Chương 20

Chiến tranh nam bắc xảy ra ròng rã hơn 20 năm và vẫn còn đang kéo dài. Hàng đêm, súng từ xa vẫn nổ dòn, tiếng bom đạn ầm ì nơi những làng mạc xa xôi, bầu trời rực sáng bởi ánh hỏa châu tỏa rộng. Ngày cũng như đêm thành phố sáng trưng như cố ngăn chận mọi cuộc xâm lấn của kẻ thù... Người ta không còn bỡ ngỡ khi thấy đám tân binh càng ngày càng trẻ. Lệnh động viên với sắc luật mới được ban ra. Các học sinh rời vội ghế nhà trường trong nuối tiếc bạn bè sách vở và tuổi thơ để thay thế cho những đàn anh, những người đã đi trước và đã nằm xuống.
Chiến tranh nhồi trong đầu óc thơ ngây một hãi sợ, một hận thù. Chiến tranh biến tình cảm con người thành chai đá lạnh lùng. Mảnh khăn sô trắng trên đầu người góa phụ trẻ, trên đầu những đứa con thơ còn ẵm ngửa không đủ làm chao động lòng người vì tất cả ai ai cũng gần kề với sự chết, chấp nhận giữa sống và chết không có một khoảng cách rõ rệt.
Làng thôn tràn nhập dấu tích chiến tranh tàn phá đã đành mà ngay đến thành thị cũng mang đầy đổ nát. Nay cao ốc này bị đặt bom mai nhà hát lớn kia bị khủng bố. Những kho chứa đạn dược khí giới cũng đua nhau phát nổ vì đặc công phá hoại. Nhìn từng cụm khói đen cao ngất trời, nghe những tiếng ầm ầm như xé rách màng tai; nước mắt người dân đổ ra... tiếc nuối vì đó là công sức mồ hôi, là những hột thóc no tròn bị bớt xén, được hạn chế trong mỗi bữa ăn.
Chiến tranh đã tàn phá trên thân thể và đầu óc phát triển của con người. Không ai dám nghĩ trong vài mươi năm nữa thế hệ trẻ sẽ đi về đâu khi những thai nhi mang quá nhiều ảnh hưởng của đau khổ, nước mắt tang tóc và hơi độc từ bom đạn thuốc caỵ Các trường học sẽ biến thành nơi cứu thương, nơi tạm trú khi dân chạy loạn từ xa kéo về; rồi phố xá chỉ còn những người già ngơ ngác; những thương bệnh binh với thân thể không lành lặn tập dạo chơi hoặc độc tấu những khúc nhạc buồn cho quê hương...
Mọi người đều mong chờ hòa bình nhưng hòa bình đã đến trong tuyệt vọng khi chiến tranh đột ngột thay đổi -- như một thế cờ, một ván bài cho các nước đàn anh -- mà con cờ miền nam đang tiến bỗng chốc phải lùi. Nguyễn văn Thiệu bỏ nước chạy trốn, Dương văn Minh giương cờ trắng đầu hàng vô điều kiện. Kẻ nắm đầu vận mạng quốc gia lủi đầu chạy trối chết để giữ mạng sống bỏ lại con dân hốt hoảng trong niềm sợ hãi. Những thùng phuy đất đặt dọc trên xa lộ để ngăn ngừa quân địch giờ khép nép run rẩy trước đoàn thiếp giáp hùng hổ tiến vào thành phố. Ngoài đường tràn ngập bộ đội chính quy, cờ đỏ sao vàng được dương cao mọi nơi chốn theo gió phần phật bay như một biển máu. Biển máu cuồn cuộn chảy vào tận hang cùng ngõ hẻm mà không một sự chống đỡ bảo vệ; binh lính buông súng đầu hàng trước phẫn uất căm hờn.
