Chương Hai

Căn gác nhỏ biệt lập đàng sau số nhà 13 phố Ngô Thời Nhiệm là nơi Nguyễn Thịnh và tôi trọ học. Bố Nguyễn Thịnh có hiệu may Âu phục. Mẹ nó bán vải ở chợ Vọng Cung, thị xã Thái Bình. Ông phó may và ông lái thuốc Bắc đã sai lầm, hoàn toàn sai lầm gửi hai thằng con lãng tử lên Hà nội … du học. Nguyễn Thịnh mơ trở thành nhạc sĩ sáng tác. Nó tin tưởng ca khúc của nó Quách Đàm ngoài Bắc, Anh Ngọc trong Nam phải hát. Nguyễn Thịnh cũng là thằng “học trò nhưng không sách cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” như tôi. Nó giỏi đàn sáo, chơi lục huyền cầm Y pha nho mả lắm. Thằng này học dốt mà đua đòi học nhảy với “sư phụ” của tôi. “Kết quả hoàn toàn đông lạnh”, y hệt câu quảng cáo tủ lạnh National, nghĩa là hai thằng đều “tiếu tự văn nhân lạc đệ thi”. Đàm Viết Minh coi thường Nguyễn Thịnh mọi mặt “văn học nghệ thuật”, trừ ngón đàn. Dẫu kiêu ngạo cách mấy, “sư phụ” của tôi vẫn phải ngoan ngoãn học Nguyễn Thịnh một mớ “ác co” lưu thông trên phím lục huyền cầm để tay đàn miệng hát. “Sư phụ” của tôi thông minh nhất nam tử, thu nhận đầy đủ ngón nghề của Nguyễn Thịnh. “Người” cứ Ré majeur gặp La 7, về Ré majeur sang Sol majeur. “Người” bảo thế là đủ, thêm tí Mi mineur hay Fa dièse mineur rắc rối. Ba cái “ac co” thao túng khắp cần đàn, múa may loạn cào cào trên ba mặt trận trên, giữa và dưới đã thừa sức bắt các anh tức hộc máu mồm, bắt các em phục toét mắt. Nhiều người chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh, “sư phụ” của tôi -và tất cả những ai vừa mới lớn có máu văn nghệ – lại chủ trương nghệ thuật vị … tán gái! “Đời vắng em rồi say với ai”, câu thơ của Vũ Hoàng Chương là tư tưởng văn nghệ của “sư phụ” tôi. Buổi chiều, “khi nắng vàng nhuộm mái tóc em”, Đàm Viết Minh ôm đàn lục huyền, dựa lưng vào bức tường tiêu thổ kháng chiến, tay trái bấm “ác co”, tay phải búng “a pe”, miệng ca bài Dư âm của Nguyễn Văn Tý thì kiến dưới lỗ cũng bò lên, cua trong hang bò ra, chuột thập thò cửa hốc, ễnh ương câm nín, giun dế thôi đùn những điệu sầu. Nói chi các em gái. Cuộc đời rất nhiều giọng hát kiêu sang, truyền cảm, lãng mạn mà không chịu xuất hiện trước công chúng. Ngược lại, rất nhiều giọng hát lại cái, bến phà, hạ cấp thì lại ủng ẳng tối ngày tru sủa. Mâu đó và thuẫn đó!
Sở dĩ tôi nhắc nhở “sư phụ” Đàm Viết Minh của tôi vì nó liên hệ mật thiết với Nguyễn Thịnh sắp sửa trở thành “sư phụ” của tôi. Hai vị “sư phụ” này đã tạo ra cái nghiệp trong nghề viết của tôi sau này. Đàm Viết Minh luôn luôn chứng tỏ nó hơn người khác. Bấy giờ, tôi chưa kiếm Phật Thích Ca nên chưa biết câu dạy của Ngài: “Hơn người khác là một cái tội”. Tội nó gắn liền với nghiệp. Tôi cũng chưa kiếm Chúa Giêsu nên chưa biết câu dạy của Ngài: “Kẻ nào tự hạ thấp sẽ được nâng cao”. Muốn hơn người khác phải cố gắng nhiều lắm, phải trầy bả vai, nhỏ máu những chân mày trong phấn đấu can đảm và kiên nhẫn. Những kẻ luôn luôn chứng tỏ mình hơn người khác là những kẻ dám lập chí. André Gide khuyên: “Bạn đừng bao giờ nghĩ bạn sẽ bằng người khác, mà phải nghĩ bạn sẽ hơn người khác”. Hơn người khác, ví thử là cái tội, thì tội này do nghiệp. Mà nghiệp từ kiếp nào đó, chẳng phải ở kiếp này. Nhưng tội với ai? Nếu tội do lòng đố kỵ hẹp hòi của những kẻ đói rách tài năng phán xét, không hề là cái tội. Mà chỉ là vết ô nhục trên sinh đạo con người phải thấy và phải ngậm ngùi. Theo tôi, cái tội lớn nhất của con người, nhất là con người văn nghệ, là nó lười biếng phấn đấu để hơn người khác. Ở hoàn cảnh chúng ta, tội này có xuất xứ rõ rệt: tự ti mặc cảm nô lệ trăm năm, tự ti mặc cảm tiểu nhược quốc lạc hậu, tự ti mặc cảm mất nước lưu vong … Vẫn ở hoàn cảnh chúng ta, đừng hy vọng cúi xuống để được nâng lên. Không, phải tự nâng lên bằng chứng tỏ hơn người khác.
Những kẻ chứng tỏ hơn người khác đã hơn người khác. Thực sự đã hơn người khác nhờ biết và dám vượt qua mọi nghịch cảnh, nhờ biết và dám ngậm trái cô đơn, nhờ biết và dám suy tư trong thống khổ, nhờ biết và dám chấp nhận mọi ngộ nhận nghiệt ngã để thực hiện một sự nghiệp, một lý tưởng, một việc làm hơn hẳn mọi người. Họ có quyền tự hào. Vì họ đã phấn đấu, đã đạt mục đích phấn đấu của họ. Mùa thu 1987, đài truyền hình Antenne 2 của Pháp phỏng vấn tài tử Alain Delon về điện ảnh. Bất ngờ, có câu hỏi ngoài đề:
- Alain, anh nghĩ gì về thái độ xấc xược với trọng tài, hỗn láo với khán giả của John McEnroe trên sân quần vợt trong các trận giao đấu?
