Bản dịch của Thu Trinh
Chương 2

Khoảng nửa đường từ West Egg tới New York thì đường xe hơi sẽ nhập lại đi song song với đường xe lửa, khoảng một phần tư dặm, để tránh đi ngang qua một vùng đất phế bỏ điêu tàn. Vùng thung lũng này chỉ chứa đầy tro tàn, đúng là một thung lũng tro tàn rộng lớn không tưởng nổi, nơi tro tàn nằm bao la như những ruộng lúa mì, vun lên thành gò, thành đống, thành đồi, thành những khu vườn mang những hình dáng kỳ quái. Tro tàn ở đây được chất thành đống cao như những căn nhà có những lò sưởi đang thả khói. Xa xa thấp thoáng bóng dáng mập mờ của những người đàn ông đang ra sức cố gắng di động một cách xiêu ngã trong làn không khí bụi bặm. Thỉnh thoảng một đoàn tàu xám ảm đạm bò chậm chạp dọc theo những đường rầy mập mờ nhìn không thấy rõ, phát ra những tiếng rít kót két rùng rợn, sau đó thì ngừng hẳn. Ngay lập tức những người đàn ông xám bụi kia kéo bầy bu lại mang theo những cuốc xuổng nặng nề đến khơi xúc, tạo nên một lớp mây bụi mù mịt không xuyên thủng, che khuất đi những hoạt động làm việc của họ. Thế nhưng phía trên vùng đất xám và đám bụi mịt mờ di động không ngừng kia, nếu nhìn kỹ một lát ta sẽ thấy cặp mắt của bác sĩ T. J. Eckleburg trên tấm biển quảng cáo cao. Cặp mắt mang màu xanh dương to khổng lồ, đôi con ngươi cao khoảng một thước. Cặp mắt không nhìn ra từ trên một khuôn mặt nào cả, mà là nhìn ra từ một đôi kính trắng màu vàng khổng lồ nằm trên một chiếc mũi mập mờ không rõ. Hiển nhiên, một bác sĩ nhãn khoa tinh nghịch nào đó đã dựng tấm bảng quảng cáo này lên để dụ khách cho văn phòng của mình ở khu Queens, nhưng rồi sau đó đã bị mù vĩnh viễn hay đã dọn đi nơi khác, bỏ quên đôi mắt lại nơi này. Thế nhưng, cho dù đôi mắt đã bị phai nhạt màu vì trải qua những ngày tháng mưa nắng không được sơn sửa, chúng vẫn luôn đứng ở đó nghiền ngẫm ngắm nhìn bãi đất h0ang nơi tồn chứa tro than đốt từ rác rưởi phế thải dư thừa.
Bọc theo bên hông của thung lũng tro tàn là một con sông nước đục ngầu dơ bẩn. Khi chiếc cầu sắt trên sông được kéo lên để cho những xà lan đi ngang thì hành khách đang đợi trên những toa xe lửa lúc đó có thể chứng kiến khoảng cả nửa tiếng đồng hồ cái cảnh trí ảm đạm ở đây. Làm cách gì đi nữa thế nào xe cộ cũng bị nghẽn lại ở đó ít nhất là một phút, vì vậy tôi đã có dịp gặp mặt cô tình nhân của Ton Buchanan lần đầu tiên.
Chuyện Tom có nhân tình thì những người quen của Tom ai chẳng biết. Những người này rất bực bội chuyện anh thường dẫn cô tình nhân của mình đến những quán ăn đông đúc nổi tiếng, sau đó để cho cô ta ngồi tại bàn một mình rồi đi nhàn tản tán dóc với mọi người quen chung quanh. Mặc dù tôi cũng tò mò muốn biết mặt người đàn bà này, tôi lại không thiết tha gì mấy muốn gặp gỡ - nhưng rồi tôi cũng đã gặp. Một buổi chiều tôi đi New York với Tom bằng xe lửa, khi xe ngừng lại bên cạnh mấy gò tro tàn thì Tom đứng lên, nắm lấy khủy tay tôi và kéo tôi ra khỏi xe.
“Mình xuống ở đây. Tôi muốn anh gặp mặt người tình của tôi.” Tom khăng khăng nài.
Tôi nghĩ Tom đã uống quá nhiều trong bữa trưa bởi vì cách anh quyết tâm muốn tôi đi theo gần như quá hung bạo. Tom đã kiêu ngạo cho rằng tôi không có gì đáng làm trong một buổi trưa chiều Chủ Nhật.
