KHÔNG LÀM MỘT CHIẾC “MÁY HÚT BỤI” CHỈ NGUYỆN LÀM MỘT “CON ONG MẬT” CHUYÊN CẦN Từ sau chuyến đi du ngoạn về phương Nam, tôi phát hiện thấy Đình Nhi có những thay đổi khá rõ rệt. Cháu không còn hay tíu tít chuyện trò với tôi như trước đây. Tự nhiên cháu trở nên thích lặng lẽ quan sát một mình, thích một mình trầm tư suy nghĩ. Thậm chí, có lúc đã bị tôi trách mắng nặng lời, cháu cũng chẳng buồn cãi lại, cứ lặng lẽ bỏ đi. Vả lại nếu những lúc như vậy chỉ cần cháu cãi lại một câu, chắc chắn giữa hai mẹ con sẽ trở thành to chuyện. Khi học năm thứ hai bậc sơ trung, cũng chính là lúc tâm lý chống đối của Đình Nhi bước vào giai đoạn cao trào nhất. Có những lúc cháu đã dám cãi lại cả tôi: “Ai quy định bắt buộc trẻ con cứ phải nghe lời người lớn?” Thấy được tính chất ngiêm trọng của vấn đề, tôi đã nhẹ nhàng khuyên bảo cháu, hai mẹ con cùng đọc lại cuốn “Kỷ cương nề nếp đối với học sinh trung học”. Tự Đình Nhi cũng biết rằng “lứa học sinh trung học hiện nay luôn có tâm lý chống đối”. Những quan niệm, những chuẩn mực mà cha mẹ, các thầy cô giáo và cả xã hội khẳng định, lại luôn bị xem thường, chế giễu và bài xích trong giới học sinh trung học. Nguyên nhân thật giản đơn: lên trung học rồi, trưởng thành rồi, phải có tính độc lập chứ. Nhưng lại không biết nên thể hiện thế nào, thế là họ bèn thể hiện “cá tính” và “tính độc lập” của mình bằng cách xem thường tất cả mọi chuẩn mực bấy lâu nay xã hội đã thừa nhận. Rõ ràng, đây chỉ có thể là biểu hiện của tính ấu trĩ mà thôi. Nói vậy chứ sức mạnh của quy luật tự nhiên thật khó mà cưỡng lại được. ĐÌnh Nhi cũng vậy, trong lòng luôn biết rằng, cha mẹ nói như vậy là rất đúng, nhưng ngoài miệng, bất kể đúng sai, cứ phải cãi lại cái đã, và hơn thế nữa, đã từ lâu cháu không cho chúng tôi xem nhật ký. Về việc giáo dục con trong lứa tuổi "chống đối" đó, chúng tôi sẽ giới thiệu trong chương sau. Nói chung, cách suy nghĩ của chúng tôi là phải quản cả hai mặt: một là luôn động viên Đình Nhi phải độc lập suy nghĩ, phải biết tự mình phân biệt được đâu là thiện là ác, tốt, xấu trong học tập và cuộc sống của mình. Mặt khác, cha mẹ phải chủ động điều chỉnh phương pháp giáo dục của mình, để Đình Nhi dễ dàng tiếp nhận những tư tưởng và biện pháp đúng đắn của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng, những nền móng tư tưởng mà Đình Nhi đã định hình được từ những năm tiểu học không dễ gì bị đảo lộn, ý chí tiến thủ mãnh liệt của Đình Nhi sẽ thúc đẩy cháu tìm được những người thầy mẫu mực nhất. Còn việc sợ Đình Nhi bị ảnh hưởng bởi bạn bè, chúng tôi luôn nhắc nhở cháu: nguyện là một "con ong mật", chuyên cần, chứ không làm một "chiếc máy hút bụi" vô tri vô giác. Mãi tận mấy năm sau, chúng tôi mới có dịp đọc lại những trang nhật ký của Đình Nhi trong những năm học bậc sơ trung. Những trang nhật ký ấy đã chứng tỏ rằng, cách làm cuả chúng tôi là rất có hiệu quả. Những sự tìm tòi và suy nghĩ của Đình Nhi luôn có được những kết luận như chúng tôi hằng mong muốn. Có được quá trình đó, cho nên những quan niệm tư tưởng đúng đắn của Đình Nhi không còn là sự sắp đặt của cha mẹ và thầy cô giáo nữa, mà nó chính