Bản dịch của Thu Trinh
Chương 5

Khi tôi quay về nhà ở West Egg tối hôm đó, trong một khoảng khắc tôi tưởng nhà mình đang bốc cháy. Lúc đó là hai giờ sáng, nguyên cả một góc bán đảo như đang rực lên trong ánh sáng. Ánh sáng rơi như hư ảo chùm lên những bụi cây và kéo dài ra thành những tia sáng lấp lánh trên những giây điện dọc đường. Lúc quẹo vào khúc quanh, tôi thấy đó chính là nhà của Gatsby, đèn bật sáng chưng từ đầu ngọn tháp tới xuống tầng hầm.
“Nhà của anh trông giống như hội chợ thế giới.” Tôi nói.
“Giống không?” Anh ta đưa mắt hướng nhìn nó một cách vô thần. “Tôi đang đi xem qua mấy căn phòng. Mình đi đảo Coney đi, anh bạn già. Đi xe tôi.”
“Bây giờ trễ rồi.”
“Như thế, hay là ta tắm ở hồ bơi? Nguyên cả mùa hè này tôi chưa dùng đến nó.”
“Tôi phải đi ngủ.”
“Thôi cũng được.”
Anh ta nhìn tôi chờ đợi, cố gắng đè nén sự nôn nóng.
“Tôi đã nói chuyện với cô Baker rồi.” Sau một lát, tôi nói. “Tôi sẽ gọi cho Daisy ngày mai và mời Daisy tới đây uống trà.”
“Ồ, vậy cũng được.” Anh ta nói một cách hờ hững. “Tôi không muốn làm phiền đến anh.”
“Ngày nào tiện cho anh?”
“Ngày nào tiện cho anh thì đúng hơn?” Gatsby nhanh chóng sửa lời tôi. “Tôi không muốn đặt anh vào tình thế khó khăn, anh biết đó.”
“Hay là ngày mốt?” Anh ta do dự đề nghị. Sau đó, ngập ngừng
“Tôi muốn bãi cỏ được cắt tỉa.” Anh ta nói.
Cả hai chúng tôi đều nhìn ra bãi cỏ. Có một đường lằn rõ rệt chia cắt bãi cỏ bờm sờm lởm chởm nhà tôi với bãi cỏ xanh rì cắt tỉa gọn gàng bên nhà anh. Tôi nghĩ rằng anh ta đang ám chỉ cỏ bên nhà tôi.
“Còn một chuyện nhỏ nhặt nữa.” Gatsby ngập ngừng nói, không chắc chắn lắm.
“Hay là anh muốn dời lại thêm vài ngày nữa?” Tôi hỏi.
“Ổ, không phải là vì chuyện đó. Ít nhất…” Anh ta vụng về luống cuống tìm những câu mở đầu. “Tôi cho rằng…. – nghe đây…, anh bạn già, anh không kiếm được nhiều tiền cho lắm phải không?”
“Không nhiều lắm.”
Câu trả lời này như trấn an Gatsby và anh ta tiếp tục nói môt cách tự tin hơn.
“Tôi cũng nghĩ như vậy. Nếu như anh thứ lỗi cho lời tôi, anh thấy đó, tôi có một số ít buôn bán lẻ, giống như loại buôn bán phụ. Và tôi nghĩ nếu như anh không kiếm được tiền nhiều lắm.. Anh đang buôn bán khổ phiếu phải không anh bạn già?”
“Cũng đang cố gắng.”
“Như thế thì việc này sẽ khiến anh thích thú. Nó sẽ không tốn nhiều thì giờ của anh và anh có thể kiếm được một món kha khá. Công việc làm ăn này hơi kín đáo một chút.”
Tôi chợt nhận ra rằng ở trong một tình huống khác thì cuộc đối thoại này có thể đã là một trong những biến đổi cho đời tôi. Nhưng, bởi vì nó đã được đưa ra một cách rõ ràng và không khéo léo như để trả công, tôi không có lựa chọn nào hơn ngoại trừ cắt ngang câu chuyên ở đây.
“Hiện giờ tôi bận rộn lắm.” Tôi trả lời. “Tôi rất cảm kích nhưng trong lúc này tôi không thể nhận thêm việc.”
“Anh không phải làm công việc gì với Wolfsheim đâu.” Rõ ràng Gatsby cho rằng tôi đang ngại muốn lẩn tránh “giao tiếp” mà Wolfsheim đã nhắc tới trong bữa ăn trưa. Tôi trấn an Gatsby rằng không phải như thế. Gatsby chờ đợi một lúc lâu hơn, hy vọng tôi sẽ bắt đầu nói sang chuyện gì đó, thế nhưng tôi không còn tâm trí nào để truyện trò, cho nên anh ta đành miễn cưỡng ra về.
