Bà Từ Dũ là mẫu thân vua Tự Đức, Bà là người vừa nuôi nấng vằ dạy học cho nhà vu. Bà rất nhân hậu nhưng cũng rất nghiêm khắc. Suốt 36 năm Tự Đức ở trên ngai vàng, các lễ nghi giao tiếp giữa bà Từ Dũ và nhà vua không hề thay đổi, nghĩa là tương quan mẹ hiền con hiếu vẫn duy trì một cách đẹp đẽ. Cuộc đời làm vua của Tự Đức có lắm chuyện buồn. Để giải buồn, vua thường xem hát bội hay đi săn bắn... Bà Từ Dũ khuyên con không nên săn bắn. Có lần nhà vua dâng mẹ mấy con chim mới bắn được, bà lựa ra những con chim bị thương tích nhưng có thể sống được, đem xức thuốc, nuôi cho lành rồi thả chúng bay đi. Bà lấy chuyện Cao Hoàng Hậu đã dạy để nhắc nhở Tự Đức: - Vật cũng như người, bắn chết con trống thời con mái thương nhớ, bắn con con thời con mẹ thảm buồn, rứa thời bắn làm chi? Muốn tập bắn thời bắn súng điểu thương cho quen, bắn bia hay hơn... Tự hậu phải bớt bớt đi, chẳng nên sát hại sanh vật. Một hôm rãnh việc triều chính, vua Tự Đức ngự săn bắn tại rừng Thuận Trực, bên bờ sông Lợi Nông. Vì sợ mưa phải đi gấp, nhà vua không kịp bấm mạng, ông dặn nữ quan ở nhà tâu lên bà hay. Chẳng hay vị nữ quan bận rộn công việc quên lững không tâu. Đến khi trời mưa to điềm báo sắp có lụt lớn bà mới hay vua Tự Đức đi săn. Bà hết sức lo âu. Hơn nữa trong Nội sắp có kỵ vua Thiệu Trị, mà vua Tự Đức chưa về không biết sắp đặt thế nào. Bà liền sai quan Đại thần Nguyễn Tri Phương đi rước... Đi được nửa đường, cụ Nguyễn Tri Phương thấy thuyền ngự đang chèo lên. Vì nước chảy mạnh nên dù cố hết sức thuyền cũng không đi mau được. Gần tối, thuyền ngự mới về đến Nghinh Lương. Trời vẫn mưa như trút, vua Tự Đức vội vã lên kiệu trần ngự thẳng vào cung Gia Thọ lạy xin chịu lỗi với mẹ. Giận con, bà Từ Dũ ngồi quay mặt vào màn, không nói một lời. Vua Tự Đức tự tay nắm lấy một cây roi mây dâng lên đặt trên tràng kỷ rồi nằm dài xuống chịu đòn... Sau một hồi lâu, bà Từ Dũ xoay mặt ra, đưa tay hất cây roi mà ban rằng: - Có một mẹ một con, con đi đâu lâu, thời mẹ ở nhà trông đợi lắm. Sao con đi không báo cho mẹ hay trước? Thôi, tha cho. Đi chơi để quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta! Vua Tự Đức khấu đầu lạy tạ lỗi: - Từ nay con không dám vậy nữa! Khi vua Tự Đức lui ra, bà còn dặn: - Lo ban thưởng cho xong để ngày mai đi hầu kỵ. Vua rời cung Gia Thọ. Đêm hôm ấy tại điện Càn Thành ông thức rất khuya để thực hiện những điều mẹ dạy.( Theo Liệt truyện và chuyện kể của cụ Thân Trọng Huề trích trong VNSL tập II)