Chương 21

Bay khỏi thôn Nhơn Thọ một quãng, chiếc C.47 lừ lừ vòng lại.
Đít nó xì một luồng khói đen dài. Tôi nín thở, nhớ ngay mấy lần cứu độc ở vùng ven núi. Chú Dé vẫy vẫy, ném cho tôi cái bao nhựa trong lắp túi lọc không khí, treo bán nhiều ở các chợ vùng giải phóng. Địch muốn diệt ngay Tam Sa bằng hơi độc ư? Khó tin…Cái đuôi khói đứt rời, nở dần, loãng màu khói xám, hiện những chấm li ti như cặn bùn, rồi như hạt cát, càng xuống thấp càng trắng ra, hứng nắng nhấp nháy. À, truyền đơn. Bốn đám mây truyền đơn trùm lên các thôn Tứ Nhơn, Gió hây hẩy thổi, từng tí một vẫn lùa gần hết bấy nhiêu tấn giấy ra đồng. Lâu nay tụi nguỵ chỉ dùng L19., rải ban đêm “cho dân chúng dễ luợm”, sáng ra mặt ruộng phủ trắng những lá bèo chữ nhật lạ mắt, trẻ em ra mương ỉa khỏi phải bứt sẵn lá mua mang theo.
Thằng C.47 quần hình bầu dục, dòm. Rồi nó lấy đường nhựa làm cữ, bay thấp hơn, đùn ra bốn luồng khói khác. Hình như cố ý sao đó, ngọn gió nồm bỗng dứt hẳn. Bầy bướm chết cứ vậy lúc lắc rụng xuống mặt đường đen, biến nó thành tấm vải rằn dệt ô nhỏ. Gay hơn nữa là súng dưới đất bắt đầu nổ lốp bốp khi nó sà lần hai. Nó vẽ thêm một số 8 do dự trước khi quay về Chu Lai. Chúa đã theo Việt Cộng rồi ư?
Tôi đang cười thằng tâm lý chiến, chú Dé bỗng gọi nhỏ mé trên:
- Mỹ lên, anh Thiêm!
- Gì?
Dé đưa tay chỉ phía núi Sàm. Tôi rút súng ngắn, lách bụi đi tới lom khom. Dé trao cho tôi cái ống dòm:
- Mỹ chỗ trắng kia, bằng nhau nhiều con kiến.
Cứ tưởng tụi thám báo sục lên trái đồi chúng tôi đang núp!
Một cánh quân khá đông từ Chu Lai đang băng trảng cát keo đến ấp cô Tươi. Chừng sáu trăm lính bộ. Mười sáu xe M.113, có bốn chiếc phủ bạt đi cuối, chắc để chở đồ ăn uống và lượm tụi say nắng, chờ trực thăng đến bốc. Hành quân tuần tiễu sau lưng quân nguy thôi, mà Mỹ làm như cố chọc thủng vòng vây Việt An, dùng hat u mở đường, đội hình tản rộng, tiền vệ trắc vệ đủ hết. Có thể chúng lên tập trận, hay sẽ càn thẳng lên Nhị Lộc. Ấp cô Tươi có một tiểu đội du kích bí mật lâu nay ngứa ngáy vì bị khoanh vùng “chưa được đánh”', vừa rồi đã nhận lệnh sẵn sàng nổi dậy phá ấp. Chị S22, bác S24 và ngót hai chục cán bộ bí mật khác mạn Bắc Chu Lai đang nắm quân chìm, nao nức đợi giờ nổ lớn. Phía Bình Sơn cũng vậy. Căn cứ Chu Lai nằm lọt giữa một bãi mìn điện chôn rất kín, hai đầu dây nằm trong tay ta đang nhích dần tới khối pin.
Từ Tam Sa đổ xuống biển, hàng vạn người đang sốt ruột chung chung, chờ. Mới có ba người biết giờ đánh: Bí thư Tam Sa, cậu xê trưởng đặc công mới hăm mốt tuổi đang nằm trong xóm chị S22, và tôi. Sáng mai, trưa mai, tối mai, tin tối mật sẽ loang ra từng nấc, mười một giờ bốn mươi đêm mai sẽ bấm điện.
Cũng như ngọn đòn trả thù sau lụt, kế hoạch của tôi đưa lên bị vỡ vì quá chật. Nó phình lên thành một chiến dịch nhỏ. Đánh máy bay trong Chu Lai, đánh bến cảng, đánh sư bộ sư hai Nguỵ, cắt một loạt cầu trên đường Một, nhiều nữa. Riêng cái trận tốt lõi được giữ nguyên: C.125 sẽ diệt đại đội Mỹ đóng trên núi Sàm trong một cuộc đấu lê ban đêm.
Sau khi rà số quân địch quân ta như một tổ trọng tài khó tính, ban chỉ huy trung đoàn mới ghép cho xê mình ba mươi bảy chiến sĩ nữa để bù chỗ chênh lệch, nhưng không chịu thay những cậu đang sốt rét. “Bộ đội mình sức khoẻ vậy đó, súng ống vậy đó, không thêm bớt gì hết, dám một diệt một với Mỹ thì oánh! ”. Cả đại đội hoan hô rầm một góc rừng, lao ngay vào tập đánh đêm. Tiểu đội trưởng Thuỳ tung ra thuật đánh xẻng – cậu ta hết đạn, đã giết năm nguỵ ở Việt An bằng cái xẻng đào hầm mài bén ngọt – gây được phong trào rất mạnh. Tháo mìn định hướng, chống ra-đa, né pháo sáng, lấy M.79 bắn lại địch ngay … tất cả phải luyện xong trong một tuần.
