- Bởi vậy tao mới tính thi trường nào dễ đậu nhất. Thí dụ như dân lập hay mở bán công gì đó. Miễn đậu là được. Bữa học nhóm tiếp sau đó biến thành buổi thảo luận về chọn ngành nghề tương lai. Ba đứa châu đầu vô cuốn cẩm nang hướng dẫn mới mua, lật tới lật lui, đọc đi đọc lại, tính toán ngược xuôi. Trường này có khối A, thi được. Nhưng trường kia (cũng thích) lại thi khối D. Tréo ngoe vậy chứ. Đành phảI bỏ một cái. Tiếc ơi là tiếc. Nhưng mà không hạn chế số trường nộp đơn cho mỗi đầu người. Nghe cô nhận đơn ở phòng giáo vụ vừa kể vừa cười " có ông phụ huynh vô đóng tiền tới bảy cái đơn cho một thằng con ". Vì vậy cứ cố gắng chọn đi. Coi chừng trùng ngày thi thì uổng tiền. Phụng xòe ra ba cái bao đựng hồ sơ. Y khoa, Đại học Sư phạm, ngành Toán Tin học. Đại học Kinh tế, ngành quản lý tin học. Thy le lưỡi: - Khối B khối A luôn. Hèn chi nó học như bị ghiền. Phụng xếp xếp mấy tờ giấy như tiện tay mà làm, không có gì hết. Nó nói đều đều: - Ba tao biểu phải thi y dược. Con gái làm thầy thuốc khéo tay khéo chân. Nghề cứu người, có chuyện gì thì cứu cả nhà. Trong nhà có bác sĩ, đỡ lo bệnh tật. Mà lại an toàn, khỏi đấu tranh giành giựt quyền lợi. Cả đời chỉ tiếp xúc với những người yếu đuối bệnh đau, họ mang ơn mình không hết, khỏi lo ai ghen ghét, ám hại. Nói chung là sống rất yên tâm, yên ổn. Ngân sáng mắt lên: - Chắc má của Như Hiền cũng nói như ba màỵ Vậy mà hôm giờ tao cứ nghĩ, nó bị ảnh hưởng cái truyện trong sách văn tập hai. Có tên kia là thanh niên, giữa đường đi tự nhiên xông dzô đỡ đẻ cho cái bà mu gích. Bà chửi thôi là chửi, còn anh chàng thì khóc hu hu. Khi đem được đứa nhỏ ra ngoài, ảnh lại cười rỉ rả. Lạ lùng hết sức. Chà. Uổng công tao ái mộ nó mấy bữa nay. Thy chỉ tay vào mặt Ngân: - Cấm nghĩ xấu cho người khác. Tại mày có máu lãng mạn. Hở ra là tưởng tượng tùm lum. Đừng nói chi màỵ Tao đây cũng phục Như Hiền luôn. Cái nghề đó - Thy rùng mình - ghê lắm, cực lắm, không dám nói. Phụng nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, phân trần: - Tao cũng sợ học y khoa lắm. Tao sợ chích. Y tá chích tao, tao còn bịt mắt không dám dòm. Hai trường khối A là tao được tự chọn. Ba tao dọa " Học kinh tế ra trường đi làm dính tới chuyện bán mua, tiền bạc, dễ đi tù lắm con ơi ". Bởi vậy tao mới thi hai ngành tin học luôn. Máy móc dù gì cũng đỡ nguy hiểm hơn con người. - Khôn quá vậy trời. Thy nói câu đó, thấy rõ ràng Phụng có khả năng hơn mình. Thy học khá Anh văn. Điểm môn Anh văn thường được sáu, sáu rưỡi. Nên Thy chỉ biết thi khối D. Cứ trường nào có khối D là nộp đơn, chẳng chọn lựa gì hết. Sư phạm, Du lịch, Phụ nữ học.... Học trường nào cũng được, miễn là có học Anh văn. Ra trường thiếu gì chỗ làm. Cùng quá đi dạy kèm cũng được. Nhưng biết có đậu nổi không? Vô nhà sách thấy muốn ngộp. Sao mà quá chừng sách luyện thi, đếm thì hết nhưng mua không nổi, đọc không thấu. Bỏ cuốn nào xuống cũng tiếc rẻ, mà mua cuốn nào cũng tiếc tiền. Lỡ cuốn đó không trúng tủ. Lỡ cuốn kia xuất bản hồi năm ngoái. Hè năm lớp mười một, Thy có xin đề đại học làm thử, thấy cũng tàm tạm, cỡ 60%. Nghe đồn, thi đại học năm đầu ít có người đậu nổi. Hỏi tại sao, trả lời rằng không có kinh nghiệm. Kinh nghiệm gì chứ? Khó nói lắm, cứ thi rồi biết, phải tự mình rút ra kinh nghiệm cho mình, mới có kết quả. Nghe vậy, hết biết luôn. Kệ. Cứ thi. Rồi biết. Ngân vẫn chưa chọn được trường nào. - Lo gì. Sau cắm trại hướng