Alain Delon nghiêm túc:
-Tôi không có thói quen phán xét ai cả. Về McEnroe, tôi thấy trận đấu nào của anh ta, khán giả cũng mua vé vào xem đông nghẹt. Và khi anh ta đánh những đường bóng hay, khán giả vỗ tay khen ngợi nhiệt liệt. Không ai quan tâm tới thái độ ưa gây gỗ với trọng tài, cau có với khán giả của anh ta. Người có tài năng được phép xấc xược, hỗn láo. Như McEnroe.
Ngừng vài giây, Alain Delon tiếp:
- Nếu phải phán xét thì tôi sẽ phán xét những kẻ không có tài cán gì cả mà học đòi xấc xược, hỗn láo. Tôi chỉ phán xét bọn này thôi.
Câu trả lời của Alain Delon xuất thần và tuyệt diệu, rất xứng đáng để đám bọ gậy văn nghệ học tập. Bọ gậy chưa từng viết nổi một cái truyện ngắn hạng xoàng mà cứ xấc xược, hỗn láo luận bàn văn nghệ, phán xét nhí nhăng nhí nhố, bầy đặt sổ tay, sổ chân lãng nhách. “Sư phụ” Đàm Viết Minh của tôi giỏi hơn tất cả những thằng học trò thị xã Thái Bình mọi mặt, nên nó mới dám kiêu ngạo. Nó kiêu ngạo nên nó ưa chê bai các “tài năng văn học nghệ thuật” của thị xã tôi. Tôi quên béng rằng thị xã của tôi đã xuất hiện một thi sĩ vào cuối năm 1951 với thi phẩm “do tác giả xuất bản”, ấn loát tại nhà in Đa Minh, phố Jules Picquet, Thái Bình. Thi sĩ tên là Nguyễn Xuân Mâu, thi phẩm mang tên gì, tôi không nhớ nổi. Nhà thi sĩ của quê hương Lê Quý Đôn của tôi làm đại lý bia và nước ngọt. Có bán thêm nước đá nữa. Đàm Viết Minh gọi anh ta là thi sĩ nước đá. Văn học nghệ thuật vùng tề thị xã Thái Bình có nhà báo nước mắm Vạn Vân và nhà thơ nước đá Nguyễn Xuân Mậu. Tôi ngưỡng mộ thi sĩ Nguyễn Xuân Mậu, mua tập thơ và đến tận nhà anh ta đối diện bến ô tô xin chữ ký. Tôi đọc thơ Nguyễn Xuân Mậu, thích lắm và ao ước làm thơ hay bằng anh ta. Tôi thuộc thơ anh ta.
Nắng vàng vọt như da người ốm
Chợ vắng người chưa họp đã tan
Bến lạnh sông buồn thưa vắng khách
Đồng hoang cỏ úa sắc hương tàn
 
Bèn đem tập thơ khoe Đàm Viết Minh. “Sư phụ” đọc qua vài bài, ném tập thơ xuống đất rất hỗn, dở giọng phê bình gia Việt Sĩ mắng mỏ nhà văn Lê Văn Tầm trong truyện ngắn Nguội điện của Nguyễn Công Hoan mà rằng:
- Thưa tiền thì cho ăn mày, không thèm mua loại thơ này!
Tôi há hốc miệng, tròn xoe mắt:
- Thơ hay chứ.
“Sư phụ” chửi tôi tàn bạo:
- Mày không xứng đáng đọc thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên …
Nó bĩu môi:
- Da người ốm xanh xao trắng bệch. Mắt người sốt rét mới vàng. Mắt người đau gan cũng vàng. Nắng nào vằng vọt như da người ốm? Còn chợ đã vắng người là chợ đã tan mẹ nó rồi, họp gì nữa đây?
“Sư phụ” không cho tôi cãi. Mà tôi dốt, khó cãi. “Sư phụ” của tôi dám chê cả Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Nó đọc thơ Đồ Chiểu nhắm nhẳn hài hước:
Tiên rằng như lửa mới nhen
Dễ trong một bếp lại chen mấy lò
Lòng người như biển khôn dò
Chớ ngờ Ngô Khởi hãy lo Mãi Thần
Rồi nó bình:
- Tình yêu mà ví như cái lò, cái bếp thì con chi là tình yêu! Kẻ chung tình không thể yêu mấy em một lúc nhưng cái bếp có thể đặt nhiều lò. Hỡi ơi, “ông hơ khăn áo, bà hơ mặt mày”. Hơ khăn áo được, cầm bó được hơ mặt mày, tao sợ Kiều Nguyệt Nga cháy hết lông mày, lông mi, tóc mai!
Ấy đó, “sư phụ” xấc xược của tôi. Nó chê cuốn truyện thơ Đồi thông hai mộ của Vũ Đình Trung là tác phẩm sôi nổi vùng tề vì được giải thưởng văn chương quốc trưởng Bảo Đại. “Sư phụ” công kích bài tựa của nữ sĩ Như Băng nào đó:
- Tựa một cuốn truyện tình lảm nhảm lại đề cao phụ nữ. Còn be be cái miệng hô khẩu hiệu: “Phụ nữ Việt Nam tiến! Phụ nữ Việt Nam mạnh! Hoan hô phụ nữ Việt Nam!”. Y hệt chủ tích xã nói chuyện với đồng bào: “Trước khi dứt lời, xin đồng bào cùng tôi hô to vài khẩu hiệu …”.