Buổi tối hôm nay đã khiến cho đầu tôi lâng lâng hạnh phúc.  Khi tôi vừa mở cánh cửa bước vào nhà trước, tôi tưởng rằng tôi đã chìm vào trong giấc ngủ say mất rồi. Bởi vậy tôi không biết Gatsby có đi đảo Coney hay không, hoặc anh ta phải tốn mất bao nhiêu tiếng đồng hồ để đi “nhìn liếc qua những gian phòng” trong căn nhà đang rực sáng của anh. Sáng hôm sau tôi gọi điện thoại cho Daisy và mời Daisy tới nhà uống trà.
“Đừng dẫn Tom theo.” Tôi dặn Daisy.
“Cái gì?”
“Đừng dẫn Tom theo.”
“Tom là ai?” Daisy hỏi một cách ngây thơ.
Đến ngày hẹn thì trời đổ mưa như trút. Khoảng mười một giờ, một người đàn ông trong chiếc áo mưa kéo lê chiếc máy cắt cỏ đến gõ cửa và nói ông Gatsby gửi anh ta tới để cắt tỉa cỏ nhà tôi. Việc này khiến tôi sực nhớ tôi quên dặn chị Phần Lan lại giúp việc. Bởi vậy tôi lái xe vào làng West Egg giữa những ngõ hẻm lầy lội quét vôi trắng để kiếm chị ta và đồng thời để mua vài cái tách, mấy trái chanh và ít bông hoa.
Thật ra mua hoa cũng không cần thiết, bởi vì khoảng hai giờ chiều, nguyên một vườn hoa trồng trong nhà được đưa từ nhà Gatsby sang nhà tôi với vô số những bình đựng để cắm. Rồi một tiếng đồng hồ sau, cánh cửa nhà tôi được mở ra một cách nóng nẩy, Gatsby xuất hiện trong bộ đồ vest nỉ màu trắng, áo sơ mi màu bạc, cà rà vạt màu vàng, vội vã bước vào. Anh ta trông xanh xao, đôi mắt mang những nét thâm quầng chứng tỏ mất ngủ.
“Mọi việc chu toàn cả chứ?” Anh ta ngay lập tức hỏi.
“Bãi cỏ nhìn đẹp rồi, nếu đó là ý anh muốn hỏi.”
“Cỏ gì? Gatsby hỏi một cách ngơ ngác. “Ồ, cỏ ở ngoài sân.” Qua cánh cửa sổ, Gatsy nhìn ra bãi cỏ, nhưng dựa vào nét mặf của anh, tôi tin rằng anh ta không nhìn thấy gì cả.
“Trông khá lắm.” Gatsby nói một cách mơ hồ. “Một trong những tờ báo tiên đoán rằng trời sẽ tạnh mưa vào khoảng bốn giờ. Hình như là tờ Journal. Anh đã chuẩn bị tất cả mọi thứ cho… bữa trà chưa?”
Tôi đưa Gatsby vào trong nhà bếp, anh nhìn chị Phần Lan như có vẻ trách mắng. Chúng tôi chăm chút kỹ lưỡng lại tá bánh ngọt vị chanh mua về từ cửa hàng.
“Vậy được chưa?” Tôi hỏi.
“Đương nhiên, đương nhiên! Khá lắm… anh bạn già.”
Đến khoảng ba giờ rưỡi chiều thì mưa trở nên nhẹ hạt và chuyển sang thành cơn mưa bụi, mặc dù thỉnh thoảng cũng vẫn rơi những giọt mưa thánh thót như những giọt sương. Đôi mắt vô thần của Gatsby lướt nhìn thẩn thờ trên những trang sách quyển Kinh Tế Học của tác giả Clay. Anh ta bị làm cho giật mình khi chị  Phần Lan bước những bước làm rung sàn bếp. Anh sau đó thường xuyên nhìn qua những ô cửa sổ lờ mờ hơi sương làm như bên ngoài đang diễn ra môt loạt những việc vô hình đáng lo ngại. Cuối cùng Gatsby đứng lên nói cho tôi hay bằng một giọng nghi ngại rằng anh ta đi về nhà. 
“Sao vậy?”
“Bây giờ đã trễ rồi, không có ai tới uống trà đâu.” Gatsby nhìn đồng hồ của mình làm như có chuyện gì ở đâu đó đang cần tới anh. “Tôi không thể đợi cả ngày.”
“Đừng có ngớ ngẩn như vậy, bây giờ mới có bốn giờ kém hai phút.”
Gatsby lại ngồi xuống một cách khổ sở làm như tôi ép anh ta ngồi. Ngay cùng lúc đó có tiếng xe chạy vào trong đường nhà tôi. Cả hai chúng tôi đều đứng bật dậy, ngay cả tôi lúc này cũng cảm thấy hồi hộp, tôi đi ra ngoài vườn.
Bên dưới những nhánh cây tử đinh hương trụi lá với những giọt nước mưa nhỏ giọt, một chiếc xe mui trần to lớn đang đi vào lối đi. Xe ngừng lại, Khuôn mặt của Daisy khuất dưới vành nón ba góc đội nghiêng màu tím hoa oản hương đang nhìn tôi với nụ cười tươi làm người ta say đắm.
