Con chị giật mình thức giấc. Ánh sáng xám mờ xuyên qua các thanh gỗ của chiếc cửa ra vào không cho nó rõ bấy giờ là chạng vạng tối hay đang tờ mờ sáng. Bỗng nhiên, tiếng rao hàng ngoài bức thành vang lên lanh lảnh:- Ai mua xôi! Mua xôi đậu xanh, đậu đen, đậu phọng đây!Tiếng rao của người bán xôi dạo chưa đến lần thứ hai, con chị đã ngồi bật dậy gọi em rối rít:- Vy dậy mau lên đi học chứ trễ bây giờ!Con em giật mình tốc mền ngồi dậy và chun ra khỏi mùng.Hấp ta hấp tấp súc miệng, rửa mặt và chải đầu xong, hai đứa ôm cặp chạy nhanh về phía cổng. Ngang qua vườn cây ăn trái, hai đứa nhỏ là hai cái bóng âm thầm. Không gian mờ ảo của ban mai vẫn còn đang chìm vào trong màn sương sớm và hai cánh cửa ra vào của ngôi nhà lớn vẫn còn khép kín; mà nếu chúng bị đóng chặt hay mở toang, cũng chẳng một người nào trong ấy biết hai chị em chúng có hay không hiện diện trong khuôn viên nhà.Vừa ra khỏi cổng, con em đi nhanh như chạy, lo lắng hỏi:- Chị Hạ còn muốn mua cho em bánh mì ở đường Phan Bội Châu nữa không? Mình đi học trễ chưa?Ngước lên nhìn những bóng đèn đường, con chị trấn an em:- Mua chứ! Đèn đường chưa tắt điện như vậy còn sớm lắm, chưa trễ đâu mà em sợ! Mình đi ra đường Phan Bội Châu, chị mua bánh mì cho em, em đừng lo!Nghe chị nói vậy, con em đi chậm lại. Con chị bước song đôi bên nó. Mỗi đứa đeo đuổi một ý nghĩ. Từ xế trưa hôm qua hai đứa ngủ quên cho đến sáng. Mất một buổi cơm chiều, cái bụng trống rỗng của con em nhột nhạt như bị kiến bò. Nghĩ đến ổ bánh mì đầy thịt, nó nuốt nước miếng ừng ực. Con chị vừa bước đi vừa tính toán. Nó không hiểu là có nên mua cho mình một ổ bánh mì không. Tối hôm qua có lẽ cô Sáu quên không thắp hương cho ba của nó nên cô không biết chúng ngủ trong nhà và không cho chúng ăn cơm chiều như ngày trước và bụng nó hoàn toàn đói meo. Tuy nhiên, nếu nó mua một ổ bánh mì thịt cho nó như cho con em thì hai đứa nó chỉ còn lại năm cắc và như thế hai chị em nó sẽ không có tiền chi tiêu cho những ngày sắp tới.Đám trẻ học sinh vây hai người đàn bà bán bánh mì chặt cứng tại góc đưòng Phan Bội Châu và Hoàng Hoa Thám, kêu gọi rối rít:- Dì ơi! bán cho con ổ bánh mì thịt hai đồng đi dì!- Cho cháu một ổ bánh mì cá hộp đi cô!- Một ổ bánh mì chan nước thịt!Bà bán hàng hỏi con chị:- Cháu mua gì?- Dạ một ổ bánh mì thịt cho em cháu.Rọc nhanh ổ bánh mì và nhét thịt vào, bà bán hàng hỏi tiếp:- Còn gì nữa không?Con chị ngập ngừng:- Dì có bán nửa ổ bánh mì không?- Có! Nửa ổ bánh mì nữa hả? Có muốn chan nước thịt không?- Dạ nửa ổ bánh mì bao nhiêu vậy dì?- Năm cắc thôi. Nước thịt cho không, không tính tiền.