Thế đất

Đứng ở chỏm núi cao nhất nhìn xuống: núi hoàn toàn là một con rồng. Gọi chung là núi Dạm. Làng tôi ở giữa núi nên gọi là Sơn Trung hay Dạm Giữa. Tên “Dạm” hình như thuộc về tình yêu.
Quay mặt về hướng đông thị xã Lãm Dương bám vào các “chân rồng” bên trái, thoai thoải. Xã Sơn Trung bám vào bên phải.
Chỏm núi cao nhất, chả biết bao nhiêu thước, nhưng cao lắm. Tôi lên đến đỉnh rồi quay về mất một buổi sáng, mệt thừ. Dân làng, có người suốt đời chưa đặt chân đến đó. Ở làng, nhìn người trên ấy chỉ bằng cái tăm nhòe. Núi trọc. Đỉnh đầu rồng này có một phiến đá vuông vuông, nhẵn lì, bằng tấm phản hai người nằm. Dân làng bảo đấy là “bàn cờ tiên”. Mỗi tháng, cứ đêm rằm, khi trăng lên đỉnh núi, thì có tám cô tiên bay xuống đánh cờ. Canh năm, gà gáy tiếng thứ nhất, trăng gác non Đoài, tám cô tiên bay về giời. Khi các cô xuống, đỉnh núi ửng lên một màu hồng hồng... Tôi cứ hình dung tám cô đẹp như các cô tiên người ta vẽ ở vỏ bánh pháo. Tôi mòn mắt đợi chờ mọi đêm rằm. Rồi một hôm, đoàn quân Nhật về tập. Chúng hốt hoảng, vội xúm đen xúm đỏ như đàn bọ, chúng hò hét inh ỏi và lật sấp bàn cờ xuống. Các cụ già nghiến răng ken két, cau mày: “Nó quỷ quyệt thật! Nó yểm đất đấy. Nó sợ cái bàn cờ để ngửa thì vùng này sẽ có nhân tài đứng lên”. Bàn cờ bị lật sấp, nhưng mãi mãi, dân làng vẫn gọi là “Núi bàn cờ tiên”. Bên cạnh cái bàn cờ có một hòn đá xanh, nhẵn lì, lúc nào cũng như mọng lên. Hai bên nổi hai gờ khum khum, ở giữa có một cái khe. Các cụ bảo đấy là “của tiên”. Mỗi khi trời mưa, nước đọng lại trong văn vắt, nhìn thấy đã ngọt lừ. Khi vừa lên đỉnh núi khát bỏng, ai múc được nước ấy mà uống thì khước quanh năm. Vì thế, dân làng còn gọi đây là núi “Của Tiên”. “Của Tiên” ấy sẽ đẻ ra những anh hùng hào kiệt văn nhân, thi sĩ. Mà lạ thật, ở xa xa như núi Và nhìn vào, từ Lim nhìn tới, ở Nhồi, ở Ó nhìn sang, núi lại biến thành người đàn bà nằm ngửa. Hai cái đùi mập mạp rạng hai bên, hai cái tay xải ra, có cả tóc dài, cái đầu là phía núi Lãm Dương. Cái núi “Của Tiên” hoàn toàn giống cái bụng chửa to lắm, sắp đẻ. Khi mưa to, nước trào từng dòng trắng xóa từ “ngực” cô Tiên như những dòng sữa tràn trề, no ấm, cả làng tha hồ mà bơi lội trong sữa. Anh hùng hào kiệt, thi sĩ văn nhân nhiều lắm. Nhưng tôi thấy các Người cứ im lặng hình như ẩn dật, buồn bã hoặc chờ thời đứng dậy.
 °

*

Dưới “đầu rồng” có cái thung lũng. Thung lũng có cái chùa của cả Tổng, nổi tiếng tỉnh Bắc Ninh. Ấy là chùa Hàm Long, gọi tắt là chùa Hàm. Giữa chùa có tượng Thích Ca cao chọc nóc chùa, đâu mười lăm thước thì phải, bằng đồng đỏ chóe. Tôi ngẩng mặt nhìn ông. Tôi lọt thỏm dưới áo cà sa của Ông. Chị Cún, cô Phan bảo tôi: “Đừng chỉ trỏ, cụt tay đấy”. Nhiều lần tôi chỉ trỏ mà chả thấy cụt tay, hay là sau này mới cụt? Cách xa mấy cánh đồng, có quả núi như quả thị bổ đôi, úp xuống. Các cụ bảo đấy là núi Ngọc. Thôn Sơn Nam ở đấy, núi Ngọc ở đúng phía Hàm Long hướng ra.

