avid Edward Alan Beckham, thường gọi Ted, là “fan cuồng” của Manchester United. Ông thân sinh ra Ted không hâm mộ câu lạc bộ (CLB) nào một cách đặc biệt, chỉ hơi thích Arsenal, vậy mà chẳng hiểu vì sao ngay khi còn bé tý, Ted đã mê mệt Quỷ Đỏ. Năm 1958, khi thảm họa Munich xảy ra, cướp đi sinh mạng tám người con ưu tú thành Man, Ted mới lên mười, nhưng đã biết buồn biết thương, cảm thấy tâm hồn mình tan nát. Nỗi đau như chắp cánh cho tình yêu thêm lớn mạnh. Từ đó trở đi, Ted biết rõ United sẽ luôn là CLB của đời mình. Ước mơ cháy bỏng của Ted là được chơi bóng chuyên nghiệp, song lực bất tòng tâm. Ông thích chơi tiền đạo, nhưng vừa không có bản năng sát thủ vừa chạy chỗ kém, nên thường xuyên bị việt vị. Thử việc không thành với Leyton Orient, ông đành an phận làm một anh cầu thủ nghiệp dư. Để kiếm tiền, ông xoay đủ thứ nghề, từ bồi bàn đến xẻ gỗ, để cuối cùng gắn bó với nghiệp thợ lắp ống ga. Năm 1969, Ted thành hôn cùng cô thợ cắt tóc Sandra. Sandra không mê bóng đá lắm, nhưng vì chồng thích nên thích theo. Từ bỏ giấc mộng chuyên nghiệp, Ted lại nuôi một hoài bão mới. Ông mơ được có một đứa con trai, để sẽ truyền cho nó tình yêu bóng đá, đào luyện nó trở thành một cầu thủ tài năng, giúp nó đạt đến những đỉnh cao ông không thể vươn tới. Sau khi hạ sinh con gái đầu lòng, Lynne, vào năm 1972, bà Sandra rốt cuộc cũng cho chồng một bé trai. David Robert Joseph Beckham ra đời lúc 6 giờ 15 sáng ngày 2 tháng 5 năm 1975[1], tại bệnh viện Whipps Cross, phía đông đô thành London. Tại sao lại là David Robert Joseph? David vốn là tên cúng cơm của ông Beckham bố. Ông tuy tên thật David mà cả đời cứ bị gọi thành Ted, nên truyền lại cái tên David cho con. Robert là đặt theo tên của Robert (Bobby) Charlton, huyền thoại Manchester United, đồng thời là thần tượng của Ted. Còn Joseph là theo tên cha của Sandra, một cổ động viên…Tottenham Hotspur. Thu nhập đã không dư dả, nay lại thêm một nách hai con, Ted phải làm đêm làm ngày mới nuôi được gia đình đủ sống. Những lúc rảnh rỗi được một chút, ông lại đi…đá banh, bao việc nội trợ trong nhà, chăm sóc con cái, đều giao phó cho Sandra. Bảy năm sau David, Sandra sinh đứa con út: Một bé gái mang tên Joanne. Hôm sinh Joanne, khi cha vừa từ bệnh viện về nhà, David đã hỏi ngay: -Trai hay gái, bố ơi? -Bé gái con ạ. -Không cần em gái! Con muốn em trai cơ! Thế rồi David khóc nức nở: Em trai thì mới chơi đá banh chung với anh được, chứ em gái biết cái gì! Khóc thì khóc vậy, chứ vừa nhìn thấy Joanne, cậu đã thương em ngay. Khi Joanne lớn lên, cô bé suốt ngày lẽo đẽo đi theo, đá bóng chung với David. Từ lúc David chưa nổi danh, cô đã coi anh là thần tượng. Hồi David chào đời, gia đình Beckham sống tại Leytonstone, thuộc quận Waltham Forest, London. Ít lâu sau, họ chuyển sang quận Chingford, tới một căn nhà ba phòng ngủ, với khu vườn nho nhỏ xinh