Thằng “sư phụ” của tôi chê nhiều, khen rất ít. Nó chê luôn Nguyễn Bính mới bạo chứ. Một hôm, tôi đọc bài Hương cố nhân cho nó nghe, đoạn cuối gồm bốn câu:
Huyền Trân ơi, Huyền Trân ơi
Mùa xuan rồi, mùa xuân rồi
Giờ đây chín vạn hương trời nở
Duy có tình ta khép lại thôi
Nó mắng tôi:
- Ngu! Muôn vạn hương trời nở. Ai viết chín vạn hương trời?
Tôi tức quá, vác tập thơ Hương cố nhân và dí vào tận mắt nó bài Hương cố nhân. Nó gật gù kiểu thầy đồ:
- Một là thợ xếp chữ sai. Hai là Nguyễn Bính dở. Nhưng Nguyễn Bính dở, chứ muôn khó mà xếp thành chín.
Đàm Viết Minh kể như thằng nhóc bạo phổi. Sau này, được nghe một giai thoại thi ca miền Bắc, thằng nhóc Trần Đăng Khoa còn bạo phổi hơn. Thằng nhóc này con nhà bần cố nông, mò cua bắt ốc ở đồng ruộng Hải Dương. Nó làm thơ hay lắm. Thần đồng. Bài Đám tang con giun của nó, Cuba dịch sang tiếng Tây ban nha, báo chí khen ngợi nhiệt tình. Liên xô cũng dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị “cứ để cháu Khoa mò cua bắt ốc kẻo hỏng hồn thơ của nó, kín đáo giúp đỡ mẹ nó”. Trần Đăng Khoa lớn khôn, đi bộ đội, làm thơ ký bút hiệu Hướng Triều (khác Hưởng Triều là bút hiệu thơ của Trần Bạch Đằng, thực danh Trương Gia Kỳ Triều). Hướng Triều làm thơ không hay nữa. Thuở nó còn mò cua bắt ốc, Tố Hữu, chỉ đạo văn nghệ miền Bắc, làm bài thơ mơ ước ngày mai xã hội chủ nghĩa, có câu:
Đường ta rộng thênh thang tám thước
Trần Đăng Khoa đọc xong thì xin sửa. Tố Hữu cho nó gặp. Khoa chê:
- Thưa chú, đường rộng tám thước thôi à? Hẹp quá. Giới hạn quá. Cháu xin sửa thành Đường ta rộng thênh thang ta bước.
Tố Hữu đồng ý nhưng trong lòng không vui. Trưởng thành, Trần Đăng Khoa không được đảng chiếu cố. Tôi nghĩ Đàm Viết Minh mà gặp Nguyễn Bính, sẽ được Nguyễn Bính mời uống rượu và khen nó … hỗn xược! Lên Hà Nội vừa học nhẩy thi tú tài, vừa học đàn Tạ Tấn. Tết về nó chơi “cờ lát xích” bài Sérénade của Schubert khiến thầy đờn Nguyễn Thịnh chào thua. Bởi hay chê thiên hạ nên Đàm Viết Minh cố gắng hơn thiên hạ. Để khỏi mang tiếng nói phét, ghen tài. Tôi ở Hà nội, không được gần gũi nó là một thiệt thòi lớn lao cho âm mưu kéo xe bò leo dốc nhà báo của tôi. Lấp vào khoảng trống này, tôi có Nguyễn Thịnh, kiêu ngạo thua Đàm Viết Minh chút xíu. Hai thằng là cặp bài trùng. Những tay đàn sáo viết lách ở thị xã Thái Bình chán cặp bài trùng lắm.
Nguyễn Thịnh nói dối bố mẹ học thi tú tài, song nó bỏ trường từ đầu niên học. Mẹ nó mỏi tay xé vải, bố nó mỏi chân đạp máy may kiếm tiền gửi cho nó dùi mài kinh sử thì nó đem tiền nộp cụ Duyệt, giám đốc Âm nhạc học xá cạnh hồ Thuyền Cuông để cụ dạy nó hòa âm, âm điệu, giai điệu … Nó cương quyết trở thành người soạn ca khúc lỗi lạc. Tôi ngỏ cái chí hướng nhà báo của tôi với Nguyễn Thịnh. Nó hân hoan ôm lấy tôi:
- Phải vậy chứ, phải sống đời nghệ sĩ. Tao soạn nhạc, mày viết báo. Rồi ai cấm mày viết tiểu thuyết như Nguyễn Minh Lang, Thanh Nam. Cái xó xỉnh thị xã Thái Bình chập hẹp lắm. Quên mấy ông bô, bà bô đi!
Tôi hỏi:
- Ông bô mày sẽ kỳ vọng gì ở mày?
Nó nhún vai:
- Trước 1945, ông bô thua kiện chi đó, ông bô phẫn uất muốn tuyết hận bằng cách bắt tao làm thầy cãi.
- Mày chê?
- Nghề thầy cãi bất nhân lắm. Tao thích dùng mồm để hát, không để cãi cọ.
Nó hất đầu:
- Còn mày, ông bô kỳ vọng gì ở mày?
Tôi não nề đáp:
- Ông bô tao lái thuốc Bắc kiêm lang băm. Cong lưng thái dao cầu, đạp thuyền tán và “xem mạch, cho đơn không tính tiền” đâm ra nản, ông hy vọng nuôi tao đậu đốc tờ. Tội nghiệp ông bô, biết tao thi trung học trượt vỏ chuối mà vẫn nghĩ tao sẽ là bác sĩ … toàn khoa!
- Đốc tờ sống mòn đời với người ốm, ham gì!
- Đúng.
- Nghệ sĩ mới hưởng mật ngọt của trời đất và … các em. Uống hương tình trên môi em ngon hơn uống vitamine C.
