Chương Mười Chín

Dưới bóng cây vú sữa, hai chị em con nhỏ ngồi gập ghềnh đối diện nhau trên những mô rễ mọc lồi gồ ghề trên mặt đất. Con em nhìn hau háu vào hai bàn tay mà con chị đang cố gắng kềm  chặt con dao nhỏ trong bàn tay phải để gọt trái sa bô chê bị ăn dở. Cả hai im lặng và chăm chú. Con chị loay hoay mãi nhưng không làm sao gọt vỏ sa bô chê ra được. Nó cố tình đẩy lưỡi dao xuyên qua lớp vỏ mỏng để khỏi mất nhiều phần thịt bên trong; tuy nhiên, nó càng cố bao nhiêu, bàn tay vụng về của nó càng làm trượt lưỡi dao ra ngoài bấy nhiêu. Trái sa bô chê này hình như chưa được chín mềm;  màu hồng lộ ra nơi vết ăn dở không là dấu hiệu là nó đã chín hẳn. Con em không nói gì cũng không hỏi điều gì nhưng khuôn mặt của nó lộ vẻ nôn nóng. Nó nhìn tay con chị không một chớp mắt; như thể nó không muốn bỏ sót cử động nào do con này tạo ra. Thình lình con chị la lên: “Á!”
Con em giật mình, trợn mắt hỏi:
- Chị cắt tay chị rồi hả?
Con chị quẳng con dao cau xuống đất,  chuyền trái sa bô chê sang tay phải,  rồi đút ngón tay bị đứt vào miệng, không trả lời.
Con em đứng vụt dậy, lo lắng nhìn chị  hỏi tiếp:
- Chị đứt tay hả?
Con chị vừa cắn ngón tay vừa gật đầu. Vị mằn mặn của máu tràn vào trong miệng của nó. Nó ngập ngừng không biết nên nuốt máu
hay phun ra ngoài. Suy nghĩ một lúc, nó hút mạnh thêm một cái  nữa, rồi nhổ nước miếng lẫn máu xuống đất.
Nhìn máu phun ra từ miệng chị, con em hoảng hốt. Nó nhìn chị rồi bãi máu dưới đất hai ba lần nhưng cuối cùng đôi mắt to tròn lo lắng của nó ngừng lại trên trái sa bô chê. Con chị hiểu ý, đưa cho em cả trái.
- Vy cắn ăn đi! Chị không gọt được nữa!
Đón trái sa bô chê, con em thất vọng:
- Em ăn không được, nó bị dính máu rồi!
Con chị vùa nhổ máu, vừa la em:
- Máu dính có chút xíu, ăn có sao đâu! Thấy chị mút máu trong miệng không? Có sao đâu? Cắn chỗ máu bỏ đi rồi ăn. Chị không gọt được nữa!
- Em ra giếng rửa nó nghe!
- Không được! Vy không ra giếng một mình được! Đến lu múc nước rửa mà ăn đại đi!
- Em chờ chị đi rửa với em - Con em nói ngập ngừng - Em sợ cô Út hỏi ở đâu mà có trái sa bô chê này.
- Được rồi, chờ chút!
Con chị lượm chiếc dao cau lên. Nó liếc lưỡi dao vào cái vỏ sần sùi của rễ cây vú sữa để cho những vết máu được đẩy sạch ra. Những đường máu nho nhỏ như muốn nằm ì, bám chặt vào lưỡi dao. Phí công cho nó, càng cố bao nhiêu, những đường máu càng ngoan cố bấy nhiêu.
Thình lình có tiếng la sau lưng:
- Tụi bây làm gì đây?
Chưa kịp trả lời, người vừa nói to tiếng ấy tiếp tục la thêm:
- Trời ơi! Tụi bây chơi dao hả? Đứt tay rồi phải không?
Hai đứa quay lại. Hết hồn! May cho tụi nó người la là chị Cựu chứ không phải là cô Út hay bác Cả gái.
- Ai cho tụi bây chơi dao? Chơi dao có ngày đứt tay có đúng chưa?
Không thấy con nào trả lời. Chị Cựu giận dữ hỏi tiếp:
- Đứa nào xử giặc lấy dao ra chơi?
Con chị lí rí trả lời:
- Em.