xinh. David trải qua thời thơ ấu tại đây. Căn nhà Leytonstone. Beckham ở đây đến năm hai tuổi (Ảnh: Dailymail) Ngay từ nhỏ, David tỏ ra rất mẫu mực. Cậu tự gấp lấy quần áo, tự dọn dẹp phòng. Đồ đạc của David lúc nào cũng trật tự, ngăn nắp; mọi thứ trong phòng cậu được bày biện hết sức hài hòa, cân đối. David đặc biệt yêu thích sự cân đối, hễ điều gì không cân đối là không sao chịu được. Đến lúc lớn cũng vẫn vậy. “Ảnh lạ lắm”, Victoria kể về chồng, “hễ trong tủ lạnh có ba lon Pepsi là ảnh vứt đi một lon”. Vì sao? Vì ba lon lẻ loi, nhìn không cân. Cậu bé David cũng có ý thức về thời trang rất sớm, luôn muốn ăn mặc thật đẹp, tươm tất, và “ton sur ton”. Nếu bị bắt mặc hai màu chọi nhau, chẳng hạn như quần xanh áo đỏ, cậu thà khóc chết chứ không chịu. Tuy ít vòi vĩnh cha mẹ, nhưng khi đã vòi, thì cậu vòi…hàng hiệu. Được mẹ dắt đi mua xe đạp, cậu không thèm ngó những chiếc thông thường, mà chỉ ngay chiếc đắt tiền nhất. Chiếc ấy mắc quá, song ông bà Beckham cũng ráng vay tiền để sắm cho con. Ở nhà, David chịu khó giúp đỡ mẹ. Mỗi lúc mẹ nấu ăn, cậu dẫn em ra vườn chơi, để em không quẩn chân mẹ. Độ hơn 10 tuổi, cậu bắt đầu học nấu ăn. Những khi mẹ đi làm vắng, cậu nấu ăn cho cả gia đình; còn khi mẹ làm tóc cho khách ngay tại nhà, cậu lãnh nhiệm vụ pha trà, dọn bánh ra mời khách. Chẳng phải vì bị bắt mới phải làm đâu. Cậu thật sự yêu thích công việc nấu nướng, và thấy vui khi giúp được cha mẹ. David rất giỏi thể thao: Nào là bơi lội, bóng bàn, bi da, môn nào cũng giỏi, song đam mê nhất dĩ nhiên là bóng đá. Cậu vừa chập chững biết đi, ông bố đã lấy bít tất cuộn tròn lại làm banh cho con sút. Đứng chưa vững nên mỗi lần sút xong, cậu lại té lăn cù. Vậy mà thích lắm, cứ té xong là lại đứng lên đá tiếp, đá mãi. Khi đã biết chạy, cậu tập sút với bóng nhựa, có bữa sút ngay vào mặt ông ngoại, làm cặp kính của ông rơi, vỡ tan! Lên năm tuổi, David được cha dẫn đi xem bóng đá lần đầu trong đời: Trận Manchester United – Tottenham Hotspur, diễn ra ngày 6 tháng 9 năm 1980. Ông Ted phải bế David lên, vì cậu lùn quá, nếu ngồi trên ghế thì không xem thấy gì. Còn bé xíu xiu, chưa hiểu cả luật bóng đá, David vẫn say sưa cổ vũ suốt trận. Dẫu tỷ số cuối cùng là 0 – 0, cậu ra về mà mặt vẫn sáng rỡ, tươi roi rói. Trên đường ra khỏi sân vận động (SVĐ), cậu ngước nhìn cha, thỏ thẻ: -Bố, mai đây con sẽ chơi cho Manchester United! -Ờ…Con có chơi cho Barnet[2] thì bố cũng đến xem và cổ vũ cho con. Ted nói rồi cười xòa. Ông đặt nhiều hy vọng nơi con trai thật, song cũng chỉ mơ con sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, chứ khoác áo United thì chưa bao giờ dám mong! Lớn hơn một chút, những khi đến sân vận động, David không được cha bế nữa, cậu phải đứng lên trên ghế mới xem rõ được. Có lần, trong một trận cầu tại Wembley, David đang đứng nhảy nhót hò reo thì…ghế gãy. Cậu ngã bổ nhào, gãy