nghiệp mới bắt đầu nộp đơn mà. Chủ nhật tuần sau, khối 12 cắm trại, chủ đề hướng nghiệp. Tức là mỗi lớp sẽ tự tìm chọn một trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp nào đó. Rồi tự đi sưu tầm tài liệu, thông tin, hình chụp... Nói chung là tất cả những gì có thể biết được, rồi tự xét khả năng của mình để có thể dám chọn trường đó mà nộp đơn thi. Nói sơ qua nghe đơn giản như vậy. Nhưng chương trình của một ngày trại thì phát chóng mặt. Năm giờ sáng có mặt (như đi Vũng Tàu). Có mặt rồi thì dựng lều với cái bảng tên trường đã chọn. Bảy giờ rưỡi chấm điểm trang trí trại và diễn hành từng lớp. Mười hai giờ rưỡi thi trí tuệ. Thật ra là thi văn, toán, anh văn, lý, sinh vật lịch sử, địa lý. Mười lăm giờ thi thuyết trình về trường mà lớp mình đã lấy làm tên trại. Mười bảy giờ rưỡi bế mạc. Nhổ lều ra về, sáng mai đi học như bình thường, không được nghỉ ngủ bù. Quá ngán! Đó là chương trình đại cương, chi tiết có thể thêm bớt, rút ngắng thời gian. Còn một tiết mục thi thố nữa, chưa biết xếp lúc nào vì thiếu điạ điểm thuận lợi, mà chọn sân khấu giữa sân trường thì lại thừa ánh nắng chói chang đổ lửa của tháng ba chưa mưa sắp sửa vào hè. Dứt khoát là không thuận lợi cho thí sinh lẫn giám khảo. Ai nấy nóng rừng rực, mồ hôi mồ hám chảy ròng ròng. Tinh thần, xúc cảm đâu mà biểu diễn, mà bình xét chấm điểm. Thôi để đó tính sau. Đầu tiên, chủ nhiệm chỉ định các cán bộ lớp lo việc làm tờ báo ảnh để thi. - Mấy em chọn trường nào? Chọn chưa? Hỏi văn phòng Đoàn cách thức làm sao? Xong rồi đưa tôi coi qua trước một chút. Lớp trưởng đứng dậy: - Dạ mấy bạn tính chọn trường Cao đẳng sân khấu điện ảnh. Chủ nhiệm hừ một tiếng: - Rõ ràng chỉ lo xem phim suốt ngày, chẳng lo học hành. Thôi được. Thích thì cứ làm. Lớp trưởng chưa dám ngồi xuống, tay tiếp tục đưa lên: - Dạ không phải. Tại trường này có chú bạn Thị Thủy làm phòng tài vụ. Tụi em nhờ chú dắt vô, xin tìm hiểu cho dễ mà lại mau lẹ nữa. Một cái phẩy tay vừa lòng, vừa ra hiệu đã giải quyết xong vấn đề. Phụng thở phào vén áo ngồi xuống. Cả lớp im khe, chờ lệnh khác. - Bây giờ chọn ra mười nam mười nữ để thi trò chơi kéo co. Ai to, cao hơn hẳng các bạn thì đứng lên. Rột rẹt. Loạt xoạt. Sau hai phút, đội ké co nam nữ được hình thành. - Tiếp theo, hai nam hai nữ thi nhảy bao bố. Lựa bạn nào điểm thể dục cao cao ấy. Học trò lào xào. - Hôm trước dán thông báo, mỗi lớp chỉ cần một nam một nữ, để làm thành một cặp, một đôi. - Cặp đôi hả? Nhảy chung một cái bao bố, chật ních? - Ừa. Bốn chân bỏ trong bao. Hai tay nắm miệng bao cho khỏi tuột. Hai tay còn lại ôm eo ếch nhau cho khỏi té. - Té chung hai đứa một lượt? - Dĩ nhiên. Đồng đội mà. - Ý ẹ! - Li kỳ à nha! Chủ nhiệm giải thích, tiếng hơi lớn vì khá nhiều xì xào: - Nhà trường xét thấy nam nữ chung một cái bao bố không tiện, nên chia ra nam riêng nữ riêng. Như vậy sẽ mất thêm thời gian, thêm người. Nói nhỏ nhau nghe thôi nhe các bạn. - Mất vui nữa. - Người lớn sợ cái gì không hiểu nổi. Không tiện chứ gì. - Sợ tụi nó không lo nhảy tới đích mà cứ lo ôm. - Toàn nghĩ xấu cho người khác. Lo nhảy cho tới để giựt giải cho lớp, chớ hơi đâu mà... - Sợ tụi nó té chồng chất lên nhau rồi lợi dụng... - Tưởng tượng thấy ghê. Người đó chắc học giỏi văn lắm. - Ừa! Tuấn Anh xin phát biểu ý kiến đóng góp xây dựng: - Em đề nghị cử bạn nào vừa vừa người. Nếu không sẽ rách bao bố. Chạy mua cái khác không kịp đâu ạ. Cả lớp