Con ông thợ may nói đúng. Con ông lang băm bùi tai. Cũng chỉ tại rong chơi hóa nên học dốt, học dốt hóa nên chán học. Và ca vang bài “Tình nghệ sĩ:”
Tung phấn hương yêu qua muôn lời hát
Bay tới bên em, tới em thầm nhắc
Đây ý tơ xưa đâu duyên tình cũ
Bóng em phai dần ái ân tàn theo
Nếu Hà nội có lớp dạy viết báo, viết tiểu thuyết, tôi đã bỏ học Toán, Lý, Hóa, Vạn vật và nhiều môn học lỉnh kỉnh không thể áp dụng vào việc tán gái. Tiếc rằng đã có Âm nhạc học xá mà chưa có Báo chí học xá, Tiểu thuyết học xá, Thi ca học xá …, nên tôi vẫn phải bám vào trường học. Giáo sư Việt văn của tôi là Nguyễn Uyển Diễm, chồng nữ sĩ Mộng Sơn, giám đốc nhà xuất bản Vỡ Đất. Buổi học đầu tiên, giáo sư Diễm đã làm tôi khoái về cái lối gọt thơ của ông. Ông đưa ra một câu thơ thí dụ:
Có chiều nghe tiếng mưa dồn mái tranh
Ông nói:
- Cần gì phải “có chiều”. Chiều đủ rồi.
Câu thơ bị gọt một chữ:
Chiều nghe tiếng mưa dồn mái tranh
Ông tiếp:
- Mưa đâu chọn buổi chiều. Mưa sáng, mưa trưa, mưa tối, mưa đêm …
Câu thơ bị gọt hai chữ:
Nghe tiếng mưa dồn mái tranh
Ông cười:
- Không nghe sao rõ tiếng mưa? Mà mưa phải rơi thành tiếng chứ?
Câu thơ bị gọt bốn chữ:
Mưa dồn mái tranh
Ấy đó là nghệ thuật loại bỏ chữ thừa, chữ không cần thiết trong câu văn. Tôi cảm giáo sư Nguyễn Uyển Diễm rồi. Ông có thói quen giảng dạy lạc đề. Tôi thích sự lạc đề của ông. Chẳng hạn, ông khoe ông mở nhà xuất bản Vỡ Đất và Vỡ Đất chỉ xuất bản tác phẩm của các nhà văn trẻ. Ông quảng cáo Trại tân bồi của Hoàng Công Khanh do Vỡ Đất xuất bản, khen Hoàng Công Khanh nức nở. Giáo sư Nguyễn Uyển Diễm kể nhiều sinh hoạt văn học nghệ thuật Hà nội khiến tôi mê mẩn. Ông đã làm to thêm, đẹp thêm, gần gũi tôi thêm cái hình ảnh ông nhà báo thần tượng của tôi trong Giông Tố. Tuy nhiên giáo sư Diễm vẫn chưa phải là nhà văn, nhà thơ hay nhà báo. Giá tôi được học văn chương Việt Nam với bà Mộng Sơn, với thi sĩ Vũ Hoàng Chương, với nhà báo Tam Lang thì nhất.
Một hôm, giáo sư Diễm say sưa nói về thơ lục bát và hàng trăm điệu hát dân tộc từ thơ lục bát mà ra. Ông dang thẳng hai cánh tay, nhẹ nhàng đưa lên đưa xuống cơ hồ đôi cánh cò bay lả. Và ông khoan thai đọc:
Con cò
bay lả
bay la
Bay ra
Phố Cát
bay vào
Đồng Đăng
Ông bảo:
- Loại thơ hai chữ như đôi cánh cò bay lả. Có kẻ học đòi làm thơ hai chữ chả ra đâu vào đâu.
Ông nhăn nhó đọc y hệt con nít tập đọc:
Mưa rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu
Nhưng hơi
Gió bấc
Lạnh lùng
Hiu hắt
Thấm vào
Từng giọt
Em ơi …
Và ông bĩu môi:
- Thơ Nguyễn Vĩ đấy!
Sau này tôi hiểu vì Nguyễn Vĩ làm thơ tán tỉnh Mộng Sơn, hay đề tặng Mộng Sơn nên giáo sư Nguyễn Uyển Diễm ghét Nguyễn Vĩ. Giáo sư Diễm không ham dạy cổ văn. Ông bảo cổ văn để lên đại học nghiên cứu. Học sinh, dù là học sinh trung học đệ nhị cấp, vẫn cần tập viết văn cho câu thành cú, dùng chữ chính xác, dùng hình ảnh tân kỳ. Tôi gặp đúng thầy. Giống “sư phụ” Đàm Viết Minh của tôi, giáo sư Diễm chê Lục Vân Tiên õng ẹo. Ông phát biểu một câu tàn nhẫn: “Học Lục Vân Tiên để tỏ tình đoàn kết Bắc Nam!”. Dạy lớp tôi đúng hai tháng, giáo sư Nguyễn Uyển Diễm nghỉ. Trường mời ông thầy khác. Thầy này rất đồ nho, cả giờ loay hoay điển cố Đông Chu, Tam quốc. Tôi ớn “Thùy bả thùy dương thực nội tri”, bỏ học luôn. Kể từ đây, tôi thực thụ “làm học trò nhưng không sách cầm tay, có tâm sự đi nói cùng cây cỏ”. Giã từ trường lớp, bảng đen, thầy giáo. Giã từ Hình học, Đại số, Vật lý, Hóa học, Vạn vật, Sử ký, Địa dư, Anh văn, Pháp văn, Việt văn … Tôi bước xuống cái tam cấp của học đường với mớ kiến thức ấm a ấm ớ, đọc thạo viết chưa thông, nhiều sách đọc chẳng hiểu gì. Nhưng tôi cứ bỏ trường ra đi. Vì tiếng gọi của cuộc đời nghệ sĩ thiết tha quá đỗi. Vì có ở lại học cũng vô tích sự, phí tiền cha mẹ, uổng công thày giáo.