Anh Ba Tơ nhường tôi chỉ huy. Tôi thú thật là không đương nổi, chỉ xin phép theo giúp anh thôi. Xa anh em ba tháng, cả đi đường và ở Tam Sa, tôi đã tụt hậu kha khá rồi, phải cay đắng mà nhận vậy. Trên bằng lòng. Xong trận này tôi sẽ về H68. dự tổng kết năm bảy ngày, rồi trở lại nắm xê mình.
Sau khi tiễn anh Năm Đông tới sông Rù Rì - anh đi thăm làng Cá suốt trưa đến tối, cậu Ri nảy ra sáng kiến dẫn anh xem địa đạo thật nhiều, nói chuyện với bà con đào hầm, tránh được loạt pháo chiều gần trăm trái – anh Điển đã kể thật với tôi:
-Nhiều nơi muốn rút cậu lắm. Quân báo, địch vận đòi căng nhứt, rồi tới ông tác huấn, ông Giải phóng xã, cả Hát sáu tám nữa. Ông Năm biểu đừng, cứ để cậu ở đơn vị lợi hơn, nhưng phải thúc cậu học nhiều và giao việc nặng. Ổng thấy cậu nhìn thằng Mỹ được chiều sâu mà thiếu chiều rộng, dân Mỹ chống chiến tranh rầm rầm, cậu lại cho lính Mỹ ít chịu ảnh hưởng, ví dụ vậy.
-Tôi chưa thấy nét nào…
-Tất cả chúng ta đều chưa hiểu rõ kẻ thù mới, đang mò mẫm tìm cách nào đánh Mỹ ít tốn xương máu nhứt, thắng gọn nhứt. Võ đoán là dại. Tuy vậy, những quy luật chung vẫn không thay đổi. Cậu cứ vẽ một cái bảng giống như bảng Men-đe-lê-ếp trong hoá học, điền vô những nét về Mỹ đã nắm được, để rồi coi, trong các ô trắng sẽ lần lần ghi thêm: chống lệnh, chạy trốn, binh biến, đầu hàng!
Anh Điển vẫn là ông thầy năm xưa, sẵn sàng viết thư dài tám trang trả lời câu hỏi của một cậu học trò đã rời trường nhiều năm. Anh nói kín đáo, cũng đủ cho tôi hiểu rằng anh muốn rút tôi, còn anh Năm khuyên nên để tôi chiến đấu và mạnh dạn đề bạt. Mấy tháng qua anh khen tôi rất ít, đòi hỏi nhiều, nhưng đằng sau những câu văn điện tín giao thêm việc, tôi đọc thấy một ý lặp đi lặp lại: “Mình tin cậu nên mới giao”. Anh thương tôi kiểu ông cha nghiêm, và tôi thích thứ tình cảm gân guốc ấy.
Sở chỉ huy của anh Điển không đặt ở làng Cá, hòn đảo này dễ bị vây kín. Anh cắm nó trong một thung lũng rậm cây, lút giữa rặng núi chia đôi hai tỉnh Nam Ngãi, cận đường liên lạc giữa hai vùng Bắc và Nam Chu Lai. Trước khi chia tay, anh lại búng vào tai Mẫn:
-Thoát nạn lính cùi chỏ, nhớ làm gà ăn mừng nghen. Nội bấy nhiêu súng ngắn, cô thích có một cây Pê băm tám thôi!
Mẫn không mắc cỡ như tôi tưởng, nói bướng:
-Súng nào bắn giặc nhiều, cháu thương!
…Một cây trọng liên trên núi Sàm bỗng xổ đạn thông thống xuống phía Nhơn Phước, tiếp mươi trái cối 106,7. Cô Cang vẫn gài du kích bắn tỉa phía đó, nay đã ngừng, có lẽ địch nã theo con cầy con cáo nào thôi…Không phải. Các cỡ súng Mỹ rộ lên một lát, rồi hai chiếc H.34 đến quần trên đồn.
Anh em trinh sát dồn cả lên chỗ quan sát, chuyền tay nhau cái ống dòm. Xem Mỹ tắm dưới trực thăng phun nước mấy lần rồi mà vẫn tò mò. Tôi phải buộc các cậu tản bớt vào các mương xói, phòng một trái M.79 rải bất tử. Tôi đã thấy cảnh ấy nhiều lần dưới Chu Lai, ghi thêm được một thời cơ nện cối vào Mỹ và hạ trực thăng treo đứng, kiểu tắm có vẻ sang đấy, thật ra rất chán, bởi trận mưa giả bị gió cánh quạt thổi xuống rất mạnh, ban đầu xốc bụi mù mịt, về cuối lại toé bùn lỏng, đứa nào tắm xong cũng vấy bùn tới đầu gối là ít. Cũng như cái nạn nhà lầu thiếu thang máy thôi: Mẹ Sáu tin rằng dân thành phố ở gác năm gác sáu là sướng nhất, ăn ngủ ỉa đái trên đầu người khác mà!
