Khẩn khoản xin từ chức.

Ngay sau hôm trở về Hoàng cung, tôi viết đơn gửi Angca, “khúm núm” thỉnh cầu xin được nghỉ hưu. Tôi viện ra đủ mọi lý do. Trước hết, tôi đang suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần. Vì thể xác, tôi đang có nguy cơ bì bệnh đái tháo đường và nhồi máu cơ tim, cần phải đi chữa trị tại Trung Quốc.
Về mặt tinh thần, nhất là về mặt tâm trí, tôi thừa nhận khả năng trí tuệ và trí nhớ của tôi đã giảm sút nhiều, do những đau khổ về tinh thần mà bọn Lon Nol, Sirik Matak đã gây ra cho tôi bằng đủ mọi cách trong quãng thời gian từ năm 1970 đến năm 1975, và nhất là do cái chết của bà mẹ rất kính yêu của tôi. Mặt khác, tôi là người thuộc xã hội cũ, tôi tự nhận có bổn phận không được làm lu mờ ánh sáng của các vị Khmer Đỏ (trong đơn tôi gọi họ là những nhà đại ái quốc, đại cách mạng) tôi không được bám mãi vào bộ máy nhà nước của nước Campuchia mới, bộ máy này chỉ có thể thuộc riêng về Khmer Đỏ, những người đã giải phóng đất nước Campuchia.
Cuối cùng tôi viện nốt lý do, tôi có một gia đình đông con nhiều cháu mà chưa hề bao giờ có được thời giờ rảnh rang để chăm sóc chúng. Tôi sẽ tận dụng thời gian nghỉ hưu để được gần các con, các cháu đang sống rải rác ở nhiều nơi trên trái đất. Tôi cam kết luôn luôn ủng hộ Khmer Đỏ trong sự nghiệp khôi phục và bảo vệ Tổ quốc.
Vợ tôi đề nghị, chớ vội gửi ngay lá đơn từ chức này lên Angca ghê gớm. Ông Pen Nouth, hôm đó cùng đến dùng cơm với gia đình chúng tôi trong Điện Khêmarin cũng đồng ý như vậy. Tôi nhắc lại với Xamđec Pen Nouth vài sự việc mà ông cũng đã biết rất rõ, để ông hiểu rằng tôi không thể nào cộng tác được với Khmer Đỏ trên cương vị một Quốc trưởng không có quyền hành. Vả lại, chung lưng gánh chịu toàn bộ trách nhiệm về những đau khổ khủng khiếp hiện nay của nhân dân Campuchia. Hơn nữa, cũng cần hiểu rằng giữa Sihanouk và Khmer Đỏ không bao giờ có những tình cảm mặn nồng tự nhiên. Nếu giữa Khmer Đỏ và tôi có những mối quan hệ kỳ lạ thì có thể coi đó là “sự đối lập thân thiết” đáng ghét. Tôi quá yêu đất nước Campuchia nên đã chấp nhận phục vụ hoặc ủng hộ một chế độ mà còn xa tôi mới cùng chung tư tưởng, còn xa tôi mới tán thành chính sách đối nội và đường lối đối ngoại của họ.
Khmer Đỏ nghĩ rằng họ ưu tú và đã vượt xa Sihanouk. Bản thân tôi, cho mãi tới ngày 17-4-1975, cũng đinh ninh rằng Khmer Đỏ vượt tôi hàng trăm sải tay trong nhiều lĩnh vực. Tôi đã nghĩ một cách khiêm tốn (và ngây thơ) rằng Khmer Đỏ là những đại trí thức, còn tôi chỉ có bằng tiểu học, chưa học hết cấp trung học. Khmer Đỏ trong sáng, không bị tha hoá, còn tôi lại đã đứng đầu một chế độ mà nhiều nhà báo và cả những người đã cộng tác với Pháp coi là “thoái hoá”, bản thân tôi bị họ coi là kẻ “bóc lột” và “bóc lột đến tận cái khổ của người dân” (Họ nói đúng như vậy đó). Khmer Đỏ là những người dân chủ mẫu mực còn tôi chỉ là một tên “độc tài xấu xa”, một tên “bạo chúa của một chế độ phong kiến lạc hậu nhất thế giới”. Khmer Đỏ rất “kính yêu cuộc sống của nhân dân”, còn tôi là một “tên vua khát máu”...
Vả lại từ trước khi kết thúc cuộc chiến tranh 1970-1975 tôi đã nói rõ với các ông Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng v.v... rằng, sau ngày chiến thắng tôi sẽ để cho Khmer Đỏ độc quyền cai trị, không có Sihanouk. Tôi đã nhấn mạnh “quyết định của tôi là không thể đảo ngược”.
Trong lúc tôi đang đắn đo suy tính thì toàn thế giới đều đã thừa nhận một cách kinh khủng thực tế Khmer Đỏ. Đúng, thủ lĩnh Khmer Đỏ đều là những nhà đại trí thức, họ không ngu dốt như Sihanouk, nhưng họ đã ráo riết tiêu diệt các nhà trí thức khác, quét sạch cấp trung học và đại học vốn là tác phẩm của anh chàng tiểu học Sihanouk.