“Đây chính là nơi anh ở đó à, người yêu quý nhất của em?”
Giọng nói tươi vui róc rách của Daisy là một âm hưởng hoang dại giữa cơn mưa. Mất một lúc, tôi phải chú tâm lắng nghe âm thanh trầm bổng của chúng bằng thính tai trước khi hiểu được chúng. Một lọn tóc ướt nằm như vệt sơn xanh vắt ngang qua má Daisy. Bàn tay của nàng ướt những giọt mưa sáng long lanh khi tôi đỡ lấy nó để dìu Daisy ra khỏi xe.
“Anh đang yêu em đó phải không?” Daisy thì thầm bên tai tôi, “nếu không tại sao dặn em đến có một mình?”
“Đó là chuyện bí mật của tòa lâu đài Rackrent[1]. Em hãy nói với tài xế đi đâu đó xa xa khoảng một tiếng.”
“Anh Ferdie, đi đâu khoảng một giờ thì quay lại.” Sau đó Daisy quay lại tôi nói bằng một giọng thỏ thẻ. “Tên của anh ta là Ferdie”
“Xăng dầu có gây ảnh hưởng gì tới cái mũi của anh ta không?”
“Em không nghĩ như vậy” Daisy ngây thơ hỏi. “Tại sao?"
Chúng tôi đi vào trong nhà. Tôi vô cùng kinh ngạc thấy căn phòng khách trống trơn.
“Chà, thật là quái lạ.” Tôi thốt lên.
“Cái gì quái lạ?”
Daisy ngoảnh đầu lại nhìn khi nghe có tiếng gõ nhẹ ngoài cửa trước. Tôi bước ra mở cửa. Gatsby, khuôn mặt trắng xanh như xác chết, hai tay buông thỏng trĩu nặng trong túi áo khoác đang đứng giữa một vũng nước trân trân nhìn thẳng vào mắt tôi.
Với hai bàn tay vẫn thọc trong túi áo khoác, Gatsby len lén theo tôi bước vào trong hành lang, quẹo ngoắt người như đang đi trên dây và sau đó biến mất vào trong phòng khách. Cảnh tượng chẳng có gì là buồn cười. Tôi nghe trái tim mình đập thình thịch, tôi đưa tay đóng cánh cửa lại, ngoài kia cơn mưa càng lúc càng lớn hơn.  
Trong khoảng khắc chừng nửa phút, tôi không nghe một tiếng động nào cả. Sau đó tôi nghe phát ra từ phòng khách tiếng gì đó vừa như rì rầm, vừa như nghẹn ngào, vừa như cười vui, sau đó là giọng của Daisy trong trẻo giả tạo. “Em thật vui mừng khôn tả được gặp lại anh lần nữa.”
Sau đó lại là sự im lặng đến không thể nào chịu được. Tôi không có việc gì để làm trong hành lang nên đành phải bước vào bên trong.
Gatsby, hai tay vẫn còn nằm trong túi áo, đang đứng dựa vào mặt lò sưởi với dáng điệu thanh thản buồn chán gượng ép hoàn toàn giả tạo. Đầu của anh ta ngửa ra phía sau quá xa tì cả vào mặt chiếc đồng hồ hư trên mặt lò sưởi. Ở tư thế này, đôi mắt cuồng quẫn của Gatsby nhìn chăm chăm vào Daisy lúc đó đang ngồi bên mép một chiếc ghế, dáng vẻ sợ hãi nhưng duyên dáng yêu kiều.
“Chúng tôi đã quen nhau từ trước.” Gatsby nói khẽ. Đôi mắt của anh thoáng liếc nhìn tôi, đôi môi hé mở cố gắng để cười nhưng không cười được. May thay chiếc đồng hồ chọn ngay lúc đó để nghiêng đi xém đổ vì sức nặng của đầu anh ta. Gatsby quay lại đỡ lấy nó bằng những ngón tay run rẩy, rồi đặt nó trở lại chỗ cũ. Sau đó Gatsby ngồi xuống, người cứng ngắc, cùi chỏ đặt trên tay ghế dựa, hai tay chống cằm. 
“Tôi xin lỗi chuyện cái đồng hồ.” Anh ta nói.
Mặt của tôi bây giờ nóng ran. Tôi không thể gom góp được lấy một câu nói bình thường trong hàng ngàn câu trong đầu.
“Chỉ là chiếc đồng hồ cũ kỹ thôi mà.” Tôi nói với họ một cách ngớ ngẩn.
Tôi nghĩ mọi người chúng tôi trong khoảng khắc đều cho rằng chiếc đồng hồ đã bị vờ tan ra từng mảnh ở trên sàn.
“Tụi em đã không gặp nhau nhiều năm rồi.” Daisy nói, giọng của nàng mang vẻ như bình thường.  
