Chương Năm
Một Cuộc Đổi Đời

    
“ồng hoa đại chiến” rốt cuộc là trận cầu buồn tẻ, kết thúc với tỷ số hòa không bàn thắng. David Beckham thể hiện phong độ chấp nhận được, không chói sáng, cũng không quá tệ. Anh kiến tạo được một cơ hội tốt cho Ryan Giggs, song cú volley của tiền vệ ngựời xứ Wales bị thủ thành Leeds cản phá thành công.
Qua những cuộc “lửa thử vàng”, Sir Alex Ferguson nhận thấy đã có thể đặt niềm tin vào “Thế Hệ 92”. Do đó, khi mùa bóng 1995 - 1996 bắt đầu, ông tự tin để ba trụ cột Andrei Kanchelskis, Paul Ince, và Mark Hughes ra đi mà không mua một ngôi sao nào để thay chân. Nỗi băn khoăn duy nhất của Sir Alex chính là Beckham. So với các bạn đồng lứa, David chưa được Sir tin tưởng hoàn toàn. Trong khi Scholes, Butt, và Gary Neville đều chơi hằng 20 – 30 trận mùa 94 – 95, David bị dạt sang Preston North End, chỉ đá cho United tổng cộng 10 lần. Đã toan tính mua Darren Anderton hoặc Marc Overmars, nhưng rồi Sir nghĩ lại, trao cho David một cơ hội.
Việc Mark Hughes ra đi là nỗi thất vọng lớn của David. Trước lúc mùa giải khởi tranh, các cầu thủ trẻ ai cũng trông đợi Sir Alex bổ sung lực lượng. Đến lúc trận đấu mở màn gặp Aston Villa sắp diễn ra, họ mới dám tin thầy đã đặt trọn hy vọng vào mình. Beckham, Scholes, Butt, O’Kane, và anh em Neville đều được sử dụng trong trận này. Hy vọng  tưởng trao nhầm chỗ, bởi Villa giã cho United ba trái, trước khi David gỡ lại một bàn danh dự vào phút 84. Xem xong trận, bình luận viên danh tiếng Alan Hansen phán một câu xanh rờn: “Toàn nhóc con mà thắng nỗi gì!”
Bị chạm nọc, bọn "nhóc con" chơi như lên đồng, thắng liền 5 trận kế tiếp, trong đó có trận hạ đương kim vô địch Blackburn ngay trên sân khách bằng bàn thắng quyết định từ cú sút xa của Beckham. Từ tháng 10, 1995, với sự trở lại của Eric Cantona sau án treo giò, United đá càng hứng khởi, quyết liệt đeo bám Newcastle trên bảng tổng sắp. Mùa giáng sinh, Quỷ Đỏ còn kém Newcastle 12 điểm, đến tháng 3, 1996, họ đã vượt lên dẫn đầu. Trong trận đấu áp chót mùa giải, Beckham tỏa sáng, lập cú đúp, giúp đội nhà đè bẹp Nottingham Forest 5 – 0. United thắng nốt Middlesbrough ở trận cuối cùng, lên ngôi vô địch với 4 điểm nhiều hơn Newcastle.
Trong các danh hiệu quốc nội, VĐQG hiển nhiên là danh giá nhất, song đối với cầu thủ trẻ như David Beckham, các giải cúp lại hấp dẫn hơn. Giải vô địch cứ chán chán thế nào, hết trận này lại đến trận khác, không có loại trực tiếp, sao bằng các cúp đầy những cao trào, xong tứ kết lại đến bán kết, chung kết? Từ ngày còn nhỏ, David có thói quen: Hễ United vào đến chung kết một cúp nào, là đem cờ đỏ và poster hình Bryan Robson treo lên cửa sổ phòng mình. Được ra sân trong trận chung kết Cúp FA, với David luôn là một giấc mơ cháy bỏng.