Phải chăng Khmer Đỏ là những người trong sạch, những người dân chủ mẫu mực? Nhưng một nhóm Khmer Đỏ lại giành cho mình các đặc quyền về Nhà nước, chính phủ hành pháp, ngoại giao, vật chất, những toà lâu đài, những cỗ xe đẹp, những chuyến công du, những khách sạn xa xỉ ở nước ngoài, những chai rượu sâm-banh quý giá. Những lọ nước hoa nổi tiếng của Pháp. Họ không phải là những kẻ giết hại nhân dân như Sihanouk ư?
Nhưng tại sao Khieu Samphan, Hu Nim, Hou Youn mà người ta đồn là đã bị Sihanouk loại trừ, đến năm 1970 lại thấy còn sống? Rồi thì, biết bao nhiêu người trong số “chống Sihanouk” lại bị chính các đồng chí Khmer Đỏ của họ thủ tiêu, lệnh ám sát do chính tay Pol Pot, Ieng Sary ký? Và đây là một vài chuyện có thật mà hôm đó tôi đã khơi lại trí nhớ của Thủ tướng Pen Nouth, bạn tôi:
Qua Đài Phát thanh “Campuchia dân chủ” của Pol Pot chúng tôi được biết đại sứ mới của Campuchia vừa tới Viêng Chăn trình quốc thư lên Chủ tịch Souphanouvong. Lúc này Norodom Sihanouk vẫn còn là người đứng đầu Nhà nước Campuchia dân chủ. Thế mà Sihanouk chẳng ký, cũng chẳng nhìn thấy một mẩu quốc thư nào đã chuyển cho một đại sứ Campuchia nào ở nước ngoài. Và cái ông đại sứ Campuchia này trước khi đi Viêng Chăn trình quốc thư do ai ký tôi cũng chẳng được biết. Ông ta cũng chẳng đến trình diện với Sihanouk lúc đó hãy còn là Quốc trưởng. Sihanouk cũng không bao giờ được biết vị đại sứ “của mình” được cử đến đại diện cho Campuchia bên cạnh bạn đồng nghiệp của Sihanouk là Hoàng thân Souphanouvong, người đứng đầu Nhà nước (cộng sản) Lào, là ai cả.
Tôi hỏi ông Pen Nouth đang giữ chức Thủ tướng Campuchia dân chủ, xem ông có dự phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng cử đại sứ mới của Campuchia ở Lào không? Ông Pen Nouth có vẻ xấu hổ, thú thật với tôi là ban lãnh đạo Khmer Đỏ đã tự quyết định việc lựa chọn và bổ nhiệm đại sứ, mà không hề báo cho Pen Nouth biết. Ông nói thêm, bản thân ông cũng chỉ biết chuyện này qua Đài Phát thanh Campuchia dân chủ, và ông cũng không hề quen biết người vừa được bổ nhiệm làm đại sứ ở Lào.
Không ai nghĩ đến việc giới thiệu vị đại sứ đó với Pen Nouth, dù ông là người đứng đầu chính phủ. Vậy thì ai ký thư uỷ nhiệm? Ông Khieu Samphan chăng? Nhưng lúc này ông Khieu Samphan chưa phải là Quốc trưởng, ông ta hãy còn là Phó Thủ tướng. Thế thì Pol Pot chăng?
Nhưng Pol Pot lúc này cũng chưa xuất đầu lộ diện, hãy còn hoạt động bí mật, cả cái đảng của ông ta lúc này cũng chưa nêu tên hãy còn núp dưới chiếc mặt nạ “Angca” vô danh. Hay là Nuon Chia? Nhưng cái nghị viện của Khmer Đỏ (mà sau đó Nuon Chia làm chủ tịch) lúc này cũng chưa ra đời. Hay là Ieng Sary? Vâng, đúng đấy! Với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, Ieng Sary thường ký tiếp theo chữ ký của Quốc trưởng, và không có chữ ký của Quốc trưởng thì tại sao lại gọi là quốc thư được? Norodom Sihanouk là Quốc trưởng duy nhất trên thế giới và duy nhất trong lịch sử bị tước quyền ký vào Thư uỷ nhiệm cho các đại sứ đại diện cho chính mình, thậm chí còn không được biết cả họ tên lẫn mặt mũi người gọi là đại sứ của mình.
Và cũng có nghĩa là, ngay cả đến ông Pen Nouth cũng bị tách khỏi Hội đồng Bộ trưởng, như anh họ tôi là Norodom Phurissara, người được coi là Bộ trưởng Tư pháp.
Lại một chuyện nữa về đại sứ: các đại sứ Lào và Irắc tới Phnompenh. Tôi vẫn còn là người đứng đầu thực thụ của Nhà nước Campuchia dân chủ, nhưng Ieng Sary đã không để tôi được nhận Thư uỷ nhiệm của họ, cũng như không để cho họ yết kiến tôi. Ieng Sary đã tước bỏ quyền này của tôi, đã làm nhục tôi trước mọi người và đã đi tới chỗ vi phạm cả luật lệ sơ đẳng về nghi thức ngoại giao quốc tế
Rất rõ ràng, Khmer Đỏ cũng muốn rũ bỏ tôi, nhưng tạm thời họ vẫn phải tôn trọng ý muốn của Chủ tịch Mao Trạch Đông và của Thủ tướng Chu Ân Lai giữ tôi lại làm người đứng đầu Nhà nước mới của Campuchia dân chủ, nhằm mục đích duy nhất để có một chút uy tín trên trường quốc tế và để trấn an phần nào các nước “bạn” của Campuchia và các nước khác trên thế giới. Sự khinh miệt và mối hằn thù sâu sắc mà Khmer Đỏ dành cho tôi không phải mới xảy ra tử hôm qua và cũng không hề giảm bớt khi họ quyết định, kể từ sau cuộc đảo chính của Lon Nol, hợp tác với Norodom Sihanouk trong khuôn khổ Mặt trận đoàn kết dân tộc và Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia. Ngay khi tôi tới Bắc Kinh năm 1971, Ieng Sary đã nói với tôi là nhiều đồng chí của ông ta tại bưng biền kịch liệt chống lại chủ trương hợp tác với Sihanouk.
