Trong những năm khi tôi còn trẻ và dễ bị ảnh hưởng chi phối, cha tôi có cho tôi một vài lời khuyên và chính những lời khuyên này đã khiến tôi thay đổi tư tưởng của mình từ lúc đó. “Bất cứ khi nào con muốn phê bình chỉ trích ai, con nên nhớ rằng trên đời này không phải ai cũng có những điều kiện thuận lợi như con.” Cha tôi nói. Sau khi đã tự khoe khoang về tính kiên nhẫn của mình như thế, tôi cũng phải thú nhận rằng sự kiên nhẫn nhịn nhục của tôi thật ra có giới hạn. Hạnh kiểm của con người có thể được xây dựng trên nền đá cứng hay trên mặt đầm lầy, tuy nhiên đến một mức nào đó thì tôi không còn cần quan tâm xem nó đã được xây trên nền tảng nào. Mùa thu năm ngoái khi tôi quay trở về nhà từ miền Đông, tôi cảm thấy tôi muốn cả thế giới đều mặc quân phục và muốn họ mãi mãi đứng trong hàng quân với tư thế nghiêm chỉnh đạo đức. Tôi không còn muốn những cuộc giải trí náo động ồn ào với cái đặc quyền được nhìn thoáng vào trong tim của con người ta nữa. Chỉ có Gatsby, người mà tôi đã lấy tên để đặt cho quyển sách này được coi là ngoại lệ trong phản ứng của tôi. Gatsby là người đại diện cho mọi thứ mà tôi khi bỉ. Nếu như bản tính con người là những chuỗi thể hiện thành công liên tục của họ, như thế thì anh ta quả thật là tốt đẹp. Với những nhạy cảm cao độ có thể cảm nhận được tương lai, anh ta giống những bộ máy phức tạp có thể ghi nhận được những trận động đất cách sâu cả vạn dặm. Phản ứng nhạy cảm này của anh không liên quan gì tới cái khả năng nhạy cảm yếu đuối ủy mị đáng kính trọng dưới cái từ “tính khí sáng tạo”. Nó chỉ là một năng khiếu về sự hy vọng hiếm có, một tư thế sẵn sàng đầy tính lãng mạn mà tôi chưa bao giờ thấy ở bất cứ ai và cũng có thể sẽ không bao giờ tìm được. Kết cục Gatsby lại là người tốt, chính cái đã dày vò ám ảnh Gatsby, chính cái lớp bụi bẩn thỉu bay lơ lửng bên trên giấc mơ vừa tỉnh giấc của anh đã tạm thời khép lại sự quan tâm hứng thú của tôi về những nỗi đau buồn và những niềm vui ngắn ngủi của con người. Trải qua ba thế hệ, gia đình tôi là một gia đình tiếng tăm và khá giả ở cái thành phố miền Trung Tây này. Giòng họ Carraways sống giống như một thị tộc, theo như truyền lại, chúng tôi là con cháu của công tước xứ Buccleuch. Thế nhưng nói cho chính xác, người sáng lập lên cánh bên dòng tôi là anh trai của ông nội tôi. Ông đã đến đây từ năm 1851, sau đó gửi người thay mình đi làm nghĩa vụ tham gia trận nội chiến, và đã lập nên cơ sở kinh doanh buôn bán sỉ dụng cụ cơ khí kim loại mà cha tôi đã kế thừa và cai quản mãi cho tới ngày nay. Tôi chưa bao giờ thấy mặt người bác tổ này, nhưng tôi cho rằng tôi giống ông, căn cứ vào khuôn mặt sắt đá trong bức tranh truyền thần treo trong phòng cha tôi. Tôi tốt nghiệp từ trường đại học Yale ở New Haven năm 1915, đúng một phần tư thế kỷ sau cha tôi. Sau đó tôi tham gia vào cuộc chiến chống di dân của người Đức, được mọi người biết tới qua cái tên cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất. Tôi đã tham gia cuộc phản công quá hăng say đến độ khi trở về nước rồi tôi vẫn còn hiếu động. Miền Trung Tây đối với tôi bây giờ không còn là một trung tâm kích thích sôi nổi nhất trên thế giới nữa, nó dường như đã trở thành một bờ riềm rách nát của vũ trụ. Do đó tôi quyết định đi về miền Đông để học hỏi ngành khố phiếu, giấy nợ tài chánh. Tất cả những người tôi quen biết đều làm ngành này, cho nên tôi cho rằng thị trường vẫn còn đủ sức nuôi thêm một thanh niên độc thân như tôi. Tất cả các cô dì chú bác của tôi đều bàn thảo về chuyện này giống như họ đang lựa chọn một trường dự bị cho tôi. Cuối cùng họ tuyên bố “Cũng được” với những khuôn mặt nghiêm trang do dự. Cha tôi đồng ý chu cấp cho tôi một năm. Sau nhiều lần đình hoãn khác nhau, cuối cùng, mùa xuân năm 1922 tôi đã đến miền Đông, tưởng là mình sẽ ở đó vĩnh viễn,. Nếu như tôi đi tìm mướn phòng ở trong thành phố, có lẽ nó sẽ thực tế và tiện lợi cho tôi hơn. Thế nhưng vì lúc đó đang là mùa ấm áp, mà tôi lại vừa mới rời khỏi vùng có những đồng cỏ rộng lớn cây cối thoải mái, cho nên khi một đồng nghiệp trẻ đưa đề nghị hai chúng tôi ra mướn nhà ở ngoại ô thì tôi cho ngay đó là ý kiến hay. Anh đồng nghiệp tìm ra được căn nhà, nó là một căn nhà trệt bằng gỗ đã giãi dầu mưa nắng với giá tám mươi đô la một tháng. Thế nhưng đến lúc cuối, công ty thuyên chuyển anh ta đi Washington và thế là tôi phải dọn ra ngoại ô một mình. Tôi đã có một con chó - ít ra con chó này cũng ở với tôi được vài ngày cho đến khi nó bỏ đi mất - một chiếc xe Dodge cũ kỹ và một chị giúp việc người Phần Lan. Công việc hàng ngày của chị là giúp tôi thu dọn giường, nấu điểm tâm và lẩm bẩm một mình bên bếp điện những câu cách ngôn Phần Lan. Tôi cảm thấy cô đơn lạc lõng mất một ngày hay hơn gì đó, cho đến một buổi sáng khi có một người đàn ông mới dọn đến vùng sau tôi, chặn tôi lại trên đường. “Anh làm ơn chỉ cho tôi đường đến làng West Egg được không?” Người này ngơ ngác hỏi. Tôi chỉ đường cho anh ta, và thế là khi tôi tiếp