- Dạ cho cháu lấy luôn. Tất cả là hai đồng rưỡi.Trả tiền xong, hai đứa chia bánh mì và đi thẳng trên đường Hoàng Hoa Thám hướng đến trường Nữ Tiểu Học.Con em nhìn chị ái ngại:- Chị muốn em chia thịt bớt qua ổ bánh mì của chị không?- Không! Chị không muốn ăn thịt đâu!Thật sự, con chị không muốn ăn gì mặc dù bụng nó cồn cào vì đói. Nhai chầm chậm và uể oải, nó suy nghĩ miên man những bài toán chưa làm. Những đề toán như những bài thuộc lòng trong đầu, vậy mà nó không thể nào biết cách giải chúng làm sao cho đúng. Nghĩ đến những đứa bạn cùng lớp, nó lắc đầu từ chối. Hình ảnh những đứa bạn gái nhỏ trong lớp chỉ là những hình ảnh của sự ích kỷ vĩ đại. Nó nhớ có lần nó thuộc làu làu một bài Học Thuộc Lòng và nhắc bài một con bé học yếu nhất lớp chỉ hai chữ thôi, vậy mà con bé trưởng lớp méc cô giáo để cô giáo phạt nó. Con bé lớp trưởng làm sao có thể giúp nó hiểu bài để làm khi mà con bé ấy đã từng thóc mách với cô giáo gây cho nó bị điểm xấu kỷ luật chỉ vì lý do nhỏ mọn là giúp một đứa cần giúp đỡ đến tội nghiệp. Nếu con lớp trưởng hỏi nó “vì sao trò không biết làm mấy bài toán này?” “Vì không nghe cô giảng bài nên tôi không biết làm” sẽ không là lý do chính đáng để nó có thể cầu cạnh được sự giúp đỡ của con lớp trưởng cũng như những đứa học giỏi khác của lớp như lớp phó, đội trưởng và đội phó. Những đứa học trò giỏi thường là những đứa con nhà giàu, hoặc là những đứa có cuộc sống đầy đủ. Chúng có người hầu kẻ hạ hoặc có cha mẹ, anh chị kèm học thêm cho thì chẳng bao giờ chúng có thể hiểu hoàn cảnh khổ sở và bế tắc của người khác; cho nên có than vãn tâm sự bao nhiêu chúng cũng sẽ chẳng nghe cho và chẳng thể nào hiểu cho. Buông trôi với những tuyệt vọng trong trí, con chị quyết định là sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì không hay xảy đến cho thân phận đứa học trò kém may mắn của nó.Đúng như tưởng tượng, hôm ấy nó bị cô giáo la trước lớp về tội không làm bài. Không những nó chỉ có tội không làm bài mà còn tội ăn mặc xốc xếch, và dơ dáy. Thường thường trong giờ kiểm tra vệ sinh, cô thường khám móng tay của những đứa học trò trong lớp. Lần nào cũng vậy, nó luôn luôn là đứa bị nêu danh với tội để móng tay dơ bẩn. Những đường đất bám đầy dưới những móng tay của nó làm cho bàn tay khẳng khiu và đen đủi của nó trở nên dơ dáy nhiều đến nỗi khi nó ngước đầu lên, những cái bỉu môi, những ánh mắt khinh khi, những nụ cười ngạo nghễ cứ chờn vờn mãi trước mặt. Khuôn mặt nó lúc nào cũng sượng trân và cứng lì cho đến khi những lời la mắng quen thuộc của cô giáo văng vẳng bên tai “Đã là học trò mà không ăn mặc sạch sẽ là học trò hư. Đã học Khoa Học Thường Thức mà vẫn ở dơ là người học trò không biết phép giữ vệ sinh cho thân thể.” mới làm cho nước mắt lăn đầy trên má của nó.