mất hai cái răng! Cha David hâm mộ United, còn ông ngoại thì ủng hộ Tottenham. Tuần này cậu được cha dẫn đến Old Trafford, thì tuần sau được ông ngoại đưa đi White Hart Lane. Mỗi mùa giáng sinh, hễ cha mua cho cậu áo đấu United, là ông ngoại mua cho áo Tottenham, trong khi bà Sandra giữ thế trung lập bằng cách mua áo…ĐTQG Anh! Đương nhiên, ảnh hưởng của cha vẫn phải mạnh hơn. David ủng hộ Tottenham, nhưng chỉ mê Quỷ Đỏ. Trong phòng cậu, từ màn cửa đến áo gối, drap giường, tất cả đều màu đỏ, mang logo United, còn trên tường thì đầy những posters mang hình hai thần tượng Bryan Robson và Mark Hughes. Không chỉ truyền cho con tình yêu United, ông Ted quyết tâm luyện David trở thành một cầu thủ giỏi. Ban đầu, hai cha con chơi bóng với nhau trong vườn, sau đó kéo nhau ra ngoài công viên. Thậm chí, Ted đem David đi tập chung trong những buổi tập với Kingfisher, đội bóng nghiệp dư mà ông đang khoác áo. Cậu bé David 6 tuổi, loắt choa loắt choắt, đã đọ tài với những đồng nghiệp to lớn, bặm trợn của cha. Đôi khi quá ham bóng, các ông chú này vào bóng mạnh, khiến David đau và khóc, nhưng ông Ted không can thiệp: Đã đá bóng thì phải chịu đòn, bị người ta đá ngã, cũng phải cắn răng đứng dậy mà tiếp tục. Dù nắng hay mưa, hai cha con Beckham vẫn tập bóng đều đặn. Ted tập cho con đủ bài: Nào từ giữa sân lừa bóng đến khung thành, nào chạy cánh rồi tạt bóng vào cấm địa, rồi thì tập sút và chuyền bằng cả hai chân, sút má ngoài, sút bằng mu bàn chân, sút mu lai má, volley, đặt lòng vv…Tất nhiên, không thể thiếu đá phạt và phạt góc. David tỏ ra rất có năng khiếu: mới 6 tuổi đã volley không kém gì trẻ 12. Trên sân đấu kích cỡ chuẩn, cậu có thể từ chấm phạt góc câu được bóng vào vòng 5m50. Nhận thấy năng khiếu ấy, Ted càng ra sức dạy con. Ông dạy rất nghiêm khắc, điều gì David chưa làm được thì không được nghỉ, phải làm đi làm lại đến thành công mới thôi. Có lúc, David cũng phát chán: -Bố ơi, đủ lắm rồi, cho con nghỉ thôi! -Không nghỉ gì cả, làm được mới nghỉ! Không được thì hôm nay khỏi ăn cơm! Sự nghiêm khắc đôi khi thái quá của Ted khiến bà Sandra phải khó chịu: -Anh có thôi đi không? Tại sao bắt thằng bé cực khổ như vậy? Nói gì thì nói, nhờ cha nghiêm khắc, David mới rèn luyện được kỹ năng, và nhờ quen với kỷ luật, sau này cậu không bị sốc khi học cùng những người thầy như Sir Alex Ferguson. Vả lại, chuyện David chán nản đòi nghỉ chỉ là hãn hữu. Thường thì cậu còn ham tập hơn cả cha. Ông Ted kể lại: Bữa nọ, ông đã muốn về mà David không cho, bắt ông ở lại làm thủ môn cho cậu tập sút. Cứ thế mà tập cho đến khi tối mịt không còn thấy đường mới thôi, về đến nhà thì đã 11 giờ khuya! Bà Sandra giận không thể tả: -Hai bố con ông đi đâu giờ này mới thèm mò về nhà? -Có phải tại anh đâu - ông Ted chỉ David - Nó không cho anh về đấy chứ! David đặc biệt thích chuyền dài và đá phạt. Cậu bỏ ra