tục bước đi tôi không còn thấy cô đơn nữa, tôi đã trở thành người hướng dẫn, người chỉ đường, người định cư trước. Người đàn ông này một cách ngẫu nhiên đã khiến tôi cảm thấy thoải mái với vùng mình ở. Và rồi, dưới ánh dương tươi hồng và sự đâm trồi nẩy lộc như bùng phát của những mầm non trên cây, mọi vật chung quanh phát triển chớp nhoáng trông giống như những đoạn phim quay nhanh, nó khiến tôi liên tưởng đến một lý lẽ thông thường, đó là đời sống sẽ lại bắt đầu lại từ đầu khi hè sang. Có quá nhiều sách để mà đọc và biết bao nhiêu sức khỏe dồi dào có thể hưởng được từ không khí trong lành tươi trẻ. Tôi mua khoảng một chục bộ sách viết về ngân hàng, tín dụng và đầu tư chứng khoán. Những bộ sách mang màu đỏ và màu mạ vàng đứng thẳng trên kệ trông giống như những đồng tiền mới toanh vừa đúc từ lò, hứa hẹn sẽ tiết lộ những bí quyết cực hay mà chỉ có ba ông Midas, Morgan và Maecenas[1] biết được. Tôi chủ định sẽ đọc thêm nhiều sách nữa. Lúc còn ở đại học tôi rất thích văn học. Có một năm tôi đã viết một loạt những bài xã luận mạch lạc mang tính chất nghiêm túc cho tờ báo trường Yale News. Giờ đây tôi sẽ đưa tất cả những kinh nghiệm đó trở về với đời sống của mình và một lần nữa trở thành một chuyên gia hiếm hoi nhất, một người toàn diện. Đây không phải là một câu nói trào lộng - cuối cùng mà nói, cuộc đời sẽ được dễ hiểu hơn khi ta quan sát nó chỉ từ một cửa sổ. Thật đúng là cơ hội đã khiến tôi đến mướn nhà ở một nơi lạ lùng nhất nhất vùng bắc Mỹ. Nó là một hòn đảo dài, hẹp, phong phú, trải dài theo hướng đông của New York. Trong số những những thắng cảnh lạ lùng hiếm có khác ở đó là hai dải đất có hình dáng cấu tạo lạ lùng. Chúng cách xa thành phố khoảng hai mươi dặm, nhìn y như một cặp trứng khổng lồ, giống nhau hoàn toàn về hình dáng và được chia cách bởi một dải nước dài, gọi là eo biển cho thanh nhã. Hai trái trứng nằm nhô ra, lấn vào vùng nước mặn đã bị thuần hóa nhất ở Tây bán cầu, eo biển Long Island trại gia súc ẩm ướt khổng lồ. Hai dải đất này không hoàn toàn có hình bầu dục. Giống như trái trứng ở trong giai thoại của Columbus[2], cả hai đều dẹp đầu ở chỗ dính vào đất liền. Sự giống nhau về hình dáng là nguyên do khiến cho đám hải âu bay trên cao không ngừng bị lầm lẫn. Thế nhưng đối với những động vật không cánh khác thì cái lôi cuốn kỳ diệu ở đây chính là sự hoàn toàn khác biệt của mọi thứ giữa hai giải đất, ngoại trừ hình dáng và kích thước. Nhà tôi ở West Egg (trái trứng phía tây) – so sánh giữa hai trái trứng thì bên này kém sang trọng hơn, tuy nhiên đây chỉ là lời nói sáo bình thường để diễn tả sự khác biệt kỳ quái giữa hai nơi, nó không phải lời so sánh mang ác ý. Nhà của tôi ở ngay mõm nhọn của trái trứng, cách eo biển chỉ chừng năm mươi thước, nằm kẹp giữa hai căn nhà đồ sộ mà giá thuê của chúng lên khoảng từ mười hai tới mười lăm ngàn đô la mỗi mùa nghỉ mát. Căn nhà bên phải của tôi là một tòa nhà kiến trúc khổng lồ nếu so sánh từ bất cứ phương diện nào. Nó được xây dựng dựa theo kiến trúc của một tòa thị sảnh nào đó ở Normandy bên Pháp. Tòa nhà còn mới nguyên núp dưới hàng dây thường xuân lưa thưa, nó bao gồm một ngọn tháp xây ở bên hông, một hồ bơi bằng đá hoa cương, cùng hơn bốn mươi mẫu cây cỏ vườn tược. Đó là tòa lâu đài của Gatsby. Nói cho đúng hơn, vì tôi chưa quen biết Gatsby, nó là tòa lâu đài đồ sộ nơi cư trú của một người quý phái với cái tên đó. Căn nhà của tôi nằm bên cạnh trở thành cái gai trong mắt, nhưng chỉ là cái gai mắt nhỏ bởi vì cũng chẳng ai để ý tới nó. Bởi vậy mà nói, tôi được ngắm cảnh biển cả, được ngắm một phần vườn cỏ của nhà hàng xóm và an ủi được ở gần những nhà triệu phú mà chỉ phải trả có tám mươi đô la một tháng. Phía bên kia eo biển là những tòa lâu đài trắng của làng East Egg (trái trứng phía đông) sang trọng, nằm lộng lẫy tráng lệ dọc theo bờ biển. Mùa hè lịch sử đã thực sự bắt đầu bằng một buổi chiều khi tôi lái xe sang đó ăn tối với vợ chồng Tom Buchanan. Daisy là em họ xa lắc xa lơ của tôi, còn Tom thì tôi đã quen biết từ hồi còn ở đại học. Khi chiến tranh mới vừa chấm dứt, tôi đã từng ở chung với họ hai ngày ở Chicago. Ngoài nhiều thành tích khác nhau về thể lực, Tom, chồng của Daisy đã từng là một trong những cầu thủ môn bóng bầu dục khỏe nhất ở New Haven. Anh ta cũng được coi như là một cầu thủ có tầm vóc quốc gia, người mà khi trình độ suất sắc nhất đã đạt tới đỉnh cao ở tuổi hai mươi mốt thì tất cả mọi thứ anh đạt được sau đó không còn thể nào bằng được. Gia đình của Tom vô cùng giàu có, ngay từ lúc còn học đại học, cách thức Tom tự do tiêu xài tiền bạc đã gây nên bao chỉ trích phê bình. Bây giờ tuy Tom đã rời Chicago để về sống ở miền Đông, cách sống của anh vẫn làm người ta nín thở, thí dụ như cách anh ta đã đem theo từ Lake Forest đến đây nguyên cả một bầy ngựa chơi polo. Thật khó có thể tưởng tượng được rằng một thanh niên trẻ sanh cùng thế hệ như tôi mà đã giàu có đến độ tiêu xài cỡ đó. Tôi không biết lý do vì sao vợ chồng họ lại