Chương Mười chín

Sức mấy mà buồn niềm vui ở ta đến.

Sức mấy mà buồn phải vui để sống còn...
Sức Mấy Mà Buồn

Trong suốt một đời, tôi chỉ muốn được nói thật nhiều về đất nước và con người Việt Nam. Khi với ngôn ngữ ngợi ca và tả thực hay hiện thực như trong nhạc kháng chiến. Khi nói một cách trừu tượng, siêu hình như trong trường ca. Tâm ca thì dùng hẳn trực ngôn và khi thấy nói như vậy mà chưa thấy đủ thì có tâm phẫn ca đi theo...
Nhưng nếu những bài ca kháng chiến mang ngôn ngữ của cả bình dân (nhất là nông dân) lẫn trí thức thì những loại ca sau đó như trường ca, tâm ca, tâm phẫn ca nhắm vào giới có học nghĩa là thanh niên, sinh viên thị thành. Tôi lại còn nhận thấy trường ca, tâm ca đứng đắn quá, nói cách khác, nó cũng có thể là bài ca đạo đức giả hay mị dân, là điều tôi sợ nhất trong đời! Tôi bèn phá tung những huyền thoại đó bằng cách xuống vỉa hè.
Ngôn ngữ vỉa hè Saigon lúc đó là gì? Là Sức mấy mà buồn, Bỏ đi Tám, Ô Kê Salem... Cũng chẳng cứ gì anh phu xe, chị bán hàng rong, chú bé đánh giầy, người lính Cộng Hoà -- lính mà em -- mới chế ra những danh từ của thời đại. Ngay Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Tướng, Tá, nhà văn, nhà thơ... ai cũng đều nói: sức mấy, sức voi, ô kê, chịu chơi, Tết Congo... Do đó tôi cũng cởi áo trang nghiêm để khoác áo bình dân. Tôi soạn vỉa hè ca số 1, Sức Mấy Mà Buồn:
Sức mấy mà buồn! Buồn Giao Chỉ không lớn!
Sức mấy mà buồn! Chịu chơi cả với buồn...
... với mục đích dùng ngôn ngữ của vỉa hè thành phố Saigon để nói những gì tôi đã nói qua tâm ca. Theo tôi, tinh thần sức mấy là một cái gì rất Việt Nam. Đó là phản ứng muôn đời của người mình trước định mạng. Nó là niềm tự tin, sự coi thường khó khăn. Sức Mấy Mà Buồn, trong thực tế nói triết lý đó lên một cách rất bình thường, không dung tục hoá hay cường điệu hóa chút nào cả! Vỉa hè ca này nói cái gì? Nó nói trong ái tình:
Tôi buồn vì nó đã bỏ tôi!
Tôi buồn vì nó đã đi rồi!
Tôi buồn nhưng nó vẫn thảnh thơi
Tôi buồn một lúc sẽ tức cười!
Ơ! Sức mấy mà buồn...
Đối với những cái buồn viển vông như:
Tôi buồn vì tích hát, chuyện phim.
Tôi buồn vì những cái hão huyền.
Tôi buồn không có cớ là (tôi) điên.
Không buồn lại rước lấy cái phiền!
Hơ! Sức mấy mà buồn...
Còn cái buồn lớn của người Việt Nam hiện nay là gì? Là chiến tranh phải không? Cho nên:
Tôi buồn vì đấm đá mọi nơi.
Tôi buồn vì chém giết tơi bời.
Tôi buồn vì đất nước tả tơi...
Vỉa hè ca bèn mượn lời của nhà văn Vũ Trọng Phụng:
Biết rồi! Khổ lắm! Cứ nói hoài!
Cái tinh thần sức mấy đã có sẵn trong người Việt Nam cho nên tác giả chỉ kết luận dùm:
Không buồn thì đã có làm sao?
Không buồn là sẽ hết đau đầu!
Không buồn đi đấu hót cùng nhau.
Yêu đời bằng bất cứ giá nào!
Và câu nói cuối cùng của tác giả là gì? Là:
Sức mấy mà buồn, cười lên để tranh đấu!