Trong khoảng thời gian từ tháng 3-1970 đến tháng 4-1975, các cán bộ Khmer Đỏ ở Trung Quốc đã đẩy tôi vào một cuộc sống cực khổ về tinh thần và tâm lý, chẳng khác gì sống trong địa ngục. Nhiều lúc quá uất ức và tuyệt vọng, tôi đã tìm cách thoát khỏi bọn hành hạ tôi bằng việc vứt bỏ tất cả để sang sống lưu vong ở Pháp. Nhưng một số người bạn lại khuyên tôi cố chịu đựng để tiến hành đến cùng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Tôi đành nghe theo và tự nhủ thầm: “Thôi được, những sự lăng nhục mà bọn Khmer Đỏ bắt ta phải chịu đựng là nặng nề thật, nhưng nếu so sánh với những lời chửi rủa, vu khống, miệt thị, hằn thù, công kích của bọn Lon Nol, Sirik Matak thì dù sao những sự nhục mạ của Khmer Đỏ cũng chỉ là những chuyện vặt, Khmer Đỏ muốn trả thù những hành động của ta đối với họ trong những năm 60. Họ có lý do để trừng phạt lại ta về mặt tinh thần. Dù sao Khmer Đỏ cũng khác với bọn Lon Nol, Sirik Matak. Khmer Đỏ là những người “sạch sẽ”, những người yêu nước thuần tuý, và do đó là những người rất đáng kính trọng”. Tôi thật ngây thơ quá đi mất?
Trước khi tới Bắc Kinh, Ieng Sary lệnh cho Thiun Mum, một người đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa ở Pháp, phải rời khỏi Paris, rời vợ là người Pháp và các con để giám sát tôi, kiểm tra các hành động cử chỉ của tôi. Một lần, trong khi ở thăm Việt Nam, tôi cần phải soạn thảo một bài diễn văn và trả lời những câu phỏng vấn của một nhà báo châu Âu tại Hà Nội, Thiun đòi xem các văn bản này. Tôi đưa cho Thiun đọc. Một lát sau, ông ta xộc vào phòng tôi. Lúc đó tôi đang choàng khăn tắm, nhưng Thiun Mum không để tôi tắm xong mà chỉ trích luôn một vài đoạn trong các bản thảo của tôi.
Tôi đành phải sửa theo ý Thiun Mum. Lúc đó ông ta mới chịu rời khỏi phòng, có vẻ phần nào đắc ý.
Đợi cho ông Mum đi khỏi, lúc đó tôi mới cho mời Xamđéc Pen Nouth tới buồng làm việc của tôi và nói:
- Ngài là Chủ tịch Bộ Chính trị Mặt trận đoàn kết dân tộc, còn Thiun Mum chỉ là một trong số các thành viên. Từ nay trở đi tôi chỉ chấp nhận một mình ngài là người kiểm soát thường xuyên các bản viết của tôi. Thiun Mum và những người khác không có quyền đặt ách bảo hộ lên Sihanouk là Quốc trưởng Campuchia và Chủ tịch Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia.
Thiun Mum phải chịu khuất phục, nhưng các đồng chí của Mum lại chỉ trích tôi, kết án tôi không chịu “sửa chữa khuyết điểm” mà vẫn chơi trò “độc tài, quân chủ chuyên chế”. Trong các cuộc họp, Ieng Sary không quên bôi nhọ “xã hội cũ” và chế độ quân chủ ngày trước. Ông ta cho in những bài trả lời phỏng vấn đó dưới hình thức những cuốn sách nhỏ rồi chỉ thị cho tất cả các đại sứ và đại diện của “chính phủ Vương quốc” và Mặt trận “đoàn kết dân tộc” phải phân phát cho mọi người, càng rộng rãi càng tốt: Tại Australia, ông Côlin Prát là một người bạn lâu năm của Campuchia đã phản đối những lời Ieng Sary vu cáo lăng mạ tôi. Ông hỏi tôi, tại sao lại cho phân phát trên thế giới những tài liệu tuyên truyền chống Sihanouk?
Các thành viên thân Ieng Sary trong Mặt trận đoàn kết dân tộc còn chỉ trích tôi “mê các món của Pháp”, chi những số tiền lớn để mua món gan ngỗng và những thức ăn khác từ Pháp gửi tới. Họ nói: “Mỗi đồng đô la kiếm được là nhờ máu của nhân dân đổ ra, không được lãng phí. Tôi trả lời, đây là nhân dân Trung Quốc nuôi tôi chứ không phải là máu của nhân dân Campuchia. Hơn nữa, tôi tiêu tiền bằng chính số tiền của tôi mang đi từ trước cuộc đảo chính để mua sắm vật dụng cá nhân. Còn những chi tiêu cho việc chiêu đãi ngoại giao là do Trung Quốc viện trợ tài chính, không có máu nhân dân ở trong này. Vả lại, chính ông Ieng Sary mỗi tuần cũng đãi khách bằng đủ loại tiệc tùng, ăn sáng, ăn tối gấp mười lần tôi chiêu đãi các nhà ngoại giao và các nhân vật bạn hữu của Mặt trận và Chính phủ.