United không gặp mấy khó khăn trong hành trình FA năm đó, cho đến trận bán kết. Gặp đối thủ cứng cựa Chelsea, đội lại thiếu vắng cặp trung vệ trụ cột Bruce-Pallister do chấn thương. Dẫn dắt hàng công Chelsea, trớ trêu thay, chính là Mark Hughes. Phút 35, đích thân Hughes đột phá dũng mãnh, vượt qua Beckham, tạt bóng cho Ruud Gullit đánh đầu phá thế quân bình. Nhưng Chelsea có Hughes thì United có Cantona. Đầu hiệp 2, tiền đạo người Pháp trổ tài kiến tạo, giúp Andy Cole gỡ hòa. Chỉ bốn phút sau bàn gỡ, tiền vệ Craig Burley của Chelsea bất cẩn phá bóng ngay vào đường chạy của Beckham. David xâm nhập vòng cấm địa, nhẹ nhàng dứt điểm tréo giò thủ môn, ấn định tỷ số 2 – 1.
Bóng vừa chạm lưới, trong niềm vui tột độ, David chạy băng về phía trước, nhảy lên không trung, tay giơ cao đấm lên trời. Nước mắt anh rưng rưng chực trào: Chẳng còn là mơ, mà sự thực là đây. Chính anh, chính David Beckham, đã lập công, nâng bước Manchester United vào chung kết.

David Beckham và Eric Cantona (Ảnh: Twicsy)
Đối thủ của United trong trận cầu đỉnh cao là đại kình “bất cộng đái thiên” Liverpool. Cuộc chiến bình thường giữa hai Quỷ Đỏ cũng đủ căng thẳng, huống hồ là chung kết FA. Vì quá căng thẳng, cầu thủ hai bên chơi như đeo chì vào chân, lăm lăm lo đá người hơn đá bóng. Thời gian dần trôi, không bàn thắng nào được ghi. Phút 85, Sir Alex Ferguson đang chuẩn bị thay Beckham thì United được hưởng phạt góc. David tiến về góc sân, đặt bóng xuống, bên tai anh chợt vẳng tiếng một cổ động viên trên khán đài:
-Cố lên! David! Cố lên!
Như được tiếp thêm tinh thần, David h sút phạt kinh điển, giúp Manchester United lần thứ hai liên tiếp vô địch ngoại hạng, và vào đến bán kết Cúp C1 Châu Âu, chỉ chịu dừng bước trước Borussia Dortmund, đội sau đó đăng quang. Bản thân David được Hiệp Hội Cầu Thủ Chuyên Nghiệp (PFA) tôn vinh với danh hiệu Cầu Thủ Trẻ Xuất Sắc Nhất Nước Anh. Trên bình diện quốc gia, David ra sân không thiếu trận nào ở vòng loại World Cup 1998. Anh còn cùng đội tuyển giành Cúp Tứ Hùng Tournoi de France[3]. Các doanh nghiệp đổ xô vào tranh giành ngôi sao đang lên. Brylcreem, hãng chuyên về các sản phẩm dưỡng tóc, ký hợp đồng tài trợ cho David trị giá một triệu bảng, theo sau bằng Adidas với hợp đồng bảy năm giá bốn triệu. Lương David tại Old Trafford cũng được nâng lên 10 000, rồi 20 000 bảng một tuần.
Khi Victoria trở về từ Mỹ, cô và David lại tiếp tục những cuộc hẹn hò bí mật. Điểm hẹn thường là…bãi đậu xe. Hai người thường lái xe chạy vòng vòng, hoặc không đi đâu cả, mà chỉ ngồi trong xe trò chuyện, hôn hít. David tiếp tục tặng quà hằng ngày cho Victoria: những đóa hồng nhung, và thực tế hơn, những chiếc túi xách xa xỉ hiệu Prada. Muốn đi ăn cùng nhau, họ phải lái thật xa, đến những quán nơi “khỉ ho cò gáy”. Muốn đi xem phim, phải đến lúc đèn đã tắt và phim đã dạo đầu. Cái đêm United ăn mừng ngôi VĐQG, Spice Girls cũng có buổi diễn ở Manchester. David rời tiệc mừng lúc một giờ sáng, ăn mặc kín như bưng để tránh bị nhận diện, lén lút đến khách sạn nơi Victoria đang ở, đi lối cửa sau vào phòng người yêu. Cặp đôi đang âu yếm nhau thì đột nhiên có người gõ cửa. David hết cả hồn, phải trốn ngay vào phòng tắm!