- Mạ mi để dao ni ở mô mà tụi mi lấy rứa?
Hai đứa không trả lời, chị Cựu nóng hơn:
- Mới bảy, tám tuổi đầu đã cả gan lấy dao chơi.
Con chị cãi lại:
- Em chín tuổi ta rồi!
Chị Cựu nói to:
- Mấy tuổi cũng không được “chơi dao”. “Chơi dao có ngày đứt tay”, tụi mi biết chưa! Lần ni tau cất kỹ chờ mạ tụi mi về tau giao lại; để cho tụi bây hết đường phá!
Con chị nín thinh. Nó đưa đôi mắt oán trách nhìn chị cho đến khi chị khuất dạng sau các hàng cây ăn trái trong vườn. Không hiểu vô tình hay cố ý, những lời nói lớn của chị chẳng khác nào vũ khí tiếp tay cho bác Cả gái và cô Út. Chúng có thể  làm cho chị em nó khốn khổ với những tiếng mắng nhiếc nếu Bác Cả gái và cô Út biết chuyện. Con em thấy tình hình không ổn nên không vòi chị ra giếng nữa. Nó lẳng lặng đưa trái sa bô chê lên miệng cắn. Bất chợt nó mở miệng ra, nhăn răng, cau mặt.
- Cứng quá!
- Đưa chị coi thử!
Con chị đưa trái sa bô chê lên miệng cắn rồi phun nước miếng ra ngoài đất.
- Chát quá! Còn sống nhăn răng hèn gì chị gọt không được!
Dứt lời, nó quẳng trái sa bô chê vào cái dãy thơm mọc lụp xụp dưới hàng cây mãng cầu sát bức tường thành. Con em nhìn chị ngạc nhiên nhưng không hỏi gì. Con chị không giải thích việc làm của nó; im lặng như con em. Một lát sau, con chị hỏi con em:
- Vy biết con vật nào ngu nhất trên đời không hả Vy?
- Con bò. Người ta hay nói ngu như bò!
- Không phải! Người ta nói ngu như bò là nói vậy thôi chứ bò đâu có ngu nhất trên đời đâu!
- Vậy thì con heo! Em cũng nghe người ta nói ngu như heo.
 - Cũng không phải luôn! Con heo đâu có ngu đâu. Nó chỉ ham ăn thôi!
Thấy em gãi đầu, nhăn mặt, con chị hỏi:
- Thua rồi phải không?
Con em gật đầu:
- Ừ. Vậy chị nói con gì ngu nhất trên đời?
- Con dơi.
- Sao chị biết con dơi ngu nhất trên đời vậy?
Con chị ra vẻ thông thái; nó nói một cách trịnh trọng:
- Vì nó không biết cái gì là cái gì nên nó mới ngu chứ sao nữa!
Nhìn đôi mắt ngơ ngác của con em, con chị nói tiếp:
- Trái sa bô chê còn sống “nhăn răng” mà con dơi cũng ăn cho được vậy không ngu sao? Ngu còn hơn con bò nữa đó! Thấy trái sa bô chê bị nó ăn chị tưởng là sa bô chê đã chín rồi chứ! Biết vậy, không hái đâu!
- Sao chị biết nó ăn?
- Chứ còn gì nữa! Chim ăn thì khác. Chim mổ sâu vào trong trái chứ chim đâu có cạp.
Con em không nói gì. Nó không cần biết cái gì đúng, sai. Nó tiếc hùi hụi vì đã mất trái sa bô chê.
- Em đói.
- Chị cũng vậy. Nhưng mà bây giờ chị không có gì cho em ăn nữa. Thôi mình vào nhà chơi đi.
Vừa đứng lên, máu trên ngón tay của con chị lại ứa ra. Con chị đưa tay lên cắn mạnh. Nó nhớ mỗi lần má đứt tay thường lấy mạng nhện bịt vào chỗ đứt nên nó đi vào cái nhà bếp bên cạnh cái góc nhà nhỏ của nó. Tìm mạng nhện trong cái bếp đen đủi của nhà nó không phải là chuyện khó làm. Dưới những tấm tôn thấp lè tè, nhiều và đủ cỡ mạng nhện tơ giăng từ góc này sang góc khác, cột này sang cột khác. Con chị với tay hớt những màng nhện và rịt nó vào ngón tay đứt. Con em đứng chờ chị vào nhà.