Chiếc trực thăng thứ hai hạ xuống thu quần áo đi giặt đã rời sân đồn. Đại đội Mỹ bên kia co hết vào chỗ mát, chỉ còn thấy những lô cốt loang lổ màu sẫm và những bao cát trên đen dưới xám sau mưa. Kẽm gai đọng nước nổi thành chuỗi đốm sáng li ti. Mấy cây sàm còn sót lại cũng sáng từng chùm lá. Một trái đồi to nằm ven đường Một, mé trên, được gọi nâng đỡ là núi. Những cây sàm mọc qua kẽ đá, thân vặn vẹo nhám nhúa, lá nhỏ và rất dày, bóng như nón mới quang dầu, đã bị xốc trụi hết. Trong mươi ngày, tụi Mỹ dựng xong trên núi Sàm một đồn khá to, bằng quân nguỵ bắt dân làm kỳ cạch ba tháng. Chúng sẽ bị diệt trong vòng nửa giờ.
Trưa đứng bóng rồi. Tôi luồn dưới bụi mua định ngủ một giấc, chú Dé lại xuống gọi:
- Anh Thiêm, du kích…
- Đâu?
- Du kích chị Mẫn đi đánh, chưa xong qua đường xe sắt.
Tôi chồm dậy, bươn nhanh lên lùm gai bờm rậm sau lưng Dé, đón ống dòm.
Một múi gò bên trái che mất làng Cá. Chỉ thấy hai bóng người cắm lá rậm đang men các bụi cây đi xuống. Cặp tàu rà vẫn xoay như đèn kéo quân, gác trên ấp cô Tươi, vòng quần mở rộng gần tới Lộc Chánh. Chiếc thứ nhất vừa quay đuôi, hai bóng kia phóng ngay qua đường nhựa, chạy khom giữa các vồng khoai đắp rất to cao của vùng cát, lại thụp vào một cụm lá tránh chiếc thứ hai sà tới. Đằng sau họ vài chục thước, có hai người nữa. Rồi hai nữa. A, đội du kích Tam Sa chiếm Lộc Chánh! Tôi hiểu. Bọn biệt kích ở đấy đã rút đi dẫn Mỹ, trong buổi sáng bỏ trống quãng đường Một và cái ấp chiến lược đang rào lại nham nhở. Tin lên làng Cá, du kích ập xuống ngay. Chiều nay, cánh quân Mỹ sẽ thình lình bốc trúng than lửa. Vào đất Tam Sa phải toé máu phòi ruột cho coi. Đánh giữa vùng cát phẳng, địch vây bốn mặt, thiếu hầm hố, chọn được buổi chiều là hay nhất.
Chộp ngay thời cơ như thế, dám tấn công vừa liều vừa khôn như thế, tôi biết chỉ có Mẫn nghĩ ra trước. Năm Ri chưa tới cỡ đó.
Tôi bò thằn lằn thật chậm đến một bụi sim đằng trước, thẳng hướng lỗ châu mai bên núi Sàm ngó qua. Chúng bắn có lúc chứ.
Thấy rõ làng Cá rồi. Từ ngõ nhà cũ chị Biền nay bỏ trống, du kích từng đôi chạy đến gần đường sắt, núp, vọt qua cái ta-luy đắp cao, núp, đi men bờ bụi tới sát đường ô tô, núp, xẹt ngang dải nhựa đen và các bãi khoai, núp, tuồn vào ấp Lộc Chánh. Hai người đứng nép chỗ góc vườn nhà chị Biền dưới cây mít bị pháo chặt ngọn, chỉ trỏ. Bóng cây giữa trưa đen đặc lại, khó nhận ra ai. Một người nhô ra nắng, cái báng cong trên súng loé tia nắng. Mẫn đi à? Mẫn cũng đeo vòng nguỵ trang rậm lá không xăn quần đến gối như mọi khi – giấu vết thương chưa lành – chạy theo một cặp gần cuối. Người thứ hai tập tễnh đi vào làng Cá. Anh Luân ở nhà.
Ngõ xóm đã vắng.