“Tháng mười một tới là năm năm.”
Câu trả lời như cái máy của Gatsby lại khiến chúng tôi rơi vào trạng thái ngượng nghịu mất thêm một phút nữa. Tôi tìm cớ cho hai người họ đứng lên bằng cách đề nghị cả hai vào bếp giúp tôi pha trà, thế nhưng ngay lúc đó chị Phần Lan bị quỷ ám đã bưng khay trà lên.
Nhờ lăng xăng tiếp nhận những tách trà và những miếng bánh mọi người đã lấy được sự bình tĩnh. Trong lúc Daisy và tôi đang trò chuyện, Gatsby rút mình vào im lặng, chăm chú hết nhìn người này đến người kia bằng đôi mắt căng thẳng buồn bã. Tuy nhiên, sự trầm tĩnh không phải là mục đích, ngay khi vừa khi có dịp, tôi vội cáo lỗi đứng lên. 
“Anh định đi đâu đó?” Gatsby lên tiếng hỏi tỏ ra lo lắng.
“Tôi sẽ quay lại ngay.”
“Tôi muốn nói chuyện với anh vài việc trước khi anh đi.”
Gatsby theo tôi vào trong nhà bếp, đóng cửa lại và thì thầm:
“Trời ơi!” giọng anh thiểu nảo.
“Có chuyện gì?”
“Đây là một việc làm quá sai lầm.” Gatsby nói, lắc đầu tới lui. “Một sai lầm khủng khiếp, khủng khiếp.”
“Tại vì anh quá xúc động, chỉ vậy thôi.” May là sau đó tôi nói thêm “Daisy cũng xúc động nữa.”
“Cô ấy cũng xúc động sao?” Gatsby lập lại lời tôi một cách hoài nghi.
“Chẳng khác gì anh.”
“Đừng nói lớn tiếng quá.”
“Anh đang xử sự như trẻ con,” Tôi nói một cách thiếu nhẫn nại. “Không những thế, anh còn bất lịch sự nữa. Daisy đang ngồi ở ngoài kia có một mình.”
Gatsby giơ tay ngăn tôi ngừng nói. Anh nhìn tôi bằng cái nhìn xấu hổ không thể quên, rồi cẩn trọng mở cửa quay trở lại phòng khách.
Tôi đi ra khỏi nhà bằng lối sau, y như Gatsby đã làm khoảng nửa tiếng trước đây khi anh bối rối đi vòng quanh nhà. Tôi chạy nhanh ra đứng núp dưới gốc một cây đen đủi lớn có nhiều mấu mắt, những tàng lá xum xuê của cây tạo thành cái mái che mưa cho tôi. Thế rồi trời lại đổ mưa như trút xuống khu vườn lởm chởm của tôi đã được anh làm vườn của Gatsby cắt xén một cách đều đặn. Bãi cỏ giờ đây loang lỗ những vũng nước và những vũng bùn lầy trông như mặt đất trong thời tiền sử.  Đứng từ dưới gốc cây chẳng có gì để mà ngắm ngoại trừ căn nhà đồ sộ của Gatsby, do đó tôi cứ nhìn trừng vào nó cả nửa tiếng đồng hồ y như Kant[2] đang nhìn gác chuông nhà thờ của mình. Một ông chủ nấu rượu đã xây lên nó một thập niên trước trong thời gian đang thịnh hành mốt xây nhà theo kiến trúc cổ. Theo như chuyện kể lại thì ông ta đã bằng lòng đóng thuế thổ trạch cho tất cả căn nhà lân cận trong vòng năm năm nếu như chủ nhà chịu lợp nhà mình bằng rơm. Có lễ sự từ chối của những người này đã làm ông thất vọng không còn thiết tha tới đồ án của mình nữa. Sức khỏe của ông ta ngay lập tức bị sa sút trầm trọng. Con cháu của ông sau đó đã bán căn nhà khi mà vòng hoa tang đen vẫn còn treo trước cửa. Người Mỹ, trong khi thỉnh thoảng vẫn có thể cúi đầu chịu làm nô lệ, nhưng lúc nào cũng cứng đầu bướng bỉnh không muốn làm nông dân.
Khoảng nửa giờ sau, mặt trời bắt đầu chiếu sáng trở lại. Chiếc xe giao thực phẩm chạy vòng vào sân nhà của Gatsby để giao hàng cho người làm nấu bữa chiều, nhưng tôi tin chắc Gatsy sẽ không ăn tới một muỗng. Một cô người hầu bắt đầu đi mở những cánh cửa sổ trên lầu nhà Gatsby, bóng dáng cô thấp thoáng qua mỗi cửa sổ, cô sau đó bước tới một khung cửa lớn ở ngay giữa rồi chồm người ra ngoài khạc nhổ một cách điềm tĩnh xuống khu vườn bên dưới. Đã đến lúc tôi phải quay vào nhà. Lúc trời còn mưa, tiếng mưa rơi nghe như tiếng rì rầm của hai người họ, thỉnh thoảng cất cao và vọng lên tràn đầy những xúc động. Thế nhưng giờ đây tôi lại cảm nhận được một sự im lặng mới, và sự im lặng này dường như đang phủ kín căn nhà.
