Cha Phêlíp Xăngtốt tỏ ra ôn hoà một cách lạ lùng. Khi Ăngtoan hôn viền áo của ông ta, ông ta chỉ cho anh một chiếc ghế gần chỗ của mình, trong phòng tiếp kiến. - Tôi cho người mời anh đến tu viện vì một lý do, bác sĩ ạ. Ăngtoan yên lặng chờ đợi. - Tôi đã đọc cuốn Điều trần của anh một cách vô cùng lý thú, – tu viện trưởng tiếp tục nói. – Cuốn sách ấy khá gần gũi với câu chuyện của chúng ta về cha Mariô. - Chính trong đêm hôm ấy ý kiến về vấn đề này đã đến với tôi – Ăngtoan thừa nhận. - Tôi cũng đã kết luận như vậy. Ở một khía cạnh nào đó tôi cho rằng mình phải chịu trách nhiệm về học thuyết của anh! - Đức Cha tán thành điều đó sao? – Ăngtoan thốt lên, sôi nổi hy vọng. - Tán thành điều đó ư? – Tu viện trưởng nhướng cao lông mày. – Chắc chắn là không rồi. Tại sao tôi có thể như thế được? Các đạo luật của Nhà thờ về vấn đề tà giáo hoàn toàn rõ ràng. - Nhưng sự thực vẫn là sự thực. - Tôi đã nói rằng “các đạo luật hoàn toàn rõ ràng”. Và cũng rõ ràng như những điều trừng phạt đã được quy định đối với những người vi phạm các đạo luật ấy, hãy nhớ lấy điều đó, bác sĩ ạ. Nhớ kỹ lấy điều đó! Sự hào hứng của Ăngtoan giảm hẳn. Nhưng tại sao cha Phêlíp lại có thái độ ôn hoà lạ lùng như thế trong khi ông ta đã xếp bản Điều trần vào loại tà giáo? - Tuy vậy, – tu viện trưởng nói tiếp, – Chúng tôi dự định không biết đến sai lầm của những người đã có đóng góp khá lớn vào sự vinh quang của Nhà thờ. - Nhưng tôi có làm gì đâu... nếu không phải là cha đã nghĩ đến những công việc phẫu thuật của tôi, – Ăngtoan khẽ nói. - Không thể cho rằng Nhà thờ khuyến khích việc mổ xẻ thân thể con người, – cha Phêlíp gay gắt nối. - Trong trường hợp này... Ăngtoan vừa bắt đầu nói đã im bặt. Bức tranh! Cha Phêlíp rõ ràng là đã khám phá ra bức tranh rồi... Điều đó giải thích tất cả, thái độ ôn hoà hiếm có của tu viện trưởng, vấn đề mời đến như thế này... Như Giăng đã nói trước, cha Phêlíp không hề định trả lại bức tranh cho những người chủ của nó. Nhưng Xăngtốt có biết rằng (Ăngtoan rất muốn biết điều này!) chính anh, chính Xécvê này, đã biết những người chủ hợp pháp của nó là ai rồi không? - Khi tôi xác định được rằng trong tu viện có một cửa khoá (tiếng nói của cha Phêlíp lấn át sự suy nghĩ của người thanh niên), tất nhiên tôi đã ra lệnh mở chiếc cửa đó. Và cũng tất nhiên là tôi đã rất ngạc nhiên khi phát hiện được anh đã giấu một thứ gì đó. Anh thấy bức tranh ấy ở đâu? - Trong một cuộn mà tôi không biết ai đã bỏ từ bao giờ ở cuối nhà kho.Cha Phêlíp nhìn vào khoảng không và khi ông ta nói, giọng ông ta bàng quan và lơ đãng. - Rất có thể là bức tranh này ít giá trị. Có khả năng đây là bản sao của một bậc thầy cổ xưa nào đó. - Đây là, – Ăngtoan trả lời không quanh co, – bức tranh Thần vệ nữ của Bôtixeli, bản gỗ. Nó quý vô giá. - Anh có biết chắc chắn điều anh nói không? Tu viện trưởng cúi đầu về phía trước, nóng ruột đợi trả lời. - Tôi đã mời ông Giăng Xavarinô xem. Ông ấy đã thấy bức tranh này trước kia và khẳng định là bản gốc. Tu viện trưởng xoa hai bàn tay gầy vào nhau, hài lòng một cách rõ rệt khi nghe khẳng định về giá trị bức tranh, và ông ta ôn tồn nói: - Anh đã giúp chúng tôi một việc lớn lao, bác sĩ Xecvêtut ạ, vì đã tìm ra một tác phẩm nghệ thuật như thế. Sự hiện diện của nó trong tu viện của chúng tôi sẽ là lời ca ngợi sự quang vinh của Chúa... - Nhưng... Ăngtoan ngừng bặt, hình như trong anh có một sự khôn