Các vườn cau trong làng Cá thưa hẳn sau những trận pháo từ trăm quả trở lên, đất đỏ pha vàng hiện lỗ chỗ. Mỗi ngôi nhà biến đi để lại trên nền cây xốp ấy một cái giếng sâu, thành giếng sém nâu và đáy đọng tro đen nếu là nhà cháy, thành xanh đáy vàng khi chủ nhà tự tay dỡ nó, lấy gỗ lát địa đạo và tre lá dựng cái lều nhỏ trong bụi rậm. Làng gần hết sạch mái nhà. Ống dòm của tôi soi chéo xuống hòn đảo dài, chỉ gặp mảng ngói đen điểm trắng của mái đình cong võng, nhô lên đấy như người làm chứng già đứng kể tội giặc. Đường hầm dưới mười thước sâu đã thông hẳn. Bà con đang hối hả lắp cửa chống hơi độc, moi hố chống thả thuốc nổ, khuân xuống những chum vò chứa nước, gạo, than, mắm, dầu, cả sữa hộp và chõng buộc sào tre làm cáng cho người bị thương. Những người đào đất ngày đêm và chi chút lo cho cuộc sống trong lòng đất ấy, khi địch tràn vào sẽ ở lại bên trên giữ kín các miệng hầm, níu kéo không cho giặc phá làng. Cán bộ và du kích Tam Sa đã có thêm nhiều cây số rễ ngầm để bám chắc vành đai. Rễ chính có, rễ phụ còn mọc thêm mới, sẽ nối liền vùng Tứ Nhơn, vùng gò, xuyên qua đường Một…
Tôi bò trở về lùm gai bờm, lật mũ tai bèo ra lau mồ hôi mặt đầm đìa. Mồ hôi vã nhiều khi tôi xem Mẫn vọt qua Ta-luy đường sắt. Mẫn với tôi năn nỉ nhau đừng liều, cũng chẳng đi tới đâu. Mẫn sẽ đáp gọn lỏn rằng bí thư cần có mặt trong trận chống Mỹ đầu tiên của Tam Sa, rằng ném sáng kiến ra cho người khác làm thì khác nào mồm miệng đỡ chân tay, rằng “anh như em, anh còn xách súng chạy lên trước nữa chớ!”. Hoà cả làng. Ngủ thôi.
Ba giờ chiều, anh em lay tôi dậy. Cánh quân Mỹ ra khỏi ấp cô Tươi, lên Lộc Chánh. Đại đội biệt kích áo quần đen dẫn đầu. Rất tiếc, anh em đang khao khát bắn lính Mỹ kia.
Tới cách bờ đai ấp một cây số, tụi nguỵ tách sang con đường đất bên cạnh, tuôn lên nằm dọc đường Một như mọi ngày, xem kiểu đi đủ biết chúng mù tịt về ta. Quân Mỹ tản rộng, theo sau lũ M.113 vào ấp. Sướng rồi.
Chiếc xe đầu sùng sục băng cát, xốc hai luồng bụi trắng như rẽ bọt hai bên xích, hệt tàu đít vuông vào bờ. Tôi chăm chú xem nó, một mình nó. Nó chồm chồm trèo qua các luống khoai, nghiến hai vệt đen trên bãi mè rộng. Tránh đường. Cách cổng vào ấp chừng trăm thước, nó dừng lại, dòm. Vào ấp do nguỵ giữ, nếu húc bừa hàng rào thì bọn “da màu” sẽ cười Mỹ nhát, và có thể cãi bay nếu Mỹ dẫm mìn, tụi ac-vin(1) là chúa đểu. Hẳn nó nghĩ vậy hoặc thằng chỉ huy đằng sau nhắc vậy, nên nó leo lên mặt đường, xịt một hơi khói đen cạnh sườn, tỏ ý chẳng sợ, rồi cho cặp xích loang loáng ngoạm đất. Bầy xe ghép hình dẻ quạt, tiến theo. Lưng tôi lạnh dần. Cặp tàu rà xuống sát ngọn tre, nghiêng cánh xoay tròn. Mười bốn chiếc xe đầy lính tung bụi ùa tới, chĩa súng chơm chởm. Du kích không có súng chống tăng…Mìn? Mìn lớn đâu có đủ để chôn khắp các hướng. Anh Biền chuyên cưa bom đúc thủ pháo đã bị giết. Nếu có tôi trong cuộc, tôi sẽ…
Trái mìn nổ, không phì khói tròn mà phụt thẳng đứng, dựng cái lọng rất cao. Mìn lõm của Mỹ! Chiếc xe chồm như ngựa chứng, đổ nghiêng, bụi trùm kín nó. Chung quanh mấy chiếc đi gần bật lên những đốm lửa tung toé. Đòn phủ đầu khá lắm. Lựu đạn ném sai nhiều quá đấy Mẫn ơi! Súng trên xe bắn dữ. Hình như du kích thụp xuống hào tránh đạn. Đừng tránh Ri ơi, xe nó xóc mạnh, lính đang hoảng hồn thụp đầu, chồm lên mà đánh! Ri, kìa thằng Ri, coi đạn quạt vào lưng chừng cây tre đó, trúng trật gì, xốc tới mau! Tôi gầm nhỏ trong họng, rướn mãi tới. Cậu Lập nắm vai tôi kéo lại: “coi chừng nó thấy”. Nó nào nhỉ…Mày bỏ lỡ phút này, chết đó Ri…A, hay lắm! một bựng lửa khá to bùng giữa một khoang xe, cả khối sắt bốc cháy tức khắc, như khói đen biếc của dầu nhờn. Cát bay mù trời trước cổng ấp. Màn khói bụi vẫn đầy những tia lửa lằng nhằng. Của địch cả. Tôi suýt reo khi thấy chớp lửa to màu da cam của thủ pháo. Anh em luồn trong đám mây đặc ấy, nện tiếp. Rất khá, đừng xài đạn, để dành lát nữa, chỉ trái nổ thôi nghen Mẫn…
Làng Lộc Chánh đã ngập một nửa trong khói. Cối và phóng lựu M.79 của quân bộ ngoài trảng phóng vào như mưa đá. Nhiều đám cháy. Bốn chiếc trực thăng phản lực bay tới, quần do dự trên cao, chắc sợ trúng đạn cả đôi bên. Tôi xem mãi đến hoa mắt, phải trao ống dòm cho anh em, chợt thấy tim đập dữ và ngực đau, có lẽ tôi quên thở quá lâu. Các tiếng nổ nhập cục lại thành sấm đất, bây giờ tôi mới nghe. Tai còn vo vo bung bung. Người xem đá bóng lắm khi mệt hơn cầu thủ.
