Đầy giời mây đen sì. Từng đàn người bóng cũng đen ngòm, xiêu vẹo bồng bế nhau qua đường cái quan. Có bóng bồng con ngã vật xuống. Có người đã chết cứng, hở xương vè, bụng bẹp gí. Có em bé còn thoi thóp, tay vẫn để ngực mẹ. Bà Can "sứt tai" không còn gì bán, gian hàng của bà gió tốc tả tơi. Tôi bước vào, giật mình: sáu người ngã chồng lên nhau chết tự bao giờ. Còn người đàn ông đang nằm thở hắt ra. Chắc là cô vợ, còn trẻ đang bế con ngồi cạnh. Em bé gái chừng lên ba, há miệng gào nhưng không ra lời. Miệng em xanh lè màu rau cỏ. Bỗng người mẹ từ từ ngã xuống, rời con khỏi tay. Ba chân bốn cẳng, tôi chạy về gọi dì Dụ. Dì hiếm hoi, sinh được hai đứa con, chết cả. Ngày nào dì cũng ra đường tìm xem có đứa nào nuôi được thì xin về. Lần nào về, dì cũng lắc đầu: - Đứa nào cũng sắp chết, nuôi làm sao, cứu làm sao mà mang về. - Con bé này xem ra còn khỏe, chắc là dì ưng. Nghe tôi nói, dì chạy ra. Cái khăn mỏ quạ bay tung khỏi đầu. Tôi chạy theo. Bố nó đã tắt thở hẳn. Mẹ nó đang ngáp, không nói được. Xem qua, dì nói to: - Cho tôi nhớ! Mẹ nó gật đầu, mắt bừng lên và dào hai hàng lệ rồi xuôi tay, tắt thở. Tôi giải chiếu manh, đặt nó ngồi giữa sân. Dì giục tôi nấu cháo rõ nhanh. Con bé cởi truồng, mặc cái áo nâu đụp dài đến đầu gối. Nước da nó trắng xanh. Đôi mắt tròn đen láy. Cái bụng to vượt mặt. Cái rốn lồi ra. Đầu bị trốc như cơm cháy, tóc rụng đâu cả. Dì bảo: "Nó được no nê thì nó đẹp lắm đây". Dì cởi áo nó ra. Chao ôi! Những nốt ghẻ đầy mình. Nốt đã vỡ. Nốt đang mưng mủ. Nốt mới mọc. Tanh ngòm. Cái áo. Cái áo đầy rận. Những con rận trắng, bụng cũng lép kẹp, bò ngổn ngang, nép vào những đường khâu. Con bé còn máu đâu, nên chúng đói. Dì bảo tôi đem đốt áo. Tôi rút nắm rơm, châm lửa. Rơm cháy bùng, chiếc áo vừa vứt vào, lửa cháy lem lém, khét lẹt. Mùi áo cháy hay mùi rận cháy? Nghe tiếng lép bép, lép bép... Tiếng nổ của thóc lép thay tiếng nổ của rận? Dì mặc cho con bé bộ quần áo hoa của cái Thiết. Cái Thiết khi chết cũng vừa bằng con bé này. Người nó tuy ghẻ, nhưng khi mặc bộ quần áo trông nó khác ghê! Nồi cháo đã dừ. Tôi cho muối, nếm thử, bưng ra một bát ô tô. Vừa nhìn bát cháo, nó giẫy chân đành đạch, hai tay giơ ra. Nó đòi ôm cả bát cháo. Dì bảo "Nóng quá, nóng quá, giấu đi nguội mới cho ăn!". Tôi bưng bát cháo vào bếp, thổi phù phù. Nó nhổm đít nhưng không đứng được. Nó gào không ra tiếng. Bát cháo còn âm ấm. Tôi bưng ra. Mắt nó long lanh, nhổm đít giơ hai tay. Tôi bón cho nó từng thìa, nó nuốt ực. Không kịp bón. Không! Nó ôm choàng bát cháo húp lấy húp để, giàn giụa ra áo. Cháo chảy xuống chiếu, nó cúi rạp xuống, nó liếm. Tôi khóc. Nó húp hết bát ô tô cháo. Nó