Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khơ Me Đỏ
Cuộc đảo chính do CIA chủ mưu.

Sáng 13 tháng 3 năm 1970, khi tôi đang chuẩn bị đáp máy bay rời Paris đi Matxcơva, một cố vấn thân cận cùng ngồi trong xe trên đường ra sân bay đã nói vui:
- Kính thưa Xamđec, ta không nên xuất hành vào ngày hôm nay, vì là ngày 13, lại cũng là thứ Sáu, một ngày rất xấu!
Vì không mê tín dị đoan nên tôi chỉ cười đáp lại và vẫn cứ đi gặp các vị lãnh đạo Liên Xô đúng như chương trình đã định. Năm ngày sau, giữa lúc tôi đang ở Matxcơva, bọn Lon Nol, Sirik Matak ở nhà đã truất phế tôi. Thứ Sáu ngày 13 quả là một ngày rất xấu?
Trở lại ngày 13 tháng 3 năm 1970, khi tôi bay tới Matxcơva đã thấy Chủ tịch Xô-viết tối cao Pôtgorny chờ đón tại sân bay nhưng không có nghi lễ vì chúng tôi đã thoả thuận, đây chỉ là chuyến đi bình thường với tư cách cá nhân, không phải là một chuyến thăm chính thức. Sau khi chào đón tôi, Chủ tịch Pôtgorny nói thêm:
- Thưa Xamđec, ngài có thể nghỉ lại Matxcơva đêm nay nếu ngài muốn, nhưng sáng mai nên quay trở về Phnompenh. Chúng tôi rất tin tưởng ở ngài, Hoàng thân Sihanouk. Nhân dân Campuchia đang cần có một vị Quốc trưởng như ngài, vì vậy ngài nên quay trở lại ngay đất nước mình để trực tiếp nắm giữ vận mệnh Campuchia. Ngài hãy lưu tâm, đừng để Campuchia rơi vào tay bọn Lon Nol, Sirik Matak, đừng để Campuchia bị lôi cuốn vào các mưu đồ của đế quốc Mỹ, đừng để bọn Lon Nol, Sirik Matak gây khó khăn cho nhân dân miền Nam Việt Nam đang dũng cảm chiến đấu giải phóng đất nước mình.
Tôi trả lời, sẽ nghiên cứu rất nghiêm chỉnh mọi vấn đề có liên quan đến tình hình hiện nay.
Đúng là từ đầu tháng 3, giữa lúc đang còn dưỡng bệnh ở Pháp, tôi đã được tin trong nước đã xảy ra những vụ biểu tình chống người Việt ở tỉnh Vây Riêng, và cũng đã được báo cáo, chính Lon Nol lúc đó đang giữ chức Thủ tướng là kẻ chủ mưu. Đến ngày 11-3-1970 tôi lại được tin một đám người nói là sinh viên và học sinh trung học đã tiến công Đại sứ quán Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Sau đó vài giờ, bọn này tiến công cả Đại sứ quán Việt Nam dân chủ cộng hoà ở Phnompenh. Sau đó, tôi nhận được thêm chứng cớ đây chính là hành động của binh lính mặc thường phục, dưới sự đạo diễn của Lon Nol và cả của em trai ông ta là đại tá tham mưu trưởng cũng mang tên là Lon Nol. Đây không phải là những cuộc biểu tình “bột phát” như báo chí phương Tây và vô tuyến truyền hình Mỹ đã đưa tin. Bởi vì những biểu ngữ đều viết bằng tiếng Anh, điều hiếm thấy trong nước tôi khi có cuộc biểu tình tuần hành trên đường phố.
Các phóng viên báo chí, quay phim, chụp ảnh đều được báo trước, theo kịch bản đã dàn sẵn.
Ngay khi biết tin các sứ quán nói trên bị tiến công, từ Paris tôi đã gửi một bức điện tới Mẫu hậu, mẹ tôi, tức Thái hậu Sisowath Kôssamắc Nearireath, là vợ goá của Cựu vương Norodom Xuramarit thân sinh ra tôi, trong đó tôi cực lực lên án những cá nhân đã đặt lợi ích riêng của bản thân và đồng bọn lên trên tương lai của đất nước và vận mệnh của dân tộc. Tôi cũng đã cảnh báo với Thái hậu về một âm mưu đảo chính của cánh hữu, đồng thời báo tin tôi sẽ trở về đương đầu với bọn chủ mưu. Ngày 10-3-1970, tôi cũng đã phát biểu trên Đài Truyền hình Pháp, vạch rõ các thế lực cánh hữu ở trong nước đang lợi dụng sự vắng mặt của tôi để cố tìm cách thay đổi đường lối chính trị của Campuchia, lôi kéo Campuchia vào quỹ đạo của Mỹ. Tôi cũng khẳng định Cục Tình báo trung ương Mỹ gọi tắt là CIA đã có liên hệ chặt chẽ với cánh hữu Campuchia. Tôi nói: “Nguy cơ của cuộc đảo chính có tránh được hay không, tất cả phụ thuộc vào quân đội Campuchia”.
Tôi nói như vậy là vì, thật tình lúc đó tôi mới chỉ nghĩ tới Sirik Matak đang giữ chức Phó Thủ tướng là kẻ chủ mưu. Lúc bấy giờ tôi hãy còn hoàn toàn tin cậy ở Lon Nol, và nghĩ rằng Lon Nol sẽ huy động quân đội dập tắt mọi âm mưu lật đổ. Tôi nghi ngờ Sirik Matak, vì biết rằng sau khi Campuchia lập lại quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 1969, Sirik Matak đã có những cuộc tiếp xúc rất thân mật với sứ quán Mỹ ở Phnompenh. Trong bài phát biểu truyền hình từ Paris, tôi đã báo trước, nếu tôi bị lật đổ, tình hình Campuchia sẽ rất đen tối.
Sau khi tôi gửi điện trình bày tình hình với Mẫu hậu, lại bùng nổ thêm những cuộc biểu tình và những hành động tiến công cộng đồng người Việt ở Campuchia, kể cả việc đập phá những nhà thờ đạo Thiên Chúa là một việc rất xa lạ với nền văn hoá Phật giáo và những truyền thống từ bi độ lượng của đất nước Campuchia chúng tôi. Một lần nữa, tôi lại nhận được những báo cáo rất đáng tin cậy cho biết, những vụ đập phá này hoàn toàn do binh lính mặc thường phục giả làm dân thường tiến hành. Tôi tự hỏi: phải chăng cả Lon Nol nữa cũng đang trở mặt, quay lại chống tôi? Tôi không muốn tin vào điều đó. Bởi vì trong suốt cả phần lớn cuộc đời Lon Nol đều rất gắn bó với tôi, và tôi cũng luôn luôn coi Lon Nol như cánh tay phải của mình.
Lon Nol luôn tuyên bố trung thành tận tuỵ với tôi, mà bản thân tôi cũng thấy những lời nói ấy quá cường điệu. Tôi vẫn còn nhớ, cách đây vài tuần, chính Lon Nol đã nhắc lại những điều đó khi yết kiến tôi tại Pháp.
Cái lý do mà bọn gây rối đưa ra bào chữa cho vụ đập phá các sứ quán Việt Nam là sự có mặt của quân đội Việt Cộng và Việt Minh trên lãnh thổ Campuchia tại các khu vực biên giới. Nhưng Lon Nol thừa biết hơn ai hết là nếu thi thoảng có một số đơn vị quân giải phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam qua lại những vùng đất của Campuchia, thì họ cũng chẳng làm điều gì hại cho chúng tôi cả. Hơn nữa, dù ở đâu thì mục tiêu của họ cũng là nhằm vào Sài Gòn chứ không phải Phnompenh. Các chiến sĩ Quân giải phóng chiến đấu để giải phóng đất nước của họ, chứ không phải để xâm lược đất nước chúng tôi. Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã biết nhưng vẫn không có phản ứng gì trước sự qua lại của Quân giải phóng, cũng như trước kia Marôc và Tuynidi vẫn từng để cho Quân giải phóng An-giê-ri qua lại trên lãnh thổ của hai nước này thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Vả lại, các chiến sĩ kháng chiến người Việt dù qua lại trên lãnh thổ Campuchia nhưng không hề quấy rối nhân dân chúng tôi tại các khu vực biên giới. Họ chỉ mua những thứ cần thiết và đều trả tiền sòng phẳng. Họ không hề đụng chạm đến phụ nữ nước tôi Chính Lon Nol khi đưa quân lính của chế độ Sài Gòn vào đất Campuchia mới gây tác hại cho nhân dân trong một cuộc chiến tranh khác hẳn tính chất.
Nhân dân chúng tôi không hề bị xúc phạm vì sự có mặt tạm thời và không thường xuyên của “Việt Cộng” mà chính là bom và đạn pháo của Mỹ đã gây thiệt hại cho chúng tôi. Người ta không bao giờ nhìn thấy có Việt Cộng tại những khu vực Mỹ thường ném bom thường xuyên và ác liệt.
Những xác chết tìm thấy sau những trận bom ở Vây Riêng và những khu vực khác ở vùng biên giới đều là xác những nông dân Campuchia, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Điều này đã được ghi nhận trong phần lớn các bản báo cáo của Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến lập ra sau Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương năm 1954, sau khi tới điều tra tại chỗ. Người Mỹ tại Nam Việt Nam, với hơn một triệu quân trong tay, trong đó 500.000 là lính Mỹ, đã bất lực không khoá chặt được biên giới của phía họ, thì Campuchia với 300.000 quân làm sao nổi việc này. Chính Lon Nol cũng đã từng đồng ý với quan điểm này của tôi, nhưng nay lại phủ nhận. Nếu bây giờ Lon Nol lại lợi dụng cái gọi là sự có mặt của Việt Cộng trên lãnh thổ Campuchia làm lý do để thay đổi đường lối chính trị và thách thức tôi, thì quả là có một chuyện gì đó nghiêm trọng đang xảy ra. Đó là điều tôi nghĩ tới nên tôi đã trả lời Chủ tịch Pôtgorny là tôi có ý định tiếp tục chuyến thăm Matxcơva rồi sau đó sẽ đi Bắc Kinh như đã định.
