Chương 19

Tướng về hưu Lê Hải được ông Hai Phong giao cho nhiệm vụ xin gặp ông Tám Việt để chuyển lời cảm ơn của bà Sáu Nhơn về lẵng hoa ông Tám gửi tặng nhân dịp lễ thượng thọ 85 tuổi của bà cách đây mấy hôm. Được tin này, ông Tám hồ hởi mời Lê Hải và nhân thể mời luôn cả hai anh em Phạm Trung Chính và Phạm Trung Nghĩa đến ăn cơm tối tại nhà mình. Ông Tám rất thích những cuộc gặp gỡ như thế này, vì theo ông, họ là những người biết trò chuyện và lý thú.
... Ông Tám nhớ lại hôm ấy, sau buổi nói chuyện với các vị nghỉ hưu tại câu lạc bộ Thăng Long, tình cờ ông được là khách mời của vợ chồng Lê Hải. Lý do mời thật đơn giản: anh nông dân Vĩnh Bảo ba đời dân ngu khu đen Lê Văn Tịch, nguyên xã đội trưởng, cháu gọi Lê Hải là ông trẻ, bây giờ là ông chủ cỡ bự, tự lái cái Mercedes xịn từ quê ra mang biếu một nửa con cầy tơ và một hũ rượu nếp hương. Có lý do để gặp nhau như thế là những dịp may không thể bỏ qua của những người như Lê Hải, như các cụ ngày xưa vẫn nói… Rượu ngon phải có bạn hiền...
Thế là bà Hậu chuẩn bị cho bạn bè Lê Hải một bữa cơm đặc sản đúng với tên gọi cầy tơ bảy món....
Cuối buổi nói chuyện hôm ấy ở câu lạc bộ Thăng Long, Lê Hải, Trần Thu, Nghĩa... kéo nhau đến mời ông Tám cùng dự.
Trong bữa "nhậu" hôm ấy, ông Tám nói với Lê Hải:
- Không có anh đến “giải phóng”, thì tôi mắc kẹt to.
- Sao lại "phải giải phóng" anh? Tôi tưởng là đã phá đám anh - Lê Hải hỏi lại.
- Khổ quá, mấy anh không đến mời đi nhậu thì bà Phương còn dứt không ra.
- Anh Tám thì bà nào chẳng bám! - Lê Hải giở cái giọng tinh quái.
- Nói giỡn hoài, các anh không thấy sao, trên bục bước xuống chưa kịp ra đến cửa tôi đã bị bà ấy túm lấy.
- Chắc anh Tám nợ bả món gì lớn? - vẫn Lê Hải.
- Đấy không phải là lần đầu tiên. Bả phàn nàn về nỗi chồng bả thuộc loại khai quốc công thần mà chỉ được đặt tên cho một phố hẹp dài vài trăm thước, thế mà có vị khác thấp hơn lại được cả một đại lộ hai làn xe dài hàng cây số! Gặp ai bả cũng kêu chuyện này. Mà tôi thì có quyền hành gì với việc đặt tên phố như vậy chứ!
Ông Tám còn nhớ bữa đó rượu nếp hương mang ra từ quê Lê Hải ngọt giọng quá, nhưng câu chuyện lại ngấm toàn vị đắng. Chủ đề cuộc đàm đạo hôm ấy xoay quanh câu chuyện một số cán bộ lão thành gửi thư có ký tên rõ ràng, tố cáo những vụ tham nhũng lớn, trong đó có vụ Tân Trường Sanh, phê phán ông Tám rất nặng lời về tội không đấu tranh kiên quyết trong những vụ này...
Thế mà đã ngót nghét một năm trôi qua...
Khách đến nhà lúc bà Tám đi vắng, cánh đàn ông càng thoải mái chuyện trò. Ông Tám Việt mở đầu bằng món ăn rất ư là miền Tây Nam bộ.
- Hôm nay các anh hên quá, có người gởi ra cho tôi cả một đọt nhộng dừa. Thứ nhộng này chiên tẩm bột, nhắm với rượu đế thì thật hết chỗ chê.
- Phải để nguyên cả đọt cây dừa đem ra ngoài này rồi mới gỡ nhộng ra chứ anh Tám? - Lê Hải hỏi.
- Hẳn rồi! Làm như vậy nhộng mới tươi. Tôi đã dặn nhà bếp, gỡ ra là tẩm bột chiên liền, đây mời các anh dùng đi cho nóng. - ông Tám vồn vã gắp những con nhộng được chiên vàng ruộm bỏ vào chén cho từng người.
Sau món nhộng dừa, câu chuyện xoay quanh các món ăn đặc sản như tôm càng xanh, cua bể, ghẹ, sam, rùa... của vùng tứ giác Long Xuyên, nơi mà ông Tám và Lê Hải đã sống nhiều năm trong hai cuộc kháng chiến. Nhưng hình như những thứ sơn hào hải vị này cũng chỉ thu hút được sự chú ý của những khách ẩm thực này trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Câu chuyện chung quanh bàn ăn chệch hướng sang các vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống đất nước từ lúc nào không ai biết. Khơi mào lại chính là chủ nhà:
- Ngồi với nhau có rượu và đồ nhắm ngon miệng như vầy mà không phải nghĩ đến các anh chàng quốc doanh thua lỗ thì vui biết mấy. - Ông Tám bộc bạch.
- Anh Tám mất ăn mất ngủ vì chuyện này? - ông Chính hỏi.
- Thì chính anh cũng là người làm tôi mất ăn mất ngủ, chớ còn ai nữa. Mấy tuần nay anh cứ xin xoá bằng hết các định giá trong thi công và nằng nặc đòi chấp nhận toàn giá thị trường!
- Tôi chỉ là cái loa phát thanh. Nhưng trong cơ chế mới, hình như các tổng công ty có lý, anh Tám ạ. Họ cho tôi là kỹ thuật gia, nên dễ ăn dễ nói với anh.
- Tôi đồng ý ngay, nhưng với điều kiện cũng phải thị trường hoá, tiền tệ hoá tuốt tuồn tuột mọi thứ đầu vào của doanh nghiệp, vô hình cũng như hữu hình, cố định cũng như lưu động, chịu không? Sao lại chỉ muốn thị trường hoá ở phần đầu ra?
- Tôi đã truyền đạt rõ ràng ý của anh như thế. Các tổng công ty chỗ tôi cho rằng trong Nam ngoài Bắc đều kêu anh Tám thù địch và muốn khai tử doanh nghiệp nhà nước! Nhất là tại Thành phố này.
- Trời ơi, một trăm phần trăm luận điệu của Chín Tạ! Bất kể ở đâu, chỗ nào, có dịp là Chín Tạ bơm tôi lên là kẻ thù địch với doanh nghiệp nhà nước, kẻ muốn khai tử quốc doanh!
- Anh nghi ngờ cho Chín Tạ thì có lẽ không oan. Các công trình những tổng công ty này đang triển khai chủ yếu là ở thành phố này, thuộc địa bàn của ông ta nên chuyện gì ông ta cũng có ý kiến.
- Các tổng công ty nhà anh có nghe theo Chín Tạ đòi khai trừ Đảng đối với tôi nữa không?
- Chắc là không dám, nhưng họ không thích anh. Họ kêu anh là anh Hai Nam bộ, không phải là nhà kinh tế nên coi trời bằng vung. Người khác lại bảo anh rất độc đoán.
- Chắc mình ra đi thì họ thích lắm?
- Họ nhũn nhặn khi đến gặp anh xin cái này cái nọ. Nhưng ngồi với nhau, họ bác anh quyết liệt đấy, Chín Tạ mới chỉ là một mũi.
- Tại tôi không chịu nới lỏng hầu bao và bảo hộ họ chưa đủ có phải không?..
- Ở vào địa vị họ, ai mà chẳng thế hả anh Tám?
- Họ giơ tay tán thành nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, nhưng lại chỉ thích tôi làm dâu trăm họ.
- Đúng là anh đang bị chiếu tướng. - Ông Chính tỏ vẻ ái ngại cho ông Tám.
- Tôi biết mình đang bị dồn đến chân tường. Nhưng đi hay ở không thành chuyện! Còn một ngày, một giờ làm việc, đừng ai trông chờ tôi tự thay đổi...
Ông Tám nói thế, nhưng trong bụng hiểu rằng bão táp sắp sửa nổ ra đối với mình. Ông nhớ đến những cuộc họp căng thẳng, đến những gợi ý bổ sung cho ông một người phó, hoặc gợi ý ông nên chủ động xin nghỉ. Trong cuộc họp gần đây nhất đã có ý kiến gay gắt trực diện với ông Tám, nhưng lại diễn đạt theo kiểu giận người chém bóng.
...Đồng chí Tám cần xem lại những người làm việc chung quanh mình, nhất là cái cậu trợ lý!...Xưa nay tôi thấy đồng chí có thế này đâu, e rằng cậu này ăn phải bả các học thuyết phương Tây và ảnh hưởng đến công việc của đồng chí!..
Thế rồi người trợ lý của ông bỗng dưng khăng khăng xin nghỉ hưu non, với lý do cụt lủn: không thể tiếp tục làm việc được! Chẳng thanh minh lý giải gì cả!... Ngày hôm trước anh ta làm đơn, ngày hôm sau nghỉ liền, chẳng đợi ông Tám đồng ý hay không đồng ý, cũng chẳng xin ý kiến tổ chức.
...Anh chàng này khí khái, hay là chỉ phò thịnh không phò suy? Hay còn uẩn khúc gì nữa?..
Ông Tám không có cách gì buộc chân người trợ lý của mình, đành nhờ tổ chức kiếm người khác thế vào...
Chưa xong rắc rối này lại xảy ra chuyện không hay khác. Hai lần ông Tám yêu cầu các cơ quan chức năng của Thành phố xét hỏi Bạch Liên về các hành vi có liên quan đến những vụ buôn lậu lớn của mấy công ty quốc doanh, nhưng cả hai lần Bạch Liên đều chứng minh được là mình vô can. Dựa vào các thông tin ông được báo cáo, ông tin là mình không nhầm, nhưng không nắm được chứng cứ, ông chẳng làm gì được Bạch Liên. Chuyện vỉa hè về ông Tám qua sự vồ hụt Bạch Liên trở thành lời phán xét đầy quyền lực mà không ai biết từ đâu tới. Chính ông Tám cũng cảm thấy như vậy. Tiếng xì xèo ông Tám chệch hướng và ghét quốc doanh lại càng dội lên thành những làn sóng. Chỗ này chỗ khác lác đác có vài bài báo mang tính chính luận phê phán sự lẫn lộn hội nhập với hoà tan. Đọc lên ông Tám thấy chạnh lòng vì có những dẫn chứng sát sườn với công việc mình đang làm!..
Hay là Bạch Liên có tay trong?..
Đang nói chuyện với ông Chính trong bữa ăn và trước mặt cánh Lê Hải, thế mà ông Tám cũng phải thừ người ra một lúc.
- Nhưng có chuyện anh sắp nghỉ thật hay sao mà họ bàn dữ dằn thế hả anh Tám? - ông Chính hỏi.
- Vỉa hè làm công tác nhân sự vẫn là chuyện thế gian thường tình mà, các anh không biết thói quen này à? Nhất là vào những dịp sắp có Đại hội.
- Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường, như thế không hay các anh ạ. - Ông Nghĩa xen ngang.
- Đừng phí thời giờ cho những chuyện tào lao này. Trở lại các tổng công ty của anh đi, anh Chính. - ông Tám giục.
- Vâng, họ nói sẵn sàng chấp nhận thị trường hoá đầu vào như anh yêu cầu, nhưng muốn thế nhà nước phải đầu tư lại về thiết bị và công nghệ, phải để tuỳ họ quyết định biên chế - tự do sa thải và tuyển chọn, ngoài nghĩa vụ thuế ra phải giải phóng họ khỏi mọi nghĩa vụ xã hội khác... Họ hỏi là nhà nước có dám chịu chơi tới số như thế không?
- Các anh thách thức nhà nước? Cắt hết mọi dây nhợ ô dù để xem các anh sẽ sống như thế nào!
- Người ta bảo là anh chống quốc doanh thật không oan! - ông Chính cười.
- Oan hay không oan tôi không quan tâm. Tôi không thể chấp nhận thực tế này: Quốc doanh nhà các anh nắm khoảng hai phần ba tổng vốn toàn xã hội, chỉ làm ra khoảng một phần ba của cải cho xã hội, thế mà quốc doanh không biết xấu hổ à? Còn bao nhiêu ưu ái quyền lực phụ vào nữa chứ!
Nghĩa chêm vào:
- Anh Tám ơi, đồng tiền không có lương tri thì làm sao biết xấu hổ?
- Đơn giản là không ai chê tiền cả, anh Tám ạ. - Lê Hải bồi thêm.