*

Lưng chừng đầu rồng có cái cột bằng đá sừng sững, mốc tha mốc thếch, rồng bay xung quanh, rêu đóng thành vẩy. Các cụ bảo đấy là cột cờ, cột cờ từ thời vua nhà Lý. Núi này còn được gọi là “núi Cột Cờ” nữa. Nghĩa là núi rất nhiều tên. Tên nào cũng hay quá.
Cạnh cột cờ lại có cái chùa. Chùa cao quá nên gọi là chùa Cao; chinh nó là chùa Dạm. Nó có bao nhiêu là nền, xây toàn bằng đá mà khi tôi lớn lên mái đổ từ bao giờ. Mẹ bảo: “Trước nó rất nhiều mái, có những trăm gian trăm cửa. Cứ đêm mười tám, chập tối, chú tiểu đi đóng cửa chùa, đóng từ cửa thứ nhất tới cửa thứ một trăm thì ông giăng lên”. À ra câu ca ở vùng tôi: “Mười tám đóng cửa chùa Dạm” là như vậy. Không biết chùa thờ ai, nhưng chắc là được làm cùng với cột cờ.

*

Đứng ở cột cờ, một cái ngòi thẳng tắp đầy nước cắt phăng đầu một quả núi. Quả núi hoàn toàn giống một con rùa. Quanh con rùa có bốn quả núi con, giống hệt bốn con rùa con. Từ cổ rùa mẹ thường chảy ra một luồng nước đỏ như máu, hòa vào ngòi nước thành hai dòng trắng, đỏ. Câu chuyện vắn tắt như thế này:
... Ngày xưa, tướng Cao Biền nổi lên đánh quân Nam Chiếu. Vì dậy non, bị quân Nam Chiếu đánh chết như ngả rạ. Quân Cao Biền chết, biến thành rươi. Đời nói: “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”. Tướng Cao Biền thua, rút về vùng Dạm, đứng đỉnh núi, Cao Biền nổi nóng, vừa rèn xong cung tên, nhằm bắn thử một phát, đứt đôi cổ rùa. Đường tên bay rạch thành ngòi “Con Tên”. Đầu rùa bay thẳng mấy cánh đồng. Làng Hạ Lưu ở trên đầu con rùa. Lang này nghèo đến ngàn đời, nghèo nhất vùng này. Có nhẽ vì làng ở trên đầu rùa đã chết.

*

Một chiều, bố tôi bưng cái mâm gỗ trong đó có đĩa trầu cau, đĩa xôi, nải chuối, bảo tôi cầm cút rượu đi theo, ngược lên núi xóm Trại. Ở lưng chừng núi có cái đền đá như cái ghế tựa, rêu mốc nắng mưa. Cây duối mọc chùm phả bóng vào đền. Bố thận trọng thắp hương, đặt mâm rồi vái khấn lẩm nhẩm. Bố bảo đấy là đền Bắc Đẩu, còn đền Nam Tào ở tít núi bên kia xóm Đông. Năm nào người ta cũng cúng hai cái đền ấy, mong cho số phận được tốt lành, được mùa được màng.

*

Phía trên đền Bắc Đẩu có một tảng đá khổng lồ. Ở chân núi nhìn lên, tảng đá hoàn toàn là một bà già ngồi còm lưng. Dân làng gọi đó là núi “Bà Còm”. Câu chuyện về bà thế này: Xưa có cô con gái đẹp nhất vùng này, đẹp người đẹp cả nết. Đến thời cặp kê, cô chọn khắp vùng không chàng trai nào xứng làm chồng. Cô lên núi gặp Tiên. Tiên nữ bảo “ngồi đây mà nhìn khắp thiên hạ xem ai vừa ý”. Đến lưng chừng núi gặp thần Bắc Đẩu. Bắc Đẩu bảo: “con ngồi đây mà nhìn khắp thiên hạ, xem ai vừa ý”. Cô ngồi đó, tấm khăn mỏ quạ xõa ra rồi già bao giờ không biết? Lưng bà còm xuống.
Bà ngồi im, ở xa tít tắp vẫn nhìn thấy bà. Khi mưa to gió lớn, chúng tôi đi nhổ cỏ, chăn bò thường sà vào lòng bà. Bà che mưa, che gió, che nắng cho bao nhiêu đời người? Bà còn ngồi đó đến bao giờ? Đi đâu xa, tôi cũng nhớ bà. Khi về từ xa tít bà đã ngó nhìn tôi.

*

Muốn đi từ làng tôi sang làng Vân Hợp, làng Lãm Dương đều phải đi qua một cái đèo. Ấy là đèo Bẵng. Đêm nào đèo Bẵng cũng rựng một màu sáng hơn các nơi khác. Các cụ bảo ở đấy có trâu bạc, lợn vàng. Có cụ đi ăn cỗ về khuya đã từng thấy một đàn lợn vàng chóe ụt ụt rồi biến mất. Bao lần mẹ sang bà ngoại về khuya. Mẹ bảo chả thấy gì. Mẹ gan thật! Bố đi cắt tóc rong thường về khuya. Bố cũng bảo chả thấy gì. Bố gan thật! Chỉ có lần bố nhìn thấy kẻ cướp, thấy bố chẳng có gì, họ tha.