Cái kim trong bọc có ngày lòi ra. Những tin đồn về tình cảm giữa David và Victoria ngày càng rộ. Trước nhà David, ngày ngày có cả chục tay phó nhòm chờ sẵn, chỉ chờ anh ra là bám theo, hòng chụp được ảnh độc quyền khẳng định lời đồn thổi. Thấy giấu cũng không được, Victoria quyết định công khai. Cô lái xe đường đường chính chính đến nhà David, rồi hai người tay trong tay, tự nhiên bước ra giữa thanh thiên bạch nhật.
Cuộc đời David bước sang một bước ngoặt. Mối tình với Victoria đưa anh lên một tầm cao mới trong thế giới những vì sao. Từ chỗ chỉ nổi tiếng trong làng thể thao, anh trở nên một cái tên nóng bỏng của showbiz. Ngay những người chưa bao giờ xem bóng đá, nay cũng biết đến cái tên David Beckham. David Beckham – Victoria Adams, hay đơn giản hơn, Becks và Posh, trở thành cặp đôi đình đám nhất nước Anh, và có lẽ trên toàn thế giới. Không một ngày nào trên báo không đăng tin về họ, không một ngày nào trên tạp chí không có hình của họ. Họ đi đến đâu, một rừng paparazzi chen vai thích cánh, bám theo đến đó. Ngay cả khi ở nhà, họ cũng phải luôn kéo kín rèm cửa mới tránh được những ánh nhìn soi mói. Tự truyện đầu tiên của David, My Story, tuy chủ yếu toàn hình ảnh, vừa phát hành đã bán chạy như tôm tươi.
Bước vào showbiz, David hiển nhiên phải có những thay đổi để thích nghi. Anh vốn thích hàng hiệu từ lâu, nhưng mới là hiệu trung cấp, nay thì chuyển hẳn sang những hiệu thượng lưu: Cartier, Gucci, Prada. Anh liên tục thay đổi kiểu tóc, đi “tiên phong” với những kiểu thời trang lạ mắt. Anh mua xe hơi mới: chiếc Porsche giá 70 000 bảng, và cùng Victoria mua căn nhà 300 000 bảng ở Cheshire. Anh theo Victoria đến những buổi biểu diễn thời trang ở Milan, làm quen cùng những ca sỹ thượng thừa như Madonna và Sir Elton John.
Giáng sinh 1997, đôi tình nhân triệu phú tặng cho nhau những món quà đắt giá: Một thánh giá cẩn ngọc cho Victoria, và chiếc vòng vàng nạm kim cương cho David. Ngày 24 tháng 1, 1998, David đặt phòng tại khách sạn Rookery Hill, trang trí căn phòng bằng những đóa lily, hồng đỏ, và hồng vàng tươi thắm. Sau bữa tối, anh quỳ xuống trước mặt Victoria, đưa tặng cô chiếc nhẫn vàng đính 3 hạt kim cương ngoạn hảo:
-Victoria, em sẽ lấy anh chứ?
-Vâng, nhưng giờ đến phiên em – Victoria cười và lấy ra chiếc nhẫn của riêng mình – Thế còn anh, anh cũng lấy em nhé? Chiếc nhẫn này, em chọn cùng ba mẹ ở Los Angeles đấy.
Hai người quyết định sẽ làm đám cưới vào năm sau, và sẽ mời Gary Neville làm phù rể.

Posh và Becks năm 1997 (Ảnh: Nowmagazine)
 
Chú thích:
[1] Victoria Caroline Adams ra đời lúc 10 giờ sáng ngày 17-4-1974 tại Goff’s Oak, London. Theo âm lịch, cô sinh nhằm giờ Tỵ, ngày 25 tháng 3 năm Giáp Dần, cục: Hỏa Lục Cục, mệnh: Đại Khuê Thủy, giống với David Beckham. Lá số tử vi cho biết đây là người có bố mẹ giàu sang, từ nhỏ đến lớn không phải làm gì vẫn sung sướng, có óc kinh doanh, hay đổi nghề, thích ăn ngon mặc đẹp, tiêu tiền như nước, lấy chồng xứng đôi, vợ chồng đều có danh phận.
[2] Sau mỗi trận đấu, thường có tiệc nhẹ tại phòng khách cầu thủ.
[3] Tại Tournoi de France 1997, Anh thua Brazil, nhưng thắng Pháp và Italy, giành hạng nhất với 6 điểm.