là kết quả cuả một sự thể nghiệm chính bản thân Đình Nhi. Chúng tôi không có tham vọng giới thiệu tất cả, mà chỉ chọn ra đây mấy bài tiêu biểu mà Đình Nhi đã viết khi cháu còn đang học năm thứ hai bậc sơ trung. Dũng khí và sĩ diện Dũng khí, theo từ điển giải thích là khí phách dũng cảm, dám làm dám chịu. Trong quan niệm của mọi người, dũng khí là sự can đảm hơn người, được thể hiện ra trong những giờ phút nguy kịch nhất. Kỳ thực, trong cuộc sống, dũng khí ở chỗ nào cũng có. Ví như, hôm nay trong giờ làm bài tập, yêu cầu ai làm xong trước tự giác đứng lên. Kết quả là, có nhiều bạn đã làm xong bài rồi, nhưng không ai dám đứng lên. Nguyên nhân chính là thiếu tự tin với đáp án của chính mình. Tôi cũng là một trong những người đã làm bài xong rồi, nhưng không có dũng khí đứng lên. Sau khi làm xong bài, tôi nghĩ: "Có nên đứng dậy hay không". Nếu đáp án của mình sai, thì thật là xấu mặt! Tốt nhất, chả đứng lên làm gì. Sau này có người đã mạnh dạn đứng lên trả lời, tôi thấy rằng, đáp án của mình là đúng. Bây giờ nghĩ lại, thấy mình lúc đó sao mà hèn nhát vậy, chỉ sợ mình sai, và nếu sai - thật là mất mặt. Tính sĩ diện cuối cùng đã chiến thắng cả dũng khí. Cảm thấy xấu hổ, vì hôm nay tôi là một kẻ hèn nhát. Ngày mai, chắc tôi không thế nữa. Chăm chỉ và lười biếng Trước đây không biết ở quyển sách nào, tôi đã đọc được một câu khá ngộ nghĩnh: "Quét nhà - một công việc kết hợp cả lao động trí óc và chân tay, vừa phải đổ mồ hôi công sức trước mặt thầy cô giáo, lại phải vừa nghĩ cách để không ai vứt rác bừa bãi". Điều này hình như rất đúng với thực tế. Khi cả trường làm tổng vệ sinh trong phòng ở, thì lại khác, có những bạn luôn tìm cách trốn tránh. Tôi nghĩ, chính vì bạn ấy chưa nhận thức được đúng đắn tầm quan trọng của lao động: nó không chỉ phục vụ cho học tập, mà còn là sự rèn luyện của chính mình, là sự bồi dưỡng một thói quen lao động. Nếu không tự nhận thức được điều đó, mà chỉ làm việc vì bị bắt buộc hoặc sựo hình phạt, đương nhiên không thể nào giải quyết được vấn đề. Hùng biện và kỷ luật Hôm nay ở trên lớp, tôi đề nghị các bạn chơi trò "toà án". Tôi phân công các bạn, người đóng nguyên cáo, người đóng vai bị cáo, người đóng luật sư buộc tội, người đóng luật sư bào chữa và cả một hội đồng bồi thẩm nữa. Chúng tôi muốn thông qua trò chơi này để rèn luyện tài hùng biện của mỗi người. Các bạn trong lớp ai cũng hoan nghênh. Cả lớp sôi nổi hẳn lên nhao nhao tranh luận, không tài nào giữ được trật tự như ban đầu. Chỉ riêng công việc "dẹp loạn" ấy dể đưa được mọi người vào nề nếp kỷ luật đã mất đến già nửa thời gian. Qua đó tôi thấy rằng, vấn đề kỷ luật là vô cũng quan trọng. Nó chẳng khác gì một cái van an toàn, giữ cho việc học tập và công tác được tiến hành thuận lợi. Vấn đề mà mọi người hay bỏ qua, luôn cảm thấy gò bó và khó chịu ấy, thật ra rất quan trọng. Cũng như vậy, những con người tưởng chừng rất bình thường, rất giản dị, nhiều khi lại là những con người siêu phàm nhất. Siêu phàm nhấtKhi làm bài thi bỏ sót những vấn đề cần làm, hiện tượng này không chỉ xảy ra một lần với tôi. Nhưng lại nghĩ rằng, đấy chỉ là sự thiếu thận