Sức mấy mà buồn vượt ra khỏi cái sầu!
Sức mấy mà buồn niềm vui ở ta đến.
Sức mấy mà buồn phải vui để sống còn!
Lúc tôi soạn vỉa hè ca là lúc quân đội ngoại quốc đổ bộ ào ạt vào Việt Nam, trước sự xâm nhập của nền văn minh vật chất, một số người mình quả thực có chạy theo lối sống Âu Mỹ! Sự ham muốn những gì quá tầm tay của mình, chẳng hạn già như tôi mà còn mê gái sẽ bị gái nguýt cho một cái "Xí! Già mà ham"! Trong xã hội Việt Nam hồi đó, nếu ta ngăn được cái lối nghèo mà ham ở mọi địa hạt, ta sẽ tránh được cảnh ô kê salem rất lem nhem đó. Tôi soạn bài Nghèo Mà Không Ham với mục đích này:
Nghèo mình nghèo mà mình không ham
Xin cô em đừng nên quá đáng
Nghèo mình nghèo mà mình không ham
Xin anh Hai đừng nên láng cháng
Chớ khoe giầu là chớ có khoe giầu
Chớ khoe sang là chớ có khoe sang
Nghèo mình nghèo mà mình không ham
Xin bà con đừng nên vội mừng...
..........
Nghèo mình nghèo là nghèo cho vui
Không lên voi mình không xuống chó
Nghèo mình nghèo của mình không to
Tuy không "beau" mình không xí quá (°)
Sống cho đẹp là mình sống cho đẹp
Chết cho oai là mình chết cho oai
Nghèo mình nghèo là nghèo chơi chơi
Chưa thực ai thực ai là nghèo...
Bây giờ mới có dịp để nhìn kỹ vào vỉa hè ca. Té ra nó là luân lý ca!!!
Hai bài ca vui đùa này được in ra và bán rất chạy. Nhưng lập tức có sự phê bình gay gắt đến từ nhiều phía. Tôi định soạn thêm bài Ô Kê Salem, Ô Kê Nước Mắm thì cụt hứng! Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn chưa chịu thua...
Rồi tôi phản ứng lại bằng cách soạn những bài ngỗ nghịch hơn vỉa hè ca. Và phải có qui mô hơn. Đó là mười bài tục ca, bài thì tục về chữ, bài thì tục về ý, bài thì tục về chuyện. Bài đầu tiên là sự phát triển của câu ca dao mà ai cũng thích:
Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó ngồi trông trên bờ...
Tôi cũng thích nó và bịa thêm lời mới:
Em đừng nói vậy em khờ
Ba em hồi đó cũng chờ như anh...
Tôi soạn thêm một vế bốn câu hát nữa để thành bài tục ca nhan đề Hát Đối:
Nam: Anh như con đực chạy rông
Còn em như con mèo cái, chổng mông em gào...
Nữ: Anh đừng nói chuyện tào lao
Má anh hồi trước... cũng ồn ào như em...
Tục ca số 2 thì lấy cảm hứng ở một câu thơ rất lãng mạn của nữ thi sĩ thời tiền chiến, T.T.KH:
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài những lúc thấy tôi vui.
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi...
Câu thơ buồn này dù sao cũng có thể được coi như một mối tình thơm tho vì có mùi hương của những bông hoa hình con tim vỡ. Tục ca của tôi, khởi đi từ câu thơ đó thì lại mang tên là Tình Hôi, hát theo nhịp american blues:
Người ấy thường hay đến gặp tôi
Thở dài, thở dài khi thấy... nách tôi hôi
Nói rằng: Sao nách anh hôi thế?
Mỗi lần ngửi thấy chết đi thôi..
Mỗi lần ngửi thấy chết đi thôi
Nhưng chót yêu anh, em ráng chịu cho rồi
Vả chăng em vẫn thường hay nói:
Tè mình đôi lúc cũng... hôi hôi...