Tôi theo Tom bước qua một hàng rào thấp quét vôi trắng nằm bên hông đường rầy. Chúng tôi đi bộ quay ngược lại dọc theo  đường khoảng một trăm thước  dưới cái nhìn chăm chăm của bác sĩ Eckleburg. Nhìn quanh chỉ thấy có một bui-đing nhỏ xây bằng gạch vàng nằm bên bờ rìa của vùng đất hoang. Nó giống như con phố chính được thu nhỏ của một quận lỵ, hoàn toàn không có gì sát bên. Một trong ba căn tiệm nằm trong dãy nhà  đề bảng cho mướn, căn thứ hai là một cửa hàng ăn bán suốt đêm, được dẫn đến cửa bởi một con đường mòn đầy tro tàn. Căn thứ ba còn lại là một tiệm sửa xe, bảng hiệu đề chữ “Sửa xe – GEORGE B. WILSON. Mua bán xe.” Tôi đi theo Tom bước vào trong tiệm. 
Phía bên trong căn tiệm trông nghèo nàn và trơ trụi. Nguyên cả tiệm chỉ thấy có một chiếc xe hiệu Ford hư nát phủ đầy bụi nằm ẩn núp lu mờ trong góc nhà.  Tôi nghĩ trong đầu chắc hẳn cái tiệm sửa xe tồi tàn này  chỉ dùng để làm bức màn phong che đậy, sẽ có những căn phòng xa xỉ lãng mạn đang được che dấu ở phía trên lầu. Ngay khi đó thì người chủ tiệm xuất hiện nơi cửa phòng giấy, đang lau tay mình vào trong một miếng dẻ. Anh ta là một người đàn ông tóc vàng, nhu nhược, nước da xanh xao, cũng hơi đẹp trai. Khi trông thấy chúng tôi, một thoáng hy vọng ẩm ướt lập lòe xuất hiện trong đôi mắt xanh của anh ta.
“Chào anh bạn Wilson, dạo này làm ăn buôn bán ra sao?” Tom nói, vui vẻ vỗ vai người chủ tiệm.
“Không có gì đáng phàn nàn.” Wilson trả lời với vẻ không đáng tin lắm. “Khi nào thì anh bán cho tôi chiếc xe đó.”
“Tuần sau, tôi đang cho người sửa chữa lại.”
“Sửa lâu quá nhỉ?”
“Không phải vậy đâu. Nếu như anh cảm thấy như vậy thì để tôi bán nó cho người khác cũng được.”
“Tôi không hề có ý đó.” Wilson nhanh chóng giải thích. “Ý của tôi là…”
Giọng nói của Wilson nhỏ dần đi trong khi Tom nóng ruột liếc nhìn quanh căn tiệm.
Tôi nghe tiếng chân bước xuống cầu thang, một lát thì thấy dáng một người phụ nữ đẫy đà đứng chắn hết ánh sáng từ phía cửa văn phòng. Cô ta vào khoảng ba mươi lăm tuổi, đẫy đà, da thịt tròn lẳng gợi tình. Trong chiếc áo đầm màu xanh đậm chấm tròn vải crepe khuôn mặt của cô ta chẳng có nét gì gọi là đẹp. Tuy nhiên, ngay lập tức ta có thể cảm nhận được từ cơ thể của người phụ nữ này một sức sống đang hừng hực tỏa ra và một khí lực đang không ngừng âm ỉ nung nấu. Cô ta mỉm cười từ tốn đi ngang qua anh chồng làm anh ta như không có ở đó, đến bắt tay với Tom và nhìn thằng vào mắt Tom một cách lẳng lơ. Sau đó cô ta liếm môi, nói với chồng bằng một giọng nhỏ nhẹ nhưng thô lỗ và không thèm quay đầu lại nhìn chồng.
“Anh đi lấy vài cái ghế đươc không, để cho khách ngồi chứ.”
“Được mà.” Wilson vội vã nghe lời, đi về phía căn phòng giấy nhỏ, ngay  lập tức tan biến vào với màu xi-măng của những bức tường gạch. Một lớp tro bụi trắng bám trên bộ quần áo sẫm màu anh ta đang mặc, và trên mái tóc màu nhợt nhạt của anh, cũng giống như mọi thứ khác trong căn tiệm mà đám tro bụi đang phủ lên, ngoại trừ người vợ. Cô ta tiến gần lại phía Tom.
“Anh muốn gặp em, hãy đón chuyến xe lửa kế tiếp.” Tom nói một cách chắc nịch.
“Được mà.”
“Anh sẽ gặp em ở bên cạnh thùng báo tầng dưới nhà ga.” Người đàn bà gật đầu và nhích xa khỏi Tom khi ông chồng George Wilson bước ra với hai chiếc ghế từ văn phòng của mình.
Chúng tôi đợi cho cô ta ở cuối con đường, chỗ khuất không ai thấy.
Chỉ còn vài hôm nữa là tới ngày lễ Độc Lập mồng Bốn tháng Bẩy, một đứa trẻ người Ý xanh xao gầy gò đang  sắp một hàng pháo dọc theo đường rầy xe lửa.
“Đúng là một nơi thê thảm phải không?” Tom vừa nói vừa trao đổi một cái nhăn mặt với bác sĩ Eckleburg.