Trong chiến tranh, nhiều hiệp định viện trợ về tài chính, quân sự v.v... đã được ký giữa Trung Quốc với Mặt trận và Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia. Những hiệp định quan trọng nhất đều được ký bởi các Bộ trưởng Trung Quốc và Campuchia trước sự hiện diện của Thủ tướng Chu Ân Lai, Thủ tướng Pen Nouth và cả tôi, Sihanouk, nhưng Sihanouk không được biết gì về nội dung những bản hiệp định này. Khmer Đỏ không bao giờ cho phép ông bạn già Pen Nouth của tôi tiết lộ với tôi bất kể chuyện “quốc gia đại sự” nào.
Trước mặt ông Chu Ân Lai là người tất nhiên được thông báo tất cả mọi việc và là người đã quen biết tôi ở Băng đung năm 1955 và ở Phnompenh trong các năm 1955, 1958, lúc tôi còn rực rỡ hào quang về cả uy tín lẫn uy lực, tôi cảm thấy xấu hổ vô bờ bến vì đã nhiều lần đành phải “cạn chén đắng cay”. Nhưng đến lần này thì tôi nhất định không chịu đựng mãi như vậy nữa.
Thấy tôi vẫn muốn đưa ngay đơn xin từ chức, vợ tôi tìm cách làm dịu bớt sự nôn nóng của tôi:
- Tháng 3 và tháng 4 đều là những tháng không hay gặp may. Từ những năm bốn mươi đến nay, tháng 3, tháng 4 nào ông cũng có chuyện buồn. Vậy thì hãy kiên nhẫn một chút, đợi những tháng xấu trôi qua rồi hãy có những quyết định quan trọng. Những tháng sau đều là những tháng tốt lành đấy.
Tôi nhớ lại. Đúng là:
- Ngày 9-3-1945, sau khi thủ tiêu nền bảo hộ của Pháp ở Campuchia, người Nhật Bản đã mưu toan phế truất tôi và định thay bằng một ông hoàng... thân Nhật Bản, nhưng may mắn tôi chỉ bị kìm hãm và hạn chế quyền lực vì Nhật Bản đã chọn được một Thủ tướng bù nhìn tay sai.
Tháng 4-1955, tôi đã tự thoái vị, rời bỏ ngai vàng.
- Tháng 3-1970, cánh tay phải của tôi là tướng Lon Nol đã làm đảo chính, truất phế tôi.
- Tháng 4-1975, mẹ tôi là Mẫu hậu Sisowath Kôssamắc đã qua đời.
Mặc dù vậy, tôi vẫn cứ trả lời vợ:
- Cần phải chọn tháng xấu để cầu may. Bởi vì đưa đơn từ chức trong cái tháng xấu này thì nhất định Angca sẽ chấp thuận, và sẽ “truất phế” tôi như Lon Nol đã từng làm vào năm 1970.
Trước lý lẽ đó, vợ tôi đành chịu thua nhưng rất buồn.
Tôi lập tức đưa đơn từ chức cho một cán bộ của Khmer Đỏ được cử tới quản lý Hoàng cung và giám sát “bộ tộc Sihanouk”, nhờ kính chuyển lên Angca. Sau vài ngày im lặng, Angca cử một phái đoàn đến gặp tôi tại Điện Khêmari, gồm hai trong số các nhân vật trọng yếu nhất của Khmer Đỏ là Khieu Samphan và Son Sen, cả hai lúc đó đều là Phó Thủ tướng. Son Sen cố làm ra vẻ tươi cười đon đả nói trước:
- Sắp có tổng tuyển cử. Angca của chúng ta đã quyết định sau cuộc bầu sẽ cử ngài làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Nhà nước Campuchia dân chủ. Chúng tôi đã hứa giữ ngài làm người đứng đầu Nhà nước mãi mãi, chúng tôi sẽ giữ lời hứa. Nếu ngài lo ngại bị giết hại, thì ngày hôm nay Angca uỷ nhiệm tôi mang đến ngài sự bảo đảm chính thức và long trọng rằng cuộc sống của ngài sẽ được bảo vệ. Tôi chịu trách nhiệm về quốc phòng. Tôi đề nghị ngài hãy tin tưởng rằng quân đội cách mạng của chúng ta sẽ bảo đảm an ninh tuyệt đối và thường xuyên cho ngài.
Tôi cám ơn Angca, cám ơn nhân dân, cám ơn ngài Son Sen, nhưng vẫn khẩn khoản xin được giải phóng khỏi chức vụ “vì lý do sức khỏe”. Khieu Samphan và Son Sen lộ rõ vẻ thất vọng, khuyên tôi nên tiếp tục suy nghĩ rồi chào từ biệt, ra về. Vợ tôi càng lo lắng.
Sau cuộc tổng tuyển cử, một phái đoàn rất quan trọng do Pol Pot cử đi lại tới Điện Khêmarin. Phái đoàn này gồm có: Thủ tướng Pen Nouth; Phó Thủ tướng thứ nhất Khieu Samphan;
Phó Thủ tướng thứ hai Ieng Sary; ông Son Sen, người đứng đầu quân đội; bà Ieng Sary (tức Khieu Thirith) và cuối cùng là Hoàng thân Norodom Phurissara, anh họ tôi. Khieu Samphan mời ông bạn già Pen Nouth của tôi, thay mặt toàn thể phái đoàn, phát biểu.