Tục Ca số 3 là bài thơ của Bùi Giáng, Gái Lội Qua Khe, nói tới chuyện một cô con gái bị ướt đầm thân thể sau khi lội qua con suối rừng và phải cởi quần áo ra để vắt cho khô. Thi sĩ trông thấy thế thì nhắm mắt lại, không nhìn cô gái loã thể. Nhưng có cái khăn thường quấn trên đầu để khấn vái tổ tiên thì thi sĩ vui lòng cho cô gái mượn để lau... lau bất cứ chỗ nào, tùy ý! Thi sĩ nhắm mắt không nhìn cô gái lau tay chân, lau mình mẩy nhưng tổ tiên ở dưới mồ thì thức dậy và khuyên cô gái cứ việc tự nhiên tùy nghi sử dụng cái khăn vẫn thường dùng để khấn vái tổ tiên.
Tục ca số 4 là truyện tiếu lâm Um Ba La! Ba Ta Cùng Khỏi! do bố tôi là Thọ An, Phạm Duy Tốn viết và cho in ra trong tập TRUYÊN TIẾU LÂM AN NAM xuất bản vào hồi đầu thế kỷ. Đây là câu truyện hai vợ chồng nhà kia, vì thòm thèm chuyện tình mà bị khó khăn. Vợ thì nhét củ từ vào chỗ ấy. Chồng về định tòm tèm thì vợ khai ốm, bèn nghịch ngợm với con chó cái, ai ngờ dính luôn, lôi chẳng ra. Rồi cả hai leo lên giường, nói là bị bệnh. Người nhà hoảng sợ vội đi mời ông thầy cúng tới. Ai ngờ ông này cũng bị dính luôn:
Thầy bùa tuy ra cúng
Um ba la! Um ba la!
Mà lòng còn tưởng hoài.
Nậm rượu thờ, đem xuống
Um ba la! Um ba la!
Thầy luồn vào của... thầy!
Nậm rượu mắc ngẵng, muốn lôi ra chẳng được, thầy bùa như chết cứng, đứng giữa sân khư khư ôm nậm rượu. Chị vợ trông thấy phì cười và phọt củ từ ra! Tưởng là miếng thịt, con chó cái nhẩy vọt ra tìm cục mồi. Thầy bùa nghi chó cắn, hoảng sợ chạy, nậm rượu đập vào bàn, vỡ tan tành! Thế là cả ba thoát nạn. Thầy bùa bèn niệm chú: Um ba la! Ba ta cùng khỏi!
Như đã nói, trong thời gian tôi đi học nhạc ở Pháp, tôi rất yêu thi sĩ kiêm nhạc sĩ và ca sĩ Georges Brassens. Anh này soạn những bài hát rất tục, rất sắc bén... nói thẳng vào xã hội nước Pháp, nhưng bao giờ cũng nói với tâm hồn của một thi nhân. Trong số những bài được gọi là chansons grossières của ông, tôi thích bài Gare Au Gorille nhất. Tôi dịch nguyên văn bài này để thành ra tục ca số 5, nhan đề Khỉ Đột:
Đàn bà rủ nhau ra gánh xiếc xem
Một con khỉ đột đứng im trong chuồng,
Lớn to như người, chẳng chi là kém!
Bà này bà kia mắt liếc mắt lia
Nhìn đi nhìn lại cái nơi đen xì,
Vốn tên tục tằn, mẹ tôi cấm nghe...
Một hôm con khỉ đột thoát ra khỏi chuồng và vui mừng vì phen này sẽ được mất tân. Dù nữ lưu trong vùng xưa rày vẫn phục khỉ đột là hay hơn người nhưng bây giờ họ chạy đâu mất tung. Trừ ra một bà cụ và một ông Quan Toà...
Khỉ đột nhìn quanh không thấy gái tơ
Bèn đi đủng đỉnh tới nơi ông Toà,
Tới nơi bà già, khỉ toe toét ra...
Bà già cho rằng ta đã 60 mà con khỉ đột có ưa biết mùi thì cái duyên may này, thật không ngờ tới! Ông quan Toà thì yên chí:
Làm sao khỉ đột dám nghi ta là khỉ non trắng da?