- Thôi, đừng vơ đũa cả nắm thế anh Lê Hải, tôi không có ý định này - Lần thứ hai ông Nghĩa xen ngang: - Nỗi đau về doanh nghiệp nhà nước là nỗi đau của cả thế giới các anh ạ. Đâu chỉ là nỗi đau của riêng ta!
- Vận thơ vào kinh tế nghe nó làm sao ấy anh Nghĩa ạ. - Ông Tám đáp lại.
- Nhưng cuộc đời là thế mà anh Tám. Trên đài vừa nói là ngân sách của chính phủ Pháp đang è cổ gánh nợ để cứu tập đoàn France Telecom khỏi phá sản. Tập đoàn này thuộc sở hữu nhà nước, thuộc tầm cỡ khủng long trên thị trường thế giới về công nghệ thông tin đấy anh ạ.
- Sao? Tư bản cũng phải lo cứu doanh nghiệp nhà nước hả anh Nghĩa?
- Đúng thế ạ, chính phủ Pháp chịu cứu France Telecom khỏi phá sản để có thể tiến hành tư nhân hoá nó càng sớm càng tốt. Số tiền phải chi cho mục đích này có thể là nhiều tỷ Franc.
- Chuyện gì mà kỳ cục thế?
- Đúng như vậy đấy anh Tám ạ. - Nghĩa tiếp tục - Chỉ tính riêng các khoản vốn là cổ phần, cổ phiếu của công nhân, của những người lao động và những người làm việc ăn lương khác cả nước Pháp hùn vào France Telecom gộp lại chiếm hơn 60% tổng vốn của tập đoàn này. Không bỏ ra hàng tỷ Franc như thế để cứu mà để nó phá sản thì sẽ gây động loạn trong xã hội.
- Lấy đâu ra tiền mà trám vào?
- Chắc chắn là phải lấy từ thuế và từ các khoản lãi khác của chính phủ, anh Tám ạ. - Nghĩa giải thích - Nguyên nhân phá sản vẫn là tính xơ cứng cố hữu của quốc doanh, nhất là trong tình hình thị trường thế giới về sản phẩm công nghệ thông tin và tin học đang có mặt đi xuống hoặc bão hoà trên một số sản phẩm nào đó.
- Vai trò nhà nước của họ được việc đấy chứ! - Ông Chính bình luận.
- Quốc doanh của họ cũng quan liêu bao cấp như ta hả anh Nghĩa? - Lê Hải hỏi.
- Tôi không rành, chắc chắn không phải là thế, nhưng hiển nhiên có thua cuộc chính phủ mới phải ra tay cứu. - Nghĩa trả lời.
- Nhà nước ta đào đâu ra hàng tỷ Franc để làm cái việc chữa cháy cho một doanh nghiệp nhà nước như thế? Chẳng trách nào... - Ông Tám tư lự.
Ông Nghĩa nhấp một ngụm rượu, rồi đặt ly xuống:
- Xin cho tôi nói tiếp. Về câu chuyện anh Tám và anh Chính đang bàn, ông chú ruột tôi là ông Học mà anh Tám cũng biết đấy, ông cụ đã hỏi thẳng tôi: Giữa doanh nghiệp nhà nước và sự phát triển kinh tế của cả nước, Đảng ta lựa chọn cái gì?
- Câu hỏi quái ác. - Ông Tám bình luôn.
- Từ câu hỏi này, ông chú tôi còn đi xa nữa: Trên con đường phát triển của đất nước, Đảng ta lựa chọn cái gì - lựa chọn dân tộc hay lựa chọn giai cấp? Hai anh xem, câu chuyện không còn dừng lại ở chỗ hiệu quả hay thua lỗ của kinh tế quốc doanh, mà là định đoạt số phận đất nước.
- Ông già này tinh tướng. - Ông Tám thừa nhận.
- Chú tôi băn khoăn: Đảng ta đã dựng được mốc son trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, liệu Đảng có đủ trí tuệ và phẩm chất dựng lên mốc son của thời kỳ xây dựng đất nước hay không?
- Ý ông cụ thế nào?
- Anh Tám ạ, chú tôi cho rằng tất cả tuỳ thuộc vào Đảng ta lựa chọn cái gì. Nếu lựa chọn dân tộc thì Đảng ta nhất định làm được.
- Ông già này có lý... - Ông Tám tỏ ý thán phục.
- Anh Tám ạ, chú tôi còn đi xa đến mức cho rằng trên thực tế Đảng ta đã có sự lựa chọn rồi. Song chú tôi hoài nghi không biết đấy có phải là sự lựa chọn tự giác hay không, hay đổi mới chỉ là một bản năng phản ứng tự vệ trước tình thế! - Nghĩa trình bày thêm.
- Sao lại giống hệt những suy nghĩ của đám cháu anh Lê Hải thế! - ông Tám kêu lên vì ngạc nhiên. - Các anh có biết không, cách đây khoảng 10 năm, khi tôi hỏi chúng Nghị quyết Đại hội VI còn có những gì các cháu chưa thích, chúng trả lời: Điểm chưa được duy nhất của Nghị quyết là mọi cái được đều ít nhiều miễn cưỡng! Hỏi kỹ ra thì đấy là ý kiến tóm tắt của bà Sáu Nhơn về Nghị quyết VI cho bọn trẻ. Thật là đáng kính nể!
- Tôi là kỹ thuật gia, ít quan tâm đến chính trị hơn các anh. Nhưng gần một nửa thế kỷ là đảng viên, tôi nghiệm thấy từ cải cách ruộng đất, đến cải tạo tư sản, xử lý vụ nhân văn giai phẩm, xây dựng hợp tác xã bậc cao, phát triển kinh tế quốc doanh, một số vấn đề quốc tế, nhất là vấn đề Campuchia... Cứ cái gì duy ý chí hoặc thiếu độc lập tự chủ, thiếu tính dân tộc trong tư duy là thất bại. Không biết các anh có nghĩ như vậy không? - Ông Chính nêu ý kiến của mình.
Người giúp việc vào thay bát đĩa, bưng ra thức ăn mới. Câu chuyện bị gián đoạn một lúc. Để cho người giúp việc bình tĩnh làm công việc của mình, không lúng túng vội vã, Nghĩa lấp chỗ trống thời gian bằng cách xoay ra câu chuyện khác:
- Bây giờ đang chuyển sang mùa đông, chắc chị Tám thích khí hậu trong Sài Gòn hơn, có phải thế không anh Tám.
- Vâng, đúng thế. Cùng một chứng bệnh như Hai Phong, anh vợ anh Lê Hải. Bệnh hen của nhà tôi sợ nhất khí hậu ngoài Bắc về mùa này. Nhưng lần này nhà tôi vào trỏng là chúng tôi có cháu ngoại mới. Cuối tuần này lại ra thôi.
- Cháu trai hay cháu gái ạ? - Lê Hải hỏi.
- Lại thêm một cháu gái.
- Chúng ta nâng cốc chúc mừng anh Tám thêm một chức ông mới nữa! - ông Chính đề nghị.
Tiếng cốc chạm leng keng.
Người cần vụ đã làm xong công việc và ra khỏi phòng, câu chuyện lại tiếp tục theo dòng của nó.
- Anh Tám ạ, tôi đi theo tiếng gọi của Đảng từ ngày còn ở tuổi vị thành niên, thế nhưng những gì đang diễn ra trong cuộc sống khiến tôi phải tự hỏi mình: Đảng ta đang tự lựa chọn mình hay lựa chọn sự nghiệp của dân tộc? Đảng mà tự lựa chọn mình thì dân tộc sẽ thôi lựa chọn Đảng, anh Tám có nghĩ như vậy không? Giữa hai sự lựa chọn này chỉ có một biên giới vô cùng mong manh anh ạ và dễ bị tha hoá xoá nhoà. - Lê Hải đặt vấn đề, cân nhắc, chậm rãi:
- Các anh muốn đa nguyên, đa đảng có phải không? - Ông Tám hỏi lại.
- Anh Nghĩa nói trước đi. - Lê Hải nhường lời.
- Vâng, tôi xin nói suy nghĩ của mình. Tôi đã tranh luận nát nước với ông chú tôi về chuyện này. Tôi thật không ngờ chú tôi đưa ra nhận định mà tôi không thể nào bác được. Ông cụ cho rằng câu chuyện bây giờ là Đảng ta lãnh đạo như thế nào, chưa phải lúc là câu chuyện đa nguyên đa đảng! Chú tôi nêu ra nhiều lý lẽ có cân nhắc. Cái chính là chú tôi cho rằng Việt Nam ta chịu đựng chiến tranh và đau khổ quá nhiều rồi, trình độ phát triển còn thấp hơn Nga, nên không thể làm như ở Nga. Cái phúc lớn nhất cho đất nước là bây giờ có công cuộc đổi mới Đảng ta đã lựa chọn. Chú tôi cho rằng không có gì đền đáp xứng đáng hơn những hy sinh to lớn của dân tộc ta từ hơn thế kỷ nay là đi tiếp trên con đường đổi mới tự ta đã vạch ra. Nhưng ông cụ buồn tủi vì tự cho là mình không đủ tư cách để chính mình được trực tiếp nói lên điều hệ trọng này với Đảng của chúng ta!
- Chú anh nói hẳn ra như thế hả anh Nghĩa? - Ông Tám rất lấy làm lạ.
- Vâng. Còn nhiều điều nghiêm trọng hơn thế nữa cơ, anh Tám ạ.
- Thực là con người rất tự trọng. Những lời nói đầy tâm huyết, các anh ạ!.. - Ông Tám thốt lên.
- Tôi nghĩ rằng đổi mới mà làm không nổi, lại quay sang chạy theo đa nguyên đa đảng, thì đấy là chạy theo sự cám dỗ huỷ diệt. - Nghĩa cả quyết.
- Sự cám dỗ huỷ diệt! Hay lắm, hoan nghênh cái đầu chịu khó suy nghĩ của anh Nghĩa. - Lê Hải chạm cốc với Nghĩa rồi mời mọi người chạm cốc.
- Cũng chính ông chú tôi đã đưa tôi đến nhận định dứt khoát đó!- Ông Nghĩa nói thêm.
- Nghĩa nói rõ thêm về sự cám dỗ huỷ diệt xem nào, tôi chưa được thuyết phục lắm. - Ông Chính băn khoăn.
Dòng chảy câu chuyện cuộn lại, khúc mắc, vì tính nghiêm trọng của vấn đề nó gặp phải.
- Câu chuyện mùi mẽ lắm. Còn ngồi lại với nhau được hết tối nay không? - Ông Tám nâng cốc và hỏi mọi người.
- Anh Tám phải coi lại còn bao nhiêu rượu nữa! - Lê Hải nói.
- Bỗng trở thành bợm rượu hết rồi phải không? - ông Tám cười. -...Giá mà bê được những câu chuyện lúc trà dư tửu hậu như thế này vào bộ não của đất nước, vào các học viện, các cơ quan nghiên cứu thì hay biết mấy, thôi được, bây giờ câu hỏi của tôi là thế này, - ông Tám quay sang Nghĩa: - Đảng ta lựa chọn mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sao anh lại chỉ nói đến sự phát triển khách quan của đất nước? Đấy là hai vấn đề khác nhau à? Hay là anh đối lập hai chuyện này với nhau?
Ông Nghĩa cân nhắc một lúc rồi nói:
- Anh Tám ạ, anh Lê Hải và tôi mỗi lần đụng đến câu hỏi tương tự như anh nêu ra, không thể không nhìn lại lịch sử anh ạ. Anh xem, ngay từ ngày thành lập, Đảng ta đã ghi trong cương lĩnh của mình lý tưởng xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc tập dượt thì không nói làm gì, song từ Cách mạng Tháng Tám trở đi Đảng ta đã không dưới một lần điều chỉnh lại chính mình để giành thắng lợi. Từ hai cuộc kháng chiến cho đến công cuộc đổi mới ngày nay lại càng như vậy! Cốt lõi của tất cả những lần điều chỉnh lớn này đều là bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa yêu cầu giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ. Vậy thì không thể nói là Đảng ta không trung thành với lý tưởng của mình, có đúng thế không anh Tám?
- Anh cứ nói tiếp đi.
- Anh Tám nghĩ lại xem, bao nhiêu lần thực hiện những điều chỉnh mang tính chiến lược như vậy, Đảng ta lúc nào cũng chỉ nhằm thực hiện cái đích duy nhất là tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. Có phải như vậy không? Đánh giặc thì lấy thắng địch làm chuẩn, làm thước đo. Ngày nay xây dựng và bảo vệ đất nước phải lấy dân chủ và phát triển làm chuẩn, làm thước đo. Có dân chủ và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước sẽ có tất cả. Anh Tám có đồng ý như vậy không?