Cậu Lập thay tôi theo dõi trận đánh, hết ứ trong mũi lại ái đằng mồm. Tôi muốn gắt cho cậu ta im, sau chỉ hỏi:
-Tới đâu rồi?
-Nó phóng một loạt trái mù. Rút … Rút thiệt rồi.
-Mi-tăng(2)  thôi, hay là…
-Xe quay đầu. Quân bộ cũng lui... Gut-bai Vi-xi(3). Đường về Chu Lai còn xa lắm, co-ca-cô-lâ đã cạn từ lâu...
Tôi phì cười. Gần năm giờ, tụi Mỹ chuồn thôi. Pháo Chu Lai nổi gầm từng loạt. Giai đoạn thù vặt bắt đầu.
-Chắc đồng bào hỏi miết đâu rồi bộ đội.
Câu nói lơ lửng của chú Dé làm tôi nhói ruột. Thôi chết, lúc thường mang súng dài súng ngắn dạo khắp xóm, Mỹ lên đốt đuốc tìm không ra ông nào, tránh sao khỏi…Ai đó sẽ lên tiếng: “Cái tay Thiêm ăn cá uống bia lâu nay đó, đâu rồi ta”?. Ai khác cười mũi: “Hì, một tấc đến trời!”. Mẫn đỏ hai tai, nâng các-bin lên ngắm để khỏi nhìn quanh. Chẳng lẽ Mẫn kêu toáng: “Anh Thiêm đang theo dõi cái núi Sàm để tối mai khiêng chống chầu(4) về diệt, đừng nói bá láp!”'. Ừ mà cho đến nay tôi vẫn là phái viên của H.68 về bám Tam Sa, có gì khác trước đâu. Tam Sa đánh Mỹ lần đầu, cũng là trận chống Mỹ đầu tiên của khu vực Bắc Chu Lai, tôi đã để bao nhiêu kinh nghiệm vàng ngọc tuột khỏi tay! Rủi, rất chi là rủi, đành vớt vát thôi.
Trung đội trưởng Lập lãnh bộ phận này, nhưng vì tôi có mặt nên cậu cứ quên vai trò chỉ huy, nay xin trả lại cậu. Tôi chỉ mượn cây AK với hai trăm đạn, cây súng này làm tôi mừng sửng sốt khi bắn thử. Chú Dé đòi theo, tôi không chịu, chú xịu mặt ngay. Tiểu đội phó mà trẻ con vậy đó.
Tôi gặp Dé năm ngoái khi về chuẩn bị đánh đồn ở Trà Bồng. Chú dẫn tôi đi, đón tôi về. Tôi chưa thấy một ai có mắt, tai, mũi lạ lùng như Dé, tinh nhạy đến phát sợ, thua người chỉ cái miệng. Chú mến tôi, rồi mến xê mình, cứ nhất định “nhập ngũ anh Thiêm” thôi. Bao nhiêu lần chúng tôi đã trầm trồ với nhau: “Thằng nhỏ, đúng là trời sanh ra làm trinh sát!”. Cái đồi núi Sàm kia, chú đã vào ngoay ngoáy tới tận ruột nó tới bốn lần. Tôi hay chọc Dé là “khôn chợ dại nhà”, chọi với địch một ngàn mánh khoé mà ở với ta chỉ biết tít mắt cười hề hề. Cái cười ấy, cùng với bộ mặt bấm ra sữa và giọng Kinh chưa sõi đã giúp cho Dé được các mẹ cưng nhất trong xê mình.
Tôi về đến làng Cá lúc gần tối.
Đường làng đầy ngập những nhóm vừa đổi phiên địa đạo, lấm lem từ đầu đến chân. Hai người phủ bột đỏ, vác cuốc. Năm cô sàn sàn nhuộm bùn lỏng màu xám lợt. Một tốp nữa toàn đất sét vàng, trên khô dưới ướt. Giống nhau chỉ có bộ mặt vằn vèo muội đèn và bộ râu Hít-le đen kịt dưới lỗ mũi, tuy đã thắp dầu phụng cho đỡ khói. Bà con chỉ bàn thì thào – cách mạng miền Nam ai làm nấy biết, quen nếp rồi – mà cái khoái cứ xì qua giọng nói:
- Pim pim! Tránh xe ủi đất nghen!
- Chỗ đó rút tấm ván cầu, thằng nào nhảy xuống … éééo!
-Tò te là tum cốc...
- Nó tàu bay, mình tàu lặn, thử coi ai ăn ai!
Đội du kích chưa về. Nhiều cặp hát u th đèn dù và bắn như xay lúa dọc đường Một. Tụi nguỵ áo đen suốt buổi chiều dạt về mạn bắc, nằm giữa trảng cát cho máy bay dễ nhận, không dám đến gần ông bạn Mỹ vụng như gấu mà rất đa nghi. Bây giờ pháo đang nện gắt vào chỗ trảng ấy. Tụi ác-vin chết mặc kệ, miễn là chặn được đường lui của Vi-xi, chắc tên chỉ huy Mỹ nghĩ vậy.