Quyết định bỏ học của tôi được Nguyễn Thịnh hoan hỉ chấp thuận. Bây giờ, thường lui tới căn gác nhỏ biệt lập đàng sau số nhà 13 Ngô Thời Nhiệm là thằng Tôn. Sau Tôn có nhiều chữ tục tĩu. Nghệ sĩ văn hoa gọi nó là Tôn thổi, bởi nó thổi kèn trompette. Tôn thổi đã chơi kèn ở Dancing Mélodie thành phố Nam Định. Bố nó là lính kèn thuộc binh chủng Khố xanh. Bố nó dạy nó thổi kèn theo “mê tốt” truyền khẩu. “Con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh”. Tôn thổi giống bố cả lông lẫn cánh. Bố nó mơ ước, lớn lên, Tôn thổi đăng lính kèn. Ai ngờ nó bỏ xa bố nó. “Con hơn cha, nhà có phúc”. Tôn thổi chơi trompette trứ danh. Ví thử nó sinh ra ở Mỹ, lại da đen, Tôn thổi sẽ là kỳ phùng địch thủ của Louis Armstrong. Hơi tiếc là Tôn thổi mù ký âm pháp. Nó thổi một bản nhạc nhờ nghe quen điệu. Những bài mới, nó phải nhờ “thầy” đánh đàn từng nốt, chỉ dẫn chỗ nào nghỉ mấy nhịp, chỗ nào “xanh cốp”, chỗ nào “công tờ rơ tăng”. Tôn thổi thổi kèn bài mới lạ như đa số ca sĩ dốt nhạc học hát vậy. Ấy thế mà nó được mời lên Hà nội thổi trompette ở Dancing Régina gần vườn hoa Con Cóc. Tôn thổi tới 13 Ngô Thời Nhiệm thụ huấn ký âm pháp “sư phụ” Nguyễn Thịnh. Trông nó kẻng trai và … nghệ sĩ vô cùng. Khi Tôn thổi vững nhạc lý, nghĩa là nó có thể nhìn bản nhạc thổi đúng nốt, đúng nhịp, tài năng của nó thăng hoa. Lính Pháp viễn chinh, lính lê dương ái mộ tiếng kèn tôn thổi. Nó được tăng lương, được chiều chuộng. Nhờ thế, nhân dịp một tay chơi guitare bị động viên, Tôn thổi cài ngay Nguyễn Thịnh vào chỗ làm béo bở.
Nếu Paris là đất thử thời vận của các nghệ sĩ Mỹ còn vô danh tiểu tốt tại quê nhà thì Hà Nội cũng là đất thử thời vận của các nghệ sĩ còn vô danh tiểu tốt ở tỉnh nhỏ. Tôn thổi đang chơi trompette ở Régina. Nó mơ sẽ chơi ở Ritz, ở Sài gòn, ở Paris. Sẽ đóng phim nữa. Nguyễn Thịnh mơ sẽ thành người soạn ca khúc lỗi lạc và đang chơi guitare ở Régina. Ernest Hemingway thành công rực rỡ ở Paris. Dos Passos thành công rực rỡ ở Paris. Trước sang Pháp làm tài xế, Dos Passos đã học tại đại học Harvard; trước khi sang Ý làm tài xế rồi định cư ở Paris, Hemingway đã là phóng viên của báo Kansas City Star; trước khi lên Hà Nội, Tôn thổi đã chơi trompette ở Nam Định, Nguyễn Thịnh đã mả guitare. Còn tôi, tôi chả ra ngô ra khoai chi hết. Có bột mới gột nên hồ. Nguyễn Thịnh và Tôn thổi sẽ thành công rực rỡ tại Hà nội. Tôi thiếu bột, thiếu học, thiếu năng khiếu. Tôi sẽ thất bại thôi. Tôi tủi thân quá. Sòng đời chưa chơi mà đã cảm thấy nhẵn tay! Tôi bèn bi quan, tiêu cực cổ văn lớp đệ tứ:
Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
Thôi công đâu mua chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung láo lếu
Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu
Và tôi tập uống bia, tập hút thuốc lá. Tôi đã tiêu pha ngày tháng một cách phí phạm. Giá tôi dùng thì giờ đi học Anh ngữ, Pháp ngữ hay học nghề húi tóc, nghề thợ may, nghề thợ sửa ô tô thì đời tôi yên ổn và thoát nạn tù đầy 22 năm sau. Thấy Tôn thổi, Nguyễn Thịnh thực sự sống đời nghệ sĩ và sắp sửa nổi danh như cồn, tôi bỗng tội nghiệp tôi kèm theo sự ghen thầm với bằng hữu. Tâm sự u uẩn của tôi, tôi gửi vào những câu thơ mà “sư phụ” Đàm Viết Minh bắt tôi gò lưng chép, ra rả học thuộc lòng. Chán chường “tiểu học”, tôi đọc Huy Cận:
Kìa treo trái mộng trĩu cây đời
Ngang với tầm tay ngắn của người
Nhưng múa vu vơ tay đã mỏi
Ê chề đời thoảng vị cơm ôi
Chán chường “trung học”, tôi đọc Hàn Mặc Tử:
Trời hỡi làm sao cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù ân ái phũ phàng
Người trong mộng của tôi là ông nhà báo thần tượng. Chán chường “đại học”, tôi đọc Nguyễn Bính:
Đời có còn gì tươi đẹp nữa
Buồn thì đến khóc, chết thì chôn
Chán chường tới cấp đại học là hết dám chán chường. Khóc thì có thể, chết thì sợ vô cùng. Ngu sao chết? Thất bại ta về đạp thuyền tán, rây thuốc và viên thuốc tễ như Đính phở đã miêu tả. Uống bia, hút thuốc lá rồi rong chơi.
Hà nội băm sáu phố phường
Hàng Mật, hàng Muối, hàng Đường trắng tinh
Từ ngày ta phải lòng mình
Bác mẹ đi rình đã mấy mươi phen
Làm quen chẳng được nên quen
Làm bạn mất bạn ai đền công cho
Tôi rong chơi đủ ba mươi sáu phố phường. Tự nhiên, tôi yêu Hà nội quá. Tôi bèn sưu tầm ca dao, thơ, nhạc dính líu đến Hà Nội.