“Khủng khiếp.”
“Đưa cô ấy ra khỏi chỗ này trong chốc lát cho tốt.”
“Chồng của cô ta không phản đối à?”
“Wilson hả? Hắn tưởng vợ mình đi thăm người em gái ở New York. Hắn ngu quá mà, đến nỗi hắn có còn sống hay không hắn cũng không biết.”
Sau đó Tom Buchanan cùng với cô bồ của mình và tôi cùng nhau đi New York. Thật ra thì không phải chúng tôi đi cùng chung, cô vợ của Wilson đã kín đáo đi riêng trên toa tàu khác. Tom trì hoãn đi riêng như vậy chỉ để tránh sự nhạy cảm của dân bên East
Egg lỡ họ có đi chung cùng chuyến tàu.
Cô vợ Wilson đã thay áo sang mặc một chiếc áo đầm bằng vải muslin ôm sát. Chiếc áo kéo căng ngang chật cứng chỗ cái hông rộng bè khi Tom đỡ cô ta xuống sân ga New York. Lúc ở bên sạp báo, cô ta mua một tờ báo lá cải Town Tattle và một tờ tạp chí điện ảnh, sau đó tới cửa tiệm bán thuốc để mua thêm kem bôi mặt và một chai nước hoa nhỏ. Khi lên tới tầng trên sân ga, cô ta lên tiếng trịnh trọng gọi liên tiếp bốn chiếc taxi nhưng rồi lại chê không chọn được chiếc nào, mãi cho đến chiếc xe thứ năm thì mới chịu vì thấy nó còn mới. Chiếc xe màu tím hoa oải hương, ghế nệm màu xám, đưa chúng tôi lướt ra khỏi nhà ga đông đúc vào trong ánh nắng mặt trời rực rỡ.
“Em muốn mua một trong những con chó đó.” Cô bồ của Tom nói một cách thiết tha.
“Em muốn một con cho căn chung cư của mình. Ở đó mà có được một con chó thì thật dễ thương.”
Chúng tôi kêu xe de lại tới trước một ông già tóc bạc có nét giống John D. Rockefeller[1] đến lạ lùng, đeo lòng thòng từ cổ dài xuống là một cái rổ có chứa khoảng một chục chó con mới sanh không biết rõ thuộc loại giống nào.
“Chó này thuộc giống chó gì vậy?” Cô vợ của Wilson hỏi một cách nôn nóng khi ông già vừa đi tới cửa xe.
“Đủ giống hết. Bà muốn mua giống chó nào, thưa bà?”
“Tôi muốn mua loại chó bec giê cảnh sát hay nuôi, không biết ông có không?”
Ông già nhìn vào trong cái rổ với ánh  mắt nghi ngờ, sau đó thọc tay vào cầm gáy  kéo lên một con đang ngọ nguậy.
“Con đó đâu phải loại chó bec-giê cảnh sát hay nuôi.” Tom nói.
“Không, con này không đích thực là chó bẹc-giê.” ông già nói với giọng thất vọng.
“Nó giống như loại chó săn Airedale[2] nhiều hơn.” Ông già đưa tay vuốt nhẹ chiếc lưng trông như chiếc khăn lau màu nâu của con chó. “Hãy nhìn thử bộ lông này của nó. Đúng là loại lông đặc biệt. Giống chó này sẽ không  bao giờ làm phiền quý ngài vì sợ nó nhiễm cảm lạnh.”
“Em thấy nó dễ thương lắm.” Cô vợ của Wilson nói hớn hở. “Con này bao nhiêu tiền?”
“Con đó hả?” Ông già nhìn con chó một cách ngưỡng mộ và nói. “Con chó đó giá mười đô la.”
Không ai nghi ngờ, con chó này thế nào cũng có một chút ít dòng giống Airedale, mặc dù cẳng chân của nó có màu trắng đến lạ lùng. Con chó được truyền tay và sau đó được đặt trên đùi của cô vợ Wilson. Cô ta vuốt ve bộ lông chịu đựng được mọi thời tiết nó một cách say mê.
“Con chó này là con trai hay con gái?” Cô vợ Wilson hỏi một cách khéo léo tế nhị.
“Con đó hả? Nó là con trai.”
“Nó là con chó cái.” Tom nói một cách dứt khoát. “Đây tiền của ông đây. Cầm lấy để đi mua thêm mười con chó nữa.”
Xe chúng tôi đi tới đường Fifth, trời vừa ấm áp vừa ôn hòa giống như thời tiết miền quê chiều Chủ Nhật khiến như nếu tôi có thấy một đàn cừu trắng ở góc đường tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên.
“Chờ môt chút, tôi phải từ giã hai người ở đây.” Tôi nói.
“Vậy đâu được.” Tom nhanh chóng ngắt lời.
“Myrtle sẽ cảm thấy bị chạm tự ái nếu anh không lên nhà, phải vậy không Myrtle?”