- Anh Tám ạ, - Lê Hải bổ sung thêm cho Nghĩa: - Đừng tư duy theo kiểu gọt chân cho vừa giày, đừng bắt cuộc sống phục vụ cho chủ nghĩa, chúng ta sẽ làm rõ được nhiều vấn đề các anh ạ!
- Hay lắm, nhân thể anh Lê Hải nói về chủ nghĩa, - Nghĩa tiếp lời luôn: - đây lại thêm một vấn đề hệ trọng nữa các anh ạ. Tôi đã ba chìm bảy nổi trong tranh luận với nhiều người về đề tài này. Tôi chỉ muốn nói gọn lại thế này, hình như đang có hiện tượng thông tục hoá học thuyết Mác để biện minh điều này điều nọ. Thú thực, tôi còn nghi ngờ là học thuyết Mác đang được dạy, đang được học là học thuyết Mác ít nhiều được thông tục hoá trên phương diện này hay phương diện khác. Việc làm này thể hiện ở chỗ chỉ thích nhặt ra từ Mác những gì thích hợp với khẩu vị, nhưng lại quên mất là Mác, nhất là Ăng-ghen đã nhiều lần nhắc nhở những sai lầm. Chính Mác và Ăng-ghen về sau cũng tự cải chính nhiều điều. Khoa học thì phải như vậy... Tôi có cảm tưởng một số nhà lý luận của chúng ta sính câu chữ nhưng lại không thích trung thành với lý tưởng cách mạng Mác nêu lên(°). Anh có thấy thế không?
- Nghĩa định gọi kiểu lý luận này là học thuyết Mác giả hiệu à? - Ông Chính hỏi.
- Chưa hẳn thế. Em không dám... - Nghĩa chần chừ: - Để còn xem đã. Nhưng theo em rõ ràng là có sự thông tục hoá học thuyết Mác, do những hạn chế về trí tuệ, hoặc do ít nhiều có lòng tin chân thực vào những điều đã được thông tục hoá, hoặc tệ hơn nữa là do tha hoá!
- Nghĩa hôm nay uống hơi nhiều có phải không? - ông Chính lại muốn kiềm chế em mình, song nói tiếp ngay: - Xem lại "Đường Kách mệnh” [ (°) Tìm đọc Góp vào lịch sử đồng minh của những người cộng sản - lời tựa của Ăng-ghen cho cuốn Sự thật về vụ án những người cộng sản ở Cô-lô-nhơ, in trong Tuyên ngôn Cộng sản, NXB Sự Thật, Hà Nội 1983, từ trang 73... Tìm đọc (a) lời tựa của Mác và Ăng-ghen ngày 24-06-1872 cho lần xuất bản Tuyên Ngôn Cộng sản cùng năm; (b) Về vấn đề xã hội ở Nga, C. Mác - P. Ăng-ghen toàn tập, tập 18, trang 751.., NXB Sự Thật, Hà Nội; (c) Thư của Ăng-ghen ngày 13-9-1892 gửi Kauski trong Marx - Engels toàn tập, tiếng Nga, tập 38 trang 108, NXB CCT Matxcơva và một số bài khác của nguyên tác tiếng Đức...], đọc lại nhiều bài Bác viết, gần đây lại mới xuất bản Hồ Chí Minh toàn tập, cuốn "Hồ Chí Minh trên đường về nước”.., nhất là xem lại những quyết định, quyết sách của Bác vào những thời đoạn quyết định của lịch sử, của sự nghiệp cách mạng, tôi có cảm tưởng Bác hiểu về chủ nghĩa Mác rất khác với những gì tôi được học trong các lớp chính trị, có phải thế không Nghĩa? Chẳng thế mà ngay từ hồi ấy Bác long đong mãi với Quốc tế Cộng sản... - Ông Chính nhận xét.
- Có lẽ như vậy, anh Chính ạ.
- Thế nhưng phải đặt câu hỏi tại sao Bác Hồ lại có thể hiểu và vận dụng học thuyết Mác theo tư duy riêng của chính mình. Chẳng lẽ Bác là ông thánh à? - vẫn ông Chính nêu câu hỏi.
- Ông thánh thì chắc chắn không phải rồi, nhưng có lẽ vì Bác có trí tuệ mẫn tiệp. Nhưng trên hết cả có lẽ vì Bác có khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp! Cái tâm quyết định cái học! Các anh có cách lý giải nào khác không? - Ông Tám hỏi mọi người.
Cả Lê Hải và Nghĩa đều gật đầu, tán thưởng. Hai người xin phép ra ngoài hút điếu thuốc. Ông Chính và ông Tám ngồi lại nói chuyện với nhau.
Hết điếu thuốc quay trở vào, Nghĩa là người nói trước:
- Tôi chỉ xin dựa vào lịch sử tìm cách lý giải câu hỏi của anh Chính, có thể nặng về cảm tính. Đời Trần có Diên Hồng chính là nhờ bắt đầu từ chữ tâm! Vua hỏi dân, dân bàn với vua không thể thiếu chữ tâm này. Diên Hồng là dân chủ nảy nở từ chữ tâm! Các anh thử nghĩ lại xem, tôi e rằng ngày nay trong thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước chúng ta chưa có đỉnh cao Diên Hồng các anh ạ! Dẫn chứng thứ hai tôi muốn dựa vào tư tưởng của Nguyễn Du trong câu thơ Kinh không chữ mới là chân kinh(°) [(°) Trong bài thơ Đài đá chia kinh.]! Có cách nào diễn đạt lý tưởng rõ hơn thế không? Cách học tập, cách tiếp nhận một đạo lý như thế, tôi không còn lời nào để nói! Phải chăng chúng ta đã đủ trí tuệ, đủ tâm đức học tập chủ nghĩa Mác với chữ tâm như thế? Với trí tuệ như thế? Tuy nhiên tôi thừa nhận đây chưa phải là sự lý giải bằng khoa học.
- Thôi được, chuyện chứng minh khoa học sẽ tính sau. Nhưng anh Nghĩa, cố không nói chay xem nào! - Ông Tám vẫn chưa chịu.
Nghĩa suy nghĩ một lúc, rồi nói tiếp:
- Anh Tám ạ, lẽ ra tôi phải hỏi anh là đã bao nhiêu lần chúng ta phạm sai lầm đốt cháy giai đoạn? Anh nói thật đi! Cứ cho là phạm sai lầm một cách thành tâm đi!
- Anh chàng này quả là ngoan cố có hạng - Ông Tám nhận xét.
- Nghĩa ơi, ngồi đây nói năng như thế thì được, ngoài công khai mà nói thế thì không ổn! - Ông Chính can em mình.
- Anh thấy chưa! Thế mà vẫn cứ nói là cần nhìn thẳng vào sự thật! - Ông Nghĩa chộp ngay suy nghĩ của ông Chính.
- Thôi thôi, không sa đà vào chuyện này nữa, nói tiếp đi anh Nghĩa! - Ông Tám nhắc.
- Các anh ạ, cho đến nay chúng ta chỉ lo kinh tế thị trường hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản, nhưng lại không lo thông tục hoá chủ nghĩa và tha hoá đang hàng ngày hàng giờ đẩy chúng ta xa rời lý tưởng của Mác... Hình như chúng ta đang nhân danh Mác đắp điếm những tha hoá của chúng ta!!!
- Nhận xét này được đấy. Đáng được thưởng! - ông Tám nâng cốc và giục mọi người.
- Các anh ạ, trong cách mạng giành lại đất nước chỗ mạnh nhất của chúng ta là dân tộc và dân chủ. Bây giờ trong xây dựng và bảo vệ đất nước do thông tục hoá như thế và do tha hoá, chỗ yếu nhất của chúng ta lại là vấn đề dân tộc và dân chủ. Chỗ yếu này đang bị khoét sâu các anh ạ. Đây là điều rất đáng chúng ta quan tâm! - Nghĩa kết thúc suy nghĩ của mình.
Ông Tám đắn đo một lúc:
- Nhưng mà anh Nghĩa, hình thái kinh tế xã hội và vấn đề bóc lột giá trị thặng dư lại thuộc về những điểm cốt lõi nhất trong chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp đấy.
- Trong hai điểm này Mác vẫn đúng. Và Mác có lẽ mãi mãi đúng chừng nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại, xã hội còn giai cấp các anh ạ. Nhưng Mác thì nêu vấn đề và gợi mở cách nhìn, trong đó có cách nhìn của Mác. Chúng ta lại biến những điều này thành giáo điều, thành chân lý cuối cùng!
- Nghĩa! Hôm nay lửa ghê quá! - Lê Hải bật kêu to lên như thế, mà tay vẫn chạm cốc với Nghĩa, vì thấy chí lý.
- Xin hỏi các anh thế này ạ, ở vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, vào thời điểm hiện tại, nghĩa là khoảng 150 năm sau khi có Tuyên ngôn Cộng Sản, đấu tranh giai cấp như thế nào để xoá bỏ giai cấp? - Nghĩa cảm thấy được cổ vũ. - Làm như chúng ta đã làm trong tiến hành trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ tư hữu, xoá bỏ sự tồn tại của giai cấp tư sản... Nói chung là xoá bỏ tư bản... Thế là triệt để nhất chứ gì?! Chúng ta đã thử nghiệm tất cả rồi các anh ạ, nhưng rõ ràng là không được. Nói đến thế các anh chịu chưa ạ? - Nghĩa hỏi lại.
- Nghĩa định kết luận là làm hết phép rồi à? - ông Chính vặn em mình.
- Tuỳ các anh! Đấy là chưa kể vấn đề giai cấp ở nước ta sau tám mươi năm nô lệ và trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại hoàn toàn bị lút đi sau vấn đề dân tộc! Các anh quên mất lịch sử rồi à?
- Anh Nghĩa hung quá, nhưng mà đúng. - Ông Tám chạm cốc tán thưởng.
- Chưa hết đâu các anh ạ, - Nghĩa vẫn sôi nổi -... Bây giờ chúng ta phải coi mọi thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành, phải khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta rất mác-xít nên không thừa nhận lao động là hàng hoá, nhưng giờ đây lại đang phải tìm cách xuất khẩu thật nhiều lao động để chống thất nghiệp, chống nghèo đói, có phải thế không ạ?! Không biết bao nhiêu người bây giờ mong được bóc lột vì không có công ăn việc làm. Mỗi năm có hàng triệu người như thế. Chạy được một suất đi lao động nước ngoài là phải tốn phí hàng chục triệu đồng! Nhiều doanh nghiệp nhà nước lương trả cho công nhân và thuế đóng cho ngân sách đều thấp hơn doanh nghiệp tư nhân, thế ở đây có bóc lột thặng dư không ạ? Lại còn được bao cấp thua lỗ nữa! Thế là công bằng dân chủ văn minh? Xin các anh trả lời đi! - Nghĩa dồn một thôi một hồi.
- Anh Tám ạ, cứ xem như anh Nghĩa nói, thì có phải cái đáng lo đáng làm thì chúng ta không lo không làm, còn cái hão huyền lại được đem ra làm khuôn vàng thước ngọc, có phải thế không anh Tám? - Lê Hải hỏi Tám Việt.
Đang mải nghe Nghĩa nói, ông Tám bị bất ngờ, song thấy còn phải suy nghĩ tiếp:
- Cứ từ từ, nghe anh Nghĩa nói hết đã.
- Vâng, tôi xin nói tiếp. Có lẽ phải trở về với cách học của Nguyễn Ái Quốc mới lý giải được những điều này các anh ạ. Mác đã nêu đúng những vấn đề phải nêu. Còn ở thế kỷ 21 này nhìn nhận và giải quyết những vấn đề này như thế nào là công việc của chúng ta chứ không phải của Mác! Trên thế giới ngày nay đang có biết bao nhiêu lý thuyết, bao nhiêu cố gắng đi theo hướng càng tạo ra được cạnh tranh hoàn hảo bao nhiêu, càng bớt được bóc lột bấy nhiêu, cải tiến lại hệ thống thuế và hệ thông phân phối lại để tạo thêm công bằng, hướng nâng cao các phúc lợi xã hội, hướng nâng cao nền giáo dục, nhất là hướng nâng cao tự do dân chủ để phát huy quyền năng của từng con người... Nhưng tất cả đều phải trên nền tảng nâng cao sự giàu có thịnh vượng và thân thiện với môi trường... Có thế nói thiên hạ chịu suy nghĩ lắm các anh ạ, để hướng tới công bằng, để xoá bỏ dần bóc lột, chứ không cột chặt mình vào giáo lý nhưng lại lơi là với lý tưởng như chúng ta đang làm đâu!
- Cách suy nghĩ của Nghĩa có lý đấy. Cũng không còn là những chuyện lý thuyết nữa. Tôi thừa nhận nhiều nước đã đi được những bước dài trên con đường này rồi. - ông Chính bình luận.