Con cò đậu cọc cầu ao
Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua
Ngày ngày ra đứng cổng chùa
Trông lên Hà nội thấy vua đúc tiền
Và bụng tôi chứa đầy ca dao, thơ có hai tiếng Hà nội. Này thơ Nguyễn Bính, Chính Hữu. Nọ nhạc Nguyễn Đình Thi, Văn Cao. Hà nội nhỏ bé, rong chơi một tuần là hết chỗ rong chơi. Những vùng đất thánh như tòa soạn và ty trị sự các nhất báo Tia Sáng, Giang Sơn, Dân Chủ, Liên Hiệp tôi đã viếng thăm. Nghe ghê quá. Thực sự tôi đứng bên kia vỉa hè nhìn sang. Tôi thấy nhà báo ra vào tấp nập mà thèm nhỏ rãi. Tôi cũng viếng thăm các “thánh địa” tuần báo, tạp chí văn nghệ. Vẫn đứng bên kia vỉa hè nhìn sang, mắt áng lên nỗi thèm thuồng. Hôm tôi chiêm ngưỡng tòa soạn tuần báo Cải Tạo của chủ nhiệm Phạm Văn Thụ, tôi gặp hai nhà văn lùn° (tôi phỏng đoán) sấp sỉ nhau, bước ra khỏi tòa soạn, mỗi nhà văn cầm mấy số Cải Tạo sắp phát hành. Tôi phục sát đất và ao ước sẽ có ngày đến tòa soạn nhận báo biếu. Qua tòa soạn các nhật báo, tuần báo, hy vọng trở thành nhà báo của tôi vươn cao rồi tụt xuống vội vàng. Tôi thiếu bột. Làm sao có bột? “Sư phụ” Đàm Viết Minh ơi, mày hại tao, mày hiểu không? Mày bơm quả bóng tham vọng to quá, căng quá. Nó xì hơi. Nó co rúm. Để yên tao học nghề ông nhà báo nước mắm Vạn Vân, tao sẽ không khổ sở, điêu đứng; tao sẽ không uống bia, hút thuốc lá bằng những đồng tiền cong lưng thái dao cầu, đạp thuyền tán của bố tao. Với ông Vạn Vân, không thành nhà báo tất thành nhà rót nước mắm, tao bằng lòng thế mày ơi?
Ôi, tham vọng lớn, khổ lớn! Tôi muốn tìm Đặng Xuân Côn than vãn và nhờ nó cứu nguy tình thế. Nhưng tôi sợ thằng bạn thơ ấu của tôi đạo đức, chân chỉ hạt bột sẽ viết thư về Thái Bình mách bố tôi. Chẳng nên để ông lang băm vỡ mộng bác sĩ của đứa con hoang đàng. Thân phận tôi còn mỗi cách giải quyết:
Văn chương phú lục chẳng hay
Trở về làng cũ học cày cho xong
Sáng ngày vác cuốc thăm đồng
Hết nước thì lấy gàu sòng tát lên
Hết mạ ta lại quẩy thêm
Hết thóc ta lại mang tiền đi đong
Nữa mai lúa tốt đầy đồng
Gặt về đập xẩy bõ công cấy cày
Lại gặp trở ngại chiến tranh, về quê cày ruộng không được. Đài phát thanh Hà Nội lải nhải sáng, trưa, chiều, tối ca khúc của Hoàng Giác:
Bao nhiêu lều tranh yêu dấu
Bao nhiêu niềm vui thơ ấu
Theo khói binh lều tan tre nát
Theo khói binh lòng quê héo tàn …
Theo đúng mốt nhớ quê hương khói lửa, tôi đành: “Lòng quê khô héo, luyến tình quê, luyến tình quê. Hẹn sẽ trở về …”. Sẽ trở về học cày, sẽ là tương lai mút mít. Hiện tại, nói thật lòng mình, dẫu thiếu bột, tôi vẫn ôm mộng gột nhà bạo “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông”. Cám ơn cụ Nguyễn Bá Học.
Một anh trò kiết chùa Lâm Tuyền
Ai ngờ nay lại đỗ Giải Nguyên
Ở đời chẳng có việc gì khó
Người ta lập chí phải nên kiên
Cám ơn Quốc văn giáo khoa thư của cụ Trần Trọng Kim, cụ Đỗ Thận. Đường vào tòa soạn không khó. Tôi lập chí trở thành nhà báo, tôi phải kiên nhẫn. Tôi là Châu Trí. Tôi sẽ tìm một ngôi chùa, quét lá đa đốt lửa ngồi viết báo.
Một hôm, Nguyễn Thịnh hỏi tôi:
- Mày đã viết bài báo nào chưa?
Tôi ngẩn tò te:
- Chưa.
- Tại sao?
- Tao tưởng …
- Tưởng gì?
- Tao tưởng phải vào được tòa soạn rồi mới viết bài.
- Mày phải viết gửi cho tòa báo. Mày có viết hay, họ mới thuê mày.
- Mà tao viết cái gì?
- Chết bố!
- Tại sao chết bố?
- Vì mày không có tâm sự u uẩn cần phải giải bày trên mặt báo.
- Ờ, ờ …
- Mày đã thấy phú lít bắt nạt đàn bà bán hàng rong chưa?
- Rồi. Tao chứng kiến phú lít đạp đổ tung nồi canh bún.
- Mày nghĩ thế nào?
- Tao thương hại bà bán canh bún.
- Thế thôi ư?
- Ờ.
- Mẹ! Mày phải phẫn nộ, vì đó là cường quyền đàn áp kẻ nghèo khổ, mày phải chống bất công xã hội, mày phải đi vào hang cùng ngõ hẻm của đời sống để phanh phui những sự thật đau lòng …
Diễn giảng một hồi, Nguyễn Thịnh lắc đầu:
- Mày thích viết báo mà chưa hiểu mục đích cao cả của nghề báo, sứ mạng thiêng liêng của nhà báo. Làm báo là chiến đấu. Tao khuyên mày làm thơ đi, trưởng thành hãy làm báo.
Nó cười:
- Làm thơ dễ ợt. Muốn làm thơ hay, mày phải yêu một em và bị em đá đít. Không có động lực nào mãnh liệt bắt mày làm thơ bằng thất tình. Bị đào bỏ rơi, đau hơn bị phú lít đàn áp.
