L ão Tử, người làng Khúc Nhàn, Hưng Lệ, huyện Khổ, nước Sở, họ Lý, tên Nhĩ, tên tự là Bá Dương, tên thuỵ là Đam. Ông làm quan sử giữ nhà chứa sách của nhà Chu. Khổng Tử đến Chu, muốn hỏi Lão Tử về lễ, Lão Tử nói: - Những người ông nói đều tan xương nát thịt cả rồi, chỉ còn lời nói của họ thôi ( Khổng Tử chủ trương theo lễ nghi của các vua đời trước. Lão Tử bác lại ý kiến đó). Vả lại, người quân tử gặp thời thì xe ngựa nghênh ngang; không gặp thời thì như cỏ bồng xoay chuyển. Tôi nghe nói: “Người buôn giỏi thì biết giấu của báu, khiến người ta thấy dường như không có hàng, người quân tử có đức tốt thì diện mạo dường như ngu si” (Hai câu này đều trong Đạo Đức Kinh ). Ông nên bỏ cái khí kiêu ngạo cùng cái lòng ham muốn nhiều, cái vẻ hăm hở cùng cái chí tham lam đi. Những cái ấy đều không có ích gì cho ông. Tôi chỉ bảo ông có thế thôi. Khổng tử ra đi, bảo học trò: - Con chim, ta biết nó biết bay ; con cá ta biết nó biết lội ; con thú, ta biết nó biết chạy. Đối với loài chạy, thì ta có thể dùng lưới để săn ; đối với loài lội thì ta có thể dùng câu để bắt ; đối với loài bay thì ta có thể dùng tên bắn ; đến như con rồng cưỡi mây cưỡi gió lên trời, ta không sao biết được! Hôm nay gặp Lão Tử, ông ta có lẽ là con rồng chăng? Lão Tử trau dồi đạo đức, học thuyết của ông cốt ở chỗ giấu mình, kín tiếng. Ông ở nhà Chu đã lâu, thấy nhà Chu suy bèn bỏ đi. Đến cửa quan, quan coi cửa là Doãn Hỷ nói: - Ông sắp đi ẩn rồi, hãy gắng vì ta mà làm sách. Rồi Lão Tử bèn làm sách,gồm hai thiên: thượng, hạ, nói về ý nghĩa của “đạo” và “đức” hơn năm nghìn chữ. Đoạn ra đi, không ai biết chết như thế nào. Có người nói: - Lão Lai Tử cũng là người nước Sở, làm mười lăm thiên sách nói về công dụng của Đạo gia. Ông ta cũng sống một thời với Khổng Tử. Đại khái Lão Tử sống hơn một trăm sáu mươi tuổi, có người nói ông hơn hai trăm tuổi, vì ông tu đạo để kéo dài tuổi thọ. Sau khi Khổng Tử mất 129 năm, sử ký chép thái tử nhà Chu tên là Đàm, yết kiến Tần Hiến Công, có nói: - Lúc trước Tần hợp với Chu, rồi lại tách, tách trăm năm rồi lại hợp, hợp bảy mươi năm rồi đấng bá vương sẽ xuất hiện. Có người bảo Đam tức là Lão Tử, có người bảo là không phải. Đời không biết là ai nói phải, ai nói không phải ( Tác giả đưa ra cả ba thuyết về Lão Tử: Lý Nhĩ, Lão Lai Tử, Đam, không khẳng định thuyết nào. Ông thường thận trọng như vậy khi gặp những việc nghi ngờ, tỏ rõ có óc nghiêm túc của sử gia ). Lão Tử là người quân tử đi ở ẩn. Con của Lão Tử tên là Tông làm tướng nước Nguỵ được phong ở đất Đoạn Can. Con của Tông là Chú, con của Chú là Cung, chút của Cung là Hà, Hà làm quan thời Hán Văn Đế, con của Hà là Giải làm thái phó của Giao Tây Vương tên là Ngang, nhân đấy cư trú ở Tề. Người đời theo thuyết của Lão Tử thì bài bác Nho học, theo Nho học lại bài bác thuyết của Lão Tử. Phải chăng câu: “Đạo khác nhau không giúp cho nhau” là nghĩa như vậy? Lý Nhĩ chủ trương “vô vi” mà dân tự cảm hoá, “thanh tĩnh” mà dân tự quay về đường phải {Chủ trương của Lão Tử là “thanh tĩnh” – (giữ tâm hồn được trong lặng) “vô vi” (không bị những ham muốn lôi cuốn)}.