- Nhưng xin thưa với các anh, - Nghĩa nói tiếp - Ở nước ta có một sự bóc lột dã man bỉ ổi dứt khoát không thể chấp nhận được.
- Thuộc giai cấp nào vậy? - Ông Chính hỏi.
- Đó là tệ nạn quan liêu tham nhũng. Sự bóc lột này lớn hơn hàng trăm lần, hàng nghìn lần, hàng nhiều nghìn lần so với sự bóc lột mà chúng ta đang hiểu là bóc lột thặng dư giá trị đang tồn tại trong chế độ xã hội nước ta các anh ạ. Xin các anh hãy làm con tính những vụ thất thoát, tham nhũng hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn tỷ đồng, hãy ước lượng những tàn phá nền kinh tế và xã hội phải gánh chịu. Đó là sự bóc lột có thể làm sụp đổ chế độ! Các anh ngày đêm lo đẩy mạnh công cuộc đổi mới sẽ đẻ ra thêm bóc lột giá trị thặng dư, đẻ thêm chủ nghĩa tư bản, nhưng các anh lại không lo đúng mức về sự bóc lột mang tính đối kháng này!
- Anh Nghĩa hôm nay sung quá. Uống ly rượu này giải hoả đi! - Lê Hải lại chủ động chạm cốc với Nghĩa. Mọi người cùng hưởng ứng.
- Theo tôi, các anh đụng vào nhiều vấn đề hay đấy... - ông Tám nói lên suy nghĩ của mình. -...Đảng ta là đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo, mọi việc có lẽ phải bắt đầu từ Đảng. Các anh thử nói thêm về hướng này xem nào... - Dừng lại một lúc, ông Tám nói tiếp: -...Tôi thấy không ai đụng đến bát đũa nữa, xin mời các anh ra phòng trà, chúng ta tiếp tục câu chuyện ở đó. Tất cả các anh dùng cô-nhắc nhé? Xin cho biết anh nào thích cà-phê, anh nào thích trà!
- Tôi xin uống trà. - Ông Chính trả lời đầu tiên.
- Tôi uống trà.
- Tôi uống trà.
- Thế là tất cả chúng ta dùng cô-nhắc và uống trà, sự nhất trí đầu tiên của tối nay đấy! - Ông Tám đứng dậy mời mọi người sang phòng bên.
Trong phòng uống trà, sau khi mọi người đã có ly cô-nhắc trong tay, Lê Hải tiếp tục câu chuyện:
- Anh Tám ạ, câu chuyện trước sau vẫn là không nên đi tìm chân lý theo kiểu gọt chân cho vừa giày!
- Đúng thế! - Ông Tám dứt khoát - Cái khó là có nhiều người, dù có cương vị hay chức phận cao thấp khác nhau, nhưng hễ đã bám được vào bộ máy công quyền là thường sống theo lề thói ăn bám vào hệ thống quan liêu này, bẩy không ra được! Đây là ung nhọt chết người trong hệ thống chính trị nước ta.
- Ung nhọt hay ung thư hả anh Tám? - Lê Hải hỏi.
- Tôi thừa nhận phải rất cảnh giác! - Ông Tám trả lời.
- Anh Tám ạ, không thể nói Đảng ta không ý thức được mối nguy này, nhưng tại sao biết mà lại không chống được? - Ông Chính hỏi.
- Nhiều anh đã phải nói thẳng, càng chống, tham nhũng càng tăng! Thực hiện Nghị quyết 6B theo kiểu chỉ tắm sơ sơ từ vai! - Lê Hải thêm vào.
- Đúng là ý thức được mà không chống được, hay chống chưa được. - Ông Tám trả lời - Xin nêu lên ví dụ điển hình nhất là thái độ ngoan cố đối với chủ trương xoá bỏ cơ chế chủ quản. Từ đại hội VII(°) [(1) 1991.] đến nay hết nghị quyết này đến nghị quyết khác của Đảng khẳng định phải xoá bỏ cơ chế chủ quản, xoá bỏ bằng hết những bao cấp còn lại. Nhưng trong thực tế là không làm, hoặc không làm được. Viện ra trăm ngàn lý lẽ. Người chủ quản không muốn xoá bỏ chủ quản đã đành, nhưng cả xí nghiệp bị chủ quản cũng không muốn xoá. Người chủ quản, dù là Bộ, là tỉnh, hay là gì gì đi nữa... thì muốn được xí nghiệp nuôi, tệ hơn nữa là coi xí nghiệp là binh chủng riêng của mình. Còn xí nghiệp bị chủ quản thì lại muốn dựa vào người chủ quản để có ô dù, để dễ bề luồn lách.
- Thế mà lúc nãy anh Tám lại hỏi quốc doanh có biết xấu hổ không? - Lê Hải đế lại.
- Quan liêu tham nhũng trong cơ chế bao cấp cho quốc doanh tạo ra mảnh đất nuôi dưỡng cái mà anh Nghĩa gọi là sự bóc lột mang tính đối kháng đấy! - Ông Tám nói tiếp - Có thể nói một trăm phần trăm các vụ tiêu cực và tham nhũng đã thành án đều có bàn tay của cơ chế chủ quản nhúng vào! Có những vụ tham nhũng không xử được vì cơ chế chủ quản có nhiều kẽ hở. Một số nơi trong vài thành phố đất đai còn đắt hơn cả ở Tokyo, New York... Ngoài nguyên nhân đầu cơ ra, cái chính là do tiền tham nhũng và buôn lậu đổ vào!.. Các anh thử tưởng tượng xem như thế này công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ tốn kém biết chừng nào!
- Nhưng người ta nói xoá chủ quản khó lắm, nhất là chưa có cách nào bảo đảm thực hiện được quyền sở hữu của nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước. Có phải thế không anh Tám. - Ông Chính hỏi.
- Đúng là thế. - Ông Tám trả lời - Có ai bảo là dễ đâu, nhưng cái khó nhất là cái lợi ích không muốn xoá! Trong cuộc đấu tranh này tôi thừa nhận là sự cám dỗ của quyền lực và của đồng tiền có nhiều trợ thủ lợi hại lắm. Đó là sự thấp kém về tài và đức, là sự thiếu hụt tri thức, là sự tha hoá về phẩm chất cách mạng trong thời bình, là sự dao động do mất phương hướng trong thế giới đương đại... Tôi nghĩ danh sách này còn dài nữa các anh ạ...
- Đó cũng là điều trăn trở không chỉ riêng của anh Tám. - Lê Hải đồng tình.
- Song có một trợ thủ hai mặt tôi không thể bỏ qua các anh ạ - Ông Tám nói tiếp - đó là thái độ một mặt thì tự ti trước những thách thức mà đất nước phải đối đầu, mặt khác lại kiêu ngạo tự cho mình độc quyền chân lý, đứng trên lẽ phải về mọi phương diện. Loại cán bộ như vậy không hiếm, có đúng như vậy không các anh?
- Thật không ngờ anh Tám cũng bị dày vò nhiều thế. - Nghĩa kêu lên.
- Điều các anh làm tôi lo nghĩ nhất hôm nay là câu hỏi: Vào giai đoạn phát triển hiện tại của đất nước, Đảng ta lựa chọn cái gì? Hỏi như thế cũng có nghĩa bây giờ Đảng ta ra sao, Đảng ta như thế nào? Câu hỏi này hệ trọng lắm. - Ông Tám đã cầm ly rượu trong tay mà chưa thể uống. - Ông nhìn vào mắt Chính, Nghĩa, rồi tiếp - Chú Học của hai anh tuy là người sống xa đất nước, nhưng chỗ này tôi thấy ổng có lý, Đảng không vững mạnh tay chèo, con thuyền dân tộc sẽ rơi vào thảm hoạ. Tấm gương sự kiện Thiên An Môn còn đó. Tôi coi sự kiện Thái Bình là tiếng còi báo động, nguyên nhân của sự việc chủ yếu là do sự sa đoạ của đảng bộ và chính quyền địa phương.
- Nhưng cứ vin vào giữ vững ổn định để không làm gì, để bảo thủ thì có được không anh Tám? - Lê Hải phản ứng lại.
- Phân tích riêng hiện tượng đục nước béo cò trong sự kiện Thái Bình, cò nội, cò ngoại, các loại cò.., tôi càng tin rằng ổn định và phát triển mới là lối thoát, là tương lai. Về điểm này Đảng ta đúng.
Ông Tám dừng lại nhấp giọng một chút rồi tiếp rượu cho mọi người, và tiếp:
- Tôi rất tán thành một nhận xét quan trọng của anh Nghĩa và muốn nói lại cho rõ thế này: Trong mỗi giai đoạn cách mạng, tất cả những cuộc điều chỉnh chiến lược thành công lớn của Đảng ta từ ngày thành lập cho đến ngày nay đều chung một nội dung là phát huy tốt hơn nữa ngọn cờ dân tộc và dân chủ cho phù hợp với đòi hỏi của từng giai đoạn cách mạng. Các anh có chịu như vậy không?
Câu hỏi khiến mọi người cân nhắc thận trọng. Cuối cùng đều đồng tình với ông Tám.
Ông Tám nói tiếp:
- Thế nhé, điều bất biến này hệ trọng lắm các anh à! Nhưng anh Nghĩa đã nói A mà chưa nói B. Theo tôi phải bổ sung thế này: Cuộc điều chỉnh nào cũng phải trả giá, nhiều khi rất đau đớn! Những ai đã từng hoạt động địch hậu như anh Lê Hải và tôi có lẽ đều dễ cảm nhận điều này từ trong da thịt mình, xương tuỷ mình. Có phải vậy không anh Lê Hải? Theo tôi, Bác Hồ là người phải trả giá đầu tiên và sớm nhất các anh ạ! Các anh còn nhớ Bác đã phải trả giá như thế nào khi phát hiện ra những đặc điểm cách mạng dân tộc và dân chủ ở phương Đông chứ(°)? [(°) Tìm xem những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ 1924... về cách mạng ở phương Đông (Hồ Chí Minh toàn tập).]
- Nhớ, anh Tám ạ. Như thế là anh Tám cũng nghĩ giống tôi. - ông Chính đáp ngay.
- Những suy nghĩ của Bác vào khoảng năm 1924 là như thế... Về đoạn này anh Ba giảng cho tôi kỹ lắm, gần hết cả một tuần trong thời gian chúng tôi làm việc trong rừng đước để tránh giặc càn quét... Thời kỳ ấy chiến tranh rất ác liệt, vì đang giành giật nhau trong đàm phán Hiệp nghị Giơ-ne-vơ 1954... - Ông Tám lục lọi trí nhớ - Các anh ạ, anh Ba giảng cho tôi không có sự trả giá này chắc gì Đảng ta đã tìm ra con đường dẫn tới Cách mạng Tháng Tám? Các anh thử nhìn lại xem, tại sao ở tất cả các nước thuộc địa có Đảng Cộng Sản hoạt động hồi bấy giờ, nhiều đảng rất mạnh, có đảng còn lớn hơn Đảng ta nữa... Thế nhưng, duy nhất chỉ có Đảng Cộng Sản Việt Nam tận dụng được cơ hội chung và làm nên Cách Mạng Tháng Tám? Tôi còn muốn nói là không có con đường dân tộc và dân chủ Bác đã lựa chọn cho Đảng ta, sẽ không có con đường đi tới những thành quả cách mạng hôm nay! Có phải vậy không các anh?
- Trời ơi, tôi được đi học bao nhiêu lớp chính trị mà thu hoạch không nhiều như câu kết luận quan trọng bữa nay của anh Tám! - Ông Chính kêu lên, tay nâng cao cốc rượu về phía ông Tám. Tất cả đều hưởng ứng.
Ông Tám ngẫm nghĩ một lúc rồi mới nói tiếp:
- Cốt lõi đường lối cách mạng nước ta từ ngày thành lập Đảng cho đến nay chính là con đường Bác đã lựa chọn, Bác đã vạch ra. Chính vì thế tôi ngày càng tin rằng các mục tiêu cách mạng trong thời kỳ xây dựng đất nước chỉ có thể đạt dần từng bước theo các bước của phát triển trên con đường ấy. Nói nôm na là kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị phát triển đến đâu, nội dung tiến bộ của sự nghiệp cách mạng sẽ được nâng theo đến đấy… Hiển nhiên là phải đi trên con đường dân tộc và dân chủ. Không thể khác được! Tôi coi đấy chính là con đường hiện thực đi tới dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nói như vậy có xuôi tai không các anh?
- Hay lắm. Anh phân biệt rất rõ con đường và mục tiêu. - Ông Chính đáp.
- Nói thế anh Tám không sợ bị quy kết là xã hội dân chủ chứ? - Lê Hải hỏi ngay.