Nào ngờ khỉ ta tuy có tiếng tăm
Là tay khoẻ mạnh, vốn tay dâm thần,
Khỉ ta khờ lắm!
Phải chọn bà kia cho đúng lẽ ra
Ngờ đâu khỉ đột nắm tai ông Toà
Cùng ra chiến khu...
Câu chuyện kết thúc với hình ảnh con khỉ đột hiếp dâm ông Toà ở khu rừng lá. Ông Quan bù lu bù loa khóc, giống như anh tù nhân mà ông vừa kết án tử hình hôm qua...
Vào những năm đầu của thập niên 70, tại Saigon có phong trào sửa sắc đẹp. Tôi soạn bài tục ca nhan đề Mạo Hoá để phản ánh xã hội thời đó:
Tôi có người yêu, cái đít to như Thẩm Thúy Hằng
Cái đít nhìn qua đã khiến cho ta phải ngỡ ngàng
Vừa to vừa lớn! Như những mặt Vua
Mặt ông Tổng Thống, cũng phải thua...
Nhưng có ngờ đâu mông của em được bơm nhựa, mỗi khi em bị cúm, tiêm thuốc vào mông em thì gẫy cả kim của anh thầy chích. Luân lý của bài này là: Mông giả, vú giả, răng giả, tóc giả... cái gì của em cũng giả, thì anh phải đi Đức Quốc mua một cái giả cho hợp marque với em!
Tục ca số 7 Nhìn L... là một chuyện có thật, xẩy ra hồi tôi còn bé và sống ở tại một tỉnh nhỏ ngoài Bắc Việt. Một lũ ranh con thích rủ nhau đi nhòm phụ nữ tại cầu tiêu công cộng. Ai ngờ một hôm nhòm đúng cái đó của bà mẹ một thằng trong bọn. Từ đó:
Lũ ranh con tò mò tọc mạch
Cùng nói với nhau:
Xin chừa! Xin chừa!
Tục ca số 8 nhan đề Em Đ... thì tục quá là tục, tôi không dám kể ra đây! Ngoài tính chất châm biếm xã hội, tục ca còn là bài hát chính trị nữa. Tục ca số 9 Chửi Đổng và tục ca số 10 Cầm C... phản ảnh sự công phẫn tột độ của tôi vào giai đoạn 1968-72, trong đó có Tết Mậu Thân, mùa Hè đỏ lửa, xã hội Việt Nam bị băng hoại vì đồng tiền và chiến tranh, tham nhũng trong chính quyền và cái Hội Nghị dăm ba thành phần gì đó ở Paris mà tôi cho là sự đổi chác của lũ bịp (marché de dupes). Bài Cầm C... còn biểu dương mạnh mẽ tinh thần độc lập, nhất định không cầm cờ cho phe nào cả! (°°)
Hai vị viết sách, viết báo về tôi là Tạ Tỵ và Georges Gauthier đều cho rằng cái vui, cái tếu không phải là chất liệu Phạm Duy, cho nên tục ca không thành công. Chưa kể có người chê tôi đi tới chỗ nhảm nhí trong nghệ thuật. Tôi cũng hiểu được vì sao có những người chống đối tục ca dù họ không biết cặn kẽ nội dung của nó. Tôi không hề tung tục ca ra quần chúng. Tôi chỉ tặng vài người bạn thân một băng cassette ghi lại buổi hát chơi ở Vũng Tầu và còn dặn dò đừng phổ biến!