Thằng thầy đờn này còn kiêm thầy thơ. Nó xứng đáng là “sư phụ” thứ hai của tôi.
- Những bản nhạc tao sắp sáng tác lấy cảm hứng ở sự thất tình.
Tôi ngớ ngẩn:
- Mày yêu rồi à?
Nó ưỡn ngực:
- Yêu vài em. Mối tình nào cũng tan vỡ.
Cuộc mạn đàm khai thông cái ống báo tắc tịt của tôi. Tôi đã vỡ lẽ, rằng, nhà báo là người chiến đấu, là chiến sĩ của sự thật. Sứ mạng báo chí gai góc như cá rô sống, tôi không nuốt nổi. Nhờ “sư phụ” Nguyễn Thịnh tôi mới hiểu nghề báo, trên cả nghề, là thiên chức, chẳng phải muốn làm báo có tiền là xuất bản báo, tha hồ viết bậy viết bạ, chửi càn chửi dại chửi dốt chửi ngu. Muốn viết báo lại cần có động cơ này, động lực kia thúc đẩy. Thôi, tôi nên quên nhà báo. Tôi xoay sang nghề thơ. Động lực thúc đẩy mạnh nhất để làm thơ là thất tình, lời vàng ngọc của “sư phụ” Nguyễn Thịnh. Muốn bị thất tình cần phải yêu và được yêu. Bây giờ, tôi tìm “đường vào tình sử”. Trên con đường đi tìm một người yêu -một nàng thơ-, tôi tốn khá nhiều tiền ăn bánh tôm, ăn thịt bò khô, ăn kem, ăn sấu dầm, ăn mận dầm, uống bia, uống cà phê và hút thuốc lá. Sự ăn uống do ông bố dao cầu, thuyền tán của tôi cung phụng. Bố tôi chỉ mơ nghề nghiệp tương lai của tôi có chữ sĩ. Bác sĩ, văn sĩ, thi sĩ, thượng sĩ, trung sĩ hay … hạ sĩ, bố tôi sẽ vui lòng cả. Miễn đừng tu sĩ hoặc khất sĩ. Tử sĩ và liệt sĩ, bố tôi không ham đâu. Tôi sẽ là thi sĩ. “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Bất giác, tôi thấy tôi Nguyễn Bính quá. “Mình tôi, trời bắt làm thi sĩ”. Trời bắt tôi làm thi sĩ, tội nghiệp tôi.
Trước khi đi kiếm một con mái để gáy và để xòe một bên cánh nghiêng mình lượn quanh tán tỉnh, tôi cần nghiên cứu tình yêu xem cái của nợ này ra sao. Cám ơn “sư phụ” Đàm Viết Minh bắt chép thơ và học thuộc lòng thơ. Tôi có cả một dạ dày căng thơ, nghiên cứu tình yêu dễ dàng. Nghiên cứu xong, tôi thấy sáu thi sĩ viện dẫn dưới đây đều bí lù về định nghĩa tình yêu.
Thi sĩ thứ nhất, Hàn Mặc Tử:
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới nước đáy hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa yêu
 
Thi sĩ thứ hai, Xuân Diệu:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu
 
Thi sĩ thứ ba, Tôn Nữ Thu Hồng:
Người đi tôi thấy làm sao ấy
Và cảm bên mình nỗi tịch liêu
 
Thi sĩ thứ tư, Bùi Huy Nhiệm:
Tôi yêu là bởi tôi yêu
Cầm tay cô hỏi han nhiều làm chi
 
Thi sĩ thứ năm, Nguyễn Bính:
Nhưng yêu chỉ để mà yêu
Chị còn dám ước một điều gì hơn
 
Thi sĩ thứ sáu, Hồ Dzếnh:
Em tôi ơi, tình nghĩa có gì đâu
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu
Thuở ân ái mong manh hơn nắng lụa
Hoa bướm ngập ngừng cỏ cây lần lựa
 
Hầu hết các thi sĩ đều không biết định nghĩa tình yêu mà cứ biết yêu nồng nàn, tha thiết và thất tình sướt mướt. Tôi nghĩ các thi sĩ đã yêu giả vờ và thất tình giả vờ, thương vay khóc mướn, mua vui giải sầu cho thế nhân. Thi sĩ có thể ru với gió, mơ theo trăng, vẩn vơ cùng mây thì cũng có thể tưởng tượng yêu và được yêu và bị thất tình. Vậy thì, trên con đường đi tìm một em gái, tôi sẽ gắng sức phấn đấu cua được em. Nếu tôi cua được em, em bỏ tôi hay em bám chặt tôi như đỉa đói bám mình trâu, vì thì ca, tất cả cho thi ca nhân loại, tôi sẽ đoạt thắng lợi thất tình để có cái động lực làm thơ. Nếu tôi đi mòn vẹt cả chục đôi giày “trên vỉa hè Hà nội” vẫn không cua nổi em nào, vì thi ca, tất cả cho thi ca nhân loại, tôi sẽ kiếm một em đẹp nhất, khuê các nhất nói vài câu xỏ xiên, láo lếu, tục tĩu, để cáng, mất dạy, vô giáo dục để em mắng mỏ là đồ vô lại, em nhổ nước bọt hay em rình ngang qua nhà em, em hắt nước rửa bát ướt nhem quần áo. Thế là tôi … thất tình. Tôi khen tôi “sáng chế” ra ý nghĩ độc đáo. Chuyện tình tưởng tượng là chuyện tình không giống bất cứ một chuyện tình nào. Hẳn nhiên, chuyện tình ấy phải lạ, phải đẹp, phải thơ. Và đó là thi ca, là tiểu thuyết đúng nghĩa. Yêu mà viết chuyện tình của mình thì bình thường. Không hề yêu, chưa từng yêu ai mà tưởng tượng chuyện tình, chuyện thất tình mới tuyệt cú mèo. Tuy nhiên, tôi cứ đi cua gái, tôi thèm chất mái, thèm mái xùy. Biết đâu, được mái xùy tôi chả sẽ nổi tiếng nhanh, lấn át nhà báo nước mắm Vạn Vân và nhà thơ nước đá Nguyễn Xuân Mậu.