Dù sao, tôi cũng cần có thời gian để tìm hiểu cái gì đã xảy ra ở Phnompenh.
Sau này, có người cho rằng nếu lúc đó tôi trở về Campuchia ngay, có thể tôi đã kịp thời nắm lại được quyền lực trong tay. Đó cũng chỉ là dự đoán. Lúc này tôi đang cần ở lại Matxcơva nhằm thảo luận với các nhà cầm quyền Xô-viết về một hiệp định viện trợ quân sự. Các lực lượng Mỹ-nguỵ ở Nam Việt Nam đến từ phía Đông và bọn phản động Khơme Xơrây do CIA vũ trang đến từ các căn cứ của chúng trên đất Thái Lan từ phía Tây đang ngày càng thâm nhập thường xuyên vào lãnh thổ chúng tôi. Những vụ vi phạm vùng trời Campuchia diễn ra hằng ngày. Một sự de doạ thật sự đang uy hiếp nhân dân Campuchia. Từ năm 1963 tôi đã từ chối nhận viện trợ quân sự của Mỹ và cũng từ đó đến nay các thiết bị quân sự không được thay thế, thiếu thốn đủ mọi thứ, nhất là các phương tiện vận tải Các sĩ quan quân đội của chúng tôi đang nôn nóng đề nghị nối lại viện trợ quân sự Mỹ. Nhưng tôi muốn hướng về Liên Xô. Tôi dự định sẽ đề nghị Liên Xô cử tới Campuchia một phái đoàn viện trợ quân sự như kiểu phái đoàn MAAG mà Mỹ đã áp dụng ở Sài Gòn. Phái đoàn Liên Xô này sẽ tới Phnompenh thẩm định những nhu cầu về quân sự của chúng tôi và huấn luyện cho quân đội chúng tôi sử dụng các vũ khí Liên Xô. Sau vài cuộc đàm phán, người Nga đã chấp nhận đáp ứng mọi yêu cầu của chúng tôi. Nhưng lúc đó đã quá muộn.
Trước khi tôi rời Matxcơva lên đường đi Bắc Kinh, Thủ tướng Kossyghin đã mở tiệc chiêu đã tôi rất trọng thể tại điện Kremli. Sau bữa tiệc, chúng tôi vừa uống cà-phê vừa thảo luận về tình hình Campuchia. ông Kossyghin nói:
- Ngài cần tìm mọi cách ngăn Lon Nol và Sirik Matak, đừng để chúng đâm dao găm vào lưng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là thời điểm rất khó khăn cho các đồng chí Việt Nam của chúng tôi đang chiến đấu giải phóng tổ quốc. Ngài hãy cố tìm cách loại bỏ Lon Nol và Sirik Matak. Ngài đã từng biểu thị tinh thần chống đế quốc Mỹ, đã từng thể hiện sự ủng hộ quý báu đối với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngài đã giữ một vai trò rất vẻ vang. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ngài.
Tôi hứa với ông Kossyghin là sự ủng hộ của tôi đối với sự nghiệp của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập của họ sẽ không bao giờ giảm sút. Liền sau đó, tôi nhận được một bức điện của Thủ tướng Chu Ân Lai bày tỏ sự lo ngại về những sự kiện vừa qua tại Phnompenh, ngày 17 tháng 3 sau cuộc thảo luận với Thủ tướng Kossyghin, tôi gửi một bức điện trình Mẫu hậu, trong đó tôi viết:
“Phe xã hội chủ nghĩa cho rằng những sự kiện vừa qua ở Campuchia là một nguy cơ trực tiếp đánh vào cán cân lực lượng giữa Mỹ và hệ thống xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng Chu Ân Lai vừa thông báo cho biết sự lo ngại của Trung Quốc trước tình hình diễn biến ở Campuchia, nhưng vẫn giữ thái độ bình tĩnh trước việc sứ quán Trung Quốc tại Phnompenh bị khiêu khích. Các vị lãnh đạo Liên Xô cũng cho biết, họ cho rằng chính sách hiện nay của cánh hữu ở Phnompenh là cực kỳ nguy hiểm đối với tương lai của đất nước Campuchia. Người Nga đã nói với con họ sẵn sàng giúp mọi việc để khôi phục lại trật tự và nền trung lập của Campuchia. Con đã cám ơn họ và trả lời rằng con tự dành cho mình quyền hành động theo lương tri của một người Campuchia, vì lơi ích lâu dài của đất nước và nhân dân Campuchia. Con cũng xin được nhấn mạnh một nhận xét của ông Kossyghin mà con cho là rất có ý nghĩa. Ông Kossyghin đã nói với con: “Những đồng chí Việt Nam của chúng tôi là những người có trí nhớ tốt. Họ sẽ không bao giờ quên sự ủng hộ của ngài trong thời điểm rất khó khăn của cuộc đấu tranh của họ, cũng như họ sẽ không quên hành động của các thế lực cực hữu Campuchia đã gây cho họ thêm khó khăn trong giai đoạn quyết định của cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Nếu cánh hữu ở Campuchia cứ tiếp tục những cuộc tiến công như vậy chống lại đồng minh của chúng tôi ở Miền Nam Việt Nam, tôi cho rằng cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia sẽ không tránh khỏi. Con mong rằng những người có trách nhiệm dừng chơi các trò phù thuỷ hiện nay ở Phnompenh hãy nghiền ngẫm kỹ những lời tuyên bố này”.
Sau đó tôi được biết tin, Thái hậu mẹ tôi đã cho gọi Lon Nol và Sirik Matak tới và bảo họ phải ngừng ngay những hành động bạo lực chống Việt Nam. Họ tránh né bằng cách đề nghị cử một phái đoàn đi Bắc Kinh gặp tôi để thương lượng. Thái hậu đã thay mặt tôi thẳng thừng bác bỏ kiến nghị này, bởi vì không có vấn đề gì cần phải đàm phán cả mà là phải ngừng ngay những hành động đi chệch Hiến pháp trung lập của Campuchia đã từng giữ cho Campuchia khỏi lao vào một cuộc chiến tranh. Thái hậu cũng tỏ vẻ rất bất bình trước việc đập phá các sứ quán Việt Nam ở Phnompenh, đòi Lon Nol, Sirik Matak phải xin lỗi bằng văn bản và bồi thường những thiệt hại đã gây ra.
Sau khi gửi điện về nước, tôi lại tiếp tục thảo luận với các nhà lãnh đạo Xô-viết về tình hình Campuchia và những hậu quả có thể xảy ra giữa Campuchia và Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, tôi được gặp và trực tiếp thảo luận với ông Leonit Brznev, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tôi cũng được biết tin, tại Phnompenh một số sĩ quan mà tôi cho là trung thành đã bị bắt giữ vì dính líu vào một âm mưu chống Lon Nol và Sirik Matak. Cuộc khủng hoảng ở Campuchia đang trầm trọng đúng như tôi nghĩ. Chiều ngày 18-3-1970 tôi lên đường đi Bắc Kinh. Trên đường ra sân bay, Thủ tướng Kossyghin ngồi cùng xe ngoảnh về phía tôi, nói:
- Quốc hội của ngài vừa mới quyết định tước bỏ mọi quyền lực của ngài. Thế là thế nào?
Tôi trả lời:
- Thế là tôi đã bị truất phế.
Ông Kossyghin hỏi:
- Ngài định làm gì bây giờ?
Tôi đáp:
- Tôi sẽ chiến đấu chống lại. Nhất định như vậy.
Lúc đó, ông Kossyghin mới nói thêm:
- Ngài có thể tin vào sự ủng hộ của Liên Xô cho tới thắng lợi cuối cùng. Khi ngài còn nắm giữ quyền lực ở Phnompenh, Trung Quốc đã giúp đỡ ngài. Còn bây giờ, mọi việc đã thay đổi, ngài hãy coi thử Trung Quốc sẽ làm gì.
Tôi cám ơn và nói:
- Tôi đi Bắc Kinh để tìm sự giúp đỡ của bạn cũ là Chu Ân Lai rồi sẽ quay trở lại Matxcơva.
Ông Kossyghin nói tiếp:
- Ngài muốn làm gì, xin tuỳ ý. Trong mọi trường hợp, ngài vẫn có thể tin cậy vào chúng tôi.
Sau đó, tôi báo cho những người Campuchia cùng đi theo là tôi đã bị truất phế; nhưng do Matxcơva và Bắc Kinh không có ý công nhận chế độ mới ở Campuchia nên tôi có ý định tổ chức một cuộc kháng chiến chống lại bọn tiếm quyền.
Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên xô Pôtgorny đã dành chiếc chuyên cơ của ông cho tôi sử dụng.
Đây là một chiếc máy bay rất tiện nghi và rộng rãi, có thể làm việc ngay trong khi đang bay, khiến tôi rất vui mừng. Thế là mọi việc đã rõ.
Những nghi ngờ của tôi đã trở thành sự thật hiển nhiên. Lon Nol đã lộ mặt phản bội. Thà đó là Sirik Matak thì tôi không ngạc nhiên lắm, nhưng đây lại là cả Lon Nol. Bởi vì từ thủa nhỏ Sirik Matak đã thù ghét tôi. Hắn nghĩ rằng, đáng lẽ người nối ngôi vua, leo lên ngai vàng phải là ông bác hắn, tức Hoàng thân Sisowath Mônirét, chứ không phải là tôi. Tôi cũng biết, Sirik Matak đã từng có quan hệ mật thiết với CIA từ hồi làm đại sứ ở Nhật Bản và ở Philippin. Đến nay, Sirik Matak lôi kéo được cả Lon Nol thì quá là một cú “sốc” đối với tôi, và nếu còn có nhiều tên nữa theo hắn thì thật là tệ hại.