“Lên chơi chút đi.”  Myrtle, cô bồ Tom nài nỉ.  “Tôi sẽ gọi điện thoại cho em gái của tôi là Catherine. Những người đáng để mình quen ai cũng khen nó đẹp.”
“Thật ra tôi cũng muốn lắm, nhưng…”
Chúng tôi tiếp tục đi tiếp nữa, bắt ngang qua đường Park về phía đường West Hundreds. Tới đường 158, chiếc xe taxi ngừng lại trước một căn trong dẫy phố chung cư, nhìn trông giống như một miếng bánh được cắt ra từ một chiếc bánh kem dài màu trắng. Đưa mắt nhìn chung quanh hàng xóm một cách như vương giả, Myrtle ôm con chó và gom góp mấy món đồ mới mua, kiêu kỳ bước vào nhà.
“Em sẽ mời vợ chồng McKee lên đây.” Myrtle tuyên bố như thế trong lúc thang máy đang đi lên. “Và đương nhiên sẽ gọi em gái của em tới luôn.”
Căn chung cư nằm ở trên tầng cuối cùng cao nhất, gồm có một phòng khách nhỏ, một phòng ăn nhỏ, một phòng ngủ nhỏ và một phòng tắm. Một bộ ghế sa-lông có lót trải những tấm thảm vẽ cảnh hình trang trí to kềnh càng nằm dài từ trong ra đến cửa khiến cho căn phòng trở nên chật cứng. Do đó mọi người mỗi khi đi qua lại trong phòng thường xuyên bị vấp chân trên tấm thảm có cảnh của mấy cô gái đang đánh đu trong những khu vườn ở Versailles. Trên tường chỉ treo duy nhất có một tấm hình đã được phóng to quá cỡ, nó có hình một con gà mái đang đứng trên trên một tảng đá mập mờ. Tuy nhiên nếu nhìn từ một khoảng cách xa thì con gà mái sẽ được nhìn ra thành một cái mũ và khuôn mặt của một bà già mập đang tươi cười nhìn xuống căn phòng. Nhiều tờ báo Town Tattle cũ nằm trên bàn cùng với một quyển tiểu thuyết SIMON CALLED PETER và vài tờ báo lá cải nhỏ chuyên moi móc những tin đồn ở sân khấu Broadway. Vào tới nhà, việc trước tiên Myrtle làm là lo lắng cho con chó.
Thằng nhỏ gác cầu thang máy tỏ vẻ miễn cưỡng khi bị sai đi mua một thùng rơm và một ít sữa. Lúc mua xong, nó tự ý mua thêm một hộp thiếc loại bánh bự và cứng dành cho chó ăn. Một miếng bánh còn sót lại trong đĩa sữa nằm rửa nát hờ hững nguyên cả buổi tối. Tom mở khóa chiếc tủ kiếng lấy ra một chai rượu whiskey. 
Trong đời, tôi đã từng bị say rượu hai lần tất cả, và buổi chiều ngày hôm đó chính là lần say thứ hai. Mọi việc xẩy ra với tôi đều trông rất mập mờ như sương phủ, mặc dù đã khoảng sau tám giờ rồi mà căn phòng vẫn còn ngập nắng tươi sáng. Ngồi trên đùi của Tom, cô vợ Wilson gọi điện thoại đến cho nhiều người. Khi nhận ra không có thuốc lá, tôi bỏ ra ngoài để mua ở một tiệm thuốc góc đường. Khi tôi quay trở lại, hai người họ đã biến mất. Tôi dè dặt ngồi trong phòng khách đọc một chương trong quyển Simon Called Peter. Hoặc là quyển sách đã được viết quá tệ, hoặc là rượu whiskey đã làm méo mó hết mọi thứ, tôi thấy những gì viết trong sách chẳng có chút nào hợp lý. 
Khi Tom và Myrtle xuất hiện trở lại, (sau ly rượu đầu tiên, cô vợ Wilson và tôi đã bắt đầu gọi nhau bằng tên gọi thân mật), những khách khứa được mời cũng đã tới cửa.
Cô em Catherine là một người mảnh mai, tân thời, vào khoảng chừng ba mươi
tuổi, mái tóc hung đỏ búi chặt, khuôn mặt trét phấn trắng như sữa. Đôi lông mày của cô ta đã được nhổ sạch và được vẽ lại cho thanh hơn, thế nhưng khi những sợi lông mày thật cố mọc lên trở lại theo như tự nhiên thì chúng nhìn giống như hai vết mờ trên mặt. Khi Catherine di chuyển chung quanh, vô số những vòng đeo tay bằng đá nung của cô không ngừng di động lên xuống, chạm vào nhau tạo nên những âm thanh leng keng. Cô ta đến với dáng điệu chủ nhà, vội vàng hấp tấp rồi đảo nhìn chung quanh làm như mình là sở hữu của mọi thứ, khiến tôi có cảm tưởng như cô đang cư trú ở đây. Thế nhưng khi tôi lên tiếng hỏi thì Catherine cười thái quá, lớn tiếng lập lại câu hỏi của tôi rồi trả lời rằng cô hiện đang sống chung với một bạn gái ở khách sạn.