Đứng trước lớp nghe la mắng rất lâu mà con chị không hề có một giọt nước mắt nào trên má. Sau khi bớt giận, cô giáo bắt nó đứng gần cái bảng xanh lá cây đậm để nghe cô giảng thêm một lần nữa. Mặc cho cô giảng giải những bài toán cặn kẽ bao nhiêu, tâm trí của con chị nhẹ tênh như những phiến mây trôi. Những chữ dơ dáy mà cô giáo dành cho nó trước lớp vang dội vào đầu nó những câu la mắng của bác Cả gái ngày nào một cách nhịp nhàng dồn dập như trống rền “Lũ con ông Đạm dơ như mọi!”, “Cái lũ mọi rợ!”, “Cái lũ ở dơ!”, “Đồ dơ dáy như man ri mọi rợ!” Âm vang của những câu tán thán gợi cho nó hiểu ở dơ là một cái tội lớn lắm. Một cái tội làm cho mọi người khinh bỉ và coi thường. Nó tự trách là đã không tắm rửa, và không ăn mặc đàng hoàng nên mới bị cô chê, bạn cười. Hơn thế nữa, không những ở dơ nên phải chịu cái tên “dơ dáy như mọi rợ” mà ngay cả ba nó đã chết rồi mà tên ông ta cũng bị nêu xấu theo. Mắt nó ngờ nghệch theo những giòng phấn trắng trên bảng của cô giáo. Cô hỏi nó:- Đã hiểu chưa?Nó cúi đầu:- Dạ thưa cô, em hiểu rồi!- Hiểu rồi thì về chỗ chép bài giải vào vở đi. Em không làm bài thì phải lãnh zê-rô.Con chị nhận vở lầm lũi trở về chỗ ngồi. Không nhìn bạn, nó lặng lẽ chép bài giải vào vở.Trên đường đi học về, không nghe chị nói năng gì, con em lo lắng hỏi:- Chị Hạ có sao không?Con chị lắc đầu không trả lời. Con em hỏi tiếp:- Có phải chị lo mình không có gì ăn trưa không? Nếu không có gì ăn mình ngủ cho đỡ đói cũng được!- Mình sẽ ăn cơm với mắm. Chị sẽ nấu cơm cho em ăn. Ráng ăn với mắm một lần nữa đi. Khi nào má về sẽ cho mình ăn cơm với thức ăn. Chiều tối chị sẽ mua kẹo cho Vy ăn. - Vậy em ăn cơm với mắm để tối ăn kẹo. Em sẽ phụ chị lượm cây khô để nấu cơm.Hai đứa vừa bước đến hàng dửa, chị Cựu hỏi vọng từ bờ giếng- Tối hôm qua hai đứa ngủ một mình ở nhà hả?Con chị khẽ gật đầu không nói.Nhìn cái nồi đục nước đen cạnh cái lu nước, chị Cựu tiếp tục hỏi:- Hôm qua tụi bây nấu cơm khét ăn phải không?Con chị lại gật đầu. Chị Cựu nói to như đang la làng:- Trời ơi! Sao tụi mi gan chi mờ gan dữ rứa? Tau tưởng tụi mi ngồi chơi ngoài vườn một tí rồi đi ra nhà cậu mợ Bảy lại chứ biết rứa mô!Hai đứa im lặng. Chị Cựu hạ giọng:- Nói rứa là tụi mi ngủ trong nhà tối hôm qua hỉ? Có khóa cửa không?Hai dứa lắc đầu:-Tụi em ngủ quên, chỉ khép chứ không móc cửa.- Mần răng mờ tụi mi không chịu ở nhà cậu mợ Bảy? - Em nhớ nhà, muốn ở nhà của tụi em thôi!