Ông Pen Nouth lộ rõ vẻ xúc động van nài tôi chớ từ bỏ nhiệm vụ Quốc trưởng Campuchia dân chủ.
Trong lúc ông bạn già của tôi lải nhải về những thành tích kỳ diệu của Khmer Đỏ thì tôi lại càng không thể không nghĩ đến sự giảm sút uy tín ngày càng tăng trên trường quốc tế của cái chế độ cực kỳ quái gở này và nhất là những tai hoạ khủng kiếp mà nhân dân tôi đang gánh chịu. (Sau này tôi được Xamđec Pen Nouth bộc lộ, chính là sợ bị Khmer Đỏ trừng phạt và nhất là do bà vợ trẻ của ông nài ép nên ông đã phải nói như vậy).
Sau khi Pen Nouth nói xong, Khieu Samphan lại mời ông anh họ mà tôi yêu quý nhất là Hoàng thân Norodom Phurissara phát biểu. Phurissara lộ rõ vẻ tuyệt vọng trên nét mặt tái xanh tái xám.
Ông biết tôi không chịu khuất phục. Là người đã từng sống 6 năm với Khmer Đỏ, ông hiểu rõ số phận những kẻ cứng đầu sẽ như thế nào. Ông lo cho tính mạng của tôi. Cổ họng ông như nghẹn lại. Ông ấp úng, vụng về nói được mấy câu: “Angca rất tín nhiệm ngài... Nhân dân mến yêu ngài.., chúng tôi thiết tha yêu cầu ngài ở lại với chúng tôi... Ngài đừng bỏ chúng tôi ra đi...”.
Tôi cám ơn ông anh họ và khẳng định tôi không có ý định sống ở nước ngoài. Tôi chỉ xin Angca hai điều “chiếu cố”. Thứ nhất, cho tôi được nghỉ hưu và sống yên ổn ở Campuchia, xa lánh các hoạt động chính trị gần gũi các con, các cháu... Thứ hai mỗi năm cho tôi được một lần đi Trung Quốc chữa bệnh và một lần đi Triều Tiên chào ông bạn thân là Chủ tịch Kim Nhạt Thành. (Ngày 8-1-1976, Thủ tướng Chu Ân Lai qua đời, mặc dù tôi cầu khẩn Angca vẫn không cho phép tôi đi Bắc Kinh dự lễ tang).
Ieng Sary, nhân vật đầy uy lực, gạt phắt:
- Đây là ý kiến Angca: Xamđec, ngài phải ở lại đứng đầu Nhà nước chúng ta. Tôi biết ngài thích đi công du nước ngoài. Vậy thì, đợi đến tháng 8 có hội nghị cấp cao các nước không liên kết tại Xri Lanca, ngài sẽ có vinh dự thay mặt chúng tôi đi họp.
Tôi tỏ vẻ thách thức, hỏi lại Ieng Sary:
- Thế nhỡ ra khi đến Côlômbô tôi lợi dụng thời cơ để tự giải thoát thì ngài tính thế nào? Không! Tôi muốn xử sự một cách trung thực đối với Angca. Tôi không thích đi dự hội nghị Côlômbô để vênh vang bên cạnh ông Fidel Castro và các vị lãnh đạo khác. Tôi chỉ khao khát được yên tĩnh. Tôi xin các ngài giải phóng cho tôi, ngay tại đây, khỏi chức vụ.
Khieu Samphan và Ieng Sary hội ý với nhau một lát, rồi Khieu Samphan thay mặt đoàn phái đoàn tuyên bố sẽ nghiên cứu lời thỉnh cầu của tôi.
Ông anh họ Phurissara của tôi lộ rõ vẻ tuyệt vọng.
Ông biết, những câu dại dột tôi vừa nói sẽ buộc tôi phải trả giá đắt. Vợ tôi mất ngủ. Liên tiếp nhiều ngày không một nhân vật Khmer Đỏ nào đến thăm tôi nữa. Các lính gác ngày càng xa lánh tôi một cách lộ liễu. Cổng Hoàng cung khoá chặt. Một bầu không khí mới đáng lo ngại, vây quanh chúng tôi, bao trùm chúng tôi.
Rồi, đùng một cái, trước ngày Quốc khánh 17-4 một hôm, tôi chợt nghe qua đài phát thanh bài diễn văn của Khieu Samphan, gọi tôi là “Nhà yêu nước vĩ đại” và báo tin Quốc hội Campuchia (vừa mới bầu xong) ra quyết định.
Điều 1: Chấp thuận nguyện vọng nghỉ hưu của Norodom Sihanouk.
Điều 2: Dựng một pho tượng Sihanouk.
Điều 3: Cấp cho Sihanouk một khoản lương hưu 8000 đô-la Mỹ một năm.