Anh chàng Mckee nhà ở tầng dưới thì xanh xao ẻo lả giống phụ nữ. Trông hình như anh ta mới vừa cạo râu xong bởi vì trên má vẫn còn dính một vệt kem cạo râu trắng toát. McKee tỏ lễ độ cung kính chào hỏi hết mọi người trong phòng. Anh cho tôi hay anh đang chơi một “trò chơi nghệ thuật”. Mãi sau đó tôi mới biết được anh ta là một nhiếp ảnh gia, là tác giả đã phóng lớn bức ảnh lờ mờ bà mẹ của cô vợ Wilson hiện đang treo lơ lửng  giống như bóng ma trên tường. Vợ của McKee có tiếng nói lanh lảnh, người thiếu sinh khí, làm dáng và thật khủng khiếp. Cô ta hãnh diện khoe với tôi rằng chồng của cô đã chụp hình cho cô tất cả một trăm hai mươi bẩy lần kể từ khi họ kết hôn.
“Em ơi.” Cô vợ Wilson lớn tiếng cao giọng nhẽo nhẹt nói với cô em. “Những người ở đây lúc nào cũng chỉ muốn lừa lọc mình. Họ chỉ nghĩ tới tiền. Tuần trước chị có gọi một người đàn bà lên đây chăm sóc chân cho chị. Khi bà ta đưa giấy tính tiền, nếu em nhìn thấy thì sẽ tưởng bà ta đã cắt ruột thừa của chị.”
“Tên của bà đó là gì?” Cô vợ Mckee hỏi.
“Eberhardt. Bà ta chuyên chăm sóc chân cho thân chủ tại gia.”
“Tôi thích chiếc áo đầm chị đang mặc. Nó dễ thương lắm.” Cô vợ McKee khen ngợi.
Cô vợ Wilson từ chối lời khen bằng cách nhướng mày lên khinh khỉnh.
“Nó là áo cũ thôi mà. Tôi chỉ xỏ vào mặc khi nào tôi không chú tâm đến bề ngoài của mình.”
“Nhưng chị mặc vào trông rất đẹp, nếu chị hiểu ý tôi nói.” Cô vợ McKee tiếp tục theo đuổi đề tài. “Nếu Chester có thể chụp hình chị trong dáng điệu lúc này, tôi nghĩ anh ta sẽ có một tác phẩm giá trị.”
Tất cả mọi người chúng tôi im lặng nhìn cô vợ Wilson, cô ta vén lọn tóc che trên mắt và quay nhìn chúng tôi với với một nụ cười rạng rỡ. Anh chàng Mckee đầu nghẹo sang một bên ngắm nhìn cô ta chăm chú, sau đó đưa tay qua lại trước mặt đo lường một cách thật chậm. Một lát sau anh ta nói.
“Tôi nên thay ánh đèn. Tôi muốn làm nổi bật nét mặt của cô và muốn làm sao lấy được hết mái tóc phía sau.”
“Tôi nghĩ không nên thay ánh đèn.” Cô vợ McKee la lên. “Tôi nghĩ nó…”
Ông chồng  “suỵt” bà vợ và chúng tôi quay lại nhìn người mẫu lần nữa. Ngay lúc đó
Tom Buchanan ngáp to tiếng và đứng lên.
“Hai anh chị McKee có muốn uống gì không.” Tom hỏi. “Myrtle, đi lấy thêm đá và nước suối tới đây, trước khi mọi người đi ngủ.”
“Em đã sai thằng nhỏ đi lấy đá rồi.” Myrtle nhướng lông mày thất vọng vì sự lười nhác của kẻ dưới. “Mấy hạng người này! Mình lúc nào cũng phải phải canh chừng để ý họ suốt ngày.”
Myrtle nhìn tôi và cười một cách vô cớ, sau đó đi vội tới bên con chó, hôn nó mê mẩn rồi lướt thướt kéo lê áo đi vào trong nhà bếp làm như có cả chục đầu bếp đang chờ lịnh của cô ta ở đó.
“Tôi đã chụp được vài cảnh đẹp ở Long Island.” McKee nói.
Tom nhìn anh ta một cách vô thần.
“Hai bức đã được tôi lên khung treo ở tầng dưới nhà.”
“Hai bức gì?’ Tom hạch hỏi.
“Hai bức hình mặc tưởng. Một bức tôi đặt tên Mũi MONTAUK — Hải Âu. Còn bức kia tôi đặt tên Mũi MONTAUK — Biển cả.”
Catherine ngồi xuống cạnh tôi trên chiếc ghế dựa dài.