Sau khi máy bay cất cánh, tôi thảo luận với Pen Nouth người từng nhiều lần giữ chức Thủ tướng trong chính phủ Vương quốc Campuchia và những người cùng đi về quyết định ra lời kêu gọi kháng chiến đối với nhân dân trong nước. Vợ tôi là Monic, lúc này cũng vừa mới an ủi số người thân trong gia đình, nói với tôi:
- Ông đã làm việc quá nhiều rồi. Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước. Vậy mà bây giờ họ lại truất phế ông. Tôi nghĩ có lẽ ta nên rút lui, sang Pháp nghỉ ngơi còn hơn...
Tôi nói ngay:
- Không! Tình hình tồi tệ hiện nay không phải lúc để ta đi trốn. Lịch sử sẽ lên án ta, nếu ta để cho đất nước Campuchia trở thành một nhà nước độc tài quân sự, và hơn thế nữa, còn là một thuộc địa. Trong suốt cả cuộc đời, ta đã từng ước mơ một nền độc lập cho đất nước. Ta đã giành giật được độc lập từ tay Pháp không phải để rồi nay lại vứt bỏ. Chế độ Hoàng gia không được tránh né cuộc đấu tranh này. Nhất định đế quốc Mỹ sẽ thất bại trên toàn cõi Đông Dương. Ta phải tham gia vào cuộc đấu tranh chống Mỹ. Nhất định Mỹ sẽ bị đánh bại bởi những người Việt Nam và Khmer Đỏ. Pathét Lào cũng sẽ giành được nước Lào. Trách nhiệm của Hoàng gia là phải ở lại cùng với nhân dân Campuchia.
Monic hiểu ra ngay. Chúng tôi cùng ngồi vào bàn làm việc. Monic ngồi bên cạnh tôi. Pen Nouth ngồi trước mặt tôi. Trong lúc máy bay tiếp tục bay trên độ cao mười ngàn mét qua vùng trời Siberi, tôi bắt đầu soạn thảo bản Tuyên bố và Lời kêu gọi kháng chiến, nay đã trở thành những văn kiện lịch sử Trong suốt chuyến bay đêm, không ai trong chúng tôi chợp mắt ngủ vì mọi người đều hồi hộp, xúc động. Monic, Xamđec Pen Nouth và tôi làm việc không nghỉ để hoàn thành bản Tuyên bố kháng chiến. Nhưng đến ngày 23-3-1970 văn bản này vẫn chưa công bố vì chúng tôi còn theo dõi tình hình diễn biến ở Campuchia trước khi khởi sự. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh, phần lớn các văn kiện đã được chúng tôi thảo xong.
Tôi vừa bước xuống chân cầu thang máy bay đã được Thủ tướng Chu Ân Lai ôm hôn nồng nhiệt.
Ông đã hiểu biết tôi khá rõ, nên không hoài nghi gì về việc tôi sẽ phát động kháng chiến, và ông đã huy động toàn bộ đoàn ngoại giao chào đón tôi tại sân bay. Ông nói với tôi: “Ngài vẫn là Quốc trưởng duy nhất của Campuchia, chúng tôi không công nhận bất cứ ai khác”. Ông cùng cho biết, ông đã chỉ thị cho Tân Hoa xã công bố trên toàn bộ báo chí danh sách tất cả các vị đại sứ và đại biện lâm thời ra đón tôi, để nhấn mạnh tôi vẫn là Quốc trưởng Campuchia. Có tới 41 nước cử đại diện đi đón tôi tại Bắc Kinh hôm đó.
Cùng ngồi trên xe rời khỏi sân bay, ông Chu Ân Lai nói:
- Tôi đã thảo luận tình hình với Mao Chủ tịch. Tôi chỉ xin hỏi ngài một câu thôi: “Ngài có ý định chiến đấu không?”.
Tôi đáp ngay:
- Tôi sẽ chiến đấu tới cùng!
Ông Chu Ân Lai nói tiếp:
- Thế thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ngài.
Nhưng sau đó ông lại khuyên tôi suy nghĩ thêm hai mươi bốn giờ nữa cho thật chín chắn, vì “con đường kháng chiến sẽ lâu dài khó khăn và rất nhiều trở ngại trước khi đi tới thắng lợi cuối cùng”. Tôi đáp:
- Suy nghĩ của tôi cũng giống như ý nghĩ của tất cả những người Khơme yêu nước. Họ sẽ đi cùng với tôi và chúng tôi sẽ sát cánh chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai.
Tôi cũng khẳng định lại với Chu Ân Lai quyết tâm này vào ngày hôm sau, đúng như ông yêu cầu.
Báo chí phương Tây hồi đó viết rằng sau khi xảy ra cuộc đảo chính của Lon Nol, Trung Quốc đã do dự nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần trước khi đi đến quyết định ủng hộ tôi kháng chiến. Nhưng sự thật là chỉ hai mươi bốn giờ sau khi tôi chính thức hạ quyết tâm kháng chiến, tôi đã công khai tuyên bố trên báo chí Trung Quốc chuyện này rồi. Nếu không được Trung Quốc đảm bảo ủng hộ thì sao tôi có thể công bố quyết tâm kháng chiến được?
Sự thật là trong hai ngày 20 và 21-3 tôi đã công khai tuyên bố kháng chiến và chính thức đọc bản tuyên bố kháng chiến ngày 23-3-1970.
Tôi tới Bắc Kinh hôm trước thì hôm sau Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từ Hà Nội tới Bắc Kinh. Ông chào mừng tôi nồng nhiệt và nói to: “Thế là từ bây giờ chúng ta cùng là bạn chiến đấu rồi! Chúng tôi rất tự hào được nhìn thấy ngài đứng trong một chiến hào cùng với chúng tôi”.
Hồi đó, báo chí phương Tây loan tin, ông Phạm Văn Đồng đã “thương lượng” với tôi do ông Chu Ân Lai “đứng làm trung gian dàn xếp”. Thật là một sự xuyên tạc. Chúng tôi đã từng đoàn kết nhất trí với nhau trong nhiều vấn đề, và những hoàn cảnh hiện nay lại càng gắn bó chúng tôi chặt chẽ hơn nữa.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng bắt đầu ngay câu chuyện bằng việc hỏi tôi:
- Chúng tôi có thể giúp đỡ ngài như thế nào?
Tôi nói:
- Trung Quốc đã hứa giúp chúng tôi vũ khí. Chúng tôi không thiếu người chiến đấu nhưng đang rất cần huấn luyện viên quân sự, chúng tôi thiếu cán bộ quân sự có kinh nghiệm chiến đấu. Việt Nam có những cán bộ quân sự giỏi nhất thế giới về kiểu chiến tranh mà chúng tôi sẽ tiến hành.
Ông Phạm Văn Đồng trả lời ngay:
- Tôi sẽ nói với Tướng Giáp gứi tới giúp các ngài những cán bộ xuất sắc.
Tiếp đó, chúng tôi thảo luận kỹ về các biện pháp tốt nhất nhằm phối hợp cuộc đấu tranh giữa nhân dân các nước Đông Dương. Chính qua cuộc thảo luận này tôi nẩy ra ý định tổ chức một cuộc hội nghị cấp cao nhân dân các nước Đông Dương, và sau đó trong hai ngày 24 và 25-4-1970 hội nghị này được tiến hành tại miền Nam Trung Quốc, trong khu vực tiếp giáp với Đông Dương. Mục đích chính của hội nghị này là phối hợp cuộc kháng chiến của nhân dàn ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trên bán đảo Đông Dương.
Sau cuộc hội nghị nhân dân Đông Dương, tôi còn được thảo luận lâu tới hai giờ với Chủ tịch Mao Trạch Đông trước khi Chủ tịch tới Thiên An Môn dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1970. Ông Mao hỏi tôi rất lâu về Lon Nol mà ông đã được gặp hồi năm ngoái khi Lon Nol được cử tới Trung Quốc dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Ông cho biết, hồi đó Lon Nol chưa gây một ấn tượng gì lớn. Nay ông muốn biết tất cả những gì vừa xảy ra ở Phnompenh và vai trò của tôi trong các vấn đề của Campuchia. Ông Mao nói với tôi:
- Tôi thích bắt tay một ông Hoàng yêu nước như ngài hơn là những nguyên thủ quốc gia thường tự nhận là “những người con của nhân dân” nhưng không làm gì cho dân cả. Ngài đã giữ một vai trò rất đáng ca ngợi. Ngài xứng đáng trở thành một đảng viên cộng sản.
Đó là lời biểu dương to lớn nhất mà ông Mao dành cho tôi. Ông tiếp tục nói:
- Ngài cần những gì, cứ nói với chúng tôi. Chúng tôi có cái gì, các ngài cũng có cái đó. Tất cả những gì chúng tôi tặng các ngài không thấm vào đâu so với sự cống hiến của ngài trên cương vị lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia.
Ngay trong những ngày đầu tiên khi tôi tới Bắc Kinh, Thủ tướng Chu Ân Lai và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều khẳng định với tôi là sau ngày thắng lợi, Campuchia sẽ là một nước độc lập, có chủ quyền, trung lập và tự do. Ông Chu Ân Lai nói:
- Nước Campuchia không phải là Trung Quốc. Trung Quốc là một nước cộng sản. Campuchia vẫn là một nước trung lập.