Tôi bước vào trong nhà, cố gắng làm đủ mọi cách để gây tiếng động trong bếp, xém chút nữa thì lật nhào cả chiếc lò, thế nhưng tôi tin rằng hai người họ không hề nghe thấy gì. Hai người họ đang ngồi bên hai đầu của chiếc ghế sa-lông, mắt nhìn nhau dáng vẻ như đã hỏi nhau, hay còn đang hỏi nhau điều gì đó, mọi dấu tích của sự lúng túng ngượng nghịu đã không còn. Khuôn mặt của Daisy hoen đầy nước mắt, khi thấy tôi bước vào Daisy đứng bật dậy rồi bắt đầu lấy khăn tay lau nước mắt trước tấm gương. Thế nhưng ở Gatsby đã biểu hiện một sự thay đổi đáng kinh ngạc. Anh trông rạng rỡ, tuy không nói một lời hay tỏ một cử chỉ hân hoan nào, từ con người anh vẫn tỏa ra một niềm sung sướng rạng ngời tràn khắp căn phòng.
“Ô, chào anh bạn già.” Gatsby nói làm như thể anh ta nhiều năm rồi chưa gặp tôi. Trong giây lát tôi còn tưởng anh ta sẽ đưa tay ra bắt tay tôi nữa.
“Trời tạnh mưa rồi.”
“Vậy sao?” Khi Gatsby nhận thức ra được tôi vừa nói gì thì cũng là lúc những tia nắng lấp lánh tươi vui đã nhảy múa khắp căn phòng. Anh ta mỉm cười như một nhà khí tượng gia, như một người khách quen đầy say mê khi thấy ánh nắng trở lại. Anh ta lập lại tin tức này đến cho Daisy. “Em nghĩ sao? Trời đã tạnh mưa rồi.”
“Em vui lắm, Jay.” Cổ họng của Daisy tràn đầy nét đẹp nhức nhối đau thương chỉ để nói lên những niềm vui bất ngờ.
“Tôi muốn mời anh và Daisy sang thăm nhà tôi.” Gatsby nói. “Tôi muốn đưa Daisy đi thăm viếng quanh nhà.”
“Anh có thật sự muốn tôi đi không?”
“Chắc chắn muốn mà, anh bạn già.”
Daisy lên lầu để rửa mặt trong khi Gatsby và tôi đứng đợi ngoài bãi cỏ. Trễ mất rồi, tôi cảm thấy xấu hổ khi nghĩ đến những chiếc khăn lau mặt của tôi trong phòng tắm.
“Nhà tôi trông đẹp lắm, phải không?” Gatsby hỏi. “Nhìn coi nguyên mặt tiền của nó đều được ánh sáng chiếu.”
Tôi đồng ý căn nhà quả thật là lộng lẫy.
“Đúng vậy.” Cặp mắt của Gatsby nhìn lướt qua căn nhà, qua từng cánh cửa hình vòng cung đến đỉnh tháp vuông. “Tôi chỉ mất có ba năm để kiếm đủ tiền mua nó.”
“Tôi tưởng tiền của anh là từ thừa hưởng di sản?”
“Đúng vậy, anh bạn già.” Gatsby trả lời một cách máy móc. “Thế nhưng tôi đã bị mất tất cả trong thời khủng hoảng, thời khủng hoảng chiến tranh.”
Tôi nghĩ thật ra anh ta không biết mình đang nói gì, bởi vì khi tôi hỏi anh làm ngành nghề gì thì anh trả lời “Đó là chuyện riêng của tôi” trước khi nhận thức được rằng câu trả lời của mình là không thích hợp.
“Ồ, tôi làm nhiều ngành nghề.” Gatsby sửa lời. “Tôi đã từng làm ngành thuốc men sau đó sang ngành dầu hỏa. Nhưng bây giờ thì tôi bỏ cả hai rồi.” Anh ta nhìn tôi chăm chú hơn. “Có phải ý của anh muốn nói anh đang cân nhắc chuyện tôi đề nghị tối hôm nọ?”
Trước khi tôi kịp trả lời thì Daisy đã bước từ trong nhà ra, hai hàng nút đồng trên áo sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời.
“Căn nhà đồ sộ ĐÓ phải không?” Daisy reo to chỉ về hướng căn nhà.
“Em thích nó không?”
“Em thích nhưng không hiểu làm sao anh có thể ở đó một mình.”
“Anh lúc nào cũng mời những người đáng thú vị đến đầy nhà, cả ngày lẫn đêm. Những người đã làm lên những chuyện đáng chú ý. Những nhân vật nổi tiếng.”
