Chương8

    
áng tinh mơ hôm ấy, mọi làng chạ ven sông thức dậy từ lúc canh ba. Đàn ông âm thầm chêm thuổng tra cuốc, đàn bà lặng lẽ sửa soạn cho chồng con kịp lên đường đi đắp lũy. Họ vừa bó chặt những mo cơm giắt thêm ít muối om vung để cho mặn miệng, vừa thở dài sườn sượt. Ngay đến cả những cô gái phải bán đợ làm nô tỳ cho những nhà quyền thế vừa được sắc chỉ của bà Thái Hậu Linh Nhân cho mở công khố lấy tiền ra chuộc về, nay đã thành vợ nên chồng, cũng mất hẳn cái vẻ tươi roi rói hằng ngày. Họ làm việc một cách uể oải, gượng gạo, nỗi lo lắng làm nẫu lòng họ. Người ta nói loạn lần này lớn lắm. Riêng vó ngựa giặc xéo không thôi cũng đủ trụi cả ngọn cỏ mần chầu. Giặc đông người sẽ tràn qua như nước. Dân chúng phải góp tay đắp lũy để chống nạn lũ lụt này. Nhưng họ đâu có lo buồn vì chuyện giặc giã hay vì chuyện phải đắp đê. Họ không hề có ý tham bát bỏ mâm, chỉ lo việc nhà mà quên nghĩ việc nước. Họ lo lắng vì cơn sương muối trái tiết năm nay đã làm cánh đồng nứt nẻ chân chim, ruộng trơ chân lúa. Đã có nhiều nhà phải lật sân lên làm xướng gieo lại mạ để cấy lúa tái giá. Vậy mà các trị sở bắt phu của quan Thái Bảo đặt ở các lộ, chẳng hay biết gì, cứ lùa người đi phen như lùa châu chấu…
Đó là những điều mà một ông lão dân phu tóc dài lợp vai, lưng còn thẳng như gióng tre đằng ngà, đã mạnh dạn trình lại với Thái Úy dưới lũy Nham Biền. Thái Úy vừa nghe xong, chiếc roi trong tay ông đã vung lên. Con ngựa chiến sải vó phóng nước đại hàng giờ qua những vùng bị sương muối. Ngồi trên mình ngựa, Thái Úy âm thầm đưa mắt nhìn những cánh đồng ruộng tít tắp, xơ xác một màu lúa sém đỏ quạch như vừa qua một trận hỏa tai không có lửa.
Thái Úy về đến trú sở Nham Biền thì quan Thái Bảo Nguyễn Châu đã ở đấy. Thấy Thái Úy, ông ta đứng dậy nở một nụ cười trơn tuột trên môi: - Xin Thái Úy yên tâm. Bọn ngang đầu cứng cổ ấy, đệ đã trị thẳng tay để răn đe bọn chúng khỏi khinh nhờn phép nước. Còn đối với những tên bỏ trốn, đệ cho tư trát về làng, phái sai dịch đi tróc nã. Thử xem bọn chúng đứa nào còn dám nho nhoe nữa!
Nắm đấm của Thái Úy giơ lên trên không rồi bỗng giáng mạnh xuống mặt bàn, tiếp theo một tiếng quát lớn: - Dừng lại! Đình lại! – Lão tướng Trần Nậm vừa vào bắt gặp cơn giận rung người của Thái Úy cũng đứng khựng, sợ xanh mặt. Chén trà để trên bàn bị bắn tung lên, rơi nghiêng xuống rồi xoay tròn như con quay.
- Chẳng lẽ quan Thái Bảo lại không hay biết gì về trận sương muối trái tiết kéo dài làm trụi cả ruộng đồng ven sông sao?
- Dạ, thưa Thái Úy – Nguyễn Châu cố lấy giọng nhỏ nhẻ phân trần – đó là chuyện trời làm, người trần mắt thịt như đệ đây thì làm sao biết được.
- Nhưng ít ra quan Thái Bảo cũng phải biết vì sao dân phu lại xôn xao đòi về và bỏ trốn chứ!
Quan Thái Bảo không đáp vào câu hỏi, cố xoay sang chuyện khác: - Dạ, Thái Úy chắc hiểu việc cứu đê như cứu hỏa, làm sao đệ dám tự tiện cho chúng về nhà?
Thái Úy dằn giọng: - Nếu dân đói không yên, quan Thái Bảo có đắp trăm cái đê Như Nguyệt cũng vẫn nhà tan nước mất.
