Nguyên bị đuổi, ba năm không được gặp vua, tận trí tận trung mà lại bị gièm pha che lấp. Lòng buồn ý loạn, không biết phải đi con đường nào, mới đến quan thái bốc trịnh Thiềm Doãn: - Tôi có điều nghi, xin tiên sinh quyết hộ cho. Thiềm Doãn sửa ngay lại cỏ thi, phủi bụi mu rùa, hỏi: - Ông muốn dạy tôi việc chi? Khuất Nguyên đáp, - Tôi có nên khẩn khấn khoản khoản gìn giữ mãi một lòng trung, hay nên đưa đón theo đời để khỏi khốn cùng? Có nên bừa cày hết sức làm ruộng mà nuôi thân hay nên giao du với người vinh hiển để cầu danh? Có nên nói thẳng, không gì nể đến thân ngay, hay nên nói theo thói tục, cầu sang giàu để sống bê tha? Có nên siêu nhiên xuất thế để giữ gìn thiên chân, hay nên nịnh nót khúm núm, xum xoe cười gượng để thời đàn bà? Có nên liêm khiết, chính trực để được sạch trong hay trơn tru tròn trĩnh, như mỡ như da, để được như cây cột tròn? Có nên ngang tàn như con ngựa thiên lý, hay nên lênh đênh như con vịt nước, cùng nhấp nhô với sóng mà toàn được tấm thân? Có nên chạy đua với loài Kỳ, Ký, hay noi theo cái vết của loài ngựa hèn? Có nên sánh vai với loài hàng hộc, hay nên tranh ăn với đám vịt gà? Đường nào kiết? Đường nào hung? Bỏ đường nào? Theo đường nào? Đời hỗn trọc mà không thạnh thì cái ve là nặng mà nghìn cân là khinh, cái chuông vàng thì bỏ nát cái nồi đất thì kêu vang, kẻ gièm pha thì tên tuổi cao trương mà người hiền sĩ thì không tên tuổi. Than ôi: Biết nói gì đây? Ai biết ta là trong sạch? Thiềm Doãn đặt cỏ thi xuống, tạ rằng: - Thước có khi lại ngắn, mà tấc có khi lại dài, vật có chỗ không đủ, mà trí có chỗ không sáng. Số có chỗ đoán không tới, mà thần có chỗ cũng không thông. Ông cứ theo lòng mà làm cho đúng ý ông. Cỏ thi và mu rùa, quả không thể biết được việc ấy!