Tiếng súng không còn nổ vang, đèn hỏa châu cũng không còn thắp sáng. Một quái thai hòa bình xuất hiện. Ngàn vạn máy phóng thanh với lời giải phóng; với những bài ca chào mừng chiến thắng, ca ngợi bác Hồ làm những người điếc cũng phải nghe thấy. Người dân đăm chiêu nhìn ra đường phố để chờ xe tăng xuất hiện hòa cùng một điệu nhạc rợn người. Mảnh xích sắt bọc vòng bánh xe cày nát mặt đường và cày nát lòng dân. Người ta đã tiên đoán được những gì sẽ xảy ra trong xã hội chủ nghĩa, một xã hội với nhân dân làm chủ của chủ thuyết Mác Lê Nin, một xã hội với đấu tố 54, với một bình đẳng san bằng của tư để trở thành của công v.v... Cho nên người dân đã lần lượt kéo nhau đi, một số mang vũ khí vào rừng sâu cố thủ; một số liều mạng vượt khơi tìm bầu trời tự do và may mắn sao trong rừng người chen lấn đó người ta thấy Nhung, sau hơn tháng trời bỏ nhà ra đi.
Bỏ ra đi Nhung vẫn mang ý định sẽ có ngày trở lại dẫn con về ở với nàng sau khi tạo dựng được chỗ ở và công việc làm vững chắc. Không quen làm lụng vất vả lại chẳng có nghề nghiệp chuyên môn, Nhung lang thang xuống tận vùng Rạch Sỏi, Vũng Tàu và được nhận làm cô giáo làng. Ai ngờ con tạo xoay vần, ngay hôm Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng; gia đình kế bên có chiếc thuyền nhỏ đi đánh cào hấp tấp gọi nàng sang và rủ nhau ra khơi tránh bom đạn pháo kích. Trong nỗi kinh hoàng của cuộc đổi đời, Nhung quên hẳn đàn con dại khờ, quên cha mẹ họ hàng, quên cả người yêu để bước chân xuống thuyền nhắm mắt phó mặc cho số mệnh; một số mệnh mà Nhung tin chắc chỉ có bàn tay của Thượng Đế mới định đoạt được...
+++
Thấm thoát đã 7 năm nơi đất Mỹ, Nhung thấy cuộc sống vẫn nối tiếp đều đều với một job nhàn hạ đủ ăn tiêu chi phí hàng tháng. Khu nàng ở khá sang và yên tĩnh vì nằm trong vùng ngoại ô nhưng lại bất tiện cho mỗi ngày lái xe đến hãng. - Đi về phải mất hơn một tiếng - Hãng Nhung đang làm là của tư nhân. Một công ty xuất nhập cảng đồ gốm và đồ xứ. Nhung có hoa tay lại khéo léo nên lãnh công việc hết sức nhàn hạ. Mỗi buổi sáng, người làm công đẩy những chiếc bình cao cổ thật bự - sau khi đã tráng men - vào trong phòng Nhung làm việc. Nàng khoác thêm chiếc áo choàng bên ngoài cho khỏi dính sơn rồi bắt đầu vẽ tỉ mỉ trên miệng, trên chân bình hoặc những hình thù theo mẫu đã có sẵn. Một ngày trung bình Nhung làm xong từ 20 đến 25 bình. Một năng xuất khá cao nhưng số lương cố định vì công việc chỉ tính theo giờ.
Nhung không mấy bận tâm về tiền bạc vì ngoài nàng ra chẳng còn ai để mà lọ Đôi khi Nhung nghĩ giá có tiền cũng chẳng biết làm gì. Gia đình con cái giòng họ có đó nhưng đã mất tin tức từ ngày ra đi. Bao nhiêu thư đi nhưng chẳng có thư lại, quà cáp gởi về cũng im lìm không hồi báo. Chẳng hiểu gia đình nàng dọn đi nơi khác hay địa chỉ mơ hồ không nhớ rõ. Có nhiều lúc mơ mơ màng màng như con cái mình còn quanh quẩn đâu đây, Nhung đã mang đầy hy vọng khi nhắn tin đăng báo trong mục tìm thân nhân. Hy vọng càng nhiều để thất vọng càng dâng cao...