- Dạ, quả tình đệ không hiểu nổi thâm ý của Thái Úy. Ai biết được giặc Tống kia sẽ tràn sang ta lúc nào. Nếu giặc đến mà lũy đắp chưa xong, không biết rồi sẽ trách cứ vào đâu?
- Vào đây này - Thái Úy chỉ vào mình – Thà Kiệt tôi một mình chịu trăm nghìn khổ ải, lao tâm tổn trí tìm ra cách cầm chân quân Tống trên đất Tống chứ không thể để cho dân phải bỏ ruộng hóa, không hạt thóc nuôi thân, bỏ làng bỏ xóm ra đi bơ vơ vất vưởng - Thái Úy dừng lại giây lâu, giọng trầm và dịu – Thái Bảo ạ! Bọn ta như những người thợ cả đang xây nước Đại Việt. Bọn ta đang ngồi trên giàn giáo cao vòi vọi. Chỉ cần sơ ý để rơi vãi vôi vữa hay mảnh gạch vụn thôi cũng đủ làm bươu đầu sứt trán kẻ ở dưới. Mong quan Thái Bảo đừng lấy sự nóng giận của Kiệt tôi làm điều.
Tuy nói thế, Thái Úy vẫn điều Thái Bảo về triều và cử quan Chiêu thảo Kiều Văn Ung thay thế.
Chiều hôm ấy, Thái Úy cho tất cả dân phu ở vùng bị sương muối về làng và phân phát cho mỗi người năm bó lúa. Bọn họ ra về hoan hỉ và hứa sau khi nhổ lúa cấy tái giá xong, họ sẽ lập tức lộn lại ngay Như Nguyệt.
Không để cho Trần Nậm hỏi, Thái Úy rút lệnh tiễn phái người chạy ngựa về kinh thành đưa hai đội cấm quân Bảo Thắng và Vạn Tiếp lên, cùng sang lộ Lạng Giang lấy thêm thổ binh đến để tạm thời bù vào số nhân lực bị hao hụt. Thái Úy truyền nấu cơm nếp, lấy cá mắm và rượu Luy Lâu để mở tiệc khao quân.
Bữa tiệc đã ngả ra trên đất, trước đây lều lợp lá qua quít để che tạm sương nắng. Lính cấm vệ chia ra từng tốp ngồi vào mâm. Họ ăn uống nhồm nhoàm, nói cười ầm ĩ. Thái Úy đi ngang qua tốp lính ngồi đầu lều đã nghe tiếng bàn cãi sôi nổi. Không hiểu câu chuyện vào đề thế nào mà có người cứ bô bô: - Phải nghĩ ra cách cơ. Chứ nước Tống to như con hổ. Đại Việt ta bé như chú cáo con, đánh thế nào được hổ?
- Đã hổ với cáo thì cậu bảo làm bạn với nhau thế nào được?
- Được lắm chứ! – Kẻ kia gân cổ cãi lại. Muốn đánh bạn với hổ, cáo phải làm cho hổ thấy rằng không có cách gì vồ được cáo cả. Lâu ngày, hổ sẽ chán và trở lại làm lành với cáo.
- Thế thì chỉ có cách cáo leo lên cây nhòm xuống!
- Và hổ ngồi ở dưới gốc cây nhòm lên chứ sao!
Một kẻ khác đưa tay chỉ vào người đang nói: - Được nhé! Hễ quân Tống sang đây, tao cho mày leo lên cây, xem thử quân Tống có đánh bạn với mày không.
Thái Úy lẳng lặng mỉm cười. Kể về tinh khôn thì ta đâu có thua chú cáo ranh mãnh. Nhưng ví như thế vẫn còn so le. Cũng có thể ta là con nhím. Nhím vẫn ở yên nhưng ai đụng vào nó là nó xù bộ lông nhọn cứng như sắt. Ông vừa suy nghĩ miên man vừa lắng tai nghe câu chuyện khác của tốp lính ngồi ăn ở góc lều. Họ đang kháo nhau về cách thịt con gà thế nào cho thật nhanh chóng.
Một gã mặt rỗ hoa, bĩu môi kéo rê giọng: - Giết gà mà phải dùng nước đun làm lông là hạng bét. Tớ chả cần nước nôi gì mà chỉ chớp mắt rít xong điếu thuốc lào là tớ đã có thịt ăn liền.
- Nói khoác! Nói khoác! – Nhiều tiếng nhao nhao kêu lên.