Vào trong nhà khi chúng tôi đi ngang qua những phòng âm nhạc trang hoàng theo kiểu của hoàng hậu Marie Antoinette và những phòng khách trang hoàng theo kiểu thời phục hưng của Anh, tôi cảm thấy dường như có những người khách đang ẩn núp phía sau mỗi chiếc ghế dựa, sau mỗi chiếc bàn, họ như đang tuân theo lệnh phải nín thở giữ im lặng cho tới khi chúng tôi đi qua khỏi. Khi Gatsby đóng cửa của căn phòng thư viện “the Merton College Library”, tôi thề tôi đã nghe tiếng của ông mắt cú vọ bật lên cười một cách ma quái.
Chúng tôi đi lên lầu, ngang qua những phòng ngủ trang hoàng theo thời xưa có trải lụa hồng, lụa tím và trưng bày sặc sỡ những bông hoa tươi mới hái. Ngang qua những phòng trang điểm, những phòng đánh banh bi-da và những phòng tắm với bồn tắm xây chìm dưới thấp, chúng tôi vô tình đi vào trong một phòng nơi có một người khách mặc quần áo ngủ tóc tai bù xù đang tập những động tác thể dục chữa bịnh gan ở dưới sàn. Đó là Klipspringer, người “ở trọ”. Tôi đã từng gặp anh ta đói khát đi lang thang ngoài biển mỗi buổi sáng. Cuối cùng, chúng tôi đến phòng riêng của Gatsby, gồm một phòng ngủ, một phòng tắm, một phòng làm việc trang trí kiểu Adam. Chúng tôi ngồi lại phòng làm việc uống một ly rượu  Chartreuse mà Gatsby vừa lấy ra từ trong kệ trên tường.
Gatsby không hề rời mắt nhìn Daisy, tôi nghĩ anh ta đang trị giá tất cả mọi vật trong nhà mình dựa theo phản ứng từ trong ánh mắt đáng yêu của nàng. Đôi khi, anh cũng ngây người nhìn chăm những vật sở hữu của mình làm như trước sự hiện diện đầy hiện thực và đầy kinh ngạc của Daisy thì những thứ đó không còn là thực nữa. Có một lần, anh đã xém ngã cả xuống cầu thang.
So sánh với các căn phòng khác, căn phòng của Gatsby là giản dị nhất, ngoại trừ chiếc bàn gương có để một bộ trang điểm bằng vàng đục. Daisy thích thú cầm chiếc lược lên chải tóc. Nhân đó Gatsby ngồi xuống đưa tay che mắt và phá lên cười.
“Cái này là buồn cười nhất, anh bạn già.” Gatsby nói nắc nẻ. “Tôi không thể... Khi tôi cố...”
Gatsby rõ ràng đã trải qua hai giai đoạn và bây giờ anh đang đi vào giai đoạn thứ ba. Sau lung túng ngượng ngập và tiếp đó là niềm vui không sao diễn tả được, anh bây giờ đang tận hưởng cái cảm giác diệu kỳ có được từ sự hiện diện của Daisy. Gatsby chờ đợi ngày này đã quá lâu, mơ về nó, hay có thể nói là nghiến răng chờ đợi nó với sự căng thẳng ở mức độ không sao tưởng tượng nổi. Vậy mà giờ đây, khi đối diện với nó, anh lại giống như một chiếc đồng hồ chết bị lên dây thiều quá độ.
Sau một phút trấn tỉnh lại, Gatsby mở cho chúng tôi xem hai tủ đựng quần áo to khủng khiếp, bên trong treo hàng hà lớp lớp những bộ quần áo vest, áo ngủ và cà rà vạt, còn áo sơ mi thì được xếp ngăn nắp đều đặn chồng lên nhau như từng chục viên gạch một. 
“Tôi kiếm được người ở England mua quần áo cho tôi. Mỗi đầu mùa xuân và mùa đông, anh ta gửi qua cho tôi đủ mọi kiểu hàng chọn lọc.”
Gatsby lấy ra một xấp áo sơ mi và bắt đầu ném chúng xuống, từng chiếc từng chiếc một trước mặt chúng tôi. Những chiếc áo may bằng vải lanh mỏng, bằng vải tơ lụa dầy và bằng vải nỉ mịn bị lệch nếp khi bị ném xuống nằm phủ đầy lên mặt bàn đủ màu lẫn lộn. Trong khi chúng tôi còn đang ngưỡng mộ nhìn thì Gatsby lại mang thêm nhiều ra nữa,  chất thành đống cao mịn màng sặc sỡ. Những chiếc áo sơ mi sọc dài, sọc kiểu, sọc ca rô màu san hô, màu xanh lá cây nhạt, màu tím nhạt, màu cam nhạt và màu xanh da trời nhạt. Daisy đột nhiên thốt lên một tiếng khác lạ, rồi vùi mặt vào trong những chiếc áo bắt đầu khóc nức nở.