- Nhà tụi mi có ai mô mờ ở? Ở nhà cậu mợ Bảy có người hầu kẻ hạ không muốn, về đây nấu cơm khét ăn sướng hỉ!Con chị không trả lời, lặng lẽ vào nhà cất cặp, con em đi theo sau. Chị Cựu rửa chén xong, quay vào bếp của bác Cả. Một lát sau, chị hấp tấp bưng một dĩa cơm và một chén cá thừa trở ra, vào tận căn nhà nhỏ, hổn hển nói:- Đưa cho tau cái tô cái chén chi tau xớt mấy đồ ăn ni cho mờ ăn. Đi học về mệt hơi sức mô mờ nấu!Con chị cảm động:- Em cảm ơn chị.Nhìn chị Cựu trút thức ăn vào hai cái tô nhỏ, con chị khe khẽ hỏi:- Khi nào rảnh chị dạy em nấu cơm được không? - Nói rứa là bọn mi nhất định ở nhà luôn hử? Chị Cựu chau mày hỏiCon chị gật đầu:- Dạ em muốn ở nhà đây luôn cho đến khi má em về.- Răng mờ mi không chịu ở nhà cậu mợ Bảy? Răng mờ mi tự tung tự tác rứa?- Em muốn ở nhà của em, nơi có bàn thờ của ba em. Chị đừng nói với ai là tụi em về đây. Mọi người sẽ đuổi tụi em tới nhà cô chú Bảy Mỹ, chứ không giúp cho tụi em ở nhà của tụi em đâu!Chị Cựu nhìn hai đứa nhỏ thương hại:- Thôi được, tụi mi ăn cơm đi! Khi nào muốn học cách nấu cơm tau chỉ cho mờ nấu. Chừng nớ tuổi học cách nấu cơm cũng được rồi. Nhưng mờ nấu cơm rồi ăn với cái chi? - Tụi em sẽ ăn cơm với nước mắm hay muối.- Ăn cơm với mắm, muối răng mờ chịu cho thấu? Rứa thì để tau nấu thêm mỗi thứ một ít để dành cơm dư, canh dư cho tụi mi. Khỏi phải nấu nữa! Chờ mạ tụi mi về rồi tính sau. Chừ ăn cơm đi!Con em xúc cơm vào chén, giục con chị:- Mình ăn cơm đi chị!Liếc mắt nhìn nhúm cơm ít ỏi trong cái tô, con chị dịu dàng bảo em:- Vy ăn hết cơm đi! Chị không đói.- Chị không ăn gì mà sao không đói?- Chị không muốn ăn. Nếu Vy không ăn hết thì cho mấy con chó ăn đi!Nhìn hai con Kiki và Vàng đang nằm thè lưỡi, chăm chăm trước mặt, con em lắc đầu:- Không đâu! Để em ăn hết cho chị cho!Con chị ngước mặt hỏi chị Cựu:- Có phải chị lấy cơm của hai con Kiki và con Vàng cho tụi em ăn không?- Ừ! Chứ mần răng tau có cơm cho tụi mi?Nhìn vẻ đăm chiêu của con chị, chị Cựu nói tiếp:- Mi khỏi lo! Tau không cho tụi hắn ăn, cô Út cũng cho tụi hắn ăn mờ.Con chị lắc đầu:- Em không lo đâu. Em đang nghĩ cách giặt áo quần. Chị có thể dạy em cách giặt áo quần được không?- Giặt áo quần có chi có đâu mớ dạy! Mi bỏ áo quần dơ vô thau ngâm cho đất cát bở ra, đổ nước dơ đó đi rồi lấy bàn chải và xà bông chà áo quần cho sạch. Chà sạch áo quần xong thì đem ra xả nước sạch hai ba lần. Xả xong, vắt áo quần cho ráo hết nước rứa là mà đem phơi thôi.Con chị gật gù:- Em nhớ rồi. Em hay xách nước cho má em xả đồ nên em biết!Chị Cựu gật đầu, nhìn nó dịu dàng:- Có chi mô mờ khó nờ! Đưa mắt để ý một chút thì học được ngay thê!