- Tớ đã nói phải là giống gà ri chân đỏ, lông xù như bông của nhà tớ kia!
- Ừ! Thì cứ cho là gà ri lông xù, mày làm cách nào, nói đi.
Gã mặt rỗ chậm rãi nói, nét mặt trịnh trọng như đang sắp tiết lộ một bí mật gia truyền: - Tớ châm mồi đóm vào nó điếu rồi tiện tay ném luôn vào giữa lưng con gà. Gà càng chạy nhanh lửa càng bốc cháy bùng bùng. Đúng là tớ vừa rít xong điếu thuốc lào là thịt gà đã chín vàng hươm.
Nhiều người cười ngặt nghẽo. Thái Úy cũng bật cười. Riêng gã kể chuyện nét mặt vẫn tỉnh rụi và còn lộ vẻ ngạc nhiên như điều mình nói thật đến thế mà sao mọi người lại cười cợt không tin.
Khi Thái Úy bước vào trú sở thì đã thấy viên tùy tướng đang quát mắng một tên quân cấm vệ ở đội Bảo Thắng. Tên này hình thù dị hợm, hai tay bị trói giật cánh khuỷu.
- Chuyện gì đấy?
- Dạ, bẩm Thái Úy, tên này ăn nói quàng xiên, hỗn láo dám phạm đến Thái Úy.
- Hắn nói thế nào?
- Dạ, bẩm con không dám nhắc lại.
Thái Úy quắc mắt nhìn tên cấm vệ: - Ngươi có dám nhắc lại những điều ngươi vừa nói về ta không? Nói đi!
Tên cấm vệ thản nhiên nhìn thẳng vào Thái Úy: - Xin tuân lệnh! Nghe đồn Thái Úy có ba tội. Tội thứ nhất vì muốn lấy lòng Tiên Đế, Thái Úy đã phá tan nhân duyên của người ta, đem công chúa Thiên Thành gả cho kẻ khác. Tội thứ hai, vì ghét Hoàng Hậu Thượng Dương, Thái Úy đã hạ bệ Người…
- Còn tội thứ ba?
- Tội thứ ba, vì tranh quyền đoạt chức, Thái Úy đã đày Tể Chấp Lý Đạo Thành đi châu Hoan.
Lão tướng Trần Nậm ở đằng sau nhà vừa bước ra, vội dừng lại. Từ xa Trần Nậm đã nhận ra Địa Vân, người lính cấm vệ ngang tàng mà ông đã gặp trong nhà quan Thái Bảo Nguyễn Châu. Lần này ông thực sự lo lắng cho số phận của gã. Nghe gã nói mà ông thấy tháo mồ hôi hột. Ông tưởng chừng như đã nghe tiếng quát “Chém!” của Thái Úy vang lên khi gã vừa dứt lời. Nhưng Thái Úy điềm tĩnh nghe xong lại quát quân hầu cởi trói cho gã. Đoạn Thái Úy bảo viên tùy tướng bê ra một cái mâm trên đặt hai tấm đoạn, hai tấm vải quyến và sáu trăm đồng tiền.
- Đây, ta thưởng cho ngươi. Ngươi biết ta thưởng vì cái gì không? Về chuyện ngươi dám nói thật. Bình sinh ta rất thích những lời nói thật. Mai đây, triều đình sẽ có sắc chỉ cầu người nói thẳng, nói thật. Hơn nữa, lời nói thật này có thể làm ngươi mất đầu mà ngươi vẫn cứ nói. Vì vậy, ta thưởng ngươi gấp bội. Còn điều ngươi nói đúng hay sai thì tự ngươi phải ngẫm nghĩ, tra soát lại rồi sẽ đến trả lời cho ta biết sau.
Địa Vân chợt như tỉnh rượu. Gã luống cuống xòe hai bàn tay vừa được cởi trói, ngập ngừng nhìn hết bàn tay này sang bàn tay nọ. Giọng Thái Úy cất lên: - Vậy ta hỏi ngươi, bão là tốt hay xấu, có lợi hay có hại, Ngươi trả lời cho ta xem nào.
- Dạ, thưa Thái Úy, bão lụt là thiên tai thì chỉ có xấu, có hại chứ tốt thế nào được ạ?
- Thế ví thử nước ta đang bị hạn hán. Ruộng đồng nứt nẻ toang hoác. Bỗng có cơn bão thổi, đem mưa đến. Dân có nước cày cấy. Cơn bão ấy tốt hay xấu?