Cái tin khá giật gân này đã được các hệ thống truyền thanh trên thế giới như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Đài BBC... loan đi rất nhanh. Riêng Đài Bắc Kinh vài ngày sau mới phát. Ngay trong ngày hôm sau, 17-4-1976, tôi được Khieu Samphan tới thăm, ông ta rất tươi cười, vẻ vui mừng bộc lộ rõ trên nét mặt vì vừa được Quốc hội (thật ra thì chỉ có bộ ba Pol Pot, Nuon Chia, Ieng Sary) cử làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Khieu Samphan, cựu Bộ trưởng của Sihanouk thời kỳ 1950 - 1960, đón nhận một cách hoan hỉ xen lẫn vênh vang, những lời chúc mừng của tôi và vợ tôi. Khieu Samphan nói:
- Tâu Bệ hạ, (ông ta vẫn thưa với tôi như vậy), nhân dân, Quốc hội và Angca rất muốn giữ Bệ hạ ở lại cương vị đứng đầu Nhà nước của chúng ta. Nhưng chúng tôi đã ý thức được rằng ngài không muốn tiếp tục công việc chính trị và quốc gia nữa. Chúng tôi nghĩ sẽ không hợp lý nếu cứ nài ép. Chúng tôi cũng cho rằng ngài là một nhà yêu nước vĩ đại đã có cống hiến quan trọng, công ơn của ngài cần được đền đáp. Vì vậy, Quốc hội đã quyết định dành cho ngài những vinh dự mà ngài đã biết...
Tôi vội ngắt lời:
- Thưa ngài! Các ngài đã chính thức thừa nhận Norodom Sihanouk là “Người yêu nước” đã đủ để tôi mãn nguyện rồi. Tôi không dám yêu cầu thêm một khoản tiền nào, một tượng đài nào. Về khoản tiền thì ở trong nước chẳng ai cần đến cả (tôi muốn ám chỉ việc Khmer Đỏ huỷ bỏ cả tiền lẫn cửa hàng, cửa hiệu và chợ mua bán). Khi nào các ngài cho phép tôi đi Bắc Kinh hoặc Bình Nhưỡng thì lúc đó chỉ xin các ngài báo cho các ông bạn Trung Quốc và Triều Tiên của tôi, cho tôi được đi nhờ máy bay, ô tô và cho tôi được ăn ở không phải trả tiền. Riêng pho tượng của tôi, tôi van nài các ngài đừng dựng nó lên. Như các ngài đã biết đấy, bọn Lon Nol đã phá huỷ tất cả những tượng, những đài trước kia dựng lên tưởng nhớ công đức của tôi rồi. Thưa quý ngài, xin ngài làm ơn chuyển giùm những lời cảm tạ rất chân thành, rất xúc động của tôi tới Angca, tới chính phủ, tới Quốc hội...
Khieu Samphan cười rất to rồi chuyển sang vấn đề khác:.
- Á xin báo với ngài một tin vui. Sáng sớm mai, các vị Hoàng tử Sihamoni và Narinđrapông sẽ về nước và ở lại đây vài tuần cùng với các ngài. Chính phủ chúng ta đã cho mời các hoàng tử về để cùng dự lễ Quốc khánh 17-4, ngày kỷ niệm chiến thắng vẻ vang của chúng ta.
Khi nghe tin đó, vợ tôi bàng hoàng nhiều hơn là vui mừng. Monic nói với Khieu Samphan:
- Nhưng, thưa ngài, các con tôi đang bận học mà? Đứa lớn đang ở Bình Nhưỡng. Đứa bé đang ở Matxcơva. Không nên để chúng gián đoạn việc học. Đi máy bay về sẽ rất tốn cho ngân sách của Campuchia dân chủ.
Khieu Samphan nói:
- Angca muốn gia đình ta thêm vui vẻ.
Khi Sihamoni đã về tới nhà, cháu mới cho tôi biết, nó nhận được bức điện ký tên Sihanouk gọi về dự lễ Quốc Khánh. Bức điện này được gửi đi từ Bắc Kinh vì tại Phnompenh Khmer Đỏ đã triệt bỏ toàn bộ hệ thống bưu điện. Sihamoni còn cho biết đại biện lâm thời của Campuchia dân chủ đã kèm sát cháu từ Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh. Đến đây Sihamoni đã gặp em trai là Narinđrapông vừa từ Matxcơva tới và em họ là Sisowath Chittara đang học ở Trung Quốc. Tất cả ba đứa được cán bộ ngoại giao của Khmer Đỏ đưa lên máy bay về Phnompenh. Suốt cuộc hành trình, cả ba đứa trẻ đều không biết gì về việc tôi đã từ chức. Rõ ràng Khmer Đỏ đưa chúng về không phải để dự lễ Quốc khánh mà cốt để chúng không còn cách nào tự giải thoát sau khi biết tin tôi không cộng tác với Khmer Đỏ nữa.
Cảm thấy mình đã rơi vào cạm bẫy, Sihamoni oà khóc rồi quỳ mọp dưới chân tôi:
- Thưa cha, xin cha cố tìm cách trốn khỏi Campuchia. Con nguyện sẵn sàng hy sinh, miễn là cha giành được tự do, bình yên mạnh khỏe. Thưa cha, xin cha hãy kính báo với Angca giữ con lại làm con tin để cha đi ra nước ngoài.
Tôi hôn con trai tôi và trả lời:
- Con ơi! Nếu Angca đã gửi cho con và em con bức điện ký tên Sihanouk giả mạo, tức là họ đã nhận thức rằng, nếu để cho gia đình ta được tự do thì “rất nguy hiểm”. Có nghĩa là Angca đã quyết định không cho gia đình ta thoát khỏi tay họ. Bắt đầu từ ngày hôm nay, tất cả chúng ta, nam cũng như nữ, đều là những người tù của Khmer Đỏ.