 Như những lần trước, chiếc bàn gỗ cạnh cửa sổ luôn luôn là nơi hai đứa nhỏ ngồi bên nhau mơ mộng những chuyện hoang đường và chia sẻ những buồn vui. Hôm nay là ngày thứ năm, hai đứa nhỏ tự ý trở về ở căn nhà nhỏ của chúng vậy mà mẹ chúng vẫn chưa về với chúng. Có thể là không một ai trong gia đình cô chú Bảy Mỹ bào tin cho mẹ chúng biết là chúng đã tự ý trở về nhà. Cũng có thể là cô chú Bảy Mỹ bận rộn việc buôn bán nên quên đi chuyện thông tin với bà mẹ. Đáng kể nhất là có thể mọi người trong gia đình cô chú Bảy Mỹ vững tâm cho rằng bà nội, cô Sáu, và cô Út đang chăm sóc hai chị em chúng khi mà sự hiện diện của chúng tại trường Nữ Tiểu Học mỗi ngày, do hai con Tín và con Hạnh kể lại, là một bằng chứng chắc chắn để xác nhận rằng hai đứa đã có cuộc sống ổn định và bình yên.
 Trong năm ngày qua, hai đứa nhỏ có những bữa no bữa đói tùy thuc vào những thức ăn thừa do chị Cựu lén lút đem cho. Thỉnh thoảng thấy chúng trong khu vườn, những người lớn trong khuôn viên nhà như bà nội, bác Cả trai, bác Cả gái, và cô Út tưởng rằng chúng chỉ ghé thăm nhà chơi trong một thời gian nào đó rồi trở về căn nhà lầu đầy tiện nghi của cô chú Bảy Mỹ. Không ai nghĩ ra và cũng không ai tin được chúng đã ở trong căn nhà nhỏ chỉ mình chúng nên chẳng ai hỏi han gì. Bóng đèn dầu trong căn nhà nhỏ ở một góc vườn chẳng thể nào tiết lộ cho ai biết được sự hiện diện của hai chị em con nhỏ khi mà ánh điện của ngôi nhà lớn, ánh điện của đèn đường và ánh điện của những căn nhà hàng xóm gần cạnh đó sáng choang. Tính thờ ơ, lãnh đạm của mọi người, và ánh đèn dầu đã tiếp tay cho chúng sống năm ngày trong âm thầm, lây lất bữa đói bữa no, ngày sáng đêm tối.
 Năm ngày qua cô Sáu không đến căn nhà nhỏ thắp hương cho bố của hai chị em nó. Có lẽ cô đã thay đổi giờ thắp hương vào buổi sáng nên chẳng biết chúng đang cư ngụ lén lút trong nhà. Khi con chị nghĩ đến cô Sáu, nó có nhiều mâu thuẫn trong tư tưởng của nó. Lúc thì  nó muốn tiếp tục giấu cô chuyện hai chị em nó đang trốn chui trốn nhủi trong nhà vì sợ cô mắng, lúc thì nó mong cô ta biết chúng đã trở về để được cô thương giúp cho. Có lúc nó sợ cô Sáu sẽ bắt chị em chúng trở ra nhà cô Bảy Mỹ, có lúc nó hy vọng cô bằng lòng chấp thuận cho chị em nó ở luôn trong căn nhà do ba nó tạo dựng. Chị Cựu thương hại và lo cho chúng với mức giới hạn của chị. Chị không thể nấu cơm dư một cách vô lý dưới sự giám sát của bác Cả gái và cái lý do cho chó ăn cơm thừa không phải chính đáng khi những con chó thuộc về cô Út chứ không phải thuộc của bà. Nghĩ đến chị Cựu nó vừa nể vừa oán trách. Nó thích tính kín miệng của chị nhưng không thích cái tính hay nói mỉa móc và tật nói lớn của chị trước những sự bất ngờ. Suy nghĩ đến chuyện tự ý sử dụng dao bất cẩn và thái độ giận dữ của chị Cựu, con chị không mong tưởng gì đến chuyện chị cho cơm chiều. Nghi ngờ sự nhờ cậy duy nhất có thể bị mất đi, con chị lục lọi trong túi, bảo em:
- Còn năm cắc cuối cùng, chị em mình đi mua kẹo về ăn nghe!