ngoan nào đó đang bảo anh rằng không nên lộ rõ anh đã biết chủ nhân bức tranh là ai thì tốt hơn. - Anh muốn nói gì? - Tôi muốn nói rằng ngài có biết bức tranh này của ai không? - Rủi thay, tôi không biết. Giọng của tu viện trưởng không ngập ngừng khi ông ta nói ra điều trái với sự thực. - Vì vậy chúng ta chẳng còn phương sách nào khác là để bức tranh ở đây cho an toàn. Như vậy là cha Phêlíp không biết rằng câu chuyện giữa ông ta và ông Belacmi đã bị nghe thấy. Biết rõ chuyện ấy đối với anh sẽ quý báu như thế nào và vào lúc nào, anh chưa nghĩ tới, nhưng anh cảm thấy một cách lộn xộn, tự nhiên rằng không nên bộc lộ nó với tu viện trưởng. - Tôi chỉ sử dụng bức tranh ấy để tập mấy bức phác hoạ, – anh nói, giọng lơ đãng. - Chúng tôi cũng nghĩ như thế khi tìm được cả những bức vẽ thử của anh, cha Phêlíp trả lời làm ra vẻ bàng quan. – Tôi đã để bức tranh ở chỗ tôi, tạm thời thôi. Sau này chúng ta sẽ suy nghĩ để tìm cho nó một chỗ xứng đáng. Ăngtoan cảm thấy người nóng bừng lên vì tức giận, nhưng anh đã tự chủ được. Người anh yêu mến đã bị giam hãm trong căn phòng của Phêlíp, vẻ đẹp ấy đã trở thành vật làm vui cho đôi mắt lạnh lùng với những mi mắt sụp xuống. Còn bản thân anh, Ăngtoan, anh chẳng làm gì được, bất lực, không thể can thiệp vào được. Bỗng nhiên anh giật mình hiểu rõ rằng giấc mơ của anh đã thành hiện thực. Anh được báo trước, nhưng đã không làm gì để tự bảo vệ, dù rằng chính anh đã hiểu rõ sự báo trước huyền bí này. Anh có lỗi lớn lẽ ra anh phải nghĩ rằng người nào đó thấy cửa phòng anh khoá kđánh giá tầm quan trọng của sự phát hiện ấy, có những người chỉ muốn tìm ở đấy chứng cớ của sự chia rẽ, làm ngăn cách các nhà khoa học với Nhà thờ ngày càng nhiều và ngày càng nhanh chóng hơn.Khi Ăngtoan cầm bản in đầu tiên trong tay, anh xao xuyến vì hãnh diện. Những nhà bác học nổi tiếng và những người bảo vệ khoa học cao quý đã mời anh đến gặp mặt. Anh chú ý gửi các bản điều trần đến những nơi, theo Giăng biết, chúng sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn, đến vị thống đốc, tất nhiên thế, và đến những người con cao quý nhất của Cộng hoà Vơnidơ. Bản dành cho cha Phêlíp Xăngtốt được một người đưa thư đặc biệt đưa nhanh đến cho ông, kèm theo lời yêu cầu Tu viện trưởng lưu ý. Một tuần sau Ăngtoan đi Pađu, chính bản thân anh mang một bản đến đưa tận tay giáo sư Phalôpiut. Trong lúc anh đợi xe từ Pađu, một người đàn ông thấp bé béo mập mặc áo bào chế ồn ào chen lên xe trước anh và chỉ cho anh một chỗ ngồi ngay bên cạnh tấm thân béo tốt của ông ta. - Chà! – Ông ta nói – Chúng ta đến vừa kịp giờ, bác sĩ ạ. Ăngtoan ngả đầu một cách lịch sự: - Ông biết tôi sao? - Biết chứ! Tên tôi là Batixta Poocdia. Tôi đã gặp ông nhiều lần ở Pađu và ông cũng đã chữa bệnh cho một người bạn của tôi. Ông ta nói tên một giáo sư mà Ăngtoan đã chăm sóc trong tình trạng viêm da cấp tính rồi hỏi: - Ông về trường đại học đấy à, bác sĩ? - Một ngày thôi. Tôi đang nghỉ hè ở Vơnidơ. - Ồ! Vơnidơ!... Ông ta mỉm cười thán phục và bộ mặt hồng hào sáng lên: - Thành phố tuyệt vời! Kỳ quan của những kỳ quan! Đây là đô thị ước mơ của giới tuổi trẻ. - Tôi đến đấy nghiên cứu một số vấn đề đặc biệt, – Ăngtoan nói một cách nghiêm nghị.