Chính phủ Trung Quốc đã luôn luôn tôn trọng tính độc lập trong suy nghĩ và hành động của tôi, chủ nghĩa bảo hoàng, chủ nghĩa dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo và phẩm tước của tôi. Trung Quốc đã giúp tôi một khoản viện trợ tài chính lớn, nhưng do tôn trọng tôi nên đã coi đây là một khoản cho vay dài hạn, ba mươi năm sau khi hoàn toàn chiến thắng mới phải thanh toán. Trong khi đó, đại sứ Pháp ở Bắc Kinh chuyển cho tôi một thông điệp của chính phủ Pháp, cho biết nếu tôi rút lui sang Pháp thì chính phủ Pháp sẽ dành cho tôi một toà biệt thự, một xe ô tô và một người lái hoàn toàn do tôi tuỳ ý sử dụng. Tôi cám ơn và nói:
- Chính phủ Trung Quốc cũng vừa mới cung cấp cho tôi những thứ đó và đó mới chỉ là sơ bộ bước đầu. Bước tiếp theo chính là sự ủng hộ hoàn toàn sự nghiệp đấu tranh của chúng tôi. Tôi đã nhận sự viện trợ kép này của Trung Quốc và xin từ chối sự giúp đỡ chỉ đơn độc có một khoản của Pháp.
Sau khi đại sứ Pháp cáo từ, tôi bất giác nhớ lại một câu chuyện đã xảy ra tại Pháp, lúc tôi đang điều trị và dưỡng bệnh trên đất nước này. Một hôm, tướng Nhiek Tiêu Long là người đã từng nhiều lần giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia mời tôi đi ăn hiệu. Khi chúng tôi vừa ngồi vào bàn ăn, chợt nghe thấy một người Pháp ngồi ở bàn gần đó nói với bạn:
- Này, nhìn kìa, Bảo Đại đấy? Hắn ta mới béo tốt đẫy đà làm sao, cứ như một ông quan cai trị Thổ Nhĩ Kỳ. Chính chúng mình phải đóng thuế để nuôi béo hắn đấy!
Họ đã nhầm tôi với Bảo Đại. Nhưng đó cũng là những lời cảnh cáo nếu tôi nhận sự “giúp đỡ” của Pháp, sang nương nhờ trên đất Pháp. Còn ở Bắc Kinh, khi tôi đi dạo trên đường phổ, mọi người đều nhận ra tôi ngay và nhiều người đã nói với tôi: “Ngài đang cống hiến lớn lao cho đất nước. Ngài đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam anh hùng và bây giờ nhân dân Campuchia cũng đang kháng chiến dưới sự lãnh đạo của ngài”. Tôi thích nghe những lời đó hơn được tưởng nhầm là Bảo Đại trong số những người giàu có đang nghỉ mát ở vùng bờ biển miền Nam nước Pháp.
Trong số các nhà ngoại giao đến chào khi tôi tới Bắc Kinh có cả đại sứ Campuchia là May Valentin. Khi tôi bảo ông ta gửi đến văn phòng của tôi vừa mới thiết lập ở Bắc Kinh một số đồ dùng cần thiết như máy chữ, máy sao chụp nhân bản, ông ta đã làm nhưng vài hôm sau lại cho người đến lấy mang đi. Đồng thời ông ta còn báo tin vừa mới nhận được một bức điện quan trọng của Lon Nol đòi tôi phải ngừng ngay các hoạt động và chấm dứt không được tiếp tục ra các thông cáo. Tôi lập tức triệu tập cộng đồng người Campuchia chung quanh tôi, đọc cho họ nghe bức điện của Lon Nol trước sự có mặt của viên đại sứ. Sau khi đọc xong Valentin hỏi tôi:
- Ngài định trả lời Lon Nol như thế nào ạ?
Tôi đáp: “Như thế này này?”. Nói xong, tôi xé nát bức điện, ngay trước mặt viên đại sứ. Valentin cúi nhặt những mẩu giấy vụn rồi bước ra khỏi phòng. Nhưng liền sau đó, hắn tịch thu luôn hai hòm quà mà tôi thường vẫn dùng làm tặng phẩm trong những chuyến đi thăm chính thức.
Từ ngày 5 đến ngày 7-4-1970, Thủ tướng Chu Ân Lai thăm chính thức Triều Tiên.
Trong các bài diễn văn cũng như trong bản Tuyên bố chung, Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch, Nguyên soái Kim Nhật Thành đều bầy tỏ sự ủng hộ hoàn toàn Mật trận dân tộc thống nhất Campuchia, gọi tắt là FUNC (được thành lập ngay sau khi tôi ra lời kêu gọi kháng chiến) và người đứng đầu là tôi.
Một tháng sau, Chính phủ đoàn kết dân tộc Vương quốc Campuchia được thành lập tại Bắc Kinh, trong đó có ba Bộ chính là Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin đặt trụ sở ngay trong vùng giải phóng trên đất Campuchia. Lập tức, chính phủ này được ngay hai mươi nước công nhận nhưng Liên Xô và phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đều chưa bầy tỏ thái độ dứt khoát, kể cả Anbani, Rumani, Nam Tư. Người ta chê trách tôi là quá phụ thuộc vào Trung Quốc, bởi vì một nửa số Bộ của chính phủ đều đặt trụ sở trên đất Trung Quốc. Nhưng trên thực tế lại có một nửa số Bộ được cắm rễ ngay trên lãnh thổ Campuchia. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là chỉ ở lại thăm Bắc Kinh một thời gian ngắn để đảm bảo có được sự viện trợ cụ thể của Trung Quốc trên văn bản rồi sẽ lại đi Matxcơva. Tôi rất khâm phục thái độ của Việt Nam lúc đó đã giữ được cán cân thăng bằng trong các quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô, đặt Trung Quốc trên một đĩa cân và Liên Xô trên một đĩa cân khác. Đối với Campuchia chúng tôi trong lúc này bàn cân hãy còn nghiêng về một phía. Trung Quốc không phản đối việc Liên Xô ủng hộ sự nghiệp của chúng tôi, và điều đó có thể còn dẫn đến đôi chút cải thiện trong quan hê Xô-Trung. Nhưng chúng tôi còn có thể làm gì được nữa? Chúng tôi rất hài lòng vì Trung Quốc tôn trọng chủ quyền dân tộc và độc lập tư tưởng của tôi, nhưng chúng tôi càng vui hơn nếu cả hai nước lớn nhất trong phe xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc cùng sát cánh với chúng tôi. Có hai nước này là chúng tôi có được tất cả các nước khác.
Thủ tướng Kossyghin đã nhấn mạnh rất nhiều đến việc tôi cần ngăn cản bọn Lon Nol và Sirik Matak thọc dao găm vào lưng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên thực tế, chúng tôi đã cố làm hết sức mình để tiến công phá vỡ sự liên minh giữa Lon Nol, Sirik Matak với các lực lượng Sài Gòn và lực lượng không quân Mỹ từ lúc chúng tôi chưa có được một sự viện trợ nào từ bên ngoài.
Liên Xô còn đòi hỏi gì ở chúng tôi hơn nữa? Cho tới lúc này Liên Xô vẫn duy trì sứ quán của họ ở Phnompenh, duy trì những quan hệ ngoại giao với cái chế độ phản bội. Họ còn gửi những trang bị y tế để những binh lính Lon Nol bị chúng tôi loại khỏi vòng chiến có thể chữa trị. Tháng 10-1971, Liên Xô còn gia hạn hiệp định thương mại với cái chế độ mà chính Thủ tướng Kossyghin đã nói với tôi là không bao giờ “tha thứ” cho chúng. Bây giờ, chúng tôi đang đứng hẳn về phía Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Các lực lượng vũ trang của chúng tôi và của Mặt trận đang chiến đấu bên cạnh nhau.
Trong công hàm ngày 15-1-1971 gửi ông Kossyghin, tôi đã nhắc ông về lời cảnh cáo của chính phủ Liên Xô đối với chế độ Lon Nol ngày 24-5-1970, tức hai tháng sau khi xảy ra đảo chính, trong đó Liên Xô đòi Campuchia phải quay trở lại con đường “hoà bình, trung lập phải từ bỏ việc gia nhập các thế lực xâm lược và trở thành một bàn đạp chiến tranh uy hiếp các nước láng giềng”. Trong công hàm này, tôi đã chứng minh Lon Nol đang thực tế đi ngược lại những lời khuyên của chính phủ Xô-viết, vẫn “thọc dao găm vào lưng” nhân dân Việt Nam đang chiến đấu chống đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn hơn. Cũng trong công hàm này tôi đề nghị Liên Xô “cắt đứt ngay mọi quan hệ ngoại giao với các chế độ Cộng hoà phản Hiến pháp, phản dân tộc, phản nhân dân, thân đế quốc và phát xít”. Tôi yêu cầu chính phủ Liên Xô “chính thức công nhận Chính phủ đoàn kết dân tộc Vương quốc Campuchia”. Tôi còn nhấn mạnh để Liên Xô gây áp lực với chính phủ Mỹ, đòi Mỹ chấm dứt can thiệp vũ trang của Mỹ và chính quyền Sài Gòn vào Campuchia; đề nghị Liên Xô viện trợ quân sự cho các lực lượng vũ trang nhân dân Campuchia, đừng chờ đến ngày chúng tôi toàn thắng mới công nhận Chính phủ của chúng tôi.
Tôi đánh giá cao thái độ của ông Raun Roa, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba trong khi tiếp đại sứ Campuchia tại Cuba sau khi xảy ra đảo chính ở Phnompenh. Ông Raun Roa hỏi viên đại sứ:
- Thế nào, ông sẽ chiến đấu bên cạnh Hoàng thân Sihanouk chứ?