dọn về sống ở miền Đông. Họ đã từng sang sống ở Pháp một năm chẳng vì lý do gì cả. Sau đó họ không ngừng trôi dạt từ chỗ này đến chỗ kia, đến ở bất cứ nơi nào miễn nơi đó có dân chơi polo và người giàu có tụ tập. Lần này họ sẽ định cư lâu dài cố định ở đây, Daisy đã nói với tôi như vậy qua điện thoại, thế nhưng tôi không tin. Tôi không thể nhìn thấu trái tim của Daisy, nhưng tôi cảm thấy Tom sẽ mãi luôn phiêu bạt, luôn khao khát mong tìm lại những náo động đầy cảm xúc của những trận đấu bóng ngày nào mà anh không bao giờ còn tìm lại. Thế rồi vào một buổi chiều ấm áp lộng gió tôi lái xe đi đến East Egg để thăm hai người bạn cũ mà tôi hầu như không thấu hiểu gì mấy. Tòa nhà của họ ở được xây quá công phu và cầu kỳ hơn tôi tưởng. Nó là một dinh thự kiến trúc theo kiểu thời thuộc địa Georgian, sơn hai màu trắng đỏ vui mắt, hướng mặt nhìn ra khắp vùng vịnh. Thảm cỏ dài gần một phần tư dặm, bắt đầu từ ngoài biển trải dài vào tận đến cửa trước, nhẩy cắt qua những đồng hồ mặt trời, những lối đi lát gạch, những khu vườn rực rỡ, cuối cùng khi đến tới tòa nhà thì làm như đang trên đà chạy, nó trườn lên bên hông biến thành những dây leo rực rỡ. Mặt tiền tòa nhà được gắn một hàng những cánh cửa sổ kính cao rộng. Những cánh cửa màu vàng ròng này giờ đang chói sáng vì nắng phản chiếu và đang được mở rộng để chào đón buổi chiều lộng gió nóng. Trong bộ đồ cưỡi ngựa, Tom Buchanan lúc đó đang đứng dạng chân trước hiên nhà. Tom đã thay đổi so với những năm đi học ở New Haven. Anh ta bây giờ là một người đàn ông ở tuổi ba mươi cường tráng, tóc màu vàng rơm khô, nghạnh miệng và dáng điệu khinh khỉnh. Đôi mắt sáng ngời đầy nét ngạo mạn tạo cho khuôn mặt một vẻ áp đảo và tạo cho Tom một dáng điệu hung hăng chũi về phía trước. Ngay cả lối trưng diện tao nhã qua bộ đồ cưỡi ngựa cũng không che dấu được cái sức mạnh lo lớn của cơ thể. Đôi chân nhấn đầy chặt đôi ủng bóng loáng trông như muốn căng đứt sợi dây buộc giầy phía trên và ta có thể nhìn thấy những bắp thịt cuồn cuộn di chuyển mỗi khi đôi vai của anh cử động bên dưới chiếc áo khoác mỏng. Đây là một cơ thể có khả năng sức mạnh ghê gớm, một cơ thể tàn bạo. Giọng nam khan cao cộc lốc của Tom càng làm tăng vẻ cau có trong lối diễn đạt. Cộng thêm lối khinh người kẻ cả ngay cả đối cả với những người anh thích, khi còn trong trường ở New Haven đã không thiếu người ghét Tom cay đắng. “Đừng cho rằng ý kiến của tôi về những vấn đề này đến đây là đã được quyết định,” Khi Tom nói như thế, thì dường như ý lại là “Chỉ vì tôi mạnh hơn và đàn ông hơn anh”. Hai đứa chúng tôi đã cùng ở trong hội sinh viên cấp đàn anh trong trường, tuy chúng tôi không bao giờ thân nhưng tôi luôn có cảm tưởng anh ta thích tôi và muốn tôi thích lại anh ta ở cái cách thô bạo ngang nghạnh của mình. Chúng tôi đứng hàn huyên với nhau vài phút trước hiên nhà ngập nắng. “Tôi kiếm được nơi này ở tuyệt quá.” Tom nói, đôi mắt mang đầy nét phô trương di động không ngừng. Tom đưa một tay xoay mình tôi lại, sau đó chìa bàn tay bè rộng chỉ ra phía trước để khoe. Nhìn theo vòng đảo của bàn tay tôi thấy gồm có một khu vườn chìm kiểu Ý, nửa mẫu hoa hồng loại gắt hương và một chiếc tàu máy mũi hếch đang bồng bềnh trên sóng nước ngoài khơi. “Nhà này trước của Demain, vua giầu hỏa.” Tom xoay người tôi thêm một lần nữa, một cách lịch sự nhưng đột ngột. “Mình hãy vào trong nhà đi.” Chúng tôi đi ngang qua một hành lang cao vào tới một căn phòng màu hồng phấn tươi, hai đầu căn phòng được nối dính vào căn nhà một cách thanh tú bởi những cửa sổ kính. Những cửa sổ này đang hé mở, màu trắng chiếu lấp lánh tương phản với màu thảm cỏ tươi bên ngoài và đám cỏ dường như đang muốn mọc lấn cả vào bên trong. Một làn gió nhẹ hiu hiu thổi qua căn phòng làm những tấm màn cửa bay lên như những lá cờ, gió xoắn chúng lại rồi thổi phồng lên trên trần nhà được trang trí theo kiểu mặt kem bánh cưới, sau đó gió tiếp tục thổi lướt qua tấm thảm màu rượu vang tạo thành những vết gợn trên mặt thảm giống như gió gợn trên mặt biển. Chỉ có một vật đứng yên không di động trong phòng là chiếc ghế dựa dài to khổng lồ với hai thiếu nữ đang ngồi ở trên, họ trông giống như đang thả nổi lơ lửng trên chiếc bong bóng bị cột neo bên dưới. Cả hai đều mặc áo đầm trắng, áo của họ uốn lượn phập phồng giống như cả hai vừa được thổi về lại chỗ cũ sau một chuyến bay ngắn chung quanh căn nhà. Tôi chắc hẳn đã đứng đó yên một lát để lắng nghe tiếng quật đập phành phạch của tấm màn cửa và tiếng rên rỉ kẽo kẹt của tấm tranh treo trên tường. Một tiếng đập sầm thật to khi Tom đóng cánh cửa sổ bên hông lại, thế là gió tắt hẳn, kể cả những tấm màn cửa, kể cả những tấm thảm, và chiếc bong bóng chứa hai thiếu nữ cũng từ từ hạ xuống dưới đất. Trong hai người, tôi không quen biết người thiếu nữ trẻ tuổi hơn. Cô ta nằm duỗi người bên một đầu chiếc ghế hoàn toàn không cử động, cằm hơi nhếch lên một chút làm như đang cố thăng bằng vật gì đó trên cằm đang sắp rớt. Thật ra nếu cô gái