cười hét lên. Tuấn Anh có điểm thể dục cao, nhưng nó chỉ có thể đứng trong cái bao bố một mình, là vừa khít. Tưởng gì khó, chứ chọn đứa ốm ốm thì có cả đống. Xong ngay. Tiếp theo, tìm sáu nam nữ thi trò đua ghe Ngo. Cách chơi như sau: Tất cả ngồi bẹp xuống đất. Chân đứa đằng sau ôm bụng đứa đằng trước, kết thành một chuỗi mắt xích. Rồi cứ thế chống hai tay, nhấc cái để ngồi của mình lên mà tiến. Sáu đứa tượng trưng cho cái ghe của dân tộc Khờ-me, còn mười hai cánh tay tượng trưng như mái chèo. - Còn cái mông? - Để lết cho đến đích. Không lết sao tới được, sao thắng nổi lớp mấy đứa nó. - Coi bộ hay à nghe. Lại chia riêng nam nữ hả? - Chắc rồi. - Hết hay. - Chắc chắn là không hay rồi. Bảo đảm có đứa bị rách quần cho coi. - Vậy thôi, tao không chơi. Nhưng trên bảng, ở các chương trình phải tham gia buổi cắm trại, những tên tuổi vẫn lần lượt bị ghi vào. Sĩ số lớp lại lẻ, bốn mươi mốt mạng, mười tám trai hai mươi ba gái. Trừ những đứa quá ốm yếu, bất tài vô tướng ra, hầu như ai cũng phải có phần. Kéo co, nhảy bao bố, chèo ghe. Thêm một món đặc biệt dành cho những nam giới thích cảm giác mạnh: môn thi đấu đẩy cây vào bụng nhau. Tuấn Anh xung phong liền: - Bụng ta đây rất dầy, không sợ bị thủng. Ghi tên đi. Lớp trưởng cầm cục phấn, ngần ngừ: - Nhưng bạn còn phải thi xếp hình dây ADN. Lỡ bạn bị lủng bụng, biết lấy ai mà thế. Tuấn Anh huơ lia lịa hai bàn tay mập ú: - Lựa đứa khác. Lựa đứa khác. Tui không biết cầm đũa, không gắp trái banh được đâu. Từ nhỏ tới giờ tui ăn bằng muỗng xúc cơm trong tô quen rồi. - Hèn chi! Câu nói cảm thán này phát ra từ cái miệng hiếm hoi nụ cười của chủ nhiệm. Vì vậy, khỏi phải nói, cả lớp thừa cơ hội cười đã đời luôn. Lập lại câu nói kia. Bình phẩm. Đập bàn. Đủ thứ hoan hỉ và ồn ào. Tuấn Anh sửa sửa vai áo, tay vỗ ngực, mặt vênh váo, mắt đá lông nheo với lớp, ý nói " Thấy ta có nghề chưa? Làm cho mấy bay được cười giỡn công khai, hợp pháp ". Chủ nhiệm ngưng cười cái rét (thắng ăn ghê), gõ mấy khớp ngón tay lên bảng: - Vậy thì thế người nào đã từng thi nghề môn kỹ thuật nấu ăn hồi lớp mười một ấy. Ai? Lê Nghĩa nhé. Còn mấy môn kia, cứ lấy cán sự bộ môn là xong. Lớp phó học tập đưa hai ngón tay: - Dạ còn thiếu một bạn, ý quên, mỗi môn phải đủ hai bạn. Thì những đứa chăm ngoan được lọc ra, ghi tên vào. Thy xòe tay đếm: - Lỗ lã quá chừng. Thi thuyết trình, làm báo ảnh, thi lết, thi Anh văn. Đời sao bất công quá vậy nè. Hổng biết còn bị thi gì nữa đây? Câu hỏi tu từ ấy được trả lời ngay. Chủ nhiệm nói, có vẻ không bằng lòng. - Còn thi thời trang học đường thì tôi chỉ cho phép mấy em học khá tham gia, như Thy, Phụng, Thư, Bích Ngọc, Minh Phương, Đăng Khoa, Tuấn Anh. Tập tành chừng một bữa thôi, không nên sa đà, mất thời giờ học tập. Ối trời xanh đất đỏ ơi ời! Thy có một mét năm mươi lẻ năm mi li mét. Phụng lưng tôm. Thư - ma cây (cây mía). Minh Phương cái mặt già ngắt như ông nội lại có râu. Đăng Khoa thấp hơn Thy khi Thy đi guốc cao. Tuấn Anh - ổ bánh mì con cóc. Chỉ được mỗi mình Bích Ngọc nhỏ nhắn mảnh mai. Vậy mà biểu diễn thời trang. Chưa thi đã biết kết quả rồi. Chắc chắn là lại xếp hạng 18 trên 18 lần nữa. - Hay là bỏ mục này? Oải quá! - Không được. Bỏ là mất điểm. Bị dũa ê mình luôn. - Rồi đồ đẹp đâu mà mặc? - Biểu tụi người đẹp, người mẫu mà học dở đó, nó đem vô cho mượn. Thiếu gì. Chủ nhiệm nói trước khi ra khỏi lớp: - Nhớ ăn mặc cho kín đáo, nghiêm túc đó.
oOo