Tôi soạn vỉa hè ca và tục ca trước và sau khi đi Mỹ. Lúc đó, sự có mặt của người Mỹ tại nước ta là một điều rất trầm trọng, mọingười đều sợ bị ngoại xâm văn hoá. Người ta không thích Cộng Sản, nhưng người ta cũng không thích văn hoá Mỹ, nhất là không muốn lối sống Mỹ xâm nhập vào Việt Nam. Khi thấy tôi được mời đi Mỹ theo Chương Trình Trao Đổi Văn Hoá, nếu nói một cách nhẹ, người ta nghĩ rằng tôi có một thứ compromis nào đó với Mỹ rồi. Nếu nói thâm độc hơn, ai được Mỹ mời mọc, người đó phải là tay sai của Mỹ. Ở Hà Nội mà được đi Liên Sô thì phải có liên hệ chặt chẽ ra sao chứ? Bây giờ, tôi đi Mỹ về, muốn chỉ trích tôi cũng không tìm được cái gì cụ thể để tấn công. Khi biết tôi soạn tục ca (chứ không hề được nghe tôi hát tục ca) thì người ta có cái họ cho là sở đoản để tấn công. Cũng có thể đây chỉ là hành động của những người ghen ghét về nghề nghiệp, chưa chắc đã là do nơi những người làm chính trị chống Mỹ cứu nước.
Sau hai mươi năm, bình tĩnh nhìn lại thời thế, phải công nhận một điều: người nào sống trong xã hội Việt Nam liên tục từ 1954 thì cho tới 1968-70 -- là lúc tôi soạn những bài ca nổi giận như tâm phẫn ca, vỉa hè ca, tục ca -- họ cũng phải nổi giận như tôi! Người dân miền Nam đã chờ đợi, chịu đựng suốt từ thời ông Diệm cho tới biến cố 11- 63, rồi chịu đựng thêm một năm 64 để hi vọng có một cuộc Cách Mạng thực sự. Người ta còn cố chịu đựng để cho Mỹ vào Việt Nam giải quyết chiến tranh, giải quyết nổi loạn. Đúng là một chuỗi dài chấp nhận hi sinh trong hi vọng có một chiều hướng tiến bộ nào đó làm đẹp cho quốc gia. Đến lúc đó, 1970, sự chờ đợi đã lâu quá rồi! Hết sự thất bại này đưa tới lời hứa hẹn và khuyên nhủ chờ đợi thêm, tới sự thất bại khác với lời hứa hẹn khác. Đến lúc sự chết chóc, đổ vỡ cứ tiếp diễn, cuộc chiến cứ đi sâu và mang tính chất hoàn cầu, hoàn cảnh đất nước trở nên quá lớn lao, không rút chân ra được thì người ta càng thấy bị trói buộc. Sự thất bại, chua cay không nằm trên bình diện lý luận hay quan sát nữa. Nó đi vào tiềm thức mất rồi! Sự phản ứng bây giờ không phải là phân tích tình hình bằng bon sens hay bằng cách ngồi lại với nhau, giải thích với nhau. Ai cũng bị bó tay, bó chân trong cơn bối rối. Tất cả những áp lực cùng tới mà mình phản ứng không khéo thì có hại cho bản thân. Và mọi người bèn nổi giận. Sự nổi giận lúc đó là gì? Là phải văng tục ra chứ còn là gì nữa?
Về phương diện dân tộc học, xưa kia, trong nền văn minh dân gian, mỗi năm có một ngày lễ hèm để người ta tới đó làm chuyện gọi là bậy bạ, văng tục, chửi thề để giải toả ẩn ức. Nền văn minh của người Việt miền Nam vào những năm cuối của thập niên 60 bắt con người phải văng tục vào nền văn minh cơ khí, nền văn minh chiến tranh, nền văn minh tiêu thụ, nền văn minh hippy đang hiện diện ở mảnh đất này. Trong khi thế giới rêu rao rằng nền văn minh hippy là cao siêu nhất, tổng hợp được Đông Phương và Tây Phương thì bây giờ người Việt thấy những cái gọi là HANH TRINH VỀ ĐÔNG PHƯƠNG, CÂU CHUYÊN MÔT DONG SÔNG, những gì ngỡ là cao siêu nhất hoá ra chỉ là không tưởng.