đó có nhìn thấy tôi qua khóe mắt của mình hay không thì tôi cũng không biết, bởi vì cô chẳng biểu lộ một biểu hiện gì cả. Tôi ngạc nhiên đến nỗi gần như tính lầm bầm nói câu xin lỗi vì sự xuất hiện của mình đã làm phiền họ. Người thứ hai, Daisy ít ra cũng có cố gắng nhổm lên. Nàng hơi nghiêng mình tới trước với vẻ mặt cẩn trọng, sau đó bật lên tiếng cười nhỏ, một cái cười lố bịch duyên dáng. Tôi cũng cười theo và sau đó bước vào phòng. “Em vui mừng đến nỗi đờ đẫn cả người ra,” Daisy lại buông tiếng cười lần nữa làm giống như mình vừa nói cái gì đó rất dí dỏm. Daisy nắm tay tôi một chặp, sau đó ngước mắt lên nhìn vào mặt tôi như cam đoan nàng không mong gặp ai hơn ngoài tôi ra; cách thức của Daisy xưa nay luôn như vậy. Nàng thì thầm giới thiệu cho tôi biết họ của cô gái đang làm động tác cân bằng kia là Baker. (Tôi nghe người ta đồn rằng Daisy hay nói thì thầm chỉ cố ý để người ta nghiêng lại gần nàng hơn. Một câu trỉ chích không chính đáng như vậy không làm giảm đi nét duyên dáng của nàng). Tôi quay lại nhìn Daisy khi cô em họ bắt đầu hỏi han với giọng nói trầm trầm đầy truyền cảm. Đó là loại giọng nói khiến cho tai người nghe phải hướng theo lên xuống, làm như mỗi lời nói là mỗi sắp xếp của những nốt nhạc sẽ không bao giờ được đánh thêm lần nữa. Khuôn mặt của Daisy mang nét trầm buồn xinh đẹp, trên nó có chứa đựng những cái tươi sáng rực rỡ - đó là đôi mắt tươi sáng long lanh và chiếc miệng tươi nồng nàn quyến rũ. Tuy nhiên, sự quyến rũ nhất của Daisy chính là giọng nói, nó chứa đựng một sự sống động khiến cho những người đàn ông đang yêu nàng sẽ rất khó có thể quên: chẳng hạn như lời nài nỉ du dương, lời thì thầm “hãy lắng nghe em nói”, lời kể lể thiết tha rằng mình mới vừa trải qua những giây phút vui tươi và rằng còn nhiều chuyện vui hơn nữa đang chuẩn bị tới trong vòng một giờ đồng hồ. Tôi kể cho Daisy nghe chuyện trên đường đi qua miền Đông tôi đã ghé ngang qua Chicago như thế nào, và đã có khoảng một chục người nhắn gửi tình cảm của họ tới Daisy ra sao. “Bọn họ nhớ em thật sao?” Daisy ngây ngất reo lên. “Nguyên cả thành phố đều sầu não. Tất cả mọi chiếc xe đều cho sơn đen chiếc bánh bên trái phía sau để tượng trưng cho vòng hoa tang, và có những tiếng than van thương khóc dai dẳng suốt đêm trường dọc theo bờ bắc biển hồ.” “Tuyệt quá! Hãy quay về đó đi, Tom. Ngày mai!” Sau đó Daisy nói thêm chẳng ăn nhằm gì tới chuyện đang nói. “Anh muốn gặp con của em không?” “Anh muốn lắm.” “Con bé ngủ mất rồi. Nó lên ba tuổi. Anh chưa bao giờ gặp nó phải không?” “Chưa bao giờ.” “Thế thì anh nên gặp nó. Con bé…” Tom Buchanan nãy giờ vẫn cứ không ngừng lượn qua lượn lại trong căn phòng, bây giờ đứng lại và đặt tay lên vai tôi. “Nick, bây giờ anh đang làm nghề gì?” “Tôi làm khố phiếu tín dụng” “Với công ty nào?” Tôi đưa câu trả lời. “Chưa bao giờ nghe tới tên những công ty này.” Tom trả lời một cách quả quyết. Cách nói này khiến tôi bực mình. Tôi trả lời cộc lốc. “Anh sẽ biết nếu như anh ở lại miền Đông này.” “Ổ, anh đừng lo, tôi đương nhiên sẽ ở lại miền Đông này.” Tom nói, liếc nhìn Daisy rồi lại quay sang nhìn tôi hình như đang cảnh giác cho những phản ứng khác. “Tôi có ngốc mới đi ở nơi khác.” Ngay lúc đó đó Baker lên tiếng “Đương nhiên rồi!” Lời nó đột ngột này làm tôi giật mình. Đây là lời đầu tiên cô thốt lời kể từ lúc tôi bước vào phòng. Rõ ràng, điều này cũng gây ngạc nhiên ngay cả cho chính Baker chắng kém gì cho tôi. Cô ngáp dài và đứng lên sau một loạt những cử động khéo léo nhanh nhẹn. “Người em tê cứng cả lên, em đã nằm đó không biết từ thủa nào.” Baker than phiền. “Đừng đổ lỗi cho chị, chị đã gắng sức rủ em đi New York nguyên cả chiều nay.” Daisy đối đáp lại. “Cám ơn không uống.” Baker từ chối khi bốn ly cocktail vừa mới được đưa lên từ phòng ăn. “Em đang trong thời gian huấn luyện.” Người chủ nhà nhìn Baker một cách hoài nghi. “Vậy à?” Sau đó Tom cầm nốc cạn ly rượu của mình làm giống như nó chỉ có một giọt dưới đáy. “Tôi không biết cô làm sao có thể thực hiện được mọi chuyện của mình.” Tôi nhìn Baker tự hỏi việc mà cô có thể làm được là việc gì. Tôi thích ngắm nhìn Baker. Cô có thân người mảnh dẻ, bộ ngực nhỏ nhắn, dáng đi thẳng đứng. Baker cố làm nổi bật dáng người mình lên hơn nữa bằng cách ưỡn vai ra sau như một thiếu sinh quân. Đôi mắt mang vẻ kém tươi sáng vì mỏi nắng trên một khuôn mặt duyên dáng nhưng uể oải và khó chịu. Baker lịch sự đáp trả lại tôi cũng bằng một cái nhìn tò mò. Tôi nhận ra rằng hình như tôi đã gặp cô hay đã nhìn thấy hình của cô trước đây ở đâu rồi. “Anh ở bên West Egg hả, tôi cũng có quen vài người bên đó”. Baker hỏi một cách khinh khỉnh. “Tôi không quen một ai.” “Anh chắc phải biết Gatsby.” “Gatsby? Gatsby nào?” Daisy gặng hỏi. Trước khi tôi có dịp trả lời rằng người đó là hàng xóm của tôi thì mọi người đã được thông báo cho biết bữa ăn chiều đã sẵn sàng. Đưa cánh tay cứng ngắc của mình ra nắm chặt lấy cánh tay tôi, Tom Buchanan đẩy tôi ra khỏi căn phòng giống