- Không. Ông ta bị đuổi đi rồi. Bây giờ, tất cả mọi người đều chống Sihanouk.
- Thế thì anh đi ra khỏi phòng tôi ngay? Anh đừng làm ô uế nơi này nữa. Tôi cho anh hai mươi bốn giờ để rời khỏi La Habana. Anh không phải chỉ là một tên đã phản bội Sihanouk, mà còn là một điều sỉ nhục đối với nhân dân Campuchia. Không! Tôi không thèm bắt tay anh. Tôi rất buồn vì đã trót bắt tay anh khi anh mới bước vào đây.
Các quan chức Xô-viết ở Bình Nhưỡng biện bạch với Bộ Ngoại giao Triều Tiên rằng sẽ là sai lầm nếu họ rút các nhân viên ngoại giao ra khỏi Phnompenh vì một khi đã rút về thì khó quay trở lại. Chuyện này đến tai Chủ tịch Kim Nhật Thành ông nói: “Thà rút ra khỏi nước Campuchia không có Sihanouk, còn hơn là ở lại đó với Lon Nol”.
Cuộc đảo chính ở Campuchia đã được tổ chức như thế nào? Những yếu tố chủ yếu của cuộc đảo chính này là gì? Câu trả lời đúng đắn và đầy đủ sẽ là một bài học quan trọng sống còn, không chỉ đối với riêng Campuchia, mà còn là lời cảnh báo đối với tất cả những nhà lãnh đạo đang bảo vệ chủ quyền đất nước và phẩm giá dân tộc chống những kẻ thù bên trong và bên ngoài. Tôi xin cố gắng giải đáp như sau:
Đầu tháng 9-1969, tôi đáp máy bay đi Hà Nội dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng và là lãnh tụ kính yêu đấu tranh cho độc lập của Việt Nam.
Từ lâu, tôi đã rất ngưỡng mộ “Bác” Hồ.
Người không chỉ thuộc về Việt Nam, mà là cả Đông Dương, cả châu Á và có thể là cả thế giới, bởi vì Người luôn luôn bảo vệ những quyền lợi của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa cũng như quyền lợi của những người da đen ở Mỹ. Đối với riêng tôi, Người cũng là “đồng chí”. Người đã gửi cho tôi những bức thư trìu mến và tôi cũng đã luôn ước mong được gặp Người, nhất là trong những năm gần đây tôi thường đề nghị có cơ hội đi thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội.
Nhưng các bạn Việt Nam nói, Mỹ đang ném bom miền Bắc Việt Nam, một chuyến đi thăm như vậy là rất nguy hiểm đối với tôi. Tôi đáp lại: “Thì đây chính là dịp để tôi biểu thị tình đoàn kết với Việt Nam”. Các bạn Việt Nam vẫn khẳng định: “Ngài là Quốc trưởng Campuchia và cũng là người bạn lớn của Việt Nam. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước nhân dân nước Ngài, nếu xảy ra rủi ro đối với Ngài vì những trận nêm bom của Mỹ”. Và thế là mãi mãi tôi không bao giờ được gặp Chủ tịch Hồ nữa.
Lúc máy bay cất cánh tôi nghĩ thật là đau đớn và mỉa mai xiết bao, chuyến đi thăm đầu tiên của tôi tới nước Việt Nam dân chủ cộng hoà lại là để dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau này tôi mới được biết, lúc máy bay vừa mới cất cánh thì Sirik Matak đã vội triệu tập đồng bọn, trong đó có Lon Nol ở ngay tại sân bay, nhận định đây là thời cơ tốt nhất để truất phế tôi. Sirik Matak nói giữa lúc Việt Cộng và Việt Minh đang chiếm đóng trái phép lãnh thổ Campuchia thế mà “tên phản quốc Sihanouk” lại đi Hà Nội dự lễ tang “quan thầy” và còn chỉ thị làm lễ cầu siêu cho “ông chủ của hắn” ở Phnompenh thì đúng là cơ hội may mắn vô cùng để làm đảo chính truất phế Sihanouk. Sirik Matak nói, nếu tiến hành đảo chính ngay trong lúc này thì tôi sẽ không dám quay về nước nữa.
Tuy nhiên, Lon Nol lại chưa sẵn sàng hành động. Vợ Lon Nol vừa mới chết, Lon Nol đang phải lo việc chôn cất. Vốn là một kẻ cực kỳ mê tín dị đoan, Lon Nol nghĩ khởi sự giữa lúc đang có tang thì sẽ xúi quẩy. Sau này, tôi còn được những nguồn tin từ Mỹ cho biết, từ một tháng trước CIA đã thông báo cho bọn tay chân Lon Nol biết, CIA sẵn sàng ủng hộ một cuộc đảo chính lật đổ tôi. Lúc tôi bay đi Hà Nội, CIA đã nhắc lại với Lon Nol lời cam kết ủng hộ này, chỉ cần Lon Nol và Sirik Matak ấn định các chi tiết hành động và thời gian cụ thể trong kế hoạch đảo chính có cả hành động ám sát tôi nếu tôi có mặt ở Campuchia.
Thêm một chứng cứ nữa. Ngày 12-1-1971 tờ Thời đại của Australia đăng bài của giáo sư Australia Mintơn Ôxbơn, chuyên gia về các vấn đề châu Á thuật lại cuộc tiếp xúc giữa ông với Sơn Thái Nguyên là em trai Sơn Ngọc Thành  trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương hồi chiến tranh thế giới thứ hai, Sơn Ngọc Thành đã từng làm bù nhìn cho Nhật Bản, sau đó lại cầm đầu nhóm phản động Khơme Xơrây do CIA nuôi dưỡng. Sơn Thái Nguyên đã nói với giáo sư Mintơn Ôxbơn là anh trai hắn “dù sống lưu vong nhiều năm tại nước ngoài vẫn nung nấu ý đồ hạ bệ Sihanouk” và “Lon Nol đã có nhiều cuộc tiếp xúc bí mật với Sơn Ngọc Thành hồi tháng 9-1969”, trong những cuộc tiếp xúc này, đã “thảo luận về việc lật đổ Sihanouk”. Tuy nhiên, cho tới lúc đó Lon Nol vẫn chưa sẵn sàng hành động vì sau khi chôn cất vợ Lon Nol lại phải đi Pháp điều trị vết thương xảy ra do đụng độ xe hơi với tướng Nhiek Tiêu Long, một đối thủ của Lon Nol tại Campuchia.
Lon Nol đã chọn một bệnh viện tư của Mỹ ở tỉnh Nơi-y trên sông Xen gần thủ đô Paris của Pháp để chữa trị, một sự trùng hợp rất kỳ lạ là, sau khi Lon Nol vừa mới nhập viện, cũng có một số người Mỹ nữa đến điều trị, nhưng trong số họ không ai bị thương hoặc bị bệnh cả, mà lộ rõ mặt là những chuyên gia về đảo chính của CIA. Chính các sinh viên Campuchia ở Pháp đã phát hiện ra điều này. Hồi đó, trong cộng đồng người Campuchia ở Pháp người ta công khai bàn tán với nhau là ai muốn kiếm tiền một cách dễ dàng nhất thì hãy đến bệnh viện thăm Thủ tướng Lon Nol miễn là chịu khó nghe những lời Thủ tướng nói. Đại sứ Kinh Konf là sĩ quan tuỳ tùng của Lon Nol đã trao cho mỗi người đến thăm và nghe Thủ tướng chỉ thị một số tiền là 500 phăng, đồng thời còn căn dặn họ trong tương lai cần vâng lời và biết ơn Thủ tướng Lon Nol vì ngài sẽ còn hào phóng hơn nữa.
Từ đại bản doanh nguỵ trang dưới vỏ bọc bệnh viện, hằng ngày Lon Nol gọi điện về Campuchia cho Sirik Matak và đồng bọn trao đổi ý kiến về âm mưu tiến hành đảo chính. Trên tờ Người bảo vệ xuất bản ở Anh, trong các số ra ngày 14, 18-8 và 18-9-1971, nhà báo T. D. Ônman đã thuật lại những cuộc hỏi chuyện Sơn Ngọc Thành và một số đồng bọn, cho biết “cuộc đảo chính đã được chuẩn bị từ lâu” và “Lon Nol đã điều khiển chính phủ bằng điện thoại từ Paris, trong đó có cả những chỉ thị xúc tiến kế hoạch đảo chính”. Rất rõ ràng, những huấn thị lật đổ tôi đã được phát đi từ một bệnh viện Mỹ ở bên Pháp dưới sự điều khiển của Lon Nol và quan thầy CIA.
Trong những tháng trước khi Lon Nol đi Paris lại xảy ra một sự kiện nữa rất đáng chú ý. Đó là, một số lính Khơme Xơrây đặt căn cứ tại Thái Lan đã “đào ngũ”. Như tôi đã viết ở phần trên, CIA đã tuyển mộ, huấn luyện. trang bị, nuôi dưỡng đám binh lính phản động này. Việc chúng “đào ngũ” chỉ có nghĩa là chúng theo lệnh của CIA giả vờ rời bỏ hàng ngũ Khơme Xơrây, về “đầu hàng” các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia để làm nội ứng cho âm mưu phản loạn sau này. Đại tá Lon Nol là em trai Thủ tướng Lon Nol lúc đó giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng đã cho phép những tên lính “đào ngũ” này được tập hợp lại trong tỉnh Battambang tiếp giáp với Thái Lan và còn kết nạp cả một số tên vào những đơn vị quân đội đóng tại thủ đô Phnompenh cũng như trong lực lượng quân cảnh Campuchia.