Tôi bám anh Luân đi xem suốt lòng địa đạo, soát lại các cửa đã nguỵ trang rất khéo, xong còn ăn cơm nhà mẹ Sáu và tắm một chầu, đội du kích mới về. Anh em vòng hình chữ U vào phía Nam tránh pháo và trực thăng. Tuy đã thắng được những cơn sốt dồn dập, lúc này tôi vẫn đâm bổ ra đón. Một khiêng lúc lắc, võng buộc vào cây tre. Một cái đầu băng trắng. Cậu Diêu, Mười Diêu ở Nhơn Lộc hi sinh. Đã cho khiêng thẳng về làng. Địch hả? Mấy người đếm, ít nhất mười bảy, nhiều nhất hăm lăm xác, số nhào trong xe chưa biết được. Từng khuôn mặt lấm, cười loé răng, diễu qua cái luồng sáng đèn dù xen kẽ với bóng cây lá, ném cho tôi một câu hối hả. Các cô được tản đi tắm giặt trước, cánh con trai khiêng thưng và lo việc linh tinh. Phụ nữ làm bí thư có khác. Mẫn đi gần cuối, ấn luôn vào tay tôi một cái xắc cốt rộng và dẹt, nói như đang dở câu chuyện:
-Thầy Thiêm coi dùm đi. Nó rớt ra, cát lấp, bà con bới tìm súng mới đụng. Họp nhà xã Chinh, mười giờ…
Mẫn đi thẳng. Ngại tôi bắt bẻ, không muốn tôi thấy rách, bẩn, hay giấu một vết thương mới? Đố biết.
Năm Ri ẩy vào nhà xã Chinh hai tên trói ké, một đứng tuổi mặc bà ba đen, một trẻ mặc tây rất sang. Anh Luân thắp thêm ngọn đèn ve rượu bạc hà, soi lại hai bộ mặt tái xanh, gật đầu:
- Ngon rồi, bắt gọn không?
- Ụp xuống là tới thăm nhà lập tức. Thằng Hoè đang diện bảnh, dắt xe đi đón ông nội Huê Kỳ, bản đồ với thẻ công an chìm nhét trong quần lót. Thằng Cống làm heo, nấu xôi, để sẵn sáu két bia. Anh em đại liên một trận, dàn quân hơn tiếng đồng hồ Mỹ mới lên. Tài liệu chôn dưới chuồng heo, cả mớ vàng với tiền đây nữa.
Cậu ném ra gói giấy bạc một trăm mặt xanh mặt đỏ, và xâu nhẫn vàng chừng hai chục cái. Anh Luân xổ mớ thuốc rê xuống mặt bàn, lấy cái túi nhựa trong bỏ các thứ vào, thắt lại:
-Để giao Năm Tuất làm tiếp…Hỏi chưa?
-Rồi. Nó biết Mỹ sắp càn Tứ Nhơn, không biết ngày giờ.
Năm Tuất vào, “à” ngay một tiếng nhẹ nhõm. Vẫn rất củ mỉ, lớp lang, anh đọc cho hai tên điệp nghe giấy bắt của huyện. Thằng Cống buôn mắm. Thằng Hoè chích dạo(5), đã được bà con Lộc Chánh bám sát lâu nay. Thế nhưng chi uỷ không tin hai đứa này dò ra tông tích chị Biền. Ngay tôi là “cố vấn” đáng tin cậy cũng chỉ nghe Mẫn kể sau khi vợ chồng chị bị giết. Các đồng chí khác về vùng cát vẫn yên ổn.
Cũng chẳng phải thằng Chinh con “giết lầm hơn bỏ sót”. Không, hắn ăn gan chị Biền, uống say, nói toáng rằng mụ này mới kết nạp, gan đảng viên nằm vùng béo hơn đảng viên nhảy núi là nhờ “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, ở núi ăn lá thì gan dai nhách.
Vụ án chị Biền vẫn chưa tỏ. Tên địch giấu mặt nào đó đớp lấy một câu sơ hở như cá đớp bọt, lặn ngay, chưa mò ra.
Anh Tám Liệp đến sau, vẫn chững chạc trong bộ quân phục ka-ki, lẳng lặng đếm tiền, đếm vàng, rút giấy viết biên bản giúp Năm Tuất. Bàn tay anh có cái gì đó ngượng ngập khi đặt tờ giấy kín chữ trước mặt Mẫn: còn khi hỏi Tư Luân mấy việc gấp về kho lúa, anh có vẻ tự nhiên hơn. Anh chưa quen làm việc dưới quyền cô con nuôi. Cũng không quen chào chung một tiếng và rút êm để chi uỷ họp. Mẫn ngước nhìn theo ông chú đi ra cửa, chớp chớp, mắt hình như kín đáo thở dài.