khóc. Nó liếm bát. Tôi khóc. Dì bảo: "Cho nó ăn từ từ. Nhiều người đã chết bội thực". Dì bảo: "Cháu trông nó. Dì đi một tí". Dì đã về, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Dì ôm một bó lá. Lá nào cũng xẻ ra làm ba: lá xẻ - ba! Mới trông như lá sắn. Dì cho vào nồi, ninh lên. Nước đặc cắm tăm như nước chè tươi đặc. Tôi nếm thử, đắng từ đầu lưỡi vào họng. Dì hòa nước giếng, gội đầu cho nó, dì gội khắp người nó, kỳ lấy kỳ để. Nó cứ há hốc miệng gào không ra tiếng. Dì lau khô tất cả. Những nốt ghẻ se lại, vỡ ra, se lại. Dì tắm cho nó lần thứ hai, những nốt ghẻ đã ngậm miệng. Nó chỉ tay xuống vườn. Tôi bế nó. Nó đòi ngồi xuống. Phân nó xanh lè. Sau đấy là phân vàng lẫn cả giun. Sau đấy là phân lỏng... Dì bảo: "Nó bị giun rồi. Nó lại đi tướt rồi". Dì chạy đi gọi bác Trác. Bác Trác cho thuốc nam. Bệnh đã đỡ, ghẻ đã khỏi, tiếng hết khản, nhưng nó lại chuyển sang bệnh khóc, bệnh gào, gào to lắm, vọng cả sang làng xóm, cả đêm và cả ngày. Chú không dỗ được. Dì không dỗ được. Tôi thì chịu quá! Dì đi làm đồng. Chú đi chơi. Tôi bế ẵm nó. Hết đứng lại ngồi. Con ếch tha con nhái. Nó gào mệt lử. Nó cứ chỉ tay huyên thuyên. Nó chỉ ra đường quan. Tôi sực nghĩ. Nó nhớ bố mẹ nó. Bố mẹ nó đã ai chôn chưa? Tôi ẵm nó, vỗ vỗ vào lưng, nằm trên chiếc võng đay. Cái ngủ mày ngủ cho lâu Mẹ mày đi cấy đồng sâu chửa về... Nó ngủ thật. Câu ru đã đánh lừa nó. Tôi khóc. Dì đi làm về, vừa đến cửa đã nói toáng: "Thế nào? Em có ngoan không?". Nó choàng dậy, lại khóc. Dì bế, nó vẫn khóc. Dì bảo "Nó lạ hơi đấy!". Tôi sờ quần, áo ươn ướt. Dì bảo: "Chết rồi. Nó đi kiết". Dì lấy lá mơ tía trộn lòng đỏ trứng gà cho nó ăn. Nó không ăn. Dì lại đến bác Trác. Bác Trác bốc thuốc. Bác Trác đến xem bệnh. Bác không nói ra, nhưng bác lắc đầu. Trước nó ăn nhiều bao nhiêu; bây giờ nó ăn ít bấy nhiêu. Cháo bột, thịt nạc, nước mắm Vạn Vân chứ có phải chơi đâu!... Vài hôm sau. Gái chết. Dì khóc như khi khóc cái Tha, cái Thiết hai con của dì đã chết. Gái teo lại. Ông Dực sang, đóng cho cái ván. Cái ván chỉ bé bằng cái hòm quần áo. Gái nằm gọn lỏn. Đám ma không trống không kèn. Bác Dực bê hòm trên vai đem ra chôn ở cái xoi trước nhà. Chỗ ấy, hai đứa con của dì đang nằm. Dì bảo: "Để ba chị em nó nằm cạnh nhau". Bác Trác nói: "Cô, chú hãy nín đi. Còn khổ! Năm nay là Ất Dậu. Năm "con gà". Gà có làm ta đói đâu. ấy thế mà khổ. Nín đi. Khóc mãi làm gì!". Khuya, chú và dì thắp hương. Bây giờ chú mới chợt nghĩ ra: Tên cúng cơm của nó là gì? Quê nó ở đâu? Rồi chú bảo: "Thôi thì cứ gọi nó là Gái. Cứ thế mà khấn mà khứa!". Dì khóc sưng vù cả mắt. Cứ sáng sáng, chiều chiều đi qua xoi, dì lại gào: - Gái ơi! G...á...i...!