Ông Tám chần chừ một lúc:
- Tôi vốn có thói quen xét đoán mọi việc bằng nhận thức của mình, bám vào lý tưởng và lấy cuộc sống làm thước đo. Cái bệnh kinh niên của tôi là không quan tâm đến lý luận, đã bao phen bị quy kết là thực dụng rồi! Thực lòng cho đến hôm nay tôi vẫn chưa hề tìm đọc một tý gì về chủ nghĩa xã hội dân chủ!
- Nếu không lầm lẫn giữa con đường và mục tiêu, nếu coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng thì không thể bác lại con đường dân tộc và dân chủ được, có phải thế không các anh? - Ông Nghĩa hỏi mọi người.
- Sắp tới cọ xát với thế giới có lẽ lại càng phải như vậy các anh ạ. Tôi e rằng chúng ta bây giờ vẫn chưa thấm nhuần tư tưởng vĩ đại của Bác!
- Ôi đúng quá, anh Tám!
- Chịu anh Tám!
- Đảng ta bây giờ cũng dám chịu trả giá chứ anh Tám? - Lê Hải hỏi.
- Trả cái giá nào? - ông Tám hỏi lại.
- Vứt bỏ cái tha hoá của mình!
- Nghe ngon sớt anh Hải! Nghĩa là vứt bỏ một phần chính mình đấy!
- Không có cách nào khác anh Tám ạ. - Lê Hải đáp. - Anh nói đúng đấy, suy cho cùng dân tộc và dân chủ lúc nào cũng liên quan mật thiết đến Đảng lựa chọn cái gì, Đảng là gì và phải như thế nào? Mà như thế Đảng luôn luôn phải tự xác định lại mình trong mỗi giai đoạn cách mạng, có phải vậy không các anh? Mỗi bước xác định lại như thế là một bước xoá bỏ tha hoá đấy!
Ông Tám trầm ngâm, đồng tình:
- Đúng như vậy các anh ạ. Đã hơn hai chục năm trôi qua, trong tôi vẫn day dứt mãi câu hỏi của bà sáu Nhơn trong buổi nói chuyện lần đầu tiên với bả trong Thành phố! Bả hỏi tôi: Đảng lãnh đạo dân tộc kháng chiến thành công rồi, có phải bây giờ bả là thành viên của một dân tộc tự do, chủ nhân của một quốc gia độc lập không? Chính câu hỏi của bả khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều về Đảng của chúng ta. Hôm nay các anh lại đụng chạm quyết liệt vào vấn đề này…
Ý kiến của ông Tám làm sống lại những ngày ông Nghĩa trao đổi hết nhẽ với ông già Học về đất nước mình, dân tộc mình, về Đảng mình. Hôm nay ông lại càng hiểu thêm nhiều điều sâu sắc. Đang tranh luận sôi nổi như thế, ông rơi thỏm vào bao điều lo lắng mới..
Câu chuyện giữa những người tâm đầu ý hợp, những người canh cánh lo cho vận nước kéo đến khuya.
Lao vào công việc thì thôi, nhưng hễ bước chân về đến nhà, ông Đoàn Danh Tiến không làm sao chống cự nổi sự hiu quạnh của mình. Nhiều lúc bí quá, ông lôi các bài viết cũ của mình ra xem. Lặp đi lặp lại có lúc như một thói quen vô tri vô giác, ông lần lượt giở các trang giấy, nhưng mắt hình như cứ nhìn xuyên qua các trang giấy nên chẳng đọc được chữ gì...
Ngay cả cái công thức thần chú "Đảng + chính quyền + xí nghiệp quốc doanh = 1...” này cũng làm ông ngấy chán vì ông đã mang nó ra xài nhiều quá, đã thế sự hưởng ứng lại không diễn ra như ông mong đợi. Đến nay ông không thấy nơi nào ho he phê phán công thức này, nhưng sự ca tụng nó thì quá nhạt nhẽo, ông không thoả mãn. Tuy đã có sự mặc cả với nhau, thế mà trước sau ông trưởng Ban đến nay vẫn chưa có một lời khen công khai nào cho công thức này.
Mất hết kiên nhẫn, ông Tiến thôi thúc ông trưởng Ban, nhưng bị vặc lại:
- Công thức này anh dựa trên nghị quyết nào, quan điểm nào?
- Dạ thưa anh, không có một nghị quyết nào của Đảng là không nhắc nhở phải quán triệt định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhất là thời buổi cách mạng khoa học kỹ thuật này...
- Anh nói cái gì đấy? - Ông trưởng Ban ngạc nhiên.
- Dạ thưa anh thời buổi khoa học này cái gì cũng phải được minh giải bằng tiêu chí, bằng công thức ạ. - ông Tiến phản công.
- Tôi vẫn chưa hiểu.
- Thưa anh, Đảng, xí nghiệp quốc doanh và chính quyền thống nhất làm một như thế thì không thể sai được ạ! Thật là rõ ràng, đơn giản, dứt khoát, có mà chệch hướng đằng giời!
- Nghĩa là anh muốn diễn đạt yêu cầu quán triệt nghị quyết bằng một công thức cho dễ nhớ? - Trưởng Ban ngoặt ngoẹo lắc đầu.
- Anh đã hiểu đến thế mà vẫn còn truy bài đồ đệ của mình!
-???
Thấy trưởng Ban hình như bí, trong lòng ông Tiến hôm ấy sướng rơn.
Sau này, nhiều lần hễ cứ nhớ lại cuộc đối thoại ấy, ông Tiến vẫn còn thấy sướng, mặc dù có lúc ông nghi ngờ, không xác định được là vị thủ trưởng khen hay chê mình.
Nhiều lúc ông Tiến bấu víu được một ý nghĩ nào đó trong đống các bài viết của mình, đôi khi cả một hai trang đắc ý. Ông tự đọc to lên như đang diễn thuyết cho mình nghe. Rồi gật gù, tấm tắc, tự đối thoại với chính mình... Cao hứng, ông tự vỗ đen đét vào đùi mình, để có cảm giác mình đang đối thoại với một người thật nào đó trước mặt. Song cái trò hưng phấn tự tạo này chẳng bền...
Ác một nỗi, từ vài năm nay, hễ vò võ một mình một bóng, thì ngay đến cả thói quen đi tìm sự hưng phấn quen thuộc cũng chỉ làm cho ông nguôi ngoai trong một vài khoảnh khắc. Ông lại dồn tâm trạng bế tắc hụt hẫng của mình vào việc đào bới lý luận, gần đây có lúc chuyển sang cả văn chương, lại càng thấy tiếc tiếc cái tập truyện do chính tay mình viết bài giới thiệu... Chính tay ông phải đốt cả tập truyện này đi, chỉ vì bài giới thiệu trong đó trót ca ngợi những kẻ hữu khuynh như Lê Hải và Phạm Trung Nghĩa...
Trời ơi, Lê Hải và Nghĩa đã khen hết lời bài viết này, đã tìm thấy con người thật của ta trong bài viết này!
Cái trò mèo đuổi chuột hay là bịt mắt bắt dê với chữ nghĩa trong văn chương của chính mình như thế chẳng làm ông khuây khoả được bao nhiêu...
...Chả trách gì các cụ nói "dao sắc không gọt được chuôi”! Mình nhờn chữ, hay là chữ nhờn mình rồi?.. Những bài viết đã từng một thời gây tác động lớn không chỉ trên diễn đàn lý luận! Sao giờ đây mình thấy chúng chỉ toàn những con chữ vô hồn!
Ông Tiến không thể nhớ mình đã đánh vật với tâm trạng này bao nhiêu lần. Nhưng ông biết là còn đang phải tiếp tục vật vã, tiếp tục đọ sức. Ông cố tìm một lời an ủi:... À còn vật vã thế này nghĩa là vẫn bất phân thắng bại! Nghĩa là ta chưa hẳn bại!..
Có hôm đêm khuya, tình trạng bất phân thắng bại kéo dài, ông phải nhờ cậy mấy viên thuốc an thần chi viện.
Ông Tiến lại lo: Nhờn thuốc thì khốn to đấy!
Nên có tối ông Tiến đã lấy thuốc ra rồi, đã cầm cốc nước lên miệng, lại cất thuốc đi, và uống nước không! Thà chết còn hơn!.
Đọc chán những bài của mình, ông đi mở két đựng hồ sơ mật, lôi ra những bức thư đã sờn cả giấy và chữ, vì quá cũ và đã được đọc đi đọc lại nhiều lần. Đó là những thư ca ngợi ông hồi tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa ở Sài Gòn... Song cả những thư này không thể tạo ra cho ông nguồn vui thường trực và vĩnh cửu được. Một số giấy tờ là bản sao những tài liệu có liên quan đến vụ Thạch Thất của Nghĩa và Lê Hải.., nhưng bây giờ chúng cũng chỉ là những mảnh giấy vàng úa, vô hồn... Có khi ông dành trọn vẹn cả buổi tối xem đi xem lại các giấy khen, bằng khen, bằng giáo sư, tự hồi tưởng từng chiến công đã làm nên những lời ngợi khen ấy, cố nhớ lại những giai thoại lý thú để san lấp sự trống trải trong lòng.
Hay là lấp chỗ trống bằng viết hồi ký? Liệu có viết nổi không nhỉ? - Ông Tiến tự hỏi.
Có một lần đã quá nửa đêm, ông đọc đi đọc lại nhẵn các trang sách mình viết ra mà vẫn không làm sao gọi được cái ngủ về. Ông quăng sách xuống chân giường. Cực chẳng đã, ông nhắm mắt liều uống một lúc hai viên seduxen. Nhưng ông cứ vật vã mãi trong đêm tối: "Trời đất ơi, thà cứ nghèo hèn, ăn đói ăn thiếu như xưa còn sướng hơn giờ vạn lần! Bây giờ mình cứ như kẻ đang phát rồ!”.
Mối tơ vò của ông Tiến khó tả lắm. Nhưng giản lược đi thực ra chỉ có hai chuyện, đó là: gia cảnh, nghiệp cảnh. Khốn nỗi bốn chữ cộc lốc này móc nối sắp xếp lại với nhau thiên hình vạn trạng, chẳng khác gì các vạch dài và vạch đứt đoạn trong Kinh Dịch, làm nên tám quẻ, sáu hào và cả một vũ trụ nhân gian thế thái lúc thăng hoa, lúc rối bời bời của ông Tiến...
Lúc đông nhất, hộ tịch nhà ông Tiến có tám nhân khẩu. Bây giờ trong hộ tịch chỉ còn vẻn vẹn mỗi tên ông. Gia đình Thắng đã yên vị trong Nam từ lâu rồi. Hai vợ chồng Lợi bây giờ cư trú lâu dài bên Đức, đã xin được quốc tịch Đức. Cặp vợ chồng này lấy nhau ngót nghét mười năm trời mà không có con. Chữa chạy mãi, cách đây mấy năm Lợi sinh con trai. Ông cũng chẳng thiết nhớ chính xác là mấy năm… Ông chỉ nhớ bà Hà chia tay với ông để làm nghĩa vụ bà ngoại cũng đã được vài năm rồi. Thư đi điện về mãi, bà Hà vẫn khăng khăng: “Ông tự lo cho ông được rồi, bây giờ tôi phải lo cho cháu tôi!”. Và lời tâm sự của bà Hà hôm cuối cùng ở nhà với ông báo hiệu một sự thật khốc liệt:
- Cháu bà nội, tội bà ngoại! Đời nào mà chẳng thế. Tôi mong ông hiểu cho, để tôi đi cho thanh thản.
- Nghĩa vụ thì phải làm. Cháu nó cứng cáp thì bà lại về với tôi.
- Ông chẳng bà chuộc cả một đời rồi mà ông vẫn chưa chán ư?
- Bát đũa còn có khi xô xát mà.
- Tôi quá mệt mỏi rồi, giờ chỉ mong sự bình yên! - bà Hà nắm lấy tay chồng một lúc rồi buông thõng.
Hàng chục năm rồi mới có một lần nắm tay nhau như vậy! Chỉ tiếc là cái nắm tay để rồi buông thõng..., cho mãi mãi sao?
Ông Tiến đã bay sang Đức hai lần. Trong những ngày ông ở thăm, mọi lời lẽ thuyết phục bà về đều vô ích. Bà Hà một mực: "thỉnh thoảng nếu nhớ cháu, ông chịu khó dành thời giờ bay sang đây. Vé máy bay chúng nó cáng đáng được. Bây giờ tôi chỉ biết có cháu mình, không đi đâu cả...”. Tối nào bà Hà cũng tìm ra cớ này cớ khác để ngủ với cháu ngoại, bỏ ông bơ vơ một mình trong cùng một căn hộ.