- Tôi cũng nghe nói thế, tôi cũng nghe nói thế! – Ông Poocdia sốt sắng nói. – Cả Vơnidơ đang nói đến phát hiện y học lớn lao của ông đã thông báo cho mọi người. Ăngtoan không giữ nổi mỉm cười. Anh vẫn chưa thể tin được rằng tiếng vang do bản điều trần của anh gây ra lan truyền trong thành phố nhanh như thế. Nếu những người bào chế còn biết đến sự việc này thì những người khác không bao lâu nữa cũng sẽ biết. Anh phản đối: - Đây chỉ là một xác định bình thường về mặt cơ thể học. Vấn đề ấy được phát hiện từ trước, do anh tôi là Misaen Xecvêtut tìm ra! Ông Poodia gật đầu tỏ vẻ kính trọng: - Tôi đã may mắn được đọc nhiều tác phẩm của anh ông. Ông ấy là một người vĩ đại và một nhà bác học. Ăngtoan không thể ngăn mình không hào hứng trước sự quan tâm hữu nghị mà người hành khách thấp béo đã biểu lộ, anh bớt thái độ lạnh lùng thông thường trước những người không quen biết. - Ông nói như vậy thật là quý hoá! - Trước kia tôi chưa biết những công trình của ông ấy về tuần hoàn phổi. – Poodia tiếp tục nói. – Nhưng các học thuyết của ông ấy về thần học thật là lành mạnh, vô cùng lành mạnh. Ông ta đảo mắt nhìn trong xe rồi thấp giọng xuống: - Tôi cứ ước ao rằng ông sẽ xuất bản một vài văn bản đặc biệt của ông ấy. Ông có dự định như vậy không? Ăngtoan cau mày. Do cha anh đã cấm anh ngay sau buổi hành hình, anh chưa bao giờ đọc những học thuyết thần học đã đưa anh mình đến chỗ bi đát như thế. Thật là ngẫu nhiên, trong khi đang học y khoa, anh đã bắt gặp đoạn nói về tuần hoàn phổi. Nhưng từ khi anh xác định được rằng Misen đã nói đúng ở một điểm nhất định, anh cảm thấy mình sẵn sàng tin rằng anh ấy có thể đúng ỏ nhiều điểm khác nữa. Người thấp béo có vẻ biết nhiều vấn đề mà anh cũng muốn biết. - Tôi biết rất ít về khía cạnh đó trong đời sống của anh tôi, – anh khẽ nói. – Anh ấy hầu như không bao giờ ở nhà. - Thật đáng tiếc! – người kia thở dài. – Bản thân tôi không quen nhưng tôi có một người bạn linh mục là người tin cẩn của ông ấy, cha Giắc Sácmiê ấy mà. - Tôi có được biết về cha Sácmiê, – Ăngtoan thừa nhận, – Tôi chưa bao giờ gặp người nhưng có biết rằng anh tôi và người rất gắn bó với nhau. - Như thầy và trò vậy. Chính do người mà tôi biết rằng điều luật vận dụng để anh của ông bị hành hình là bất hợp pháp. Ăngtoan nhìn chằm chặp vào người thấp lùn. Tại sao người này lại biết những sự việc ấy nhỉ? Hắn ta muốn đi đến đâu đây? - Ông có thể nói cho tôi biết rõ hơn nữa không? – anh hỏi khẽ hơn. - Đạo luật Giuyxtiniêng bị chính phủ Thuỵ Sĩ bỏ đi đã lâu năm, – ông Poocdia thì thầm nói tiếp. – Trong khi ấy thì đạo luật này vẫn được thực hiện ở Rôma. Chính các toà án của Giáo hoàng đã dùng luật ấy để buộc tội anh của ông. Lúc này xe đã đầy người và bắt đầu chuyển bánh. Ăngtoan nhận thấy nhiều hành khách nhìn anh một cách tò mò, không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã theo dõi câu chuyện. - Có lẽ chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện này ở chỗ khác và vào lúc khác chăng? – anh gợi ý. - Đúng đấy. – người đàn ông thấp bé đồng ý ngay. – Tôi sẽ có thể đến thăm ông ở nơi ông ở vì tôi đến Vơnidơ luôn để mua các vị thuốc cho hiệu bào chế của tôi. - Tôi ở nhà ông Giăng Xavarinô, phố Galide Vaxca. - Tôi biết, – ông Poodia nói. – Tôi xác định rằng tôi có nhiệm vụ đến chào ông. Có lẽ sau khi tôi được đọc bản Điều trần nổi tiếng của ông. Sau lúc ấy họ nói đến các vị thuốc, vấn đề mà ông Poocdia dù bản thân là nhà bào chế, mà thật kỳ lạ, hình như chẳng biết gì cả. “Đúng là ông Poocdia này hiểu biết về những vấn đề về thần học hơn nhiều”. Ăngtoan nghĩ như thế.