Tôi đã hiểu vì sao anh Bảy buộc Tám Liệp phải ở lại Tam Sa để dọn những chỗ xả rác. Những cán bộ lâu năm như anh Liệp, công rất nhiều, khi sai cũng không ít tội, nhưng họ khác xa lũ Ba Thấn, họ đủ tỉnh táo để bước lùi trước cái vực đen của sự phản bội. Chiếc xe bò ì ạch thật đấy, nhưng khi nó chuyển thì lại vững và khoẻ hơn xe đạp gấp mấy. Tám Liệp đã chuyển. Anh về ở hẳn Làng Cá, xóm Đuồi, trong mươi ngày đã sắp xếp gọn đống bòng bong kinh tế mà Năm Tuất suốt hai tháng ròng không gỡ nổi. Bây giờ anh đi từng xóm giải quyết nốt số ruộng công, tổ chức làm mùa tháng năm. Những tiếng trách và giễu xung quanh lặng bớt, nhưng khen thì chưa. Ở nơi hằng ngày động đất này, bà con coi người trên việc làm. Không ai rỗi hơi để nhắc hoài chuyện cũ, cũng chẳng tội gì mà đi bốc thơm một cán bộ đã bỏ dân khá lâu.
Từ nãy tôi thắp đèn riêng một góc, trải tấm nhựa trên nền sạch, soạn lại xắc-cốt Mỹ. Khi mới tới, Mẫn đặt trên bàn một nải chuối tiêu to, mời: “các chú ăn nếm đi để cháu ăn với, đói kinh”. Một kiểu mời rất nông dân. Đợi chú Liệp đi khuất, Mẫn mới dám bẻ chuối ăn, vừa nhai vừa đọc biên bản. Ký xong, Mẫn dặn:
-Anh Năm xin trên một phần tiền, mua sữa trứng gửi cho hai cậu bị thương, mua thuốc cho du kích nghen…Nhắc ai giải tụi nó, hễ cởi trói cho đi ỉa như thằng Ba Thấn thì vô trại cải tạo luôn do…Đứng lấy du kích, một tổ phụ nữ vác dao phay đủ rồi, mượn vài trái lựu. Anh cầm luôn cái tờ em lấy cung hoả tốc hồi trưa, đây. Khiêng thương hai cáng sáu nguời…Dạ, anh đi.
Mẫn bẻ mấy trái chuối đem lại cho tôi. Ngoài sân ai đó kêu to “tàu rà”. Ở vùng tàu bay dệt cửi trên đầu này, hai tiếng được rút gọn thành “tơra” ấy mới đáng coi như báo động. Đèn tắt phụt, trong xóm đèn lửa vẫn để nguyên. Tụi tàu rà thuộc làng đến độ ban đêm có thể nhận ra những đốm lửa khác thường và gọi pháo bắn. Tôi quờ tay cầm chuối, nắm cổ tay Mẫn. Mẫn ghé sát tôi, giọng hơi lẳng và đậm mùi chuối chín:
- Thấy tụi em đánh không?
- Thấy, giỏi một cây. Năm-bờ-oăn(6). Băng chân…
- Rồi. Anh bớt nóng ruột chưa?
- Nóng chuyện khác thôi.
- Gì
- Lấy vợ!
Một loạt tiếng đập nồi đất trên không. Tôi buông tay Mẫn khi đèn chùm bật sáng, soi qua các cửa sổ đã tháo tháo hết cánh đưa xuống hầm. Một bóng người cao lớn nhô trước cửa chính, thở phì phò, chân tay quờ quạng như say rượu. Từ sau bóng lạ, tiếng Rốt chị dội tới:
-Chị Hai đâu? Có người hỏi chị Mẫn, hay anh Thiêm cũng được!
Mẫn ra cửa. Cặp tàu rà để nguyên đèn hiệu lượn trên làng. Cái bóng to ngồi thụp xuống thềm, lắp bắp:
-Toi…Xáng đây…
Tôi nhận ra chồng cô S.16... Mấy luồng sáng trắng quét qua một bộ mặt đầy vết máu chảy trên da nhợt. Áo rách thành mớ dài treo trên cổ, cũng vấy máu. Xáng hổn hển:
- Mỹ vô … hiếp vợ tôi…không chịu, nó đâm chết…
- Trời, con Tươi bị! – Mẫn kêu rít răng.
- Tôi trốn trong buồng, nhảy ra cứu, không kịp, tôi bóp cổ, cắn, đâm…
- Anh có sao không?
- Gai cùng mình…chạy qua bãi xương rồng…đáng kiếp, đau đáng kiếp…
Tôi thấy một chùm gai xương rồng xóc gãy trên vai Xáng, so le như chòm râu lạ. Xáng giết được một Mỹ, thoát, núp nhiều chỗ, ban nãy mò lên lại bị mấy thằng biệt kích nguỵ chụp bắt ngoài ruộng, cách bìa làng Cá ba trăm thước phía Bắc, vật lộn nữa. Xáng chạy được, chỉ bị gai lún sâu thêm vào thịt, đau dựng tóc. Địch không bắn theo. Trinh sát hay quân vây?