như đang đẩy một con cờ từ ô này sang ô khác. “Tại sao lại thắp nến?” Daisy nhăn mặt phản đối rồi búng ngón tay tắt chúng đi. “Hai tuần nữa sẽ là ngày dài nhất trong năm. Có phải mọi người ai cũng mong đợi cho đến ngày dài nhất trong năm nhưng sau đó thì lại lỡ để nó trôi qua không biết đến? Em lúc nào cũng chờ đợi cho tới ngày dài nhất trong năm nhưng rồi lại để nó lỡ trôi qua.” Daisy nhìn chúng tôi khuôn mặt tươi tắn rạng rỡ. “Chúng ta nên tổ chức làm cái gì đi.” Baker ngáp dài, ngồi xuống bàn cách thức giống như đang chuẩn bị nằm xuống giường ngủ. “Đúng đó. Mình nên tổ chức cái gì đây?” Daisy nói, quay lại tôi hỏi. “Người ta thường tổ chức gì nhỉ?” Trước khi tôi có thể trả lời, đôi mắt Daisy đã dán chặt vào ngón tay út của mình với nét mặt kinh sợ. “Trông nè, ngón tay em bị đau.” Daisy phàn nàn. Mọi người chúng tôi quay sang nhìn, khớp đốt tay đã tím bầm. “Anh làm đó Tom” Daisy đổ lỗi. “Em biết anh không cố ý, nhưng chính anh đã gây nên. Đó là cái giá mà em phải trả cho việc kết hôn với một người đàn ông thô bạo, một thứ người to xác.” Đôi khi cả Daisy và Baker đều cùng nói một lúc những câu nói diễu cợt, không quấy rầy ai, không huyên thuyên nhưng trầm tĩnh mát mẻ như những chiếc áo đang mặc trên người và như những đôi mắt trống rỗng thiếu vắng ham muốn của họ. Hai thiếu nữ họ ngồi đây, chấp nhận sự có mặt của Tom và tôi, cố gắng lịch sự để nói chuyện giải trí cho chúng hoặc tự giải trí cho chính mình. Cả hai đều biết bữa ăn chiều rồi cũng sẽ chấm dứt, chẳng bao lâu buổi chiều rồi cũng sẽ qua đi. Đời sống ở nơi đây toàn toàn khác biệt so với đời sống ở miền Tây, nơi mà những buổi chiều lúc nào cũng vội vã đi hết từ giai đoạn này đến giai đoạn kia cho đến khi chấm dứt trong một đoán biết trước đầy thất vọng hay trong niềm hoàn toàn kinh sợ chính giây phút hiện tại. “Daisy, em làm cho anh cảm thấy mình giống như người không văn minh.” Tôi thú nhận sau khi uống ly rượu vang đỏ thứ hai nồng mùi nút chai. “Em có thể nói về đồng ruộng, vụ mùa hay đề tài nào khác được không?” Tôi không có ẩn ý gì trong câu nói này, nhưng nó đã được tiếp nhận một cách khác. Tom thốt lên một cách mạnh bạo dữ tợn. “Nền văn minh sẽ tan thành từng mảnh, tôi thật cảm thấy bi quan về sự việc này. Anh đã đọc qua quyển “Sự hưng thịnh của các đế quốc da màu” do ông Goddard nào đó viết chưa?” “Chưa, thì sao?” Tôi trả lời, cảm thấy ngạc nhiên vì giọng nói của Tom. “Đó là một quyển sách hay mà mọi người nên đọc. Ý tưởng của quyển sách là nếu ta không cẩn trọng thì giống dân da trắng sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn. Những ý kiến đó hoàn toàn khoa học và đã được chứng minh.” “Tom càng lúc càng uyên bác.” Daisy nói với vẻ mặt buồn bã không sâu sắc lắm. “Anh ấy đọc những quyển sách thâm sâu đầy những từ ngữ dài. Có nhớ cái từ gì mà chúng ta…” “Thật ra những quyển sách này đều là sách khoa học.” Tom khăng khăng, liếc nhìn vợ một cách thiếu kiên nhẫn. “Tác giả này đã nghiên cứu mọi thứ cẩn trọng. Mọi thứ giờ đang nằm trong tay của chúng ta là giống dân thống trị, chúng ta cần canh chừng những giống người khác, nếu không họ sẽ ngoi lên nắm quyền điều khiển mọi thứ.” “Chúng ta phải đánh bại họ.” Daisy thì thầm, nháy mắt một cách dữ tợn về phía mặt trời nóng bỏng. “Hai người nên sống ở California.” Baker lên tiếng nhưng Tom đã cắt lời cô bằng cách xoay người nặng nề trên ghế. “Tác giả đưa ra ý tưởng rằng chúng ta là người Bắc Âu. Tôi, cậu, cô và..” Sau một chút do dự ngắn ngủi anh ta gộp luôn cả Daisy vào trong danh sách bằng cái gật đầu nhẹ khiến Daisy nháy mắt với tôi them một lần nữa. “Và chính chúng ta đã sáng tạo nên tất cả những thứ đã làm thành nền văn minh, từ khoa học, đến nghệ thuật và tất cả mọi thứ khác. Cậu có công nhận không?” Có cái gì đó thật tội nghiệp trong lối Tom gắng óc suy nghĩ, làm như tính tự mãn của Tom tuy bây giờ còn cao độ hơn xưa nữa, nhưng nó cũng vẫn không đủ sức cho Tom suy nghĩ. Đúng ngay lúc đó có tiếng chuông điện thoại reo trong nhà, người quản gia rời hiên nhà đi vào trong. Daisy nhân cơ hội gián đoạn này nghiêng mình về phía tôi nói. “Em sẽ tiết lộ cho anh nghe một bí mật của gia đình.” Daisy thì thầm một cách hăng hái. “Chuyện về cái mũi của ông quản gia. Anh có muốn nghe chuyện cái mũi ông quản gia không?” “Thì anh đến đây chính là vì muốn nghe chuyện đó.” “Thật ra trước kia ông ta không phải là làm nghề quản gia mà làm nghề đánh bóng đồ bạc cho người nào đó có tiệm khoảng hai trăm khách hàng ở New York. Ông ta phải đánh bóng đồ bạc từ sáng mãi cho tới tối cho đến khi mũi ông ta bị nhiễm độc.” “Bịnh tình càng lúc càng tệ.” Baker tiếp lời gợi ý. “Đúng như vậy. Càng lúc càng tệ cho đến cuối cùng ông ta phải bỏ việc đang làm.” Trong một khoẳng khắc, giọt nắng cuối cùng rơi một cách lãng mạn lên khuôn mặt rạng ngời của Daisy. Giọng nói của nàng khiến tôi phải chồm người tới trước và nín thở mới nghe được. Sau đó vẻ rạng ngời này bớt dần khi từng giọt nắng thay phiên nhau giã