trọng nhất thời, chỉ cần lần sau thận trọng hơn tí chút là có thể tránh được thôi mà. Kỳ thực, cái gọi là "nhất thời" ấy chính là ngọn nguồn của mọi sai lầm. Coi sai lầm là một sự ngẫu nhiên, sao không thấy rằng đó chính là một sự "ngẫu nhiên" tất yếu. Không chỉ việc bỏ sót đề thi, mà còn nhiều sai sót khác tôi cũng quy tội cho nó chỉ là sự "ngẫu nhiên"... Nhưng khi làm bài, đầu óc dù căng thẳng đến đâu, có ai quên cả tên mình. Chính vì chưa luyện tập thành một thói quen thuần thục, chứ đâu phải là một sự ngẫu nhiên. Một phút thành công, mười năm khổ luyện. Mười năm khổ luyện tránh cho bạn rất nhiều sự "ngẫu nhiên".. Việc học tập của chúng ta cũng phải mất nhiều năm khổ luyện, đến khi cần gì phải lo chuyện ngẫu nhiên. ... Để loại bỏ mọi sự "ngẫu nhiên", phải thường xuyên luyện tập. Tiền bạc và tình bạn Chủ nhật tuần trước là ngày sinh nhật của một người bạn tôi từ thời tiểu học. Vì thời gian gấp gáp tôi không thể đến chúc mừng bạn được, chỉ gọi điện thoại đến chúc mừng. Bạn ấy khoe với tôi, năm nay được nhiều quà lắm, mà toàn loại đắt tiền, quà tặng thấp nhất cũng mười mấy đồng bạc, còn có những món quà đến hơn ba trăm đồng, loại một trăm đồng thì nhiều lắm... Nghe xong tôi bất giác nghĩ: để chúc mừng một người bạn sinh nhật mà phải tiêu tốn của cha mẹ mấy chục đồng bạc mua tặng phẩm chẳng phải là xa xỉ lắm sao! Có người vẫn cho rằng, tặng phẩm quý mới là thân thiết. Tôi lại phản đối kiểu dùng tiền bạc để xây dựng tình bạn. Vì rằng tình bạn phải được xây dựng trên cơ sở hiểu biết nhau, tin cậy nhau chứ không thể xây dựng trên cơ sở vật chất. Tôi cũng mong các bạn hãy chống lại kiểu "tình bạn vì tiền" này. Tình bạn phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, chứ không thể bằng tiền bạc. Bơi lội với học tập Ngày mai, khoá học sinh chúng tôi tổ chức đi bơi. Tôi vẫn nghĩ, chắc mọi người sẽ hăng hái lắm, thế mà chỉ có chưa đầy một nửa số người đăng ký. Nhiệt tình thể thao của lớp tôi ở mức độ thật đáng buồn! Có nhiều bạn nói: thời tiết đẹp như thế này mà đi bơi, thì thật là phí. Tôi không tán thành ý kiến đó. Thể thao rất có lợi cho sức khoẻ, sức khoẻ tốt mới học tập tốt được. Đây là cách học tốt nhất, chứ không phải suốt ngày chỉ chúi đầu vào sách vở. Cái đầu và cuộc đời Hôm nay tôi đọc được một câu chuyện khá hay: nhà tâm lý học người Mỹ Barcon tổ chức một "bữa đại tiệc cho thanh niên". Ông yêu cầu mỗi người đến dự phải viết một bản tự giới thiệu về mình. Có một thanh niên vẻ mặt thất vọng mang đến nộp cho Barcon một bản tự giới thiệu, trong tờ giấy đó chỉ có ba cái dấu: "-!.". Người đó giải thích rằng: "Dấu gạch ngang (_) có nghĩa là anh ta đã có một thời tung hoành ngang dọc, còn dấu chấm than (!) ám chỉ: mọi việc đều thất bại; còn dấu chấm hết (.) tức là mọi việc đã kết thúc rồi". Xem xong Barcon cũng ghi lại ba cái dấu khác ngay dưới đó: ",...?". Ý đồ nhà tâm lý học muốn động viên người thanh niên đang có tư tưởng buồn chán tự ti đó: "Tuổi trẻ mới chỉ là một quãng đường ngắn trong cuộc đời - ông biểu thị bằng dấu phẩy (,); con đường phía trước đang còn dài, tiền đồ lại đang rộng mở, Barcon biểu thị bằng