“Anh cũng ở Long Island à?” Cô ta hỏi.
“Tôi ở West Egg.”
“Vậy sao? Tôi mới tới đó dự tiệc tháng trước ở nhà một người tên Gatsby. Anh có biết anh ta không?”
“Tôi là hàng xóm ở sát bên nhà anh ta.”
“Chà, người ta nói anh ta là cháu trai hay anh em họ gì đó của hoàng đế Đức Willhelm. Tất cả tiền của anh ta từ đó mà ra cả.”
“Vậy sao?”
Cô ta gật đầu.
“Tôi sợ anh ta lắm. Tôi chúa ghét anh ta đụng chạm tới tôi.”
Tin tức hấp dẫn về người hàng xóm của tôi bị cắt ngang khi cô vợ McKee bất ngờ chỉ tay vào Catherine.
“Anh Chester, em nghĩ anh có thể chụp vài kiểu cho cô đó.” Cô ta kêu to lên, nhưng Mckee chỉ gật đầu một cách thờ ơ và sau đó dồn sự chú tâm của mình qua Tom.
“Tôi muốn chụp thêm hình ở Long Island, nếu như tôi có thể kiếm được sự giúp đỡ lúc đầu. Tôi chỉ cần giúp đỡ lúc đầu thôi.”
“Hỏi Myrtle đi.” Tom nói, sau đó bật lên cười khi cô vợ Wilson mang khay nước uống bước vào. “Cô ta sẽ cho anh một lá thư giới thiệu, phải không Myrtle?”
“Làm chuyện gì?” Myrtle ngơ ngác hỏi.
“Em sẽ cho anh Mckee một lá thư giới thiệu tới chồng của em, để anh McKee có thể lấy đề tài nhiếp ảnh về chồng em.” Tom cố tìm chữ, đôi môi mấp máy không phát ra âm thanh, sau đó anh nghĩ ra. “Đề tài là George B. Wilson ở trạm xăng, hay đề tài tên gì tương tự như vậy cũng được.”
Catherine nghiêng người về phía tôi và thì thầm vào tai tôi. “Cả hai người họ đều không thể chịu đựng được người mà họ đã lấy.”
“Họ không chịu đựng được à?”
“Không chịu đựng được.” Cô ta nhìn Myrtle và sau đó nhìn Tom. “Ý tôi muốn nói, tại sao họ lại cứ tiếp tục sống đời sống làm vợ hay làm chồng nếu như đã không thể chịu đựng được người phối ngẫu của mình nữa? Nếu tôi là họ, tôi đã ly dị và kết hôn với nhau ngay rồi.”
“Bộ không phải Myrtle cũng yêu Wilson sao?”
Câu trả lời cho câu hỏi của tôi đã bất ngờ được trả lời từ Myrtle. Cô ta nghe lóm được câu hỏi và đã trả lời nó một cách thô bạo tục tĩu.
“Anh thấy đó.” Catherine thốt lên một cách chiến thắng, sau đó hạ giọng xuống một lần nữa. “Thật ra vợ của Tom mới là người cản lối hai người họ. Cô ta là đạo thiên chúa giáo, không tin vào ly dị.”
Daisy không phải theo đạo thiên chúa giáo. Tôi thấy hơi sửng sốt về lời nói láo thêm thắt này.
“Khi nào họ thực sự lấy nhau.” Catherine tiếp tục. “Họ sẽ dọn về miền Tây ở một thời gian, chờ cho sóng gió qua đi.”
“Đi châu Âu có lẽ sẽ biệt lập kín đáo hơn.”
“Ồ, anh thích châu Âu à?” Cô ta reo lên ngạc nhiên. “Tôi mới quay trở về từ Monte Carlo.”
“Vậy sao.”
“Mới năm ngoái thôi. Tôi tới đó với một người bạn gái.”
“Cô ở đó có lâu không?”
“Không lâu, chỉ tới Monte Carlo rồi về. Chúng tôi đi ngã Marseilles. Lúc đi chúng tôi có hơn một ngàn hai, nhưng sau đó chỉ trong vòng hai ngày thì bị người ta lừa đảo lấy cắp hết tại những căn phòng trọ. Anh phải biết chúng tôi khốn khổ lắm mới kiếm được cách về.  Trời ơi, tôi căm ghét cái thành phố đó.”
Bầu trời xế chiều rọi những tia nắng qua cánh cửa sổ, trong một khoảnh khắc trông giống như màu mật ong xanh của miền Địa Trung Hải. Giọng nói the thé của cô vợ McKee kéo tôi trở về với hiện tại trong căn phòng.
“Tôi xém nữa đã lầm lỡ.” Cô ta tuyên bố một cách mạnh mẽ. “Tôi xém chút lấy phải một anh chàng Do Thái thấp hèn, người đã từng theo đuổi tôi bao nhiêu năm. Tôi biết rằng anh ta thấp hèn hơn tôi. Mọi người ai cũng nó: ‘Lucille, anh chàng đó so ra quá thấp kém cho cô.’ Nếu như tôi không gặp được Chester, tôi chắc chắn đã lấy anh chàng đó rồi.”