Thời kỳ đó, tôi đã chỉ thị trích trong Quỹ cứu tế Quốc gia một triệu đồng Riên (theo thời giá, một đô la Mỹ đổi được 35 Riên Campuchia) nhằm trợ cấp cho đám lính Khơme Xơrây đào ngũ hàng loạt trở về quê quán làm ăn, đồng thời cũng nhằm khuyến khích những tên khác tiếp tục đào ngũ trở về quê hương sinh sống bình thường. Điều kỳ lạ ]à bọn chúng đã trả lại tiền và nói rằng chúng trở về nước vì yêu nước chứ không phải vì tiền. Vậy mà ngoài khẩu súng ra thì chúng chỉ có hai bàn tay trắng. Sau này tôi mới rõ số tiền thưởng cho chúng chẳng thấm gì so với số tiền chúng được CIA trả thù lao. Tuy không có tiền trợ cấp của chính phủ Hoàng gia Campuchia chúng vẫn có tiền ăn tiêu thoải mái, bởi vì chúng là lính đánh thuê cho ông chủ giầu có hơn tôi rất nhiêu. Chúng từ chối tiền thưởng tôi để dễ khiến tôi mắc lừa lòng yêu nước của chúng.
Lại thêm một chuyện đáng suy nghĩ nữa: Trong một buổi đến thăm Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhân vật rất thông minh, nhạy cảm, một người tôi đánh giá cao về chủ nghĩa yêu nước và lòng nhân hậu, cho tôi biết một chuyện làm tôi rất ngạc nhiên. Vào thời kỳ này, Trung Quốc thường mua gạo của chúng tôi bằng đồng đô-la rồi từ Campuchia gạo được chuyển luôn sang miền Nam Việt Nam viện trợ cho Mặt trận dân tộc giải phóng. Số gạo này được vận chuyển bằng xe tải của Quân đội Campuchia tới khu vực biên giới để trao cho Mặt trận dân tộc giải phóng. Trung Quốc đã ứng trước cho Lon Nol một số tiền rất hậu hĩnh để gạo được chuyển tới tay Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong nửa cuối năm 1969.
Nhưng theo ông Phạm Văn Đồng thì Mặt trận dân tộc giải phóng chưa nhận được gì, kể cả gạo lẫn thuốc men là thứ rất cần. Tôi hứa sẽ trực tiếp giải quyết việc này. Trước đó nhiều năm việc mua bán chuyển vận như thế này vẫn được tiến hành chu đáo thế mà nay lại trục trặc. Đó là điều tôi rất khó hiểu. Các bạn Việt Nam ở miền Nam cũng rất ngạc nhiên không nhận được hàng đưa tới. Từ tháng 5-1969, cơ quan đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được nâng lên cáp sứ quán. Campuchia là một trong những nước đầu tiên đã chính thức công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam từ tháng 6-1969 ngay sau khi chính phủ này thành lập.
Sau đó ít lâu chúng tôi cũng đã đón tiếp ông Huỳnh Tấn Phát, Thủ tướng Chính phủ cách mạng miền Nam Việt Nam sang thăm chính thức Campuchia và nhân dịp này hai bên đã ký một Hiệp định thương mại. Thế mà bây giờ Campuchia lại có vẻ như lừa bịp bạn hàng của mình.
Lon Nol bắt đầu giữ chức Thủ tướng từ tháng 6-1969 và ngay từ khi nhậm chức đã đặt điều kiện phải cho hắn có toàn quyền điều hành chính phủ. Sau khi hỏi lại chính phủ về việc chuyển gạo cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tôi chỉ nhận được những câu trả lời rất mơ hồ. Sau khi dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi trở về nước thì Lon Nol lại được cử đi dự lễ kỷ niệm hai mươi năm thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thay tôi vì vào thời điểm này Công chúa Margaret của nước Anh đang ở thăm Campuchia. Lúc này Lon Nol chưa lộ mặt phản bội, vẫn được tiếp đón trọng thể, được ngồi trên lễ đài Thiên An Môn bên cạnh Chủ tịch Mao Trạch Đông trong buổi diễu binh ngày 1-10-1969.
Ông Phạm Văn Đổng lúc đó cũng có mặt ở Bắc Kinh đã nêu vấn đề với ông Chu Ân Lai là Mặt trận dân tộc giải phóng không nhận được gạo và thuốc men của Trung Quốc qua đường Campuchia nhưng Lon Nol không chịu cam kết sẽ chuyển giao số hàng nói trên. Được biết chuyện này, tôi đã chỉ thị cho Lon Nol phải giao ngay hàng tới Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nếu thất thoát phải bồi thường. Nhưng, cho tới khi đi Pháp chữa bệnh, Lon Nol vẫn không thực hiện.
Trong thời gian Lon Nol vắng mặt, Sirik Matak là người được Lon Nol chọn làm Phó Thủ tướng đảm nhiệm chức vụ Quyền Thủ tướng. Lợi dụng chức quyền này Sirik Matak đã gửi một thông tri tới các Bộ, các Vụ, qui định tất cả các báo cáo đều phải gửi tới Quyền Thủ tướng, không được trực tiếp gửi lên Quốc trưởng, người nào không tuân theo qui tắc sẽ bị “trừng phạt nặng”. Rõ ràng, cả Lon Nol lẫn Sirik Matak sau khi được CIA hứa hẹn ủng hộ đã ngày càng tỏ ra lộng hành, giải quyết mọi việc theo kiểu “chuyện đã rồi” không chịu báo cáo trước với tôi.
Nội các do Lon Nol và Sirik Matak thành lập tháng 8-1969 cũng thay đổi rất nhiều, gồm toàn thành phần đại diện cho giới tư sản mại bản, địa chủ và những thế lực có quan hệ với nước ngoài. Ngay sau khi tổ chức xong chính phủ, Lon Nol tuyên bố ngừng quốc hữu hoá. Vì vậy, từ ngày 25-11-1969 Bộ trưởng Kinh tế Ốp Kim Ang và Bộ trưởng Thương mại Prôm Tho đã chuyển giao lại việc xuất - nhập cảng từ Nhà nước quản lý cho tư nhân, việc sản xuất thuốc chữa bệnh và nhiều mặt hàng quan trọng do Nhà nước giữ độc quyền cũng chuyển cho các chủ ngân hàng tư nhân trong và ngoài nước. Sau này tôi mới được biết Sirik Matak đã làm việc này để tạo điều kiện thuận lợi tiến công tôi. Theo nhà báo Ônman trong những bài viết về Campuchia thì “Nhóm chống Sihanouk chuẩn bị cơ hội chờ đến tháng 12-1969 khi Quốc hội họp tại Phnompenh sẽ gạt bỏ Sihanouk. Nhiều nguồn tin cho biết Lon Nol đã huy động bốn ngàn quân và cảnh sát tay chân của hắn tới Phnompenh gây sức ép. Rất có thể, Sihanouk cảm thấy ít được ủng hộ sẽ phải để mặc cho Quốc hội bỏ phiếu tán thành chính sách kinh tế của Sirik Matak hơn là giải tán chính phủ để tổ chức bầu Quốc hội mới”. Phần cuối này do Ônman dự báo đã không xảy ra vì Lon Nol đang còn phải điều trị tại Pháp.
Trong thời gian Quốc hội họp, những phần tử cực đoan của Khơme Xơrây, còn gọi là “Khơme Xanh” đã lọt được vào doanh trại Phnompenh do đại tá Lon Nol (em trai Thủ tướng Lon Nol chỉ huy), chính lực lượng an ninh của tôi đã báo cho tôi biết việc này. Trong khi đó Khmer Đỏ cũng huy động lực lượng quần chúng trong Quốc hội bảo vệ chính sách kinh tế do tôi đã đề ra và chính sách này đã được đa số nghị sĩ ủng hộ. Trong phiên bỏ phiếu nhất định số đông sẽ chống lại chính sách kinh tế của Sirik Matak. Chính vì sợ bị lộ mặt nên phái Khơme Xơrây đã phải ngả theo đa số. Thế là chính sách kinh tế của Sirik Matak đã bị Quốc hội bác bỏ. Báo chí hồi đó đã viết nhiều về kỳ họp này của Quốc hội Campuchia. Đó cũng là kỳ họp cuối cùng thể hiện được tinh thần công khai dân chủ đề ra từ ngày Campuchia giành được độc lập, đồng thời cũng mở đầu cho thời kỳ Sirik Matak tiến công huỷ bỏ cách thức bỏ phiếu có tính dân chủ này.
Sau khi Quốc hội bế mạc vài ngày, tôi vào bệnh viện Phnompenh điều trị rồi đến ngày 7-1-1970 lại cùng với vợ tôi và một số tuỳ tùng trong đó có Xamđec Pen Nouth đi Pháp chữa trị tiếp tại bệnh viện đa khoa của bác sĩ Pháp Pa tê, là nơi cứ hai năm một lần tôi lại tới. Tôi cần phải đến đây để theo một thời gian biểu điều trị, đồng thời cũng để hoàn toàn nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Tôi nghĩ thời gian này cũng để Sirik Matak nghiền ngẫm rút ra bài học về sự thất bại trong mưu toan thay đổi chính sách kinh tế do tôi đề ra. Tôi cũng có ý định sau khi điều trị xong sẽ đi thăm Paris, Matxcơva, Bắc Kinh để xin viện trợ kinh tế, tài chính và quân sự rồi quay về nước trên cơ sở sung sức, sẵn sàng đóng góp thêm một nỗ lực mới nhằm lập lại trật tự trong nền kinh tế bằng nội lực cộng với sự giúp đỡ của các nước bạn. Tôi hoàn toàn tin chắc rằng chỉ vài tháng nữa Sirik Matak sẽ hoàn toàn lộ mặt trong việc gây tác hại bởi các hoạt động tài chính đen tối và nhân dân Campuchia sẽ vui mừng quay trở lại đường lối kinh tế cũ đã thực hiện nhiều năm từ ngày độc lập.
