hế là một năm học tối tăm mặt mũi đã đi qua. Trước mắt là mùa hè. Là lá la... Đêm ơi hãy dài ra cho những giấc ngủ no nê con mắt, sáng ra là những ánh long lanh trong trẻo không hốc hác mệt mỏi như thức canh người ốm đau. Và ngày ơi hãy dài ra cho kệ sách văn học có người đến thăm.
Cứ nói sao sinh viên mà cũng không chịu đọc sách văn hoc. Hãy thử làm sinh viên đi rồi biết! Sáng giảng đường, chiều giảng đường, không giảng đường thì thư viện. Chút thời gian eo hẹp buổi trưa chỉ kịp cho bữa cơm và hai vòng xe. Nghĩa là từ sáu giờ sáng đến năm giờ chiều lịch thời gian không có kẽ hở nào cho con kiến riu chui lọt. Sau năm giờ thì sao? Sinh ra là con gái, cơm trưa đã không thì cơm chiều chắc chắn là phải nấu rồi. Mẹ? Mẹ ấy à... Cái cửa hàng vật liệu xây dựng trang trí nội thất phát đạt đến nỗi giờ đây có thể xem nó như đứa con út của mẹ chứ không phải tôi. Chiều, đạp xe về đến nhà, tôi chào như rên “Mẹ ạ...”, thay cho ngày trước “Thúy đó hả con,đói bụng chưa?” và chờ sẵn tôi bên bàn là mâm cơm nóng sốt hoặc ít nhất cũng là ly chè. Còn bây giờ... “Nấu thức ăn đi Thúy, mẹ cắm nồi cơm rồi”.
Mẹ nói mà chẳng kịp nhìn con gái của mẹ đạp xe đoạn đường dài năm cây số ngược gió mặt mũi bơ phờ tóc tai rối rắm đến thế nào. Đã vậy mà có phải được vào nhà một cách bình thường đâu. Từ nhà ngoài vào nhà trong lổm nha lổm nhổm... Khách đến mua hàng, cầm lên một vài viên gạch hoa của Ý, ngắm nghía màu sắc, độ nặng nhẹ, độ bóng, hỏi giá tiền... rồi họ bỏ gạch Ý xuống ở chỗ nào đó thuận tay nhất và cầm vài viên gạch Trung Quốc lên... Cứ như vậy. Có vô số loại gạch hoa nội địa và gạch hoa ngoại nhập. Và cũng như vậy với các hàng hóa khác, nào bồn rửa mặt men trắng hoặc men ngà, của Đài Loan hay của Nhật, vòi sen nhựa hay inox, giá đèn nhựa hay gốm sứ...
Tối, hàng hóa sắp xếp ngay hàng thẳng lối đẹp mắt. Hôm sau, mới buổi sáng đã nằm tràn trên nền nhà. Đáng gọi là kỳ tích khi với cái bụng đói, người ta khiêng được cái xe đạp vào nhà trong mà chưa bao giờ làm vỡ một viên gạch hay cái bồn sứ nào.
Anh Thành sướng hơn tôi nhiều, gửi cái xe máy ở sân nhà bên cạnh, đến khi nào mọi thứ trở về vị trí cũ thì dắt xe vào. Chỉ học trên tôi có hai năm mà sướng đủ thứ, không phải đạp xe và không cả nấu cơm. Có lần tôi rướm nước mắt vì điều này, anh xung phong đưa đón tôi đi học. Trời ơi, cứ lớp anh trống tiết đầu thì tôi đi học trễ, anh trống tiết cuối thì tôi phải xin đi nhờ xe khác về. Còn anh vào bếp thì...
Nghĩa là nếu anh đảm nhận khoản nấu cơm chiều thì nhanh lắm cũng đến bảy giờ tôi mới được ngồi vào bàn học. Tối nào đi học vi tính và ngoại ngữ thì giờ ngồi vào bàn sẽ lùi lại hai tiếng và tất nhiên, giờ đi ngủ cũng lùi lại.
Thời gian đâu cho văn học? Người lớn nhận xét sinh viên bây giờ học lệch. Trời ơi, bài vở trên trường vai này thì bài vở ngoài trường vai kia, phải nói là nặng oằn cả hai vai, không lệch một tí nào.