từ bỏ đi trong nuối tiếc, giống như đám trẻ nhỏ phải ngừng chơi để rời khỏi con đường tràn đầy vui thú khi trời chạng vạng tối. Người quản gia quay trở lại và thì thầm điều gì đó vào sát tai Tom. Nghe xong Tom nhăn mặt, xô ghế ra sau, đứng lên bỏ vào trong nhà mà không mói một lời nào. Sự vắng mặt của Tom khiến Daisy nhanh chóng nắm lấy cơ hội, nàng nghiêng người tới phía trước lần nữa, giọng rạng rỡ và du dương. “Nick, em rất thích anh đến đây dùng bữa với em. Anh làm em liên tưởng tới một đóa hồng, một đóa hồng thuần túy. Phải vậy không?” Daisy quay qua Baker chờ câu xác nhận. “Phải một đóa hồng thuần túy không?” Điều này không đúng. Tôi chẳng có chút xíu gì giống một đoá hồng. Daisy thật là chỉ tùy hứng ứng khẩu, thế nhưng làn hơi ấm áp tỏa ra từ cơ thể của nàng làm như trái tim của nàng đang muốn thổ lộ tới người nghe bằng cách ẩn núp dưới dạng những lời nói không vương hơi thở, truyền ra làm rung cảm lòng người. Thế rồi, đột nhiên Daisy ném khăn chùi miệng lên bàn và xin lỗi mọi người rồi bỏ vào trong nhà. Baker và tôi liếc nhẹ mắt nhìn nhau cố tình không để lộ ý tưởng gì. Khi tôi chuẩn bị lên tiếng thì Baker đã nhanh nhẹn đứng lên một và nói “Shuỵt” với một giọng cảnh giác. Những tiếng nói chuyện rì rầm cố dằn nhỏ giọng có thể nghe được từ căn phòng bên kia. Baker chẳng xấu hổ gì nghiêng người về phía trước cố lắng nghe. Tiếng rì rầm vang to lên gần như có thể hiểu được, sau đó lại hạ thấp xuống, rồi lại nổi nên sôi nổi và sau đó thì hoàn toàn im lặng. “Ông Gatsby mà cô đã nhắc qua là hàng xóm của tôi..” Tôi gợi chuyện. “Đừng nói. Tôi muốn lắng nghe coi chuyện gì đang diễn ra.” “Có chuyện gì đang xẩy ra sao?” Tội dò hỏi một cách ngây thơ. “Anh bộ không biết thật hả? Tôi tưởng ai cũng biết rồi.” Baker nói một cách ngạc nhiên thật sự. “Tôi không hề biết gì cả.” “Vậy sao…” Baker ngập ngừng, “Tom có người đàn bà khác ở New York.” “Có người đàn bà khác?” Tôi ngây người lập lại Baker gật đầu “Nếu cô đó là người biết điều thì không nên gọi điện thoại cho Tom ngay giữa bữa ăn chiều như vậy. Anh nghĩ đúng không?” Trước khi tôi kịp thấu hiểu ý nghĩa câu nói của Baker thì đã nghe tiếng áo đầm phần phật và tiếng nghiến giày, cả Tom và Daisy đều quay trở lại bàn ăn. “Em không thể cưỡng nổi!” Daisy nói lớn với giọng nói tươi vui không tự nhiên. Daisy ngồi xuống, sau khi hết liếc nhìn Baker rồi lại liếc nhìn tới tôi, nàng nói tiếp. “Em mới vừa ra ngoài ngắm một phút, cảnh trí ngoài trời thật là nên thơ. Có một con chim đậu trên bãi cỏ mà em đoán là chim sơn ca đã theo con con tàu Cunard hay tàu Starline đến đây. Chú chim vừa bay vừa hót..” Giọng của Daisy thánh thót. “ Đúng là lãng mạn phải không Tom?” “Thật là lãng mạn.” Tom trả lời, sau đó quay sang tôi một cách khổ sở. “Sau bữa ăn chiều, nếu trời còn sáng, tôi muốn dẫn anh đi xuống chuồng ngựa.” Chuông điện thoại trong nhà lại reo lên làm mọi người giật mình. Trong khi Daisy nhìn Tom lắc đầu một cách kiên quyết thì đề tài của những chuồng ngựa, đúng ra mà nói tất cả mọi đề tài, đều tan biến vào không gian. Trong khoảng khắc đứt đoạn năm phút đó, tôi nhớ rằng ở trên bàn những ngọn nến đã được thắp sáng trở lại, lạc lõng vô nghĩa. Tôi có ý muốn nhìn thẳng vào khuôn mặt của mỗi người nhưng lại tránh không muốn nhìn vào mọi cặp mắt. Tôi không có thể suy đoán xem Daisy và Tom đang nghĩ gì, nhưng tôi cho rằng ngay chính cả Baker, người dường như rất tài giỏi về nghi ngờ, có thể hoàn toàn xua đuổi khỏi đầu tiếng kêu lanh lảnh dục dã của người khách thứ năm này. Tùy tính tình, hoàn cảnh này có thể sẽ khiến cho vài người cảm thấy thích thú. Nhưng với bản năng của tôi, thì tôi sẽ gọi điện thoại ngay cho cảnh sát. Những con ngựa, khỏi cần nói, đương nhiên đã không còn được nhắc tới nữa. Cách nhau vài bước trong bóng tối chiều tà, Tom và Baker thong thả đi vào thư viện, làm như để đi canh gác một thi thể bằng xương bằng thịt. Còn tôi cố gắng làm ra vẻ thú vị và hơi có chút giả điếc, theo gót Daisy đi ngang qua dãy hàng hiên nối dài ra tới hiên nhà trước. Trong bóng tối dày đặc, chúng tôi ngồi xuống cạnh nhau trên chiếc ghế mây. Daisy lấy hai tay chống mặt như để cảm giác được đường nét yêu kiều xinh đẹp của nó. Đôi mắt của nàng thong thả hướng nhìn vào trong bóng hoàng hôn mượt mà như nhung. Tôi thấy nàng đang bị xúc cảm dữ dội cho nên gợi hỏi vài câu về đứa con gái để nàng được dịu lại. “Nick, tuy hai chúng ta là anh em họ nhưng thật ra chúng ta không hiểu nhau nhiều lắm.” Daisy đột ngột nói. “Anh đã không đi dự đám cưới của em.” “Lúc đó còn chiến tranh anh đi trận chưa về.” “Đúng rồi.” Daisy ngập ngừng. “Thật ra em đã trải qua một thời gian đau khổ. Bây giờ thì em cay cú với hết tất cả mọi thứ.” Đương nhiên Daisy có lý do để suy nghĩ như vậy. Tôi đợi cho Daisy nói tiếp nhưng nàng không nói gì thêm. Sau một lúc tôi rụt rè quay lại gợi chuyện đứa con gái nhỏ. “Anh đoán con gái em đã biết nói, biết ăn và biết làm nhiều thứ rồi.” “Dạ, đúng như vậy.” Daisy nhìn thẫn