“Đúng, nhưng nghe đây.” Myrtle gục gặc đầu nói. “Ít ra chị đã không lấy anh chàng đó.”
“Đúng vậy, tôi đã không lấy.”
“Còn tôi thì đã lấy người như vậy.” Myrtle nói, một cách mơ hồ không rõ ràng. “Đó là sự khác biệt giữa trường hợp của chị và của tôi.”
“Sao chị lại làm vậy, Myrtle, đâu ai ép buộc chị. ” Catherine tra hỏi.
Myrtle suy nghĩ một lát, cuối cùng  trả lời.
“Chị đã lấy anh ta vì chị nghĩ anh ta là một người hào hoa phong nhã. Chị cứ tưởng anh ta là người con nhà giòng dõi. Nhưng thật ra anh ta không đáng để liếm giầy cho chị.”
“Có một thời chị đã từng yêu anh ta đến điên cuồng.” Catherine nói.
“Điên cuồng vì anh ta!” Myrtle thốt lên đầy ngờ vực. “Ai nói chị đã yêu anh ta điên cuồng? Chị chưa bao giờ yêu anh ta điên cuồng hơn như chị đã yêu người đàn ông kia.”
Myrtle đột nhiên chỉ vào tôi khiến mọi người đều hướng về nhìn tôi như kết tội. Tôi cố gắng tỏ dáng điệu như mình không có dính dáng gì tới quá khứ của Myrtle.
“Chỉ có mỗi một việc đáng được coi là điên rồ là chuyện chị lấy anh ta. Chị ngay lập tức biết rằng mình đã làm một chuyện lầm lẫn. Anh ta đã đi mượn bộ đồ vest đẹp nhất để mặc cho đám cưới nhưng lại không hề cho chị hay chuyện này. Một ngày sau, khi anh ta không có nhà, một người đàn ông đã đến tìm để lấy bộ quần áo đó lại. Chị hỏi, ‘Ồ thì ra bộ quần áo đó là của anh à, đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về chuyện này.’ Chị trả bộ đồ cho người đó, rồi nằm vật xuống giường khóc thảm thiết nguyên buổi chiều hôm đó.”
“Chị ấy đáng lẽ ra nên bỏ chồng ngay lúc đó.” Catherine tiếp tục nói với tôi.
“Hai người họ đã sống ở cái tiệm sửa xe đó mười một năm rồi. Anh Tom là người tình đầu tiên mà chị đã từng có.”
Chai rượu whiskey thứ hai được mọi người liên lục truyền tay nhau uống ngoại trừ Catherine, cô ta cảm thấy “không cần uống gì cũng vẫn vui”. Tom rung chuông cho gọi người hầu và sai anh ta đi mua bánh mì kẹp thịt loại nổi tiếng dùng cho bữa chiều. Lúc đó tôi chỉ muốn rời khỏi nơi này để được dạo bộ về hướng nam phía công viên dưới ánh hoàng hôn êm dịu. Nhưng cứ mỗi lần tôi dợm bước chân đi thì tôi lại bị kéo lại vướng víu vào những cuộc tranh luận dữ dội giống như những sợi dây thừng cột tôi vào ghế. Trên cái khoảng không gian cao phía trên thành phố  nơi những ô cửa vàng màu chúng tôi đang ở, chúng tôi chắc chắn đang góp thêm chuyện vào cho cái kho tàng bí mật của nhân loại, và tới cho người bộ hành đang đi phía dưới trên những con đường đang từ từ sạm tối. Tôi trông thấy anh ta ngước nhìn lên tò mò. Tôi như vừa ở bên trong mà cũng như vừa ở bên ngoài, không ngừng vừa say mê vừa chán ghét những biến cải vô lường của đời sống.
Myrtle kéo ghế lại gần bên tôi, đột nhiên hơi thở nóng bỏng của cô tỏa lên tôi khi cô kể câu chuyện lần đầu gặp Tom.
“Chỉ còn hai chỗ ngồi cuối cùng chật hẹp đối diện nhau còn sót lại trên xe lửa.
Tôi đang trên đường đi New York để thăm em gái và ngủ qua đêm ở đó. Tom lúc đó mặc một bộ đồ vest và đôi giầy da đóng tinh xảo. Tôi không thể nào rời mắt khỏi anh ấy. Nhưng cứ mỗi lần anh ấy nhìn lại thì tôi lại giả vờ như đang đọc những tấm quảnh cáo phía trên đầu anh ấy. Khi xe lửa ngừng ở trạm thì tôi thấy anh ấy đã ở bên cạnh tôi từ lúc nào rồi, ngực áo sơ mi trắng của anh ép chặt vào cánh tay của tôi. Tôi nói với anh ấy tôi sẽ báo cảnh sát, thế nhưng anh ấy thừa biết tôi chỉ làm bộ. Tôi cảm thấy quá rung động đến nỗi khi tôi lên xe taxi cùng với anh, tôi không nhận ra rằng mình đã không lên chuyến xe điện ngầm. Lúc đó trong đầu tôi chỉ nghĩ tới nghĩ lui có một điều. “Đời người chẳng sống được bao lâu, đời người chẳng sống được bao lâu.” 