Con em hớn hở với lời đề nghị của chị. Theo thói quen, mỗi buổi tối không được nhận cơm do chị Cựu cho, hai đứa nhỏ thường âm thầm đi đến cái quán nhỏ tại góc đường Hoàng Tử Cảnh và Đào Duy Từ để mua kẹo rồi vào giường ngậm cho đến sáng để kềm cơn đói bụng. Hôm ấy là ngày cuối cùng hai đứa có những viên kẹo tròn đủ màu trong gói ni lông nho nhỏ. Trong bóng tối, hai chị em vừa mút kẹo chút chít vừa nhắc lại  những câu chuyện cổ tích cũ mà mẹ chúng thường kể cho chúng nghe trước khi đi ngủ.
Trong khi hai đứa đang to nhỏ, cánh cửa ra vào bật mở toang ra và cô Sáu bước vào với giọng nói đầy kinh hoàng:
- Trời ơi! Tụi bây ngủ ở đây sao?
Cả hai giật mình, ngồi bật dậy, lò mò trong tối để chun ra hỏi giường:
- Dạ, tụi con ngủ ở nhà.
Cô Sáu rối rít hỏi:
- Tụi mi về khi mô? Ai cho tụi  mi ngủ một mình như ri rứa?
Con chị lí rí:
- Dạ tụi con về đây mấy ngày rồi.
Cô Sáu hỏi mà như hét:
- Mấy ngày rồi?
Bước nhanh đến “phòng thờ” để châm đèn dầu như thể muốn nhìn kỹ hai đứa hơn, cô Sáu tiếp tục hỏi dồn:
- Hai đứa mi về chơi rồi ngủ đây luôn phải không?
- Dạ không. Hai đứa con đã về ở nhà luôn từ hôm thứ Hai.
- Thứ Hai? Mần răng mà tau không hay không biết chi rứa?
Con chị cúi đầu:
- Dạ con không biết.
Cô Sáu vừa ngẫm nghĩ, vừa lẩm bẩm một mình:
- Thứ hai? Năm ngày? Răng mờ tui không hay biết chi rứa tề? Ừ, mình có thì giờ thắp hương mô mờ hay cái chi! Cái lũ lì trơ trơ như ri mờ ai trị cho được!
Chau mày chăm chăm nhìn hai khuôn mặt hốc hác, cô Sáu hỏi:
- Rứa tụi mi ăn nơi mô?
- Dạ tụi con tự nấu cơm ăn và...
Con chị bỏ lững câu nói  và nhất định với lòng sẽ không nói tên chị Cựu vào.
- Và mần chi?
-... dạ...dạ... nhịn đói.
Sắc nóng giận trên khuôn mặt cô Sáu dịu đi. Im lặng một chốc, cô nói với giọng đầy chua chát và chán chường:
- Mạ mi có đẻ mi trên đá mô mờ mi lì chi lì ác nhơn dữ rứa Hạ? Răng mờ không chịu ở ngoài o Bảy? Về đây mần chi cho phiền phức cho tau như ri rứa hở mi?
Con chị cúi đầu nhưng vẫn khăng khăng:
- Con chỉ muốn ở nhà của con. Con chỉ muốn ở trong nhà có bàn thờ của ba con.
Nhìn bóng tối xung quanh ngọn đèn dầu leo lét, cô Sáu hỏi:
- Rứa mì không sợ chi hử?
- Sợ ma hở cô? Con ở trong nhà có bàn thờ ba con; có ba con phù hộ, con không sợ ma đâu.
Cô Sáu thở dài lắc đầu:
- Thôi được. Tụi mi cứ ở đây. Tau nói o Út đem cơm cho hai đứa ăn. Khi nào mạ mi về tau sẽ nói chuyện sau.
Thắp hương xong, cô Sáu hỏi:
- Hai đứa chờ o đem cơm ra cho ăn rồi ngủ.
Con em mừng rỡ:
- Tối nay mình có cơm ăn không bị đói như tối hôm qua nữa chị Hạ.
Con chị gật đầu, nói thêm:
 - Ngày mai, mình có thể tự do đi lại trong vườn, trong nhà không còn phải “chùng chùng, lén lén” như trước nữa đâu Vy.