Thấy hoàn cảnh bế tắc đó, một người bạn tâm phúc khuyên ông Tiến:
- Đến nông nỗi này hoặc ly dị, hoặc kiếm một bà xồn xồn nào đó sống với nhau ngoài giá thú. Cần thì đổi chỗ ở cho hàng xóm đỡ xì xèo...
- Không đời nào! Thà chết còn hơn!
- Sợ cái đếch gì?
- Trên trông xuống, dưới trông lên, không ổn! Còn thất lương tâm nữa chứ.
- Mày còn gì để mất?
- Còn sống một ngày cũng phải nghĩ cho tương lai.
- Tương lai nào?
- Ai mà không có tương lai riêng của mình.
- Nếu thế thì cứ ôm cái tương lai riêng ấy đi. Đừng than thân trách phận là không có đàn bà để ôm!
Có lần ông Tiến đánh liều, nhận lời rủ rê của người bạn tâm phúc ấy đi karaoke từ A đến... Z. Ông thấy thích lắm! Tuy nhiên ông cũng cẩn thận. Ông ngắm lại mình trong gương, từ bộ mặt, mái tóc, áo quần... Thói quen che đậy buộc ông thốt lên: "Ôi bệ vệ thế này càng không nên liều lĩnh đã biết bao người chết vì thú vui chốc lát này!"
Thắng vẫn là đứa con hiểu cha nhất. Nhiều lần Thắng ra Hà Nội mời bố chuyển vào sống với gia đình mình để ông khỏi ngày ngày cơm niêu nước lọ.
- Cảm ơn con trai. Bao giờ cơ quan chuyển vào Sài Gòn thì bố vào!
- Cỡ bố lên đến chức này là tột đỉnh rồi, sao bố nhất thiết phải bám lấy ngoài đó?
- Con ngu lắm, bố đã đánh đổi cả cuộc đời để...
- Trời đất ơi, câu bố mắng con phải để dành cho bố...
- Tôi đẻ ra anh, mà anh lại định dạy khôn tôi hả? Không đời nào! Thà chết còn hơn!..
- Thôi được, để xem bố còn sức hầu hạ sếp của bố được mấy nhiệm kỳ nữa...
Câu nói ấy của Thắng chẳng khác gì mũi dao đâm vào tim ông, vì nó đúng quá. Đã hai lần Đại hội Đảng rồi, ông chỉ leo được từ chức vụ trưởng lên phó Ban, không cao hơn được nữa.
Hồi ấy không hiểu gặp thầy gặp thuốc thế nào, sau khi đi chữa bệnh ở Trung Quốc về, ông trưởng Ban không ngoẻo mà lại cải lão hoàn đồng, lại còn được đề bạt lên trưởng Ban loại đặc biệt nữa chứ. Hai nhiệm kỳ trôi qua rồi, thế mới chết chứ! Chiếu cố tình chiến hữu cũ, chính ông này đưa ông Tiến lên chức phó Ban, thế chân một số việc ông đang làm.
Nếu không thì ông Tiến đã phải đưa vào diện xét nghỉ hưu từ đời tám hoánh rồi...
Còn một lý do quan trọng nữa khiến ông Tiến không tài nào leo cao hơn được: ông chưa một lần lọt vào danh sách cơ cấu.
Danh chính ngôn thuận người ta giải thích cho ông: thời buổi này cần các nhà kinh tế có trình độ lý luận chính trị. Nhưng giáo sư Đoàn Danh Tiến lại chỉ là nhà lý luận chính trị thuần chủng, cả đời ông chưa bao giờ mua bán một vật gì giá trị cao hơn một chiếc xe đạp, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Ông chỉ cần đường lối chính trị, còn kinh tế vi mô, vĩ mô ông bỏ ngoài tai. Chẳng thế mà thủ trưởng của ông đã cho ông không ít bài học khi ông cầm bút viết về khoán chui, về Kim Ngọc... Ngay cả Hai Hân cũng cho ông vô khối bài học về 125 CP, về kế hoạch 3... thời bao cấp, mỗi lần ông đi công tác bà Hà phải chỉ cho ông biết phân biệt từng loại tem gạo... Nhưng khi bàn về những tiêu thức của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngoài ông ra trong giới học giả chưa ai làm được cái việc đưa các thuộc tính của quốc doanh lên thành nguyên lý, rồi đến cái công thức thần chú... 1+1+1 = 1.
- Bố tự biết mình biết người một tý cho đỡ khổ bố à! - Thắng cố làm cho ông hiểu thân phận mình. Con đường chính diện thì bố không với tới, cơ cấu thì bố nằm ngoài, bố còn hy vọng cái nỗi gì? Chạy ghế cho bố bao nhiêu tiền con cũng lo được. Nhưng bố hết mã rồi...
- Câm! Đừng có mà quen mồm nói nhảm!
- Bố không thấy à, tóc bạc có thể nhuộm được, nhưng tuổi tác trên khuôn mặt của bố và những gì ghi trong lý lịch bố thì lại không mỹ viện nào sửa được! Danh của bố lại nổi quá, không đánh tráo được!
- Tao bảo mày câm đi! Tao đã hy sinh tất cả vì cái đích này! Tao không bao giờ chùn bước! Thà chết còn hơn!
Nếu là ngày xưa, ông Tiến đã đè cổ Thắng xuống giường nện cho mấy roi. Nhưng bây giờ ông không thể rồi, cả về lực và về lý. Tuy vậy, ông Tiến chấp nhận lời khuyên của Thắng đi tập đánh ten-nít và tìm nuôi một người ở gái. Đơn giản là ông muốn, ông thèm, nhưng ông lại... sợ. Mới đầu ông viện mọi lý lẽ phản bác lại, nhiều lúc rất quyết liệt, song cũng có lúc ông bộc bạch thật lòng: "Bố muốn thế lắm, nhưng ngại quá! Trên trông xuống, dưới trông lên. Chẳng gì cũng là một người làm nhiệm vụ cầm cân nảy mực về lý tưởng! Đã gần tới đích. Bố không thể chấp nhận giữa đường đứt gánh... Biết là như thế, muốn là thế, nhưng sợ lắm! Thà chết còn hơn con ạ!
Phải chờ cho đến khi Thắng tìm được ở đâu đó rồi dúi vào tay ông bản photo copy bài báo "Biết thả vào đâu?”, đăng trên tuần báo Con người & Gia đình & Xã hội... Ông Tiến vân vê bài báo. Đọc đi đọc lại không thấy chán, rồi ông lại đọc to cho cả Thắng cùng nghe: - "...Bây giờ xã hội văn minh... Chúng tôi không muốn vi phạm hạnh phúc gia đình, nhưng thiết nghĩ nếu có tí táu với người phụ nữ nào đồng cảm thì đó cũng là bản năng và nhu cầu cần thiết mà thôi... có nên phá vỡ những ngày tái xuân của chúng tôi không hả các vị? Bị vợ bỏ rơi và nhu cầu bức xúc là hai yếu tố buộc chúng tôi phải tìm...".
Ôi lý luận thế mới là lý luận chứ Thắng ơi! Từ cuộc sống mà ra, hoàn toàn bám sát cuộc sống! - Ông Thắng lập đi lập lại nhiều lần.
Thời còn trai trẻ đi học ở quê, ông đã được mệnh danh là lực điền. Cái tố chất trời cho ấy tuy làm khổ ông những đêm tối vò võ trằn trọc, nhưng lại giúp ông chạy rất nhanh và đánh những đường banh rất mạnh trên sân ten-nít, hơn đứt các vị cùng tuổi. Ông chỉ còn thiếu những quả đánh hay thôi. Nhưng chuyện thuê người ở gái hay chuyện làm quen với mấy bà goá hoặc lỡ thì trên sân bóng thì lại chẳng suôn sẻ chút nào.
Một hôm trong giờ giải lao giữa cuộc họp, một vị nào đó tung lên ý kiến: "Mốt thời thượng bây giờ là thuê bồ làm ô-sin. Công đôi ba việc. Hợp lý, hợp pháp, không sai quy định, không con mắt kiểm tra nào có thể soi mói được”.
Sự thật là thuê ô-sin để... giải toả nỗi bí. Bồ bịch gì! Quy định 19 điều dù có chi tiết đến đâu cũng vẫn có kẽ hở...”.
Đứng tít cuối bàn, thế mà tách cà phê suýt vuột khỏi tay, ông Tiến có cảm tưởng những câu nói ấy chĩa thẳng vào mình. Ông lùi xa hơn nữa vào góc phòng, trong lòng thực sự phân vân.
Chẳng lẽ vách nhà mình có tai? Hay là tại mấy con ở gái mách lẻo? Tại mấy hộ chung quanh?
Ông đã ba lần tìm thuê được người, song người thứ nhất ở được đúng ba tuần thì xin ra, người thứ hai được hai hôm, người thứ ba sáng đến tối đã sụt sùi đòi về.
Mình không may mắn với đàn bà! Tìm thuê ô-sin nữa, hay thôi?
Ông Tiến cứ lẩm bẩm suốt ngày với mình như thế. Có lúc ông lo là mình trở nên lẩn thẩn mất rồi.
Nếu thế thì nguy lắm. Mẹ nó, lợi bất cập hại!
...Với người ở gái đầu tiên, ông "liều chết" được hai lần, nhưng lằng nhà lằng nhằng, chẳng đâu vào đâu. Thèm muốn vẫn hoàn thèm muốn. Tuần thứ ba ông định liều cái nữa, thì người ở gái lu loa vang cả nhà, nhất quyết đòi về. Ông Tiến tìm cách vuốt ve nhưng bị người ở gái hất tay ra. Ông dúi vào tay người ở gái một tệp giấy bạc mười tờ năm mươi nghìn. Người ở gái vẫn nước mắt ngắn nước mắt dài, có lúc còn nấc lên. Ban đêm sao mồm cô ta to thế!.. Ông lấy tay bịt miệng cô ta lại, cô ta càng khóc to hơn. Ông Tiến hãi quá, chạy đi lấy tiền dúi vào tay cô ta một tệp giấy bạc như thế nữa... Lúc này cô ta mới thôi khóc.
Về giường của mình, ông chỉ mong cho trời chóng sáng.
Ông thấy nhẹ hẳn người khi cô ta đi khuất khỏi cổng.
May quá, lúc này còn sớm, chưa ai dậy!
Sau đó ông tần ngần:
Không biết là mình bịt miệng nó, hay là nó tống tiền mình! Đời này thật... đểu!
Đối với người ở gái thứ hai và thứ ba, ông Tiến thử sức thử tài mình, gặt hái được những cái chép miệng:
Bố tiên sư cái đời chỉ có tiếng mà không có miếng!
Thỉnh thoảng cái chép miệng này cứ tự động vang lên trong đầu, dù ông muốn nghe hay không muốn nghe, cứ như thể có ai đặt sẵn đâu đó một cái máy ghi âm chốc chốc chỉ phát riêng câu này cho mình ông nghe mà thôi.
Chính ông Tiến cũng phát hoảng. Ông cạch không dám tiếp tục cái bài thuê người ở gái nữa. Ông cảm thấy còn biết bao nhiêu hậu quả khác không thể lường trước: Không thể khôn ba bốn chục năm dại một giờ! Nếu không tòi ra một đứa con thì lại có thể sida! Chẳng lẽ đàng hoàng một đấng như mình lại vác mặt đi ra hiệu thuốc mua bao cao su! Mà bao cao su đâu đã chắc ăn một trăm phần trăm, thị trường ngày nay thiếu gì cái hàng làm điêu...
Thà chết còn hơn!
...Bỏ mẹ, để cho tình cảnh đánh hụt mãi thế này quá đi, bỗng dưng trở thành thằng lẩn thẩn vì sinh lý thì khốn!
Trên sân ten-nít câu chuyện lại đi theo hướng khác. Ông Tiến phải tự an ủi không biết bao nhiêu lần:
Mình nói chuyện với đàn bà không có duyên. Chẳng lẽ vợ mình ngày xưa mắc lừa mình to đến thế!..
Như những đứa mắc dịch, mấy cô nhân viên tạp vụ trong cơ quan hễ cứ gặp ông là rúc rích cười cười với nhau, ông chẳng hiểu ra sao cả. Đứa dong dỏng, đứa béo lẳn, đứa nào cũng roi rói, núc ních, được mắt quá!.. Nhiều lần ông đang nhìn mà phải cụp mắt xuống, vì chỉ sợ bị ai đó bắt quả tang đang nhìn trộm chúng nó thì... khốn!
Nhưng lũ ác ôn này không buông tha ông. Hễ thấy ông từ xa là mấy con ranh đi đứng ngực cứ ưỡn ngửa lên để trêu ngươi, đánh mông đánh tay ngứa cả mắt!..
Ông Tiến nuốt nước bọt, trong bụng chửi thầm:
Tổ cha chúng mày!..