Tôi tuyệt đối không biết gì về âm mưu bí mật đã nhen nhóm và đang tiếp tục hình thành trong bệnh viện Mỹ ở Nơi-y, nơi Lon Nol điều trị cũng như cuộc tiếp xúc giữa Sơn Ngọc Thành và Lon Nol tại Phnompenh trong thời gian tôi đi Hà Nội hồi tháng 9-1969. Bộ trưởng An ninh của tôi lúc đó là đại tá Xôxten Phécnanđê có biết về âm mưu lật đổ tôi nhưng lúc đó đã không báo cáo cho tôi biết. Về vấn đề này, nhà báo Ônman sau đó mới tiết lộ rằng ông ta đã được “nhiều nhân vật chức vụ cao ở Phnompenh cho biết, từ sáu tháng trước khi xảy ra vụ đảo chính (ngày 18-3-1970) Lon Nol, Sirik Matak và nhiều quan chức cấp cao trong Bộ Tổng tham mưu và trong Quốc hội âm mưu lật đổ Sihanouk bằng vũ lực và nếu cần sẽ ám sát cả Sihanouk”.
Ngày 18-2-1970, Lon Nol trở về nước với bản dự thảo kế hoạch hành động được thực hiện đúng một tháng sau. Ngay khi về tới Phnompenh, Lon Nol tiến hành một chuyến đi thị sát tất cả các doanh trại khu vực biên giới, tới đâu cũng hô hào các binh sĩ chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đụng đầu lớn với “kẻ thù truyền kiếp là Việt Nam”. Hành động của hắn không chỉ dừng lại đây. Ônman tiết lộ thêm: “Giai đoạn cuối cùng trong việc chuẩn bị lật đổ Sihanouk là một loạt cuộc họp bí mật giữa một số nhân vật cấp cao tại Phnompenh trong những tháng đầu năm 1970, một số cuộc họp được tổ chức trong nhà riêng của Lon Nol và Sirik Matak, một số nữa được tiến hành trên xe ô tô để tránh bị cảnh sát mật của Sihanouk theo dõi”. Sau này tôi được báo cáo chính Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Campuchia là Chan Xô khum đã được Lon Nol và Sirik Matak chỉ thị phải tổ chức những cuộc biểu tình chống Việt Nam trong tỉnh Vây Riêng “là nơi có cộng sản thâm nhập” và sau đó, ở cả thủ đô Phnompenh. Chan Xôkhum đã cho in trước những truyền đơn và áp phích để chuẩn bị sẵn cho những cuộc biểu tình mà sau đó được gọi là biểu tình “bột phát”. Theo lệnh của Chan Xôkhum, ngày 9-3-1970 bắt đầu có những cuộc biểu tình nhỏ, gồm chủ yếu là một số ít giáo viên và học sinh trong tỉnh lỵ Vây Riêng và khoảng năm hoặc sáu thị trấn nữa trong vùng Mỏ Vẹt cũng thuộc tỉnh Vây Riêng. Đó là những cuộc tập dượt để chuẩn bị cho cuộc biểu tình “gây ấn tượng” dự định tổ chức tại Phnompenh ngày 11-3-1970.
Bọn chúng đã lừa bịp các sinh viên trung thành với tôi, nói rằng những cuộc biểu tình này nhằm mục đích “tăng cường uy thế của Quốc trưởng Sihanouk” trong những cuộc đàm phán sắp tới ở Matxcơva và Bắc Kinh. Lon Nol lúc này đã trực tiếp nắm Bộ Thông tin, kiểm soát báo chí và đài phát thanh, soạn thảo sẵn những bài tường thuật coi những cuộc biểu mình này là “sự bùng nổ niềm căm phân của dân chúng”.
Chính thượng nghị sĩ Mỹ Maicơ Menphin, người bạn tốt của Campuchia đã cho lưu trữ những bài báo của Ônman trong tập hồ sơ lưu trữ của Quốc hội Mỹ và đã có nhận định như sau: “Tiếp theo những cuộc biểu tình nhỏ ở Vây Riêng ngày 8-3-1970, những người chủ mưu còn chỉ thị tổ chúc những cuộc biểu tình lớn hơn ở Phnompenh. Chính phủ (do Lon Nol đứng đầu) đã đẩy các sinh viên đi biểu tình và các sĩ quan trong Hội Liên hiệp thanh niên do chính phủ lập ra đã dùng loa phóng thanh lôi kéo các sinh viên tới tụ tập trước cổng các sứ quán cộng sán. Việc đập phá các sứ quán là do Bộ Tổng tham mưu Campuchia tổ chức, được thực hiện bởi các sĩ quan và cảnh sát của Lon Nol, mặc thường phục, tiến hành”.
Cũng cần nói thêm, trong những đội ngũ biểu tình này không chỉ có quân đội và cảnh sát mà còn có cả những lính biệt kích do CIA tuyển mộ trong số các dân tộc ít người của Campuchia rồi đưa về
Phnompenh khoảng một tháng trước khi xảy ra đảo chính. Ônman tiếp tục viết: “Những cuộc biểu tình ngày 11-3-1970 chỉ là phần đầu trong kế hoạch lật đổ Sihanouk. Những người trong cuộc cho biết trong chương trình hành động có hai cuộc biểu tình. Cuộc biểu tình ngày 11-3 nhằm tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị. Cuộc biểu tình tiếp theo vào ngày 16 tạo cớ để truất phế Sihanouk. Tuy nhiên những cuộc biểu tình chống Sihanouk tiến hành trong ngày 16-3-1970 đã gặp thất bại vì bị những người trung thành với Sihanouk bao vây phản đối ngay trước trụ sở Quốc hội. Cảnh sát Phnompenh lúc đó hãy còn trung thành với Sihanouk đã bắt giữ khoảng hai mươi tên khiêu khích giữa lúc chúng đang rải truyền đơn chống Sihanouk trên đoạn đường tiến về phía trụ sở Quốc hội. Trong khi đó những phần tử chống Sihanouk đang tập hợp trong Quốc hội, trong đó có In Tam lúc đó đang giữ chức Bộ trưởng Nội vụ nóng lòng chờ đoàn biểu tình kéo đến tạo sức ép sẽ thúc đẩy Quốc hội tuyên bố “truất phế Sihanouk”.
Có thể nói rằng, tình cảm chân thật của nhân dân Campuchia đối với tôi lúc đó đã làm thất bại mưu toan của bọn chống đối định lật đổ tôi ngay trong ngày 16-3. Lực lượng đông đảo những người ủng hộ tôi đã làm khiếp sợ bọn âm mưu đảo chính. Tại tỉnh Compuông Chàm, hai tên phản động đang diễn thuyết hô hào lật đổ tôi đã bị nhân dân đánh chết. Một tên em trai của Lon Nol cũng bị giết chết trong thời điểm đó. Chính vì vậy cho nên, trong ngày 16-3 đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống đối lẫn nhau giữa những người trung thành với tôi và những kẻ đi theo bọn đảo chính, gây hoang mang trong các nghị sĩ đang họp tại toà nhà Quốc hội. Có những người đã ngả theo bọn Lon Nol - Sirik Matak nhưng lại khiếp hãi trước sự phẫn nộ của nhân dân, có những người không muốn theo bọn Lon Nol - Sirik Matak nhưng lại tiếc số đô-la tiền thưởng. Suốt ngày hôm đó đã diễn ra cảnh hỗn độn giữa nhiều khuynh hướng khiến cho bọn chủ mưu không thực hiện được đòn quyết định như đã dự tính.
Tối 16-3 lại có một cuộc họp nữa tại nhà riêng của Sirik Matak. Nhiều tên phát biểu: “Chúng ta đã đi quá xa rồi, không thể lùi lại được nữa”. Lon Nol quyết định sử dụng lực lượng quân đội trong tay hắn để bắt giữ Ban chỉ huy lực lượng an ninh ở Phnompenh vẫn còn trung thành với tôi. Nguồn tin này được cấp tốc báo cáo với thiếu tá Bua Ho cảnh sát trưởng Phnompenh. Bua Ho báo cáo lại với đại tá Um Manorin và cùng đi tới kết luận là dùng các lực lượng trung thành bắt giữ Lon Nol, Sirik Matak ngay trước khi chúng khởi sự.
Nhưng đã quá muộn. Ngay trong đêm hôm đó, đại tá Manorin bị bao vây quản thúc ngay tại nhà riêng. Trước đó, Lon Nol cũng đã được Sơn Ngọc Thành hứa sẽ huy động lực lượng vũ trang Khơme Xơrây và những đơn vị lính biệt kích người miền núi do CIA huấn luyện cùng với lực lượng quân đội chế độ Sài Gòn hỗ trợ khi cần thiết. Đó là những yếu tố thúc đẩy Lon Nol hành động gấp.
Từ đêm 16 đến hết ngày 17-3 Lon Nol sử dụng quân đội để bắt giữ không phải chỉ có đại tá Manorin, thiếu tá Bua Ho mà cả đại tá Hua Truôc đang giữ chức tỉnh trưởng Kirirom một tỉnh miền núi có ý nghĩa chiến lược của Campuchia; đại tá Trau Xamrach, Tư lệnh binh chủng lính dù; và khoảng mười lăm nhân vật quan trọng khác trong đó có tỉnh trưởng Kandal, một tỉnh sát gần Phnompenh. Tư lệnh binh chủng thông tin đã bị giết vì không chịu để chúng bắt giữ.
Sau khi nghe tin xảy ra những vụ đập phá các sứ quán Việt Nam ở Phnompenh, tôi đã quyết định bay ngay về nước trong ngày 18-3.