“Tất cả đều đẹp quá.” Daisy sụt sùi, giọng nghẹn lại trong những nếp xấp dầy. “Nó làm em buồn bởi vì em chưa từng bao giờ nhìn thấy những chiếc áo đẹp như vầy.”
Sau căn nhà, chúng tôi định bước ra ngoài để thăm khu vườn, hồ bơi, chiếc thủy phi cơ và những loài hoa nở giữa mùa hè. Thế nhưng bên ngoài cửa sổ trời lại mưa trở lại, bởi vậy chúng tôi đứng thành hàng ngang nhìn ra mặt nước lăn tăn ngoài vịnh.
“Nếu không có sương mù, chúng ta có thể nhìn thấy nhà của em ở bên kia vịnh.” Gatsby nói. “Lúc nào cũng có một đốm sáng xanh lục cháy sáng suốt đêm ở cuối bến tàu nhà em.”
Daisy đột ngột lồng cánh tay mình ngang qua cánh tay Gatsby, nhưng anh ta dường như đang đắm chìm vào trong những lời mình vừa nói. Có lẽ anh ta vừa nhận ra rằng cái ỹ nghĩa lớn lao của đốm sáng từ nay sẽ mãi mãi biến mất. So sánh cái khoảng cách xa xôi ngăn cách giữa anh và Daisy thì đốm sáng kia hình như rất gần với nàng, gần như có thể đụng tới nàng. Nó gần như là một ngôi sao gần mặt trăng. Bây giờ cái đốm sáng xanh lục đó lại sáng lên như mọi ngày. Những vật mà anh hàng ngày mê say giờ đây đã bớt mất đi một.
Tôi đi vơ vẩn quanh phòng, xem xét mọi vật trong bóng tối lờ mờ. Một bức hình của một người đàn ông đứng tuổi đứng trong bộ quần áo thủy thủ treo trên tường, ngay trên bàn giấy của Gatsby khiến tôi chú ý.
“Ai đây?”
“Người đó hả? Đó là ông Dan Cody, anh bạn già.”
Cái tên tôi nghe có vẻ hơi quen quen.
“Ông ta đã qua đời rồi. Nhiều năm trước ông ta là bạn thân của tôi.”
Có một bức hình nhỏ của Gatsby đặt trên bàn giấy, cũng trong bộ quần áo thủy thủ. Trong hình, Gatsby đứng hếch đầu một cách cương ngạnh, có lẽ đã chụp được khi anh khoảng mười tám tuổi.
“Em thích tấm hình này lắm.” Daisy la lên. “Tóc chải ngược! Anh chưa bao giờ nói cho em nghe anh để tóc chải ngược – hay có du thuyền.”
“Nhìn đây,” Gatsby nói lướt đi. “Ở đây có nhiều bài báo cắt ra nói về em.”
Hai người họ đứng sát bên nhau xem qua những mảnh báo. Tôi đang định hỏi để được xem những viên hồng ngọc thì chuông điện thoại reo, Gatsby nhấc ống nghe.
“Được…được, tôi không thể nói chuyện lúc này… tôi không thể nói chuyện lúc này anh bạn già… tôi đã nói một thị trấn NHỎ… hắn ta phải biết thị trấn nhỏ là gì. Chà, hắn ta chỉ là vô dụng đối với chúng ta nếu hắn nghĩ Detroit là một thị trấn nhỏ…”
Anh ta gác máy.
“Đến đây NHANH LÊN!” Daisy la to từ phía cửa sổ.
Cơn mưa vẫn rơi, nhưng bóng tối đã rũ bỏ đi từ phía tây. Những đám mây sốp nhẹ mang màu hồng và vàng trông như những chiếc gối bông đang trôi lơ lửng trên mặt biển.
“Nhìn kìa.” Daisy thì thầm, một lát sau nói tiếp: “Em muốn với lấy một trong những đám mây hồng đó, để anh lên trên rồi đẩy đi khắp nơi.”
Tôi cố gắng chào ra về nhưng họ giả lơ không nghe. Có lẽ sự hiện diện của tôi làm cho họ cảm thấy được tự nhiên hơn khi ở cạnh bên nhau.
“Tôi biết chúng ta nên làm gì.” Gatsby nói. “Chúng ta sẽ gọi Klipspringer lên chơi đàn piao.”
Gatsby bước ra khỏi phòng cất tiếng gọi “Ewing!”, vài phút sau quay lại dẫn theo một thanh niên trẻ dáng điệu e thẹn, mệt mỏi, đeo cặp mắt kiếng gọng đồi mồi, mái tóc vàng thưa thớt. Thanh niên này giờ đây đã được cho thay một cái áo thể thao tươm tất, cổ hở, đi giày thể thao và chiếc quần vải tối màu.
“Có phải chúng tôi đã quấy rầy anh đang tập dượt phải không?” Daisy hỏi một cách lịch sự.