Tuy nhiên, đứa con nhỏ của tôi là Narinđrapông lại nhìn anh nó là Sihamoni bằng cặp mắt khinh bỉ và nói to:
- Tất cả những gì mà Angca kính yêu đã làm, đang làm và sẽ làm đều là việc tốt. Riêng cá nhân em, em chỉ biết có cảm tạ và hoan nghênh Angca. Em đã tự quyết định bỏ học về phục vụ Angca. Em chẳng cần phải chờ có người thúc ép mới quay về nước và có mặt ở đây trong ngày hôm nay.
Cho tới năm 1973, tức là khi Khmer Đỏ chưa có vẻ gì là sẽ chiến thắng, Narinđrapông vẫn thường nói và viết, nó là “tín đồ của Sihanouk”, chống Khmer Đỏ đến cùng. Nhưng khi gió đổi chiều, thổi về phía Pol Pot thì thằng con này của tôi cũng thay đổi mầu áo, trở thành thân Khmer Đỏ một trăm phần trăm, đồng thời cũng trở thành kẻ tử thù chống đối tới cùng cả bố đẻ ra nó lẫn chế độ quân chủ. Từ ngày 17-4-1975, sau khi Khmer Đỏ chiến thắng, Narinđrapông đã tự lộ mặt như vậy suốt thời kỳ đau đớn và tủi nhục của chúng tôi trong Hoàng cung. Đầu năm 1979, sau khi chúng tôi đã được giải thoát, Narinđrapông sang Pháp định cư vẫn còn tiếp tục chống Sihanouk và ủng hộ sự nghiệp đã tuyệt vọng của Pol Pot. Sự trở mặt của đứa con mà chính tôi đã sinh ra nó, chống lại tôi và đứng về phía Khmer Đỏ, kẻ tử thù của Sihanouk và chế độ quân chủ, đã làm tôi đau đớn kinh khủng. Nỗi đau này không bao giờ nguôi.
Sihamoni và Narinđrapông được gọi về nước nhưng đâu có phải để dự lễ Quốc khánh. Suốt ngày hôm đó, chúng tôi cũng như đàn con không hề được mời đi dự một buổi lễ nào, một cuộc vui nào trong chương trình ngày hội dân tộc. Tại gian phòng riêng trong Cung điện tôi mở to hết cỡ loa phóng thanh đang truyền đi chương trình lễ Quốc khánh của Angca. Cũng trong lúc đó, tôi đeo ống nghe vào tai, lén lút theo dõi liên tục các đài phát thanh Tiếng nói Hoà Kỳ, đài Australia, đài BBC Luân Đôn, đài Quốc tế - Pháp, đài NHK Nhật Bản... những tin tức thế giới và cả những tin tức về các địa ngục trần gian của Khmer Đỏ.
Cách đây một tháng, tức tháng 3-1976, con rể tôi là đại uý phi công Xôphôtra, chồng công chúa Botum Bopha con gái tôi, đến Điện Khêmarin thăm tôi. Rất vui mừng hãnh diện, cháu báo tin được Angca trao nhiệm vụ lái chiếc máy bay T28 (của Mỹ bỏ lại) biểu diễn chào mừng lễ kỷ niệm lần thứ nhất. Ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử 17-4. Từ tháng 3-1973, tức khi còn phục vụ trong chế độ cũ, Xôphôtra đã lập được một chiến công vang dội. Cháu đã lái một máy bay chiến đấu của Mỹ, ném bom xuống dinh Tổng thống Cộng hoà của Lon Nol rồi bay qua căn cứ không quân của Mỹ ở Đà Nẵng sang lãnh thổ Trung Quốc. Lúc này tôi đang đi thăm vùng giải phóng và đang gặp Khieu Samphan, Pol Pot, Ieng Sary, Son Sen, Hu Nim, Hou Youn. Chính Hu Nim lúc đó là Bộ trưởng Thông tin đã báo cho tôi biết tin này. Khieu Samphan và các đồng chí Khmer Đỏ của ông ta đã quyết định tặng Bằng khen cho Xôphôtra, chính thức tuyên dương Xôphôtra là “người yêu nước”.
Sau đó, cháu được cử sang Nam Tư bổ túc nghiệp vụ và được Nguyên soái Titô thưởng một khẩu súng ngắn. Theo gợi ý của tôi, tháng 12-1975 cháu đã đưa tất cả vợ con về Campuchia phục vụ chế độ mới của Khmer Đỏ.
Campuchia “dân chủ” lúc đó chỉ có mỗi một phi công là đại uý Pêch Lim Khuôn. Vài tháng tiếp theo chiến công của Xôphôtra, anh ta cũng đã lái một máy bay T28 của Mỹ ném bom dinh Tổng thống của Lon Nol rồi bay ra vùng giải phóng.
Pêch Lim Khuôn không có quan hệ họ hàng gì với triều đình nhà vua, vì vậy được coi như “người con trong sạch của nhân dân” và được Angca đánh giá là phi công số một của lực lượng không quân Khmer Đỏ. Về phần Xôphôtra, con rể tôi, cháu không hề tự ti mặc cảm là người không thuộc thành phần giai cấp vô sản. Có điều tuy không phải dòng dõi hoàng tộc nhưng cháu đã không kén chọn một cô gái chăn bò mà lại đi cưới một công chúa. Nhưng, Angca chẳng những đã khước từ đơn tình nguyện phục vụ của Xôphôtra mà còn tước bỏ cả quyền đi bầu của hai vợ chồng cháu trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1976. Với bản chất lạc quan, Xôphôtra vẫn hi vọng một cách hợp lý là Angca sẽ cho cháu lái một máy bay biểu diễn trong ngày hội lớn giải phóng dân tộc. Nhưng chẳng ai cho gọi cháu. Vả lại, cũng chẳng có diễu binh diễu hành gì ngoài một cuộc mít tinh ở sân vận động.