những dấu chấm lửng (...); lẽ nào bạn chưa nghe nói rằng: "Sự hối cải và biết phấn đấu vươn lên của những kẻ tầm thường thật đáng trân trọng", hay sao? - Đó là biểu thị của dấu chấm hỏi (?)". Đúng vậy, trong cuộc đời của mỗi con người ai chả từng chịu thất bại, có nhiều người hễ cứ thất bại là lại thất vọng tự ti, những con người trong khó khăn, thất bại mà vẫn lạc quan tin tưởng ở tương lai của mình như ông Barcon đây không phải là nhiều. Muốn thành công, không thể thiếu được những niềm lạc quan như vậy. Học sinh nam và học sinh nữ Với chúng tôi, năm thứ ba bậc sơ trung chỉ còn trong gang tấc. Có nhiều người nói, các học sinh nữ trong năm học này dễ bị "suy sút tụt hậu". Tôi cho rằng câu nói này cũng có lý của nó. Ở lứa tuổi này, các bạn trai chỉ việc học và học, còn bọn con gái chúng tôi có nhiều điều phải lo nghĩ! Nhưng theo tôi cũng không phải hoàn toàn như vậy. Bởi vì, đã có biết bao tấm gương rất thành công trong đại nghiệp ở phái nữ chúng tôi, tiến sĩ, anh hùng đâu phải thiếu. Điều đó chẳng đủ để cho các bạn tăng thêm lòng tự tin hay sao? Tôi hoàn toàn không muốn tự trói mình bởi quan niệm mà đởi hay nói: "Con gái tóc dài nhưng đoản chí, để rồi nhụt chí nản lòng, chưa đánh đã ngã". Tôi muốn đem hết sức mình ra để phấn đấu tranh đua. Chưa biết kết cục như thế nào, nhưng tôi vẫn rất tin ở bản thân mình. Tục ngữ có câu: "Gái có công, chồng chẳng phụ" kia mà. Tôi cũng mong muốn tất cả chị em phụ nữ chúng ta, hãy mạnh dạn vươn lên, để đến cuối đời không phải hối hận! Quả báo với vận may Hôm nay, tôi nhận được một bức thư rất kỳ lạ, cuối thư có ký tên: "Lão phật gia". Trong thư có nói tôi phải chép lại lá thư này 20 bản và trong vòng 96 tiếng đồng hồ phải gửi đi hết cho các người thân quen. Nếu làm như vậy, tôi sẽ gặp vận may, còn như nếu không tôi sẽ bị quả báo. Sau đó, người viết thư còn lấy ra hàng loạt ví dụ để chứng minh. Những lá thư kiểu này, tôi đã được nghe nói đến vài lần. Lúc ấy, tôi đã từng tự tin mà nghĩ rằng: nếu mình nhận được một lá thư như vậy, mình sẽ coi như một tờ giấy bỏ đi, đem ra nháp toán. Nhưng giờ đây quả thực mình đã nhận được rồi, mới biết rằng nó thật ghê gớm. Tôi vốn không mê tín, nhưng cứ nghĩ đến câu "nội trong chín mươi ngày sẽ bị quả báo", lòng thấp thỏm không yên. "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" là suy nghĩ của số đông người về những sự việc đại loại như thế này. Phải chăng mình cứ thử làm xem, đề phòng bất trắc... Nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định: cứ chép ra 20 bức thư này, có làm sao. Hãy khoan, đây chẳng phải mình đã đầu hàng tư tưởng mê tín dị đoan sao? Biến mình thành một kẻ nô lệ của nó ư? Đầu tôi bỗng vang lên câu nói đó. Tôi như chợt tỉnh, phải rồi, các loại thư tín kiểu này đã triệt để lợi dụng tâm lý lo xảy ra tai hoạ và nỗi ước ao đối với vận may của con người. Có thể đây cũng chính là nguyên nhân cho tư tưởng mê tín dị đoan tồn tại. Cuối cùng, tôi dứt khoát xé bức thư ấy, không thể đặt hy vọng của mình vào những sự viễn vông như thế. Tất cả những cái già là vận may, là phúc phận đều phải từ sự phấn đấu của chính bản thân mình.