Nhưng nói thiếu lãng mạn cần thiết thì tôi phải công nhận là có. Trước kia, đọc xong một tác phẩm, thường nghĩ ngợi về nhân vật và mơ mộng một tí, còn trích lời nhân vật chính ghi vào sổ tay. Ví dụ như câu ngắn ngủi của Shakespeare trong vở kịch Hamlet
“To be or not to be”. Những ngày ôn thi đại học, tôi viết chữ thật to câu ấy ra giấy rồi cắt dán lên kệ sách trước mặt. Đang ngủ gà ngủ gật, mắt chợt chạm câu nói ngắn ngủi mà từ dài nhất chỉ có ba chữ cái ấy, bỗng thấy mình yếu đuối quá, thế là tỉnh ngủ luôn.
Tóm lại, mùa hè này tôi sẽ dành trọn thời gian cho sách văn học. Và cả những truyện ngắn trên báo nữa. Hằng ngày, chỉ kịp liếc mắt qua trang tin tức liên quan đến sinh viên, nào tiêu chuẩn điểm, tiêu chuẩn học bổng...Con người của mình không khéo chỉ còn lại những phép tính cộng trừ nhân.
Bố mẹ lắng nghe kế hoạch hè của anh em tôi. Anh Thành muốn về quê lần cuối. Lần cuối đây không phải là anh sắp qua đời mà là sang năm anh ra trường, lúc đó hẳn là rất bận bịu về việc làm và phấn đấu này nọ. Bố gật gù, có lý. Còn tôi mới về quê dịp Tết, hè này là...
Bố nhướng mắt khi nghe tôi nói, mẹ cười xòa:
- Thôi, cứ cho con mơ mộng thêm vài năm nữa, khi học tập xong biết lo lắng cũng chưa muộn.
- Nhưng...
- Tôi đã tính rồi. Chiều đến nhờ một thằng bé dọn dẹp, trả cho nó ít tiền.
- Mình giàu rồi à?
Mẹ cười. Nụ cười của người rất hài lòng với công việc và thu nhập. Bố càu nhàu:
- Người lạ vào nhà là phiền phức lắm.
- Chỉ sắp xếp hàng hóa ở nhà ngoài thôi. Xong là về.
- Nó con nhà ai?
- Trẻ mồ côi sống ở nhà Tình Thương của thành phố.
*
Năm giờ chiều Vinh đến. Cái mũ quả lê chụp trên đầu với cái chỏm nhọn bị móp trông rất buồn cười, mắt mũi miệng bình thường, chỉ có vóc người là hơi lùn.
Tôi thì thầm với mẹ:
- Làm sao nó xếp hàng lên kệ cao được? Sao mẹ không chọn đứa nào cao hơn?
- Cô phụ trách nhà Tình Thương nói Vinh là đứa chăm chỉ, có ý thức. Cứ để xem nó xoay xở ra sao.
Sau khi nhìn những đống hàng ngổn ngang trên nền, rồi nhìn quanh những cái kệ mà chiều dài lẫn chiều cao đều đáng nể, Vinh nhỏ nhẹ nói với mẹ tôi:
- Nhà bác có ghế gỗ không ạ?
- Có ghế nhựa kìa cháu.
- Ghế nhựa ngày nào cũng leo trèo cháu sợ làm hỏng của bác.
Câu nói khiến mẹ mỉm cười.
Bắt đầu từ những ngăn thấp. Vinh ngồi xuống giữa những viên gạch hoa các loại, hai tay ngập ngừng lựa chọn, có những loại chỉ khác nhau về độ bóng. Vinh chăm chú nhìn. Từng chồng cao dần, cao dần.... Nghe tiếng xe bố dừng trước cổng, nó nhìn ra và hiểu ngay sự tình. Một lối đi đủ chỗ cho chiếc xe máy được dọn quang ngay lập tức.
Vừa ăn cơm vừa nhìn ra bố khen:
- Thằng bé có vẻ siêng năng và biết cách quá nhỉ.
Mẹ cười. Lâu lắm rồi mới thấy mẹ thảnh thơi vừa ăn cơm vừa trò chuyện vừa xem ti vi như thế này. Tôi chợt nhận ra trước khi có thằng Vinh chắc mẹ phải làm công việc nó đang làm, dọn dẹp sắp xếp giữa bao bụi bặm tung ra theo từng loại vật liệu. Còn tôi thì tị nạnh sao mẹ chăm chút cho cái cửa hàng hơn con út.