Thế rồi, cuối cùng anh chàng phi công “người yêu nước” Xôphôtra, con rể tôi, cùng với các công chúa con gái tôi là Sorya Roenxy, Botum Bopha và chồng, con đều bị Khmer Đỏ dùng vũ lực lùa ra khỏi thành phố, đưa đi mất tích. Mãi đến năm 1979, khi tiếp xúc với một vài đồng bào tôi thoát khỏi địa ngục Pol Pot rồi trốn chạy được sang Pháp, tôi mới biết tin, vì quá khổ cực Xôphôtra và Botum Bopha đã tìm cách trốn khỏi công xã nhưng lại bị lính Khmer Đỏ lùng bắt được. Mọi người đều rõ số phận những kẻ trốn chạy bị Khmer Đỏ bắt được sẽ như thế nào.
Từ tháng 9-1975, ngay khi tôi vừa mới về nước, người ta đã cho tôi biết cậu tôi là Hoàng thân Sisowath Mônirét, em trai của mẹ tôi, đang lao động ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Compuông Chàm. Ông được sống cùng với toàn bộ gia đình, các con và các cháu, trong một căn nhà bằng gỗ khang trang, mái ngói, dựng trên nền cột như kiểu nhà sàn. Đó là ngôi nhà của một nông dân giàu có để lại. Ông được chăm sóc rất chu đáo. Sau khi từ chức hồi tháng 4-1976, tôi xin phép Angca đi Compuông Chàm thăm ông cậu. Sau mấy tuần im lặng, Angca cử một cán bộ đến báo tín cho tôi biết: Hoàng thân đã chết vì bệnh đái tháo đường. Có lẽ, nếu tôi không xin đi thăm cậu thì vẫn tiếp tục được nghe kể về cuộc sống “sung sướng ở vùng nông thôn, dưới sự che chở khoan dung độ lượng của Angca”.
Số phận Nariđapô, con trai tôi cũng rất thảm thương. Mặc dù Khieu Samphan không bao giờ nói với tôi về những đứa con, đứa cháu của tôi bị biệt tăm từ nửa cuối tháng 4-1976, tức sau khi tôi từ chức, ông ta vẫn đặc biệt nhắc đến Nariđapô, mà ông gọi là “đứa con ngoan”. Chảu sinh năm 1936, vẫn sống ở Phnompenh cho mãi tới ngày 17-4-1975 khi Khmer Đỏ tiến quân vào thành phố, trục xuất toàn bộ dân chúng ra khỏi thủ đô. Sau khi tôi từ chức, lần nào đến thăm tôi ngài Khieu Samphan, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng Nhà nước cũng khen ngợi Nariđapô lao động tốt kỷ luật tốt, mặc dù tôi không gợi ý.
Thế rồi, mãi đến tháng 1-1979 sau khi đã thoát khỏi bàn tay Khmer Đỏ, tôi chợt đọc trên tờ tuần báo Le Point xuất bản ở Pháp, mới biết một tin đau đớn. Theo lời kể của một cán bộ Khmer Đỏ ly khai rồi trốn sang Pháp, thằng con trai Nariđapô tội nghiệp của tôi đã bị Angca kết tội tử hình. Cháu phạm tội gì? Trong những năm 50 cháu đã theo học ở Bắc Kinh và sau khi bị lùa ra khỏi thành phố Phnompenh hồi tháng 4-1975 cháu đã dám chỉ trích cái chủ nghĩa cực đoan “quá độc đáo” của Pol Pot.
Lúc này chỉ còn lại có Sihamoni và Narinđrapông tiếp tục sống cùng với vợ chồng chúng tôi, những người tù của Khmer Đỏ, cho tới khi những người lính thiện chiến của Hà Nội mở cuộc “chiến tranh chớp nhoáng đánh vào Phnompenh tháng 1-1979. Cuộc tiến công chớp nhoáng này đã có hiệu quả là giải phóng được một bộ phận trong gia đình đông đảo con cháu của tôi. Chỉ có hai đứa con gái khốn khổ của tôi là Sorya Roenxi, Botum Bopha, và em trai của cháu là Khêmanurắc, chồng các cháu, con các cháu đã biến mất trong các công xã lao động khổ sai của Khmer Đỏ, không để lại một dấu vết gì. Người anh họ rất thân thiết, rất trung thành của tôi là Norodom Phrissara cùng với gia đình cũng đã bị Khmer Đỏ đưa đi biệt tích rất xa thủ đô để rồi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.
Tổng cộng có tới gần hai chục người, các con tôi, các cháu tôi bị đưa ra khỏi Phnompenh và mất tích.
Năm 1982, những người trốn thoát địa ngục Pol Pot chạy được sang Pháp cho tôi biết, tất cả con trai, con gái, con rể và các cháu tôi ở trong các trại lao động tập trung trong nước đều đã bị bọn đao phủ Khmer Đỏ hành hạ, tra tấn dã man rồi giết hại. ở trong nước tôi chỉ còn lại hai đứa con Sihamoni và Narinđrapông cùng sống với tôi và Monic.