thờ. “Nghe đây Nick. Để em kể cho anh nghe em đã nói gì lúc con gái của em mới sanh. Anh có muốn nghe không?” “Anh muốn nghe lắm.” “Nghe xong anh sẽ biết tại sao em lại có cách suy nghĩ về cuộc đời như bây giờ. Chuyện như thế này, con bé sanh ra chưa được một giờ thì Tom đã đi đâu mất biệt chỉ có trời mới biết anh ở đâu. Sau khi tan thuốc mê, em thức dậy với cảm giác mình đã bị ruồng bỏ. Em ngay lập tức hỏi người y tá xem đứa bé sơ sanh là trai hay gái. Cô y tá trả lời con em là con gái, nghe xong em quay mặt đi không cầm được nước mắt. Em nói, “Cũng được, cũng mừng nó là con gái. Em hy vọng nó sẽ trở thành một đứa con gái ngu ngốc. Trên đời, điều tốt nhất cho một đứa con gái là trở thành một con ngốc xinh đẹp.” “Anh thấy đó, em cho rằng mọi thứ trên đời đều là khủng khiếp.” Daisy nói tiếp giọng quả quyết. “Ai cũng nghĩ như vậy, ngay cả những người tiến bộ nhất. Em thực sự biết mà. Em đã từng đi mọi nơi, từng chứng kiến đủ mọi thứ và từng làm đủ mọi điều.” Đôi mắt của Daisy lóe lên niềm thách thức, đảo nhìn chung quanh trông giống như ánh mắt của Tom, sau đó Daisy bật lên cười khanh khách một giọng cười đầy khinh bỉ xúc động. “Khôn ngoan tinh tế, trời ơi, em thật quá khôn ngoan tinh tế.” Ngay sau khi giọng nói của Daisy đã ngưng lại không còn khiến tôi phải chú tâm nghe và tin theo nữa thì tôi bắt đầu nhận ra sự không chân thật trong những điều nàng vừa nói. Nó khiến tôi cảm thấy khó chịu, làm như nguyên cả buổi chiều nay đều là một trò đùa nhắm vào khai thác cảm giác của tôi để đóng góp vào trò chơi đó. Tôi chờ đợi, và đúng y như thế, chỉ trong chốc lát Daisy đã lại nhìn tôi với một nụ cười điệu và hoàn toàn tự mãn trên khuôn mặt xinh đẹp, làm như Daisy đã khẳng định được địa vị của mình trong một xã hội ưu tú kín mà nàng và Tom đang là hội viên. Bên trong nhà, căn phòng đỏ thẫm đã được bừng sáng dưới ánh đèn. Tom và Baker mỗi người ngồi một đầu của chiếc ghế dựa dài, Baker đang đọc tin tức trên tờ báo Saturtday Evening Post cho Tom nghe với giọng đọc rì rầm không biến đổi, những lời đọc quyện lẫn lấy nhau tạo thành một âm thanh như vuốt ve xoa dịu. Ánh đèn chiếu sáng loáng trên đôi ủng của Tom, mờ đục trên mái tóc vàng màu lá úa của Bakey và phản chiếu ánh lấp lánh dọc theo trang giấy khi Baker đưa tay giở trang bằng những bắp tay thon thả rung nhẹ. Khi hai chúng tôi bước vào, Baker dơ tay lên ra hiệu cho chúng tôi giữ im lặng. “Còn tiếp, xin đón đọc số báo kế tiếp.” Cuối cùng Baker nói, vứt tờ tạp chí lên trên bàn Baker lắc đầu gối chỉnh lại tứ thế mình cho thẳng rồi đứng lên. “Mười giờ rồi, con gái nết na thì nên đi ngủ vào giờ này.” Baker nói, dáng điệu giống như đang coi giờ trên trần nhà. “Jordan sẽ đi tranh giải vào ngày mai ở Westchester.” Daisy giải thích. “Ồ, thế ra cô là Jordan Baker.” Bây giờ tôi mới biết tại sao khuôn mặt của cô ta trông quen thuộc như vậy. Cái vẻ mặt khinh khỉnh đáng yêu đó đã từng nhìn thẳng vào tôi từ trong những bức hình chụp đăng trên báo thể thao ở những thành phố như Asheville, Hot Springs và Palm Beach. Tôi cũng đã từng nghe đồn đại về cô ta, toàn là những lời phê bình chỉ trích về một chuyện không được hay ho thú vị, nhưng là chuyện gì thì tôi đã quên mất tiêu rồi. “Chúc ngủ ngon. Ngày mai nhớ đánh thức em dậy lúc tám giờ sáng.” Baker nói một cách nhỏ nhẹ. “Nếu mà em dậy được thì chị cũng sẽ làm.” “Dậy được mà. Chúc anh ngủ ngon, anh Carraway. Mong sớm có dịp gặp lại anh.” “Em chắc chắc sẽ có dịp gặp lại mà.” Daisy xác nhận.” Thật ra chị sẽ sắp xếp làm mai cho hai người. Nick, anh nhớ đến đây thường xuyên và em sẽ làm mai cho hai người, kiểu như tình cờ nhốt hai người vào trong một tủ quần áo rồi đẩy lên trên một chiếc tàu đưa ra biển, đại khái những mánh khóe như thế.” “Chúc ngủ ngon, em không nghe thấy gì đâu nhé.” Baker nói vọng xuống từ trên cầu thang. “Cô ấy là một cô gái dễ thương. Người ta không nên để cô đi lung tung như vậy.” Sau một hồi Tom nói. “Người nào không nên làm vậy?” Daisy lạnh lùng hỏi. “Thì là gia đình của cô ta.” “Baker chỉ còn có một người dì đã khoảng một ngàn tuổi là người thân. Nhưng mà Nick sẽ chăm sóc cho cô ta, phải vậy không Nick? Mùa hè này Baker sẽ ở đây nhiều cuối tuần với chúng ta. Em nghĩ khung cảnh gia đình sẽ có ảnh hưởng tốt cho Baker.” Daisy và Tom nhìn nhau một lúc trong im lặng. “Có phải cô ta nhà ở New York không?” Tôi hỏi nhanh. “Từ Louisville. Thời thiếu nữ thơ ngây trong trắng chúng em đã lớn lên ở đó. Thời trong trắng xinh tươi…” “Em đã tâm sự nhiều với Nick ở hiên nhà rồi phải không?” Tom đột nhiên tra hỏi. “Phải vậy không?” Daisy nhìn tôi. “Em cũng không nhớ rõ nữa nhưng em nghĩ tụi em đã nói chuyện về giống người Bắc Âu. Đúng rồi, em nhớ chắc chắc là tụi em đã nói về chuyện đó. Thì cũng là do câu chuyện tự đưa đẩy, đến lúc nhận ra…” “Đừng tin vào hết những gì cậu nghe Nick ạ.” Tom khuyên tôi. Tôi nhẹ nhàng trả lời rằng tôi chưa nghe gì hết cả. Vài phút sau tôi đứng dậy cáo từ ra về. Hai vợ chồng họ tiễn