Đến mười giờ tối, đặt cái cuộn nhựa dán trần lên kệ cao, Vinh nhảy từ trên ghế xuống:
- Chào bác cháu về, chào chị em về.
Tôi giật chùm chìa khóa trên tay mẹ:
- Mẹ ngủ đi, để con khóa cửa cho.
Mẹ ngạc nhiên. Chẳng những khóa cửa mà tôi còn giặt giẻ lau đi lau lại cái bàn của mẹ, lau luôn lớp bụi phủ quanh điện thoại. Xong, quay lại thấy mẹ vẫn ngạc nhiên đứng nhìn, tôi đỏ mặt. Mẹ không biết tôi đang nghĩ gì đâu.
Hôm sau, đúng mười giờ tôi cầm chùm chìa khóa từ nhà trong đi ra. Vinh đã xong việc từ lúc nào, nó đang dựa lưng nhìn ra đường, cái chỏm mũ xẹp xuống dèn dẹt khiến nó như lùn thêm. Tôi ngạc nhiên một chút rồi hiểu ra hôm nay đã biết việc nên nó làm nhanh hơn.
- Lần sau xong lúc nào em cứ gọi chị lúc ấy.
-...Vâng!
Tiếng vâng thật khẽ. Tôi nhìn theo bóng dáng nhỏ bé đi men trên vỉa hè đầy hàng quán bán đêm, bỗng nhiên muốn chạy theo mời nó ăn một tô phở.
Hôm sau,tám giờ rưỡi tôi leng reng chìa khóa đi ra. Gạch vẫn còn nằm từng chồng trên nền, chưa xếp lên kệ, Vinh bối rối nhìn tôi:
- Em làm chậm quá hả chị?
Chẳng qua sợ nó đợi như hôm qua chứ có phải tôi sốt ruột đâu. Vinh làm xong sớm hay muộn tôi cũng chỉ có một việc là đọc, thư viện dạo này có nhiều sách văn học thật là hay.
Hôm sau, để cho chắc ăn, tôi cùng quyển truyện kéo ghế ra ngay ngưỡng cửa giữa nhà trong và nhà ngoài. Ở vị trí này tha hồ đọc mà vẫn biết đích xác khi nào Vinh xong việc. Thật là tiện.
Vậy mà, trời đất ơi, Vinh buồn buồn nhìn tôi:
- Chị không cần phải canh chừng đâu, em hứa là không ăn cắp...
Tôi không nói được gì. Thế đấy, tôi muốn bày tỏ sự quan tâm của mình và kết quả là vậy. Tôi bật cười, cười mãi. Vinh bối rối đến nỗi làm rơi cái bồn bằng sứ trên tay xuống “bụp... bốp...”
Mẹ xuất hiện:
- Chuyện gì vậy?
- Con lỡ làm rơi - Tôi bật ra.
Không thể giải thích được vì sao tôi lại nhận thay. Mẹ không phải là người khắt khe, ngược lại. Mẹ có vẻ quý Vinh, nếu biết nó làm rơi, chắc mẹ cũng bỏ qua. Nhưng điều gì đó trong tôi thôi thúc tôi lên tiếng. Mà cũng có thể là lỗi tại tôi thật.
Rồi tôi nhận ra dạo này mình hơi đa cảm. Tôi cúi nhìn quyển truyện trên tay. Ảnh hưởng từ đây chăng?
- Tối về em làm gì? - Tôi hỏi.
- Dạ... không làm gì cả.
- Em không học bài sao?
- Dạ... trước kia thì có.
- Ban ngày em làm gì?
- Em đi bán.
- Bán gì?
- Trái bầu khô.
Tôi cau mày không hiểu. Vinh giải thích ngập ngừng lủng củng. Cuối cùng thì tôi cũng hiểu ra. Đó là loại bầu có hình dáng như cái bình có eo ở giữa, khoét ruột, phơi khô cho đến khi có màu nâu cháy, nếu được màu đen nhánh thì càng tốt. Giữ sao cho không bị nứt rồi đánh dầu cho bóng. Với một cái nút bằng lá khô quấn lại, đậy bên trên, trái bầu khô trông như bình rượu của tiên ông ngày xưa. Bầu càng nhỏ càng khó làm vì quả non, vỏ mềm. Nhưng chính bầu nhỏ lại càng xinh xắn, càng có giá, du khách rất thích, nhất là khách nước ngoài.