Năm Ri cho người đi tuần và giao út Hoà cứu chữa cậu Xáng. Cậu lắc đầu nói mãi: “Tại tôi, tại tôi hết…”. Bị gai xương rồng, phải tắm xà phòng thật sạch, lấy nhíp nhổ râu rứt từng cái một, các mũi gãy sâu thì để làm mủ mới nặn ra được. Tôi dặn nhỏ Út Hoà cho cậu uống một liều an thần. Mẫn ngồi vào bàn, tay chống cằm, nhắm mắt hồi lâu trong khi anh Luân nói cho Ri với Cang biết về cô Tươi.
Sau mấy phút choáng váng, tôi day chỗ bắp thịt rút đau trên má bên trái, cố dồn óc vào công việc. Tôi thắp đèn pin xem lại tấm bản đồ vùng Chu Lai trải rộng. Không có chữ hay dấu gì ghi trên ấy cả. Trong kẹp chỉ có giấy tờ linh tinh: Phiếu trả lương cho trung uý Rô-bớt S. No-ton, biên lai chuyển tiền, một số báo Sao và sọc, mấy cái thư, mươi thẻ kẹo cao su dài dẹt như quân bài tổ tôm xấp tư.
Tôi chợt thấy trên mặt nhựa cứng của chỗ đút bản đồ có chữ viết bằng bút chì mỡ đỏ. Chút nữa quên. Tôi gập tấm bản đồ thật đúng nếp cũ, khu vực càn hôm nay nằm trên cùng như trước. Nhét lại dưới lớp nhựa trong như kính. Những chữ đỏ nổi rõ ngay trên nền giấy xanh lá đầy các con số toạ độ và điểm cao.
Tên Mỹ ghi trên góc 26th – 3 pm.., khoanh tròn, kéo một đường vào Lộc Chánh. Đè luôn trên hình con cái quẫy của Nhơn Ái có đề 27th – 7 am. Hai mũi tên chĩa vào đấy. Mũi hướng đông có chữ ACars – Mar. Mũi từ bắc xuống đề ARVN. Trên gò Mù U còn thêm một cánh cung phòng ngự: Hel-Mar.
Tim tôi từ từ thắt lại. Tôi nghĩ một lát, cầm bản đồ tới đặt trên bàn cho chi uỷ xem. Anh Luân nâng kính dòm vào:
-Gì hè…Hăm bảy, tháng bảy âm. Nó cũng theo lịch âm ta hả?
Quân Mỹ đã đến Lộc Chánh chiều ngày hăm sáu, ba giờ, đúng kế hoạch. Sáng mai hăm bảy sẽ đánh vào làng Cá, tấn công hẳn hoi chứ không phải nghênh ngang đi tuần. Mũi đường Một lên có xe bọc sắt và lính thuỷ đánh bộ Mỹ. Mũi bắc giao cho quân nguỵ. Trực thăng sẽ đổ lính thuỷ đánh bộ xuống khoá gò Mù U. Còn vùng đồi hoang hẳn là giao cho máy bay và pháo nện vô tội vạ.
Năm Ri buột miệng:
-Mắt quá mắt thánh! Anh học hồi nào tài dữ vậy?
Anh Luân và Chín Cang cũng khen vùi. Mẫn im, mắt lóng lánh. Trong một phút, người nghe có thể tưởng đọc được tấm bản đồ còn quan trọng hơn đánh thắng trận càn ghi trên đó.
Tôi viết thư, giao Ba Tâm chạy đêm tới sở chỉ huy anh Điển trao cái kẹp. Mẫn đang tính lại số mìn với Ri, dặn với theo: “ở lại luôn đó nghe em, lỡ có hoả tốc…”. Tâm tảng lờ không nghe, phóng ngay. Chú ta là người của huyện kia mà.
Mẫn đằng hắng, nói nghiêm nhưng chỉ nhìn ngọn lửa:
-Chi uỷ họp nhận định về trận Lộc Chánh chiều nay, bàn cuộc chống càn sáng mai. Tôi mời đồng chí Thiêm dự, giúp chúng ta…
Tàu rà vẫn treo đèn dù trên vùng gò và đồng Tam Trân, sẽ thay nhau quần đến mai. Trực thăng rọi pha dọc đường nhựa phành phạch. Những luồng sáng lạ chạy không ngớt qua các lỗ hổng của nhà xã Chinh, tôi thoáng nghĩ tụi Mỹ soi pin tìm ác ôn. Chỉ có cối trên núi Sàm bắn ra chung quanh dàn pháo Chu Lai ngủ sớm để mai dậy sớm.
Hai giờ sáng, Ba Tâm ra bãi mìn mới đặt tìm tôi, đưa mấy dòng lổn nhổn chuyện buôn bán và cày cấy của anh Điển. Du kích Tam Sa phải cố chặn không cho Mỹ vào làng, nếu vào cũng không được đóng lại, để trận núi Sàm tối mai – tối nay đúng hơn – khỏi bị vướng đường tiến đường lui. Tôi sẽ ở lại giúp Tam Sa chống càn, kiếm kinh nghiệm luôn.
Nhất rồi còn gì!
 
Chú thích:
1. Tiếng Mỹ gọi quân nguỵ, theo chữ viết tắt ARVN “quân đội Việt Nam cộng hoà”.
2. Nghỉ giải lao giữa cuộc đấu
3. Tạm biệt Việt Cộng!
4. Đón bộ đội chủ lực
5. Tiệm thuốc rong
6. Số một, hạng nhất.