Myrtle quay sang cô vợ McKee, cất tiếng cười giả tạo vang vọng khắp phòng.
“Chị ơi. Tôi sẽ tặng chị chiếc áo đầm này ngay sau khi tôi không dùng đến nó nữa. Ngày mai tôi sẽ mua một cái mới. Tôi sẽ lên danh sách tất cả những thứ mà tôi cần mua. Một máy xoa bóp, một máy cuốn tóc, một dây đeo cổ cho con chó, một gạt tàn thuốc lá xinh xắn loại có nút bấm lò xo, một vòng hoa gắn nơ vải tơ màu đen để lên mộ mẹ tôi suốt mùa hè. Tôi phải liệt kê danh sách để mình khỏi quên những việc phải làm.”
Chín giờ tối, sau đó chỉ thoáng một chút xíu khi tôi nhìn lại thì nó đã là mười giờ. Anh chàng McKee đang ngủ thiếp đi trên ghế với bàn tay nắm siết chặt đùi giống như bức hình của một người đàn ông đang trong tư thế chiến đấu.
Tôi lấy khăn tay lau vệt kem cạo râu đã khô dính trên má của anh ta mà nó đã làm tôi khó chịu nguyên cả buổi chiều.
“Daisy! Daisy! Daisy!” Myrtle la lên. “Em sẽ gọi bất cứ khi nào em muốn. Daisy. Dai…”
Bằng một cử động khéo léo, Tom Buchanan đưa tay đánh bể mũi Myrtle.
Nhiều tấm khăn lông chùi máu được thẩy nằm trên sàn buồng tắm, tiếng đàn bà la mắng, tiếng than la rên rỉ đứt đoạn vì đau vượt lên cao hẳn sự hỗn độn.
Anh chàng  Mckee choàng thức dậy từ giấc ngủ gà ngủ gật của mình, nửa tỉnh nửa mê đi nhanh về phía cửa. Anh ta đi được nửa đường thì chợt quay lại và nhìn trừng vào cảnh tượng trước mặt. Cô vợ của anh ta và Catherine đang vừa la mắng vừa an ủi, vừa đi vừa vấp ngã hết chỗ này đến chỗ kia giữa đám đồ đạc chật trội trong nhà để lấy đồ băng bó. Một dáng người nằm tuyệt vọng trên ghế xa-lông, máu chảy ròng ròng, đang cố trải tờ Town Tattle lên trên cảnh Versailles của tấm thảm để che máu. Mckee quay lưng tiếp tục đi ra khỏi cửa. Với tay lấy cái nón máng trên chiếc đèn treo trần nhà, tôi cũng nối gót bước theo.
“Hôm nào nhớ đến ăn trưa với chúng tôi.” Mckee đề nghị lúc thang máy kẽo kẹt đưa hai chúng tôi xuống.
“Ở đâu?”
“Bất cứ chỗ nào.”
“Đừng đụng tay vào cái cần.” Thắng nhỏ giữ thang máy cáu kỉnh càu nhàu.
“Xin lỗi.” McKee nói một cách tự trọng. “Tôi không để ý tôi đã đụng vào nó.”
“Được rồi, tôi sẽ sẵn lòng đến.” Tôi nhận lời.
…..Rồi.. Tôi đứng cạnh bên giường của Mckee, anh ta ngồi giữa hai tấm trải giường che chiếc quần lót đang mặc,  tay cầm một tập rất nhiều hình chụp, có các tên như: Người đẹp và quái vật… Cô đơn… Con ngựa kéo già… Cầu Broolyn…
…Rồi..Sau đó. Tôi nằm nửa tỉnh nửa ngủ ở tầng dưới nhà ga Pennsylvania lạnh lẽo, mắt nhìn trừng vào tờ báo Morning Tribune, đợi chuyến tàu lúc bốn giờ sáng.
Chú thích:
[1] Nhà thương gia nổi tiếng của nước Mỹ, nắm độc quyền nhiều nghành công nghiệp của Mỹ vào đầu thế kỷ 20
[2] Airedale thuộc loại chó săn gốc từ Airedale, England.  Giống chó Airedales rất năng động và đòi hỏi nhiều huấn luyện. Bộ lông của chúng rất bền dẻo, giúp chúng chịu lạnh giỏi trong mùa đông.  Ngoài ra, chân của chúng không bao giờ có lông màu trắng.