Dù là cả hai bố con mất bao nhiêu công phu, rút cuộc lời khuyên của Thắng ông chỉ thực hiện được phần nào trên sân ten-nít, còn phần tí táu đành chịu gác lại, bức xúc vẫn hoàn bức xúc.
- Tao không phải là loại người có thể ngồi xổm trên dư luận! - Ông Tiến phát khùng lên với Thắng.
- Bố không giải thoát nổi thân bố thì còn mong gì giải phóng ai! Đã thế bố còn quấy rầy bao nhiêu người khác nữa chứ!
- Đồ ăn nói hàm hồ!
Xoay xở chán, ông Tiến vẫn chìm sâu vào cảnh cơm niêu nước lọ. Từ gần một năm nay ông cải tiến tình trạng hiện thời của mình bằng cách đi ăn nhà hàng. Chuyện tiền nong chưa đến mức mua tiên cũng được, nhưng có thể nói là hoàn toàn dư dật, vì hai con ông đều có lực và không muốn bố mình khổ. Thắng còn mua cho ông một xe Camry, thuê cho ông một lái xe riêng, để ông kéo bè kéo bạn đi chơi đây đó những lúc nhàn rỗi. Lúc ông không đi đâu thì xe này phục vụ cơ quan đại diện của Trung tâm Bình Tiến đóng ở Hà Nội...
Có đêm ông Tiến quá bực mình vì mất ngủ. Ông tự đấm đấm vào ngực:
- Trời với đất! Vạch đường chỉ lối cho cả thiên hạ thì được. Thế mà không tự giải quyết nổi cái cục khốn của chính mình!
Một ngày, đấng cứu thế của ông Tiến lại chính là ông trưởng Ban:
- Bây giờ nhộn nhạo quá, cần mở một chiến dịch phản công lại những quan điểm lệch lạc về toàn cầu hoá. Tôi muốn anh đích thân viết bài mở đầu để khai hoả.
- Xin anh cho biết là chuyên về chính trị hay chuyên về kinh tế ạ?
- Bài mở đầu thì phải toàn diện chứ. Sau đó anh trực tiếp hướng dẫn dư luận báo chí về chủ đề này, được không?
- Tôi chưa bao giờ lùi bước trước nhiệm vụ.
- Việc này hơi khó gặm đấy, anh Tiến ạ.
- Anh yên tâm. Tính giai cấp, quốc doanh là chủ đạo, Đảng lãnh đạo, giữ vững chuyên chính vô sản, đấy là nguyên lý giải quyết mọi vấn đề. Hội nhập ra hội nhập vào thế nào cũng phải bám lấy nguyên lý này. Như thế thì làm sao chệch hướng được!
- Anh lúc nào cũng thuộc bài nhỉ!
- Đấy là những điều tôi đã tổng kết thành công thức rồi anh ạ. Trong khoa học tự nhiên người ta có định luật Archimedes, định luật Newton... Trong chủ nghĩa xã hội khoa học, nếu anh cho phép, tôi sẽ gọi những điều tôi đã tổng kết được là công thức Đoàn Danh Tiến! Được không anh?
- Hợm hĩnh gớm nhỉ! Lại cái công thức giời đánh!
- Anh đã một lần bí với tôi rồi.
- Để xem kỳ này bài vở anh viết ra sao đã!
Ông Tiến hiểu sếp giao cho mình một việc rất khó. Song lúc này ông cảm thấy vui, vì thấy có cơ được giải toả khỏi nỗi quẫn của mình.
Bây giờ có việc để làm suốt ngày đêm rồi, không còn hơi sức đâu mà tự trằn trọc với mình nữa. Ôi may quá! Ta lại trở về được quỹ đạo của ta. Ta lại đi tiếp được tới cái đích của ta...
Ông Tiến ngày đêm miệt mài… Cái chủ thuyết phải lựa chọn toàn cầu hoá xã hội chủ nghĩa được thai nghén từ đấy...
Huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ do Bạch Liên giới thiệu từ lâu đã trở thành vệ sĩ như hình với bóng của Kim Hồng. Không hiểu ông trời khéo tay như thế nào mà gắp họ thành đôi hợp nhau đến thế. Sự mẫn cán của vệ sĩ giúp Kim Hồng gần như quên mất cái máu ghen của mình mỗi khi nghĩ đến Bạch Liên và nhiều khi quên bẵng cả Thắng.
- Thì ra chồng con không phải là chuyện gì ghê gớm lắm như người ta vẫn tưởng!.
Đã có lúc Kim Hồng nghĩ như thế thành lời trong đầu.
Kim Hồng vừa thắng một quả lớn, hôm nay quyết định bỏ mọi công việc để làm một chuyến thư giãn! Thời giờ còn quý hơn cả vàng bạc, chuyến đi thư giãn này vì thế phải làm sao hơn hẳn mấy lần trước...
Bây giờ Thành phố đang có cái mốt là quý ông quý bà thi nhau đi xem đua chó, để giải trí, quan trọng hơn nữa là để... đánh cá độ chó và cá độ người. Thường là ngủ qua đêm. Có người đặt tờ séc cả trăm triệu bạc lên bàn để cá độ với nhau! Một thứ đánh bạc công khai và hợp pháp không gì sướng bằng! Còn đánh cá độ người là chuyện bí mật!..
Kim Hồng cho tất cả những thứ đó là trò trẻ con, không thèm để ý, mặc dù mới cách đây bảy tám năm thôi đã mấy lần suýt bị Thắng cho ăn bạt tai vì cái tội thích mở sòng bạc và mở thêm một hai quán karaoke. Kim Hồng từ lâu cũng thôi không trực tiếp quản lý Trung tâm dưỡng da Ly Ly nữa, vì bận quá, Hồng giao cho một đàn em kế vị. Từ ngày trở thành ngôi sao trong làng kinh doanh địa ốc, chưa tới mức sao Bắc đẩu hay sao Ngưu, nhưng là một ngôi sao hẳn hoi, Kim Hồng kiếm bạc tỷ. Nhưng đúng là tiền nào công ấy, quan hệ ấy, công sức các cuộc vật lộn để giành giựt nhau - khi thì là cái giấy phép, khi thì là lô đất có cắm mốc hẳn hoi.., cũng phải tính bằng tiền tỷ... Còn thời gian, cơ hội, trí não phải bỏ ra thì chẳng có tỷ nào tính đếm được...
Kim Hồng đi Vũng Tàu, về danh nghĩa là đi xem đua chó, nhưng sự thực là Kim Hồng cần thư giãn... Kim Hồng bận lắm, bỏ hẳn một ngày, nhưng không ngủ qua đêm.
...Tại trường đua chó Vũng Tàu, cuộc đua đầu tiên đi vào cao điểm. Người xem hò hét vỡ trời làm cho bầy chó đua nhau chạy như điên trên trường đua. Chúng chạy càng điên, người xem càng hò hét ầm ĩ hơn. Cứ thế, người và chó không biết ai là cổ động viên của ai! Người xem là đàn bà xồn xồn chiếm số đông, diêm dúa và lòe loẹt son phấn nhất hạng! Họ giậm chân giậm tay gầm thét dữ tợn như bầy hổ cái khổng lồ! Có đám đàn bà hò hét không chưa đủ, khua mũ, khua khăn tay lên làm cờ cổ vũ cho con chó mình đã mua vé! Có mấy người táo tợn còn rút cả xu-chiêng múa vung lên trời. Tiếng hò hét chung quanh dành cho họ càng cuồng loạn hơn! Tham gia chạy đua toàn là chó đực chưa thiến, chúng hăng lắm.
Phòng VIP đặc biệt của khách sạn mà Kim Hồng thuê nằm khuất một góc ngay sát trường đua. Chỗ này có cái thuận là không một bóng người, cái không thuận là không thể ngồi trong phòng xem đua chó, nhưng Kim Hồng lại thích một vị trí như thế. Chấn động âm thanh từ trường đua ngày càng náo nhiệt, làm cho các bức tường phòng VIP rung chuyển ngày càng mạnh. Kim Hồng ôm ghì đầu vệ sĩ vào giữa hai vú mình, nói to:
- Nếu chúng mình là vợ chồng hay là người tình của nhau chưa hẳn đã hay như thế này? Có phải thế không vệ sĩ?
- Bà chủ nói hơi bị siêu! Phải có cái gì để luôn luôn hướng tới mới hay!
- Tự do phải được kích thích bằng tự do!
- Bà chủ chọn địa điểm này tuyệt quá!
- Không đâu có không khí kích thích chúng ta mạnh mẽ hơn như ở đây!
- Đúng là quan hệ giữa hai chúng ta hay hơn quan hệ người tình hoặc quan hệ vợ chồng nhiều bà chủ ạ! - vệ sĩ thừa nhận.
- Chúng ta là những chiến sĩ tự do mà! Vệ sĩ thích nhất bà chủ của mình cái gì?
- Cái gì của bà chủ vệ sĩ cũng thích, nhưng thích nhất đúng là ý chí tự do của bà chủ! Bà chủ thích nhất ở vệ sĩ cái gì?
- Mỗi lần là một thích thú khác nhau. Nhưng hay nhất có lẽ là vệ sĩ luôn luôn biết chiều bà chủ!
- Cảm ơn bà chủ.
- Niềm vui lớn nhất của vệ sĩ là gì vậy?
- Là làm bà chủ hài lòng. Có bao giờ bà chủ không hài lòng không?
- Câu hỏi nghiêm túc đấy. Đến bây giờ thì chưa.
- Đúng thế không?
- Đúng!
Kim Hồng vừa dứt lời, vệ sĩõ đã bế bổng Kim Hồng lên quay mấy vòng, đắp lên thân thể của Kim Hồng không biết bao nhiêu cái hôn...
Hai thân thể trần truồng mơn trớn quần thảo nhau và tự kích thích nhau bằng thứ ngôn từ đối thoại không có bất kể cái gì che phủ. Âm thanh náo nhiệt của trường đua chó bên ngoài vang dội vào phòng VIP của họ, sự kích thích càng thêm phần mãnh liệt.
...Ô-ten-lô cố lên! Cố lên! Cố lên!..
...Đôn Doăn cố lên! Cố lên!
...Milu! Milu!... Hoan hô Milu gần kịp rồi!
...Cố lên! Cố lên! Cố Lên!
...Một hai ba... cố lên! Cố lên!..
...Những tiếng hô đồng thanh cùng nhịp điệu từng hồi, từng hồi từ trường đua bập bùng dội vào buồng VIP, giữ nhịp cho họ, Kim Hồng cũng ra sức cổ vũ vệ sĩ của mình theo cùng một nhịp...
- Vệ sĩ cố lên! Cố lên!
- Tuyệt! Tuyệt! Cố lên!
- Tuyệt thế này nên gọi chúng mình là gì nhỉ?
- Là bà chủ và người làm tình của mình!
- Ôi thế thì gào rú lên!
- Vệ sĩ nữa lên!
- Rống to vào!
- Cố lên! Rống to nữa vào!..
Ngôn ngữ trong phòng VIP cùng với âm thanh bên ngoài dội vào thi nhau tấu hoà điên cuồng, thi nhau man rợ. Thế giới hồng hoang ban đầu chắc cũng chỉ hỗn mang đến mức này!..
...Bầy chó trên trường đua đã về đến đích, âm thanh bên ngoài lắng hẳn xuống. Bà chủ và vệ sĩ trong phòng VIP cũng về đến đích, nằm sóng soài trên nệm trắng...
Một lúc sau vệ sĩ đứng dậy mở tủ lạnh, lấy cho bà chủ và cho mình mỗi người một lon bia Heinecken. Cứ tợp một ngụm bia, vệ sĩ lại tợp một ngụm uýt-ki từ cái chai đã mở từ ban sớm, lúc xe bắt đầu ra khỏi địa phận Sài Gòn.
- Bà chủ có thử một tý không? Uýt-ki đi với bia lạnh lúc này là số zách trên đời!
Kim Hồng không khách khí, cũng tu một ngụm uýt-ki từ chai, nhâm nhi một lúc.., rồi lại một tợp bia, một ngụm uýt-ki.., tận hưởng lời mời của vệ sỹ một cách khoái trá:
- Vệ sỹ có lý lắm!
- Bí mật nhà nghề đấy! - tay vệ sĩ vuốt ve bà chủ của mình
- Đúng là uýt-ki đi với bia lạnh lúc này là tuyệt vời!
- Thế thì không thể liệt bà chủ vào phái yếu được!
-...
Trên mặt Kim Hồng ửng đỏ một nụ cười tràn trề thoả mãn. Cuộc đối thoại bằng thứ ngôn từ không quần không áo lại bắt đầu.
- Bà chủ thông minh lắm. Vệ sĩ nghĩ mãi mà vẫn chưa biết mô tả cái tình tuyệt đẹp của hai chúng mình như thế nào.