hàng giờ chỉ để tập đá phạt. Đá vào lưới mãi chán rồi, cậu đặt ra mục tiêu mới là nhắm sao cho trúng…xà ngang. Cái xà ngang bé tẹo, đá sao cho trúng? Cha cậu nghĩ vậy, nên đặt giải: mỗi lần đá trúng, được thưởng 50 xu. Chẳng ngờ cậu sút trúng liên tục, làm ông tốn bộn tiền. Thấy hao quá, ông bắt cậu đứng ra xa hơn, song cậu vẫn cứ đá trúng như thường. Beckham thành tài, chẳng phải bởi thiên phú, mà do khổ luyện từ thuở ấu thơ vậy. Tất nhiên, David không chỉ tập cùng cha, mà còn chơi bóng thường xuyên với các bạn. Mỗi ngày, trên đường đến trường, cậu đều thủ theo một quả banh, để khi ra chơi thì đá bóng. Học xong, cậu chạy ù về nhà, thay quần thay áo, gặm vội miếng bánh mì, rồi lại thót ra công viên đá tiếp. Nhiều hôm David đá đến tận tối, quên về, làm bà Sandra phải bảo chồng ra công viên gọi con. Của đáng tội, ông chồng ra đến nơi thì quên khuấy lời vợ dặn, nhào vào chơi cùng với con luôn! Trong các hình phạt của bố mẹ, David sợ nhất là bị cấm không được chơi đá banh. Có điều, cấm David đá banh thì ông Ted cũng ngứa ngáy tay chân, nên lần nào cũng vậy, chỉ cấm được một thời gian ngắn là ông xóa lệnh, dắt con ra sân tập. Mê đến thế thì thời gian đâu mà học? Quả vậy, từ trường tiểu học Chase Lane lên đến trung học Chingford, David luôn là học sinh trung bình yếu. Cậu ngoan ngoãn, lễ phép, đến lớp đúng giờ và không cúp cua, nhưng học bạ thì bê bết. David không thích đọc sách, trừ sách về bóng đá, cũng như ghét hầu hết các môn học, trừ môn vẽ. “Ở trường, tôi ngồi kế David”, bạn học Matthew Treglohan kể, “Cậu ta vẽ đẹp lắm, nhưng chỉ thích bóng đá mà thôi. Mê bóng đá tới nỗi thấy gái đẹp cũng không quan tâm!” Một khi đã định hướng theo nghiệp cầu thủ từ thuở còn thơ, lại được sự ủng hộ nhiệt thành của cha mẹ, chẳng lạ gì chuyện David lơ là việc học. Đối với một cầu thủ thì tấm bằng trung học hay đại học chẳng có ý nghĩa chi. Pele có bằng gì, Maradona có bằng gì hay không? Cả khi không chơi bóng, David cũng chả nghĩ đến việc ngồi vào bàn học. Thay vào đó, cậu bé đi làm thêm kiếm ít tiền còm. Cậu được nhận vào làm một chân chạy việc ở trường đua chó Walthamstow, lãnh lương 10 bảng mỗi tối. Ông Ted Beckham (Ảnh: Bittenandbound) Chú thích: [1] Theo âm lịch, anh sinh nhằm giờ Mão, ngày 21 tháng 3, năm Ất Mão. Cục: Hỏa Lục Cục, Mệnh: Đại Khuê Thủy. Thử chấm tử vi, lá số cho thấy anh số giàu sang, nổi tiếng, có tài kinh doanh, giỏi về vẽ và nấu nướng, sành về ăn uống, hay ăn mặc đẹp, trong nhà thiếu hòa khí. Đọc tiếp sách này, các bạn sẽ thấy những điều trên đều đúng cả. Tiếc vì thời xưa, lúc lập ra tử vi, các cụ không biết đến môn bóng đá, nên trong lá số không có dự đoán gì về sự nghiệp túc cầu của Beckham! [2] Một CLB bán chuyên không mấy tên tuổi ở London. [3] Trung học Chingford vốn chỉ có đội bóng bầu dục. Beckham và các bạn thuyết phục được thầy giáo cho mở đội bóng đá.