo người, và cánh chèo dài vuốt nước ra sau, không quẫy không xao. Giọng hò lọc qua trăng nước, khi bay đến những bờ bắp và dâu đã trong vắt lại, đẫm thơm hoa dẻ hoa lài. Khuya nữa, xa nữa, con thuyền tan vào sương trắng, chỉ còn lời yêu hiện sóng từ đâu đó toả trong khoảng không phớt xanh, chỉ có riêng tôi mới nhận ra Mẫn… Tôi cố kìm tiếng “em” chớm ngọt trên môi. Chỉ một tiếng kêu thầm thôi, tất cả sẽ ngưng đọng ngay thành người yêu bước đến bên tôi, đêm sẽ đen và vắng lại. Đừmg gọi, ánh đèn dầu trên mặt Mẫn nổi sáng quá, xoá hết nét, chỉ còn hai mảng đen của đôi mắt. Hãy để nguyên cho câu hò từ đôi mắt ấy trào ra, run run:
Ngó qua chín bãi mười đồng
Biển xanh xanh lắm mà không thấy người
Mênh mông con nước xa vời
Biết ai còn nhớ những lời ngày xưa
Trông anh như cá trông mưa
Ngày đêm thổn thức như đò đưa trông nồm…
 
Tôi mím môi, nuốt cái gì nghẹn ở cổ. Mẫn đang kể câu chuyện chúng tôi đấy, từ chỗ ngó ngơ đến một lời gắn bó, rồi những hôm Mẫn nhìn xuống mé Châu Lai. Không thể tin đấy chỉ là những câu gọt tỉa từ xưa tình cờ đến với Mẫn, lồng trong giọng hò. Mẫn có thật. Cuộc tình duyên của chúng tôi có thật. Chiêm bao đẹp không thể kéo dài đến tận hôm nay.
Sợi tóc mảnh của tiếng ngân cuối cùng bay xuôi gió rung rinh, chìm dần vào đêm cùng màu. Một chị đằng kia sờ khoé mắt. Cô Rốt Em cầm đuôi tóc đưa lên miệng cắn. Đợi một lát, Út Hoà khịt mũi, hỏi:
- Sao nữa chị?
- Sao là sao?
- Hát hay mà rầu quá. Thương gì phải la trời cực vậy, mọi bữa chị hát vui hơn.
Mẹ Sáu nhắc, giọng rất trầm, khác mọi khi:
- Nghe riết, chè chín không hay cứ đạp nát hết, tao  bị rồi đó…Hồi con gái tụi tao cực trần thân, tới bây giờ sướng quá, chẳng biết gì ráo. Chớ bộ bây là gái đem lòng ưng trai, bây bưng trầu cau đi hỏi chồng à?
- Con trai họ biết chớ. Hả chị Hai?
Mẫn đưa tay vuốt mớ tóc xoã của em gái, nói nửa vui nửa nghiêm mà lại như xin lỗi:
- Mẹ dặn rồi, em còn nhỏ đừng nghe hát nhơn ngãi, tại bác Sáu bắt chị  hát… Con trai họ biết bụng mình. Chê thì thôi, hễ thương họ cũng thương gắt em à.
- Thương sao?
- Chà, họ nói … Say em như bướm say hoa,  như ong say mật như ta say mình. Mê em vì nết vì tình… Mà thôi, đừng nghe chuyện tầm bậy…
- Bậy đâu, hay lắm chị!
- Thôi dẹp, Mỹ nó chực nuốt sống mà ở đó hát tào lao.
Có lẽ loạt pháo nổ loe loé ven đường Một nhắc Mẫn nhớ cái Chu Lai. Quái lạ thằng Mỹ, giữa lúc Mẫn đang mượn lời cũ nói thương tôi, nó cũng sủa vào phá đám! Mẹ Sáu gật gù:
- Con Hai thiệt tốt giọng, bị cái hát ít quá, để hư mất uổng. Bây giờ sẵn có câu nào đánh Mỹ cho ra thử coi. Hay con Hai giỏi chánh trị cứ đặt ra hát, sửa đi sửa lại riết rồi phải hay. Ào đi cháu!
Tôi phập phồng đợi. Nhưng Mẫn chỉ cười, soi đèn xem chè, trút mớ chè chín vào cái nia, tay trái rót nước và tay phải vẩy nhanh vào các ngón cho nước tưới đều. Nia chè ấy đã đầy. Mẫn ém gọn lại, lấy mấy tàu lá chuối phủ lên trên, ủ một đêm để sáng mai tãi phơi trên nong.
Mẫn đạp nhả chè cuối cùng và nói bông về tụi Mỹ sợ trâu như cọp. Phần tôi được mấy phút nhớ cháy bỏng, thế là vừa. Đến lúc này tôi mới nhận thấy các mẹ các cô làng Cá đen chân khắp lượt, như đi tất đen. Da người ngấm nhựa chè chát ban đêm, sáng ra ngấm  bùn ruộng mà. Chân Mẫn rách tươm nhiều lần lại lành, tháo băng trắng muốt rồi đỏ dần lên, ngả nâu với bốn dấu dép cao su hằn rõ, bây giờ đen hẳn trong mùa hè. Hay nhỉ. Tôi không ngờ hai bàn chân có thể kể nhiều về con người đến vậy.
 
Chú thích:
(1) Tiếng lóng của không quân Mỹ, chỉ chung bọn làm việc dưới đất, không bay
(2) Mày định làm gì ở đấy?
Không….
(3)Bởi tụi nó đặt những trái mìn quỷ quái ấy khắp nơi. Nếu mày chán sống… Đi tới đi!
(4) Đạn cao xạ (Flak)
(5) Lát nền bằng thép tấm đục lỗ (pierced steel plank)
(6) Thạch
(7) Hoặc ghênh: cây do dựng bên hông thuyền để giữ thăng bằng
(8) Nhà văn hiện thực Anh thế kỷ 19