- Mỗi ngày em bán được mấy trái?
- Dạ... ít lắm. Mấy đứa biết nói tiếng Anh bán được nhiều.
Tội nghiệp chưa. Tôi bật ra:
- Em thích học tiếng Anh không?
-...
- Chị dạy.
*
Học trò tôi không dám yêu cầu cao, chỉ cần học từ số một đến số năm, chưa có trái bầu nào giá sáu đô la cả. Cô giáo bắt học trò học đến hai mươi, lỡ có ai mua một lần vài trái thì sao? Và lỡ mai mốt bán thêm những thứ khác đắt tiền hơn thì sao? Vậy thì học đến một trăm luôn. Khoan, trước mắt cứ học đến hai mươi... còn lại từ từ tính sau.
Rồi những câu “Xin chào”, “Đây là...đẹp nhất”, “Xin cám ơn”, “Tạm biệt”, “Rất tiếc, thưa quý ông”... Trước mắt cứ học những câu đơn giản, còn lại từ từ tính sau.
- Từ từ tính sau là sao hả chị? - Vinh rụt rè hỏi.
- Là học những gì cần cho bán hàng đã. Còn câu cú ngữ pháp mai mốt chị sẽ giải thích rõ ràng hơn. Chịu không?
Mắt Vinh sáng bừng. Tôi lâng lâng nghĩ đến ngày mình dạy học trò câu “to be or not to be”.
*
Những ngày hè qua rất nhanh, quá nhanh. Tôi chỉ kịp dạy Vinh những câu đơn giản ngắn ngủi. Ôm những cuốn sách văn học trả lại thư viện, tôi quay về với việc học. Bố mẹ thay cho tôi cái xe đạp bằng chiếc xe máy nhưng lịch thời gian vẫn rất sát sao, học trên trường, học trên trường, học ngoài trường và cả bạn bè nữa... Giữa tôi và Vinh còn lại câu chào ngẳn ngủi mỗi chiều, rồi dần dần chỉ còn lại nụ cười và có khi đầu óc đang nghĩ gì đó tôi quên cả nụ cười.
Có lần mẹ nói:
- Vinh nó hỏi mẹ “Thưa ông ngày mai sẽ có cái đẹp hơn” nói như thế nào, mẹ bảo đợi con về...
Tôi vâng dạ, tự nhủ ngày mai sẽ trả lời nhưng rồi vòng quay từng ngày lại cuốn tôi đi. Và hẳn là tôi sẽ quên luôn nếu...
Ngày Hiến chương nhà giáo, sau khi thăm cô thầy giáo và cùng cả lớp liên hoan, tôi về nhà hơi khuya. Mẹ đưa cho tôi một cái hộp vuông gói bằng giấy màu:
- Vinh nó tặng con.
Vinh? Quà của Vinh? Tôi mở hộp ra - Một trái bầu khô nhỏ xíu, xinh xắn, lớp da đen nhánh đến nỗi tôi thấy được những ngón tay mình soi bóng. Và tấm thiệp với dòng chữ nắn nót
“Em kính tặng cô giáo”.Cầm trái bầu trên tay, tôi đi ra nhà ngoài dù biết chắc Vinh không còn ở đó. Những kệ hàng hóa đầy ắp và rất ngăn nắp, cái ghế gỗ nằm ở góc.
Tôi dựa lưng vào tường, thấy mắt mình cay.
“Em là chậm quá hả chị?”“Chị không cần phải canh chừng đâu, em hứa là không ăn cắp...”“Dạ... trước kia thì có...”Từng chút... từng chút... tôi nhớ lại. Và tôi nhớ lời hứa “từ từ tính sau” của mình, khuôn mặt Vinh bừng sáng và mong ước vô tư của tôi khi muốn dạy Vinh đến “to be or not to be”.
To be or not... Câu nói nổi tiếng của Shakespear chợt hiện ra dưới góc độ mới mẻ lạ lùng. Tôi chợt nhận ra điều đẹp nhất tôi có được trong mùa hè vừa qua chính là Vinh với những buổi học rụt rè chăm chỉ khát khao.
Trái bầu trên tay tôi rất xinh và rất nhẹ, tưởng như tôi thở mạnh hơn một chút nó sẽ bay lên.