- Vậy còn châm đèn dầu thì làm sao?Đặt chén dĩa dưới nền nhà, chị Cựu tất tả bước vào”phòng thờ” lấy chiếc đèn dầu lớn. Cẩn thận đặt nó giữa nền nhà chị giảng giải:- Mi mở cái bóng đèn để xuống như ri nì! Vặn cái chốt này cho tim đèn nhu lên như ri nì! Rồi đem cái đèn lớn ni đến bàn thờ lấy nhang châm lửa từ cái đèn của ba mi vô cái tim của cái đèn ni! Khi tim đèn cháy xong là mi lấy bóng đèn đậy lại. - Để em làm thử coi.Con chị thực hiện các bước theo đúng sự chỉ dẫn. Chị Cựu cười hả hê:- Rứa! Rứa! Rứa! “Có chi mờ khó nờ!” Nhưng mờ khi mi đậy cái bóng đèn vào mi nhớ ấn hắn xuống chặt như ri. Đừng có sợ lửa mà ấn lơi lỏng như rứa, đến khi mi bưng đèn đi, bóng rớt vỡ tan thì không có ai mua bóng đèn khác cho mi thay mô.- Em biết rồi! Em nhớ rồi!Chăm chú nhìn ánh lửa trong ngọn đèn dầu con chị hỏi:- Khi em muốn tắt đèn, em phải làm sao? - Mi vặn cái chốt hướng ni nì. Tim đèn xuống thấp thì đèn tắt ngay. Nhìn xung quanh nhà chị hỏi:- Tối hôm qua tụi mi ngủ trong nhà tối thui không sợ sao?- Sợ gì?- Sợ ma.- Em chưa thấy ma nên chưa sợ. Nhưng mà em không sợ ma đâu. Nếu có ma dữ thì cũng sẽ có ma hiền. Hơn nữa, trong nhà này có bàn thờ ba em, em không sợ đâu. Có gì ba em sẽ phù hộ em.Chị Cựu đứng lên:- Thôi được! Tau phải vô nhà trong làm việc. Có chi chiều tau ra cho tụi mi ăn. Bây giờ mi muốn làm chi thì làm đi!Con chị nhìn chị Cựu với ánh nhìn biết ơn:- Em cảm ơn chị nhiều. Xin chị đừng nói ai biết tụi emvề!Chị Cựu im lặng lắc đầu. Chị ta vừa bước ra khỏi nhà, con chị vội thu dọn đèn dầu, và các thứ rồi sắp xếp ngay ngăn theo vị trí cũ trong phòng thờ. Nó dùng giẻ lau bụi trên bàn thờ, trên bàn học, quét nhà và xếp đặt giường chiếu. Nó sai con em đem chén bát ra ngoài lu để nó rửa với những cái chén cũ còn ngâm trong nồi. Nó sắp xếp chén bát ngay ngắn và dọn dẹp bếp tươm tất. Xong xuôi mọi việc, nó giục em đi tắm và đem hai cái thau ra giếng giặt đồ.Ngạc nhiên với những hành động kỳ quái của chị, con em hỏi:- Vì sao mình tắm buổi trưa?- Vì hôm qua mình chưa tắm.- Vì sao chị giặt đồ?- Má không có ở nhà, mình phải giặt đồ cho mình mới có đồ sạch đi học được chứ?- Vì sao chị dọn dẹp đủ thứ đồ trong nhà vậy?- Để cho nhà mình sạch hơn đó em! Và cũng không để cho ai nói chị em mình dơ nữa.- Mọi người hay nói mình dơ rồi! Người ta quen nói rồi! - Nhưng mà chị không muốn nghe ai nói hai chị em mình dơ nữa!Chăm chăm nhìn mặt con em, con chị khẳng định thêm một lần nữa:- Nhất định không để ai nói chị em mình ở dơ nữa nghe Vy! Cũng đừng để ai kêu tên ba mình ra khi chửi mình dơ nữa!