Tôi đi hai tháng, không dám tán em nào. Cứ kể, tôi cũng khá bảnh trai. Phải tội nhút nhát và đầy mặc cảm tỉnh lỵ đồng chua nước mặn, học hành ấm ớ. Lại có một hôm, “sư phụ” Nguyễn Thịnh hỏi:
- Làm bài thơ nào chưa?
- Chưa.
- Lơn được em nào chưa?
Tôi anh dũng đáp:
- Rồi. Em học Trưng Vương, gái Hàng Đào đấy.
“Sư phụ” khen:
- Mày tốt số quá. Tình nồng nàn chứ? Dẫn vào Láng chưa?
Tôi rầu rĩ:
- Nồng hơn vôi. Dẫn em đi khắp nơi. Bách Thảo, Voi Phục, Nghi Tàm, Quảng Bá, Hà Đông … Nhưng buồn ghê, tình đang trơn tru bị hóc xương cá!
“Sư phụ” cười:
- Em đá hả? Vui lên, có động lực thúc đẩy làm thơ rồi. Mà sẽ làm thơ hay.
Thằng “sư phụ” của tôi ông ổng ngâm:
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề
Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở
Nó hất hàm:
- Biết thơ ai không?
Tôi nhún vai kênh kiệu:
- Hồ Dzếnh.
- Biết Hồ Dzếnh ở đâu không?
- Không.
- Ở hiệu sách Trung Phương, phố Huế.
- Mày quen à?
- Tao biết.
Nguyễn Thịnh kể hiệu sách Trung Phương của vợ thi sĩ Trần Trung Phương, tác giả thi phẩm Mấy vần tươi sáng. Đây là tập thơ duy nhất viết cho tuổi thơ, học trò. Sau thi sĩ Trần Trung Phương không có ai làm thơ cho nhi đồng nữa. Ông đã qua đời ở hậu phương. Vợ ông về Hà nội và tái giá, trở thành vợ của thi sĩ Hồ Dzếnh. Tôi mê tập truyện Chân trời cũ của Hồ Dzếnh, nhà văn Minh Hương, bố Tàu mẹ Việt. Ông đã cho xuất bản hai thi phẩm Quê ngoại và Hoa xuân đất Việt. Ông yêu quê ngoại, yêu Việt nam. Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan đều hẹp hòi, không xếp ông vào Thi nhân Việt nam và Nhà văn hiện đại. Khi đăng lại truyện ngắn Nhà đông con của ông, tuần báo Tuổi Ngọc đã nói lên sự bất công này và yêu cầu những người viết văn học sử Việt Nam đừng quên Hồ Dzếnh. Ở Pháp và cả ở Mỹ nữa, những di dân đã mang quốc tịch Pháp, Mỹ mà viết văn bằng tiếng Pháp, tiếng Mỹ, được coi là nhà văn Pháp, nhà văn Mỹ. Hồ Dzếnh viết văn, viết thơ bằng tiếng Việt nam. Ông lại chọn Việt Nam làm quê hương. Văn ông thiếttha, cảm động. Thơ ông chứa chan tình tự, ngập tràn hình ảnh. Chưa thấy một thi sĩ Việt Nam nào yêu mẹ Việt Nam như Hồ Dzếnh qua bài Cảm xúc:
Cô gái Việt Nam ơi
Tự thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết hồn cô u uẩn lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi
Cô gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho hồn cô gái Việt Nam tươi
 
Tôi ái mộ Hồ Dzếnh, thường đến hiệu sách Trung Phương, giả vờ mua tuần báo văn nghệ, cái bút bic, cuốn vở, hy vọng gặp mặt người anh của Em Duỳn°°. Không lần nào tôi gặp cả vì không bao giờ Hồ Dzếnh ngồi ngoài hiệu sách. Thời gian từ 1950 đến cuối 1954 là thời gian khá sinh động của văn học nghệ thuật Hà nội vùng tề. Nó cũng là một bến bờ, một dấu mốc quan trọng của văn học sử. Thanh Nam đã sống trọn vẹn ngày tháng này, đã sinh hoạt liên tục và quen biết hết văn nghệ sĩ. Rất tiếc, Thanh Nam đã không viết hồi ký. Thành ra, thế hệ những người cầm bút hôm nay rất mơ hồ về một bến bờ văn học Hà Nội 1950 – 1954, bến bờ có Sao Mai với Nhìn xuống nhiều vang vọng. Thanh Nam, nay đã quá cố. Chẳng còn ai đủ tư cách để nhìn lại một bến bờ. Chúng ra còn mơ hồ cả về bến bờ văn nghệ lãng mạn cách mạng 1946 – 1949. Thời gian 1950 – 1954, tôi đang mơ trở thành Thanh Nam và mong nhìn mặt Hồ Dzếnh. Không có hân hạnh nhìn mặt tác giả Chân trời cũ, tôi đành thu tôi trên căn gác nhỏ biệt lập sau số nhà 13 phố Ngô Thời Nhiệm mà tưởng tượng thất tình.
Rồi tôi thất tình văn chương, thi ca, báo chí. Tôi năng tới Dancing Régina nghe Tôn thổi chơi trompette và Nguyễn Thịnh chơi guitare. Và tôi nghiện không khí dancing. Chơi phước thiện ngu sao không nghiện?
Chú thích:
° Về sau, vào nghề chữ nghĩa, tôi nhận ra hai nhà văn lùn là Hồ Nam và Dương Vi Long. Hồi đó hai vị này là mầm non văn nghệ.
°° Tên một truyện ngắn trong Chân trời cũ. Duỳn là tiếng Quảng đông, chữ Việt là Duyên. Em Duỳn đã làm tôi tốn nhiều nước mắt.