chân tôi ra cửa, đứng cạnh nhau trong khoảng ánh sáng tươi vui. Khi tôi vừa rồ máy xe thì Daisy gọi giật tôi lại. “Đợi một lát.” “Khoan đã, em quên hỏi anh một điều quan trọng. Tụi em nghe nói anh đã đính hôn với một thiếu nữ ở miền Tây.” “Đúng rồi.” Tom phụ hoạ giọng thân mật. “Chúng tôi nghe nói anh đã đính hôn.” “Đó chỉ là tin bôi nhọ thôi. Tôi nghèo quá mà.” “Nhưng đúng là tụi em đã nghe được như vậy.” Daisy vẫn khăng khăng. Tôi ngạc nhiên thấy Daisy đã nói cười trở lại như một bông hoa. “Tụi em đã được nghe lại từ ba người, như vậy nó phải là sự thật.” Đương nhiên tôi hiểu họ đang ám chỉ gì nhưng tôi chưa hề đính hôn dù chỉ là mập mờ. Thật ra những lời đồn nhảm đó đã được lan tới cả công bố nhà thờ và đã là một trong những lý do khiến tôi dọn về miền Đông. Ta không thể không giao thiệp với một người bạn lâu năm chỉ vì những lời đồn đại. Mặt khác tôi không có ý định lấy người ấy vì muốn biến lời đồn thành sự thật. Sự quan tâm của hai vợ chồng Tom khiến tôi cảm động và khiến khoảng cách giàu sang của họ với tôi được thu ngắn lại. Dù sao đi nữa, lúc chia tay họ ra về tôi vẫn cảm thấy bối rối, lẫn lộn, pha chút phẩn nộ. Với tôi, dường như việc Daisy có thể làm bây giờ là nên ôm con trong tay chạy cho nhanh ra khỏi nhà. Nhưng trong đầu Daisy dường như không có ý tưởng đó. Về phần Tom, chuyện anh ta thật sự “có một người đàn bà khác ở New York” có lẽ còn ít ngạc nhiên hơn chuyện anh ta bị chán nản sau khi đọc một quyển sách. Không biết cái gì đó đã khiến Tom phải chịu gặm nhấm những tư tưởng cũ rích nhàm chán, làm như cái sự tự đại về thân thể cường tráng của mình đã không còn đủ sức nuôi trái tim quyết đoán của anh ta. Mùa hè đến cũng đã lâu rồi trên mái của những quán ăn và phía trước của những tiệm sửa xe dọc đường, nơi những máy bơm xăng màu đỏ mới toanh đứng sững trong vũng ánh đèn rọi sáng chan hoà. Khi về tới nhà ở West Egg, tôi đậu cất xe và ngồi xuống một lát trên chiếc máy cắt cỏ bỏ phế trên sân. Gió đã ngừng thổi, chừa lại một đêm trăng sáng với tiếng những cánh chim đập vào những tàng lá cây và tiếng kêu la không dứt từ bầy ếch nhái đang được lòng đất thổi hơi căng phồng sứs sống. Có chiếc bóng lung linh của con mèo đang trườn mình ngang qua bóng trăng, khi tôi quay đầu nhìn theo con mèo, tôi thấy mình thật ra không lẻ loi. Cách tôi khoảng năm mươi thước là một dáng người vừa mới hiện ra từ chiếc bóng đen của toà lâu đài hàng xóm bên cạnh. Anh ta đang đứng với hai tay thọc trong túi quần, ngắm nhìn những ngôi sao lấm tấm như bạc rắc trên bầu trời. Có cái vẻ gì đó nhàn nhã ung dung trong dáng điệu của anh ta và cách anh đặt chân kiên cố vững chắc trên thảm cỏ căn nhà cho tôi thấy anh chính là Gatsby. Anh đang ra ngoài để khẳng định xem giữa hai khu cư trú của chúng tôi, sở hữu nào là thuộc về của anh. Tôi tính gọi Gatsby. Baker có nhắc tới anh trong bữa chiều, như vậy coi như tạm đủ là lời giới thiệu. Thế nhưng tôi đã không gọi, bởi vì tôi thấy Gatsby đột ngột ra dáng gợi ý anh muốn được đứng một mình. Gatsby dơ hai cánh tay ra phía trước hướng về phía bóng nước đen trước mặt, vẻ như tò mò. Với khoảng cách xa từ chỗ mình, tôi có thể thề rằng tôi thấy anh ta đang run rẩy. Không tự chủ, tôi cũng hướng nhìn về phía biển, tôi không thấy gì hơn ngoài một đốm ánh sáng màu xanh lục, nhỏ bé và xa tít, có lẽ là từ phía đầu của một bến tàu. Khi tôi quay lại nhìn một lần nữa thì Gatsby đã biến mất, tôi tiếp tục ở lại đơn độc một mình trong cái bóng đen khắc khoải.
[1] Macenas: người giàu có bảo trợ cho những nghệ sĩ ở thành Rome thời cổ đại. Midas: Vị vua của Greek có bàn tay huyền diệu đụng thứ gì thì thứ đó sẽ biến ra vàng Morgan: Một trong những nhà tài chính thành công nhất của Hoa Kỳ trong thế kỷ thứ 19. [2] Theo như truyền thuyết, sau khi khám phá ra Châu Mỹ và trở về nhà, trong một bữa tiệc, một người ghanh ghét với Columbus đã đưa nhận xét rằng thành tích mà ông đạt được không có gì đáng khâm phục cả, ai cũng làm được. Columbus thản nhiên đưa ra một trái trứng và thách người đó làm sao có thể để trái trứng đứng thẳng lên trên đầu nhọn của nó được. Không ai làm được. Columbus cầm lấy trái trứng đập dập một đầu, và thế lá trái trứng có thể đứng thăng bằng trên một đầu nhọn.
[1] Macenas: người giàu có bảo trợ cho những nghệ sĩ ở thành Rome thời cổ đại. Midas: Vị vua của Greek có bàn tay huyền diệu đụng thứ gì thì thứ đó sẽ biến ra vàng Morgan: Một trong những nhà tài chính thành công nhất của Hoa Kỳ trong thế kỷ thứ 19. [2] Theo như truyền thuyết, sau khi khám phá ra Châu Mỹ và trở về nhà, trong một bữa tiệc, một người ghanh ghét với Columbus đã đưa nhận xét rằng thành tích mà ông đạt được không có gì đáng khâm phục cả, ai cũng làm được. Columbus thản nhiên đưa ra một trái trứng và thách người đó làm sao có thể để trái trứng đứng thẳng lên trên đầu nhọn của nó được. Không ai làm được. Columbus cầm lấy trái trứng đập dập một đầu, và thế lá trái trứng có thể đứng thăng bằng trên một đầu nhọn.