- Dạ, thế thì lại tốt ạ - Địa Vân lúng túng trả lời.
- Dĩ nhiên là gió bão có làm đổ cây rụng lá và đôi khi làm long cửa bay ngói trên mái lầu của một vị quyền quí cao sang nào đấy. Nhưng không vì thế mà cho cơn bão ấy là xấu. Muốn biết xấu hay tốt là phải nhìn vào cái lợi chung chứ không chỉ nhòm vào cái hại riêng mà đánh giá được. Ta nói thế để ngươi suy nghĩ. Còn bây giờ… - Thái Úy nhìn thẳng vào mặt Địa Vân hồi lâu – Ngươi đã có khẩu khí như vậy, ắt phải có chút tài. Nếu ngươi quả bất tài mà dám lớn tiếng khinh mạn quan trên thì tội ngươi đáng phạt 50 trượng, lột áo cấm vệ, đuổi về quê quán.
- Dạ, bẩm Thái Úy – Hắn nhỏ giọng xuống – Kẻ hèn này cũng có chút tài mọn đúng như cái tên thiên hạ thường gọi.
- Vậy ngươi tên gì?
- Dạ tên Địa Vân. Nghĩa là mây trên đất.
- Mây trên đất! Thế là tài gì?
- Tài loan mâm ạ!
- Có lấy được thủ cấp quân địch không?
- Dạ, chỉ lấy cặp giò thôi ạ.
Nói xong, Địa Vân lần tay tháo cái vật đeo đằng sau lưng xuống, cởi lần da thú bọc ngoài để lộ một chiếc mâm đồng cổ quái. Chiếc mâm này chỉ có hai chân, giữa đúc bằng đồng thau thành mâm bằng loại kim khí khác, mài sáng quắc hơn dao cau. Đến bây giờ Thái Úy mới kịp để ý đến loại binh khí kỳ quặc này. Địa Vân bước ra ngoài và ngỏ ý mời Thái Úy đi theo gã để xem gã thi thố tài năng.
Đến miếng đất trống chung quanh có cây cối mọc lúp xúp, Địa Vân đứng trụ bộ lún người xuống, vung mâm. Chiếc mâm loang loáng quay tít trong tay gã, mỗi lúc mỗi nhanh. Tán mâm quay sang phải tràn sang trái, loang rộng ra bốn phương tám hướng. Người gã tròn như quả cầu lăn theo bóng mâm chập chùng, lúc ẩn lúc hiện trong quầng mâm dày đặc trông xa trắng xóa như đám mây chiều lợp trên đất. Bỗng gã thét lên một tiếng, bóng mâm lao thẳng vào bụi cây bên cạnh. Dường như có tiếng thân cây khẽ rùng mình, ngơ ngác trong khắc giây rồi lặng lẽ đổ xuống. Đường mâm đi xén ngọt cây lá bằng bặn như dao tiện.
Thái Úy cười hể hả vỗ vai Địa Vân: - Ta từng nghe mang máng có người nói đến dũng sĩ loan mâm, nay mới được thấy tận mắt. Vậy phép loan mâm này, tráng sĩ có truyền lại được cho kẻ khác không?
- Dạ được. Nhưng phải chọn người có cốt cách.
- Hay lắm. Ta sẽ để tráng sĩ tự ý tuyển chọn người cho hợp mắt mình nhưng con số không quá một trăm. Ta sẽ tâu lên Thánh thượng cho lập một đội dũng sĩ loan mâm, phiên chế ghép trong đội quân Cấm Thành và lấy tên đội là Bảo Vân. Tráng sĩ sẽ làm đô trưởng. Vậy ý tráng sĩ thế nào?
Địa Vân chắp tay vụng về cúi đầu bái tạ. Điều gì Thái Úy đã quả quyết là phải làm ngay. Sau khi lão tướng Trần Nậm chạy đến ôm Địa Vân, lắc mạnh đến sái vai gã để chúc mừng, gã lững thững ra về, lo thu xếp bắt tay vào công việc mới.
Trời chiều muộn không một hơi gió. Dải mây thành sừng sững kéo một vệt đen sậm từ chân Nham Biền đến chóp núi Tản Viên. Địa Vân thoáng nghe tiếng một cụ già bảo với ai đấy: - Có bao giờ tiết ngâu mà mây đóng thành, đóng lũy thế kia. Dễ chừng hơn bốn mươi năm nay, lão mới lại thấy nó đấy.