- Vệ sĩ có cái gì trong đầu?
- Gọi là tình yêu không được. Gọi là tình bạn không được. Gọi là nhân tình, là nhân ngãi, là huynh đệ, là chủ tớ... đều không đúng! Ngôn ngữ con người quá nghèo nàn ở chỗ này!..
- Gọi là bà chủ và người làm tình của mình là đúng nhất, có phải không?
- Ôi, bà chủ! Nói thế hơi bị đẹp!.. Ngôn ngữ phải đến như thế mới là tột đỉnh! - một tay vệ sĩ nắm lại, thò ngón tay cái ra, giơ cao lên trời giật giật...
- Gọi thế là lãng mạn nhất!
- Lãng mạn hơn cả da thịt chạm vào nhau...
- Phải nói là đỉnh cao của da thịt chạm vào nhau mới nói lên được như vậy chứ!
- Ôi hết ý bà chủ ạ!.. Hơi bị đẹp! - vệ sỹ lại ghì lấy bà chủ, mân mê khắp người bà chủ.
Kim Hồng nằm yên trong tay vệ sĩ, lim dim hai mắt thưởng thức mọi khoái cảm. Độ rượu vừa phải tăng cảm giác khoái cảm lên bội phần...
- Mười viên thuốc lắc cũng không bằng... - Kim Hồng nói bâng quơ.
- Bà chủ đoán xem, con Khác-pốp bà chủ mua vé liệu có về nhất không? Trong album trông nó có vẻ là chúa sơn lâm của trường đua này. Cứ như là một sư tử đen... - vệ sĩ đưa ảnh con Khác-pốp trong album cho Kim Hồng ngắm nghía.
- Thắng thua là chuyện phụ. Xuống đây cái chính là đi tìm cảm hứng! - Kim Hồng không mở mắt, tay gạt quyển album xuống đất.
- Nếu thắng giải, bà chủ thưởng cho vệ sĩ chứ?
- Chuyện nhỏ! Môi trường kích thích ở đây thì không tiền nào mua được!
- Sau con Khác-pốp, bà chủ còn những ba cuộc đua nữa.
- Sắp đến cuộc thứ hai chưa?
- Còn mười lăm phút nữa. Bà chủ kiếm tiền như điên, nhưng tiêu tiền cũng như điên!
- Vệ sĩ cũng vì bà chủ như điên chứ?
- Còn hơn điên!
- Thương trường là chiến trường! Phải có những ngày xả láng như thế này mới hết "trét". - Kim Hồng không phát âm được từ “tress”.
...Tiếng chuông điện ngoài trường đua réo lên, báo hiệu cuộc đua thứ hai sắp bắt đầu. Một phát súng hiệu bụp vào bầu trời, không gian lại đầy ắp những tiếng reo hò.
Trong phòng VIP cuộc đua vòng hai cũng bắt đầu...
Cuộc đua vòng ba...
Cuộc đua vòng bốn...
Khi vệ sĩ và Kim Hồng thức dậy, phòng VIP tối om. Vệ sĩ lò mò bật đèn, lúc này phòng VIP hiện lên như một bãi chiến trường, lủng củng đủ mọi thứ bát đĩa, dao dĩa, chai lọ, lon cốc...
- Có lẽ chúng mình ngủ đến năm sáu tiếng đồng hồ, hơn chín giờ tối rồi còn gì nữa! - vệ sĩ nhìn đồng hồ.
- Lại thấy đói rồi! - Kim Hồng đáp lại.
Kim Hồng vào phòng tắm vặn vòi hoa sen... Sau đó trang điểm qua loa rồi quay ra pha cho mình một tách nestcafé, cầm lên một miếng bánh biscuit... Vệ sĩ thu dọn đồ nghề và chiến trường...
Một lúc sau cả hai đi xuống nơi tiếp tân của khách sạn để thanh toán.
Tại quầy tiếp tân, người thư ký khách sạn đưa cho Kim Hồng một vòng hoa tết bằng các hạt cườm trông rất vui mắt, một tấm bằng có ảnh con Các-tu, và một tờ séc:
- Thưa anh chị, đây là giải thưởng khuyến khích dành cho con Các-tu của anh chị. Nó trúng giải thi con chó thông minh. Bằng chứng nhận của nó đây ạ! Tiền trúng thưởng là một triệu đồng! Xin anh chị ký nhận cho.
- Ôi thế là vẫn trúng thưởng đấy chứ! - Kim Hồng reo lên, khoác vòng hoa vào cổ vệ sĩ, đặt tấm bằng vào tay vệ sĩ, dúi tờ séc vào túi áo ngực vệ sĩ, lại còn bắt tay vệ sĩ một cái.., cứ như thể chính vệ sĩ là con Các-tu.., rồi mới cầm bút ký.
- Anh chị hài lòng về sự phục vụ của khách sạn chứ ạ?
Kim Hồng khẽ gật đầu. Vệ sĩ dúi vào tay người thư ký tờ giấy bạc năm mươi nghìn đồng.
Khi hai người bước ra đến hiên bên ngoài sảnh, người bồi khách sạn cũng vừa kịp lái xe của Kim Hồng đến trước cửa. Người bồi chạy xuống mở cửa xe cho Kim Hồng lên rồi chạy lại mở cửa xe cho vệ sĩ ngồi vào lái. Bằng một cử chỉ sành điệu của vệ sĩ, một tờ bạc năm mươi nghìn đồng nữa nằm gọn trong tay người bồi.
- Bon voyage Madame et Monsieur!
- Merci! - vệ sĩ ra hiệu tay chào lại.
Xe bon bon đi vào Vũng Tàu để tìm đường trở lại Thành phố.
- Một ngày đáng ghi nhớ, có phải không bà chủ?
- Tôi thấy khoẻ ra và trẻ lại đến mươi tuổi!
- Vệ sĩ sẽ giữ cho bà chủ trẻ mãi!
- Về đến Sài Gòn vệ sỹ lại cất xe đi cho tôi, đừng để thằng con tôi đụng tới. Nó mấy lần cán người rồi, rất dễ bị đi tù. Nói ngay bây giờ, sợ mải chuyện sẽ quên mất.
- Bà chủ yên tâm.
- Nó máu đua xe lắm, đâm hỏng mấy cái rồi.
- Từ giờ phút này cuộc sống thương trường là chiến trường lại bắt đầu, có phải không bà chủ?
- Cuộc vui nào cũng ngắn hơn mong muốn.
- Tích tụ sự mong muốn cho cuộc sau bà chủ ạ!.. Ối ối, sao lại có chuyện xe máy xe ô tô xếp hàng rồng rắn hết cả lối đi thế này!
Cả Kim Hồng và vệ sỹ không tin vào những gì họ thấy trước mặt.
- Đúng rồi! - Kim Hồng vỗ đùi giãy nảy lên. -...Một trăm phần trăm đây là xếp hàng mua xăng! Ngày kia sẽ bán xăng theo giá mới!
- Sao bà chủ biết?
- Nội bộ được tin lệnh bán theo giá mới đã phát đi từ sáng hôm qua, sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày kia.
- Thế nhưng từ ngày bỏ bao cấp nước mình có thiếu xăng bao giờ đâu?
- Họ găm lại để bán theo giá mới kiếm lời!
- Toàn xăng quốc doanh mà cũng đầu cơ à?
- Cơ chế thị trường mà! Tìm đường khác đi, nếu không sáng mai mới về đến Thành phố! - Kim Hồng nói như ra lệnh.
Vệ sĩ nháy đèn hiệu xin đường đi theo lối khác. Chật vật lắm xe mới ngoặt được vào một đường ngang. Xe bon bon được dăm mười phút không ngờ lại đi vào chỗ kẹt lớn hơn, đứng chết dí tại chỗ không biết bao nhiêu lâu rồi.
- Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa bà chủ ạ. Trạm xăng này còn bự hơn nữa! Lại đến giờ xe tải chạy rồi!..
- Người ngợm xe pháo đâu mà xếp hàng dài thế!
- Bà chủ chỉ nên nghĩ đến ngày vui hôm nay thì sẽ đỡ bứt rứt hơn!
- Kim Hồng bắt đầu nóng ruột, vì sáng mai có cuộc hẹn cho một áp-phe quan trọng.
Có cái trực thăng nào ở đây cẩu cái xe ra khỏi thành phố này thì may ra! Vệ sĩ cũng bắt đầu cảm thấy bực dọc.
- Hay là bà chủ chịu khó xuống xe xin đường cho tôi cài số lùi. Bây giờ lùi còn kịp! Nếu không phải ngủ lại trong xe thì không đầy đủ tiện nghi như ở phòng VIP đâu!
Kim Hồng làm theo lời vệ sỹ. Mất gần nửa giờ đồng hồ nữa xe mới ra khỏi chỗ kẹt để quay ra hướng biển tìm cách đi đường vòng...
- Thà đi đường xa gần gấp đôi thế này còn hơn kẹt xe bà chủ ạ!
- Tiên sư chúng nó làm khổ chúng mình! Tính sơ sơ ngày nay, ngày mai, ngày kia bọn bán xăng ở mấy thành phố này vớ bạc tỷ đấy!
- Dữ thế hả bà chủ?
- Tính đi, mỗi ngày mấy thành phố quanh đây tiêu thụ mấy trăm tấn xăng. Có lẽ đến cả nghìn tấn! Anh cứ đem nhân với khoản chênh lệch giá của vụ đầu cơ này thì ra ngay số tiền! Cả nước cũng sẽ có chuyện đầu cơ như ở đây!
- Lệnh gì mà chưa thực hiện đã lộ hả bà chủ? Mới chưa đầy một ngày..!
- Bọn này phải đem ra bắn hết!
- Ối, thế thì phải bắn cả nước, bà chủ ạ! Tôi lại lo chuyện khác!
- Vệ sĩ lo cái gì?
- Bà tính xem, mới thiếu xăng có mười mấy tiếng đồng hồ mà đã nháo nhác như vậy. Giả thử nói dại mồm dại miệng bị mất mùa hay bị thiên tai lớn thì ra sao đây!
- Ừ nhỉ, mười mấy năm nay không biết mất mùa là gì! Vệ sĩ mà cũng có câu hỏi đáng suy nghĩ đấy nhỉ!..
- Thôi chúng ta nói chuyện khác đi bà chủ! Nhiệm vụ của vệ sĩ là giữ cho bà chủ trẻ mãi cơ mà!
- Phải rồi, đừng làm hỏng mất dư âm hôm nay!
-...
Chuyện trò trong xe rôm rả là thế, nhưng lúc lúc Kim Hồng vẫn rít lên, giục vệ sĩ phải dấn ga về kịp Thành phố trước bốn giờ sáng. Kim Hồng đã có hẹn nhập bọn để lên Lâm Đồng đấu thầu 200 hecta xây dựng khu du lịch sinh thái Đan Kia vào 5 giờ chiều ngày mai... Cách đây một tuần Kim Hồng vừa mới đòi được một chân trong cánh đi tham gia đấu thầu này...
- Bà chủ để tóc dài đuôi ngựa như thế trẻ ra đến chục tuổi! - vệ sĩ cố lái câu chuyện ra khỏi nỗi lo của Kim Hồng.
- Gợi ý của Bạch Liên đấy. Phải chịu hắn ta là có gu lắm!
- Cầm chân được ông Thắng nhà mình thì phải là người có biệt tài rồi!
- Anh đi đằng anh, em đi đằng em từ đời ma củ tỷ củ tỳ nào rồi!
- Cùng chiến sỹ tự do với nhau cả mà! Bà chủ!
- Đúng thế, chỉ có tự do mới là vĩnh hằng!
- Ôi, siêu quá bà chủ! Thật là lời nói nhả ngọc phun châu... - vệ sĩ bỏ một tay khỏi vô-lăng, ôm riết lấy Kim Hồng mà hôn.
Cái hôn làm cho chiếc Mercedes ngoằn ngoèo trên đường một quãng dài dưới bầu trời đã rạng sáng. Các xe tải đi ngược, đi xuôi rú còi ầm ĩ phản đối. Tại một chỗ, cái Mercedes lạng quá xa sang bên trái, thế là chiếc xe tải đi ngược chiều và cả cái Mercedes đều phải dừng gấp lại. Người lái xe tải thò hẳn đầu ra ngoài ca-bin, chõ vào cái Mercedes mà chửi:
-...Đ. mẹ chúng mày! Có muốn ông nghiền cho tan xác không hả!..
Dứt lời chửi là một tiếng choang chát chúa! Người lái xe tải thẳng tay ném cái búa vào đối phương. Kính chắn gió của chiếc xe Mercedes mới khựng bung ra thành muôn vàn mảnh bi tròn tung toé trên mặt đường...