Và rồi bẩy năm qua, 7 năm lưu lạc, 7 năm đánh mất tình thương mất luôn cả tình mẫu tử. 7 năm Nhung luôn luôn mang nặng mặc cảm thiếu trách nhiệm và bổn phận làm mẹ. Tâm tư dày vò, lương tâm cắn rứt. Giá đừng có ngày hôm ấy và giá Nhung đừng hơn thua tranh chấp với Tùng thì giờ này nàng đâu phải áy náy mỗi khi ngồi bên mâm cơm thịt cá ê hề, của ăn đổ đi không hết. Giờ này các con nàng ở đâu khi bố chúng bị bắt đi tù cải tạo. Bà Phán Ngôn sao tránh khỏi cảnh bị tịch thu tài sản vì là cha mẹ của nguỵ quân ngụy quyền, vì có nhà cửa tiền của cao ngập như núi. Tiền bạc làm mờ mắt con người, làm kẻ thấp hèn kém cỏi ganh tị và làm những người có thù oán khi xưa nổi lên đấu tố. Nhung rùng mình... cảnh đấu tố điền chủ 54 vẫn còn đó qua những báo chí sách vở, qua những mẫu truyện phơi bày từ miệng của những người miền Bắc di cự Bây giờ có văn minh cải tiến hơn thì mục tiêu vẫn không thay đổi. Chiến tranh nam bắc sở dĩ kéo dài chỉ vì Cộng Sản quyết đi theo một lý tưởng: san bằng tài sản và bần cùng hóa nhân dân.
Để trả lời cho chủ nghĩa Mac Lê Nin, nhân dân 3 miền đã và đang lặng lẽ bỏ nước ra đi. Quốc tế lên án nhà cầm quyền Cộng Sản Bắc Việt... Nhung thở dài... chiến tranh làm cửa nát nhà tan đã đành. Bây giờ không còn chiến tranh nữa mà gia đình vẫn ly tán. Những sĩ quan bị bắt đi học tập cải tạo có một số đã được thả về vì không còn sức lao động; một số liệt, bệnh hoạn được nhà nước khoan hồng cho xum họp với vợ con để khỏi phải chôn. Còn Tùng bây giờ ra sao? Sĩ quan cấp tá khó lòng sống sót vì bị đẩy ra tận miền Bắc. Sơn lam chướng khí, gió độc, ngộ nước, thiếu thuốc men, thiếu dinh dưỡng...
Nhung không dám nghĩ nữa, không dám đọc nữa dù tin tức hàng tháng qua báo chí từ các nơi gửi về cho nàng vẫn đều đặn. Sự khổ ải vì bị đày đọa của các người học tập cải tạo cho Nhung những xót thương nhưng không vì thế mà giảm đi lòng thù hận đối với chồng. Hận Tùng, Nhung còn hận lắm, những vết thẹo trên thân thể nàng dù có xóa mờ nhưng vết thẹo trong tâm tưởng mới đáng sợ. Nó chai lỳ khô cứng theo ngày tháng. Ngoài Tịnh ra nàng vẫn còn ghê sợ đàn ông...
Nhắc đến Tịnh, Nhung lại bàng hoàng, suốt những năm dài không tin tức gì, chẳng biết Tịnh sống chết thế nào. Tuy nhiên tình yêu vẫn như hơi men quyện trong rượu. Rượu không men không thể làm cho người ta say, không tạo hương vị nồng caỵ Rượu không men thì không thể gọi là rượu, cũng như trong tình yêu không có Tịnh thì chưa hẳn Nhung đã biết yêu.
Bẩy năm rồi! Nhung ngẩn ngơ... như mới ngày hôm qua hôm kia, cảm giác ngất ngây vẫn còn. Vòng tay đê mê như quấn quýt đâu đây. Mùi da thịt... Những ân tình... Đầu Nhung quay quay, váng vất. Có phải tình yêu đã mang đến cho con người một sức chịu đựng dẻo dai? Bao quyến rũ chung quanh mời mọc, bao ân tình bị Nhung bỏ quên để rồi đêm về khi đối diện với cô đơn Nhung mới thấy nỗi buồn òa vỡ. Cô đơn... Đau khổ... Nhớ thương cứ mãi loang dần...