Ngay cả Phật Giáo đang lên, tưởng rằng có thể đem lại đường lối tốt đẹp nhất để cho Miền Nam ra khỏi ngõ bí, lại dường như góp phần vào bế tắc chung. Nói gì đến sự thất vọng đối với văn minh Thiên Chúa Giáo lúc đó nữa? Nhân Vị, Duy Linh là đồ chơi của một số người. Rồi khi có một nền văn minh gọi là chống lại Duy Vật chủ nghĩa thì hoá ra nó lại là một thứ Siêu Duy Vật chủ nghĩa khác! Còn người Cộng Sản thì nói là giải phóng, nhưng rõ ràng là họ đưa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra để lợi dụng. Người trong cuộc thì biết mình chỉ là nạn nhân, không ăn thua gì vào cái sự giải phóng đó!
Ai cũng biết là dù chúng ta có ngồi lại với nhau, nói chuyện với nhau một cách xây dựng và có thiện chí nhất, có cởi mở hoàn toàn thì cũng không đi đến đâu hết. Mọi sự đã hoàn toàn ra khỏi tầm tay của người Việt, nạn nhân của một thời đại trong đó thế giới đang ở điểm cao nhất của một cuộc chiến tranh lạnh!
Đó cũng là cao điểm tột bực của cuộc chiến tranh lạnh vì ngay sau đó, người ta đã phải giải quyết bằng sự rút quân. Mình là cái gì mà có thể bình tĩnh để ra khỏi cái mâu thuẫn mà mình là nạn nhân ba bốn đời đó được? Chỉ có thể phản ứng bằng tiếng hát. Tiếng hát thở than hay tiếng hát chửi rủa cũng đều là tiếng hát phản kháng. Trong phạm trù ấy, âm nhạc ở miền Nam đã diễn tả rõ ràng sự nổi giận của tất cả mọi người qua nhiều bài hát
Phản kháng của tôi là sự kéo dài từ tâm ca, tâm phẫn ca qua vỉa hè ca, tục ca. Phản kháng của anh em trong các nhóm du ca là bài hát của Nguyễn Đức Quang: Xương sống tôi đã oằn xuống, triệu mưu toan cứ đè lên... Phản kháng của Phạm Thế Mỹ là thương quá Việt Nam, của Tôn Thất Lập là đứng dậy hát cho đồng bào tôi, của Miên Đức Thắng là hát từ đồng hoang... Và của Trịnh Công Sơn là: Bao năm máu như sóng trôi thành nguồn, máu đã khô trên ruộng đồng, máu âm u trong rừng rậm, từng dòng máu che mặt trời soi quanh đời u tối... Người nói mạnh nhất là Giang Châu:
Tuổi trẻ chúng tôi
Đã bao nhiêu năm lần lượt đi lên giàn lửa thiêu
Kiếp sống lang thang như mây chiều
Vì đâu xương máu ngất núi
Trên quê hương giẫy đầy hận thù...
Sao chúng tôi không có quyền lên tiếng nói
Sao chúng tôi phải gục đầu và hi sinh cho ngoại quyền
Cho chủ nghĩa, cho danh từ rỗng không?
Hai mươi năm Việt Nam -- từ 1954 tới 1975 -- là sự đấu tranh không ngưng nghỉ giữa người Việt hai miền. Tại miền Bắc với một nền văn nghệ chính ủy, âm nhạc hoàn toàn phải phục vụ tuyên truyền, đố ai tìm được một bài hát tình yêu hay phản kháng. Ở miền Nam, may thay, người nghệ sĩ được nói lên đầy đủ hai khía cạnh của cuộc đời (tôi sực nhớ tới bài hát rất được phổ biến hồi đó là Both Sides Now của Judy Collins, người tình một thời của anh bạn Steve Addiss) nghĩa là nói lên được đầy đủ cái tốt cái xấu, cái thực cái giả, cái buồn cái vui... âu cũng là một liều thuốc an ủi cuộc đời. Sau thời huy hoàng của nhạc kháng chiến, tới thời tương đối hoà bình nên có nhạc tình yêu rồi cũng phải có nhạc nổi giận trước hoàn cảnh ngả nghiêng của đất nước chứ!
_________________________
(°) Đã le lói cái phong cách của tục ca rồi đó!
(°) Quý bạn có thể đọc toàn thể lời TUC CA trong cuốn NGAN LƠI CA.