*

Trước mặt xã tôi có ba cái “rừng”. Gọi là rừng nhưng thực ra mỗi khoảnh đất độ vài mẫu ruộng, cây cối um tùm. Rừng Đống Ngấn, thuộc thôn Tự. Rừng Đống Tháp, thuộc thôn tôi. Rừng Đống Quốc, thuộc thôn Chiều. Ba thôn thờ ba anh em ông Hoàng. Thôn Tự là anh Cả. Thôn tôi, thôn Trung. Thôn Chiều em út ở phía mặt trời lặn. Ngày xưa ba ông Hoàng trấn giữ ba nơi, xây đồn ở ba cái “rừng” ấy thành thế chân vạc. Quân tướng ken đầy chân núi. Người ta bảo khu rừng giữa có thú dữ, có quỷ, có rắn thần. Chưa ai thấy. Khu rừng Đống Ngấn có ma, nhiều người đã thấy nó lơ lửng xanh lè về đêm mưa dầm gió bấc. Còn rừng Đống Quốc, cứ về đêm có người con gái mặc áo trắng, tóc dài lắm, đội khăn trắng hết cười lại khóc, lại hát suốt đêm về sáng.
Còn tôi, cho đến ngày đi xa quê, chưa thấy có chuyện gì ở ba khu rừng này.
Tôi chỉ thấy núi hùng vĩ chọc trời. Ba khu rừng như ba tướng lĩnh đứng theo thế chân vạc gác, mong cho đời đời dân làng yên ả.

*

Văn chỉ xây từ đời nảo đời nào!
Ấy là một khu đất có ba cái đền lộ thiên, bằng đá, có những con rồng được chắp bằng mảnh bát hoa, cuồn cuộn bò trên tường đền. Có bao nhiêu là cây bàng xòe tán, giữa cánh đồng Chõ. Tôi thường theo anh Thả ra lấy lá bàng để nhuộm quần áo. Tôi không dám trèo lên đền. Anh Thả cứ nhảy tót lên đền như cơm bữa.
Hình như đây là đền thờ các quan văn. Bốn mùa phơi với gió trăng mưa nắng.

*

Sông dài tít tắp, người ta qua lại bằng cái đập.
Mùa cạn, cả làng ra đánh cá. Mùa ngập, chỉ còn hai vệt đê lưa thưa có môi. Sông chắn ngang như một cái hào. Có lần tôi lủi thủi đi thử và ước đi đến ngọn nó. Muốn tắm mát, lên ngọn sông đào... Chắc ngọn nó ở chân giời. Bao người chết đuối ở đây. Bao trận nổi cướp ở đây. Bao trận đánh nhau kịch liệt giữa hai xã bên này bên kia. Bao nhiêu hội tát nước thì thùm suốt những đêm trăng. Bao nhiêu tiếng hát bên sông đào...

*

Hai con voi quỳ trên bệ đá. Con nào cũng lớn và to bằng con trâu mộng. Trên lưng có bành và có bệ thờ.
Mười cây si lớn xòe từ bao giờ không biết, để chim về ríu rít khi mùa quả chín. Bốn cái đền lộ thiên. Chúng tôi gọi là nghè ông Voi. Cạnh đấy có cái giếng Cầu Đường trong vắt. Gái trai tha hồ mà tắm, mà uống nước phả phê. Nghe nói giếng có thần.
Tháng hai xác pháo đỏ nghè, thơm lừng. Ở đây cũng là nơi thờ quan văn. Quan văn sao lại có voi phục? Câu chuyện về voi phục rắc rối lắm!
Đầu voi hướng đúng vào đình làng Hoa Hội. Cả làng Hoa Hội mấy đời toét mắt. Vì sao nhỉ? Vì hai con voi thôn Dạm hướng vào đầu đình. Toét mắt là tại hướng đình. Cả làng toét mắt có mình gì tôi.
Làng Hoa Hội cử người lên thưa với thôn Dạm, cho đầu voi quay hướng khác. Làng tôi không nghe vì cái thế của nó phải thế. Đêm, trai tráng Hoa Hội lên đập tan đầu voi. Thôn Dạm xây lại. Lại bị phá. Thôn Dạm tập trung trai tráng, tuần đinh nằm phục ở nghè. Trai Hoa Hội vừa lên, nửa đêm hai bên đánh nhau. Không ai chết. Trẻ con chăn trâu Hoa Hội dàn ngang bờ sông, bơi sang đánh trẻ con thôn Dạm. Thôn Dạm tràn sang, đuổi trẻ con Hoa Hội đến giáp đình. Bùn lấm bê bết khắp mình mẩy, có đứa ngã xuống ao tù nước đọng, có đứa khát nước uống nước thum thủm có đóng váng như gạch cua ở giếng Hoa Hội.
Những đứa ấy về bị đau mắt, đi lỏng, nói rằng, bệnh toét mắt từ Hoa Hội lây sang.
Đến một ngày, Hoa Hội sáng trưng. Ao nào cũng mát lạnh hương sen. Giếng nào cũng trong vắt thấy cái kim dưới đáy. Bói không ra một người toét mắt. Ai cũng nhìn rõ hơn. Trai thôn Dạm xuống chơi mê tít vì đôi mắt gái Hoa Hội. Trai Hoa Hội lên chơi thôn Dạm cũng để cho gái mê, phải lòng nhau. Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang sông.
Hai con voi vẫn nằm phục đó. Từ nay không ai hành hạ oan ức nó. Đầu vẫn quay hướng cũ. Cái thế của thôn Dạm phải như thế cơ mà!