“Tôi đang ngủ.” Klipspringer nói to, khúm núm hổ thẹn. “Đúng là như vậy, tôi đang ngủ. Sau đó tôi thức dậy…”
“Klipspringer chơi piano đi.” Gatsby cắt ngang. “Anh chơi được phải không anh bạn già?”
“Tôi chơi không giỏi lắm. Tôi…hầu như rất ít chơi. Tôi đã lâu không tập…”
“Chúng ta xuống nhà dưới đi.” Gatsby ngắt lời. Anh ta dơ tay tắt đèn, những khung cửa sổ xám như tan biến khi căn nhà tràn đầy ánh sáng.
Ở trong phòng âm nhạc, Gatsby bật chiếc đèn đứng đơn độc bên cạnh chiếc đàn piano. Anh run rẩy cầm diêm mồi thuốc lá cho Daisy, sau đó ngồi xuống cạnh nàng trên một chiếc ghế dựa phía bên kia căn phòng, nơi ánh sáng không tới được để phụ họa cùng ánh đèn ngoài hành lang lập lòe hắt qua cánh cửa chiếu vào trên sàn nhà.
Khi Klipspringer dạo xong bài The Love Nest, anh ta quay đầu lại tìm kiếm Gatsby trong bóng tối mờ mờ, nét mặt đau khổ.
“Anh thấy đó, tôi đã lâu rồi không tập dợt. Tôi đã nói tôi không chơi được. Tôi đã lâu không tập…”
“Đừng nói nhiều anh bạn già,” Gatsby ra lịnh. “Chơi đi!”
“TỪ SÁNG SỚM
TỚI CHIỀU TÀ
CÓ PHẢI CHÚNG TA ĐANG VUI”
Ngoài trời gió thổi lớn và xa xa tiếng sấm vang vọng mơ hồ từ phía ngoài vịnh. Các căn nhà ở làng West Egg giờ đã lên đèn. Những chiếc xe lửa điện chở người từ New York đang lao mình giữa cơn mưa. Đây là giờ khắc của sự thay đổi thâm thúy của con người và sự kích động bắt đầu lan tràn trong không gian.
“CÓ MỘT ĐIỀU CHẮC CHẮN – KHÔNG CÓ GÌ CHẮC HƠN
NGƯỜI GIÀU THÌ THÊM CỦA, KẺ KHÓ THÌ THÊM CON
GIỮA LÚC ẤY, GIỮA LÚC ẤY…”
Khi tôi bước đến để từ giã, tôi trông thấy nét bối rối hoang mang lại hiện trên khuôn mặt của Gatsby làm như có một chút nghi ngờ vừa thoáng qua trong óc anh về niềm hạnh phúc mà anh đang có. Đã năm năm rồi, chắc chắn đã có những giây phút, ngay cả những giây phút của buổi chiều hôm đó khi Daisy đã không được đúng như những gì anh tưởng tượng trong những giấc mơ của mình. Nó không phải do lỗi của Daisy, mà nó là do cái ảo giác khổng lồ mãnh liệt Gatsby đã tạo ra.  Gatsy đã lao mình vào cái ảo giác này bằng một nỗi đam mê đầy sáng tạo, mỗi ngày mỗi bồi đắp thêm cho nó, tô điểm thêm cho nó bằng những chiếc lông cánh tươi sáng đưa anh bay đi.  Không có ngọn lửa rực hay sự tươi mát nào có thể so sánh được những gì một người đàn ông chứa đựng trong trái tim trống vắng của mình. 
Khi tôi nhìn anh ta, Gatsby rõ ràng sửa dáng điệu mình lại một chút. Hai tay của anh nắm chặt lấy đôi tay của Daisy, và khi Daisy thì thầm gì đó vào tai anh ta, anh ta quay lại nhìn nàng dáng điệu tràn đầy cảm xúc. Tôi cho rằng giọng nói trầm bổng và nóng bỏng nồng nàn đó đã làm cho anh xúc động hơn tất cả mọi thứ, không có điều mơ ước gì có thể cao hơn nó – nó là một bài ca bất tử.
Hai người họ đã quên hẳn tôi. Tuy Daisy có liếc lên nhìn và đưa tay mình ta chào tôi, Gatsy thì dường như chẳng còn biết tôi là ai. Tôi nhìn hai người họ một lần nữa, và họ cũng nhìn lại tôi, xa vắng, hoàn toàn bị chiếm ngự bởi sức sống mãnh liệt trong người. Sau đó tôi đi ra khỏi phòng và bước xuống những bậc thềm đá hoa cương vào trong cơn mưa, để hai người họ lại phía sau.
Chú thích:
[1] Rackrent Casttle: Lâu đài Rackrent là tên một chuyện ngắn viết bởi Maria Edgeworth xuất bản năm 1800. Câu chuyện kể về những diễn biến của bốn thế hệ gia đình Rackrent.
[2] Immanuel Kant (1724-1804): là một triết học người Đức, có thói quen  nhìn những gác chuông của nhà thờ để nghiềm ngẫm suy nghĩ.