Nhưng hôm đó Lon Nol tuyên bố đóng cửa sân bay, đồng thời còn thiết lập các lớp rào kẽm gai suốt dọc đường từ sân bay về trung tâm thủ đô. Trong nội đô tại các ngã tư đường phố đều bố trí các ổ súng máy. Xe tăng và xe bọc thép tuần tiễu trên các ngả đường. Với lực lượng và kiểu cách bố trí này, Lon Nol cố tình cản trở những người dân Phnompenh biểu tình phản đối chúng như đã từng làm trong ngày 16-3, đồng thời cũng để uy hiếp số nghị sĩ dè dặt trong Quốc hội. Nhà báo Ônman ghi nhận: “Chỉ sau khi quân đội của Lon Nol đã bắt giữ chính quyền dân sự ở Phnompenh và bố trí xe tăng bao vây toà nhà Quốc hội, lúc đó cuộc bỏ phiếu truất phế Sihanouk mới tiến hành”. Dưới sự đạo diễn của Sirik Matak và trước sự uy hiếp của Lon Nol, Quốc hội đã bắt đầu bằng việc bỏ phiếu bãi bỏ Hiến pháp cũ để “mở ra một kỷ nguyên mới của nền cộng hoà tự do dân chủ nhưng lại tán thành một chế độ độc tài quân sự và cuối cùng mới truất phế tôi bằng một cuộc “bỏ phiếu kín”, những người ký vào lá phiếu “đồng ý” hay “không đồng ý” truất phế tôi đều phải viết phiếu dưới sự giám sát của tay chân Lon Nol trước khi bỏ phiếu vào thùng. Trước sự bao vây uy hiếp của quân đội ở bên ngoài và cả bên trong trụ sở Quốc hội và sau những vụ bắt giữ liên tục xảy ra trong ngày hôm trước, không lấy gì làm lạ khi Quốc hội Campuchia “nhất trí” truất phế tôi.
Bọn đảo chính đã chọn Cheng Heng thay tôi làm Quốc trưởng Campuchia. Cheng Heng là một đại điền chủ, lúc đó đang giữ chức Chủ tịch Quốc hội, bắt đầu sự nghiệp công danh bằng chức vụ giám đốc nhà tù trung ương hồi Pháp thuộc, và kinh nghiệm hành chính cũng chỉ có thế. Đưa Cheng Heng lên ghế Quốc trưởng có nghĩa là tạo ra một tên bù nhìn vô giá trị, không gây được phiền toái gì cho các quan thầy ở bên trong cũng như bên ngoài đất nước.
Còn một sự kiện nữa mà hồi xảy ra đảo chính tôi rất ít để ý nhưng lâu dần mới thấy được tính chất. Đó là một Bá tước người Pháp tên là Bômông, một chủ trại rất giầu, có nhiều trang trại trong vùng Chup, gần biên giới tiếp giáp với Nam Việt Nam, luôn luôn tỏ ra muốn cầu thân với chúng tôi.
Trước khi qua đời, cha tôi vẫn thường dặn tôi cần duy trì những quan hệ thân hữu với ông ta, không lần nào tôi đi Pháp mà ông ta không mời tôi đến chơi. Nhưng hồi đầu năm 1970 khi tôi đi Pháp dưỡng bệnh, tôi không có tin tức gì về Bá tước Bômông cả. Ông ta đang ốm đau chăng? Sau đó tôi được biết, ông không có mặt ở nước Pháp. Nhưng rồi lại có tin ông “vẫn đang ở Pháp”, nhưng không mời tôi đến thăm nhà. Dần dà tôi càng hiểu rõ thêm nguyên nhân sự lánh mặt này. Hồi nửa đầu năm 1969, Xamđec Pen Nouth lúc đó đang giữ chức Thủ tướng đã hạn chế lợi nhuận của các mặt hàng xuất sang Pháp, nhằm bảo vệ nguồn vốn của Campuchia. Vì vậy một phần lợi nhuận của các đồn điền nước ngoài trong việc xuất nông sản đã bị giữ lại Campuchia làm nguồn vốn tái đầu tư. Bá tước Bômông đã than phiền với Sirik Matak và được Sirik Matak huênh hoang báo tin sắp tới Sihanouk sẽ bị loại bỏ và Sirik Matak sẽ là người điều hành đất nước. Lúc đó, Bá tước sẽ được đảm bảo tất cả các lợi nhuận từ việc xuất cảng đều được đưa về nước hết, vậy cần gì phải cầu cạnh Sihanouk là người sắp bị rơi vào quên lãng.
Điều rất mỉa mai là chỉ sau đó hai tháng, các đồn điền của Bá tước Bômông đều bị những ông bạn đồng minh của Lon Nol - Sirik Matak tàn phá. Máy bay Mỹ liên tiếp ném bom các đồn điền cao su của Bômông ở Campuchia, chế độ Sài Gòn cũng thích thú khi thấy cao su trong vùng kiểm soát của họ ở miền Nam Việt Nam khỏi lo bị cao su của Bômông trong vùng đồn điền Chup cạnh tranh. Sự có mặt tạm thời của các lực lượng vũ trang Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng với những căn cứ tạm thời và những tuyến tiếp tế của họ xuyên qua lãnh thổ Campuchia chỉ là cái cớ xuyên tạc để bọn Lon Nol làm đảo chính. Bởi vì, chính Lon Nol trước đó cũng đã ký nhiều thoả thuận với Mặt trận dân tộc giải phóng liên quan đến việc này.
Chỉ mới vài ngày sau khi tiến hành đảo chính Lon Nol đã công khai hợp tác với Mỹ và chế độ Sài Gòn, mở đầu bằng việc trao đổi tin tức tình báo, tiếp đó là cùng phối hợp quân sự trong những cuộc hành quân chống lại Mặt trận dân tộc giải phóng tại các khu vực biên giới. Trước kia Mỹ và chế độ Sài Gòn đã nhiều năm gây sức ép để tôi cùng phối hợp chiến đấu chống Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhưng đều bị tôi từ chối. Tôi không muốn phụ thuộc vào Washington vì hai lý do.
Trước hết, đi với Mỹ, có nghĩa là từ bỏ đường lối trung lập của Campuchia. Thứ hai, cũng như đại đa số nhân dân Campuchia tôi thành thật có thiện cảm với những người Việt Nam kháng chiến đang tiến hành một cuộc đấu tranh kiên cường chống Mỹ xâm lược. Càng tiếp xúc với những người lãnh đạo Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam dân chủ cộng hoà, tôi càng đánh giá cao lòng yêu nước, tinh thần hy sinh phấn đấu và những tính cách nhân vănm nhân bản của họ.
Chính vì những lẽ đó, để biểu lộ sự ngưỡng mộ, tôi đã chỉ thị tổ chức lê cầu siêu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ba ngày theo nghi lễ quốc tang. Giữa lúc bọn Lon Nol điên cuồng phản đối sự “cắm chân của Việt Cộng trên lãnh thổ Campuchia”, tôi đã tổ chức lễ truy điệu cố Chủ tịch Hồ Chí Minh không kém chút nào so với nghi lễ dành cho vị đứng đâu đất nước chúng tôi. Một trăm vị chức sắc tôn giáo đã đọc kinh cầu nguyện ngay trong Chính điện của Hoàng cung, nơi đặt ngai vàng, trước các quan chức cấp cao nhất trong Hoàng gia, trong khi Đài Phát thanh Phnompenh cử nhạc tưởng niệm.
Cũng cần phải nói thật, tôi không muốn Campuchia trở thành một nước cộng sản. Trước kia, dưới sức ép của Lon Nol mà sau này tôi mới biết rõ là hắn muốn tôi tập trung chú ý vào việc đề phòng lực lượng cánh tả để che giấu âm mưu thật sự của lực lượng cực hữu đôi khi tôi đã tỏ ra quá cứng rắn đối với Khmer Đỏ, nhất là khi tôi cho rằng những hoạt động của Khmer Đỏ có thể tổn hại đến đường lối trung lập độc lập của Campuchia. Điều Lon Nol và Sirik Matak lo ngại nhất là nếu tôi trở về ngay sau khi đảo chính, tôi có thể tập hợp dân chúng và các lực lượng vũ trang chống lại chúng. Vì vậy, với tính chất khủng bố không thương tiếc, Lon Nol đã đe doạ tịch thu máy bay, bắt giữ toàn bộ nhân viên phi hành của bất cứ công ty hàng không nào dám đưa tôi và những người đi theo trở về Campuchia, một lời đe doạ vi phạm các luật pháp Quốc tế trong lịch sự ngành hàng không dân sự. Hơn nữa, như Ônman tiết lộ, Lon Nol còn ra lệnh ám sát tôi nếu tôi trở về được Phnompenh.
Cũng trong ngày 18-3-1970, khi vừa sẩm tối, xa lộ từ bến cảng Sihanouk Vin đến Phnompenh bị cấm lưu thông đối với các xe dân sự điều chưa hề xảy ra trước đó. Trên đường giao thông, mọi người chỉ nhìn thấy từng đoàn xe quân sự qua lại suốt đêm. Trong ngày xảy ra đảo chính, các phóng viên phương Tây đều nhìn thấy lực lượng quân đội bao vây trụ sở Quốc hội toàn bằng súng Mỹ M.16 mới toanh, loại súng này trước kia quân đội Campuchia không có. Thượng nghị sĩ Mai-cơ Graven thuộc Đảng Dân chủ bang Alaska đã nhận xét: “Chính Mỹ đã nuôi dưỡng, huấn luyện những phần tử đối lập nhằm lật đổ Sihanouk. Chính phủ Mỹ từng tiến hành những hoạt động ngấm ngầm ở Campuchia, phải biết rõ về công cuộc chuẩn bị cho cuộc đảo chính này”.